;
HỎI:
Xin cho biết nhân duyên và ý nghĩa của an cư. Vì sao có sự khác nhau về thời điểm an cư giữa hai truyền thống Nam tông và Bắc tông?
ĐÁP:
An cư, Phạn ngữ Varsa, Pàli ngữ Vassa, hán dịch là Vũ kỳ, Hạ an cư, Kiết hạ, Tọa hạ, Cửu tuần cấm túc… An cư có nghĩa: “Thân tâm đều tĩnh lặng gọi là an, đến thời gian quy định phải ở yên một nơi gọi là cư” (Nghiệp sớ, q4).
Nhân duyên Phật thiết định an cư, theo Đại Phẩm, chương Vào mùa mưa: “Lúc Thế Tôn trú tại thành Vương Xá, tinh xá Trúc Lâm (Luật Tứ Phần, q37, ghi Thế Tôn trú tại Xá Vệ, tinh xá Kỳ Viên), bấy giờ việc AN CƯ MÙA MƯA chưa được Thế Tôn quy định cho các Tỷ kheo.
Có một số Tỷ kheo du hành trong mùa mưa, dân chúng phàn nàn, chê bai rằng ‘Các sa môn Thích tử du hành trong mùa lạnh, mùa nóng và cả trong mùa mưa. Ngay cả các du sĩ ngoại đạo hàng năm vẫn có ba tháng ở cố định trong mùa mưa, những con chim sau khi làm tổ trên ngọn cây cũng sống cố định trong mùa mưa. Còn các sa môn Thích tử thì lại du hành trong mùa mưa. Các vị ấy đang dẫm đạp lên cỏ xanh, đang hãm hại mạng sống các loài côn trùng’.
Các Tỷ kheo khác nghe được những lời chê bai ấy đem trình lên Thế Tôn. Nhân sự việc này Phật dạy: “Này các Tỷ kheo, phải an cư trong mùa mưa. Đây là hai thời điểm an cư. Thời điểm trước là ngày kế của ngày trăng tròn tháng Àsàlha, thời điểm sau là vào ngày sau ngày trăng tròn của tháng sau. Này các Tỷ kheo, trong ba tháng mùa an cư không nên du hành.
Vị nào đi ra ngoài (nếu không có lý do chính đáng) thì phạm Dukkata (Phá an cư)”. Ngoài ra, theo luật Ngũ phần, q19; Ma ha Tăng kỳ, q27; Thập tụng, q24… ghi nhận về duyên khởi của truyền thống an cư, đại thể cũng tương đồng với Đại phẩm và luật Tứ phần.
Về ý nghĩa an cư, qua phần duyên khởi, trước hết an cư là một truyền thống chung cho mọi Sa môn, Bà la môn của các tôn giáo thời bấy giờ. Mặt khác, dù Phật chưa ban hành luật an cư nhưng đa phần các Tỷ kheo vẫn ở cố định trong những tháng mùa mưa. Do vậy, ngoài việc tôn trọng truyền thống, hạn chế sự dẫm đạp côn trùng, an cư mùa mưa là thời gian thích hợp nhất để nỗ lực tu tập thiền định, phát triển tâm linh và chứng đạt các Thánh quả.
Mặt khác, an cư còn mang ý nghĩa quan trọng về xây dựng đời sống hòa hợp trong Tăng đoàn đồng thời an cư cũng là dịp để hàng cư sĩ gần gũi, nương tựa chư Tăng học tập giáo pháp và tu tạo phước điền.
Thời điểm an cư, các kinh luật đều đồng nhất vấn đề khởi sự an cư tính từ ngày đầu tiên (trăng tròn) của tháng Àsàlha (hay A sa đà-Ashadha-Phạn). Tháng Asàlha chính xác là thời điểm trong khoảng cuối tháng 6 và đầu tháng 7 dương lịch. Truyền thống Phật giáo Nam tông xác định ngày mồng một (trăng tròn) của tháng Asàlha chính là ngày 16 tháng 6 âm lịch. Do đó, Phật giáo Nam tông tổ chức an cư vào ngày 16 tháng 6 và kết thúc vào ngày 16 tháng 9 âm lịch.
Tuy vậy, theo ngài Huyền Trang (Tây vực ký) và ngài Pháp Hiển (Nam hải ký quy nội pháp truyện) thì ngày mồng một (trăng tròn) của tháng Asàlha tương đương với ngày 16 tháng 5 theo lịch Trung Quốc. Vấn đề là Phật giáo Bắc tông dù đã xác định ngày mồng một (trăng tròn) của tháng Asàlha tương đương với ngày 16 tháng 5 theo lịch Trung Quốc nhưng thực tế thì an cư lại bắt đầu từ 16 tháng 4.
Để giải thích điều này, có thể là do ảnh hưởng của kinh Vu Lan, quy định ngày Rằm tháng 7 là ngày tự tứ, do vậy phải kiết hạ vào ngày 16 tháng 4 (Thích Trí Thủ-Yết ma yếu chỉ, Viện Cao đẳng Phật học Hải Đức, tr 258). Ngày nay, an cư bắt đầu từ ngày 16 tháng 4 là truyền thống của Phật giáo Bắc tông.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy dù theo bất cứ truyền thống nào (16-4 âm lịch Bắc tông hay 16-6 âm lịch Nam tông) thì vẫn xảy ra trường hợp đến thời điểm quy định an cư theo truyền thống nhưng tại một số địa phương hoặc quốc gia không phải là thời điểm của mùa mưa. Do đó, nếu cứ vào nguyên tắc “AN CƯ MÙA MƯA” thì truyền thống nào cũng có những bất cập nhất định.
Vì vậy, nếu tôn trọng truyền thống và nhất là xác định mục đích chính yếu của an cư để trưởng dưỡng và trau dồi giới định tuệ thì vấn đề thời điểm an cư dù có sự khác biệt giữa các truyền thống song không quan trọng bởi phận sự an cư ba tháng trong năm của một Tỷ kheo vẫn được chu toàn.