;
>Để trờ thành Phật tử chân chính - Phần 2
BÀI 7- TINH THẦN CẦU NGUYỆN CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ
Cầu nguyện là một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống hằng ngày của nhân loại, nó như một món ăn tinh thần của con người và là một nhu cầu chính đáng để giúp chúng ta luôn vững niềm tin và an tâm đối với dòng đời nghiệt ngã trong bầu vũ trụ bao la này.
Mục đích của sự cầu nguyện là nhằm giải toả các ức chế tâm lý do áp lực của công việc. Hoàn cảnh cuộc sống làm cho con người không được hài lòng, như ý mà sinh ra các phiền muộn, khổ đau qua các mối quan hệ giao tiếp trong xã hội.
Cầu nguyện không phải muốn gì được đó, không phải là chúng ta xin Phật- Bồ tát giúp cho mình được toại nguyện những mong muốn quá đáng. Cầu nguyện về mặt tâm lý nhằm giải toả các ức chế nội tại, hoặc tình trạng bức xúc cao độ, hay sự tuyệt vọng quá mức dẫn đến không còn lối thoát. Cầu nguyện có thể làm giảm bớt các áp lực căng thẳng, nặng nề ấy.
Sự cầu nguyện trong đạo Phật còn là một pháp môn tu tập của người Phật tử, nhờ cầu nguyện mà niềm tin tăng trưởng, nguyện lực của họ mạnh mẽ hơn, tuệ giác của Thế tôn được phát huy nên thiện nghiệp được duy trì, ác nghiệp mau sớm được tiêu trừ và từng bước tiến đến con đường giác ngộ, giải thoát mà cùng nhau chia vui sớt khổ trên tinh thần vô ngã vị tha.
Nếu chúng ta khẳng định mọi sự cầu nguyện đều được như ý thì sự cầu nguyện đó là mê tín, không đúng theo tinh thần Phật dạy. Chúng ta chỉ xem những lời cầu nguyện như lời chúc lành, mong muốn mọi người được an vui, hạnh phúc để có cơ hội sống tốt với nhau trên tinh thần yêu thương nhau bằng trái tim hiểu biết.
Cầu nguyện hoặc mong cầu một cái gì đó là trạng thái tâm lý mong muốn sẽ được thành tựu viên mãn điều mình đang mơ ước và mong đợi. Nó phản ánh một thái độ vị tha mong muốn cho tất cả mọi người đều đạt được những thành tựu như ý trong cuộc sống.
Cầu nguyện là một nhu cầu tâm linh có thể làm lắng dịu nỗi lo âu, sợ hãi, phiền muộn, thất vọng và khổ đau. Cầu nguyện là bày tỏ những hy vọng thay đổi nhằm có đời sống tốt hơn, tạo thêm sinh lực và niềm tin cho con người vốn gặp nhiều bất hạnh, khổ đau.
Chúng ta vì quí kính ông bà, cha mẹ, thầy tổ, bạn bè, người thân và nhân loại mà có lòng thành cầu nguyện, mong muốn mọi nguời đều được sống an vui, bình yên và hạnh phúc. Mặc dù sự cầu nguyện đó có việc được, có việc không nhưng đã nói lên tình thương yêu nhân loại qua sự an ủi, sẻ chia và nâng đỡ cho nhau bằng tình người trong cuộc sống.
Trong cuộc sống của chúng ta, sự cầu nguyện là một biểu hiện của lòng biết ơn và đền ơn đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, thầy tổ, bạn bè, người thân và cộng đồng xã hội. Cầu nguyện giúp cho mọi người nâng cao đời sống tinh thần nhằm củng cố thêm niềm tin và nghị lực để vươn lên vượt qua cạm bẫy cuộc đời với muôn vàn sự khổ đau.
Chúng ta cầu nguyện nhằm mong muốn mọi người sống yêu thương đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau bằng tình người trong cuộc sống. Một sự cầu nguyện như vậy là cầu nguyện chân chính vì đem lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng xã hội.
Chúng ta cầu cho mọi người sống yêu thương bằng trái tim hiểu biết để thế giới chấm dứt chiến tranh, không còn cảnh máu đổ thịt rơi, con người tàn sát giết hại lẫn nhau. Chúng ta cầu cho mọi người luôn sống hiếu thảo với mẹ cha trên tinh thần biết ơn và đền ơn thì thế gian này sẽ là thiên đường của hạnh phúc.
Cầu dứt ác làm lành là cầu nguyện cho mình và người được phát khởi tín tâm thiện ích với tinh vô ngã, vị tha bằng trái tim yêu thương và hiểu biết để giúp ta vượt qua dòng đời nghiệt ngã với muôn vàn khổ đau mà thành tựu được mục tiêu giác ngộ giải thoát, trên cầu thành Phật, dưới cứu độ chúng sinh.
Cầu nguyện là nhu cầu trong đời sống tinh thần của con người. Kết quả thế nào chưa biết nhưng trước mắt chúng ta cảm thấy tinh thần an ổn, nhẹ nhàng đôi chút. Chúng ta vẫn biết lời cầu nguyện chỉ giúp tâm trí mình tạm yên lắng đôi phần, nhưng với một số người cầu nguyện cốt để tâm tư sáng suốt hầu tìm ra giải pháp tháo gỡ mọi vấn đề khó khăn.
Đối với sự cầu nguyện chân chính có lợi ích cho mọi người thì đạo Phật không phủ nhận. Bằng chứng là ngay trong nhà chùa vẫn hay dùng phương tiện cầu an hoặc cầu siêu để dẫn dắt những người sơ cơ quay về với đạo. Trong mỗi khóa lễ sau thời tụng kinh đều có phần phục nguyện và hồi hướng công đức để tất cả chúng sinh đều được an vui, giải thoát.
Trong đạo Phật, cầu nguyện không phải là một hình thức cầu khẩn, van xin vào một thế lực nào bên ngoài mình. Chúng ta phải lấy sự nỗ lực của bản thân để làm tăng thêm sức mạnh cầu nguyện chứ không phải ngồi ỳ ra đó mà cầu khẩn, van xin.
Chúng ta cố gắng siêng năng phấn đấu vượt khó là nhân, cầu nguyện là duyên giúp cho ta không lui sụt ý chí, kết quả là đạt mục đích đề ra. Nếu chúng ta muốn thân tâm được trong sạch, việc hóa giải phiền não tham-sân-si là nhân, rồi chúng ta nương vào sự gia hộ của Phật mà quyết tâm dứt trừ vọng niệm. Bản thân mình không chịu sửa đổi tâm tham lam, ích kỷ, giận hờn, cố chấp thì dù chúng ta có tha thiết cầu Phật cứu giúp cũng không thể nào dứt được quả khổ đau.
Cầu nguyện dứt ác làm lành là nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống nói lên tinh thần yêu thương bằng trái tim hiểu biết nhằm làm giảm bớt nỗi đau bất hạnh bằng tình người trong cuộc sống.
Nói tóm lại, cầu nguyện chân chính là xuất phát từ tấm lòng vô ngã, vị tha vì tình thương yêu nhân loại không phân biệt người thân hay kẻ thù, chỉ một bề mong muốn mọi người sống an vui, hạnh phúc.
Bài 8- ĐI CHÙA LỄ PHẬT
Muốn trở thành một Phật tử chân chính chúng ta phải sắp xếp thời gian để đi chùa lễ Phật và làm nhiều công đức khác. Khi chúng ta muốn làm việc gì có kết quả tốt đẹp thì phải phát xuất từ tâm tỉnh ngộ, nếu làm việc vô nghĩa là do tâm si mê mà ra.
Chúng ta đến chùa để được nghe những lời chỉ dạy đạo lý của chư Tăng, Ni là bổn phận của người Phật tử. Phật dạy: “thân người khó được, Phật pháp khó nghe”. Chúng ta phải khôn ngoan, sáng suốt chọn lấy một hành động có nghĩa để làm theo thì mới là người có hiểu biết chân chính. Chạy theo những việc làm thấp hèn có tính cách làm tổn hại người vật thì quả thực là kẻ ngu si, khờ dại.
Nếu chúng ta không ý thức được trách nhiệm và bổn phận của một con người, cứ mãi đua đòi chạy theo sự hưởng thụ xa hoa thì đến ngày thân này sắp hoại, ta sẽ không biết mình đi về đâu. Chính vì vậy, việc đi chùa lễ Phật là một việc làm cần thiết do tâm khao khát muốn được làm người tốt để làm tròn trách nhiệm đối với gia đình, người thân và đóng góp lợi ích cho xã hội.
Mục đích đi chùa không phải là để cúng lạy, van xin, cầu khẩn mong Phật-Bồ tát ban phước trừ họa cho chúng ta mà vì ta muốn học hỏi Chánh pháp, tập tu đức tính từ-bi-hỷ-xả để chuyển hóa phiền muộn, khổ đau thành an vui, bình yên và hạnh phúc.
Người Phật tử mới đến với đạo chưa thấm nhuần Phật pháp nếu không được sự chỉ dạy của chư Tăng, Ni thì làm sao biết cách để ứng dụng tu hành. Muốn hiểu Phật pháp và thấm nhuần đạo lý chúng ta hãy thường xuyên đến chùa để thưa hỏi, học tập những gì mình chưa biết hoặc có nghi ngờ gì chúng ta phải giải bày.
Trong cuộc sống với bộn bề công việc ngoài xã hội, người Phật tử đâu đủ thời gian để nghiên cứu, học hỏi Phật pháp. Nhờ gặp chư Tăng Ni thưa hỏi đạo lý, quý Phật tử có thể học được nhiều điều rất hay để áp dụng vào trong đời sống hằng ngày. Chính vì vậy, đến chùa để gặp chư Tăng, Ni là điều cần thiết không thể thiếu đối với người Phật tử tại gia.
Ði chùa có hai trường hợp:
_ Ði chùa ngày thường: Bất cứ ngày nào chúng ta cảm thấy rãnh rỗi việc nhà, hoặc tranh thủ được chút thời gian thì người Phật tử có thể đi chùa. Khi đi chùa người Phật tử chân chính phải thưa hỏi đạo lý để tìm hiểu thêm những lời Phật dạy. Những gì còn nghi ngờ và chưa hiểu người Phật tử phải đem ra thưa hỏi. Mỗi lần đến chùa người Phật tử biết cách thưa hỏi như vậy thì sự học đạo rất mau tiến bộ. Ði chùa thưa hỏi Phật pháp là đúng tinh thần tu học của người Phật tử tại gia.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều người đi chùa mà không thưa hỏi Phật pháp. Đây là trường hợp ngoại lệ, họ đi chùa vì ham vui, vì thần kinh căng thẳng, hoặc quá đau khổ nên tìm đến chùa. Họ đến chùa để được ngồi yên dưới bóng mát tàn cây nghe tiếng mõ, tiếng chuông trong khung cảnh yên tĩnh giúp tâm hồn cảm thấy dễ chịu. Những người này họ không cần gặp ai để thưa hỏi Phật pháp, chính cảnh cô liêu tịch tĩnh của nhà chùa đã phần nào xoa dịu bớt những nỗi đau bất hạnh trong họ.
_ Đi chùa những ngày lễ vía và các khóa tu: Mỗi Phật tử ngày thường đều có hoàn cảnh cuộc sống gia đình riêng nên ít khi được gặp nhau để trao đổi việc tu hành, cùng nhau động viên, nhắc nhở về đức hạnh của Phật. Nhân ngày lễ vía ở chùa, toàn thể quý Phật tử tụ hội về cùng thăm hỏi nhau trong tình bạn đạo, cùng giãi bày và chia sẻ với nhau những kinh nghiệm tu hành để chính mình ngày càng hoàn thiện.
Người xưa nói: "ăn cơm có canh, tu hành có bạn." Chúng ta cùng nhau đoàn tụ dưới mái chùa để cùng mến thương nhau, đoàn kết gắn bó với nhau, cùng động viên an ủi khích lệ cho nhau, cùng siêng năng tinh tấn dìu dắt nhau vượt qua cạm bẫy cuộc đời bằng trái tim hiểu biết.
Càng cao quý hơn nữa, chúng ta tham gia vào các khóa tu một ngày an lạc cho đến bảy ngày để được thực tập hạnh giác ngộ, giải thoát. Thật là diễm phúc thay khi quý Phật tử có những cơ hội thấm nhuần Chánh pháp bằng sự thể nghiệm trực tiếp qua sự hướng dẫn của Tăng, Ni.
Nếu chúng ta vắng mặt trong những ngày lễ vía và các khóa tu thì quả thật là một thiệt thòi đáng kể của người Phật tử. Có nghe giáo lý và có thực hành những lời Phật dạy chúng ta mới biết phương pháp tu hành, biết cách buông xả phiền não tham-sân-si mà chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc.
Quý Phật tử dù đã quy y mấy mươi năm mà không chịu học hỏi giáo lý, không siêng năng nghe quý thầy cô giảng dạy và không thắc mắc, nghi ngờ thì sẽ thiệt thòi cho chính mình. Phần đông các Phật tử chưa tin sâu lý nhân quả nên khi đến chùa hay cầu khẩn, van xin mà rơi vào mê tín dị đoan. Người Phật tử chân chính phải luôn học hỏi và thực hành theo lời Phật dạy. Chính vì vậy, đi chùa nghe pháp và thắc mắc những gì mình chưa biết là điều cần thiết của người Phật tử tại gia.
Chúng ta lễ Phật, lạy Phật không vì van xin tha tội, không vì cầu khẩn van xin mong Phật-Bồ tát ban phước trừ họa mà ta lễ lạy để được học hỏi và bắt chước công hạnh cao cả của Ngài với tinh thần biết ơn và đền ơn.
Chúng ta lễ lạy Phật để thấy mình còn ngu si, mê muội quá nhiều vì sự tham lam và ích kỷ để xả bỏ hết những thói quen cống cao ngã mạn, khinh thường người khác. Thói quen và bản chất của mọi người là lúc nào cũng thấy mình hơn thiên hạ nên tự cao tự đại, chẳng coi ai ra gì. Ðó là thói quen xấu nhiều đời nhiều kiếp đã ăn sâu vào tàng thức khiến chúng ta bị mọi người chán ghét, lánh xa.
Người Phật tử chân chính biết được khiếm khuyết này nên chúng ta lễ lạy Phật-Bồ-tát, các bậc đạo cao đức trọng để diệt trừ tâm cống cao ngã mạn. Khi lễ lạy Phật-Bồ tát hoặc người tu hành chân chính chúng ta không mong cầu điều gì mà chỉ mong học được đức hạnh cao quý của các ngài, như người xưa nói: "kính thầy mới được làm thầy". Chúng ta muốn dẹp bỏ những thói quen tật xấu, học theo đức hạnh từ-bi-hỷ-xả thì phải kính lễ những bậc đức hạnh để học hỏi những điều hay lẽ phải.
Chúng ta lễ lạy Phật vì noi theo gương sáng của Ngài với tấm lòng vô ngã, vị tha. Vì Phật đã giáo hóa chúng sinh không biết mệt mỏi, nhàm chán nên Ngài có đầy đủ mọi công đức từ-bi-hỷ-xả và trí tuệ viên mãn, do đó chúng ta phải lễ lạy Phật để bắt chước công hạnh của Ngài.
Như vậy, chúng ta sẽ lễ lạy Phật bao nhiêu mới xứng đáng trong việc noi theo gương sáng của Ngài? Chúng ta đời đời kính lễ Ngài cũng đâu có thiệt thòi gì, nhờ vậy ta mới lần hồi chuyển hóa được những phiền muộn, khổ đau. Ði chùa lễ lạy Phật và thưa hỏi đạo lý là điều cần thiết giúp cho chúng ta tiến bước mãi trên con đường giác ngộ cho đến khi nào thành tựu viên mãn mới thôi.
BÀI 9- NÓI NHIỀU LÀM PHIỀN LÒNG NGƯỜI KHÁC
Nói nhiều là diễn bày bằng lời nói mọi sự việc phát xuất từ những điều kiện khi thấy, khi nghe, khi ngửi, khi nếm, khi xúc chạm và suy nghĩ. Người nói nhiều đôi khi gây thiệt hại và làm phiền lòng nhiều người khác. Phụ nữ có thói quen nói nhiều nên được ví ba người phụ nữ xúm lại làm thành cái chợ chồm hổm. Đàn ông nói nhiều thì người ta thường gọi là bà tám và tất nhiên nhiều người không thích điều này.
Những người hay nói nhiều là những người thích nói chứ không thích lắng nghe, họ lúc nào cũng bảo vệ và cho suy nghĩ của mình là đúng nên nói năng huyên thuyên, chuyện làng trên xóm dưới gì cũng nói. Bởi do nói nhiều nên họ ít lắng nghe sự trao đổi, góp ý của người khác. Nói nhiều còn có cái bệnh là dễ làm mất lòng người khác, người xưa cũng bảo “tội từ miệng mà ra”.
Tại sao “nói nhiều” lại gây chướng ngại cho sự tu tập của chúng ta? Theo kinh nghiệm nhân gian, người nói nhiều thì dễ mắc nhiều sai lầm vì dễ mất tự chủ trong lời nói. Người Phật tử chân chính muốn đạt được sự giác ngộ, giải thoát viên mãn thì cần phải thận trọng trong trò chuyện, nói năng. Người Phật tử không nên ăn không ngồi rồi, tụ tập lại bàn tán, nói năng ồn náo mà chỉ toàn nói những chuyện tạp nhạp của thế gian.
Theo sự tìm hiểu của các nhà tâm lý, người nói nhiều chưa hẳn là nhiều chuyện vì đôi khi chỉ mỗi một chuyện mà họ có thể nói từ ngày này sang ngày khác, nhất là các vị có tài hùng biện. Còn người nhiều chuyện thì chắc chắn sẽ nói nhiều vì đó là thói quen thích chứng tỏ với mọi người là mình có hiểu biết.
Có hai vợ chồng nọ cứ mỗi lần trong nhà có đám giỗ hay tiệc tùng gì là ông chồng cứ “nhai đi, nhai lại” với bà xã chuyện nấu nướng món gì và phải mời ai. Bà vợ khổ tâm quá mới than thà bà bị điếc chắc còn khỏe hơn.
Chúng ta hãy học cách kiểm soát bản thân để không mắc bệnh nói nhiều, nó là một trong những biểu hiện của sự mất tự tin, đang lo lắng sợ hãi và mặc cảm tự ti. Để khỏa lấp cảm giác đó, người ta phải nói thật nhiều.
Với các bà vợ thiếu tự tin, nói nhiều không hẳn là mong muốn của họ. Họ thường biện hộ trời cho cái miệng, cái mồm để ăn, để nói thì đương nhiên họ phải nói. Đấy là lý lẽ căn bản của các bà vợ mỗi khi bị các ông chồng lên án, trách cứ sao nói nhiều quá. Nếu xét khách quan thì ai cũng thấy đại đa số phụ nữ là thích nói nhiều, điều này quả thật không sai chút nào.
Chúng ta thử xem lại coi trên cõi đời này có sinh vật nào có khả năng nói nhiều mà không biết chán như ở một số phụ nữ? Đó là do nghiệp báo nhiều đời khiến họ có một cái miệng dẻo dai hơn nam giới, miệng của họ có thể hoạt động liên tục đồng thời có thế phát âm cao thấp, nhỏ to một cách rất đúng cung đúng điệu.
Phụ nữ có khả năng nói liên tục bất tận gây sự chú ý cho nhiều người bởi những tin vịt, họ có thể nói nghĩa đen để buộc người nghe phải chú ý đến để hiểu nghĩa bóng hoặc ngược lại. Họ còn có thể một lúc nói về nhiều chủ đề, họ cũng thừa sức để nói các sự cố đã, đang và sẽ xảy ra ở hàng xóm láng giềng. Nhất là đối với những người họ không ưa thích, họ nói theo kiểu miệt thị, dèm pha và hơi chảnh một chút.
Phụ nữ khi gặp buồn, vui gì thì cũng nói hoạch tẹt ra hết. Họ dùng ngôn từ trầm bổng, cao thấp để bộc lộ cảm xúc. Họ có thể diễn tả tỉ mỉ các “sự cố” mà họ đang phải đương đầu hoặc thậm chí chưa từng bao giờ gặp. Chính nhờ nói nhiều mà bao nhiêu hỉ, nộ, ái, ố đều theo miệng người phụ nữ mà tuôn ra ngoài khiến họ có thể tự tin “khỏe re như con bò kéo xe.”
Chúng ta đôi khi hay ngồi lê đôi mách, nhất là những phụ nữ làm việc nội trợ ở nhà một mình dễ buồn chán nên hay tìm đối tác để nói chuyện. Có người thích nghe thì mới có kẻ muốn nói. Trong chuyện ngồi lê đôi mách có sự bàn tán hứng thú riêng vì đây là dịp để chia sẻ những uất ức trong lòng do không có ai để trút bầu tâm sự.
Tuy nhiên, nếu chúng ta đóng vai trò diễn nói bằng những ngôn từ chát chúa có tính cách phê bình, chỉ trích thì phần thiệt thòi sẽ thuộc về chúng ta. Mọi người có thể bị kích động theo khi nghe chúng ta nói xấu một người nào đó trong làng xóm, thành ra ta trở thành kẻ nhiều chuyện.
Người nhiều chuyện khác với kẻ nói nhiều, kẻ nhiều chuyện thì luôn bới tung lên chuyện thương ghét, phải quấy đầu trên xóm dưới, chuyện nhỏ xé ra to, chuyện có nói không và ngược lại. Không ai muốn đề bạt một kẻ nhiều chuyện lên làm quyền cao chức trọng, cũng không ai tin tưởng hay thích những người nhiều chuyện vì họ không bao giờ biết giữ kín một chuyện gì khi họ đã biết.
Như vậy, người nhiều chuyện dễ làm mất uy tín, mọi người sẽ bắt đầu nghi ngờ khi người đó nói ra điều gì. Đa số người thích nhiều chuyện là do họ không có công ăn chuyện làm chính thức, họ chỉ giữ vai trò nội trợ là chính nên thời gian rãnh rỗi nhiều. Thường những kẻ muốn đâm sau lưng người khác sẽ mượn người nhiều chuyện để làm công cụ thực hiện mục đích dối trá của mình. Khi mọi việc đã vỡ lỡ, kẻ nhiều chuyện sẽ hứng chịu sự trả đũa từ mọi phía, người núp phía sau sẽ cười vào mặt kẻ bị bêu xấu, cuối cùng họ chỉ trút giận vào bao cát mà thôi.
Và còn nhiều tác hại khác của việc bàn tán xì xầm, nhỏ to, đôi khi còn thêm chút mắm muối vào để câu chuyện không có gì mà thành ra to lớn. Nhưng nói thì dễ, làm thì khó, xì xầm to nhỏ là thói quen khó cưỡng của nhiều người, nhất là các chị em phụ nữ được cho là nhiều chuyện số một. Đôi khi chúng ta biết rõ rất nhiều chuyện đã xảy ra nhưng cũng không nên nói, vì có nói ra cũng không có lợi, đôi khi còn phiền phức cho chính mình và ảnh hưởng xấu đến người khác.
Có nhiều người nói, nhất là chị em phụ nữ thường hay tung tin vịt rồi buột miệng rằng chuyện này bí mật đừng nói cho ai biết. Thế là tin đồn cứ thế loan đi, chuyện nhỏ xé ra to, tất cả mọi người làng trên xóm dưới không ai không biết. Muốn từ bỏ thói quen xấu này không phải chuyện dễ trong một ngày, một bữa nên tốt nhất việc gì cần nói thì nói, không cần thì thôi, còn trường hợp nói ra làm ảnh hưởng xấu đến người khác thì tốt nhất chúng ta không nên nói.
Thói quen nói xấu có một sự quyến rũ và cám dỗ rất lớn, với một số người họ gần như bị nghiện. Nếu trong một ngày không nói cùng ai chuyện xóm trên xóm dưới thì họ cảm thấy như bị ức chế nên dễ sinh cau có, giận hờn. Phụ nữ nói nhiều có khi sống thọ hơn phụ nữ ít nói, và nhờ nói nhiều mà phụ nữ sống lâu hơn so với đàn ông. Quả thật đúng như vậy! Đàn ông họ tế nhị hơn nên vui cũng ít thổ lộ ra bên ngoài, khi buồn họ cũng nín thinh, im lặng, hoặc có nói cũng rất hà tiện lời nói, ít chịu chia sẻ điều đang ôm ấp trong lòng.
Theo các nhà tâm lý học, tất cả những cảm xúc, tư duy của con người luôn cần được bộc lộ ra bên ngoài; ngược lại, nếu bị đè nén trong lòng dễ sinh ra những hệ lụy tai hại như chứng căng thẳng, trầm cảm khiến chúng ta mau chết sớm hoặc cau có, khó chịu ra mặt. Vì thế, nụ cười là liều thuốc bổ để giảm bớt các ức chế trong lòng, đó chính là bài thuốc có thể làm cho chúng ta lạc quan và sống thọ.
Ca dao Việt Nam cho rằng: “đàn ông miệng rộng thì sang, đàn bà miệng rộng tan hoang cửa nhà”. Đối lập lại, nhân tướng học của phương Tây cho rằng: “Đàn bà miệng rộng thì sang”. Vậy hai học thuyết Đông và Tây cái nào đúng, cái nào sai? Chẳng qua là do tín ngưỡng của mỗi nơi có khác nên đúng và sai cũng không nhất định, chỗ này cho như vậy là đúng, chỗ kia cho như vậy là sai. Chính vì vậy, mọi việc trên thế gian này đều tương đối cả. Lại có câu ca dao: “Đàn ông lắm miệng thì tài, đàn bà lắm miệng điếc tai láng giềng”. Lắm miệng lắm mồm tức là “nói nhiều”, miệng không kịp kéo da non.
Nói nhiều mà nói móc, nói méo, nói nặng, nói nhẹ, nói thêm, nói bớt, nói để vu khống thiên hạ bằng cách nói sai sự thật làm cho chúng ta thù hằn, ghét bỏ lẫn nhau. Nhất là những người làm chính trị, họ hay nhiều chuyện, tìm đủ mọi cách để đả phá kẻ đối lập. Họ dùng mọi thủ đoạn bằng miệng lưỡi thâm sâu để hạ bệ đối thủ.
Người Phật tử chân chính việc gì cần nói thì nói, không cần thì thôi. Nói nhiều là bệnh ba hoa, khoác lác dễ làm ảnh hưởng xấu đến người khác. Để đối trị được bệnh nói nhiều, chúng ta hãy nhiếp tâm niệm Phật, niệm Bồ tát, niệm hơi thở hoặc thường xuyên quán chiếu soi sáng lại chính mình, nhờ vậy biết cách làm chủ bản thân.
Còn nữa...