;
"Chúng ta vào chùa để lễ Phật, nghe thầy giảng kinh, Phật tử vào chùa cúng dàng Tam bảo không nhất thiết phải cúng bằng hiện vật mà chúng ta có thể cúng dàng Tam bảo bằng tâm niệm của mình - con nguyện hành động, cử chỉ, lời nói tốt đẹp này cúng dàng lên chư Phật - HT. Thích Bảo Nghiêm
Sáng ngày 2/3/2024, nhằm ngày 22 tháng Giêng năm Giáp Thìn), nhận lời thỉnh mời của Ban Tổ chức, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương GHPGVN, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN thành phố Hà Nội đã hoan hỷ quang lâm ban thời pháp thoại với chủ đề "Người Phật tử về chùa lễ Phật cầu an" cho chư Tôn đức Tăng Ni cùng Phật tử Đạo Tràng Tịnh Tông Học Hội Việt Nam nhân dịp Pháp hội cầu an đầu năm - Xuân Giáp Thìn 2024.
Mở đầu buổi pháp thoại, Hòa thượng vô cùng hoan hỷ và rất ấn tượng trước sự trang nghiêm tố hảo của ngôi chùa Khai Nguyên và sự hiện diện tinh tiến của hơn 15 nghìn Phật tử trong buổi tu học đầu xuân này.
Hòa Thượng đã gửi lời chúc mừng năm mới đến toàn thể chư Tôn đức Tăng Ni, Phật tử đang tu tập tại Đạo Tràng Tịnh Tông Học Hội Việt Nam.
Nhân dịp này, Hòa thượng đã giảng giải cho đại chúng về văn hóa lễ chùa của Phật giáo qua bài pháp thoại với chủ đề "Người Phật tử về chùa lễ Phật cầu an".
Theo Hòa thượng, Đức Phật là Đấng Giác Ngộ, được tôn vinh là bậc Thầy của ba cõi, vị cha lành của bốn loài. Người Phật tử quy y Tam Bảo, là người con của Phật, phải noi theo gương của Phật và học theo những hạnh lành của Phật. Người Phật tử khi đến chùa phải giữ 4 oai nghi: đi, đứng, nằm, ngồi. Đây là 4 oai nghi quan trọng nhất khi vào chốn thiền môn, như Sa môn Trí Hải đã dạy:
“Tới cổng từ bi lòng trần nhẹ bẫng
Bước lên đường giác gót ngọc thênh thang”
Người Phật tử khi tới chùa cần giữ gìn oai nghi: đi nhẹ nhàng như gió, đứng thẳng như tùng, nằm như cung và ngồi như chuông. Khi bước vào chốn tôn nghiêm, không nói chuyện, không đi lại ồn ào và đặc biệt cần giữ hoà ái. Người Phật tử vào chùa để lễ Phật, vãn cảnh và nghe Thầy giảng kinh - đó chính là văn hóa lễ chùa của Phật giáo phía Bắc mà chư Tổ đã dạy xưa kia.
Hòa thượng nhấn mạnh, "Khi đến chốn tôn nghiêm chúng ta nên giữ gìn trật tự và cảnh quan ngôi chùa, yêu thương quan tâm giúp đỡ nhau trong quá trình tu tập. Làm được những việc như thế thì chúng ta không những là một người Phật tử mà còn là một người Việt Nam có văn hóa trong các hoạt động hằng ngày".
Qua đó, Hòa thượng cũng nhắc tới vai trò và giá trị của ngôi chùa, đó là nơi bảo tồn, lưu giữ những nét đẹp cổ kính, văn hóa truyền thống của dân tộc. Đền, đình, miếu là nét đẹp tín ngưỡng, chùa là nơi thờ tự tôn giáo. Tôn giáo và tín ngưỡng hòa quyện vào nhau khó mà tách rời. Chùa là nơi tôn nghiêm, là nơi chiêm ngưỡng lễ bái, chùa không phân biệt người già, trẻ nhỏ, nam, nữ, người có đạo hay không có đạo.
Hòa thượng chia sẻ, "Chúng ta vào chùa để lễ Phật, nghe thầy giảng kinh, Phật tử vào chùa cúng dàng Tam Bảo không nhất thiết phải cúng bằng hiện vật mà chúng ta có thể cúng dàng Tam Bảo bằng tâm niệm của mình (con nguyện hành động, cử chỉ, lời nói tốt đẹp này cúng dàng lên chư Phật). Tâm của chư Phật thương chúng ta như mẹ hiền thương con đỏ, con nguyện thương yêu tất cả chúng sinh như những gì mà Bồ tát đã dạy.
Hoặc chúng ta có thể cúng dàng Pháp bằng hình thức ấn tống kinh sách, nguyện nghe, nguyện học những bài pháp của các vị Pháp sư theo đúng chính pháp của Đức Phật, phù hợp với pháp luật nhà nước hiện hành.
Từ bàn thờ Tam Bảo đến từng cảnh quan trong chùa đều chứa đựng những bài pháp vi tế để chúng ta học hỏi, bên cạnh đó cũng có những kiến trúc của văn hóa Việt Nam qua các thời đại giúp chúng ta hiểu biết hơn về lịch sử của nước nhà".
Cuối buổi thuyết pháp, Hòa thượng nhắc tới lợi ích của việc tụng Kinh Phổ Môn. Tụng kinh để hiểu được ý Phật, tọa thiền là đạt được cảnh giới của Phật, thuyết Pháp là mãn nguyện chư Phật. Trì tụng Kinh Phổ Môn mang lại sự thương yêu bình đẳng, niềm an lạc hạnh phúc, là âm dương đều được lợi lạc.
Người Phật tử làm bất cứ việc gì cũng nên xuất phát từ cái tâm của mình, niệm Phật, trì chú, công quả đều nên làm từ cái tâm. Chính lúc tâm phát khởi những việc đấy là chúng ta đã bình an. Ví như khi trì tụng kinh Phổ Môn, học theo hạnh Bồ tát Quan Âm, không làm những điều tội lỗi, sống ngay thẳng, lương thiện thì sẽ được Đức Quan Âm gia hộ. Niệm danh hiệu chư Phật, chư Bồ Tát sẽ giúp ta giảm bớt nghiệp tham, sân, si...
Buổi pháp thoại của Hòa Thượng Thích Bảo Nghiêm đã khép lại viên mãn trong niềm hỷ lạc của hết thảy chư Tôn đức Tăng Ni và Phật tử thập phương, mở đầu kỳ tu học Pháp Hội Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm diễn ra từ ngày 22 – 28 tháng Giêng năm Giáp Thìn.
Kế đó, xuyên suốt các ngày Pháp Hội, quý Phật Tử sẽ được tham dự các thời thuyết giảng, vấn đáp của Thượng tọa Thích Đạo Thịnh – Trụ trì chùa Khai Nguyên và các thời tu học Tam Thời Hệ Niệm, cúng Phật, cúng thí thực, phóng sinh, ăn chay, giữ giới tinh cần trong suốt 7 ngày diễn ra Pháp Hội tại chùa Khai Nguyên.