;
Một bài viết thiếu khách quan
Bạn đọc có đề nghị tôi bình luận về nhiều bài viết trên truyền thông đại chúng về thương mại hóa cơ sở Phật giáo, xây chùa to Phật lớn, bán vé thu tiền dịch vụ khi đi chùa…
Ở đây, tôi xin xin có ý kiến bình luận chung, vì số lượng bài viết, video… về việc này quá nhiều, bao gồm rất nhiều ý. Sắp tới, nếu có thời gian tôi sẽ cố gắng bình luận riêng từng chiều cạnh tách rời của vấn đề.
Trước hết, phải thấy đây là chiến dịch tập kích truyền thông vào Phật giáo Việt Nam với mục tiêu đánh sập chùa.
Đây là đợt thứ hai của hoạt động tập kích truyền thông nhằm vào Phật giáo Việt Nam, tiếp sau đợt tập kích thứ nhất đánh vào việc chùa chiền thu hút đông đảo người đi cúng sao.
Rất dễ thấy mối liên hệ của hai đợt tập kích này. Đợt sau tiếp lần đợt trước, ào ạt, phủ đầu, hỏa lực mạnh mẽ tập trung, ác liệt.
Cả hai đợt tập kích truyền thông đều có cùng xuất phát điểm. Đó là những CON MẮT ĐỎ CẠCH nhìn vào dòng người đi chùa đông đảo đầu năm.
Động cơ sâu xa của các đợt tập kích truyền thông là gây tổn thương cho Phật giáo Việt Nam, cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam; kiềm chế Phật giáo Việt Nam, ngăn trở Giáo hội Phật giáo Việt Nam, triệt các đường phát triển của Phật giáo Việt Nam. Nói ngắn gọn là muốn ĐÁNH SẬP CHÙA.
Đợt tập kích truyền thông đầu tiên trong năm, truyền thông đại chúng có thể có nội ứng, hợp đồng tác chiến, kích hỏa tạo xung lực sát thương.
Đến đợt tập kích thứ hai, sau trận đánh cúng sao thành công, thì người bóp cò là những nhà nghiên cứu văn hóa, là các giáo sư tiến sĩ, là nhà báo…, thậm chí là đại biểu quốc hội.
Cả hai đợt tập kích truyền thông đều có chung một mục tiêu xây dựng trên truyền thông đại chúng hình ảnh một Phật giáo Việt Nam biến chất, suy đồi, con buôn.
Quan hệ chùa và người đi chùa trở thành quan hệ gạt gẫm, trục lợi, làm tiền, móc túi. Người đi chùa là những nạn nhân của một trò lừa hương khói quy mô lớn và kéo dài, đáng thương hại và đáng phẫn nộ giúp.
Đàng sau những hình ảnh bề mặt đó, thì kín đáo hơn, dè dặt hơn là hình ảnh các vị lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam chủ yếu là ở miền Bắc.
Trong đợt đánh cúng sao, báo chí cứ kêu tên trụ trì chùa Phúc Khánh Hà Nội.
Còn trong đợt đánh chùa công ty hiện đang diễn tiến có bài báo đưa ảnh chụp giấy “Ghi nhận công đức” ghi tên trụ trì, đồng thời là một vị lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Tuy nhiên, Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam vẫn chưa nhận thức đây là giai đoạn 2 của một chiến dịch tập kích truyền thông, mở đầu từ mùng 7 Tết Âm lịch.
Mục tiêu trước mắt của đợt tập kích truyền thông thứ 2 này vào Phật giáo Việt Nam là không muốn có những ngôi chùa đồ sộ nữa, sau chùa Bái Đính -Tràng An (Ninh Bình), chùa Tam Chúc – Ba Sao (Hà Nam), khu tâm linh Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), ở đảo Cái Tráp (Hải Phòng), là những điểm soi của báo chí. Họ muốn hình thành một luồng dư luận xã hội chống lại việc xây chùa lớn.
Trong bối cảnh khói lửa truyền thông mịt mù vây bọc Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đó, các nhà lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam chưa thực sự vào cuộc nhằm định hướng chấn chỉnh dư luận.
Các phương tiện truyền thông chính thức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam hầu như không thấy, không nghe, không biết, vẫn yên tĩnh, nhẹ nhàng, thanh thoát, như chẳng có gì quan tâm.
Một số trang web, trang mạng xã hội Phật giáo đăng lại một số bài tập kích truyền thông vào Phật giáo, nhưng có trang dường như đồng tình (không bình luận phản ứng), có trang đăng cả 2 luồng ý kiến, đồng tình lẫn phê phán.
Phản ứng như thế có vẻ như Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nếu không phải nhận chịu cúi đầu, thì cũng lúng túng, bối rối, không biết giải quyết ra sao, hay phân hóa, chia rẽ, ý kiến bất đồng hỗn loạn.
Từ cơ sở nhận thức đây là một đợt tập kích truyền thông vào Phật giáo Việt Nam, vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Thông tin Truyền thông và tăng ni Phật tử không nên im lặng, mà nên có những phản ứng phù hợp, dĩ nhiên trước hết là bằng truyền thông.
Nếu Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tăng ni Phật tử không phản ứng, phản ứng không thích hợp, phản ứng không đúng mức, phản ứng không hiệu quả, thì vô tình phía Phật giáo lại tạo môi trường để khủng hoảng truyền thông lan rộng, làm xấu hơn nữa hình ảnh Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các nhà lãnh đạo Phật giáo Việt Nam, gián tiếp khuyến khích những người tổ chức tập kích truyền thông làm tới.
Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các nhà lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam là đối tượng tập kích truyền thông cấp tập, dồn dập, từ đủ mọi chiều cạnh trong dịp đầu năm nhưng không thể phản ứng hữu hiệu, sẽ là điều chẳng lành cho Phật giáo Việt Nam, cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong năm mới.
Điều này diễn ra trong bối cảnh Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai Vesak 2019. Hoan hỷ chưa được bao nhiêu, chưa thấy hình ảnh được tôn cao trên truyền thông, thì đã ụp xuống bao nhiêu là điều tiếng nặng nhẹ, châm chích. Đến nỗi, việc cất chùa cho tương xứng cũng bị coi là việc tiêu cực.
Liệu sau cú tập kích truyền thông này, có mà thêm được kế hoạch làm ngôi chùa lớn nào nữa? Trong khi một số chùa cho biết, sau đợt tập kích khách lễ chùa cúng sao vào đầu năm, thì số lượng khách đi chùa sau đó so với cùng thời điểm năm rồi giảm hẳn.
Quy mô hàng chục tờ báo lớn cùng ào ạt vào trận tập kích thì kết quả chắc chắn là không thể xem thường.
Vì những lẽ trên, ngoài việc tổ chức ứng phó khủng hoảng truyền thông, không nên bỏ mặc, im lặng, phó mặc, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thiết tưởng cần chú ý đến việc giải quyết khủng hoảng truyền thông với một quy mô thích hợp tương xứng.
Quan hệ giữa Phật giáo Việt Nam, giữa Giáo hội Phật giáo Việt Nam với một bộ phận truyền thông đại chúng (mà ở Việt Nam, báo chí chính thức đều do chính quyền quản lý) là rất xấu.
Đợt tập kích truyền thông vừa rồi và đang diễn ra, hết tờ báo nọ đăng bài đến tờ báo kia đăng bài, có thể có ngày bài đăng làm xấu hình ảnh Phật giáo được đăng đồng loạt nhiều bài. Cho nên, vừa phải ý thức đối phó, vừa phải đối phó có hiệu quả đúng tầm, mà ở đây là bút chiến với nhiều phóng viên, biên tập viên của nhiều tờ báo lớn.
Nếu phản ứng mà ngờ nghệch, nón kém, quê mùa thì kết quả lại còn tệ hại hơn nữa. Chẳng hạn, khi soi chùa Bái Đính, người ta đặt vấn đề quy định của Bộ tài chính đối với giá vé gửi xe, tính hợp pháp của Giấy ghi nhận công đức ký đóng dấu khống, vé tham quan bảo tháp vừa đóng dấu chùa có đúng quy định, việc thực hiện pháp luật về thuế…
Chủ ý của phóng viên là muốn kích hoạt thanh tra thực hiện pháp luật về thuế đối với doanh nghiệp tổ chức hoạt động kinh doanh.
Xét diễn biến tập kích truyền thông vào Phật giáo Việt Nam, vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam thời gian qua, thì Ban Thông tin Truyền thông Giáo hội Phật giáo Việt Nam nên đặt lên bàn phương án lập một tổ tư vấn đối phó khủng hoảng truyền thông phản ứng nhanh tham mưu cho Hội đồng Trị sự và Ban Thông tin Truyền thông Giáo hội Phật giáo Việt Nam để có những phản ứng kịp thời, phù hợp và có kết quả, giữ gìn hình ảnh tốt đẹp của Phật giáo Việt Nam, của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trên truyền thông.
Năm nay, nếu Giáo hội Phật giáo Việt Nam cứ để khủng hoảng truyền thông diễn ra như thế này, thì dù Vesak 2019 có thành công rực rỡ, thì cũng không thể cứu vãn hình ảnh trên truyền thông đại chúng.
MT
Hoang du
Tuỳ duyên hoả độ Đừng nhìn mà nên so sánh Nếu đại tháp nơi phật thành đạo không xây to lớn thì còn dấu tích đâu mà ...... Đại phật ( Nhật bổn , Đài loan , trung quốc ... ....) Xây chùa to phật lớn là cần thiết , minh định tâm hướng phật....... Tâm nhỏ bé nhà ở nhỏ bé ....... Hoan hỷ việc xây chùa tạo duyên cho mọi người đến với Đạo phật
Thích 3 Trả lời 3/9/2019 7:26:02 AM