;
Hỏi: Xin Thầy giải nghĩa về cái THẤY?
- Thấy có nhiều nghĩa tuỳ loại:
• Nhục nhãn: Cái Thấy bằng mắt thường
• Thần nhãn: Cái Thấy bằng mắt thần của Chư Thiên
• Tuệ nhãn: Cái Thấy đúng tánh tướng thể dụng của Pháp.
• Thiên nhãn: Cái Thấy căn nghiệp và cõi giới chúng sinh.
• Pháp nhãn: Cái Thấy thanh tịnh, ly trần vô cấu.
• Phật nhãn: Cái Thấy của bậc toàn giác.
Người bình thường thấy bằng nhục nhãn, thuộc tri giác thì tuy không chính xác nhưng vẫn trung thực, chỉ khi tưởng, thức xen vào mới có đúng sai, tốt xấu. Cái thấy của người bình thường cao nhất là linh tri (thần giao cách cảm) thuộc tánh biết.
Chư Thiên có thể thấy bằng thần nhãn, tức thấy được rất xa hoặc thấy xuyên qua tường, thấy cõi giới khác chẳng hạn. Cái thấy của các nhà ngoại cảm, những nhà thôi miên cũng thuộc loại này, không phải thấy bằng mắt thường.
Người có tu chứng có thể thấy sâu hơn bằng tuệ nhãn tức thấy bằng trí tuệ (paññā): vô sư trí thuộc tánh biết và hậu đắc trí thuộc tướng biết. Khi tri kiến thanh tịnh thấy được tánh đế(sabhāva sacca) qua 6 thức trong sáng.
Bậc giác ngộ có thiên nhãn tức thấy bằng thắng trí (abhiññā). Nhờ thiên nhãn thuần tịnh có thể thấy được căn cơ trình độ của chúng sinh, với duyên nghiệp nào tương ứng với cõi giới nào: Dục giới, sắc giới, vô sắc giới hay siêu thế.
Bậc giác ngộ cũng có Pháp nhãn ly trần vô cấu, tức thấy bằng tuệ giác (Bodhi) có thể thấy được Thánh đế (Ariya cacca), tức thấy ra Sự Thật rốt ráo nhất: Tịch tịnh Niết-bàn.
Bậc toàn giác có Phật nhãn thấy được qua tất cả nhãn nói trên. Đồng thời thấy được toàn bộ tánh - tướng - thể - dụng của tất cả tâm và pháp bằng nhất thiết trí (sabbaññutañāṇa)
Hỏi: Thưa Thầy, hai từ "Thấy" và "Biết" giống hay khác nhau ạ?
- Có hai loại thấy biết: Một là thấy biết của tướng biết qua 6 thức được gọi chung là tri kiến. Tuy chỉ nói thấy (kiến), nhưng nó đại diện cho nhóm 5 thức giác quan: thấy, nghe, ngữi, nếm và xúc chạm. Còn biết (tri) là hoạt động của ý thức. Tri và kiến hợp chung gọi là chánh tri kiến tức bao gồm chánh kiến, chánh văn, chánh giác, chánh tri. Hai là thấy biết của tánh biết, khi tri kiến thanh tịnh tức 6 thức vắng lặng thì tánh biết chiếu soi, không lệ thuộc 6 thức nữa, nên thấy và biết đều đồng nghĩa với tuệ tri, liễu tri, thắng tri.
Hỏi: Thưa Thầy, khi trở về với thực tại quan sát bên ngoài thì thấy cái nào thiện cái nào bất thiện còn quan sát sâu bên trong để nhận ra cái thiện và bất thiện rõ hơn phải không thưa Thầy?
- Lúc đầu, khi quan sát bên ngoài qua 6 thức thì chỉ thấy tướng duyên khởi của thiện và bất thiện, của chân và giả mà hầu hết là theo khái niệm tục đế. Khi thực sự trở về trọn vẹn tỉnh thức với thực tại thân thọ tâm pháp mới thấy ra thực tánh thiện và bất thiện, chân và giả (thật và ảo) của cả trong lẫn ngoài chứ không phải chỉ thấy bên trong.
Mục đích của quan sát là thấy ra sự thật, nhờ vậy không bám vào thế giới ảo do tưởng sinh và không lệ thuộc thế giới duyên khởi có hợp có tan, lúc đó mới thấy ra bản chất vô thường, khổ, vô ngã của vạn pháp, trong ngoài, nhất là thấy ra Tứ Diệu Đế. Do vô minh, tà kiến không thấy thực tánh nên chấp vào tướng ảo mà sinh ra Tập đế Khổ đế.
Khi đủ chánh niệm tỉnh giác thấy đúng tánh, tướng, thể, dụng của các pháp thì không còn bám víu vào thế giới ảo hoá của tưởng và thức, cũng không dính mắc vào pháp duyên khởi nên thấy được Đạo đế và Diệt đế. Mục đích tu tập là thấy ra đâu là tánh không sinh diệt (Niết-bàn); đâu là tướng duyên khởi tự nhiên vô thường, vô ngã; đâu là thế giới ảo do tà kiến tham ái mà hữu vi tạo tác rồi sinh ra sầu bi khổ ưu não.
Đạo pháp tự nhiên
Hỏi: Thưa Thầy, Đạo của trời lấy chỗ dư bù chỗ thiếu, còn đạo của người lấy chỗ thiếu bù chỗ dư. Con người từ lúc sinh đến chết vốn đã viên mãn, nhưng do tham sân si nên một đời tìm kiếm mới khổ phải không thưa Thầy?
- Lão Tử nói: “Nhân pháp địa, địa pháp thiên, thiên pháp đạo, đạo pháp tự nhiên”. Người theo hình thức, hình thức theo nội dung, nội dung theo nguyên lý, nguyên lý theo tự nhiên. Trong tự nhiên có định luật tự động điều chỉnh mọi thứ một cách hoàn hảo nhưng con người do vô minh (không biết sự thật) và ái dục (mong muốn theo ý mình) cho nên “đầu thượng trước đầu tuyết thượng gia sương”, không biết sống thuận theo tự nhiên “Bổ bất túc tổn hữu dư” để bớt cái dư bù chỗ thiếu mà chỉ muốn thêm thêm mãi nên mới khổ. Người dư ăn dư để, người thiếu càng thiếu hơn. Trên mặt đạo, thật sự chẳng ai thiếu chẳng ai dư, hễ dư mặt này thì thiếu mặt kia và ngược lại. Do đó Chúa nói “kẻ nào chịu thiệt thòi trên thế gian này kẻ đó sẽ được ưu đãi trên nước Thiên Đàng” Đó chính là luật bù trừ của Pháp vậy.
Duyên, nghiệp và nợ
Hỏi: Thưa sư ông, xin sư ông giải thích sự liên quan giữa duyên, nghiệp và nợ, khi sự việc xảy đến với mình con không phân biệt được đó là duyên, nghiệp hay nợ?
- Trong nhân gian, duyên thường được hiểu theo nghĩa tốt. Nợ được hiểu theo nghĩa xấu. Nghiệp thiện tạo ra duyên (tốt), nghiệp bất thiện tạo ra nợ (xấu). Theo Phật giáo thì duyên chỉ là điều kiện phụ cho nhân. Thí dụ nhân nhẫn nại do duyên nghịch cảnh, trong đó duyên xấu (nợ) nhưng nhân lại tốt (nghiệp thiện). Ngược lại, nhân ngã mạn do duyên được khen ngợi, trong đó duyên tốt nhưng nhân lại xấu (nghiệp bất thiện). Nhân tạo nghiệp, quả thành duyên cho nhân khác. Cho nên cần quan sát để thấy rõ nhân (thái độ nhận thức và hành vi) là chính, còn duyên hay nợ là phụ không nên xen trọng. Theo Tổ Đạt-ma có 4 cách sống tuỳ duyên thuận Pháp đó là:
• Tùy duyên hạnh: Sống bằng lòng với quả tốt do nhân lành đời trước đã tạo.
• Báo oán hạnh: Sống nhẫn nại với quả xấu do nhân bất thiện đời trước đã làm.
• Xứng pháp hạnh: Sống thuận pháp tức dù hoàn cảnh nào cũng thường chánh niệm tỉnh giác, rõ biết thực tại.
• Vô sở cầu hạnh: Sống tri túc thiểu dục, không mong cầu thoả mãn lòng tham muốn.
Cận tử nghiệp
Hỏi: Thưa Thầy làm thế nào để tâm không dao động không sợ hãi trước lúc lâm chung ạ?
- Muốn biết lúc lâm chung không dao động không sợ hãi thì bây giờ nên tập sống đối trước mọi sự mọi vật đều chánh niệm tỉnh giác, không sợ hãi không lo lắng thì khi lâm chung sẽ không lo lắng sợ hãi.
Trong cơ thể chúng ta hàng ngày chuyện sống chết xảy ra rất bình thường, những tế bào máu luôn được thay thế, mỗi lần thở hết hít vào đến thở ra sinh diệt liên tục v.v… Cho nên sự sinh diệt diễn ra từng giây phút, từng sát-na. Khi còn sống biết quan sát sự sinh diệt của thân tâm và cảnh mà không lo lắng sợ hãi thì đến lúc chết cũng sẽ nhẹ nhàng thanh thoát.
Hỏi: Xin Thầy giải thích về tiến trình tử tâm và cận tử nghiệp ạ.
- Khi lâm chung những nghiệp quá khứ sẽ tái hiện như một cuốn phim rất nhanh, mà chúng ta không thể chọn lựa được. Có 3 hình thức tái hiện lúc lâm chung gọi là cận tử nghiệp, đó là:
- Nghiệp: Những nghiệp nào đã làm trong quá khứ mạnh nhất sẽ tái hiện, có thể là nghiệp thiện hay bất thiện.
-Nghiệp tướng: Một số hình ảnh ấn tượng nhất, hoặc thói quen sẽ tái hiện, có thể là hình ảnh thiện hay bất thiện.
-Thú tướng: Một số cảnh giới thiện hoặc bất thiện sẽ xuất hiện như là dự đoán cõi tái sinh trong kiếp kế.
Khi những cận tử nghiệp này xuất hiện sẽ tuỳ thái độ tâm lúc đó mà tái sinh, như trầm tĩnh sáng suốt thì tái sinh vào cõi tốt, hoặc giải thoát, còn lo lắng sợ hãi thì tái sinh vào cõi xấu.
NT trích ghi theo Trà Đạo Bửu Long 27/12/2016
Nguồn: http://coinguonhanhphuc.blogspot.com.au/2017/09/cai-thay-can-tu-nghiep.html