;
Người Phật tử chân chính, nếu không biết tu thì mình sẽ đụng chạm tới rất nhiều người, bởi thế gian này luôn tranh giành, sát phạt lẫn nhau; nhưng khi chúng ta có tu, quý vị dám bảo đảm là mình sẽ không đụng chạm gì đến mọi người hay không?
Khi mình tin Phật thì sẽ làm cho các loài ma rất lấy làm khó chịu, bởi chúng mất đi một bạn đồng minh và làm những người theo ma cũng ghét lây. Chúng ta thấy rõ ràng giữa đời này ma nhiều vô số kể, chúng ta chỉ tin Phật thôi là đã đụng chạm đến nhiều người lắm rồi; nhưng ma ở đây là gì? Ma là những gì làm hại cho người và vật, cả vật chất lẫn tinh thần.
Mình tin pháp Phật là những lời dạy chân chính thì sẽ đụng đến các tà thuyết bất chính làm mê hoặc lòng người. Vì thế, mình nói đúng Chánh pháp và thực hành đúng Chánh pháp là đã đụng chạm đến các người tuyên truyền tà thuyết và mê tín dị đoan, để làm mờ mắt thiên hạ.
Chúng ta tin chư Tăng những người tu hành chân chính thì sẽ đụng chạm tới các thầy tà, bạn ác đội lốt tu sĩ nắm quyền điều hành giáo hội. Chúng ta nếu thật sự chỉ biết đi chùa tụng kinh, lễ Phật, làm công quả, ngồi thiền và buông xả các tạp niệm xấu ác thì ta đâu có thời gian, để đi nói xấu người này người kia, ấy thế mà vẫn đụng chạm tới quyến thuộc của “ma”.
Chúng ta tin giới pháp của Phật và áp dụng tu hành là đã đụng chạm tới những sinh hoạt phi đạo đức, gây ra các tệ nạn xã hội, làm khổ đau cho nhân loại. Thế cho nên, việc mình có niềm tin vững chắc đối với Tam bảo thôi, thì mình đã đụng chạm tới những người không tin sâu nhân quả và cho rằng chết là hết.
Người đời vì không hiểu nên thích giết hại sinh vật để ăn, tranh giành nhau để sống, tàn hại, huỷ hoại người khác để mưu cầu lợi ích cho riêng mình. Người Phật tử chân chính, khi đã tin Phật rồi thì lại không thích làm tổn hại đến người vật, vì đó là nhân dẫn đến oán giận thù hằn, làm khổ đau cho nhau. Đại đa số đều cho rằng“vật dưỡng nhơn” nên họ mặc tình sát sinh hại vật, họ công khai giết và còn khuyến khích nhiều người khác giết. Người Phật tử không giết hại mà còn khuyên nhủ mọi người phóng sinh giúp người cứu vật, thế là càngđụng chạm lớn đến họ. Suy cho cùng có cuộc sống là có đụng chạm, dù ta không thích đụng chạm nhưng vẫn cứ phải đụng chạm hoài.
Chúng ta ưa tôn trọng công bằng, lẽ phải, muốn sự sống này đều được bình đẳng, để ta cùng đóng góp giúp đỡ cho nhau nhưng đâu có được, vì có những người luôn lợi dụng quyền cao chức trọng để bóc lột, chèn ép kẻ dưới. Phật dạy: mong muốn mà không được như ý là khổ. Tiền bạc tài sản do công sức mình làm ra phải tiết kiệm lắm mới dư chút đỉnh, giờ lại bị kẻ khác lấy đi thì ai chẳng buồn khổ, vậy mà vẫn có một số người vì lười biếng, ham hưởng thụ nhiều, hoặc kẻ có chức quyền đã bớt sén của người khác; thế là cuộc sống phải chịu đụng chạm, cọ xát đủ thứ hết khó mà tránh khỏi. Người khôn ngoan, sáng suốt biết tạo nhân lành thì ít bị tai hoạ, còn số đông phải chịu nhiều đau khổ lầm mê, do không có hiểu biết chân chính.
Phật dạy người Phật tử không ngoại tình mà còn hay sống chung thủy một vợ, một chồng, nhưng những người có thói quen đuổi bướm bắt hoa ham mê của lạ, thích sắc đẹp thì lại thích như vậy, nên ta phải đụng chạm tới họ.
Người đệ tử Phật chỉ thích nói lời chân thật, nói đúng chân lý, không nói dối để lừa gạt người khác; nhưng hễ nói lời ngay thẳng thì sẽ đụng chạm kẻ điêu ngoa, xảo trá, hễ nói sự thật thì sẽ đụng chạm đến người nói dóc, nói láo, nói dối. Người Phật tử chân chính, ai lại đi nói dối để lừa gạt người khác phải không quý vị, chỉ cần mình nói thiệt thôi là đã đụng chạm đến người khác rồi, chúng ta thà mích lòng trước, đặng lòng sau còn hơn là sống trên sự giả dối, lừa đảo lẫn nhau.
Rượu thuốc, xì ke, ma tuý tác hại đến chừng nào, nhưng thế gian lại tiêm nhiễm nặng những thứ ấy, gây bệnh hoạn, làm mất an ninh, trật tự, bạo lực gia đình, rồi dẫn đến hiếp dâm, trộm cướp, lừa đảo, làm gia đình chia ly, tan nhà nát cửa, và cuối cùng là tù tội. Chúng ta đâu có muốn như vậy mà vẫn bị nhiều người phê phán, chỉ trích kẻ đó ngu, không biết hưởng thụ gì hết. Mình đâu có giành bia ôm, rượu thịt của họ mà ăn nhưng vẫn cứ bị đụng chạm hoài.
Thế cho nên, quý vị thấy, mình thật tu thì cũng bị đụng chạm tới những người không chịu tu, vậy hỏi làm sao để thế gian này thật sự được hoà hợp vui vẻ sống với nhau. Không thể có chuyện đó được, ai khôn thì nhờ, ai ngu thì chịu sống trong đau khổ làm mê từ đời này qua kiếp khác thôi.
Thiên ma ba tuần khi nghe tin Phật đang thiền định dưới cội Bồ-đề, nó tìm đủ mọi cách quấy nhiễu để ngăn Phật thành đạo, nhưng không làm gì được Phật. Tại vì sao? Đức Phật dùng cây cung thiền định và lưỡi kiếm trí tuệ để quét sạch chúng ma. Đến khi thành Phật rồi, Thiên ma lại muốn Ngài mau nhập Niết Bàn sớm, để họ được quyền làm nhiễu loạn thế gian, tất cả đều là chúng ma hết dưới nhiều hình thức. Bởi vậy, người tu theo Phật là đụng chạm tới sự tham lam, ích kỷ của thế giới loài ma. Người Phật tử chân chính, cũng muốn dìu dắt họ đi lên để chuyển hoá cõi ma thành cõi Phật, nhưng chúng có chịu nghe đâu, chúng cứ bày trò níu kéo lẫn nhau, để kích thích lòng tham lam của con người.
Thế cho nên, sống giữa cuộc đời, người biết gìn giữ giới đức để không bị rơi vào hố sâu của tội lỗi, rất là khó. Chúng ta phải can đảm, mạnh dạn, quyết tâm lắm mới có thể vươn lên vượt qua cạm bẫy cuộc đời, vì chúng ma đông vô số. Nếu chúng ta không tu thì đụng đâu chửi đó, đánh đấm, mạ luỵ lẫn nhau, đụng chạm liên miên không có ngày thôi dứt.
Người có tu thì khéo sắp xếp hơn, tuy có đụng chạm đôi ít nhưng cũng không sao. Vì mình có sự kham nhẫn, sức chịu đựng trong suốt quá trình tu học để chuyển hoá chúng ma, quay về nương tựa Phật. Chúng ta thường tự hào rằng, mình tu rồi thì ai cũng thương, cũng kính, cũng mến và quý trọng? Không có chuyện đó đâu quý vị, chúng ta đừng có mơ mộng ảo huyền. Ta càng tu thì càng bị nhiều người khảo hạch, chống đối; ví như muốn biết mình không còn nóng giận nữa thì bị người trách mắng, đánh chửi, coi ta có động tâm hay không?
Hiểu được như vậy, chúng ta mới cố gắng, kiên trì, bền bỉ trong từng phút giây để có cơ hội sống được trọn vẹn với niềm tin không thối chuyển của mình trên bước đường tu tập, chuyển hoá. Thật ra, cuộc đời rất đẹp và trong sáng như những vì sao lấp lánh ban đêm, chỉ có tâm ma của con người mới tạo ra oan trái cuộc đời.
Thế gian này, người biết quy hướng về Phật pháp rất là ít, vì họ bị bộn bề công việc, mắc lo cơm áo gạo tiền,chúng ma đồng hóa nên không có thời gian tìm hiểu tu theo đạo Phật, nên đa số rơi vào si mê lầm lạc, khổ đau. Phật thấy rõ sự tác hại của nó nên vì lòng từ bi mà khuyên nhủ mọi người hãy sống có ý thức và trách nhiệm, thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau bằng tình người trong cuộc sống.
Khi ta có niềm tin vững chắc thì bước đi càng rộng mở, không có gì có thể ngăn cản bước ta đi. Người Phật tửcần phải nuôi dưỡng và xây dựng niềm tin chân chính, tin sâu nhân quả, tin mình là chủ của bao điều họa phúc và tin tâm mình là Phật nhờ biết cách buông xả. Trong cuộc sống, Đức Phật luôn nhấn mạnh về lòng tin sau khi có trí tuệ, xem đó là động lực thúc đẩy mọi sự tiến bộ của con người trong suốt quá trình tu tập và chuyển hoá hướng đến mục tiêu giác ngộ, giải thoát.
Đức Phật dạy có 10 điều chớ vội tin:
1-Chớ vội tin một điều gì chỉ vì điều đó là truyền thuyết.
2-Chớ vội tin một điều gì chỉ vì điều đó thuộc về truyền thống.
3-Chớ vội tin một điều gì chỉ vì điều đó được nhiều người nhắc đến hay tuyên truyền.
4-Chớ vội tin một điều gì chỉ vì điều đó được ghi lại trong kinh điển hay sách vở.
5-Chớ vội tin một điều gì chỉ vì điều đó thuộc lý luận siêu hình.
6-Chớ vội tin một điều gì chỉ vì điều đó phù hợp với lập trường của mình.
7-Chớ vội tin một điều gì khi điều đó được căn cứ trên những dữ kiện hời hợt.
8-Chớ vội tin một điều gì chỉ vì điều ấy phù hợp với định kiến của mình.
9-Chớ vội tin một điều gì chỉ vì điều ấy được sức mạnh và quyền uy ủng hộ.
10-Chớ vội tin một điều gì chỉ vì điều ấy được các nhà truyền giáo hay đạo sư của mình tuyên.
Bài kinh trên Phật dạy cho người Kalmala, sau khi họ thỉnh cầu như sau: Kính bạch đức Thế Tôn, có rất nhiều vị đạo sư đã đến thăm chúng con, người nào cũng tuyên truyền rằng đạo của họ là chân lý. Kính bạch Ngài, chúng con không biết lời chỉ dạy của ai là đúng để tin theo và áp dụng hành trì.
Phật không trả lời ngay câu hỏi mà hỏi lại họ: Người hay sát sinh hại vật có từ bi hay không? Dạ thưa không.Người hay gian tham, trộm cướp, lường gạt của người có từ bi hay không? Dạ thưa không. Người hay uống rượu say sưa làm não hại thân tâm có từ bi hay không? Dạ thưa không. Đức Phật của chúng ta rất khéo léo dẫn dụ, bắt buộc mọi người phải cân nhắc, suy nghĩ và thể nghiệm lời dạy đó rồi mới tin.
Một niềm tin chân chính phải đi theo với một lý trí xét đoán, hiểu rồi mới tin thì lòng tin ấy mới là chánh tín.Chúng ta đến với đạo Phật, tin Phật mà không hiểu Phật tức là phỉ báng Phật, và vô tình làm lu mờ chánh pháp Phật-đà.
Vậy niềm tin và lập trường vững chắc của người Phật tử là gì? Nói chung, niềm tin chân chính rất quan trọng và tối cần thiết trong đời sống con người, nếu niềm tin không đúng chân lý sẽ dẫn chúng ta rơi vào mê tín dị đoan, hoặc tin sau khi chết là hết làm cho nhân loại dễ dàng rơi vào hố sâu tội lỗi. Thế cho nên, trước khi tin bất cứ điều gì, ta phải cần xem xét và cân nhắc kỹ lưỡng, coi lời dạy của học thuyết đó có gì lợi ích cho nhân loại hay không? Đây là cách thức xây dựng niềm tin chân chính cho người Phật tử, sau khi phát sinh trí tuệ nhờ văn, tư, tu theo lời Phật dạy.