;
Nhận diện kẻ thù của chính bạn – Phần 2
Nhận diện kẻ thù của chính bạn – Phần cuối
Thông qua điều mà ta tạm gọi là "hiệu ứng tiếp xúc lan tỏa" (extended-contact effect), sự thân thiện lan tỏa nhanh như một loại virus lành tính giữa các nhóm đối lập. Hiệu ứng này mạnh mẽ đến độ, theo các nhà nghiên cứu tại Đại học Massachusetts, có thể khiến định kiến biến mất trong một vài giờ nhường chỗ cho hòa bình tràn vào lòng mọi người. Như ví dụ sau đây, tại một trại hè Palestine-Do Thái có tên là Oseh Shalom-Sanea al-Salam cho phép thanh niên Do Thái, Ả Rập và gia đình của họ cùng tham dự vào các hoạt động chia sẻ, đối thoại với nhau giữa thiên nhiên.
Các sự kiện này gợi lên các ý tưởng cho các hoạt động, sáng kiến ở quy mô lớn hơn nhằm phá vỡ các hàng rào phòng thủ giữa “chúng ta” và “chúng nó” trong tâm tưởng con người. Chúng ta phải có khả năng nhìn thế giới này với quan điểm rộng mở nếu muốn có được sự cảm thông chân thành. Hãy nghĩ về cách Đức Đạt Lai Lạt Ma học về Kitô giáo từ Ngài Tổng giám mục Desmond Tutu và Ngài Tổng giám mục Tutu học hỏi về Phật giáo từ Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Không ai trong số họ cố gắng khiến người kia phải cải đạo, hay là muốn người kia phải hoàn toàn theo mình hoặc đồng ý với mình. Các Ngài đều có lòng trung thành mạnh mẽ đối với truyền thống, tín ngưỡng, và dân tộc của riêng mình, nhưng họ cũng là những người bạn rất tốt của nhau, những người không bị hạn chế bởi tâm phân biệt: có hoặc không, trắng hoặc đen, hay là phải chọn một trong hai. Một khi chúng ta phân chia thế giới này thành hai lực lượng “chúng ta” và “chúng nó”, “tôi” và “họ”, thì ngay cả những người mà ta đang yêu mến cũng có thể trở thành kẻ thù của ta.
Tất cả những gì họ phải làm là làm hại hoặc làm trái ý chúng ta, và ngay lập tức chúng ta sẽ cảm thấy e dè và không thích họ. Hành động với thiện chí và sự chân thành là cách tốt nhất để mở rộng sự quan tâm của chúng ta, xóa tan những rào cản ngăn cách giữa ta - họ.
Ngay cả những điều đơn giản như cùng làm việc trong một bếp ăn phục vụ, cứu trợ những người đói khổ, hay nói chuyện và quan tâm đến hàng xóm của mình, đều có thể làm giảm bớt cảm giác xa cách giữa những người có tính cách khác biệt nhau. Bằng cách tập trung vào các vấn đề lớn hơn thay vì các mối quan tâm ích kỷ vụn vặt của bản thân – hay như Jonathan Haidt nói là “tắt cái nút “tôi” và bật nút “chúng tôi” lên” - chúng ta vượt qua hàng rào của sự xa lánh đố kỵ thông qua sự tiếp xúc đơn giản giữa người với người. Với tinh thần "yêu người như chính mình," ta sẽ càng ngày càng có nhiều người trở thành láng giềng thân cận, và chúng ta thực sự học được cách yêu thương họ.
Cách đối xử đúng đắn với kẻ thù là xem họ như một con người và đặt mình vào vị trí của họ, nhìn sự việc từ quan điểm của họ, và nhận ra rằng ta không còn thành kiến hay định kiến với “kẻ thù” của chúng ta nữa. Bài tập "làm việc với kẻ thù” sau đây sẽ chỉ cho bạn thấy bạn đã tạo ra một kẻ thù như thế nào và làm sao để đảo ngược quá trình đó. Ta sẽ thấy rằng kẻ thù bên ngoài chỉ là một cái cớ, một điều gì đó làm ta xao lãng mà quên đi kẻ thù thật sự nằm ngay chính trong tâm chúng ta:
Khi đặt mình vào vị trí của kẻ thù và cảm nhận được nỗi hận thù của họ, việc này sẽ giúp ta sáng ra và lớn lên, đánh thức chúng ta ra khỏi cơn mê tự mãn. Hãy nghĩ về một người nào đó bạn không thích, một người nào đó bạn thực sự có ác cảm. Đó có thể là một người làm cho bạn thấy sợ, thấy thách thức, thấy như là đối thủ, một người đã từng làm hại bạn chẳng hạn. Đưa người này vào trong tâm trí mình một cách rõ rang, hình dung họ đang ngồi trước mặt bạn và thực sự cảm thấy bạn đang tiếp xúc với họ. Cảm nhận được nỗi tức giận, sợ hãi hoặc chán ghét trong lòng bạn về người đó.
Rồi, bây giờ hãy đặt mình vào vị trí của người ấy. Hãy tưởng tượng bạn chính là người ấy, ngồi đó và nhìn bạn. Hãy nhìn ngắm bản thân từ góc độ của kẻ thù. Bạn sẽ nhận ra rằng kẻ thù của bạn chính là tấm gương phản chiếu cảm xúc của chính bạn đối với họ. Bạn nhìn kẻ thù của bạn và nghĩ về họ như thế nào, thì họ sẽ nhìn và nghĩ về bạn như thế ấy.
Nếu bạn thấy ghen tị với họ, nếu họ trông có vẻ cao ngạo và khinh bỉ bạn, hay là bạn cảm thấy bản thân cao hơn, tốt hơn và vì vậy có một thái độ kẻ cả đối với kẻ thù. Hãy nhìn lại chính mình qua đôi mắt ganh tỵ, đố kỵ, cạnh tranh, và trịch thượng. Khi bạn đã đắm mình hoàn toàn trong những cảm xúc tiêu cực mà bạn dành cho kẻ thù và kẻ thù dành cho bạn, bạn sẽ nhận ra rằng không cần phải nuôi dưỡng những cảm xúc tiêu cực khốn khổ như vậy. Bạn có thể thay đổi cách nhìn về kẻ thù của bạn.
Hãy thử tưởng tượng những người thân yêu của kẻ thù nhìn họ trìu mến ra sao, con họ nhìn họ với cặp mắt ngưỡng mộ và yêu thương như thế nào, hay là chú chó cưng của kẻ thù âu yếm nhìn chủ ra sao…
Nếu kẻ thù của bạn có vẻ đặc biệt tệ hại và xấu xa, hãy tưởng tượng đến đồng bọn của hắn nhìn hắn với cặp mắt thân thiện, tin tưởng như là một đồng minh, đồng mưu và là một người bạn như thế nào. Sau đó hãy chú ý vào việc kẻ thù của bạn cảm thấy như thế nào khi nhìn thấy bạn hoặc nghĩ về bạn. Bạn sẽ thấy sự căng thẳng tương tự mà bạn cảm thấy khi bạn nhìn thấy hoặc nghĩ về kẻ thù.
Còn tiếp..
Trích từ “Love Your Enemies: How to Break the Anger Habit and Be a Whole Lot Happier”. Tạm dịch là "Hãy yêu kẻ thù của bạn: Làm thế nào để phá vỡ thói quen giận dữ và cùng nhau hạnh phúc hơn", © 2013 bởi Sharon Salzberg và Robert Thurman. Được xuất bản với sự cho phép của Hay
Việt dịch: Diệu Liên Hoa
Sharon Salberg and Robert Thurman – Lion’s Roar