;
Nhất Chi Mai, tên thật là Phan Thị Mai sinh ngày 20/2/1934 tại xã Thái Hiệp Thành, tỉnh Tây Ninh. Lớn lên, Phan Thị Mai quy y ở chùa Từ Nghiêm, lấy tự là Nhất Chi, pháp danh là Thích nữ Diệu Huỳnh.
Trở thành một Phật tử, Nhất Chi Mai thực sự là một tấm gương về tinh thần “mến đạo yêu đời”, say mê với các giáo lý nhà Phật. Nhất Chi Mai rất tích cực tham gia vào các công tác của nhà chùa. Hàng tuần, Nhất Chi Mai đều đến chùa Dược Sư và chùa Từ Nghiêm để dạy cho các ni cô.
Năm 1955, Nhất Chi Mai thi đậu vào trường Quốc Gia Sư Phạm Sài gòn. Sau khi tốt nghiệp trường sư phạm, Nhất Chi Mai về làm giáo viên tiểu học ở trường Tân Định, Sài Gòn.
Vốn mang trong mình tinh thần yêu nước và ý chí đấu tranh mạnh mẽ để giành hòa bình, độc lập cho dân tộc nên Nhất Chi Mai đã tham gia vào hội đoàn thanh niên Sài Gòn lúc bấy giờ có tên là “Thanh niên phụng sự xã hội”.
Ở đây, Nhất Chi Mai vừa tích cực tham gia các hoạt động đấu tranh vừa đảm nhận vai trò của một giáo viên dạy dỗ cho nhiều trẻ em mồ côi không nơi nương tựa.
Bắt đầu từ năm 1963, phong trào đầu tranh chống kỳ thị tôn giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm diễn ra một cách mạnh mẽ. Tại chùa Từ Nghiêm, nơi Nhất Chi Mai quy y, phong trào cũng diễn ra một cách sôi nổi mà tiêu biểu là cuộc biểu tình tập trung về chùa Xá Lợi vào tháng 8/1963.
Cuộc biểu tình này đã bị chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ đàn áp một cách dã man. Nhiều Phật tử bị bắt và giam giữ. Tuy nhiên, do không có đủ chứng cứ buộc tội nên cuối cùng, chính quyền Ngô Đình Diệm buộc phải thả các Tăng Ni Phật tử ra.
Về phía Nhất Chi Mai, bà cũng đã tích cực tham gia vào các phong trào đấu tranh dưới nhiều hình thức. Đến năm 1967, khi cuộc chiến chống Mỹ Ngụy bước vào giai đoạn cam go và ác liệt nhất cũng chính là lúc mà Nhất Chi Mai quyết định hi sinh thân mình để thể hiện tinh thần đấu tranh, đòi hòa bình, độc lập cho dân tộc Việt Nam.
Đó là vào lễ Phật Đản 2511 năm 1967, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam đã lập lễ Đài Hòa Bình tam cấp tại chùa Ấn Quang, cử hành trọng thể một tuần lễ Hòa Bình cho Việt Nam.
Tha thiết mong muốn một nền hòa bình cho dân tộc, Nhất Chi Mai đã phát nguyện đem thân làm đèn, đốt lên làm lễ khai mạc tuần lễ cầu nguyện Hòa Bình của Giáo Hội.
Đó là vào lúc 7h20 phút sáng ngày 8 tháng 4 âm lịch năm Đinh Mùi, tức ngày 16/5/1967 dương lịch, người ta thấy Nhất Chi Mai lặng lẽ đặt trước mặt hai ngôi tượng, rồi chắp tay quỳ trước mặt tượng Đức Quan Thế Âm Bồ Tát.
Sau đó, Nhất Chi Mai bình tĩnh tưới xăng lên người mình rồi châm lửa tự thiêu. Lựa chọn cách hi sinh thân mình, ngọn lửa Nhất Chi Mai Ánh bùng cháy đã thể hiện một cách rõ nét nhất tình yêu nước, yêu dân tộc, mong muốn đấu tranh vì hòa bình, độc lập, tự do của một nữ Phật tử - cũng là một người con gái yêu nước nồng nàn.
Nhất Chi Mai, tên thật là Phan Thị Mai sinh ngày 20/2/1934 tại xã Thái Hiệp Thành, tỉnh Tây Ninh.
Lớn lên, Phan Thị Mai quy y ở chùa Từ Nghiêm, lấy tự là Nhất Chi, pháp danh là Thích nữ Diệu Huỳnh.
Trong “Lời tự thuật sau cùng”, Nhất Chi Mai đã tự viết về việc mình đã chuẩn bị tự thiêu như thế nào: “Tôi viết tất cả 10 bức thơ để lại. Ngày mai tôi sẽ lo lắng một mình tôi buổi lễ tự thiêu. Tôi cho các nhà báo, nhiếp ảnh hay và một ít bạn thân đến nơi tôi dự định mà không cho họ biết trước chuyện gì sẽ xảy ra.
Tôi mua 10 lít xăng. Địa điểm tôi chọn là chùa Từ Nghiêm. Tôi có ý đến Nhà Thờ Đức Bà hay một nơi công cộng có tính cách lịch sử một chút, mà thôi.
Phía trước mặt tôi tôi đặt hai bức tượng: Đức mẹ Maria với hai bàn tay đưa ra, Đức Quan Thế Âm với đôi mắt dịu hiền. Cả hai nhìn tôi và ban ơn cho tôi tròn ước nguyện. Truớc mặt và sau lưng có hai biểu ngữ, tôi viết:
Con chấp tay quỳ xuống
Xin đức Mẹ Maria
Đức Quan Âm, Phổ Hiền
Cho con tròn đại nguyện
và
Xin đem thân làm đuốc
Xin soi sáng u minh
Xin tình người tỉnh thức
Xin Việt Nam Hòa Bình.
Cầu xin cho tôi can đảm, bình tỉnh mà ngôi yên trong lửa đỏ.
Tôi quỳ xuống chấp tay niệm Phật và thầm gọi Việt Nam”
Khi mất đi, Nhất Chi Mai mới có 33 tuổi. Di sản bà để lại là 10 bức thư cùng hai bài thơ trong đó một lần nữa bộc lộ một cách mãnh liệt nhất tinh thần bất khuất, kiên cường cùng lòng yêu nước của bà.
Trong bức thư gửi cha mẹ, Nhất Chi Mai đã cho thấy việc bà chuẩn bị một cách kỹ lưỡng và ý thức rõ ràng về hành động tự thiêu của mình. Bà viết rằng: “Ai cũng một lần chết. Xin ba má làm đại thí chủ cho con chết cho tình thương rộng lớn. Con không điên rồ dại dột dù không chắc mình làm được việc lớn.
Một mạng con không hy vọng gì cứu được hàng triệu người? Bên Mỹ đã 6 người tự thiêu mà không lay chuyển được tấm lòng sắt đá của một số người chủ chiến, những người làm giàu trên xương máu người khác hay muốn cho người khác hy sinh để giữ gìn sản nghiệp, sự yên ổn và sự ích kỷ của mình!
Con đường dài mà gai chông quá, mỗi người nhân bản phải đi một đoạn đường gai chông, tiếp nối bằng cách này hay bằng cách khác, mới mong hết được đường dài … Có thể người ta sẽ bôi nhọ cái chết của con, hay họ sẽ chỉ tản lờ đi để cho cái chết của con trở thành vô ích và âm thầm! Mà có sao.
Ba Má đừng cần việc đó. Đức Phật sáng suốt hơn họ. Đời này có những kết quả mà nhục thân thế nhân không thấy được… Thi hài con, ba má mua một cái hòm thường thường đem lên Từ Nghiêm để đó tụng kinh rồi đưa ngay lên An dưởng địa hỏa táng… Con không mù quáng và cuồng tín đâu. Con sáng suốt lắm”.
Còn trong bức thư Nhất Chi Mai gửi cho chính phủ Mỹ thông qua tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Johnson thì chúng ta lại có thể thấy được nghị lực mạnh mẽ, một ý chí sáng suốt cùng với những lí lẽ sắc bén của một người con gái Việt trong hành trình phản đối chiến tranh. Bức thư viết:
“Kính thưa Quý Ngài,
Là một thiếu nữ tầm thường, tài hèn sức kém, tôi quá xót thương về hiện trạng quê hương tôi. Sáo ngữ “Bảo vệ tự do và hạnh phúc” cho Việt Nam mà quý Ngài dùng làm chiêu bài bấy lâu nay, đã quá lỗi thời và lố bịch.
Bao nhiêu tấn bom đạn, bạc tiền quý Ngài đã đổ trút lên Dân tộc tôi, để tàn phá tinh thần và thân xác quốc gia của họ. Bao nhiêu người Việt Nam có lòng với quốc gia và Dân tộc thì bị quý Ngài đàn áp hãm hại?
Bao nhiêu người Mỹ sáng suốt, nhân đạo và dũng cảm dám chỉ trích sự lầm lạc của quý Ngài, thì bị quý Ngài kết án lưu đày. Vậy mà Hạnh phúc, Tự do! Quý Ngài có biết người Việt chúng tôi, hầu hết trong thâm tâm của họ, họ chán ghét người Mỹ đã mang chiến tranh đau khổ đến cho xứ sở của họ lắm rồi chăng?
Càng leo thang chiến tranh, càng đổ nhiều nhân lực và tài lực tại đây, các Ngài chỉ thất bại chua cay thôi. Sự vụng về (?) của quý Ngài làm cho quý Ngài mất hết chính nghĩa.
Xin đọc lại trang sử Việt Nam.
Xót thương cho Dân tộc tôi, tội nghiệp cho những người lính Mỹ và thân nhân họ. Họ bị xô vào cuộc chiến tranh phi lý và bỉ ổi. Người ta đã dùng mỹ từ để đầu độc họ. Vinh dự gì cho người Mỹ, nếu trên 20 năm mới chiến thắng Việt Nam bé nhỏ chút chiu này?
Nhục nhã gì cho người Mỹ, nếu biết nhận thức mình là đại cường quốc, có lúc đi quá trớn và giờ muốn dừng lại? Để cứu nguy cho hàng triệu sinh mạng người Việt Nam, người Hoa Kỳ và danh dự đại cường Hiệp Chủng Quốc, tôi xin mạo muội đề nghị các biện pháp sau:
1. Ngưng oanh tạc Bắc Việt và Nam Việt Nam.
2. Từ từ rút binh, giao cho người Việt Nam định đoạt số phận họ.
3. Nhờ Liên Hiệp Quốc kiểm soát tổng tuyển cử. Người Việt Nam nếu được tự do thật sự, họ đủ khôn ngoan để chọn lựa chế độ nào tự do và hạnh phúc.
4. Giúp đỡ nhân dân Việt Nam, tái thiết xứ sở họ, đã tan nát vì bom đạn của quý Ngài. Người Việt Nam sẽ là người em nhỏ hiền hòa và biết ơn người anh Mỹ sáng suốt hào hiệp.
Lịch sử Việt Nam, lịch sử Hoa Kỳ và lịch sử Thế Giới sẽ ghi nhận hành động Văn minh và nhân bản của quý Ngài.
Cẩn ký
Người tự thiêu để chống chiến tranh
Thích nữ Nhất Chi Mai tự Nhất Chi”
Có thể nói rằng, ngọn lửa Nhất Chi Mai vừa là sự kế tiếp của ngọn lửa phong trào đấu tranh cách mạng của tăng ni, phật tử, học sinh, sinh viên Sài Gòn lúc bấy giờ, vừa mở ra một cuộc đấu tranh mới, mạnh mẽ và kiên cường hơn.
Ngay sau khi Nhất Chi Mai tự thiêu thì hình ảnh ngọn lửa của một nữ phật tử đã hun đúc và làm bùng cháy lên phong trào đấu tranh mạnh mẽ của học sinh, sinh viên Sài Gòn.
Ngọn lửa Nhất Chi Mai đã được tiếp đuốc bằng nhiều ngọn lửa sau đó như ngọn lửa tự thiêu của hòa thượng Thích Như Lai vào tháng 6/1970, ngọn lửa của sư cô Nguyễn Thị Có ở Quảng Trị vào tháng 5/1971.
Tất cả những ngọn lửa ấy đều nhằm hướng tới một mục đích chung đầy cao cả: đó chính là độc lập, tự do cho con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam.
Cảm động trước hình ảnh ngọn lửa Nhất Chi Mai, vào năm 1972, nhạc sĩ Phạm Duy đã viết một ca khúc về nữ Phật tử kiên cường này với những lời ca đầy cảm xúc:
“Nước mắt bỗng ngừng trôi, khi người đã nguyện dâng/ Thân mình làm đuốc hồng, cho đồng lúa trổ bông/… Cành mai đã rụng rơi, rơi rụng xuống cuộc đời/ Một cành mai rụng rời, làn hương vẫn chẳng phai”.
Đồng thời, vào thời điểm đó, để ghi nhớ hành động dũng cảm của Nhất Chi Mai, hàng năm cứ vào lễ Phật Đản, sinh viên Vạn Hạnh lại dấy lên các cuộc đấu tranh lấy tên “Chiến dịch Nhất Chi Mai” bằng những cuộc hội thảo, biểu tình để vạch trần tội ác chiến tranh của Mỹ - Ngụy.
Các cuộc biểu tình của học sinh, sinh viên vào thời điểm đó cũng nêu cao khẩu hiệu: “Mỗi phụ nữ là một chiến sĩ hòa bình”. Để ghi nhớ hành động dũng cảm, nêu cao tinh thần yêu nước của nữ Phật tử Nhất Chi Mai, tên của bà đã được dùng để đặt cho một con đường tại quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh.
Theo Họa Đồ - PNTD