;
Chiều thu man mác gió lay
Ngoài hiên cảnh tĩnh ai hay cõi lòng
Hoài mong những thứ phiêu bồng
Nghĩ đời thêm ấm, cho sầu cạn vơi.
Một buổi chiều đầu thu, gió nhẹ thoảng qua đưa mùi hương của thiên nhiên, mùi hương cỏ cây ùa vào căn phòng nhỏ. Có lẽ vào những ngày thời tiết như vậy, ai ai cũng muốn thả hồn mình vào không gian lặng yên, để gặm nhấm những nỗi niềm, tương tư chất chồng qua tháng ngày mùa hè nóng nực vội vã. Hơn nữa, khi con người ta đang chuẩn bị bước sang dấu mốc tuổi tác mới của một đời người, cảm nhận rõ sự thay đổi trong cơ thể không còn như hồi hai mấy xuân xanh, thì càng có nhiều ưu tư để chia sẻ giãi bày.
Tôi có lẽ cũng như bao con người cùng độ tuổi khác, cũng mải mê làm việc, chạy theo bằng cấp, thích thú học hỏi tất cả những gì có thể khi con trẻ. Tôi cũng nhiều lần thức trắng đêm để xem một bộ phim rồi ngủ không biết đến trời đất ngày hôm sau, hay tham gia các cuộc hội hè không biết mệt. Vì lúc nào tôi cũng nghĩ: mình còn trẻ mà, trẻ không chơi già hối hận thì sao, nên cứ sống gấp sống vội, đưa mình vào những mê cung viển vông không lối thoát.
Tôi vẫn chưa tới tuổi người ta gọi là gần đất xa trời, nhưng biết đâu được ngày mai khi mỗi ngày trôi qua cơ thể lại già nua hơn chút, thấy ngày như ngắn lại, thấy tâm mình lăng xăng nuối tiếc tìm lại quá khứ hồi còn trẻ, lúc ấy tôi nhận ra lẽ vô thường không đâu xa, mà có mặt ngay trong giây phút hiện tại. Người ta vẫn nói: chưa thấy quan tài chưa đổ lệ, đúng như vậy, tôi cũng đã nghĩ tôi còn rất trẻ, sao phải lo lắng nhiều, còn lâu mới phải về với đất.
Thời gian cứ vậy trôi, tới một ngày khi cơ thể không còn được mạnh mẽ như trước, “mong manh, dễ vỡ” trước những cơn gió thời tiết, trời lạnh bất thường hay vì mải mê công việc, cuộc sống quên chú ý đến cơ thể, những khi “long thể bất an” như vậy tôi mới có thời giờ ngỗi ngẫm nghĩ lại. Quả thật thời gian sẽ lấy đi của con người tuổi trẻ, thanh xuân nhưng lại cho ta thật nhiều kỉ niệm, kinh nghiệm xương máu mà lúc trẻ mình biết được thì đã tốt hơn biết nhường nào.
Nhắc đến vô thường, có lẽ nhiều người sẽ không muốn đối diện, hay gạt đi vì nghĩ không thực tế. Đặc biệt là với những bạn tầm tuổi tôi, nhắc đến 2 chữ sinh tử, vô thường là dễ dàng bị đá phăng ra khỏi cuộc nói chuyện. Điều đó càng phản ánh rõ sự sợ hãi đối mặt với một sự thật phũ phàng mà bất cứ một ai trên tiến trình cuộc đời đều phải trải qua. Tôi may mắn vì gặp được Phật pháp, có cơ hội được học hỏi giáo lý, sự thực tập từ những bậc thầy tôn kính, nên tôi không từ chối đối diện sự thật ấy.
Nói tới đây, tôi chợt nhớ tới câu chuyện về người cha để lại cho con mình một viên ngọc quý trong Kinh Pháp Hoa. Người cha ấy trước khi mất, đã xin đứa con trai ham chơi phá phách giữ lại chiếc áo ông thầm để một viên ngọc quý trong đó. Sau này, khi cha mất không lâu, cậu rơi vào cảnh khốn cùng đói khổ vì phung phí của cải. Nhưng một ngày cậu tình cờ biết được có viên ngọc trong áo, cậu đã biết trân trọng nó, bán đi lấy vốn liếng làm ăn gây dựng sự nghiệp thoát cảnh khổ nhục, tha phương cầu thực khắp nơi.
Tôi cảm nhận được mình cũng như nhiều người khác có điểm giống với cậu con trai cùng tử này. Chúng ta có rất nhiều của cải, gia tài to lớn mà chúng ta không biết trân trọng. Ta có thanh xuân hừng hực khí thế, cơ thể cường tráng, sức vóc dẻo dai, ta còn có đủ cha mẹ, người thương, có đủ chân tay để hoạt động...biết bao điều hạnh phúc như vậy mà ta đâu biết xài. Chỉ mặc sức phá, bào mòn, hoang phí chà đạp lên những hạnh phúc ấy. Đến khi nhận ra thì màu tóc đã ngả, con tim đã già, chuyến tàu tử thần đã lặng lẽ chờ sẵn rồi.
Ngày nay, chúng ta có thể quán sát nhiều hiện tượng ngay trước mắt, cảm nhận được rõ ràng sự tàn phá khốc liệt của con người lên kho châu báu thiên nhiên, sự sống của muôn loài. Trên thế giới những trận bão lũ, cuồng phong, thảm hoạ thiên nhiên ngày càng xảy ra nhiều, đối mặt với chúng con người ta mới thật nhỏ bé biết nhường nào.
Lúc ấy những ngôi nhà xa hoa bậc nhất, những công trình ngàn năm vĩ đại tưởng chừng như tồn tại mãi cũng cuốn theo dòng nước, chỉ còn lại bùn nhơ xác xơ hoang tàn. Đến khi ấy chúng ta mới tự vấn nếu đã không phá rừng biến thành đô thị hoá, không phá hỏng thiên nhiên thì có lẽ sự việc đã khác. Thiên nhiên cũng là một gia tài mà bấy lâu nay con người quên lãng, không biết bảo vệ, trân trọng để rồi gánh chịu những hậu quả khôn lường.
Vô thường không phải chờ tới khi thất thập cổ lai hy, hay khi nhìn mái tóc cha mẹ đã chuyển màu mới thấy, mà đó là từng sát na, từng giây phút quán sát hiện hữu trước mắt. Chúng ta đừng quá tự tin vì khả năng thay đổi thời cuộc, xây những ngôi nhà cao chọc trời, dùng công nghệ để điều khiển mọi thứ, nhưng điều mãi mãi chúng ta không thể thay đổi đó là quy luật sinh già bệnh chết, thành-trụ-hoại-diệt. Điều đó không có nghĩa là mình sống chỉ chờ để chết, hay chỉ để than phiền sầu ưu vì cái già cái bệnh, lo nghĩ của cải vật chất mình đã tạo ra mà phải biết sống trân trọng từng khoảnh khắc, có chánh niệm tỉnh thức, sống thật sâu sắc với những gia tài châu báu mà chư Phật, chư tổ, cha mẹ dòng họ để lại.
Tôi cũng đã nhiều lần than phiền khổ não rất nhiều rằng sao mình không thế nọ thế kia, không đạt được điều gì đó cao lớn hơn, rồi sinh tâm chán đời, tuyệt vọng, làm khổ chính bản thân mình và những người xung quanh. Nhưng mỗi lần như vậy, tôi lại nhắc nhở bản thân, quay trở về hơi thở bằng những lời Kinh, niệm Phật, hay những bài pháp, câu thơ lắng dịu thân tâm. Tôi biết mình còn hạnh phúc hơn rất nhiều người, tôi biết mình có cả gia tài tâm linh, gia tài hạnh phúc ngay trước mắt.
“Này người giàu sang bậc nhất
Tha phương cầu thực xưa nay!
Hãy thôi làm thân cùng tử
Về đi, tiếp nhận gia tài!
Hãy dâng cho nhau hạnh phúc
Và an trú phút giây này
Hãy buông thả dòng sầu khổ
Về nâng sự sống trên tay.
( Trích “ Châu ngọc Pháp Hoa, thơ : Nhất Hạnh)
Trên tiến trình dòng sinh tử, không ai là không trải qua những giây phút mất mát, đau thương bởi lẽ vô thường. Quán chiếu được điều đó, tôi nguyện sống trọn vẹn từng giây phút, nhìn sâu nhìn thấu để ôm trọn hạnh phúc nơi thân và tâm. Dẫu phía trước là nhiều bão tố, cả những cơn bão lòng và bão của dòng đời phải vượt qua, tôi mong với hành trang lời dạy của Chư Phật, của tổ thầy tôi nguyện thực tập sống nuôi dưỡng cái gốc, cái rễ nội tâm để nó ăn sâu vào đất thật vững chãi.
Cùng với sự quyết tâm thực tập chánh niệm tỉnh thức, không để tâm ý khát khao những thứ phiêu bồng mà cho là hạnh phúc vĩnh hằng, đó sẽ là hành trang giúp tôi có an lạc nơi hiện tại, tự tại đối diện với những vô thường không tránh khỏi, đó cũng chính là lời dạy cao cả mà sư phụ tôi thường nhắc : “đối với sự sinh không mong cầu, đối với cái chết không sợ hãi”.