|
Di chuyển bằng xe khách từ Hà Nội lên cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn), chúng tôi làm thủ tục nhập cảnh vào Trung Quốc. Từ Bằng Tường, xe chở đoàn chạy thẳng đến sân bay Nam Ninh. Ngay tối hôm đó, chúng tôi đáp chuyến bay về Thành Đô (thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên). Từ đây, đoàn lên tàu đi Tây Tạng. Việc chọn di chuyển bằng tàu (thời gian 2 ngày, 2 đêm từ Tứ Xuyên lên Tây Tạng) vừa để mọi người thích ứng dần với độ cao, vừa là cơ hội để chúng tôi khám phá tuyến đường sắt Thanh - Tạng dài 1.140 km, nối Thanh Hải với Lhasa và nằm trên độ cao nhất thế giới (điểm cao nhất của công trình lên tới 5.072 mét so với mặt nước biển).
Lhasa - thủ phủ của Tây Tạng, nằm trên độ cao 3.700 mét so với mặt nước biển, cao nhất là dãy Himalaya với ngọn Everest cao 8.848 mét và hàng trăm ngọn núi khác cao trên 7.000 mét. Điều ấn tượng đầu tiên khi đặt chân tới đây đối với tôi là không gian bao la, rộng lớn như trải dài và rộng khắp các hướng. Ở đây, bầu trời như chưa bao giờ xanh đến thế, mây chỉ mang một màu trắng tinh khôi và nắng trở nên vàng hươm rực rỡ. Không gian trong vắt, tĩnh lặng và sâu thẳm. Theo lời dặn của Dicky - cô hướng dẫn viên người Tạng ra đón đoàn: để cơ thể thích ứng dần với không khí loãng, mọi người cần nghỉ ngơi hoàn toàn, không nên vận động mạnh, đi đứng nhẹ nhàng, ăn đồ mềm và uống nhiều nước. Đặc biệt, không nên tắm gội trong ngày đầu tiên đặt chân tới Tây Tạng. Quả thật, nằm trên độ cao rất lớn so với mặt nước biển nên áp suất thấp, không khí quá loãng, lượng ô xy trong không khí chỉ đạt 70%, vì vậy, ô xy trong não thiếu. Việc thở đối với chúng tôi cũng là một vấn đề. Để có đủ ô xy vào máu, chúng tôi phải tập thở sâu, hít vào dài hơn để cơ thể hấp thụ được càng nhiều ô xy. Thế nhưng, dường như cơ thể của chúng tôi thích ứng với sự thay đổi độ cao và không khí loãng khá chậm. Hầu hết mọi thành viên trong đoàn đều có triệu chứng sốc độ cao như: nhức đầu, mặt tái mét, ăn không ngon miệng và chỉ chực nôn ra. Phải sang đến ngày thứ 3, sức khỏe của nhiều người trong đoàn mới bình thường trở lại. Môi trường khô lạnh tại Tây Tạng còn khiến niêm mạc mũi của tôi đau rát, thỉnh thoảng bong ra cả cục máu khô đỏ.
|
Từ xưa đến nay, Tây Tạng nổi tiếng là một địa danh đầy bí ẩn đối với du khách. Sức hút mãnh liệt của vùng đất lạ lùng, bí ẩn này chính là nền văn hóa độc đáo cùng các phong tục, tập quán mang yếu tố tâm linh huyền bí. Tây Tạng được xem như là một trong những thánh địa Phật giáo nổi tiếng nhất thế giới. Đây là nơi sinh ra Mật tông - một tông phái của Phật giáo với văn hóa và phong cách đa dạng như Quán đảnh, Trì chú cùng với các vị Đạt lai Lạt ma (Phật sống) được nhiều người tôn thờ. Trên vùng đất này, tôn giáo là nền tảng cơ bản để người Tây Tạng tồn tại. Dường như đến cả cuộc đời, người dân Tạng đều hiến mình trọn vẹn với đức tin của mình. Đối với họ, sống là để phục vụ đạo pháp, đời sống vật chất là phương tiện để vươn tới đỉnh cao tâm linh.
Sức hút thứ hai của Tây Tạng đến từ chính các công trình kiến trúc Phật giáo. Tại Tây Tạng có hơn 16.000 tu viện lớn nhỏ. Trong đó, tiêu biểu nhất phải kể đến cung điện Potala - điện thờ vĩ đại nhất của người Tạng. Công trình này có tổng diện tích 360.000m2, cao 120 mét, chiều ngang 360 mét, gồm 13 tầng, 999 phòng, mái mạ vàng. Đây là nơi đặt bảo tháp chứa di cốt các vị Đạt Lai Lạt Ma, là trung tâm lãnh đạo tôn giáo và chính trị trong suốt 400 năm. Potala còn là kho tàng nghệ thuật tôn giáo và là nơi cất giữ không kể xiết những tranh tượng, kinh sách vô giá của Phật giáo Tây Tạng. Trong hành trình đến Tây Tạng này, chúng tôi đến thăm hầu hết các tu viện, đền đài nổi tiếng và thiêng liêng của Tạng: cung điện Potala, Đại Chiêu tự (Jokhang Temple), các tu viện đại học Phật giáo: Drepung, Sera; đến trấn Gangtse với pháo đài cổ sừng sững cùng Vạn vật thập tháp Kumbum; trấn Shigatse nổi tiếng với tu viện Tashihunpo cùng tượng Phật Di Lặc bằng đồng lớn nhất thế giới… Ngoài ra, còn đi thăm các thánh hồ linh thiêng: Yamdrok, Namtso mà nước hồ ở đó mang màu xanh dương, xanh ngọc đẹp đến mê hoặc.
|
Trong các tu viện tại Tây Tạng thì Jokhang là tu viện thiêng liêng và nổi tiếng nhất. Đây là điểm hành hương phải đến trong đời của người Tạng. Jokhang được xây dựng từ năm 693, với tổng cộng 370 phòng. Hằng ngày, tu viện này đón hàng vạn người dân từ khắp nơi đổ về đây chiêm bái. Vòng tròn bao quanh tu viện này trở thành một vòng kora khổng lồ. Từ sáng sớm đến tối mịt, tại vòng kora này thường xuyên nườm nượp người. Mặc dù đông người, nhưng không hề có sự hỗn tạp, họ đi trật tự theo đúng chiều kim đồng hồ. Đối với chúng tôi, việc bắt gặp hình ảnh người dân vái lạy theo nghi thức "tam bộ nhất bái" - đi ba bước, bái lạy một lần, dù thường xuyên bắt gặp tại những địa điểm thiêng liêng ở Tây Tạng khá nhiều, nhưng dường như lần nào cũng đem đến một sự thu hút thật đặc biệt. Với nghi thức tôn giáo "tam bộ nhất bái", họ chắp tay khỏi đầu, trán, cằm, ngực vái lạy rồi nằm dài xuống đất, thành kính và khiêm nhẫn cầu nguyện. Cứ mỗi lần vái lạy như vậy, họ tiến lên được khoảng cách bằng chính chiều dài cơ thể mình cho đến khi hết vòng kora. Đi kora như vậy là thể hiện lòng tôn kính và dâng hiến cao nhất mà người Tạng làm đối với tôn giáo của họ. Chúng tôi thầm cảm phục niềm tin, nghị lực, sự khiêm nhẫn của họ, miệng không khỏi buông lời cầu nguyện tiếng Tạng "Om mani padme hum".
|
Chuyển luân kinh là một vật dụng tôn giáo thường thấy của người Tạng, với đủ các kích cỡ, hình trang trí. Đây là một ống đồng rỗng, bên trong chứa dải giấy viết những lời cầu nguyện, xoay trên một trục thẳng đứng. Tại Tây Tạng, chỉ cần bước chân ra đường, bạn sẽ rất dễ dàng bắt gặp những chiếc chuyển luân kinh này. Từ người hành hương, khách đi đường, người bán hàng… dường như lúc nào trong tay họ đều có một chiếc chuyển luân kinh nhỏ không ngừng quay thay cho lời cầu nguyện... Ngoài ra, dọc vòng kora quanh các chùa cũng có rất nhiều chuyển luân kinh bằng đồng, gỗ. Người Tây Tạng tin rằng, sự vận chuyển của chuyển luân kinh sẽ tạo ra một sức mạnh huyền bí cầu chúc bình an, may mắn. Một đặc điểm khác nữa ở Tây Tạng là, nếu như trước các tượng Phật ở các chùa chiền thường đặt những lư hương để thắp nhang thì chùa tại Tây Tạng lại đặt những chậu đèn thật lớn được đốt bằng bơ (hoặc mỡ bò yak). Lễ vật của những người hành hương là một chút bơ để duy trì ánh lửa cho ngọn đèn mãi không tắt.
Tây Tạng còn có những thảo nguyên xanh bát ngát, những đàn cừu, đàn dê nhởn nhơ gặm cỏ; những cánh đồng lúa mì, đồng cải vàng hươm rực rỡ trên nền trời xanh thẳm. Đây là chốn cao nhất trên địa cầu mà tôi đã tới và có lẽ sẽ khó có dịp trở lại. Nơi ấy, đường xa mây trắng vẫn bay...