;
Nói đến con người là nói đến tình thương, đến những gì thiêng liêng và cao quý nhất thì không có gì bằng công ơn cha mẹ. Phàm làm người ai cũng từ cha mẹ sinh ra, vì vậy trên thế gian này không có công ơn nào bằng công ơn cha mẹ. Nó là mối dây thâm
tình, là nguồn năng lực vô biên, là sự kết nối yêu thương bao la như trời biển. Cha mẹ đối với con cái dù nhọc nhằn, vất vả, cực khổ đến đâu vẫn hy sinh, chịu đựng để nuôi con khôn lớn. Nhiều khi cha mẹ vì thương con quá mức mà sẵn sàng làm tất cả các điều xấu ác bất chấp tiếng đời bêu rếu, chấp nhận mọi người khinh thường, coi rẻ, miễn sao con cái được cơm no áo ấm từ lúc ấu thơ cho đến khi trưởng thành. Tình thương cha mẹ dành cho con không một thứ tình nào trên đời này có thể so sánh được, chính vì vậy ai còn cha mẹ là người đang giàu có.
“Nước biển mênh mông không đong đầy lòng mẹ
Mây trời lồng lộng không phủ kín tình cha”.
Cha mẹ đối với con cái dù nhọc nhằn, vất vả, cực khổ đến đâu vẫn hy sinh, chịu đựng để nuôi con khôn lớn trưởng thành. Nhiều khi cha mẹ vì thương con quá mức mà sẵn sàng làm tất cả các điều xấu ác bất chấp tiếng đời bêu rếu, chấp nhận mọi người khinh thường, coi rẻ, miễn sao con cái được cơm no áo ấm từ lúc ấu thơ cho đến khi trưởng thành. Tình thương cha mẹ dành cho con không một thứ tình nào trên đời này có thể so sánh được, chính vì vậy ai còn cha mẹ là người đang giàu có.
Tấm lòng cha mẹ quá thiêng liêng, cao cả; ơn cha nghĩa mẹ quá sâu dày nên đức Phật đã nói đến nhiều trong các bản kinh hầu nhắc nhở mọi người luôn biết hiếu thảo với cha mẹ. Khi Phật còn tại thế, Ngài thường khuyên nhủ mọi người như sau:
“Này các Phật tử, nếu ai muốn tiến tu đến đạo quả vô thượng Bồ đề thì trước tiên phải biết cung kính, hiếu dưỡng với cha mẹ. Hiếu là nền tảng cơ bản của đạo làm người trên bước đường dẫn đến giác ngộ và giải thoát”. Đức Phật luôn nhắc nhở và khuyên nhủ mọi người lấy hạnh hiếu làm đầu nên Ngài thường nói:
Nhờ ân dưỡng dục của mẹ cha
Con được lớn khôn lại an hòa
Ân cha cao cả như núi Thái
Đức mẹ vô bờ tựa biển xa
Dù Ta trụ thế trong một kiếp
Cũng không kể hết ân cha mẹ.
Người con hiếu thảo phải biết phụng dưỡng cha mẹ, phước báo to lớn ấy cũng như cúng dường chư Phật. Cha làm lụng vất vả, nhọc nhằn; mẹ mang nặng đẻ đau, chịu lao khổ trăm bề, chỉ mong sao con trẻ khỏe mạnh, không ốm đau để mau lớn khôn nên người, có chút danh phận ở đời mà làm tròn bổn phận đối với gia đình, người thân đóng góp lợi ích thiết thực cho xã hội.
Người trong thế gian ai được gọi là giàu hơn hết và ai sẽ là người nghèo hơn hết? Mẹ hiền còn sống gọi là giàu có. Mẹ hiền mất đi gọi là nghèo khổ. Nếu ai còn mẹ thì gọi là mặt trời mọc, mẹ hiền mất đi gọi là mặt trời lặn. Khi mẹ hiền còn thì gọi là đêm trăng sáng, ai mất mẹ rồi gọi là đêm tối không trăng.
Cây có cội, nước có nguồn, chim có tổ, người có tông. Không có cái gì là tự nhiên khi không hay ngẫu nhiên mà có được, mọi thứ đều do nhân duyên sinh mà cho ra kết quả trong hiện tại. Mẹ hiền còn, được gọi là giàu có vì sao? Vì mẹ hiền còn là có tất cả tình yêu thương bằng trái tim hiểu biết mà trên đời này không điều gì có thể sánh bằng. Ai còn mẹ là một diễm phúc lớn lao. Trong kinh Phật dạy:
Vui thay hiếu kính mẹ
Vui thay hiếu kính cha
Vui thay kính Sa môn
Vui thay kính hiền Thánh.
Chúng ta đã thấy, Phật lúc nào cũng nêu cao tinh thần hiếu đạo, luôn khuyên nhủ mọi người biết hiếu kính cha mẹ. Do đó Ngài nói “vui thay hiếu kính mẹ cha”, ai biết sống như vậy mới xứng đáng là người Phật tử chân chánh. Chúng ta phải biết hiếu kính cha mẹ trước rồi mới hiếu kính các bậc hiền Thánh, đạo lý làm người lúc nào cũng có thứ tự, từ trong gia đình rồi lan rộng ra ngoài xã hội. Cha mẹ là hai bậc sinh thành dưỡng dục mà ta không biết hiếu kính, tôn trọng thì thử hỏi làm sao ta biết thương yêu quý trọng, tôn kính người khác.
Chính đức Phật còn nói “Ta sở dĩ tu hành thành Phật cũng nhờ công nuôi dưỡng của cha mẹ, nếu không có cha mẹ sinh ra làm sao ta có thân này để tu hành mà thành Phật”. Cho nên, người Phật tử chân chánh trước tiên phải biết hiếu kính cha mẹ rồi mới quý kính các bậc hiền Thánh để được sự chỉ dạy của các ngài mà biết cách tu hành.
Từ khi mở mắt chào đời mẹ đã mớm cho con dòng sữa ngọt, dòng sữa ấy là chất liệu ngọt ngào được kết tinh bằng tấm lòng yêu thương bao la hơn trời biển, nâng niu, che chở cho con bằng lời ru, tiếng hát để con được giấc ngủ yên. Mẹ vẫn âm thầm thức khuya, dậy sớm để lo cho con từng miếng ăn, lo cho con từng chén cơm manh áo, mong cho con mau khôn lớn nên người.
Đôi lúc mẹ vì con trẻ mà chịu nhiều gian nan, cực khổ, có khi phải làm các việc xấu ác để giúp con được an vui, hạnh phúc. Khi con chập chững biết đi mẹ thấy trong lòng vui mừng, sung sướng. Đến lúc con biết đòi ăn, thích khám phá xung quanh thì mẹ đi trường đời để nuôi con ăn học. Cứ như thế cho đến khi con khôn lớn trưởng thành, mẹ còn phải dựng vợ gã chồng mong con sống hạnh phúc vuông tròn có nhau.
Cha mẹ làm nên thân ta, thầy Tổ cho ta trái tim yêu thương và hiểu biết, ơn này biết đến bao giờ mới có thể trả hết? Thật ra, con còn mẹ như mặt trời chiếu sáng, con mất mẹ như bóng tối phủ trùm. Trong cuộc đời này không có nỗi bất hạnh nào lớn bằng khi mất mẹ. Vì sao? Vì mẹ già trăm tuổi còn thương con tám mươi. Ôi công mẹ bao la như trời biển!
Phật dạy: “Cho dù ta hai vai cõng cha, cõng mẹ suốt 100 năm, cho ăn uống đầy đủ, chăm sóc chu đáo vẫn không thể đền trả hết công ơn cha mẹ”. Muốn trả được ơn khó đền này ngoài việc dưỡng nuôi vật chất đầy đủ ta phải làm sao khuyên cha mẹ biết tin sâu nhân quả, quy hướng Tam bảo, sống hiền lương đạo đức. Nếu khuyên cha mẹ xuất gia sống vui với Chánh pháp để an lạc tuổi già, ít phiền muộn khổ đau thì đó là cách trả ơn cao cả nhất.
Một người con có hiếu là người con biết tự lo cho mình, cha mẹ không phải tốn sức lực lo lắng và theo dõi. Người con có thể tự đi trên đôi chân, làm bằng đôi bàn tay và khối óc, tự kiếm sống và tự quyết định cuộc đời mình mà không cần cha mẹ bên cạnh.
Trong xã hội mọi người đều có bổn phận và việc làm khác nhau để đóng góp lợi ích thiết thực mà cùng nhau bảo tồn mạng sống. Cây có cội, nước có nguồn, ăn trái nhớ kẻ trồng cây là đạo lý chân thật không thể thiếu trong đời sống con người. Cung kính, hiếu dưỡng đối với cha mẹ là trách nhiệm và bổn phận của tất cả mọi người.
Trong các thứ tình trên thế gian không có gì cao quý và thâm sâu bằng tình mẹ, mẹ mang nặng đẻ đau, sớm hôm nuôi dưỡng. Khi con mở mắt chào đời mẹ mớm cho con dòng sữa ngọt, chăm sóc, cưu mang lo lắng từng giờ, bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn, những khi trái gió trở trời con đau là mẹ đứng ngồi không yên. Mẹ thức khuya dậy sớm, lao khổ cực nhọc đủ điều, tần tảo nuôi con mong cho con mau khôn lớn trưởng thành.
Nhiều người nghĩ rằng chỉ cần cấp dưỡng cho cha mẹ mỗi tháng là đủ, nhưng thật ra người lớn tuổi nếu không phải là người Phật tử chân chính thì dễ buồn chán, cô đơn, mặc cảm, hay nhớ nghĩ về quá khứ thời son trẻ nên dễ cáu gắt, giận hờn, trách móc.
Tôi bây giờ không còn mẹ nữa để được mẹ yêu thương như thuở nào, càng nhớ mẹ tôi lại nhớ hình ảnh tôn giả Mục Kiền Liên sau khi chứng quả giác ngộ giải thoát đã nghĩ đến mẹ khi còn sống hay làm các điều xấu ác nên không biết mẹ chịu đọa lạc nơi đâu. Vì thương mẹ nên tôn giả vận thần thông tìm kiếm khắp nơi, cuối cùng phát giác mẹ mình bị đọa vào loài quỷ đói, thân thể tiều tụy, ốm o gầy mòn. Thương xót mẹ ngài trở lại trần gian xin được một bát cơm rồi hai tay cúng kính dâng mẹ. Mẹ của ngài khi thấy bát cơm thèm quá, một tay che cơm lại vì sợ các quỷ khác thấy xin, một tay bà bốc cơm ăn nhưng thật nghiệt ngã cơm hóa thành lửa ăn không được, sự tình vì thế thêm đau xót não nề. Bát cơm tôn giả dâng mẹ tưởng làm no lòng người nhưng ngược lại bị lửa thiêu đốt, ăn không được càng khổ sở vô cùng.
Nhìn từ góc độ trần gian, loài quỷ đói cũng có trong loài người, như những người quá nghèo khổ thiếu trước hụt sau, bị chết đói chết khát. Người giàu có chứa đầy của cải để cho mục nát mà không dám đem ra giúp người cứu vật, hoặc đã giàu mà còn tìm cách vơ vét cho riêng mình. Nhân hiện tại như thế nào thì sẽ cho ra kết quả trong tương lai khi hội đủ nhân duyên, do đó tâm thèm khát quá đáng cũng không khác loài quỷ đói.
Bà Thanh Đề lúc còn sống vì lúc nào cũng tham lam, ích kỷ, bỏn sẻn, muốn nắm giữ những thứ mình đã có để rồi phải gây tạo các nghiệp nhân xấu mà chịu đọa loài ngạ quỷ. Tôn giả nhìn cảnh mẹ đói khát nhưng không cách nào cứu được bèn trở về bạch Phật: “Mẹ con bị như vậy do không biết tin kính Tam bảo, lại hay làm điều tà vạy, tham lam, bỏn sẻn, ích kỷ nên mới bị đọa lạc vào chỗ khốn cùng.
Kính bạch đức Thế Tôn từ bi chỉ dạy cách nào để mẹ con thoát khỏi cảnh đói khát khốn khổ vô cùng?” Phật dạy: “Nhân mùa an cư kiết hạ của chư Tăng, ông hãy làm lễ cúng dường trai tăng, nhờ sức tu hành của đại chúng có thể làm mẹ của ông thức tỉnh, buông xả tâm bỏn sẻn, ích kỷ mà hướng về Tam bảo một lòng ăn năn sám hối, xả bỏ tâm xấu ác”. Tôn giả nghe lời Phật dạy nên đã cứu được mẹ thoát khỏi cảnh đói khát khổ sở và vô số quỷ đói khác cũng được chuyển nghiệp mà đến cảnh giới tốt đẹp hơn.
Chỗ quỷ đói ở toàn là dầu sôi lửa bỏng, đụng vào thứ gì cũng bị đốt cháy, muốn ăn mà ăn không được nên thèm khát đủ thứ, cứ sống dật dờ muốn chết cũng không xong trong tình cảnh bị lửa địa ngục thiêu đốt làm khổ đau vô cùng. So với mẹ của tôn giả Mục Kiền Liên mẹ tôi có nhiều ưu điểm hơn, bà đã quy y Tam bảo gần 30 năm và sau đó xuất gia tu học được 7 năm rồi an nhiên ra đi mà tôi vẫn tiếc thương mẹ, vì con còn mẹ vẫn hơn.
Con còn mẹ như trăng sáng đêm rằm, ai còn mẹ xin chớ làm mẹ khổ, khi mẹ không còn nữa như đêm tối không trăng. Chúng ta đi khắp cả thế gian này không ai có thể tốt bằng mẹ được, chính mẹ là người đã phát nguyện xuất gia để mong con qua cơn bạo bịnh, một lần nữa mẹ là người đã giúp tôi vượt qua cạm bẫy cuộc đời để gặp được Tam bảo. Cho nên ơn mẹ khó đáp đền, ai bây giờ còn mẹ là cả một phước báu to lớn. Vì sao? Vì còn có cơ hội để cung kính, hiếu dưỡng, báo đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của hai đấng sinh thành, nhất là công ơn mẹ.
Bổn phận làm con ta phải thường xuyên quan tâm thưa hỏi, chăm sóc mỗi khi có dịp gần gũi. Nhờ vậy, cha mẹ già dù có nghèo nhưng vẫn vui lòng vì thấy mình còn được con cái quan tâm chăm sóc. Nếu chúng ta vì hoàn cảnh không thể sớm thăm tối viếng thì cũng phải điện thoại, thư từ liên lạc, vấn an sức khỏe để cha mẹ được an vui, hạnh phúc tuổi già.
Báo hiếu có hai cách: theo thế thường, khi cha mẹ còn sinh tiền, con cái phải chu cấp đầy đủ những nhu cầu thiết yếu về vật chất để cha mẹ được an vui, khi cha mẹ qua đời, con cái phải phụng thờ và thực hiện những di chúc để lại. Cách báo hiếu như vậy tuy cũng tốt đẹp, đáng quý, nhưng có lẽ chưa được trọn vẹn như cách báo hiếu mà Ðức Phật đã dạy.
Theo lời phật dạy: khi cha mẹ còn hiện tiền, con cái không những cung phụng đầy đủ về mọi phương diện vật chất mà còn phải chăm sóc cha mẹ về phương diện tâm linh. Nếu cha mẹ chưa biết quy hướng Tam bảo thì ta phải tìm cách khuyên nhủ cha mẹ đi chùa và quy y Tam bảo; khuyên cha mẹ biết làm phước, đi chùa tụng Kinh, niệm Phật-Bồ tát, làm các việc thiện ích; như vậy là cách báo hiếu tốt nhất.
Nhờ tu học Phật pháp cha mẹ cảm nhận được niềm vui từ sự biết buông xả các thói quen chấp trước có hại cho mình và người mà cùng sống bình an, hạnh phúc với cháu con. Vì thế, người con không những báo hiếu cha mẹ hiện tại, mà còn báo hiếu cha mẹ trong nhiều đời quá khứ, không những trả ơn cha mẹ trong một kiếp mà còn trả ơn cha mẹ trong nhiều đời.