;
Xuất bản ấn phẩm tôn giáo - xin đừng tùy tiện (Kỳ 1)
Sự thật về cuốn Huyền Ký của ông Nguyễn Nhân, chùa Tân Diệu (Bài 1)
Vụ Thiền tông Tân Diệu: Một gió thổi bất tỉnh
VTV - Cần phải có trách nhiệm vì tiếp tay cho Thiền tông Tân Diệu phá hoại chánh pháp
Mặc dù vậy, các ấn phẩm này đã gây tác động đáng kể trong dư luận xã hội, nhất là đối với các phật tử tại gia. Đáng chú ý nhất trong các ấn phẩm này là cuốn: “Huyền ký của Đức Phật truyền theo dòng thiền tông” do Nhà xuất bản Hồng Đức phát hành và cuốn “Cuộc đời và ngộ đạo của 36 vị tổ sư thiền tông ẤN ĐỘ - TRUNG HOA – VIỆT NAM”. Vì đây được xem là lời chỉ dậy mật truyền của Đức Phật, Đức Tổ với nhiều điều mới lạ như “Công thức giải thoạt”, “Không cần dụng công” mà vẫn đạt kết quả cao, nên đã gây được sự chú ý cho khá nhiều người. Bên cạnh sự hoài nghi, bức xúc về tính chân thực của các ấn phẩm nói trên, thì không ít người đang tìm đọc chúng. Bài viết này sẽ phân tích tính xác thực của các tài liệu trên
A. Sự thật về Huyền Ký Đức Phật
Rõ ràng nếu cuốn “Huyền ký của Đức Phật” do tác giả Nguyễn Nhân sưu tầm và NXB Hồng Đức phát hành đúng là của Đức Phật viết (hoặc đọc cho đệ tử viết) trước khi nhập Niết Bàn để trao truyền cho các Tổ, thì đây không chỉ là một đóng góp lớn cho Phật giáo Việt Nam, mà cho cả Phật giáo thế giới. Tuy nhiên nếu đây chỉ là một sự ngụy tạo thì sao? Trong bài viết này, chúng tôi đưa ra một số dẫn liệu lịch sử nhằm làm sáng tỏ vấn đề nêu trên và một số ý kiến về việc giải quyết ấn phẩm của ông Nguyễn Nhân thế nào trên tinh thần tôn trọng sử liệu Phật giáo.
1. Trong tài liệu [1], từ trang 387 đến 389, có nói rằng ở thế kỷ 2 (sau CN) Thái Luân người Trung Hoa đã phát triển kỹ thuật sản xuất giấy, gọi là “giấy thái hầu”. Sau đó đến thế kỷ 7 kỹ thuật này mới truyền sang các nước Ả rập và châu Âu. Như vậy thời kỳ Đức Phật tại thế chưa có giấy và nếu như Đức Phật nhờ ngài A Nan và 14 đệ tử khác viết tập Huyền Ký (như trang 101, TL [5]) thì các ngài phải viết trên lá, hoặc vải, hoặc thẻ tre, hoặc gỗ, đá. Với các vật liệu này, mà viết 12 chương với “đầy đủ từ con người đến tam giới, Phật giới và Càn khôn vũ trụ, luân hồi và giải thoát,…” (trang 102, TL [5]) với khoảng 200 trang thì hỏi cuốn Huyền Ký để trao truyền cho các vị tổ phải cồng kềnh và nặng như thế nào. Thử hỏi điều này liệu có hợp lý không.
2. Trong “Lịch sử kết tập kinh điển và truyền giáo” (TL [4]), thì hai kỳ kết tập kinh điển đầu tại Ấn Độ (diễn ra 3 tháng và 100 năm sau khi Đức Phật viên tịch) chỉ “ghi bằng ký ức và truyền miệng”. Mãi đến sau kỳ hết tập kinh điển lần thứ tư diễn ra năm 313 (theo Phật lịch) tại Sri Lanka thì “cả hai bộ phái lớn của Phật giáo đều có Tam tạng viết trên lá buông”. Riêng kỳ kết tập kinh điển lần thứ ba tại Ấn Độ năm 287 Phật lịch thì các nhà Phật học vẫn chưa nhất trí về phương pháp kết tập: truyền miệng hay ghi chép. Trong TL [4] có ghi: “Điều chúng ta nên lưu ý ở đây là trong hai kỳ kết tập Tam tạng đầu, chư vị A La Hán chỉ ghi bằng ký ức và truyền miệng thôi, nhưng có giả thuyết cho rằng trong lần kết tập kỳ này (lần 3), Tam tạng bắt đầu ghi chép bằng văn tự Pali [theo W.Rahula, History of Buddhism in Ceylon].Tuy nhiên giả thuyết này chưa được đa số các nhà Phật học chấp nhận”. Như vậy phải khoảng 3 thế kỷ sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn thì các bộ kinh mới được viết ra trên lá. Dẫn liệu lịch sử này cũng cho thấy một tài liệu như cuốn Huyền Ký đề cấp đến trong TL [5] được viết vào thời kỳ Đức Phật còn tại thế là rất khó xẩy ra.
3. Trong TL [5], chương 9, trang 102, tác giả Nguyễn Nhân viết: “Đức Thế Tôn dậy: Này ông Ma Ha Ca Diếp và các đệ tử ưu tú của Như Lai, hôm nay tại núi Kỳ Xà Quật này, Như lai chánh thức trao cho ông tập Huyền Ký này, để ông truyền theo dòng thiền thanh tịnh”. Tuy nhiên, điều này không phù hợp với nội dung của hai cuốn sách: “Sử 33 vị tổ Ấn Hoa” của HT Thích Nhật Quang (TL [7]) và “Sử 33 vị tổ thiền tông Ấn Hoa” của HT Thích Thanh Từ (TL [9]). Tại trang 20 TL[7] và trang 4 TL[9] đều cùng viết rằng, Phật bảo với ngài Ma Ha Ca Diếp: “Ta có chánh pháp nhãn tạng, Niết bàn diệu tâm, pháp môn mầu nhiệm, chẳng lập văn tự, ngoài giáo lý truyền riêng, nay giao phó cho ngươi. Người khéo giữ gìn chánh pháp này, truyền trao mãi đừng cho dứt, đến sau sẽ truyền cho A Nan”. Ta hãy để ý câu của Đức Phật: “pháp môn mầu nhiệm, chẳng lập văn tự”, thì làm gì có cả quyển Huyền Kỳ khoảng 200 trang. Các vị tổ cũng chỉ phó chúc và truyền y, bát cho nhau để làm tin.
Cụ thể tại trang 31 TL[7] có viết: “Khi đã hơn 100 tuổi, ngài Ca Diếp tự thấy mình nhân duyên giáo hóa đã tạm đủ, thân thể quá già nua, nên ngài phó pháp lại cho tôn giả A Nan làm Tổ thứ hai, nối nắm truyền thừa mạng mạch của Phật Tổ. Sau đó ngài vào núi Kê Túc nhập đại định chờ Đức Phật Di Lặc ra đời, trao lại y bát của Đức Phật Thích Ca, như lời dặn của Thế Tôn”. Sau này ngài A Nan cũng chỉ trao y bát cho người kế nhiệm, như ghi tại trang 49 TL[7]: “Ngài chọn Thương Na Hòa Tu làm người kế thừa Tổ vị và truyền trao y bát lại”. Từ các sử liệu này, có thể thấy việc tồn tại cuốn Huyền Ký Đức Phật như TL [5] quả rất đáng ngờ.
4. Lục Tổ Huệ Năng là vị tổ cuối cùng, gần chúng ta nhất, đã để lại cho hậu thế quyển Kinh Pháp Bảo Đàn. Dịch giả tỳ kheo Thích Duy Lực trong phần mở đầu TL [3] có nói: “Pháp Bảo Đàn Kinh là một quyển kinh chuyên hoằng pháp đốn giáo của thiền tông, do Lục Tổ Huệ Năng giảng và ngài Pháp Hải ghi lại, nay đã dịch sang nhiều thứ tiếng và đã được phổ biến trên thế giới”. HT Thích Thanh Từ trong phần Lược khảo TL [10] cũng viết: “Quyển Pháp Bảo Đàn cũng được nhiều nhà dịch ra chữ Việt”. Như vậy có thể thấy đây là một tài liệu đã được phổ biến rộng rãi không chỉ tại Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Thế mà trong quyển Huyền Ký (TL [5]), ông Nguyễn Nhân đã viết ra các nội dung hoàn toàn khác so với Kinh Bảo Đàn. Điển hình nhất là từ trang 202 đến trang 208 đã mô tả Lễ công bố cuốn Huyền Ký lần thứ nhất vào ngày 25-6-712 DL do Lục Tổ Huệ Năng chủ trì. Sự kiện quan trọng như thế nếu có, thì tại sao tại không được ghi trong Pháp Bảo Đàn.
Chỉ có một trường hợp duy nhất liên quan đến nhà vua được ghi trong các TL [3] và [10] ở phẩm Hộ Pháp thứ chín như sau: Ngày rằm tháng riêng niên hiệu Thần Long, vua Trung Tông và Võ Tắc Thiên ban chiếu và sai nội thị Tiết Giản lãnh chiếu đến rước thỉnh Sư (Huệ Năng) mau đến kinh thành. Nhưng Sư dâng biểu cáo bệnh khước từ và xin được trọn đời trong núi rừng. Ngoài ra đoạn văn trong các trang 202-208 nói trên còn có những sai sót lớn về sử liệu như sau:
- Cuối trang 202 viết ngày 10 -01-712, Lục Tổ Huệ Năng trình thư lên Vua Võ Tắc Thiên về việc xin công bố toàn tập Huyền Ký. Điều này là sai, vì theo TL [2] thì ngày 24-01-705 Võ Tắc Thiên thoái vị và tháng 11 năm đó Bà băng hà.
- Trang 206 viết: “Trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa ở phẩm 12 Đức Thích Văn Ca có dậy: Vào thời Mạt Thượng pháp ở tại Đất Rồng có 1 người Nữ nhận được tập huyền ký này, sau đó cho phổ biến khắp các Châu lục, …”. Điều này cũng không đúng, vì theo TL[8], phẩm 12 có tên “Đề Bà Đạt Đa“ hoàn toàn không có nội dung này.
- Trang 205 viết: “Gần 1 năm qua, Tôi (Huệ Năng) có cho các môn đồ của Tôi, chép ra thành 600 tập (Huyền Ký), để hôm nay phát cho mỗi vị 1 tập. Đồng nghĩa, pháp môn thiền tông tuyệt mật này, hôm nay công bố ra thì không còn là tuyệt mật nữa. Vì sao vậy? Vì toàn tập Huyền Ký này đã được công bố ra, thì những gì bí mật trong Huyền Ký này không còn là bí mật nữa”. Rõ ràng nếu Lục Tổ đã công bố Huyền Ký từ năm 712, thì nó đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và lan truyên rộng rãi trên toàn thế giới, cần chi đợi đến bây giờ Huyền Ký mới được chùa Tân Diệu công bố lần 2.
Hãy đặt giả thiết tài liệu [5] được dịch từ một cuốn Huyền Ký gốc chứa những lời dậy của Đức Phật, thì liệu nó có nhiều nghi vấn và sai sót lớn như vậy không? Từ đó có thể thấy, tài liệu này không có nguồn gốc rõ ràng, không đáng tin. Các tài liệu khác dựa trên cuốn Huyền Ký này, đương nhiên cũng không có giá trị và không đáng tin cậy. Ấy vậy, mà các ấn phẩm này đã được in hàng vạn bản và đang được lưu hành rộng rãi trên toàn quốc gây hoài nghi bức xúc trong nhân dân. Vậy bây giờ phải làm thế nào đây. Chúng tôi xin có một số đề xuất sau.
A. Một số đề xuất
Trước hết chúng tôi hoan nghênh ý kiến đầy trách nhiệm của ông Nguyễn Công Oánh, Giám đốc NXB Tôn Giáo viết trong báo Giác Ngộ số 956 (2018): “Nếu Giáo hội chỉ ra lỗi sai, NXB sẽ đình chỉ cấp giấy phép”. Ông còn nói thêm: “Chúng tôi thực chất không hoàn toàn cấp phép toàn bộ loạt sách ấy, có một số cuốn trong đó chúng tôi từ chối cấp phép, song lại thấy NXB Hồng Đức duyệt cho lưu hành”. Chúng tôi đồng tình với ý kiến này và thấy cần giải quyết mọi vấn đề trên cơ sở khách quan, tôn trọng sự thật, tôn trọng lịch sử và xem xét từng ấn phẩm một. Nếu ấn phẩm nào đã bộc lộ các lỗi rõ ràng, không thể phủ nhận thì giải quyết trước. Trên cơ sở đó chúng tôi xin có ý kiến sau:
1. Cuốn Huyền Ký Đức Phật do NXB Hồng Đức phát hành, như đã phân tích trên, có nhiều nghi vấn và sai sót nghiêm trọng. Ngoài ra, đây là một Kinh Phật, thì không cho phép viết theo kiểu sưu tầm biên soạn. Đã là Kinh Phật thì không được thêm, không được bớt và phải được dịch từ một bộ kinh hoàn chỉnh, không thể chép chỗ này một ít, chỗ kia một ít rồi thêm bớt để hợp thành. Đúng như tác giả Giao Hảo trong báo Giác Ngộ các số 952-954 (2018) đã nói “Xuất bản ấn phẩm tôn giáo – xin đừng tùy tiện”. Vì vậy đề nghị NXB yêu cầu tác giả trình bản gốc bằng tiếng Ấn hoặc Hoa. Nếu bản gốc bằng tiếng Việt, thì nói rõ ai dịch và dịch từ tài liệu nào và phải có tài liệu gốc để kiểm chứng xem dịch có sát nghĩa không. Nếu tác giả không đáp ứng được yêu cầu này, thì có thể xem quyển Huyền Ký (TL [5]) là ngụy tạo và cho thu hồi lại.
2. Chủ đề “Các vị tổ thiền tông” đã được nhiều người viết, giảng giải, đưa lên mạng, ghi băng đĩa. Trong đó phải kể đến hai ấn phẩm tiêu biểu là cuốn “Sử 33 vị tổ thiền tông Ấn Hoa” của HT Thích Thanh Từ, NXB Tôn Giáo, 2007 (TL [11]) và cuốn “Sử 33 vị tổ Ấn Hoa” của HT Thích Nhật Quang, NXB Tổng Hợp TP Hồ Chính Minh, 2013 (TL [7]). Gần đây NXB Tôn Giáo lại cho phát hành cuốn “Cuộc đời và ngộ đạo của 36 vị tổ sư thiền tông ẤN ĐỘ - TRUNG HOA – VIỆT NAM” do ông Nguyễn Nhân soạn (TL [6]). So với 2 quyển trước thì quyển này đưa thêm 3 vị tổ của Việt Nam. Điều đáng nói ở đây là các tài liệu cùng một chủ đề, nhưng lại có những khác biệt cở bản. Hai quyển đầu nói rõ các tổ chỉ trao tuyền y bát, trong khi quyển thứ 3 thì viết các tổ còn trao truyền cuốn Huyền Ký Đức Phật cho nhau. Như vậy, một đằng thì nhiều lần nhắc đến Huyền Ký, một đằng thì hoàn toàn không. Một khác biệt nữa là các bài kệ trao truyền Tổ vị cho tổ kế tiếp (khoảng 33 bài) trong [7] và [11] giống nhau, nhưng trong [6] lại hoàn toàn khác. Vì TL [6] ra sau mà lại có những khác biệt lớn so với các ấn phẩm trước, nên đề nghị NXB Tôn giáo yêu cầu tác giả nói rõ các nội dung khác biệt này được lấy từ nguồn tư liệu nào, có đáng tin cậy không.
3. Đề nghị Giáo hội Phật Giáo Viêt Nam cần vào cuộc mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa, cử các tổ chức cá nhân có trách nhiệm, có trình độ làm việc với 2 NXB Tôn Giáo và Hồng Đức để giải quyết dứt điểm các vấn đề nêu trên, tạo niềm tin chân chính cho phật tử cả nước.
Tháng 8 năm 2018 DL.
Cư sĩ Phúc Ân
Tài liệu tham khảo
1. Tân Đôn và Culture Globe, “108 nhân vật làm thay đổi thế giới”, NXB Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 2002.
2. Lâm Ngữ Đường, “Tình sử Võ Tắc Thiên”, NXB Thuận Hóa, 1989.
3. Tỳ kheo Thích Duy Lực (dịch), “Kinh Pháp Bảo Đàn Lục Tổ Huệ Năng”, Từ Ân Thiền Đường,
Santa Ana xuất bản, 1992.
4. Tỳ kheo Thiện Minh, “Lịch sử kết tập kinh điển và truyền giáo”, Website:
https://thuvienhoasen.org/a21469/7-lich-su-ket-tap-kinh-dien-va-truyen-giao-ty-kheo-thien-minh.
5. Nguyễn Nhân (sưu tầm biên soạn), “Huyền ký của Đức Phật truyền theo dòng thiền tông”,
NXB Hồng Đức, 2016.
6. Nguyễn Nhân (sưu tầm biên soạn), “Cuộc đời và ngộ đạo của 36 vị tổ sư thiền tông
ẤN ĐỘ - TRUNG HOA – VIỆT NAM”, NXB Tôn Giáo, 2017.
7. HT Thích Nhật Quang, “Sử 33 vị tổ Ấn Hoa”, NXB Tổng Hợp TP Hồ Chí Minh, 2013.
8. Thích Trí Tịnh (dịch từ Hán văn), “Kinh Diệu Pháp Liên Hoa”, Viện Quốc tế Phật học xuất bản, 1988.
9. HT Thích Thanh Từ (soạn dịch), “Sử 33 vị tổ thiền tông Ấn Hoa”,
Website: https://thuvienhoasen.org/images/file/xa-CoZ1G0QgQALQb/33vito.pdf.
10. HT Thích Thanh Từ (dịch), “Kinh Pháp Bảo Đàn”, Website: https://thuvienhoasen.org/images/file/csE7o51G0QgQAPxR/kinhphapbaodan.pdf.
11. HT Thích Thanh Từ (soạn dịch), “Sử 33 vị tổ thiền tông Ấn Hoa”, NXB Tôn Giáo, 2007.