;
Câu hỏi mà tôi nhận được nhiều nhất trong mấy ngày qua từ những bạn bè là Phật tử và không phải Phật tử là việc chư tăng có được phép nhận tiền không?
Đây là câu hỏi tôi nghĩ cần phải ưu tiên trả lời.
Trước tiên với câu hỏi dạng “có - không”, tôi xin trả lời rằng “không” (không được phép nhận tiền).
Hình minh họa
Thời Phật, thí chủ có thể lát vàng lên vườn, có thể xây Tịnh xá Kỳ Viên, Tịnh xá Trúc Lâm to lớn cúng dường cho chư tăng ở, để giảng dạy, hội họp những vấn đề quan trọng trong tăng đoàn hay cùng chung nhau bố tát (đọc và nhắc lại các giới đã giữ). Thí chủ cũng có thể thiết lễ cúng dàng trai tăng tại cung vua, tại nhà, tại khu vườn, hay đơn giản như dâng cúng thức ăn trên đường đi lúc chư tăng trì bát khất thực.
Trì bát là hình thức đi xin ăn trong chánh niệm chứ không phải là xin ăn bình thường vừa đi vừa nói chuyện vừa tranh luận cãi cọ nhau.
Thí chủ cũng có thể cúng mùng mền, y áo (không nhất thiết phải tự mình khâu vá), thuốc men và những thứ thiết yếu khác, nhất là trong 3 tháng an cư, chư tăng không ra ngoài khất thực.
Tuy nhiên vì hoàn cảnh nào đó trong thời đại ấy, Đức Phật không cho tỳ kheo cầm giữ tiền, dù trong kinh có nhắc đến sự kiện phu nhân Mạt Lợi dâng tiền cúng chư tăng.
Xin thưa thêm, giới không được giữ tiền cũng là một giới quan trọng, dù không thuộc trọng giới như giới ba la di.
Giới là biệt giải thoát, ai giữ trọn vẹn giới nào thì giải thoát giới ấy, không có chuyện phạm giới này thì huỷ hết các giới kia. Giới cũng có khai, giá, trì, phạm, tuỳ theo mức độ khác nhau mà linh hoạt xử lý.
Đức Phật cũng căn dặn sau khi Ngài nhập diệt, điều gì nhỏ, không quan trọng có thể thay đổi.
Vấn đề cầm giữ tiền có xem là “nhỏ”, “không quan trọng” không tuỳ theo cách diễn giải ở mỗi thời đại và mỗi truyền thống.
Hiện nay hầu hết các quốc gia có đạo Phật và các truyền thống Phật giáo đều cho phép chư tăng nhận tiền để lo cho tăng chúng tu học cũng như làm các công tác giáo dục, từ thiện khác.
Tuy nhiên có những tỳ kheo hành hạnh độc cư vẫn không cầm giữ tiền bạc. Hạnh độc cư là hạnh sống một mình, viễn ly các pháp thế tục, tịnh khẩu tham thiền… Trong Phật giáo không có hạnh đi bộ suốt đời.
Thế nào là trú xứ của người xuất gia, xin đọc lại các kinh Trú xứ, kinh Khu rừng, kinh Du hành… để hiểu thêm.
Trở lại với việc cầm giữ tiền, nếu tiền ấy là tiền lo cho tăng chúng tu học, duy trì ngôi Tam bảo, làm lợi ích cho đạo cho xã hội thì việc “phạm giới” ấy mức độ cũng giảm trừ, bởi xét cho cùng cũng dựa trên mục đích và động cơ cầm giữ sử dụng.
Cũng như chuyện ăn bữa chiều có phạm giới không. Khác với Nam truyền, Bắc truyền ăn chay trường, ở một số quốc độ lạnh giá, hay có truyền thống lao động nhiều như Trung Hoa thì chư tăng ăn thêm bữa tiểu thực buổi chiều. Mục đích giữ sức khoẻ tu tập thì không nên xem là “phạm giới”.
Cũng như luật pháp thế gian, tội nặng hay nhẹ phải xét kỹ ở động cơ và mục đích.
Như vừa qua trong đại dịch, huynh đệ tôi quyên tiền, nhận tiền cúng dường, đem hết tiền do lao động làm ra để cứu trợ đồng bào, thì dù việc nhận tiền có phạm giới chúng tôi vẫn làm.
Cũng vì bởi những tình huống khó xử của giới luật trong thời đại văn minh này, dù không truyền thống Phật giáo nào dám sửa luật Phật chế (dù Tăng có quyền khai mở cho phù hợp), nhưng truyền thống Bắc Truyền vẫn có những thích ứng khác để giảm tránh những lỗi phạm của tỳ kheo.
Cụ thể khi thọ giới tỳ kheo thì cùng lúc thọ giới Bồ tát. Hiểu một cách đơn giản giới tỳ kheo là xuất thế thì giới bồ tát là nhập thế. Kinh, quyền, hành, tàng, tuỳ xứ tuỳ thời tuỳ căn cơ mà các vị tỳ kheo hành đạo giáo hoá.