;
1/Con người bắt đầu từ đâu
Năm mới bắt đầu từ mùa xuân, con người bắt đầu từ “Danh và Sắc” (1). Danh mang nghĩa trừu tượng, không thể nắm bắt, nếm ngửi, đụng chạm(2). Tạm mượn ngôn ngữ để gọi đó là “Tâm”. Hoạt động của tâm được hiểu là “tâm lý” để phân biệt với tướng trạng “vật lý” biểu hiện qua tướng trạng của Sắc.
Sắc chỉ có hình sắc, hình dáng, sắc chất cấu tạo nên cơ thể vật lý.
Mục tiêu cơ bản của con người (tâm lý lẫn vật lý) là hạnh phúc và mưu cầu hạnh phúc.
Vậy để tìm ra hạnh phúc an vui, chúng ta cần tập trung phân tích hai tướng trạng của Tâm đó là Tâm hướng Thiện và Tâm hướng Thượng.
2/ Hành trình của Tâm hướng Thiện
a. Phân định Thiện tâm và Ác tâm
Đường dẫn của Tâm phải đi từ: Hướng Thiện đến hướng Thượng.
Vì sao? Vì đối tượng ban đầu của Tâm là Thiện để đối trị cái Xấu, Ác vốn được huân tập và nuôi dưỡng dưới dạng Tham, Sân và Vô Minh.
Dưới góc nhìn thô thì Tham và Sân dẫn dắt tâm làm điều Ác bằng hành động và ngôn ngữ.
Còn ở góc nhìn vi tế thì vô minh thuộc lão tướng trên chiến trường chống lại cái Thiện. Vì theo sau Vô Minh có 11 Đại tướng tạo thành vòng Kim Cô với 12 chi phần khép kín (3). Vô Minh dẫn tâm tạo điều Ác thông qua ý nghĩ.
Ý nghĩ là biểu hiện của Tâm. Cho nên Kinh Pháp Cú chép ”Ý dẫn đầu các pháp. Ý làm chủ, Ý tạo....”(4) con người đau khổ vì Vô Minh dẫn lối cho Ý tạo nghiệp Ác.
Thế nên, trên lộ trình sống tốt, sống đẹp không gì quý hơn là sống thiện với Tâm hướng Thiện.
Nhờ tâm hướng thiện tạo tiền đề minh định ranh giới giữa phạm trù Thiện - Ác. Chọn Thiện là chọn con đường lợi mình lợi người và ngược lại.
Như vậy, tâm hướng thiện cần phải được định hình, nuôi dưỡng, phát triển ngay từ khi con người bắt đầu biết nhận thức thế giới xung quanh.
Biểu hiện của tâm hướng thiện là lòng trắc ẩn, bi cảm, thương yêu, muốn chia sẻ những nỗi khổ niềm đau với mọi người mà không có ý niệm muốn họ phụ thuộc hay đền đáp lại sự quan tâm chia sẻ của mình.
b. Tâm thiện là tâm bình đẳng
Điều này dễ bị nhầm với tình yêu chiếm hữu và tình cảm ích kỷ. Cho nên, tâm hướng thiện cần xác định rõ phạm vi hoạt động là xem tất cả chúng sinh (con người và muôn loài) đều bình đẳng. Chia sẻ khó khăn cho họ cũng là xây dựng hạnh phúc cho mình. Đem an vui cho họ cũng chính là chế tác bình an cho mình. Cụ thể, hạnh phúc của bố mẹ là hạnh phúc của con. Sự an lạc của chồng chính là an vui của vợ.
Khi tâm hướng thiện có mặt trên tinh thần bình đẳng, chúng ta sẽ tạo ra từ trường thiện lành cộng hưởng lẫn nhau. Trong bạn có tôi và trong tôi có bạn. Trong con có bố mẹ và trong bố mẹ có con. Đem tâm thiện hướng về người khác cũng có nghĩa là ta đã được nhận lại trọn vẹn tâm thiện vừa phát khởi.
3/ Hành trình của Tâm hướng Thượng
a. Tương quan giữa Tâm hướng Thiện và Tâm hướng Thượng.
Muốn hướng Thượng bắt buộc phải thuần thục Tâm hướng Thiện. Vì động lực, sức mạnh của hướng Thượng hoàn toàn được tạo ra từ hướng Thiện.
b. Tâm hướng Thượng là thế nào?
Là tâm hướng về nơi cao thượng. Có 3 đối tượng để Tâm hướng Thượng được sinh khởi theo trình tự từ thấp đến cao:
b.1. Cha Mẹ
Đây là đối tượng căn bản cần hướng đến. Cha Mẹ là người sinh thành, tạo ra hình hài, đem hạnh phúc bình an đến cho chúng ta. Đối với chúng ta, Cha Mẹ là ơn trên, là đấng tôn quý, cao cả, thiêng liêng. Bổn phận làm con là báo đền ân thâm sinh dưỡng. Dùng thiện tâm hướng về Cha Mẹ là biết hướng Cha Mẹ quy kính Phật, Pháp và Tăng vì hiếu không chỉ cho ăn ở sung túc mà còn phải dẫn dắt Cha Mẹ lánh ác làm lành.
b.2. Tổ quốc
Đây là đối tượng bao quát trên phương diện tổng hoà xã hội. Nếu Cha Mẹ được ví như gia đình nhỏ thì Tổ quốc là gia đình lớn. Hay nói rộng hơn là môi trường sống.
Tuy không trực tiếp nuôi lớn chúng ta nhưng thiếu Tổ quốc chúng ta trở thành kẻ không nguồn cội, thiếu môi trường tốt chúng ta không thể trưởng thành khôn lớn.
Mặt đất nuôi dưỡng vạn vật. Từ đây, muôn loại sinh trưởng. Chúng ta chịu ân của Tổ quốc, thiên nhiên vì đã đem đến cơ hội sinh sống an toàn cho chúng ta và cho tất cả.
Tâm hướng Thượng dành cho Tổ quốc và thiên nhiên là ý thức tôn trọng pháp luật, kỷ cương phép tắc hành xử cộng đồng. Tôn trọng và bảo vệ thiên nhiên, môi trường trước thảm hoạ khôn lường của biến đổi khí hậu và chiến tranh.
Biển là một phần của thiên nhiên. Hiến pháp là nền tảng của Quốc gia. Nhưng nếu để biển nổi giận vì sự vô tình của con người thì hậu quả sẽ khó tính được. Một khi Hiến pháp được sử dụng như công cụ trừng phạt sự vô trách nhiệm của một cá nhân có hành vi tổn hại lợi ích cộng đồng thì quyền tự do cá nhân chỉ còn giới hạn trong bốn bức tường của nhà giam.
Vì thế, tự do và hạnh phúc khi chúng ta biết hành xử bằng tâm hướng thượng với xã hội và môi trường. Tư duy tích cực đó sẽ tạo ra sự bền vững cho cá nhân trong tổng hoà chung của nhân loại.
b.3. Lý tưởng phụng sự
Tâm hướng Thượng đâu chỉ dừng lại ở gia đình nhỏ hoặc gia đình lớn. Tâm đó cũng không bị chi phối bởi đời sống này hay hạnh phúc ngắn ngủi trong hoàn cảnh hiện tại.
Tâm hướng Thượng sẽ trở nên cao cả khi chúng ta biết xây dựng trên Lý Tưởng Phụng Sự tha nhân. Cụ thể là chọn đời sống tự do như chim đại bàng tung cánh, thong dong như mây trắng nhẹ nhàng trên bầu trời xanh.
Đây là tâm hướng Thượng cao nhất, cần có ý chí dũng mãnh vượt qua giới hạn cái tôi cá nhân, rèn luyện đời sống tự tại trước mọi gian khó, làm chủ được những ham muốn về tham dục...
Lý tưởng phụng sự luôn sẵn có trong chúng ta. Chỉ cần đưa tâm hướng thượng về đối tượng phụng sự thì khả năng thành tựu sẽ rất lớn.
Con đường thực hành tâm hướng thượng cao cấp là sự xuất ly (xuất gia và ly hẳn tham dục). Đây là phương thức duy nhất mà chư Phật, chư Bồ tát, chư Tổ sư ba đời (quá khứ, hiện tại, vị lai) đã đi. Như vậy, nếu khởi động được tâm hướng thượng về với lý tưởng phụng sự tha nhân thì không còn cách nào hoàn hảo hơn nữa.
Người có tâm hướng thiện nhưng chưa phát khởi tâm hướng thượng chỉ là người được nhìn được quả táo mà chưa nếm được vị ngọt của nó.
Cũng vậy, tâm hướng thượng nếu chỉ dừng lại ở hạnh phúc thế gian thì chẳng khác nào người đã vào kho vàng nhưng chỉ mang đi toàn sắt vụn.
4/ Kiếp sống là sự tương tục
Kiếp sống này chỉ mới bắt đầu cho tiến trình tiếp nối sự sống mai sau. Vì con người là một dạng năng lượng nó sẽ không mất đi mà chỉ thay đổi từ dạng năng lượng này sang dạng năng lượng khác.
Điều quan trọng là “Danh và Sắc” sẽ tạo ra năng lượng tích cực hay tiêu cực bởi dòng tương tục của năng lượng sẽ chi phối đời sống tiếp theo của chúng ta.
Vì thế đừng lãng phí kiếp người trong vô vọng, đừng đặt tâm hướng thiện và hướng thượng vào giới hạn nhỏ hẹp. Hãy để nó đúng chỗ và tạo môi trường cho “Danh và Sắc” rộng lớn bao la như hư không. Vì chỉ có hư không mới đủ sức dung chứa tất cả chúng sinh.
Vô Trí
Chú thích:
(1): Kinh Mi Tiên Vấn Đáp, dịch giả Hoà thượng Giới Nghiêm, nhà xuất bản Phương Đông, tr.135, Cái Gì Dẫn Dắt Tái Sanh, số 21
(2) Kinh Mi Tiên Vấn Đáp, dịch giả Hoà thượng Giới Nghiêm, nhà xuất bản Phương Đông, tr.140, Danh Sắc Tương Quan Liên Hệ, số 23
(3) Mười hai Nhân duyên:
- Vô Minh duyên Hành
- Hành duyên Thức
- Thức duyên Danh Sắc
- Danh Sắc duyên Lục Nhập
- Lục Nhập duyên Xúc
- Xúc duyên Thọ
- Thọ duyên Ái
- Ái duyên Thủ
- Thủ duyên Hữu
- Hữu duyên Sinh
- Sinh duyên Lão, Tử, Ưu bi, Khổ não
Kinh Tạp A Hàm, Đại Tạng Kinh Việt Nam, số 31, tr.632, Kinh số 298
(4) Kinh Pháp Cú, Dịch giả Hoà Thượng Minh Châu, nhà xuất bản Tôn giáo, tr. 11, phẩm Song Yếu I.