;
Không rõ đời sống tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội của các nước từ Á sang Âu có ồn ào như ở xứ ta hay không. Từ những ngày đầu năm
chỉ thấy trên thông tin người ta bóc ra toàn mặt xấu của lễ hội, cúng lễ, rồi tuỳ tiện phán xét.
Càng ngạc nhiên hơn khi đứng trước các mặt trái ấy, người ta lại ứng xử theo kiểu đánh bùn sang ao, từ văn hoá, phong tục đến tín ngưỡng tôn giáo.
Xin lấy ví dụ, bỗng dưng hàng loạt các vị chức sắc Phật giáo đăng đàn thông tin; đốt vàng mã không có trong đạo Phật, cúng sao giải hạn không có trong đạo Phật, xin xăm bói quẻ không có trong đạo Phật, coi ngày coi giờ không có trong đạo Phật, Mẫu không có trong đạo Phật. Họ lên án như một dàn đồng ca, người ta lên lớp Phật là thế nọ, tâm là thế kia...
Vâng, đúng là toàn bộ các hiện tượng kia không có trong giáo lý đạo Phật, nhưng rõ ràng nó có trong Phật giáo, mà có rõ ràng và sờ sờ ra đấy chứ.
Nhưng phải hiểu nhờ yếu tố "giáo" này mà nó dung hoà, tiếp biến với các dòng chảy văn hoá và có tính phương tiện, hài hoà, tuỳ xứ tuỳ thời. Vì yếu tố "giáo" này mà Phật giáo mới đi vào nhiều dân tộc, tín ngưỡng không phải bằng chiến tranh, bạo lực và áp đặt.
Ví dụ ngày xưa theo tục lệ có nơi người chết phải chôn theo người hầu (nô lệ) thật, đồ sử dụng thật, vì thế nó quá bất nhẫn và lãng phí, người nghĩ ra cách đốt vàng mã để thay đổi tập tục kia, cũng có tính nhân văn nhất thời. Nay không còn thích hợp nữa thì điều chỉnh và từ bỏ, thậm chí quyết liệt hơn, chùa nào còn cho đốt vàng mã thì cắt chức trụ trì đi là xong.
Còn dâng sao giải hạn, nếu chùa nào còn cúng thì khuyến cáo bổ sung các bài giảng ý nghĩa tiến tới để người ta nhận thức và bỏ dần, bởi nó cũng là một dạng cầu bình an, nếu không họ sẽ tìm đến các đền, phủ, miếu, mà các pháp sư, thầy cúng, có thể dễ dàng biến tướng hành vi này, cơ hội tiếp cận với giáo lý Phật giáo để tu tập của họ càng xa vời hơn.
Xã hội người ta phản ứng là đáng quý, nhưng Giáo hội chỉ cần điều chỉnh cụ thể nếu họ nêu đích danh. Ví dụ chùa A năm nay vẫn còn cho đốt vàng mã, lần đầu cảnh cáo bằng văn bản rồi thông tin lên, nếu tái phạm 3 lần thì tước quyền trụ trì. Tuy nhiên, văn bản cấm là ra cấm mà khuyến cáo thì ra khuyến cáo, xin đừng nhập nhằng để rồi không có cách xử lý, dẫn đến hình thức, phong trào, đánh trống bỏ dùi...
Cách giải quyết tỉnh táo, bài bản của Giáo hội phải căn cứ trên các văn bản quy phạm của pháp luật. Những văn bản cấm (nếu có) chỉ có tác dụng trong nội bộ Phật giáo, chứ nó không xâm phạm vào quyền tự do tín ngưỡng của xã hội. Vì bản chất của tín ngưỡng mất cái này thì nó phát sinh ra cái khác thôi.
Vì chức sắc Giáo hội cứ thay nhau mà lên truyền thông "cái này không có trong đạo Phật", xem ra cũng thật buồn cười, có những bài viết trên Vietnamnet nói cần phải dẹp bỏ luôn cả trai đàn chẩn tế, giải oan bạt độ...
Trách họ ngây ngô về tôn giáo cũng đúng, nhưng đồng thời cũng không sai theo cách nói "không có trong đạo Phật" tức chỉ bám vào lời Phật dạy để nói.
Nếu nói không có trong đạo Phật như lời Phật dạy thì dẹp bỏ hết chùa tượng, cùng nhau mặc y quấn và đi khất thực luôn đi. Khi chết thì hoả thiêu chứ nhập tháp rồi cúng 49 ngày, 100 ngày, tiểu tường, đại tường làm gì. Rồi nói như thế thì cũng dẹp luôn bàn thờ tổ tiên, hương khói, tượng đài, nghĩa trang chứ để đó cầu cúng tưởng niệm làm gì. Ngay cả tụng kinh cầu an cầu siêu cũng dẹp luôn đi chứ thời Phật, Phật có cầu an cầu siêu cho ai đâu...
Hoá ra mấy ngài chức sắc phát ngôn trúng bẫy truyền thông. Năm nay họ bảo dẹp cái này không có trong đạo Phật, năm khác họ bảo dẹp cái kia không có trong đạo Phật, thế là các ngài cứ quýnh quáng cả lên à?
Nhà nước còn đó, luật pháp còn đó, cần gì các ngài cứ phối hợp với họ mà điều chỉnh, cái gì tốt còn nhiều hơn xấu thì giữ, cái gì hại nhiều hơn lợi thì bỏ, đó là điều hết sức bình thường của xã hội văn minh.
Còn cái gì đã là tính thiêng thì bất khả xâm phạm, như để thì hòn đất mà cất thành ông Bụt. Đừng vì nói ông Bụt cũng từ hòn đất mà ra, nên tuỳ tiện đập bỏ.
Văn hoá loài người từ Á sang Âu đều giống nhau ở hành vi "để" và "cất" đó chứ.