;
Hỏi số 22:
Minh Châu gửi lời vấn an
sức khỏe cư sĩ Diệu Âm , Minh Châu hắc mắc là khi những người đã được vãng sanh
thì mình chỉ cần tưởng nhớ tới người thân mình nên mình cầu siêu và phóng sanh
cho thân nhân trong vòng 49 hoặc 100 ngày, rồi sau đó mình có cần thiết phải
cầu siêu cho họ nữa không? Và có cần lập bàn thờ để làm giỗ cho thân nhân mỗi
năm kg? Vì người được vãng sanh đã theo Tù Phụ A Di đà rồi. Xin cư sĩ giải
thích cho mc được hiểu thêm. Cảm ơn cư sĩ nhiều.
Triệu Kim Ngọc (Minh Châu)
Trả lời:
Chúng ta, người Phật tử
thường tới chùa dâng hương, hoa quả cúng Phật. Phật đâu dùng những thứ đó. Vậy
mà mình vẫn cúng. Mình thành tâm lễ Phật, lạy Phật, niệm Phật... Phật đâu cần
những chuyện này. Nhưng ta vẫn làm.
Cầu siêu 49 ngày, 100 ngày, phóng sanh, làm các việc lành hồi hướng cho người
ra đi, đây là sự tự nguyện của người còn sống. Việc làm này thể hiện lòng hiếu
nghĩa của con cháu đối với ông bà cha mẹ đã ra đi, thể hiện tâm thương kính
trước sau như một.
Con cháu có nghĩa, có hiếu thì nên thành tâm làm. Nếu quên tình quên nghĩa thì
bỏ. Tất cả đều do tâm của con cháu có thành kính hay không.
Nếu người thân bị chết, (nghĩa là không được vãng sanh Cực-lạc), chắc chắn họ
bị kẹt trong sáu nẻo luân hồi. Tệ hơn nữa, hầu hết bị lạc trong ba đường đọa lạc.
Con cháu hãy thương tưởng người thân mà thành tâm cầu siêu cho họ. Đây là điều
phải làm, rất cần. Hãy chí thành chí kính mà làm đi, đừng nên hỏi đi hỏi lại
rằng có linh không? Có thiêng không? Có ích gì không?... Dù kết quả có được
viên mãn hay không thì chúng ta cũng không nên bỏ qua. Vì đây là tâm hiếu kính.
Nếu người thân được vãng sanh, thì ta cũng vì tâm hiếu kính mà làm cho trọn
phận làm con cháu, đừng nên ngại ngùng. Tất cả những nghi tiết về tụng kinh
niệm Phật để cầu siêu, Các việc thiện lành, phóng sanh, v.v... chúng ta cũng
nên làm và cố gắng làm với lòng chí thành chí kính để hồi hướng công đức cho
họ.
Sau đó, nhân ngày giỗ kỵ ta vẫn nên tổ chức niệm Phật, tụng kinh, trai chay
thanh tịnh để hồi hướng công đức và tưởng niệm người đã vãng sanh. Việc làm này
rất tốt, rất có lợi.
Tại sao vậy?
- Một là vì lòng kính thương, hiếu nghĩa. "Hiếu dưỡng phụ mẫu" là
điều đầu tiên Phật dạy. "Hiếu" thuộc về xuất thế gian,
"Dưỡng" thuộc về thế gian pháp. Phải chu tất khi người còn sống cũng
như lúc khuất bóng.
- Hai là nhờ vậy mà họ được dự phần cao phẩm hơn.
- Ba là hồi hướng cho một vị ở cõi Cực lạc công đức sẽ lớn vô cùng, nhờ công
đức này mà sau này duyên phận giữa ta với họ càng sâu càng nặng, họ không thể
không cứu ta, (tính kỹ mà!),
- Bốn là, nói vãng sanh là xét về sự tướng mà nói, chứ chính chúng ta chưa
chứng đắc, chưa có đủ đạo nhãn, thì làm sao dám bảo đảm 100%...
Vậy thì phận làm con cháu phải cẩn thận tối đa, phải thận trọng hành theo đúng
pháp mới an tâm, mới tránh được những sơ suất, khỏi bị ân hận về sau.
Thực tế, những việc làm này cho người quá cố thì ít mà cho chính ta thì nhiều,
chính ta đều hưởng hầu hết công đức, còn người đã ra đi chỉ hưởng một phần
thôi. Nếu tâm có thành cho mấy đi nữa, dù muốn đem công đức hồi hướng hết đi
nữa thì người được hồi hướng chỉ có thể nhận được 1/7 là cùng, còn tất cả chính
ta hưởng hết.
Nếu người được vãng sanh Cực lạc, họ đã thành Bồ-tát, thành Thanh Tịnh đại hải
chúng rồi. Tình thực mà nói, các Ngài đâu cần chút công đức của ta. Ta có cúng
giỗ, tưởng niệm, cầu siêu, lập bàn thờ cho họ hay không, không phải là điều
quan trọng đối với họ, mà chính là rất quan trọng đối với chúng ta.
Chính chúng ta rất cần công đức của họ, muốn được quả báo như họ. Muốn đuợc
vậy, thì ta phải có lòng chí thành cúng dường công đức lên cho họ.
Tại sao vậy? Thành tất linh. Lòng chân thành của chúng ta sẽ cảm ứng được sự
gia trì của các Ngài. Ta không có lòng thành, các Ngài gia trì không được. Đây
là sự thật.
Tất cả đều do chính tâm của chúng ta tạo nên. Tâm chúng ta có "CẢM"
thì các Ngài có "ỨNG". Tâm chúng ta không "Cảm" thì các
Ngài không "Ứng" được. Tâm Phật tịch tịnh, chỉ độ được người hữu
duyên, không bao giờ phan duyên. Vì vậy, sự cảm ứng đạo giao phải do chính tâm
của chúng ta khởi trước. Đây là ý nghĩa: "Nhất thiết duy tâm tạo"
vậy.
Chân thành cúng dường, tức là CẢM. Công đức cúng dường sẽ được hồi đáp lại cho
chúng ta, tức là ỨNG.
Ta cúng dường lên các Ngài bằng công đức của một người phàm phu, các Ngài hồi
đáp lại cho chúng ta bằng công đức của một vị Bồ tát. Công đức của Bồ tát sẽ
lớn vô lượng vô biên. Nhờ sự hồi đáp này mà ta hưởng biết bao nhiêu phước lợi,
nhờ công đức này mà ta hóa giải được vô lượng tội chướng. Rõ ràng, vô tình,
chúng ta đang làm một cuộc trao đổi: "Một vốn - Tỷ lời". Thế gian
chưa có món lợi nào sánh bằng.
Trong kinh Phật nói, thành tâm niệm một câu A-Di-Đà Phật phá tan 80 ức kiếp
nghiệp chướng sanh tử trọng tội. Chúng ta quỳ trước bàn thờ Phật, thành tâm
cúng dường lên các Ngài một câu Phật hiệu, thì các Ngài liền hồi đáp cho chúng
ta một cái ân đức bằng sự hóa giải ách nạn đến 80 ức kiếp nghiệp tội sâu nặng.
Tội giảm thì phước tăng. Nhờ phước này chúng ta mới vượt qua được ách nạn mà
vãng sanh Tây-phương, chứ tự hỏi thử, thân phận một người phàm phu tội trọng
như chúng ta làm sao có khả năng vượt thoát sanh tử luân hồi đây?
Lòng thành cúng dường một chúng sanh phước đức đã lớn. Cúng dường một vị
A-La-Hán Bích-Chi Phật phước báu sẽ lớn hơn, hưởng cả trăm kiếp không hết. Cúng
dường một vị Bồ-tát công đức sẽ vô lượng. Cúng dường một vị Phật thì công đức
này trở thành vô lượng, vô biên, bất khả thuyết, bất khả tư nghì.
Nói như vậy, không có nghĩa chúng ta vì tham công đức của họ mà mình cúng
dường, mà chính tâm thành kính tự nó có công đức. Người tham lam không bao giờ
đạt đến tâm thành kính đâu. Các Ngài biết hết. khỏi lo bị lỗ, bị hớ.
Vậy thì, khi người thân khuất bóng, dù được vãng sanh hay không thì chúng ta
cũng nên nhân ngày giỗ kỵ mà thiết lễ tụng kinh, niệm Phật, làm việc thiện lành
để hồi hướng công đức cho họ.
Đối với người chưa được siêu sanh thì nhờ đó mà được giảm tội tăng phước, giúp
họ có cơ duyên siêu sanh. Đối với người đã được siêu sanh, thì chính lòng thành
của chúng ta sẽ được hồi đáp bằng những công đức lớn vô lượng. Nhất định có
lợi, lợi người, lợi ta, không có gì phải ngại ngùng.
Nhân ngày giỗ kỵ tụng kinh niệm Phật hồi hướng cầu siêu đã tốt, còn hằng ngày
đều niệm Phật, tụng kinh, làm việc thiện lành, thường phóng sanh lợi vật, ngày
ngày hồi hướng công đức cho cửu huyền thất tổ, tứ thân phụ mẫu, bà con quyến
thuộc, cho tất cả oán thân trong nhiều đời nhiều kiếp, cầu nguyện cho họ sớm
được Phật lực gia trì liễu thoát sanh tử thì lại càng tốt hơn nữa. Vừa trả tròn
tứ ân, vừa cứu khổ tam đồ, vừa giải được oán thù từ oán thân trái chủ.
Hãy đem lòng chí thành cầu nguyện cho tất cả đều được vãng sanh Cực-lạc quốc.
Hỏi số 23:
Người Việt Nam của ta có
phong tục là khi đến ngày chết của thân quyến và tổ tiên thì làm giỗ để tưởng
niệm, nhưng họ lại tổ chức ăn uống, nhậu nhẹt, có khi lại sát sanh nữa, cúng
toàn đồ mặn cho người đã chết, lúc người chết còn sinh tiền thích ăn gì là họ
lại làm những món đó để cúng, theo Chú thì họ làm như vậy có ích lợi gì chăng ?
Người đã chết có hưởng được không ? có phải vô tình đã gây thêm tội nghiệp cho
người đã chết, mà có khi người chết đã đi đầu thai trong lục đạo rồi mà cúng
giổ có còn liên quan gì đến họ nữa không Chú (Vì họ đã đi đầu thai rồi mà)?
Gia đình Cháu cũng không ngoại lệ, đó là thói quen lâu đời, vài ngày nữa là đến
đám giỗ bà Nội của Cháu, lúc còn sinh tiền bà Nội ăn chay trường và cũng tu
hành, bà Nội Cháu mất khoảng 3 năm rồi, ba mẹ cháu định cúng đám giỗ : cúng cho
bà nội cháu thì cúng đồ chay, còn làm đồ mặn cho con cháu ăn và có mời vài
người lại nhậu nữa ! theo Chú thì sao ? Ba mẹ Cháu làm như vậy có đúng không
?Có ảnh hưởng gì đến vong linh bà Nội Cháu không?
Nhờ Chú cho cháu lời khuyên, để không làm ảnh hưởng đến người đã chết.
Theo Chú ngày giỗ nên làm gì để vừa có lợi ích cho người chết và người đang
sống ? Mong Chú vì mọi người và cũng như người thân của Cháu mà giải bày chi
tiết để mọi người thấu hiểu !
A DI ĐÀ PHẬT...
Thành thật cảm ơn Chú nhiều !!!
Trả lời:
Thế gian thì việc này là
chuyện thường. Nhưng người hiểu Phật pháp thì nên cẩn thận làm đúng theo pháp
mới tốt.
Trong Khuyên Người Niệm Phật (tập 1) cò bàn về vấn đề cúng giỗ. Xin xem qua để
biết thêm.
Việc cúng giỗ có ảnh hưởng khá lớn đến vong linh người chết. Nếu lợi dụng ngày
giỗ kỵ của người quá cố mà làm tiệc linh đình, giết hại sanh vật để thết đãi sẽ
tạo thêm tội cho vong linh.
Trong tội sát sanh, kinh Phật có nói, tự mình giết, vì mình mà con vật bị chết,
thấy người ta giết mà mình vui mừng, đều có liên quan đến tội này. Chọn những
ngày giỗ kỵ mà sát sanh hại vật thì vong linh ấy cũng liên can chịu tội.
Nếu người chết còn bị kẹt vào chỗ nào đó chưa được đầu thai, thì mỗi lần con
cháu giết hại sanh vật để cúng tế, thì họ bị thêm tội. Vì nghiệp mà đang chịu
trả nghiệp, nay bị con cháu gởi thêm nghiệp nữa, nghiệp sau chồng nghiệp trước,
biết chừng nào trả cho xong. Thật tội nghiệp cho họ!
Người chết lúc sanh tiền thích sát sanh hại vật để ăn. Đây là vì tham ăn mà tạo
nghiệp ác. Chính vì tội sát sanh hại vật mà họ đang chịu nạn. Khi bị nạn rồi,
họ đã biết nguyên nhân tại sao, họ rất ân hận. Nhưng đã quá muộn màng! Họ đang
rất tha thiết và âm thầm cầu xin con cháu thương họ mà tìm phương giải nạn cho
họ. Nếu con cháu biết được đạo lý này thì nên làm lành làm thiện, những ngày
cúng giỗ đều tổ chức niệm Phật tụng kinh, phóng sanh lợi vật để hồi hướng công
đức. Ơn nghĩa này đối với họ lớn lao và quý hóa biết chừng nào!
Nếu họ đã đầu thai rồi, mà con cháu vẫn cứ giết hại chúng sanh để hồi hướng cho
họ thì họ vẫn bị ảnh hưởng chứ làm sao tránh khỏi.
Ví dụ, như một người chết đầu thai làm chó chẳng hạn. Đây là vì ngu muội mà sanh
vào loài súc sanh.
Con chó vì thương con cháu trong gia đình nên sẽ trở lại trong nhà để phục vụ
cho con cháu. Nếu người thân nhân biết làm thiện làm lành hồi hướng cho người
đó, cầu cho họ dù đang ở trong cảnh giới nào, cũng nương theo công đức này, sớm
tỉnh ngộ tu hành, niệm Phật, cầu sanh Tịnh độ. Nhờ lòng thành mà được cảm ứng,
thì con chó đó có thể được hoá kiếp, hay siêu thoát.
Chứ con cháu không chịu làm thiện lành, mà còn sát hại sanh vật đem cúng cho
tấm hình đời trước của nó, rồi liệng xương cho nó ăn nữa. Trớ trêu không? Thậm
chí, nhân ngày giỗ của chính nó trong đời trước, con cái lại bắt con chó đó làm
thịt để nhậu nhẹt. Hãy nghĩ thử, oán nạn này sẽ dẫn tới đâu? Thân nhân đã biến
thành oan gia trái chủ, tình thương đã biến thành hận thù, hận thù đời đời kiếp
kiếp biết bao giờ mới giải tỏa đây?!...
Vấn đề giỗ chay, đãi mặn thì chẳng khác gì. Vì thật sự, tiếng là giổ chay, chứ
vài đĩa xào để trên bàn thờ, so với tràn ngập thịt cá trong bàn tiệc, thì mấy
món xào trên bàn thờ chỉ là hình thức giả tạm, làm sao che lấp được rượu thịt ê
hề, say sưa túy lúy? Hình thức trống rổng, tâm ý giả tạo, có cảm thông được gì!
Bắt người ta cắt cổ mổ ruột để nhậu trong ngày giỗ mà gọi là giỗ chay. Thật là
trớ trêu, ngang ngạnh!
Càng giả tạo càng làm cho các oan hồn của những chúng sanh bị giết hại càng
thêm hung hãn, càng thêm căm thù. Thù chất thêm thù. Oán thù càng ngày càng
khốc liệt!
Trong KNNP, Diệu Âm cho đây là hành động trả hiếu quá kỳ quái của người thế
gian!
Ông bà đã vụng tu bị quả báo quá đau khổ, vì sát sanh hại vật nên họ chịu đủ
mọi cực hình đau khổ trong tam đồ ác đạo để trả nghiệp, con cháu không tìm cách
gỡ nạn cho ông bà, mà cứ chờ đến những ngày giỗ kỵ đem máu thịt nhét vào mồm
của ông bà để ông bà bị kết thêm tội sát sanh mới. Làm như vậy có khác gì, ông
bà bị nạn, đang tìm cách ngoi lên thoát nạn, vừa mới ngóc lên một chút thì bị
con cháu nện lên đầu một đạp cho chìm xuống lại trong cảnh đọa lạc. Trả hiếu gì
mà kỳ vậy!?...
Vậy thì, người biết tu hành, thì những ngày giỗ kỵ ông bà nên làm trai chay
thanh tịnh mới tốt. Tụng kinh niệm Phật hồi hướng công đức cho vong linh, cầu
xin vong linh sớm siêu sanh Tịnh độ. Nên giảm chế các hình thức ăn nhậu say
sưa, tuyệt đối đừng sát hại sanh vật. Đừng nên lợi dụng ngày chết của ông bà,
cha mẹ, mà giết hại sanh vật làm đám tiệc linh đình để trả ơn nghĩa thế gian.
Nếu sơ ý, vừa tội nghiệp cho ông bà, vừa kết thêm nghiệp chướng cho chính mình.
Nhân quả này không dễ gì trả được đâu.
Nhân ngày giỗ kỵ này, con cháu nên ăn chay, phóng sanh, làm các việc thiện lành
để hồi hướng công đức, cầu cho vong linh được tiêu nghiệp tăng phước. Chỉ cần
nhang đèn, hoa quả với vài món tinh khiết để tỏ lòng thành kính. Nếu nhà nghèo
quá, thì chén nước lạnh tinh khiết với hoa quả, một nén hương là đủ để thiết lễ
tưởng niệm rồi. Cần chi đến hình thức linh đình mà bị khó khăn.
Mời đồng tu đến tụng kinh, niệm Phật, hồi hướng công đức là tốt nhất, tiện
nhất, đúng pháp nhất. Nên thành tâm khai thị, khẩn cầu vong linh sớm hồi đầu
quy y Tam bảo, niệm Phật cầu sanh Cực lạc thì càng hay, càng chánh pháp.
Ngày giỗ kỵ mà làm được các điều thiện lành này thì được nhiều chư thiện thần
ủng hộ, gia trì. Nếu cứ sát sanh hại vật, làm việc sai với đạo pháp thì các vị
thiện thần sẽ lánh xa, đây là điều không tốt cho gia đình trong tương lai vậy.
Diệu Âm
Hỏi số 24:
Em pháp danh là Nguyên
Quảng. Em có một câu hỏi là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni có dạy rằng: "Nhân Duyên Quả báo tơ hào
chẳng sai...". Vậy nếu mình đã tạo tội rồi, mình phải lãnh chịu quả
ấy, nhưng em không hiểu là niệm một câu Phật hiệu tiêu trừ 80 ức kiếp sinh tử
trọng tội. Xin anh Diệu Âm hoan hỷ giải thích cho em biết, em rất cám ơn công
đức của anh.
Trả lời:
Phật dạy: Nhân-Duyên-Quả Báo tơ hào không
sai. Phật dạy thì chắc
chắn không thể sai được, chỉ có con người giải sai nghĩa kinh Phật đó thôi!
"... nếu mình đã tạo tội rồi... mình phải lãnh chịu quả ấy... " . Nếu ai muốn PHẢI lãnh chịu quả ấy,
thì cứ chờ mà lãnh, chắc chắn không trước thì sau cũng phải nhận thôi. Còn như
muốn tránh thoát cái quả báo tệ hại, cũng có cách vậy.
Nghĩa là, người nào muốn bị quả báo thì cứ tạo cái DUYÊN cho thật xấu đi thì hưởng ngay quả
xấu! Duyên nào sẽ hợp với NHÂNđó
mà sanh ra QUẢ tương xứng, đó gọi là "Nhân Duyên Quả báo tơ hào
không sai".
Ví dụ, có hạt cỏ dại là Nhân,
đem gieo xuống đất là Duyên,
sẽ mọc lên cây cỏ dại là Quả.
Có hạt cỏ dại (Nhân), không chịu gieo xuống đất (không gặp Duyên), hạt cỏ dại
chưa thể nẩy mầm được (chưa có Quả).
Hay hơn nữa, đem cái Nhân ấy (hạt cỏ dại), liệng vào bếp lửa ( cắt đứt cái Duyên), thì
cái Nhân cũng tiêu luôn, không thể thành Quả?
Nên nhớ kỹ, Nhân cần phải có
Duyên, mới sanh ra Quả.
Vì vậy, Quả Báo có Hiện Báo, Sanh Báo, Hậu Báo.
Hiện Báo (hay còn gọi là Hoa Báo) là tạo nhân đời này, hưởng luôn quả báo trong
đời này.
Sinh Báo là đời này tạo nghiệp, đời sau, hai hoặc ba đời sau mới bắt đầu hưởng.
Hậu Báo là đời này tạo nghiệp, sau bốn đời, hoặc trăm đời, hoặc ngàn đời, hoặc
vô lượng đời kiếp sau mới hưởng.
Tất cả đều tùy theo cái Duyên của người đó.
Chính nhờ cái "DUYÊN" này mới có cơ hội cho chúng sanh tu hành thoát
nạn.
Người làm thiện lành, nếu muốn hưởng liền quả báo cũng dễ dàng thôi.
Ví dụ, muốn hưởng liền thì khi làm một chút điều gì tốt thì hãy trương cờ gióng
trống lên, quảng cáo rộng rãi ra, đi khắp nơi để thông báo... thì tiếng khen sẽ
đến tức thì. Báo chí, TV, phim ảnh... sẽ ào tới phỏng vấn, chụp hình. Hình ảnh
sẽ đi khắp nơi. Đây chính là Hiện Báo hay Hoa Báo của họ đó.
Tâm chấp vào việc thiện thì quả báo của họ chính là cái Danh. Đem tất cả phước
lành đổi lấy cái danh vậy.
Người làm thiện mà không dám đổi cái thiện đó để lấy cái Danh, thì họ âm thầm
làm thiện nhưng không dám khoe ra. Âm thầm làm, nghĩa là họ muốn cắt cái Duyên
để cái Nhân lành khỏi trở thành Quả báo hiện tiền, họ muốn hưởng cái quả ở chỗ
khác, dịp khác.
Ví dụ, người niệm Phật chân chính, họ không muốn hưởng quả báo ở đây, họ gởi
(hồi hướng) về Tây-phương Cực-lạc để cầu mong cuối đời họ được vãng sanh. Đây
là cắt cái Duyên Ta-bà, tạo cái Duyên Cực-lạc để hưởng quả báo cực-lạc.
Người làm ác thì chắc chắn đã có Nhân ác. Cái Nhân ác đang chờ từng phút từng
giây đến cái Duyên để nó hiện hành thành Quả báo ác. Nếu sơ ý tạo cái Duyên ác
(tức là tạo cơ hội thích hợp với nhân ác đó), thì cái Nhân ác đó sẽ cho ra cái
Quả ác ngay lập tức!
Người biết mình lầm lỗi, sợ quá, không dám làm nữa, ăn năng sám hối. Ngày ngày
niệm Phật. Niệm Phật chân thành là đang tạo duyên Tịnh-độ. Cái nhân ác không đủ
duyên, nó sẽ nằm ngủ mê man, vạn kiếp sau mới tính chuyện. Trong thời gian đó
người niệm Phật đã thừa hưởng cái nhân Tịnh-độ, họ về Cực-lạc rồi.
Về Cực-lạc thì vô lượng thọ, không còn tử sanh, thần thông diệu dụng, họ chủ
động đi cứu chúng sanh, cứu độ oan gia trái chủ, cứu ông bà cha mẹ, cứu bà con
quyến thuộc nhiều đời nhiều kiếp... Đây là cách trả nghiệp, đền nợ nhân quả của
họ đó.
Chứ họ không muốn chui đầu xuống địa ngục để chịu hành hạ vô lượng kiếp để trả
cho hết nghiệp! Họ không dại gì đi chọn cách trả nghiệp này. Đau khổ quá!...
Có người nói, Ngài Điạ-Tạng Bồ-tát phát tâm xuống địa ngục để cứu chúng sanh
khổ nạn. Mình phải có tâm đại từ đại bi như Ngài mới được. Nghĩa là, nên học
theo Ngài, cũng nguyện xin xuống địa ngục để hành đạo Bồ-tát. Trong kinh nói,
"Địa ngục thệ tiên nhập", thì mình cũng phát đại thệ xin đi địa ngục
trước...
Phát nguyện vậy là sự tự nguyện của cá nhân, không ai cấm cản. Nhưng xin nhớ
cho, ngài Địa-Tạng Bồ-tát là Cổ Phật thị hiện, Ngài xuống địa ngục để cứu chúng
sanh. Còn chúng sanh ngu muội đi xuống địa ngục để bị hành hình khổ đau vạn
kiếp, phải tự chịu lấy. Hai việc khác nhau. Vô lượng vô biên chúng sanh mê muội
cứ dắt nhau xuống địa ngục làm ngài Địa-Tạng cũng đành lắc đầu!
Phàm phu phải lo liệu theo cách của phàm phu. Nghĩa là, phải làm theo lời Phật
dạy, chứ không phải làm như sự thị hiện của Phật. Ta chưa phải là Bồ-tát thì
đừng học đòi theo hành động của quý Ngài.
Mong sao, người học đạo cần biết sớm giác ngộ.
Nhân-Duyên-Quả tất cả đều ở trong tâm. Buồn là duyên cho nhân buồn đến, cho ta
quả buồn. Khổ là duyên cho các nhân khổ đến, ban cho ta những cái gì khổ sở.
Giận là duyên của địa ngục, bao nhiêu công đức tiêu hết, v.v...
Vậy thì, người tạo các nhân vui tươi, thiện lành, an nhàn, thanh tịnh... thì sẽ
dễ hợp với các nhân tốt và dễ hưởng quả tốt trong đời.
Hãy tạo nhân niệm Phật thì tâm ta sẽ trở về với Phật. Hãy nguyện vãng sanh
Tây-phương đi để đời này nhanh chóng hưởng quả vãng sanh Tây-phương. Về tới
Tây-phương rồi thì nhờ A-Di-Đà Phật gia trì mà chúng ta vĩnh viễn hưởng tận mọi
sự an lành cực lạc của cảnh giới bất thối Bồ-tát, một đời thành Phật.
Vậy thì, nguyện "Đới nghiệp vãng sanh", để thành bậc "Bất thối
chuyển", chắc chắn hay hơn nguyện trả nghiệp, để được "nghiệp sạch
tình không" mới tính chuyện thành đạo. Nghĩa là, nguyện vãng sanh
Tây-phương để sớm thành Phật cứu độ vô biên chúng sanh, hay hơn là nguyện xuống
làm kẻ bị nạn dưới địa ngục để chịu hành hình vạn kiếp.
Nguyện thành Phật, thì tâm niệm Phật, tâm niệm Phật thì tâm duyên với Phật, tâm
duyên với Phật thì cảm ứng đến chư Phật mười phương gia trì, cuối cùng sẽ được
A-Di-Đà Phật cùng chư Thánh chúng đến tiếp dẫn về Tây-phương, một đời thành đạo
Vô-Thượng.
Cái Nhân-Duyên này là Nhân-Duyên thành Phật, chứ không phải là thứ Nhân-Duyên
sơ sài để hưởng chút phước của cõi đời vô thường này đâu.
Nguyện trả nghiệp thì tâm đang duyên với nghiệp. Trùng trùng nghiệp chướng sẽ
ập tới bủa vây. Nhất định phải theo nghiệp mà thọ báo trong các cảnh giới tối
tăm đau khổ! Cái Nhân-Duyên này là duyên đọa lạc, sẽ chịu đọa lạc khổ đau trong
vô lượng kiếp chứ không phải vài chục năm như trên trần thế này đâu!
Chính vì vậy, đừng nên sơ ý. Nếu một phàm phu tội chướng sâu nặng, mà nguyện
trả cho hết nghiệp, thì chỉ có cách phải xuống địa ngục mới có thể trả hết
nghiệp! Vì chỉ có điạ ngục chính là nơi có đầy đủ tất cả duyên cho tất cả
nghiệp ác hiện hành. Tất cả nghiệp ác hiện hành thì ta sẽ tuần tự trả hết tất
cả nghiệp ác, trả từ nghiệp này đến nghiệp nọ, không sót một nghiệp nào cả. Đó
gọi là "Nhân-Duyên-Quả báo tơ hào không sai" vậy.
Tuy nhiên, còn có một vấn đề khác nữa là người trả nghiệp không được ân hận...
Nếu ân hận mà sanh ra căm thù, khổ đau, trách móc, chửi bới, sân nộ, v.v... thì
trong lúc trả nghiệp lại tạo thêm nhiều nghiệp khác. Nghiệp cũ chưa trả xong,
nghiệp mới lại sanh ra, thì đời đời kiếp kiếp không thoát được địa ngục đâu!
Thành ra, xin chư vị cố gắng tìm hiểu cho thấu đáo vấn đề Nhân-Quả, không nên
sơ ý! Nên nhớ, giữa Nhân và Quả nó có chữ Duyên. Đừng quên chữ Duyên này mà
giải sai lời Phật dạy.
Một người lâu nay làm điều sai lầm là vì lúc mê muội xuôi khiến họ làm sai. Đó
là vọng tâm chứ không phải chơn tâm. Vọng là giả, giả thì không thực. Không
thực thì tự nó vốn không, vốn là không thì chỉ cần bỏ đi, xa lìa đi, thì không
sẽ trở về không vậy.
Ví dụ, bóng tối bao trùm căn phòng nhiều năm, tối tăm âm u.. Bóng tối này là
giả chứ không phải thực, chỉ cần thắp lên ngọn đuốc thì bóng tối tiêu mất,
không còn nữa.
Người cứ chạy theo những ý niệm lỗi lầm thì mãi mãi chìm trong bóng tối, chắc
chắn bị mờ mờ mịt mịt, sẽ sụp hầm sụp hố. Hãy bỏ bóng tối đi, thắp đuốc lên,
chắc chắn sẽ có cơ hội hưởng đầy cả ánh sáng. Niệm Phật được đới nghiệp vãng
sanh về Tây-phương giống như vậy đó.
Niệm Phật là niệm từ lòng chân thành thanh tịnh, chí thành, chí kính. Gọi là
chơn tâm niệm chứ không phải vọng tâm niệm... Chơn thì thực, thực thì sẽ thành.
Chơn tâm ví như ánh đuốc, tội ác ví như bóng tối. Ánh đuốc vừa thắp lên thì
bóng tối mất hết. Lúc đó, hỏi rằng bóng tối đâu rồi? Tìm không ra nữa, phải
không?!
Trong kinh Phật dạy, chúng sanh và Phật là một chứ không phải hai, chỉ khác
nhau ở chỗ Mê hay Ngộ mà thôi.
Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh thì chúng sanh nào chẳng phải là Phật. Đã là
Phật thì ai về với Phật cũng được cả. Nhưng khổ nỗi, vì chúng sanh cứ mê hoài,
không chịu giác ngộ, thành ra vẫn là chúng sanh đời đời kiếp kiếp hứng chịu đủ
thứ khổ đau!
Giác ngộ có nhiều đường để giác ngộ. Những đường tự lực giác ngộ cần đến căn
tánh thượng thừa, dành cho chư đại Bồ-tát tu hành. Các pháp này, người căn tánh
trung hạ không thể thực hiện được.
Suy cho cùng, pháp niệm Phật là thích hợp nhất cho tất cả chúng sanh thời mạt
pháp này. Chúng ta sanh ra trong thời mạt pháp, nếu không nương dựa vào pháp
niệm Phật, thì chắc chắn khó tránh khỏi sự thất bại ê chề!
Phật dạy, "Niệm Phật là nhân, thành Phật là quả, Niệm Phật thành
Phật". Lời này Phật nói cho chín pháp giới chúng sanh, chứ không riêng gì
cho sáu đạo luân hồi này đâu. Nghĩa là, cả bậc Thanh-Văn, Duyên-Giác, Bồ-tát
cũng phải niệm Phật để thành phật. Xin chớ sơ ý!
Phật dạy niệm Phật, là dạy chúng sanh hãy mau Niệm Phật để thành Phật đi. Chúng
sanh không chịu Niệm Phật lại cứ niệm địa ngục, niệm nghiệp chướng, niệm tham
sân si, v.v.. và v.v.. Rõ ràng, là một vị Phật đang bị nhốt trong lớp áo chúng
sanh này, lại cứ muốn rằng, hãy tiếp tục làm chúng sanh đi, để mãi mãi vẫn là
chúng sanh. Thật tội nghiệp!!!...
Đã biết chính mình có Phật tánh mà cứ lo làm chúng sanh, thành ra vị Phật này
phải sống trong lớp thân xác với nghiệp chướng nặng nề, tập khí sâu dày, thì
đành chịu đời đời kiếp làm chúng sanh vậy thôi, chứ biết làm sao hơn?!
Niệm Phật phải thành tâm mới có ích lợi. Niệm không thành tâm không có tác dụng
đâu.
Ví dụ, lấy việc đi hộ niệm cho người bệnh làm chứng minh. Người nào thành tâm
tin tưởng thì họ hộ niệm cứu được nhiều người vãng sanh. Người không có niềm
tin vững chắc thì kết quả ít cứu được người vãng sanh.
Xem những video vãng sanh thấy rõ ràng điều này. Nơi nào có nhiều người thành
tâm lạy Phật, ban hộ niệm thành tâm tha thiết niệm Phật, tha thiết khai thị
hướng dẫn, còn người trong gia đình thì thành tâm lạy Phật, cung kính khẩn
cầu... Kết quả, người bệnh ra đi với thoại tướng tốt đẹp, bất khả tư nghì!
Ngược lại, người hộ niệm có niềm tin yếu ớt, hồ nghi, tâm hồn chao đảo, ý tưởng
không vững, khai thị không chân thành, ưa phô diễn lý này lý nọ... thì công
việc hộ niệm của họ ít khi cứu được người vãng sanh. Ngược lại, thường gặp trở
ngại này, trở ngại nọ. Nghĩa là, việc thiện lợi đã giảm thiểu trước mắt!
Tại sao vậy? Vì dùng vọng tâm niệm Phật. Người không tin tưởng thì dù có niệm
Phật cũng chẳng qua là thứ hình thức bên ngoài, khó được cảm ứng.
Tâm chân thành cảm ứng sự chân thành. Tâm người hộ niệm (NHN) tin tưởng làm cho
mọi người tin tưởng theo. Tâm NHN vững vàng giúp người bệnh vững vàng. Tâm NHN
tha thiết vãng sanh giúp người bệnh tha thiết vãng sanh...
Ngược lại, tâm NHN chao đảo thì làm người bệnh chao đảo, làm người nhà chao
đảo, oan gia trái chủ biết ngay trong tâm NHN không chân thành, rất khó tạo
được sự cảm ứng đạo dao.
Tâm không cảm, Phật không ứng. Tâm NHN hồ nghi tạo ra từ trường hồ nghi. Đã hồ
nghi thì dù hình thức như thế nào cũng không có công đức lớn mạnh hầu dễ dàng
giúp cho người bệnh thoát khỏi ách nạn!
Chính vì thế, có nhiều ban hộ niệm (BHN) thành công rất tốt, nhiều BHN làm việc
không mấy kết quả. Chính cái tâm của NHN là một trong những nguyên nhân, ứng
hiện ra kết quả không viên mãn! (Hẳn nhiên, còn rất nhiều nguyên nhân khác).
Diệu-Âm thường nói rằng, tin tưởng vững vàng, hộ niệm mười người có thể cứu
chín người rưỡi được vãng sanh. Lòng tin chao đảo, hộ niệm thử, hộ niệm thăm
dò, hướng dẫn lấy lệ... thì hộ niệm mười người, may mắn lắm, cũng chỉ có nửa
người được hưởng chút ít phước báu nào đó mà thôi!
Người nào ưa hồ nghi vậy?
- Người thiếu thiện căn hồ nghi. Đây là nói tổng quát. Chính vì nhiều đời kiếp
trước ít tu hành, chưa đủ phước huệ. Nếu có tu hành tốt, thì nhờ thiện căn
trước mà rất dễ phát khởi lòng tin. (Đây là dạng hậu báo của cái nhân nhiều đời
kiếp trước).
- Người thông thạo nhiều thứ quá ưa hồ nghi. Thế trí biện thông làm cho tâm họ
rối mù trong những luận giải vô thường của thế gian. Kinh Phật dạy, đây là một
trong tám thứ khổ nạn của chúng sanh, (gọi là Tam-đồ bát-nạn khổ).
- Người thích tìm hiểu, nghe nhiều pháp quá hồ nghi pháp niệm Phật. (Đây là lời
nói của HT Tịnh Không). Người niệm Phật mà còn tu tạp nhạp, tìm hiểu đủ thứ, đây
chính là vì tâm chưa vững. Tâm không vững thì sẽ rơi vào: một là, bỏ niệm Phật
chạy theo cách hành trì khác, (trong Kinh VLT gọi là Tà Định Tụ). hai là, tâm
hiếu kỳ đủ thứ, thích thực hành thêm đủ thứ, (trong Kinh VLT gọi là Bất Định
Tụ). Sau một thời gian niệm Phật họ thường bị thối chuyển, không hưởng được kết
quả.
Vì tâm chưa an trụ vững chắc vào câu Phật hiệu, nên mới thích tìm hiểu thêm cho
rõ lý. Không ngờ, trong khi tìm hiểu đó, chính họ đã bị nhiễm trước những lý
luận mênh mông bên ngoài làm lung lay chí nguyện của họ. Nghĩa là, họ đã mất
Chánh Định.
Tà Định và Bất Định, theo như kinh phật dạy, rất khó được vãng sanh. Hãy xem
đi, hàng triệu người chết hàng ngày, kể cả có tu hay không tu, liệu có ai được
tướng hảo khi bỏ báo thân chăng? Nên nhớ, có tướng hảo lúc chết là được tốt một
chút mà thôi chứ chưa hẳn đã được vãng sanh Cực-lạc, vậy mà vẫn chưa có, huống
chi là vãng sanh về Tây-phương!
Vậy thì, đời này chúng ta gặp được pháp niệm Phật thì hãy phát lòng tin tưởng
vững vàng đi để hưởng quá báo viên mãn thành tựu này, đừng sơ ý bị lọt lại
trong lục đạo, nhất định sẽ khó khăn về sau.
A-Di-Đà Phật
Diệu Âm
Hỏi số 25:
- Mọi người ai cũng cần
có người hộ niệm khi lâm chung. Đó là điều cần thiềt và rất quý, nhưng trường
hợp như tụi em sống ở một nơi không gần với cộng đồng thì lúc chết ai hộ niệm
cho mình? Con cháu của mình sau này nó là người Mỹ hết, hay nó theo đạo khác
thi nó đâu biết tiếng Việt hay những nghi thức để hộ niệm thì mình làm cách nào
để được vãng sanh?
Trả lời:
Điểm thứ nhất: Sống
không gần với cộng đồng:
Người biết cách hộ niệm thì ở đâu cũng dễ có người đến hộ niệm. Người không
biết cách hộ niệm thì dù sống chung với một cộng đồng đông như kiến, nhưng khi
chết cũng chưa chắc sẽ có ai hộ niệm cho mình đâu!
Ví dụ, trong pháp tu niệm Phật, rất chú trọng việc hộ niệm vãng sanh, nhưng
người tu phải biết HN thì người lâm chung mới có được hộ niệm. Có nhiều người
tu hành trong Phật giáo, không biết đường vãng sanh, chưa có ý niệm cầu giải
thoát, cứ tu để kiếm chút phước gì đó rồi chờ chết, thì tất cả đều phải chết,
tương lai còn quá mờ mịt!...
Vậy thì, vấn đề sống chung với nhiều người Việt chưa chắc là sẽ được hộ niệm
lúc lâm chung để vãng sanh đâu!
Để giải quyết vấn nạn trên, xin chú tâm đến những điều sau đây:
1/ Tự mình phải nổ lực niệm Phật, tu hành:
Đây mới là chính. Mình không chịu tu hành thì làm sao có ngày thành đạo. Mình
không niệm Phật thì dễ gì có được người ta niệm Phật cho mình. Mình không
nguyện vãng sanh thì làm sao có cơ hội vãng sanh.
Công phu tu hành là điểm chính, mỗi người phải lo tự thực hành trước. Cái quả
vãng sanh ở cuối đời chính là nhờ cái nhân niệm Phật từ ngày hôm nay. Cái quả
tương lai được người hộ niệm là nhờ cái Nhân hôm nay mình đi hộ niệm cho người.
2/ Biết hộ niệm:
Muốn hộ niệm cho người khác được vãng sanh, thì chính chúng ta phải tìm hiểu
cho thấu đáo phương pháp hộ niệm. Lý luận, phương thức, cách khai thị hộ niệm
phải nắm vững. Nếu chính mình không hiểu gì về hộ niệm, thì lo lắng đến ngày
lâm chung được hộ niệm chưa chắc đã tốt! (Vấn đề HN Diệu Âm đã khai thác rất
nhiều, vừa tọa đàm, vừa vấn đáp, vừa video vãng sanh. Xin bỏ chút ít thời gian
xem qua).
Vì sao vậy?
- Một là, thường lầm lẫn giữa hộ niệm với cầu siêu, cầu an, hậu sự, hộ táng...
Mình lầm lẫn như vậy thì tạo cái duyên lầm lẫn đến nhiều người. Sau cùng người
khác cũng sẽ đem cái lầm lẫn ấy mà áp dụng cho mình.
Cầu siêu là đợi chết, liệm trong quan tài rồi tới tụng kinh siêu độ. Cầu an là
cầu cho tiêu tai giải nạn, khỏi chết. Hậu sự, hộ táng là đưa đám ma đi chôn.
Còn hộ niệm là khuyên người niệm Phật cầu vãng sanh. Niệm Phật thì mỗi người
cần phải tự làm trước, ai cũng phải có đầy đủ TÍN-NGUYỆN-HẠNH để vãng sanh.
Nghĩa là, phải tự TÍN-NUYỆN-HẠNH thì khi hữu sự nhờ duyên HN mà thêm vững phần
vãng sanh. Chứ đâu phải cứ chờ lúc sắp chết, rồi kêu một vài người tới niệm
Phật vài giờ thì được vãng sanh đâu!
- Hai là, người không hiểu HN thường tạo những hành động sai lầm, phạm đến điều
cấm kỵ khi hộ niệm. Bị phạm vao diều cấm kỵ gây trở ngại rất nhiều cho việc
vãng sanh.
Ví dụ như:
-Tắm rửa, đụng chạm vào thân thể quá sớm;
- Khóc lóc than thở bên xác chết;
- Dùng bùa chú yếm trừ;
- Không an lòng niệm Phật ít ra là 8 tiếng đồng hồ;
- Không lo niệm Phật mà lao chao coi ngày coi giờ trong lúc HN;
- Tẩn liệm quá sớm trong khi thân xác còn nhiều chỗ chưa được lạnh (nghĩa là,
có thể thần thức còn vướng trong thân, chưa chết hẳn);
- Giết hại sanh vật cúng tế, thết đãi;
- Lo chích thuốc chốn rã thân quá sớm,
- Ồn náo, kiện tụng bên cạnh xác chết, v.v... Nhiều điều si lầm lắm.
Nói chung, có biết cách hộ niệm rõ ràng, chính xác, mới chuẩn bị được hộ niệm,
mới biết những gì cần làm, những gì cần kiên cữ, cho người, cho cả chính ta.
Xin tự hỏi, chính mình đã nắm vững phương pháp hộ niệm chưa?
3/ Phát triển sự hộ niệm:
Cần vận động, tuyên truyền, khuyên nhủ, nhắc nhở con cháu, người thân, khuyến
khích cùng nhau niệm Phật, thành lập nhóm cộng tu niệm Phật. Đây là cái nhân để
thành hình một nhóm hộ niệm.
Cứ phát tâm làm đi, còn thành tựu được hay không cứ để Phật Bồ-tát lo liệu.
4/ Chuẩn bị tự hộ niệm:
Hễ có người Hộ niệm thì tốt, nếu không có ai hộ niệm, thì phải biết tự hộ niệm
cho mình. Nghĩa là sao? Phải có tự lực mới cầu được tha lực.
-Tinh tấn niệm Phật để nghiệp chướng tiêu trừ, phước duyên tăng trưởng, nhờ đó
dễ được an nhiên ra đi (tuyệt vời!). Niệm Phật chắc chắn có lợi, (nếu nhất tâm
đuợc thì hay quá...).
Nên nhớ, thành tâm niệm một câu Phật hiệu phá tan 80 ức kiếp nghiệp chướng sanh
tử trọng tội. Tiêu nghiệp thì phước tăng, có phước mà biết đường vãng sanh thì
vãng sanh không khó lắm vậy.
- Làm tờ di chúc, nhắn nhủ, dặn dò con cháu những gì cần làm, những gì cần
tránh.
- Lập chí vãng sanh vững vàng, đừng thối chí. Ví dụ: khi bệnh đừng sợ chết,
không cầu hết bệnh, coi cái chết nhẹ nhàng. Không lo, không sợ, kông buồn,
không than, v.v... Người ta khi nghe bác sĩ nói sắp chết thì sợ hãi (đến hết
hồn hết vía!), còn ta thì cười hè hè, sung sướng vì thấy rằng ta sắp được dịp
theo A-Di-Đà Phật về Tây phương.
- Sẵn sàng ứng trị với những trường hợp người thân làm điều sai lầm. Trong tâm
nên chuẩn bị trước để phá trừ những chướng ngại. Ví dụ, con cái khóc lóc: kệ
nó, đừng luyến lưu; Bị đau đớn quá: đã dự định rồi, quyết niệm Phật cầu gia bị;
gặp oan gian trá hình: đã biết rồi, yên tâm niệm Phật, thành tâm sám hối, hồi
hướng công đức cho họ để hóa giải, (nên làm việc này liền đi), v.v...
- Nguời thường bận tâm lo lắng không an nhiên bằng người ít lo. Càng lo lắng
càng bất an. Tại sao không cố gắng niệm Phật, cố gắng tu hành, biết mình bị
nhiều chướng duyên thì cố gáng công phu nhiều hơn, há không hay hơn sao? Biến
nghịch duyên thành thuận duyên. Nhìn thấy sự khó khăn mà lo tu hành tốt hơn
vậy.
Tự mình phải lo liệu cho mình, chứ có cách nào khác hơn! Tập buông xả cho
nhiều... mới tránh được những vướng mắc.
Điểm thứ hai: Con cái theo đạo khác:
Đầu tiên xin khuyên rằng, đừng bao giờ có tâm xem thường những tôn giáo khác.
Người có tu hành, dù đạo nào cũng tốt hơn người vô đạo.
Phải có tâm hoan hỉ khi con cái có đường tu hành. Mỗi người đều có cái duyên
riêng, chớ nên kỳ thị.
Ở Hồng Kông, cách đây không lâu, (quên mất năm nào), có một bà Cụ có tất cả 6
người con đều theo đạo Thiên Chúa, riêng Cụ thì niệm Phật. Bà luôn luôn tôn
trọng con cháu, và nhắc nhở con cháu đi nhà thờ đều đều. Nhờ vậy mà tất cả con
cháu đều tôn trọng bà và hết lòng yểm trợ cho bà. Khi bà vãng sanh, biết trước
ngày giờ, bà nhờ chính nhũng đứa con khác đạo này tụ tập về ngồi chung quanh
niệm Phật hộ niệm và bà ngồi mà vãng sanh. Tất cả con cháu của Bà thấy vậy, đã
tự ý chuyển sang niệm Phật.
Lấy nghịch duyên làm thuận duyên tu hành. Người chung quanh tự họ chuyển.
Phật lực gia trì ở sát bên cạnh. Miễn sao mình phải có thành tâm. Có cầu tất có
ứng. Xin chớ quá lo lắng.
Chúc an tâm, thành công,
Hỏi số 26:
Có thầy giảng khi ở thân
trung ấm nếu thấy hào quang dịu dàng là của Phật, hào quang chói chang là của
ma. Ngược lại, có thầy giảng hào quang chói chang là của Phật, còn dịu dàng là
của ma. Xin chú giải thích rõ để Phật tử chọn đi đúng đường về với Phật.
Trả lời:
Câu hỏi này hay lắm.
Nhưng vấn đề này rộng quá, thật là khó có thể mổ xẻ đến chỗ tường tận!
Ở đây, trong phạm vi một câu trả lời, chúng tôi xin đề cập đến một vài yếu tố
về pháp môn tu. Có lẽ vì căn cứ vào các pháp môn tu học khác nhau nên câu trả
lời hình như có sự sai biệt!
Phật để lại có tới 84 ngàn pháp môn tu học, để ứng trị với tập khí, phiền não,
nghiệp chướng, căn cơ khác nhau của chúng sanh. Nếu đem so sánh, thì tất cả các
pháp môn tu hành đều có chỗ đồng, chỗ biệt.
"Đồng" là đi về cùng một mục đích, chính là khai mở Chơn-tâm Tự-tánh
của mình, thành Phật. "Biệt" là mỗi pháp đều có sự thực hành riêng,
cách đối trị riêng. Chúng ta cũng thường nghe đến câu, "Đồng mà biệt, biệt
mà đồng", hoặc "Đồng quy nhi thù đồ". Nghĩa là, cùng đi về một
chỗ, nhưng đường đi khác nhau. Mục đích thì chung, nhưng cách tu hành, phương
pháp đối trị với nghiệp chướng, thì tùy theo từng căn cơ mà có chỗ khác biệt.
Chính vì vậy, cảnh giới ứng hiện ra có chỗ đồng nhất, có chỗ sai biệt cũng là
chuyện thường!
Để dễ hiểu hơn, chúng ta đưa ra một vài ví dụ gần gũi trong thế gian để dẫn
chứng trước:
Một người thôn quê, sống trong cảnh yên lặng, thì lời nói, cử chỉ, tính tình
của họ cũng hiền hòa, mộc mạc. Ngược lại, môt người ở thành Phố phồn hoa, thì
họ thông minh, lanh lợi, khôn ngoan, tính toán hơn. Bản năng này do tâm bị tập
nhiễm môi trường mà ra, chứ không phải chơn tâm khác biệt.
Một người thiện lương thì thấy ai cũng thương hại, tin yêu. Ngược lại, một
người đa nghi thì thấy ai cũng nghi ngờ, dò xét. Tin yêu hay nghi ngờ đều do
tâm tạo nên.
Người lớn cứ lấy chuyện ma mà hù dọa trẻ em, thì trẻ em nằm ngủ thường giựt
mình la hoảng! Nếu đem chuyện lành mạnh dạy dỗ thì các em vui tươi, an lành.
Người ác thấy việc ác, người thiện thấy việc thiện. Phật thấy chúng sanh đều là
Phật. Chúng sanh thấy Phật không khác gì chúng sanh. Tốt-Xấu, Thiện-Ác,
Phật-Chúng sanh... tất cả đều do tâm tạo ra cả.
Kinh Phật có nói: "Nhất thiết pháp tùng tâm tưởng sanh". Vạn pháp đều
từ tâm của chính mình hiển hiện ra.
Như vậy một người thấy Phật hay Ma, lâm chung được an lành hay bị chướng ngại,
thân trung ấm thấy quang minh của Phật chói chang hay dịu dàng đều có nguyên
nhân tương ứng.
Xin nêu lên mấy điểm sau đây có liên quan đến vấn đề này:
1/ Tự-Lực và Nhị-Lực:
Tự-Lực là tự mình tu chứng để giải thoát, không cần nhờ cậy tới ai. Nhị-Lực là
vừa tự mình tu hành, vừa nương nhờ từ lực của chư Phật gia trì. Hầu hết các
pháp môn tu hành đều mang tính chất tự lực, riêng pháp môn Niệm Phật là pháp
nhị lực, luôn luôn cầu Phật A-Di-Đà gia trì tiếp độ để đới nghiệp vãng sanh Cực-lạc
quốc..
Người tu hành tự lực thì thường phải có nghị lực cao, ít tính khiêm nhường, họ
muốn tự mình chiến thắng nghiệp hoặc, tự đối đầu với oan gia trái chủ để tự bảo
vệ lấy mình. Chọn cảnh đấu tranh thì khó có thể được cảnh thanh bình! Tâm không
chấp nhận sự êm dịu thì quang minh của Phật ứng hiện cũng không thể êm dịu
được!
Với người niệm Phật, thường có tâm khiêm nhường. Chư Tổ Tịnh tông đều khuyên
nhắc người niệm Phật phải tự cho mình là hàng hạ căn thấp kém, phải có tâm chí
thành chí kính, luôn nương vào Phật lực, cầu Phật gia trì để được đới nghiệp
vãng sanh. Vì tâm chí thành chí kính nên tương ứng với đại thệ của đức Phật
A-Di-Đà, được Phật Bồ-tát gia trì, chư Long thiên hộ pháp bảo vệ, nên họ được
an ổn. Từ đó, tâm của người niệm Phật hiện ra cảnh giới hòa bình, an lạc, thanh
tịnh. Quang minh của Phật cũng ứng theo tâm thành của người cầu nên dịu dàng,
nhu nhuyến.
Đây là, Phật tùy tâm chúng sanh muốn mà ứng hiện ra, hay gọi là, "Tùy
chúng sanh tâm, ưng sở tri lượng" vậy.
Trong các pháp tự lực của thiền định, họ chủ trương "Phùng Phật sát Phật,
phùng ma sát ma", (Gặp Phật giết Phật, gặp ma giết ma). Nghĩa là, gặp Phật
cũng chẳng khác gì ma, đã là ma thì phải phá trừ hết. Tất cả phải tự lập lấy, tự
chứng đắc để nhập Niết-bàn. Gặp Phật mà họ còn không chấp nhận, huống chi gặp
ánh sáng của Phật! Tâm không chấp nhận tha lực, thì Phật lực không cảm ứng
được.
Còn người tu Tịnh độ thì nương nhờ Phật lực tiếp dẫn, khi xả bỏ báo thân họ
nguyện theo A-Di-Đà Phật về Tây-phương thành bậc bất thối chuyển. "Phật
thị môn trung hữu cầu tất ứng". Đây là do tâm thành mà được linh ứng. Tâm
ta có cảm, Phật tất có ứng gọi là cảm ứng đạo giao.
Người tu Thiền định chủ trương "Đa nghi đa ngộ". (Nghi nhiều thì ngộ
nhiều). Đối với tất cả mọi cảnh giới cần phải tự nghi vấn, phải tự thân thấu
hiểu rốt ráo, phải tự mình đạt lấy, chứ không dựa vào bất cứ một tha lực nào
cả. Thành ra bất cứ cảnh giới nào hiện ra cũng bị họ nghi ngờ, gạn lọc. Muốn
gạn lọc thì Phật cũng đành thử thách, để chúng sanh mặc sức mà gạn lọc!
Còn người tu Tịnh-độ thì dùng tím tâm mà về với Phật, phải "Đoạn nghi sanh
tín". Trong kinh, Phật dạy người niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ thì lúc xả bỏ
báo thân, A-Di-Đà Phật cùng chư Thánh chúng hiện ra trước mặt, tiếp dẫn về
Tây-Phương. Người niệm Phật phải vững vàng tin vào lời Phật dạy này để được
vãng sanh. Tín-Nguyện-Hạnh là tông chỉ, trong đó lòng tin là đầu mối để thành
đạo. Đây là: "Tín tâm thanh tịnh tất sanh thật tướng" vậy.
Pháp môn tự lực, vì vậy, chỉ dành cho hàng căn cơ thượng thừa, hay nói rõ hơn,
là hàng đại bồ-tát thực hành. Còn pháp nhị lực Tịnh độ thì "Tam căn phổ
bị, phàm thánh tề thâu", phổ dụng khắp các căn cơ, thượng trung hạ đều
được thành tựu.
Cho nên, người tu hành cần phải xét rõ căn cơ của chính mình để chọn lựa pháp
môn thích hợp mới mong ngày thành tựu, chớ nên khinh suất.
2/ Tịnh Tông và Mật Tông :
Trong Mật-tông có nhiều cảnh giới rất lạ thường đối với người phàm phu kém trí
huệ như chúng ta! Nếu không được hướng dẫn kỹ, một người bình thường, tự thực
hành theo pháp Mật-tông, có thể bị lạc vào những cảnh giới huyễn hoặc, rất khó
phân định!
Cách hành trì của Mật-tông là lăn vào cảnh động, chế ngự cảnh động để tìm ra
cảnh tịnh. Đây không phải là cách tu hành của hạng người bình thường. Còn cách
hành trì của Tịnh-tông là cố gắng xa lìa cảnh động để bảo vệ cảnh tịnh. Cách tu
này an toàn, dễ dàng hơn, thích hợp với hàng sơ cơ hạ căn.
Cũng như cách tu tự lực Thiền-tông, người tu Mật-tông cũng cần đến trí huệ sắc
bén, ý chí vững mạnh, mới vượt thắng những thử thách của nhiều cảnh giới khá
huyền bí (nên gọi là Mật), để tìm ra đường sáng giác ngộ. Một khi chọn môi
trường thử thách thì phải chịu khá nhiều thử thách. Ánh sáng chói chang hiện ra
chính là để đáp ứng với cái tâm muốn thử thách vậy.
Người tu Tịnh-độ thì ngày ngày niệm Phật cầu Phật tiếp độ về Tây-phương, họ
nhìn đức Phật A-Di-Đà giống như người cha hiền hòa. Chính tâm hồn hiền hòa này
đã cảm ứng đến quang minh của Phật cũng hiền hòa, êm dịu.
Trong Mật-tông thì mỗi người phải là một chiến sĩ kiêu hùng, phải tự trang bị
cho mình cả thể chất lẫn tinh thần để sẵn sàng lăn xả vào trận mạc mà chiến đấu
với ác nghiệp, hàng phục ma chướng. Đây là môi trường đấu tranh vô cùng quyết
liệt giữa sống và chết, giữa thiện và ác, giữa giải thoát và địa ngục. Ở đó
thiện ác phân minh, ác phải diệt, thiện phải dương. Trong cảnh giới này, khó
tìm ra sự an nghỉ. Cho nên, đối với họ sự im lìm, dịu mát quả là điều trái
ngược.
Người tu Tịnh-độ, thì ngược lại, cần nhất là buông xả vạn duyên, ác thì phải
buông đã đành, nhưng thiện cũng phải buông mới là Tịnh-nghiệp. Nói rõ hơn, việc
ác không được làm, việc thiện phải làm nhưng tâm phải biết buông, không được
chấp vào đó mới có thể hoàn thành Tịnh-nghiệp. Như vậy, đối với người niệm
Phật, tất cả các việc thiện là "Trợ hạnh", còn "Chánh hạnh"
vẫn là nhiếp tâm niệm A-Di-Đà Phật cầu vãng sanh về nước Cực-lạc.
Người vãng sanh về nước Cực-lạc sẽ hội tụ với chư Bồ-tát ở Liên Trì hải hội, ta
cùng chư Thượng-thiện-nhơn câu hội một chỗ. Trong kinh Phật nói, cõi Cực-lạc,
dẫu cho tiếng ác cũng không có, thì làm gì có hình tướng xấu ác, ảnh tượng hung
tợn? Vậy thì, làm gì hào quang của Phật lại chói chang, khó chịu?
Giữa Mật-tông và Tịnh-độ sự hành trì có khác nhau, thành ra các biểu tượng thờ
phụng và nghi thức hành đạo cũng chỗ khác nhau.
Ví dụ, như trong Kim-cang Mật thừa của Mật tông, người muốn thọ trì theo giáo
pháp này phải tu luyện tâm hồn vững mạnh, chí khí kiên cường, thân thể tráng
kiện mới tu hành được. Người tu phải luyện tập võ nghệ, phải có khả năng tự vệ
hữu hiệu, phải được truyền chỉ những mật chú để tự bảo vệ lấy mình trước những
thử thách của cảnh giới rất huyền ảo, khá phức tạp. Chỗ nương dựa của họ vẫn là
chính họ. Chính vì vậy tâm hồn của họ khó có thể đơn giản, nhẹ nhàng được!
Ngược lại, những điểm đòi hỏi trong Mật-tông hoàn toàn không đề cập đến trong
Tịnh-độ tông. Người tu Tịnh-độ chủ yếu là giữ tâm hồn khiêm hạ, cung kính,
thành khẩn, họ đặt niềm tin vào sự gia trì, che chở của Phật A-Di-Đà, chư
Bồ-tát Thánh chúng, chư Long Thiên hộ pháp. Nhờ vậy, Tâm hồn người tu Tịnh-độ
đơn giản, hiền hòa, thanh tịnh và có chỗ nương dựa.
Cách trang trí, thờ phụng cũng có chỗ khác nhau.
Khi bước vào một tự viện Mật tông, chúng ta thấy cảnh trí ở đó thật chói chang,
màu sắc rất tương phản. Những hình tượng của Phật và Bồ-tát đều lộ vẻ đặc thù
sắc bén, các vị thần Kim Cang Tát-đõa rất hùng dũng, dữ tợn. Có những mật thất
của Mật-tông chỉ dành riêng cho người đã được trải qua những pháp quán đảnh đặc
biệt, còn những người khác không được bước vào. Ở đó thường trưng bày những
hình tượng rất đặc biệt, diễn tả những cảnh giới mà người bình thường không thể
tự ý xem qua!
Ngược lại, khi bước vào trong một Niệm Phật Đường của Tịnh-độ tông, ai cũng có
cảm giác an lành, nhẹ nhàng. Cách thờ phụng ở nơi này trang nghiêm, thanh tịnh.
Hình tượng Phật Bồ-tát đều hiền hòa, từ bi, mọi người đều hoan nghênh bước vào
để lễ bái. Vào đó, mọi người đều tắm mình trong ánh hào quang của Phật, Bồ-tát,
ai ai cũng cảm thấy an lành như được sự gia trì, che chở, bảo vệ an toàn trong
ánh quang minh của Quý Ngài.
Tại sao lại có sự khác biệt như vậy?
Thực ra, đã là Phật Bồ-tát thì đâu còn tướng gì nữa. Tất cả những ảnh tượng, đồ
hình chỉ là sự biểu trưng cho các phương pháp tu hành, cảnh giới thấy được cũng
chỉ là ứng hiện theo tâm tưởng của chúng sanh mà thôi.
Như vậy, quang minh của Phật nếu có khác nhau, tất cả chẳng qua đều do chính
tâm của con người cảm ứng đến. Nhất thiết duy tâm tạo. Ánh sáng của Phật
A-Di-Đà chói chang là vì tâm của con người "chói chang", ngờ vực. Ánh
sáng của Phật dịu dàng vì tâm của con người hiền hòa, dịu dàng.
Như vậy, chúng sanh muốn chọn ánh sáng nào?
Trong kinh Vô-lượng-thọ, Đức Thích-Ca Mâu-Ni nói quang minh của Phật A-Di-Đà là
tối tôn đệ nhất, Đức Bổn-Sư tôn xưng ánh sáng của A-Di-Đà Phật là "Quang
trung cực tôn", và Phật A-Di-Đà còn có nhiều danh hiệu khác, trong đó có:
"Thanh-Tịnh-Quang, Hoan-Hỉ-Quang, Giải-Thoát-Quang, An-Ổn-Quang, v.v...
Quang minh ấy chiếu khắp mười phương. Tất cả thế giới nếu có chúng sanh nào
chạm xúc quang minh này thì cấu diệt thiện sanh, thân ý nhu nhuyễn". (Kinh
VLT, phẩm 12).
Thực thể Quang minh của Phật là:Thanh-Tịnh, Hoan-Hỉ, Giải-Thoát, An-Ổn... thì
làm sao lại chói chang, nhức mắt được! Nếu chói chang, nhức mắt thì làm sao
chúng sanh chiếu xúc đến lại được thân ý nhu nhuyễn?...
Tất cả đều do chính tâm của chúng sanh cảm ứng ra. Chính vì vậy, giảng giải
kinh điển cần hết sức cẩn thận, phải xét rõ Phật đang giảng trong cảnh giới
nào, cho thành phần nào, đối trị bệnh chướng nào... những điều này cần phải xác
định rõ ràng hầu tránh cho đại chúng sự mập mờ, lầm lạc trong việc tu trì. Tu
học pháp môn cũng vậy, cần phải chọn lựa thích ứng với căn cơ của mình mới mong
có ngày thành tựu.
Thiền định và Mật-tông đòi hỏi căn cơ cao mới thực hành nổi. Người thượng căn
thượng trí có thể tự tu tự chứng, không cần nương nhờ vào ai, tự họ có thể phá
ma chướng, diệt nghiệp hoặc, để thành đạo, chứng đại Bồ-đề. Các pháp môn này,
đại Bồ-tát thực hành thì chính xác, còn kẻ phàm phu mà tham chấp vào đó thì coi
chừng càng tu càng sai!
Còn chúng sanh trong thời mạt pháp, Phật nói, hầu hết căn tánh đều hạ liệt, thì
pháp môn niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ là thích hợp nhất, dễ thành tựu nhất. Người
tu niệm Phật, với tín-nguyện-hạnh đầy đủ, ứng hợp với đại nguyện của đức Phật
A-Di-Đà. Trong kinh nói, khi người đó xả buông bỏ báo thân, Ngài cùng chư đại
Thánh chúng phóng quang đến tiếp dẫn về Tây-phương. Pháp này dễ, nhưng nhiếp
thọ thì rộng vô bờ mé, gọi là tam căn phổ bị, phàm thánh tề thâu. Bậc thượng,
trung, hạ đều có thể tu hành thành tựu.
Còn ánh sáng chỉ là phương tiện biến hóa của đức Phật A-Di-Đà để tiếp độ chúng
sanh. Trên cõi Cực-lạc, chính mỗi cánh hoa sen cũng đều có thể phát ra muôn vạn
đạo hào quang tốt đẹp, thì A-Di-Đà Phật chẳng lẽ không có khả năng biến hóa
được một thứ ánh sáng trong lành, tốt đẹp để cho chúng sanh được an lành tiếp
dẫn về Cực-lạc sao?
Thế mà, có nơi đã mô tả hình tướng của Phật, Bồ-tát rất bất thường, dễ sợ, đầy
uy hiếp. Nhiều người thấy vậy vội vã chấp vào đó mà hồ nghi rằng, tại sao thân
tướng của Phật Bồ-tát lại dữ tợn như vậy! Thưa không phải vậy đâu. Đó chỉ vì
tâm chúng sanh muốn vậy nên Phật Bồ-tát cũng đành ứng hiện như vậy để độ mà
thôi!...
Tướng tùy tâm sanh, tướng tùy tâm diệt. Tâm Phật Bồ-tát là đại từ, đại bi, đại
hỷ, đại xả thì hình tướng của các Ngài đâu có thể nào hung dữ được? Đức Quán
Thế Âm ứng hiện trên cõi trần này thành một Bạch-Y Đại-Sĩ, trông rất từ bi,
hiền hòa như một người mẹ hiền, đây là vì chúng sanh thành tâm quy mệnh Ngài,
cầu Ngài cứu khổ cứu nạn. Trong khi đó, chúng sanh mấy ai biết được rằng, ở
dưới địa ngục, Ngài hiện thành quỷ Tiêu-Diện, một đại quỷ vương, thân tướng
trông rất bạo tợn, hung dữ, ai nhìn thấy cũng phải khiếp đãm! Bồ-tát Quán Thế
Âm đại từ đại bi, làm sao mà có tướng hung dữ được. Chỉ vì tâm chúng sanh ở đó
quá ngu muội, cay nghiệt, ác hiểm, nên Ngài phải hiện như vậy mới có thể độ họ
mà thôi!
Hiểu được điều này rồi, xin hỏi rằng, quý đạo hữu muốn các Ngài sẽ cứu độ mình
bằng hình tướng nào đây?
Khi hộ niệm cho người lâm chung, sự ứng hợp căn tánh lại còn đặc biệt quan
trọng hơn nữa. Nếu hộ niệm mà ứng dụng các pháp không hợp căn cơ, thì không thể
cứu người vãng sanh được. Mỗi pháp môn tu tập đều có mỗi cách hộ niệm riêng,
người hộ niệm cần phải hiểu rõ điều này mà làm như lý như pháp, chứ không thể
sơ suất áp dụng bừa bãi được.
HT Tịnh Không nói rằng, ánh sáng của Phậ