;
Xá lợi đựng trong các tháp to, tháp nhỏ, hộp lớn, hộp bé... ảnh chụp ở Myanmar
Theo điều tra riêng của chúng tôi, phần lớn những xá lợi Phật bày bán tràn lan ở Myanmar là giả. Bởi dẫu xá lợi Phật có thể tự sinh ra như lời quảng cáo của bà Phạm Thị Yến – Phật tử quyền uy lẫy lừng bậc nhất ở chùa Ba Vàng, thì cũng không thể đẻ ra mỗi năm cả tấn, nhiều tấn, đủ để cung cấp cho nhu cầu ngày càng tăng của khách du lịch đến từ Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.
Những ai đã từng đến thăm Bảo tàng quốc gia Ấn Độ tại thủ đô Delhi đều biết, hiện nay, ở đây chỉ có vài viên xá lợi được cho là của Đức Phật. Và họ giữ gìn những viên xá lợi ấy như là quốc bảo, không để lọt ra ngoài.
Chúng ta nên nhớ, thời Đức Phật tại thế, hơn 1.000 đệ tử của Ngài đã chứng quả Thánh A La Hán. Nếu vị Thánh tăng nào khi mất đi cũng có xá lợi thì đúng ra, Ấn Độ phải là nơi có nhiều xá lợi nhất chứ không phải chỉ có mấy viên được bảo quan vô cùng cẩn trọng ở Bảo tàng quốc gia.
Theo nhiều nguồn tin cung cấp cho chúng tôi, nghệ thuật chế tác xá lợi giả ở Myanmar sinh sau đẻ muộn so với Thái Lan rất nhiều. Nói thẳng ra, người Myanmar đã học ở người Thái. Có điều, kỹ năng chế tác và nghệ thuật quảng bá của họ cũng chẳng kém gì người Thái.
Ai đã từng du lịch Thái Lan theo dạng book tour từ các công ty du lịch, chắc hẳn, đều được (hay bị) HDV đưa đến các trung tâm trưng bày xá lợi. Tại đây, khách du lịch có thể thỉnh (m.ua) bao nhiêu cũng được. Và đương nhiên, không thể không cúng dường.
XÁ LỢI GẮN MÁC “HOÀNG GIA”
Nhân vụ ồn ào trưng bày xá lợi tóc ở chùa Ba Vàng, cách đây ít ngày, sư thầy Thích Thanh Thắng có kể lại câu chuyện thỉnh xá lợi trên Facebook của mình. Điều khiến thầy và mọi người chú ý là bởi xá lợi được gắn mác “Hoàng gia Thái Lan”. Sư thầy Thích Thanh Thắng kể:
Cách đây chừng hơn chục năm, một hôm, có một sư cô quen biết đã lâu, đến gặp thầy và sư đệ của thầy, thưa: “Thầy ơi! Có xá lợi đến từ Hoàng gia Thái Lan. Vì quý mến 2 thầy nên con đã xin thỉnh thêm cho 2 thầy”. Vì tin cậy sư cô nên 2 thầy cùng một số Phật tử đã thuê xe đến tham dự buổi lễ tại chùa của sư cô.
Khi đến chùa, 2 thầy thấy không khí và nghi lễ rước xá lợi rất long trọng, trang nghiêm. Mấy vị sư Thái Lan tụng kinh tiếng Pali rất tha thiết và thành kính. Những viên xá lợi đựng trong các tháp nhỏ bằng thủy tinh, được đặt trang trọng trên bàn thờ chính ở Chánh điện. Bên ngoài tháp có ghi những dòng chú thích. Tháp thì ghi là xá lợi của Phật Thích Ca.
Tháp thì ghi xá lợi của các vị tôn giả, đại đệ tử của Phật. Đang băn khoăn nghĩ không biết sư cô trụ trì sẽ tặng chùa mình tháp xá lợi nào đây thì thầy Thanh Thắng bỗng nghe thấy tiếng ồn ào bên ngoài. Nhìn ra sân, thấy một hàng dài Phật tử đang đứng xếp hàng ngay ngắn chờ đến lượt nhận xá lợi từ tay mấy vị sư “Hoàng gia Thái Lan”. Tiếng loa phát ra choang choang đọc danh sách những người đăng ký. Đọc đến tên ai, người đó tiến lên nhận đầy cung kính.
Vì đông người đăng ký nên mấy vị sư “hoàng gia” luôn tay lấy trong chiếc túi khoác bằng vải màu vàng ra những bịch xá lợi lớn, nhỏ, màu sắc khác nhau, đựng từ một đến vài viên. Xá lợi các sư tặng chứ không bán nhưng Phật tử thì tùy hỉ cúng dường. Riêng tháp đựng thì phải mua. Tháp bằng lưu ly giá thế này, tháp bằng nhựa trong suốt giá thế kia. Sư Thanh Thắng giật thót mình. Giá không hề rẻ. Thế mà nhìn khuôn mặt các Phật tử, ai cũng thấy hoan hỉ, hạnh phúc.
Các nhà sư Thái Lan bận túi bụi. Miệng thì vừa tụng niệm, vừa chúc phúc cho Phật tử, tay thì liên tục đút vào trong cái túi vải để lấy túi nhỏ đựng xá lợi ra. Cạnh đó, những người tháp tùng cũng túi bụi bận không kém vì thu t.iền tuỳ hỷ công đức và t.iền bán tháp đựng.
Sư đệ của thầy Thanh Thắng không dấu được vẻ nghi ngại. Bấm nhẹ vào tay thầy, rồi ghé sát tai, sư đệ ái ngại hỏi nhỏ, giọng đầy nghi ngờ: “Xá lợi gì mà nhiều thế, sư huynh?”.
Kết thúc buổi lễ, sư cô trụ trì trân trọng trao 2 túi xá lợi cho 2 thầy. Thầy Thanh Thắng không muốn nhận nhưng không nghĩ ra cách nào để từ chối. Trong lòng thấy thương, thấy tội nghiệp cho sư cô bị nhóm tăng mang danh “hoàng gia Thái Lan” lừa.
Vừa về đến chùa, sư đệ của thầy đã khẳng định chắc nịch: “Bị lừa rồi sư huynh. Lấy đâu ra nhiều xá lợi thế. Kể cả đó là xá lợi Thánh tăng cũng không có đâu. Mà cho dù đó là xá lợi của mấy tổ sư tu đắc đạo của Thái Lan cũng không có đâu ra mà cho với thỉnh”. Thầy Thanh Thắng gật đầu. Nhưng bây giờ xử lý thế nào với túi xá lợi giả đây? Nếu mai Phật tử của chùa đến chiêm bái, không thấy thì lại thắc mắc. “Thôi, cứ để gọn vào chỗ nào đó trên cao một thời gian rồi đem rắc xuống sông là được” – Thầy Thanh Thắng nghĩ.
Kết thúc bài viết, thầy tâm sự: “Nay nhân chuyện ồn ào về xá lợi tóc Phật, nghe thêm thông tin từ những tăng ni du học bên Thái Lan hay Myanmar nói, càng thấy việc m.ua b.án xá lợi y như một nhu cầu m.ua b.án các đồ thờ cúng khác”.
Đọc bài viết trên của sư thầy Thích Thanh Thắng, hơn nữa, bản thôi tôi cũng đã tận mắt chứng kiến nhiều lần việc các Phật tử thỉnh xá lợi nhiều và dễ dàng như m.ua ngô, m.ua gạo ngoài chợ nên tôi không lấy làm ngạc nhiên khi một người em thân thiết ở Sài Gòn nhắn tin, kể: “Chừng hơn 10 năm trước, em có tới thăm một sư cô lớn tuổi ở ngôi chùa rất nổi tiếng tại Sài Gòn. Sư cô lôi ở gầm giường ra một hộp nhỏ, bảo: “Đây là xá lợi Phật, xá lợi thánh tăng mà các sư, các Phật tử đi Thái Lan về tặng cho thầy. Còn nhiều lắm. Thầy cứ băn khoăn hỏi: Xá lợi ở đâu ra mà nhiều thế? Từ chối họ thì không tiện, giữ thì chẳng biết cất đâu vì phòng chật nên thầy đành để dưới gầm giường”.
“BÀNG HOÀNG KHI NGHE CHUYỆN XÁ LỢI GIẢ”
Đó là nhan đề bài viết đăng trên báo Giác Ngộ - cơ quan ngôn luận của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Tp Hồ Chí Minh số 1068 khiến tôi và độc giả cả nước bàng hoàng.
Tác giả Hữu Huệ cho biết: Thời gian gần đây, một số người phản ánh tình trạng: khi Tăng, Ni hay Phật tử qua đời, mang đi hỏa táng, nhân viên tại một số lò thiêu thường hỏi: “Có muốn lấy xá lợi không? Nhiều hay ít? Muốn xá lợi màu gì?”… Và nếu thân nhân người mất đồng ý, muốn gì, họ cũng đáp ứng được hết.
Tác giả viết: “Tôi rất đỗi bàng hoàng. Một nỗi buồn không diễn tả được xâm chiếm tâm hồn. Cảm thấy người tu mình sao mà bị coi thường, xúc phạm quá. Bởi như vậy có khác gì họ nói rằng: người tu giả dối, sính hư danh?
Chuyện xá lợi phổ biến tràn lan, tôi đã nghe lâu rồi. Và tôi cũng cho rằng, phần lớn không phải là xá lợi thật. Nhưng chuyện một số người làm ở lò thiêu cung ứng luôn dịch vụ xá lợi thì sự suy thoái đã đi quá xa. Trước hết là suy thoái về đạo đức của những người sản xuất và cung cấp xá lợi ở lò thiêu.
Vì đồng tiền mà họ có thể làm giả ngay cả những điều thuộc lĩnh vực thiêng liêng tưởng chừng như bất khả xâm phạm. Tuy nhiên, không thể trách họ được. Vì họ là dân làm ăn mà, cái nào có tiền, có lợi, có lời thì họ làm thôi. Nếu có trách là trách chính những người mong cầu có xá lợi mà bất chấp tất cả. Có cầu thì mới có cung.
Nếu ta không có nhu cầu về xá lợi thì họ cung cấp cho ai? Chính vì chúng ta muốn có xá lợi để chứng tỏ mình hay thầy của mình là bậc chân tu, tu chứng nên người ta mới có dịch vụ cung cấp xá lợi để đánh vào cái tâm lý tham cầu không chân thật đó”.
Vẫn theo tác giả Hữu Huệ, “Xá lợi của Đức Phật và một số Thánh tăng A la hán lưu lại sau khi trà tỳ là có thật. Tuy nhiên, không phải vị Thánh tăng nào cũng lưu xá lợi. Trong Phật pháp có vô lượng pháp môn tu và cách thức thực hành thì cũng vô cùng đa dạng. Vậy phương pháp nào hay cách thực hành nào sẽ cho ra xá lợi? Do giới chăng? Do định chăng? Do tuệ chăng? Do sám hối, do tu từ tâm, do hành thiện, do khổ hạnh, hay do cái gì khác nữa? Không ai có thể biết được điều này. Vậy căn cứ vào xá lợi để quyết định người đó tu hành như thế nào thì có chính xác không?
Tôi nghĩ rằng chúng ta không nên quan trọng vấn đề xá lợi và coi xá lợi như là biểu hiện thành quả của sự tu hành. Điều quan trọng không phải là có xá lợi hay không mà là chúng ta đã sống như thế nào và đã làm gì cho xã hội, giúp ích gì cho người khác.
Cho nên, thay vì mong cầu để lại xá lợi nhục thân, tốt hơn ta nên để lại xá lợi pháp thân, tức là những giá trị về mặt tinh thần, cho cuộc đời vậy. Bài kệ trong kinh Kim cang: “Nhược dĩ sắc kiến ngã, Dĩ âm thanh cầu ngã, Thị nhân hành tà đạo, Bất năng kiến Như Lai”, phải chăng là một lời nhắc nhở về hiện tượng xá lợi giả tràn lan hiện nay”.
Tôi hoàn toàn nhất trí với quan điểm trên của tác giả Hữu Huệ. Đó là lý do vì sao, từ trước đến nay, tôi không bao giờ bận tâm đến xá lợi. Nhiều khi, một số quý sư thầy hay bạn đồng tu, muốn tặng tôi xá lợi để thờ tại gia nhưng tôi đều khéo léo khước từ: “Con cảm ơn thầy. Nhưng con tự thấy mình chưa đủ Phước, chưa đủ đức hạnh để thờ xá lợi Phật linh thiêng”.
Học đạo Phật, tôi hiểu, muốn phát triển trí tuệ và lòng từ bi, tôi phải nương tựa vào chính mình, phải lấy giáo pháp của Như Lai là Tứ Diệu Đế và Bát chánh đạo làm nền tảng, phải lấy Giới – Định – Tuệ, Văn – Tư – Tu làm con đường hành trì. Không ai có thể ban phát cho tôi trí tuệ, lòng từ bi, kể cả Đức Phật, trừ chính tôi. Đức Phật đã từng nói, có 4 điều Ngài không thể làm được.
1. Một là: Nhân quả không thể đổi thay. Người gieo nhân nào thì gặt quả ấy, không ai có thể nhận thay.
2. Hai là: Trí tuệ không thể cho. Ai muốn có đều phải tự mình tu học.
3. Ba là: Phật pháp không thể diễn tả. Chỉ có thể dựa vào ngộ mà đắc được.
4. Bốn là: Không có nhân duyên thì không thể độ. Người không có duyên thì không bao giờ nghe được những lời ta giảng”.
Sinh thời, Đức Phật đã dạy: thân xác tứ đại này là giả hợp, sẽ tan hoại theo thời gian. Những ai thực hành thiền quán (Vipassana), chắc hẳn đều thực tập bài quán 32 thể trược. Tôi đã thực tập phương pháp này nhiều lần. “Lại nữa này các Tỳ kheo.
Tỳ kheo quán sát thân này, dưới từ bàn chân trở lên, trên cho đến đảnh tóc, bao bọc bởi da và chứa đầy những vật BẤT TỊNH sai biệt: “Trong thân này, đây là tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, thận, tủy, tim, gan, hoành cách mô, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, bụng, phân, mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, mỡ da, nước miếng, niêm dịch, nước ở khớp xương, nước tiểu”.
Đức Thế Tôn đã gọi các bộ phận trên thân thể là những vật bất tịnh. Bất tịnh nghĩa là không thanh sạch, nghĩa là nhơ bẩn. Đệ tử của Đức Thế Tôn đều phải thực hành thiền quán 32 thể trược để không bị dính mắc vào thân thể, vượt thoát được những ham muốn thân xác. "Này các Tỷ kheo, đây là con đường độc nhất, đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu bi, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết bàn. Ðó là Bốn niệm xứ".
Tôi nghĩ, mục đích của người tu không phải là sau này chết đi để lại xá lợi mà mục đích rốt ráo là để phát triển trí tuệ, thoát khỏi khổ đau, chứng ngộ Niết Bàn, thoát vòng luân hồi sinh tử. Bởi vậy, những Phật tử như chúng ta, xin đừng chấp vào xá lợi thân mà hãy lấy xá lợi pháp của Đức Thế Tôn làm kim chỉ nam trên con đường tu học, giác ngộ.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả - một nhà báo Phật tử