;
Ngưỡng bạch Giác linh Hòa thượng Thích thượng Đức hạ Niệm !
Bao lần trà đạo tâm tình
Giã từ cõi mộng, một mình ra đi
Mai này trở lại Hoa Kỳ
Còn đâu hình bóng từ bi thuở nào?
Trong cuộc sống, có những người dù chỉ gặp thoáng qua một hoặc vài lần lại có thể gây cho chúng ta ấn tượng tốt đẹp, sâu đậm, những chuyển biến tích cực và khi nhắc đến người đó, chúng ta có cảm giác dễ chịu, yêu thương, quý mến ngập tràn. Cố Hòa thượng Thích Đức Niệm là một mẫu người như vậy.
Tôi có phước duyên sinh hoạt chung với Hòa thượng trải qua 2 Trường hạ trong mùa hè vừa qua – 2017, tại Chùa Quang Minh – Chicago – Hòa Thượng với vai trò là thiền chủ và tại Tu Viện Kim Cang – Atlanta - Hòa thượng với vai trò Phó Thiền Chủ. Chừng ấy thôi, tôi cũng cảm thấy vừa đủ để học hỏi thẩm thấu những phẩm hạnh giá trị cao quý lan tỏa từ nơi Thân giáo, Khẩu giáo của Người. Mới từ Hoa Kỳ về Việt Nam Phật sự được vài tuần lễ, bao kỷ niệm ân tình nơi ấy vẫn còn hiện rõ trong tôi mồn một, tôi thật bất ngờ khi hay tin Hòa Thượng, một người đầy niềm hoan hỷ, năng lượng và năng động lại vừa viên tịch khi chưa đến tuổi “thất thập cổ lai hy” (70). Trong niềm xúc động ngậm ngùi này, tôi xin ghi vài dòng để kính tưởng Giác linh.
Tôi gặp Hòa thượng ở trường hạ chùa Quang Minh, Chicago. Hòa thượng rất bình dị, hài hòa, khiêm tốn, luôn quan tâm lắng nghe người khác. Tôi ấn tượng với lời đạo từ của Hòa Thượng đối với mỗi đương sự khi tác bạch rất hợp tình, hợp lý, hợp với mỗi hoàn cảnh, trường hợp. Hòa thượng luôn nêu gương trong việc thực hành nghiêm túc, đầy đủ và đúng giờ với mọi thời Khóa sinh hoạt trong mùa An cư như; tụng kinh, ngồi thiền, trai đường.
Để cho thời tụng niệm thêm trang nghiêm, phong phú và nhất tâm, Hòa thượng đích thân đánh trống cho nhạc lễ tán tụng trong mỗi thời công phu. Tôi có cảm giác như một vị đại tướng ngày xưa đích thân đánh trống trận đốc thúc toàn binh, cũng vậy, Hòa thượng tạo nên một niềm hứng khởi cho đại chúng tu tập, vượt qua những giây phút buông lung, hôn trầm ( ngủ gục), những Tâm Ma gai góc dai dẳng ẩn hiện bên trong mỗi hành giả.
Với tư cách là thư ký của Trường hạ Quang Minh, Chicago và người phụ trách chính cho thời thảo luận Chư tăng tại Trường hạ Kim Cang, Atlanta, tôi rất là an tâm với sự hỗ trợ lặng lẽ của Hòa thượng bằng chính sự hiện diện quý giá của Người – chăm chú lắng nghe và ghi chép. Hòa thượng thể hiện ý nghĩa câu:
Sa Di thuyết pháp Sa Môn thính
Bất tại niên cao tại tánh linh
(Sa Di thuyết pháp, Sa Môn lắng nghe
Không phải vì tuổi cao mà là vì căn tánh của mỗi người).
Nghĩa là: ai cũng có điểm hay của họ, cho dù họ nhỏ hơn mình về tuổi tác, chức vụ, vai trò,… chúng ta cũng nên lắng nghe họ chăm chú để có thể rút kinh nghiệm cho mình và cho tập thể chung.
Hòa thượng là người rất hài hòa với Tăng chúng, dường như ở nơi Hòa thượng không có khoảng cách của tuổi tác và thế hệ. Hòa Thượng luôn mỉm cười rất tươi và tham gia trà đàm, tham gia các môn thể thao cùng với Tăng trẻ, đó cũng là phương pháp phòng bệnh mang đến sức sống tươi khỏe, hoạt bát và vui với nhau, chan hòa tình huynh đệ.
Có một buổi sáng Bố Tát tại đàn tràng an cư Tu viện Kim Cang, Atlanta khiến tôi giật mình nhớ mãi. Tôi vẫn nhiều lần thường nói là : Tại sao Bố Tát chỉ còn là hình thức tụng lược về giới luật mà thiếu tinh thần thẳng thắn góp ý soi sáng cho nhau – chỉ trừ một vài Chùa thuộc trường phái Thiền Trúc Lâm đang làm. Thế nhưng Bố-tát trước khi mãn hạ tại Tu viện Kim Cang, Atlanta lại khác. Lúc đó, Chư Tăng ngồi vòng tròn bên tách trà để thưa thỉnh trình bày trước đại chúng về những sơ suất, tội lỗi của mình cũng như nêu lên những điểm: thấy, nghe, nghi về những nhược điểm, vi phạm giới luật, thanh quy, pháp bất thiện nơi người khác.
Hòa thượng kêu gọi mọi người soi sáng cho nhau và chính Hòa thượng sám hối trước đại chúng về một buổi thảo luận Phật Pháp của chư Tăng do tôi phụ trách mà Ngài lo việc khiêng cây cảnh và súc hồ nước lại quên đi, hơn nữa những vị Đại đức khác cùng vào phụ làm với Hòa thượng mà không tham gia khiến cho lớp học hôm đó vắng đi, thiếu sinh khí. Đó là biểu hiện Bi – Trí – Dũng của một bậc đại nhân, tàm quý và dám mạnh dạn trình bày khuyết điểm lỗi lầm mình trước đại chúng, cho dù xuất phát từ tâm thiện là : làm công quả cho chùa nhưng sai thời khóa.
Sau đó, tôi và nhiều người noi gương Hòa thượng trình bày những khiếm khuyết của mình cầu mong đại chúng liễu tri, cảm thông và soi sáng cho. Hòa thượng góp phần bồi đắp cho một Tăng đoàn hòa hợp thanh tịnh sống với tinh thần lục hòa với kinh nghiệm quản chúng từ thời tu học trước kia ở các tự viện tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Trong bối cảnh sinh hoạt Phật giáo tại Hoa Kỳ, đại đa số tự viện theo tính cách: “nhất Tăng nhất tự” (mỗi Tăng mỗi chùa) thì Hòa thượng góp phần hàn gắn lại, tạo mối dây liên hệ Tăng đoàn, nhắc nhở mọi người ý nghĩa về “tự lực và tha lực”, “đức chúng như hải” và:
Hổ ly sơn hổ bại
Tăng ly chúng Tăng tàn
Để mọi tu sỹ ý thức rõ ràng hơn về trách nhiêm đối với tu tập Giới – Định – Tuệ và giải thoát mỗi ngày, thể hiện vai trò hoằng pháp của mỗi thành viên và Tăng đoàn nơi hải ngoại. Hòa thượng còn để lại những lời dạy rành rành thông qua lời phát biểu ý nghĩa An Cư Kiết Hạ khi được phỏng vấn tại chánh điện chùa Quang Minh, Chicago và vai trò của học và tu khi được thỉnh phát biểu trong buổi cuối thảo luận Phật Pháp và đêm thiền trà tại Tu viện Kim Cang, Atlanta. Những lời dạy của Hòa thượng không văn chương hoa mỹ, mộc mạc giản dị nhưng rất sâu sắc thực tiễn, dễ nhớ, dễ hiểu để đưa vào thực hành và mãi còn in sâu trong tâm khảm chúng tôi.
Hòa thượng khuyến tấn tôi năm tới (2018) cố gắng sắp xếp để tiếp tục đến với đạo tràng an cư Kim Cang – Atlanta chia sẻ nhiều đề tài Phật Pháp lợi lạc hơn nữa. Lời hứa vâng thuận với Hòa thượng vẫn còn đó mà nay Người không còn nữa để hạnh ngộ trùng phùng.
Sự ra đi của Hòa thượng không những là một tổn thất lớn lao đối với tứ chúng chùa Ưu Đàm, Marina Bắc Cali, Phật giáo tại Hoa Kỳ nói riêng và Phật giáo Việt Nam trên khắp thế giới nói chung. Chúng ta thật khó tìm được một vị cao tăng thạc đức như vậy, có nhiều kinh nghiệm sinh hoạt thiền môn, sống hài hòa, với tâm từ bi, không phân biệt “nhân – ngã – bỉ - thử” luôn khuyến tấn tạo niềm cảm hứng cho những người xung quanh được như Ngài.
Điều này khiến tôi nhớ đến một câu chuyện: có một con chim sẻ bị trúng tên, hoảng sợ bay đến nép vào Ngài Xá Lợi Phất nhưng chim vẫn còn run rẫy sợ sệt. Sau đó, chim lại bay đến luồn mình vào tay áo của Đức Phật. Ở đây chim thấy an toàn và không hề run sợ nữa. Được hỏi về nguyên nhân của hiện tượng, Đức Phật dạy: Nơi Xá Lợi Phất chủng tử sát sanh tuy đã tận diệt, nhưng chưa sạch được tập khí vi tế. Cũng vậy, những ai có duyên gần gũi Hòa Thượng và đối trước từ tâm và bao dung của Hòa Thượng mới có cảm giác hoàn toàn thư giãn, dễ chịu và có niềm tin tưởng sâu sắc về Đạo về Đời về sự thiết lập nên Tịnh Độ Nhân Gian, thế giới Chân – Thiện – Mỹ.
Kính bạch Hòa Thượng! Vậy là con không còn thể gặp Người với thân thể hình hài ngũ uẩn nữa, nhưng những gì Người đã chỉ dạy, ân cần nhắc nhở vẫn luôn thấm đượm sống mãi trong con. Con vẫn luôn còn thấy phảng phất lung linh hình bóng thân thương và nụ cười của Người. Chúng con còn có thể đòi hỏi gì hơn nữa nơi Hòa thượng?
Hơn 65 năm nơi trần thế và 40 Hạ Lạp, Hòa Thượng có công đức cảm hóa lớn lao để lại phước lợi hà sa. Gương thị hiện của Người vậy là vừa đủ : để nhắc nhở ba cõi không an như là lò lửa, Vô thường lão bệnh không kỳ hẹn đối với kiếp người, mỗi hành giả hãy tinh tấn tu tập để vượt thoát. Người đi đến khắp các đạo tràng không mệt mỏi để đánh trống Pháp, dựng cờ Pháp, kết nối thương yêu, xây dựng Tăng thân, chia sẻ tình huynh đệ. Tấm gương tinh cần học hỏi, thực hành và hoằng pháp của Người kể từ khi mới xuất gia ở Việt Nam cho đến ngày Người trút hơi thở cuối cùng là tấm gương lớn mãi mãi rạng soi.
Kính xin tri ân sâu sắc về duyên tri ngộ và những gì Người đã mang lại, đã gửi gắm nơi chúng con. Con nguyện tu học và hoằng Pháp sao cho xứng đáng với tâm tình với những gì đã hứa với Hòa Thượng thuở sanh tiền, suốt hành trình trở về bảo sở. Hóa duyên của Người đã mãn, Tứ đại vay mượn phải trả về cát bụi….Người đã ra đi nhưng Người còn ở lại, Hoa Đàm tuy rụng vẫn còn hương và chúng con mong mỏi cơ duyên được gặp Hoa Ưu Đàm tái hiện để thầy – trò, huynh đệ hàn huyên với cốc trà, nối lại tình xưa,…
Ưu Đàm một thuở ngát hương
Xa gần phảng phất, bốn phương đượm nhuần
Người về trang trải ân tình
Người đi lặng lẽ một mình xa xăm
Cảm ơn Người đã hiện thân
Cảm ơn tri ngộ những lần bên nhau
Nhớ Người mãi đến ngàn sau
Người là sao sáng, giữa trời trong xanh….
Nam mô tự Lâm Tế Chánh tông Tứ Thập Tứ Thế, Ưu Đàm đường thượng, húy thượng Nguyên hạ Sỹ, tự Đức Niệm, hiệu Chơn Đức Niệm Hòa Thượng Giác Linh thùy từ chứng giám.
Chùa Giác Ngộ, Saigon, ngày 22/10/2017
Khể thủ
Hậu học: Thích Đồng Trí
Video: Cố Hòa thượng Thích Đức Niệm ngồi ở giữa đang trả lời phỏng vấn.
{youtube https://www.youtube.com/watch?v=BO-ksIc383A&t=139s|500|500}