;
Trước khi bắt đầu vào bài giảng, Hòa thượng đã có lời tán thán công đức của các bạn thanh thiếu niên Phật tử bởi những hoạt động thiện lành các bạn đã và đang làm như phóng sinh, từ thiện, hoàn thành tốt các công việc Phật sự được giao…
Qua đó, Hòa thượng đã giới thiệu cho các bạn về hạnh của các vị Bồ Tát nói chung và Bồ Tát Quán Thế Âm nói riêng để các bạn trẻ nguyện học và theo hạnh của Bồ Tát, đó chính là một phương pháp tu mà chúng ta thường được nghe Kinh điển có nhắc.
Theo quan niệm Đại thừa giáo của Tông Thiên Thai, pháp giới này chia làm 10 cõi là 4 cõi thánh Phật, Bồ Tát, Duyên Giác, Thanh Văn và 6 cõi phàm: Trời, Người, A Tu la, Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sinh. Trong 6 cõi phàm chia làm 3 cõi thiện và 3 cõi ác. Qua đó, Hòa thượng muốn giới thiệu với đại chúng về cõi Bồ Tát vì Bồ Tát thông cả phàm và thông cả thánh.
Bồ Tát được định nghĩa là hữu tình giác. Hạnh nguyện của Bồ Tát là hạnh nguyện cứu khổ, ban vui. Mỗi vị Bồ Tát mang một tên biểu thị cho hạnh nguyện, công hạnh của Bồ Tát đó. Ví như Bồ Tát Thường Bất Khinh luôn đi nhắc mọi người đừng quên đi Phật tính trong mình, không bao giờ khinh rẻ bất kì ai, luôn coi mọi người là Thánh còn mình là phàm.
Trong các vị Bồ Tát, có 4 vị Bồ Tát nổi tiếng nhất đó là Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát, Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát, Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát. Bốn vị Bồ Tát này đại diện cho 4 hạnh nguyện mà mỗi người Phật tử chúng ta cần phải noi theo. Đó là phải nguyện như Ngài Địa Tạng, dấn thân thương tất cả mọi loài như ngài Địa Tạng, mang lại cho họ niềm vui, sự sống. Dù họ không biết trân trọng, chà đạp mình, phỉ báng mình thì mình vẫn nhẫn nhịn. Nguyện thứ hai chúng ta học là Trí Tuệ như Ngài Văn Thù Sư Lợi, bởi Đạo Phật lấy trí tuệ làm đầu nên Ngài Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát còn được gọi là Pháp Vương Tử. Mỗi người đều phải học thì mới thành tài, dù ở độ tuổi nào cũng phải học bởi biển kiến thức là vô tận, phải là người lấy trí tuệ làm đầu, học kiến thức thế gian bằng tinh thần của Phật pháp. Có như vậy chúng ta mới sống vị tha hơn, yêu thương nhau, bình tĩnh trong cuộc sống. Hạnh thứ ba của Đức Phổ Hiền Bồ Tát mà chúng ta cần phải học là hạnh của một người Phật tử “nhất giả lễ kính chư Phật, nhị giả xưng tán Như Lai, tam giả quảng tu cúng dàng, tứ giả sám hối nghiệp chướng, ngũ giả tùy hỷ công đức”. Chúng ta phải học nguyện như ngài Địa Tạng, hạnh như ngài Phổ Hiền, trí tuệ như ngài Văn Thù và từ bi như ngài Quán Thế Âm, đó chính là hạnh thứ 4 chúng ta cần học. Trong kinh điển Đại Thừa, Bồ Tát Quán Thế Âm là vị có đủ 4 đức hạnh: hạnh, nguyện, trí tuệ, từ bi. Cho nên Bồ Tát Quán Thế Âm được coi là một vị Bồ Tát gần với chúng sinh nhất và được thờ phụng nhiều nhất. Hạnh từ bi của Bồ Tát chính là mang điều vui và cứu điều khổ cho chúng sinh.
Mỗi Chư Phật, chư Bồ Tát đều lập nguyện mà thành Phật. Do đó mỗi người phải lập nguyện, trong đó có tu phúc và tu tuệ. Nếu đã nguyện phải nhớ trước sau như một không thoái chuyển, phải lấy từ bi trí tuệ làm đầu.
Cuối cùng, Hòa thượng mong rằng đại chúng “hãy học và tu 4 hạnh của 4 vị Bồ Tát để trở thành một người Phật tử thuần thành, một người công dân tốt, một con người lương thiện. Có từ bi, trí tuệ, hạnh, nguyện là một con người hoàn hảo, viên mãn. Bồ Tát muốn thành Phật cũng phải làm vậy, chúng ta muốn thành Phật cũng phải làm như vậy”.
* Tựa đề do Người Phật Tử đặt lại.