;
Các Phật tử thôn quê ở Hải Dương tổ chức Phật đản tại nhà
365 ngày thoáng qua như giấc mộng, ngày đản sanh của Đức Từ Phụ cũng chạy đua với thời gian, nhất là những tín đồ thuần thục, ngày nào các U các chị còn bỡ ngỡ thiết kế lễ đài lần đầu nơi vùng quê chưa có Tăng ni hướng dẫn, giờ đây tràn đầy kinh nghiệm.
Hải Dương, một tỉnh cách Hà Nội trên dưới 100km, tại thôn nghèo Kinh Dương, huyện Bình Giang, những Phật tử Hà Nội như: Tuệ Hiền, Diệu Hoa, Phúc Tâm, Diệu Hiền, Tinh Phủ, Minh Vỹ, Tịnh Hương, Diệu Liên…là những người đệ tử của Thiền viện Trúc Lâm Sùng Phúc, kết hợp một số Phật tử các nơi kéo về vùng quê để đem ánh sáng Phật Pháp, lần đầu tiên, cho bà con nơi đây mới biết thế nào là Phật đản.
Các U trên 60 trèo thang cao để treo cờ, căng bạt. Từ Nam gửi ra cúng tượng sơ sanh lần đầu tiên ấy, đã gieo hạt giống thiện lành vào lòng người chân lấm tay bùn chưa bao giờ nghe đến hai chữ Đản Sanh!
Treo cờ chuẩn bị cho lễ Phật đản tại nhà
Phật đản 2567 lại về trên quê hương, trong khi các nơi chỉ chuẩn bị thiết trí lễ đài, thì nơi xã Thái Dương, nhà chị Đỗ thị Thiêm, Pd Chơn Phúc Tâm, các U đã hoàn thành trang nghiêm nơi “Mộc Dục”. Năm nay được sư cô Huệ Tín trụ trì chùa Phúc Chủ cùng về làm lễ hôm 3/4 âm lịch, thêm một niềm vui cho bà con trong xã.
Sư cô Huệ Tín trợ duyên cho các Phật tử cử hành buổi lễ Phật đản
Các tỉnh phía Bắc do Phật tử chủ động thiết trí đón mừng Đức Từ phụ ra đời như Hải Dương thật hy hữu. Tỉnh thành nào cũng làm được như Hải Dương, Phật giáo chả mấy chốc trăm hoa đua nở!
Cờ phướn, tôn tượng, phông trang trí từ các Phật tử miền Nam và thiền viện Sùng Phúc
Phật giáo không chú trọng hình tướng, nhưng quần chúng cũng phải cần hình tướng để xác định niềm tin Tam bảo. Đối với những bậc chọn con đường xuất thế thì hình tướng đôi khi chướng ngại đường tu, nhưng tín đồ là thành phần nhập thế để đem đạo vào đời, hình tướng trở thành phương tiện ắt cần phải có.
Những chị em Phật tử thiền viện Sùng Phúc đã đem ánh sáng Phật Pháp cho bà con xa đô thị, hạnh nguyện này có lẽ sẽ được tiếp nối đến những vùng xa xôi khác mà nhóm chị em là hạt giống gieo mầm, cũng sẽ là tấm gương “Đại chúng hóa Phật đản” trên toàn quốc.
Chư Tăng cần khuyến khích Phật tử giúp một tay để triển khai không những mùa Phật đản mà còn những đại lễ trong năm cho nguồn sống Phật pháp được khởi sắc. Phật giáo du nhập vào đất nước ta khá lâu, qua 4 thế kỷ Đinh, Lê, Lý, Trần thấm sâu vào dân tộc, thời gian còn lại như hạt mầm chìm sâu vào quê hương. Ngày nay, tuy chùa chiền phát triển về cơ sở vật chất, nhưng tinh túy nuôi dưỡng linh hồn dân tộc đã mờ nhạt. Giáo hội đã hoàn chỉnh cơ cấu tổ chức về hành chánh, nặng về hình thức mà bỏ quên nội chất.
Phật đản 2567 trở về trên quê hương, cần có một kích thích tố khởi sắc cho mọi miền như sự khởi sắc tại Hải Dương. Các chị, các U năng động tự bảo nhau, sau khi hoàn thành tâm nguyện, đứng nhìn thành quả rồi tự nhìn nhau mỉm cười mãn nguyện. Lần đầu tiên các cụ cầm gáo tắm bảo tượng đản sanh như còn ngượng ngập. Những chị còn lại sau khi tắm Phật, lại lo chế biến thức ăn, vui hưởng cùng nhau một mùa đản sanh tràn đầy hoan hỷ. Lại cùng bàn chuyện 365 ngày sau đáo hạn.
Thế mới biết Phật Ngự Trong Ta, vì mọi chúng sanh đều có Phật tánh!
MINH MẪN
PL: 2567 - 05/4 - Quý Mão – 22/5/2023