;
Tỉnh Đắk Lắk được cho là trung tâm của vùng cao nguyên với thành phố Buôn Ma Thuột đã trở nên tên gọi thân quen khắp cả nước. Và cũng từ nơi đây Phật giáo đã sớm bén rễ, phát triển không ngừng nghỉ. Trải qua bao biến thiên thời cuộc, tỉnh Đắk Lắk và thành phố Buôn Ma Thuột đã dăm bận đổi thay, tách và sát nhập lại để có một tổng lực mạnh mẽ ngày hôm nay. Phật giáo tỉnh Đắk Lắk cũng nhờ thế nương đà tùy thuận vươn mình cùng nhân duyên để phát triển.
Nói đến PG Đắk Lắk hẳn trong chúng ta ai cũng sẽ phải nhắc đến chùa Sắc Tứ Khải Đoan, bởi trên bước song hành, nơi đây luôn là ngọn cờ đầu và là điểm định hướng cho mọi nơi nhắm đến giữ vững niềm tin yêu đạo pháp và dân tộc thiết tha. Điều này cho đến tận hôm nay dường như vẫn còn là điểm khởi đầu đầy tin tưởng cho tăng, ni và phật tử tỉnh nhà.
Nói như vậy để chúng ta nhớ lại thời gian của thập niên 50 thế kỷ trước, với mật độ dân số chỉ 10 ngàn dân nhưng PG đã chiếm tới 65 % dân số so với các tín ngưỡng khác mà trước đó có lúc gần như là một tỉnh của tôn giáo họ. Như vậy, ngoài một số người dân tộc, phần còn lại là con số rất lớn, phát triển rất nhanh chủ yếu là từ di dân từ vùng Thuận Quảng xuôi vào khai phá và định cư. Niềm tin Phật của họ đã thúc đẩy nền móng Phật đạo luôn sẵn sàng khởi sắc. Mặc dù hơn 10 năm trước đó nữa (cuối những năm 30, đầu những năm 40), vua Bảo Đại cùng phái đoàn hoàng tộc (có đức Từ Cung Đoan Huy Hoàng Thái Hậu tháp tùng), từng lập nơi thờ Phật để tụng niệm ngay bên cạnh Hồ Lắk.
Có lẽ nhờ đó làn gió trong lành của miền cao nguyên thủa ban sơ này đã cảm nhận được lợi ích lâu dài của Phật đạo nên đã góp phần đưa tiếng kinh, lời nguyện ấy lan tỏa khắp núi đồi đất đỏ, để khi chín muồi duyên sự Thiền sư Trí Nhiễm (Pháp hiệu Thiên Minh) đã dựng tạm vài căn nhà nhỏ (đường Quang Trung ngày nay) cho phật tử xa quê có nơi tìm về gửi chút tấm lòng mình qua từng lời kinh Phật. Tiếp đó chính đức Từ Cung Hoàng Thái hậu và bà thứ phi Bùi Mộng Điệp hết lòng ủng hộ và vận động cho ngôi đệ nhất Già Lam tỉnh Đắk Lắk được ra đời ngay trên mảnh đất rộng hơn 7 ha do chính anh ruột bà thứ phi Bùi Mộng Điệp là ông Bùi Huy hiến cúng. Đó là vài nét chấm phá đầu tiên cho sự có mặt của PG Đắk Lắk mà ngôi chùa Sắc Tứ Khải Đoan luôn đứng đầu trước mọi sự kiện PG tỉnh nhà.
Từ đó đến nay, cũng nơi này, nương thừa phước duyên to lớn, nhất là khi GHPGVN ra đời, PG Đắk Lắk đã trải qua VI nhiệm kỳ tiếp nối mạng mạch Phật pháp, hoằng dương thuận lợi với "cương thổ" tỉnh Đắk Lắk đã mở rộng ra hơn nhiều so với thời kỳ trước, thúc đẩy trách nhiệm PG Đắk Lắk nhiều hơn, ưu tư hơn cho các vùng đồng bào dân tộc miền sâu vùng xa.
Những con số dưới đây có lẽ chưa đầy đủ lắm nhưng cũng nói lên được đà tiến triển vượt bậc PG Đắk Lắk đà thành tựu trong thời đại mới, hoàn cảnh mới. Theo các báo cáo tổng kết hoạt động phật sự cuối năm 2016, hiện nay toàn tỉnh Đắk Lắk có hơn 150 ngôi chùa, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường. Trong đó riêng thành phố Buôn Ma Thuột có 47 ngôi. Nếu tính chung các cơ sở liên quan thì có 206 nơi. Số lượng tăng, ni có đăng ký, quản lý 572 vị, chúng điệu 191 vị.
Có tất cả 17 Ban Trị sự PG huyện, thị trong tỉnh. Trong đó có 3 Phân Ban (Gia đình Phật tử, Ban Ni giới - thuộc Ban Tăng sự, Ban Hướng dẫn Phật tử dận tộc tỉnh Đắk Lắk) và 6 Ban chuyên môn khác.
Những định hướng phát triển và đào tạo tăng, ni rất được coi trọng bên cạnh những hoạt động phật sự khác, trong đó các họat động từ thiện được phân bố đến từng Ban Ngành trực thuộc một cách chặt chẽ.
Đó là những thành tựu đã đạt được của ngày hôm qua, ngày mai nữa sẽ bắt đầu từ Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh Đắk Lắk lần VII Nhiệm kỳ 2017 - 2022. Nơi đó sẽ là những thách thức mới với nhiệm vụ mới trên khắp các mặt hoạt động của PG Đắk Lắk. Hạn chế trong hoạt động phật sự nhiệm kỳ qua rải điều các mặt, nhưng có lẽ cần phải đặt nặng hơn nữa, tạo thành trọng tâm trong nhiệm kỳ sắp tới đó là vần để đem ánh sáng Phật pháp đến với bà con người dân tộc. Đây mới chính là bản sắc rất riêng và độc đáo của PG Đắk Lắk mà dường như bao lâu nay chưa được coi trọng. PG Đắk Lắk chưa thấy có chiến lược phát triển về mặt này và xem đó là đặc thù riêng của mình. Định hướng phát triển ở đây không phải chỉ đơn giản mời bà con mặc đồ dân tộc đến dự lễ hay xếp hàng cung nghinh cho có màu sắc "dân tộc" mà là chuyên sâu hơn trong từng chi tiết dành riêng cho bà con như nghi lễ, thậm chí dịch thuật ra tiếng dân tộc, tập tành và tạo điều kiện cho chính bà con chủ sám, làm lễ theo phong cách của dân tộc mình. Chúng ta chưa thấy có những nhân tố xuất gia hay tại gia nào của bà con người dân tộc ngay trên chính mảnh đất Đắk Lắk, từng là của họ ngày trước! Chưa thấy có ít ra là một ngôi chùa mang đậm bàn sắc người Tây Nguyên để cho bà con mỗi khi bước vào không ngỡ ngàng xa lạ với chung quanh. Rất thương cho bà con muốn theo Phật mà mỗi bước đi còn xa lạ thậm chí xa vời với buôn làng bản ấp của mình thì thiệt thòi biết bao nhiêu! Đó là thiếu sót rất lớn của PG Đắk Lắk nhiều nhiệm kỳ qua hy vọng sẽ được tái lập và khơi dậy trách nhiệm trong nhiệm kỳ mới.
Theo con số thống kê cách nay chưa lâu lắm thì tỉnh Đắk Lắk có 47 dân tộc cùng chung sống, nhưng chủ yếu có 7 dân tộc có con số tương đối đông (ngoại trừ người Kinh 1.161.533 người), người Ê Đê 298.534, người Nùng 71.561, người Tày 51.285, người M'Nông 40.344, người Mông 22.760, người Thái 17.135, người Mường 15.510.
Với riêng hoạt động của ngành Gia đình Phật tử (GĐPT). So với truyền thống và lịch sử PG Đắk Lắk như trên đã nói, thì sự có mặt của tổ chức GĐPT là điều hẳn nhiên. Theo tìm hiểu riêng, hiện GĐPT trực thuộc sự quàn lý của PG Đắk Lắk trong tỉnh là 62 đơn vị với 514 Huynh trưởng các cấp và 3.226 đoàn sinh. Những con số không nhỏ, vừa đủ, nhất là với tính đặc thù của một tỉnh Tây Nguyên. Lâu nay Ban Hướng dẫn Phật tử đã tạo nhiều thuận duyên cho các em sinh hoạt và tu học cũng như tổ chức thành công các trại huấn luyện, trại họp bạn thường xuyên, giúp tinh thần các em thêm hăng say phấn chấn với những mối thâm tình bạn đạo bốn phương. Tuy vậy, những con số đó chưa cho phép chúng ta bày tỏ sự bằng lòng hoặc đánh dấu "thành tựu" trong báo cáo hoạt động phật sự. Nhất là đối với trách nhiệm người con Phật, luôn có ưu tư cho tiền đồ thế hệ trẻ PG Đắk Lắk ngày mai. Chưa thấy có sự phát triển hoặc mạnh dạng đổi mới tư duy theo từng định hướng chung, bản sắc riêng của GĐPT vốn có điều lệ, quy định chặt chẻ riêng, nhưng điều đó không có nghĩa là không cho phép các em tự hoạch định ra trách nhiệm để phù hợp hoàn cảnh cũng như điều kiện sinh hoạt, tu học cho từng đơn vị nơi mình trú xứ. Đó đã là tiền lệ chưa được hoàn hảo lắm trong tổ chức sinh hoạt và tu học của GĐPT tỉnh nhà.
Còn lại, nếu đặt chỉ tiêu cho GĐPT phát triển cho giới thanh niên người dân tộc có lẽ nghe chưa hợp lý lắm vì GĐPT coi đang mạnh mẽ là như thế nhưng nhận được sự quan tâm, chăm sóc từ cấp quản lý không phải nơi nào cũng đều có ý thức như nhau.
Nên nhớ rằng tổ chức GĐPT là một trong 6 tổ chức Thanh niên Phật giáo ngày trước trực thuộc Tổng vụ Thanh niên (GĐPT, Thanh niên PT, Sinh viên PT, Học sinh PT, Hướng đạo PG, Thanh niên PT Thiện Chí) hiện còn lại và có sinh hoạt được công nhận hợp pháp dưới sự quản lý của Ban Hướng dẫn Phật tử/GHPGVN. Vì vậy nếu chưa đặt trọng tâm và hết lòng bảo vệ cho tổ chức GĐPT tiếp tục sinh hoạt và tu học thì thiết nghĩ PG Đắk Lắk không nên mở thêm một mô hình sinh hoạt thanh niên nào khác rất xa lạ với truyền thống sinh hoạt PG xưa nay. GĐPT cùng với 5 Vụ khác trong tồng Vụ Thanh niên, có quy chế, luật định sinh hoạt, phát triển hằn hoi chứ không là một nhóm thanh niên tụ họp đến chùa với thôi thúc thành lập "cho có" như một phong trào, non đều lệ, thiếu quy luật, rất đơn điệu và xa rời lý tưởng Thanh niên Phật giáo chúng ta.
Mong rằng trong nhiệm kỳ VII niên khóa 2017 - 2022 của PG Đắk Lắk, GĐPT sẽ tiếp tục sánh bước song hành trên đà phát triển.