;
Mặt khác, chân tánh mỗi người đều giống nhau chẳng khác, không hề có phiền não. Vì phiền não là chân tánh. Nếu biết vận dụng thì phiền não tức là chân tánh, còn không biết vận dụng thì chân tánh bị phiền não ẩn che. Ví như chân tánh là nước lỏng, phiền não là nước đá; nước lỏng là nước đá mà nước đá cũng là nước lỏng vì cùng đồng bản thể. Nhưng về mặt hiện tượng thì có sự sai khác. Lúc lạnh thì nước đóng băng, còn khi trời nóng thì băng tan thành nước, cũng giống như khi có phiền não thì hiện thành băng (phiền não – vô minh), không có phiền não thì là nước (chân tánh – trí tuệ). Điều này chúng ta cần phải hiểu rõ, đừng để tu lâu rồi mà phiền não vẫn còn trơ trơ.
Làm người ai mà không có bệnh tật. Bệnh tật do đâu sinh ra? Do phiền não mà có. Hết phiền não thì bệnh gì cũng hết. Pháp Phật nhiệm mầu, có giới định huệ, giúp tiêu trừ phiền não, là thứ thần dược trị được mọi bệnh tật.
“Tâm thanh, thủy nguyệt hiện
Ý định, thiên vô vân”.
“Lòng trong suốt, hiện bóng trăng
Ý an định, trời mây chẳng gợn”.
(Trích báo Bồ-Đề Hải).
Đây là cảnh giới không còn phiền não, làm hiện rõ chân tánh. Nếu tâm bình thì mọi tai nạn đều được tiêu tan, khi tâm có được định thì muôn sự kiết tường. Lại nữa, “tâm lắng, niệm dừng là định; dứt hết tư dục là tuệ”.
Tâm vọng tưởng diệt dứt, lòng lăng xăng phan duyên chạy theo trần cảnh được gạn sạch thì mới thật sự vào định. Không có tư dục (lòng dục vọng ích kỷ, vì bản thân mình) đó mới là trí tuệ chân thật, ruộng phước vô lượng, làm gương soi sáng cho trời và người.
Thế nào là phiền não? Chỉ có những thứ thất tình lục dục khiến cho thân và tâm chẳng được tự tại. Những thứ này là xiềng xích vô minh, gông cùm trói buộc, như dây thừng cột chặt vào mình.
Đức Phật vì muốn chúng sanh xa lìa phiền não, được an lạc, giải thoát. Chúng sanh có vô lượng phiền não thì pháp Phật có vô lượng pháp môn tu tập đối trị. Điều quan trọng cốt yếu là Phật dạy chúng sanh nên tự chính bản thân mình tỉnh giác học hạnh Phật, huân tu các công đức lành. Vì thế, chúng ta phải lắng nghe, tin tưởng, y giáo phụng hành.
Cần nên biết: “Chớ nói lời thị phi, chẳng nên sanh phiền não, nếu chẳng nóng giận, chẳng đố kỵ, chướng ngại kẻ khác thì mình có thể xuất ly biển khổ”.
Tâm phiền não là ảo ảnh, thân người là giả dối. Phải nhận rõ sự thật này, đừng để tâm điên điên đảo đảo, điều thẳng thắn tưởng là cong vạy, lấy chuyện quanh co làm chính trực; đem đen làm trắng, lấy trắng làm đen. Việc ác cho là tốt còn việc làm lành lại xấu. Bởi thế, trong kinh Pháp Cú, đức Phật có chỉ rõ như sau:
“Không chân, tưởng chân thật
Chân thật, thấy không chân
Chúng không đạt chân thật
Do tà tư, tà hạnh”.
“Chân thật, biết chân thật
Không chân biết không chân
Chúng đạt được chân thật
Do chánh tư, chánh hạnh”.
Sống trong vòng vọng tưởng phân biệt, sẽ không thể nào nhìn đúng sự thật về bản chất của các pháp “chân thật nghĩ chân thật, không chân biết không chân”, nhìn bằng con mắt trí tuệ thì không bị sự giả dối lường gạt, không chịu đau khổ. Đây là con đường đưa đến chân hạnh phúc, chớ tìm ở đâu xa! Việc thiết yếu là đòi hỏi mỗi người nên tự thức tỉnh, quyết chí thay đổi, thắp lên ngọn đuốc chánh niệm cả thân và tâm để nhìn vào sự thật. Nơi nào có hạnh phúc chắc chắn nơi đó không thể thiếu vắng sự tu tập về chánh niệm.
Tâm Thăng