;
Hôm qua, tôi về chùa sư đệ ở Sài Gòn để tham dự lễ tụng kinh Dược Sư cầu bình an đầu năm.
Chùa nhỏ, nghèo nhưng ấm cúng. Sư đệ và Phật tử cho tôi ít phút để nói về ý nghĩa của lễ cầu an trước khi khai đàn Dược Sư.
Tôi hỏi, cầu an có được an không?
Cầu an chắc chắn sẽ được an. Nhưng cái an ấy không phải Phật Dược Sư ngồi trên toà cao kia ban xuống cho mình. Đức Phật không phải đấng quyền năng ban ơn giáng họa và làm chuyện đi ngược nhân quả cho chúng sinh.
Vậy nói an thì an từ đâu đến?
Trước khi nhận ra an từ đâu đến thì cần nhìn ra ba điều bất an lớn nhất trong năm qua ở trong mỗi chúng ta.
Đó là bất an về tài sản, bất an về sức khỏe và bất an về tình cảm, tinh thần.
Về tài sản, vì sao đồng tiền vơi cạn đi nhanh chóng mà chưa thấy làm gì hiệu quả để bù đắp vào. Vậy cần nhìn vào việc chi tiêu xem thực sự ta đã tiêu cái cần thiết và cần dùng chưa, đã để dành cho việc tái đầu tư sản xuất, hay dành phòng khi có việc bất ngờ, việc ốm đau bệnh tật chưa? Đã chăm chỉ nỗ lực hết mình cho công việc chưa? Và nếu dư dả đã biết bố thí cứu giúp người kém hơn mình một cách phù hợp với điều kiện của mình chưa?
Về sức khoẻ, tại sao thấy sức khỏe của mình kém hơn trước? Đã đi kiểm tra sức khỏe xem mình bệnh ở đâu chưa? Đã ăn uống, ngủ nghỉ, tập luyện, học tập vui chơi một cách hợp lý chưa?
Về tình cảm, tại sao thấy các mối quan hệ của mình với cha mẹ, vợ chồng, con cái, bạn bè, làng xóm ngày càng sứt mẻ, xấu đi? Có phải do ta nói năng, cãi cọ, ghen tuông, chửi bới, rồi nói những lời gây tổn thương, hiểu lầm chia rẽ hay không?
Xin thưa ngay khi nhận diện được ba điều đó một cách chân thực chúng ta đã chạm đến chữ an rồi.
Tụng kinh Dược Sư, kinh nhắc chúng ta nhớ đến 12 nguyện lớn của ngài. Nói ra 12 nguyện để chúng ta nhìn vào đó nhắc nhở mình, chứ Phật không đem chữ an đến cho ta nếu ta không nhìn rõ 3 điều bất an kể trên để điều chỉnh ứng xử cho thích hợp với từng hoàn cảnh.
Khoá lễ hoàn mãn, sau khi Phật tử thụ lộc tối tại chùa, thầy trò nán lại ngồi nói chuyện, có vị hỏi, sao con đọc kinh thấy nói cầu gì cũng được như ý nguyện khi đọc tụng danh hiệu của Ngài. Mong thầy giải thích thêm.
Tôi nói, kinh này là kinh nói 12 bản nguyện của Phật Dược Sư.
Phật Dược Sư ví như vị đại lương y tuỳ bệnh cho thuốc, hay ban niềm vui vô uý cho chúng sinh. Chúng ta tìm Phật Dược Sư trong 12 nguyện ấy ở giữa đời này, xem ai trong số những người thân yêu của ta đang sống và thực hành dù nhỏ chỉ một trong 12 nguyện ấy thì đó cũng chính là hiện tướng của Phật Dược Sư.
Trong kinh nói: “Ta cùng quyến thuộc là mười hai vị Đại tướng Dược Xoa hộ vệ cho các ngươi giải thoát mọi khổ nạn, tất cả mong cầu đều được thỏa mãn”.
Một người có 12 vị Đại tướng hộ vệ thì có đủ năng lực đem lại sự an vui về vật chất và tinh thần cho chúng sinh không?
Ở đời có rất nhiều người có đủ phước lực, quyến thuộc để thêm vui bớt khổ cho người chung quanh mà chúng ta không nhận ra đó cũng là Phật Dược Sư. Và ngay chính chúng ta cũng có những lúc thiện tâm trong sáng làm việc thêm vui bớt khổ cho người, nhưng sao chẳng tự tin thấy mình cũng đang mang công hạnh của Phật Dược Sư để mà bồi dưỡng thêm.
Vậy Phật Dược Sư có ở đâu xa xôi trong chính nhân gian này không? Nếu có một cộng đồng người hay làm những việc lành thêm cái vui vật chất, bớt cái khổ tinh thần cho người thì cõi Sa Bà này cũng chẳng khác cõi Tịnh Lưu Ly của Đức Dược Sư vậy.
Nếu ta đi cầu an trong lúc vẫn đem đến ba mối bất an về sức khỏe, tiền bạc, tình cảm cho người khác và cho chính mình thì bình an có đến với ta không?
Tuyệt nhiên là không!
Những chỗ ồn ào vái van, không còn lấy một khoảng tĩnh lặng cho thân tâm, mới nhìn đã đầy bất an rồi thì mâm lễ đồng tiền dâng cúng kia có giúp ta an được không?
Tuyệt nhiên là không!
Tâm cảnh là một. Tâm linh ô nhiễm thì cảnh đời sống sẽ chộn rộn, bát nháo, tranh đua, giành giật.
Trở về sự bình an của chính mình thì năng lượng Phật Dược Sư ngập tràn và diệu dược sẽ hiển bày, muốn an được an.
Tâm cảnh thanh tịnh của Phật Dược Sư vẫn bao trùm không gian bằng 12 nguyện lớn, chỉ vì bụi phủ trong nhiều mối quan hệ ứng xử mà chúng ta không thấy ra thôi.