;
Di hài nguyên vẹn trong tư thế ngồi thiền của một nhà sư tịch diệt cách nay 200 năm vừa được tìm thấy ở Mông Cổ. Tờ báo Siberian Times bằng tiếng Anh của Nga phát hành ngày 02 tháng 2 năm 2015, đã đưa tin này trước nhất, và sau đó các hãng thông tấn, truyền hình và báo chí khắp nơi trên thế giới tiếp tục loan báo và đã gây ra một tiếng vang không nhỏ.
Di hài của của một nhà sư trong tư thế tọa thiền viên tịch cách nay 200 năm
được tìm thấy ở Mông Cổ (xin lưu ý là bàn tay trái để ngửa là thủ ấn trong lúc hành thiền, thủ ấn của bàn tay phải không trông thấy rõ trong hình trên đây)
Khi vừa được thông báo về tin này thì Bác sĩ người Mỹ Barry Kerzin, một nhà sư tu tập theo Phật Giáo Tây Tạng và cũng là đệ tử của Đức Đạt-lai Lạt-ma, đã cho biết rằng: "Nếu một người tu tập hòa nhập được vào thể dạng tukdam (tukdam là một thể dạng thật sâu của thiền định thuộc quá trình của cái chết. Nếu một người tu tập cao thâm có thể lưu lại trong thể dạng này - có thể chỉ ngắn hạn hay thật lâu dài - thì trong khoảng thời gian đó thân xác sẽ giữ được sự tươi tốt và không hề bị hư hoại. Thể dạng thiền định này còn được gọi là thể dạng của ánh sáng trong suốt xảy ra trong quá trình chuyển tiếp giữa cái chết và sự sinh gọi là bardo) và giữ được thật bền vững thể dạng này hơn ba tuần lễ thì có nghĩa là người này đã trở thành một vị Phật.... Thể dạng ấy có thể tạo ra các tác động đối với những người chung quanh khiến họ cảm nhận được một niềm hân hoan hiện ra trong nội tâm mình"
Đức Đạt-lai Lạt-ma và nhà sư bác sĩ Barry Kerzin
Theo sự nhận xét của vị sáng lập và cũng là viện trưởng Viện Nghệ Thuật Phật Giáo Mông Cổ là Ganhugiyn Purevbata, thì "bàn tay trái để ngửa của di hài là thủ ấn cho biết là đang ở trong tình trạng hành thiền và thủ ấn của bàn tay phải thì nói lên sự thuyết giảng Kinh Hoa Sen". "Theo sự tin tưởng của Phật Giáo Tây Tạng" thì vị sư này "chưa phải là chết mà đang hành thiền" (tức là đang ở trong thể dạng tukdam).
Gốc tích của vị sư này vẫn còn là một sự huyền bí. Di hài của ông đang được các bác sĩ giám định (trên phương diện pháp lý), các học giả Phật Giáo cũng như các khoa học gia khảo nghiệm, nhằm tìm cách xác định nguồn gốc và danh tính của ông. Di hài của ông được tìm thấy khá bất ngờ tại Songino Khairkhan, một thị trấn nhỏ ở tây bắc thủ đô Oulaan-Battaar. Báo Siberian Times của Nga và Đài BBC của Anh Quốc cũng như một số báo chí khác cho biết thêm là di hài của ông có thể đã được phát hiện ở một nơi khác và được mang đến gần thủ đô Ulaan-Bataar là nhằm mục đích đem bán. Một người đàn ông 45 tuổi, tình nghi chủ mưu việc này đã bị cảnh sát bắt giữ. Theo luật pháp của Mông Cổ thì người này có thể bị phạt 40.000 euros (khoảng gần 50.000 đô-la) và bị tù giam từ 5 đến 12 năm. Di hài của nhà sư này hiện đang được giao cho Trung Tâm Quốc Gia Giám Định Ulaan-Bataar) (Ulaanbataar National Centre of Forensic Expertise) thẩm định. Theo một viên chức dấu tên hé lộ cho biết thì di hài đã được tìm thấy trong một hang động ở một nơi mang tên là Kobdsk.
H4: Gian nhà nơi cất dấu di hài trước khi cảnh sát tìm thấy (The Siberian Times 02.02.2015)
H.5: Di hài đang được cảnh sát thu hồi (Báo Huffintong Post, 05.02.2015)
Một số người cho rằng sở dĩ di hài đã được bảo toàn nguyên vẹn là nhờ vào tấm da thú khoác lên người và nhờ khí hậu gíá rét của vùng Sibera. Về tấm da thì hiện nay người ta cũng chưa xác định được là da của loài thú nào, có thể là da bò, ngựa hoặc lạc đà. Dầu sau thì khí hậu và tấm da cũng không hội đủ các điều khiện cần thiết để bảo quản tình trạng tươi tốt của di hài sau hai trăm năm.
Một giả thiết về nguồn gốc của nhà sư trên đây
Trong lúc chờ đợi kết quả khảo nghiệm, một số học giả và tăng đoàn lãnh đạo Phật Giáo Mông Cổ cho rằng vị sư này có thể là thầy của một vị lạt-ma nổi tiếng người Nga là Dashi-Dorzho Itigilov, vì di hài của nhà sư này dù đã tịch diệt 75 năm, nhưng khi được phát hiện vẫn còn giữ được sự tươi tốt của một người "vừa mới qua đời" và cũng ở trong tư thế tọa thiền. Sự phát hiện này đã xảy ra cách nay hơn 10 năm - một cách chính xác là ngày 11 tháng 9 năm 2002 - và đã gây ra một tiếng vang rất lớn trong dư luận thời bấy giờ. Hầu hết các hãng thông tấn, truyền hình và báo chí trên thế giới đều cũng đã đưa tin và bình luận rộng rãi. Vì thế thiết nghĩ cũng nên tìm hiểu thêm về sự phát hiện này vì đây cũng có thể là cách mang lại một vài hiểu biết thêm về sự kiện các nhà sư cao thâm - thuộc Phật Giáo Tây Tạng cũng như Thiền Tông - thường chọn sự ra đi của mình trong tư thế tọa thiền và giữ được thân xác lâu dài không bị hư hoại.
Dashi-Dorzho Itigilov là một vị lạt-ma Nga gốc người xứ Cộng hòa tự trị Buryatia (Bouratie), thuộc nam Tây Bá Lợi Á (Siberia) sát với Mông Cổ. Ông sinh năm 1852, xuất gia lúc 16 tuổi, nhưng vẫn tiếp tục học thêm về y khoa và triết học tại đại học Phật Giáo Anninsky Datsan (nay đã hoang phế). Năm 1891 ông được tôn làm vị Lạt-ma Chambo thứ XII của Phật Giáo Nga và đảm trách chức vụ chủ tịch tổng hội Phật Giáo Nga, và cùng trong năm này ông đã chủ tọa lễ khánh thành ngôi chùa đầu tiên ở Âu Châu tại thành phố Saint-Pertersbourg. Ông từng được Nga Hoàng gắn huân chương năm 1917, và sau đó cũng đã được chính quyền Cộng Sản gắn huân chương tuyên dương ông do sự tham gia tích cực của ông trong việc chăm lo và săn sóc thương binh trong Thế Chiến Thứ I.
Thế nhưng năm 1926 sau khi "chế độ cộng sản cứng rắn được thiết đặt", ông khuyên các nhà sư hãy rời bỏ xứ sở của mình, và cứ để mặc ông lưu lại với một số đệ tử. Một năm sau, lúc ấy ông cũng đã 75 tuổi và cảm thấy ngày ra đi của mình đã đến, bèn sai các đệ tử tổ chức nghi lễ tiễn đưa ông. Thế nhưng họ nhất định không tuân vì thấy ông vẫn bình thường và khỏe mạnh. Một hôm ông lẳng lặng ngồi xuống hành thiền, nhiều vị lạt-ma khác thấy thế cũng ngồi theo. Được một lúc lâu thì ông ra đi, vẫn ngồi im thật vững vàng trong tư thế kiết già.
Trong di chúc để lại ông yêu cầu hãy chôn ông ở tư thế tọa thiền và sau ba mươi năm thì nên khai quật mộ ông. Các đệ tử liệm ông trong một quan tài - đúng hơn là một cái thùng lớn bằng gỗ thông - và chôn cất ông trong nghĩa trang của các vị lạt-ma tại một nơi gọi là Khukhe-Zurkhen thuộc nước Cộng hòa tự trị Buryatia cạnh biên giới Mông Cổ. Khi tường thuật về các sự kiện liên quan đến việc phát hiện di hài của nhà sư tịch diệt đã 200 năm trên đây, đài BBC cũng có nhắc đến việc phát hiện di hài nguyên vẹn của nhà sư Dashi-Dorzho Itigilov này và cho biết thêm: "Vào năm 1927, vị lạt-ma Dashi-Dorzho Itigilov từng dặn dò các đệ tử của mình là sau khi ông ra đi thì 30 năm sau hãy nên khai quật mộ ông".
Năm 1955 - chỉ mới 28 năm sau khi ông mất - một số nhà sư và phật tử kín đáo khai quật mộ ông và nhận thấy di hài của ông "nguyên vẹn như một người còn sống", họ bèn mỏ muối vào quan tài và chôn cất trở lại. Thế nhưng họ đã phá bỏ mộ bia, chỉ vì lúc đó dù Staline đã chết, nhưng chế độ cộng sản vẫn vô cùng cứng rắn, vẫn tiếp tục đàn áp và tận diệt tôn giáo, và cũng kể từ đó câu chuyện về di hài của ông chỉ được truyền tụng kín đáo trong giới tu hành.
Mãi đến năm 2002, mới có một vị lạt-ma trẻ tuổi là Bimba Dorzhiev nghĩ đến việc khai quật mộ ông xem sao. Vị lạt-ma này tìm được một người đã 88 tuổi biết nơi chôn cất của vị lạt-ma Dashi-Dorzho. Ngày 11 tháng 9, ngôi mộ được khai quật lần thứ hai với sự chứng kiến của các vị chức sắc trong tăng đoàn Phật Giáo Nga, các khoa học gia, các bác sĩ giám định pháp lý và một nhiếp ảnh gia. Phúc trình chính thức cho biết là di hài của ông "tươi tốt như người vừa qua đời chưa quá 36 giờ", da dẻ và chân tay vẫn còn mềm mại.
H.6: Di hài vị lạt-ma Dashi-Dorzho Itigilov (1852-1927)
H.6: Ngôi chùa Datsan Ivolguinsk nơi di hài của vị lạt-ma Dashi-Dorzho Itigilov được tạm lưu giữ trước khi đưa đến một ngôi chùa mới.
Ngày 23 tháng 4 năm 2003, một đại hội Phật Giáo được tổ chức và các vị lạt-ma mượn dịp này để chính thức tuyên bố di hài của nhà sư Dashi-Dorzho là xá lợi của toàn thể Phật Giáo Nga, và đồng thời trong dịp này một buổi lễ đặt viên đá đầu tiên cũng đã được tổ chức nhằm xây dựng một ngôi chùa mang tên là Itigel Khambyn Ordon dành riêng để thờ phụng ông. Năm 2005 di hài của ông được đưa đến đây và được thờ trên bệ với các điều kiện khí hậu và độ ẩm của bối cảnh tự nhiên bên ngoài (không đặt trong lồng kính với các điều kiện bảo quản thích nghi). Tháng 4 năm 2013 Vladimir Poutine đích thân đến Buryatia để "nói chuyện" với Dashi-Dorzho Itigilov và đàm thoại với các vị lạt-ma khác.
Vài lời ghi chú của người viết
Thật ra trong khi đọc các mẫu tin trên đây thì người viết cũng chỉ nghĩ rằng đây là một sự kiện có thể liên hệ ít nhiều đến một tín ngưỡng mà mình mong muốn được học hỏi thêm, và do đó cũng đã cố gắng tìm kiếm thêm một vài tư liệu liên hệ hầu giúp mình có thể suy xét cẩn thận hơn mà thôi. Thế nhưng thật cũng hết sức bất ngờ là mẫu tin này không những vẫn còn đang được các cơ quan truyền thông Tây Phương quan tâm và tiếp tục đưa tin mà còn được phổ biến rộng rãi trên nhiều trang mạng Phật Giáo tiếng Việt. Những mẫu tin "hấp dẫn" dễ khơi động sự "tò mò" thường là một "món hàng" thu hút người đọc, nhưng sau đó biết đâu cũng có thể mang lại một sự hoang mang nào đó cho họ. Vì thế cũng xin mạn phép mượn mẫu tin trên đây như là một dịp để cùng chia sẻ với người đọc một vài suy tư về các sự kiện này. Thật vậy một người tu tập luôn phải nhìn vào các sự kiện hay hiện tượng như thế qua nhiều góc nhìn khác nhau, ít nhất là dưới hai khía cạnh: tính cách khách quan và chính xác của một sự kiện và sự ích lợi của sự kiện ấy đối với việc tu tập của mình.
Quả rất khó cho mỗi người trong chúng ta được hội đủ điều kiện và khả năng để khẳng định tính cách xác thực về một hiện tượng hay sự kiện qua tất cả các khía cạnh của nó, tuy nhiên chúng ta cũng có thể tin vào các kết quả mang lại từ các công cuộc khảo sát và giám định của các chuyên gia và học giả nhiều kinh nghiệm hơn mình. Đối với những vấn đề liên quan đến tín ngưỡng thì chúng ta cũng có thể tin vào những người tu hành uyên bác, cao thâm và chân chính. Những sự tin tưởng ấy có thể mang lại cho chúng ta một niềm tin nào đó trong việc tu tập của mình, mặc dầu trong thâm tâm thì đôi khi chúng ta cũng khó tránh khỏi đôi chút hoang mang nào đó - chẳng hạn như những sự kiện mang tính cách mầu nhiệm và huyền bí trên đây.
Khía cạnh thứ hai của một sự kiện cần phải quan tâm là tính cách thật sự ích lợi của nó. Đối với một người tu tập Phật Giáo sự quan tâm ấy chính là sự chú tâm, giúp mình phân tích một hiện tượng hầu rút tỉa những gì thiết thực và lợi ích từ sự phân tích ấy. Sự chú tâm và phân tích đó đối với con đường Phật Giáo không phải là để tìm hiểu những gì mầu nhiệm trong bối cảnh bên ngoài mà là sự chú tâm và phân tích hướng vào chính tâm thức mình, nhằm tìm hiểu sự vận hành của nó hầu giúp mình canh chừng và biến cải nó.
Bất cứ một hình thức phóng tâm nào vào các sự kiện bên ngoài đều mang ít nhiều tính cách lạc hướng, và dễ đưa đến sự hoang mang cho mình mà thôi. Ngày nay nhờ các phương tiện truyền thông tân tiến, vô số tin tức cũng như các bài viết, bài giảng được phổ biến rộng rãi và được xem là thuộc lãnh vực Phật Giáo, thế nhưng thật ra đôi khi cũng chỉ mang tính cách "bên cạnh" hay "vòng ngoài" của con đường tu tập đích thật, có nghĩa là chỉ nêu lên các nguyên tắc đạo đức thông thường trong xã hội hoặc các kinh nghiệm cá nhân biểu lộ cái tôi của mình, không hề phản ảnh được các khía cạnh thâm sâu của giáo huấn Phật Giáo. Các sự "lạm phát" và "lạm dụng" đó tất khó tránh khỏi mang lại một chút hoang mang cho những người thật sự mong muốn biến cải và tinh khiết hóa tâm thức của chính mình.
Bài viết trên đây thuật lại các sự kiện liên quan đến một biến cố lạ thường, dù là các chi tiết liên quan đã được chọn lọc và cân nhắc cẩn thận cho thấy là biến cố ấy có thể không hẳn là không hàm chứa một sự thật nào đó, thế nhưng thật ra thì cũng chỉ là một cách mượn dịp nhằm nhắc nhở mỗi người trong chúng ta luôn phải cảnh giác, không nên để cho sự chú tâm rời khỏi tâm thức mình, bởi vì đấy mới thật sự là phương cách tu tập hữu hiệu nhất. Ngoài ra những gì xảy ra hay không xảy ra trong khi tu tập, và dù là có mầu nhiệm hay không, thì cũng chỉ là những gì phụ thuộc và thứ yếu, đến với người tu tập một cách tự nhiên và bình thường.
Bures-Sur-Yvette, 12.02.15
Hoang Phong
Độc giả có thể xem thêm về mẫu tin này qua các tài liệu trên mạng như:
- youtube: https://www.youtube.com/watch?v=WCvq5Vi_D9I
- báo Huffington Post: http://www.huffingtonpost.fr/2015/02/05/moine-bouddhiste-200-ans-meditation_n_6621976.html
- BBC News: http://www.bbc.com/news/world-asia-31125338
Francetvinfo:http://www.francetvinfo.fr/monde/asie/ce-moine-momifie-n-est-pas-mort-il-medite-selon-des-experts-bouddhistes_817037.html
- báo New-York Times: http://www.nytimes.com/2002/10/01/world/ivolginsk-journal-a-russian-lama-s-body-and-his-faith-defy-time.html