;
Tứ Đại Thiên Vương là thần tướng của vua trời Đế Thích, ở núi Kiền Đà La, núi này có bốn đỉnh, mỗi đỉnh có một vị Thiên Vương trấn giữ, hộ trì cho tứ thiên hạ, bốn cõi thiên hạ còn gọi là Tứ Đại Bộ Châu, gồm có Đông Thắng Thần Châu ở phương Đông, Nam Thiệm Bộ Châu (địa cầu) ở phương Nam, Tây Ngưu Hạ Châu ở phương Tây, Bắc Cu Lư (Lô) Châu ở phương Bắc. Tứ Đại Bộ Châu thuộc tầng thứ nhất của trời dục giới.
Tôn giáo ra đời, đồng thời cũng kéo theo các hình thái tín ngưỡng xuất hiện. Có tôn giáo tôn thờ Nhất thần luận, cũng có tôn giáo thờ Đa thần; với tín ngưỡng dân gian chưa phải là một tôn giáo.
Nhưng cũng tồn tại và tôn thờ các bậc thần quyền theo tín ngưỡng của mình với thời gian không phải là ngắn. Còn với đạo Phật thì ai cũng cho rằng, Phật giáo không khải thị thần quyền, sao trong các kinh điển và các nơi chùa chiền, tự viện, am thất đều thờ tượng thần và tranh ảnh của hàng Hộ pháp - Thiên long, Bát Bộ- long thần..?
Để hiểu rõ thêm nghi thức thờ phượng của Phật giáo, một tôn giáo không xiển dương vai trò của thần quyền, chúng ta hãy nghe lời cuối cùng dưới đây của đức Thế Tôn khi dặn dò nhắc nhở các đệ tử của mình trước khi Ngài nhập Niết-bàn:
“Sau khi Ta nhập diệt, Đạo Pháp thay Ta làm vị thầy cho các con. Biết noi theo Đạo Pháp, ấy chính là các con tỏ lòng chân thành với Ta. Trong suốt bốn mươi lăm năm sau cùng trong cuộc đời giáo hóa của Ta, Ta không hề giấu giếm điều gì trong những lời giáo huấn. Chẳng có một lời giáo huấn nào bí mật, không có một lời nào mang ẩn ý. Tất cả những lời giảng của Ta đều được đưa ra một cách ngay thật và minh bạch. Những lời giáo huấn Ta ban cho các con là do nơi kinh nghiệm của chính Ta, và chính Ta noi theo con đường đó. Các con nên tuân theo những lời giáo huấn ấy và giữ đúng như thế dù phải gặp hoàn cảnh khó khăn nào”
“Trên con đường tu tập Đạo Pháp nếu có ai chỉ thấy thân xác Ta thì kẻ ấy đã không trông thấy Ta, chỉ có những ai hiểu thấu những lời giáo huấn của Ta mới thật sự nhìn thấy Ta vậy”.
Những lời giáo huấn trên của đức Thế Tôn được hiểu ngắn gọn đó là Ngài dạy: “Đạo Pháp thay Ta làm thầy”; nghĩa là Tín ngưỡng phải từ niềm tin vào Chánh Pháp. Niềm tin trong đạo Phật là niềm tin trí tuệ của mình có khả năng học Pháp. Nên đức Phật mới nói rằng: “Ai thấy pháp, người ấy thấy Ta. Ai thấy Ta, người ấy thấy pháp”.
Tin vào luật nhân quả để thấy được tường tận khổ đau đều do chinh nơi suy nghĩ, lời nói và hành động của mình gây nên; từ đó sống một đời ý thức và tỉnh giác.
Trở lại vấn đề nêu trên, vậy Hộ pháp, Thiên long- Bát bộ mà các chùa, tự viện và am thất thờ phượng hai bên cũng như trong điện thờ các vị này được hiểu như thế nào trong không gian và bối cảnh của các chùa, tự viện..?
Về vấn đề này, trong kinh Nguyên thủy và Đại thừa Phật giáo cũng như các tổ thầy đã nói tới. Ở đây trong phạm vi bài biết này chỉ xin nêu đôi nét về sự khác biệt giữa chánh pháp của Phật giáo với tín ngưỡng dân gian thần quyền, nhằm giúp chúng ta lần lần hiểu và tháo gỡ được đâu là sự mê lầm của tín ngưỡng đa thần quyền mà từ lâu mặc nhiên chúng ta coi đó là của đạo Phật.
Hộ Pháp trong Phật giáo
Như chúng ta thấy, chùa chiền ở Viêt Nam, cũng như chùa chiền của các nước châu Á, đều có những cảnh quan thiên nhiên vô cùng đẹp, gắn cùng với cảnh quan hoa lá, chim muông là các thần linh cùng hướng về chánh pháp (Tam bảo).
Theo kinh Liên Hoa, mọi loài vật trên trái đất này đều có công hộ pháp và phù trì thế giới, giúp con người phân biệt được phải trái, thiện ác và cuối cùng hướng đến chân đạo nhằm thoát khỏi khổ đau, nghiệp báo.
Vì thế, vào những ngày đầu xuân, lễ tết, dân gian ta đều đi chùa những mong để được ánh sàng từ quang của Phật, Bồ-tát soi chiếu và những lời kinh, câu kệ thức tỉnh, đồng thời cũng qua những hình tướng Hộ pháp lúc hiền, lúc dữ nhắc nhở mọi người hãy sống tốt theo chánh pháp.
Hình ảnh đầu tiên trong hệ thống thần linh Hộ pháp, khuyến thiện, trừng ác thường thấy ở nhiều đền chùa là hai vị thần gác cổng, cũng có thể là bốn vị thần, gọi chung là Tứ Đại Thiên Vương. Kế đó lại gặp các ngài trong Phật điện hoặc hành lang bốn bên quanh Phật đường theo một hình tròn phỏng theo phỏng theo Linh sơn.
Ở các chùa lớn phía Bắc nước ta, chúng ta còn thấy nơi thờ phượng có bát Bộ Kim Cương, tức là Tám đại Hộ pháp cầm chùy-kim cương chử, canh giữ sự bình yên và linh thiêng nơi cửa thiền. Hình ảnh của các vị được xây dựng từ các vị Bồ tát, cũng từ Bát Bộ Chúng, với mỗi vị đứng đầu một bộ cùng hành trì và giữ vững Phật pháp. Bát bộ này gọi là Astasena, thường được hiểu là Bát Bộ Thiên Long (các vị thần này do khải thị chánh pháp) của Như Lai mà tình nguyện bảo hộ - khác với các lực lượng trong tín ngưỡng đa thần quyền nói chung.
Bát bộ Thiên long ở đây gồm có: Thiên - Deva (các vị thần trên trời), Long - Naga (các loài rồng dưới biển), Dạ Xoa-Yaksa (các nhiên thần dũng kiện trù phú), Càn Thát Bà-Ganharva (các thần âm nhạc, y học, trẻ con), A Tu La- Asura (các giống loài quỷ quái hung dữ), Ca Lầu La-Garuda (các thần điểu, gười chim vĩ đại), Khẩn Na La-Kimara (các nghệ sĩ người ngựa ca múa) và Ma Hầu La Đà - Ma horaga (các loại rắn, mãng xà, người rắn biểu diễn âm nhạc). Nói chung, Bát Bộ Chúng đã xuất hiện từ xa xưa trong đạo Phật, khi Saka Nyorai - Như Lai Cổ Phật lần đầu tiên thuyết giảng Kinh Liên Hoa trên đỉnh Linh Thứu. Ở đây chúng ta cần lưu ý là khi nghe Như Lai Cổ Phật thuyết pháp, tất cả các loài trên trời (Thiên) dưới Đất đều tới phủ phục và nguyện Bảo hộ Phật pháp.
Bát Bộ này cũng xuất hiện một lần nữa khi đức Phật Thích Ca Văn nhập Niết-bàn tại rừng Sa La. Do vậy, ở các đền chùa xưa nay đều thấy các tượng Hộ pháp này được lập thành nhiều vòng quanh chùa hay điện Phật.
Không phải chỉ ở nước ta, mà hầu như các chùa chiền ở các nước Á châu trước cổng chùa bao giờ cũng có hai bức tượng hoặc tranh khổng lồ của hai vị thần dữ dằn, thường nhe răng, bạnh mắt, há miệng như gầm rống, nhìn xoáy vào mọi người, như thể thấy ta đang nghĩ gì, nhất là những ý nghĩ tăm tối và rồi sẽ vung đao trừng phạt.
Tuy hình tướng đáng sợ là thế, nhưng đây là hai minh vương nhân từ, hóa thân của Bồ tát Kim Cương Thủ và Bồ tát Văn Thù Sư Lợi nhằm dẹp bỏ những ác tính, tà niệm, giữ cho tâm hồn chúng sinh được thanh thản, sạch trong trước khi vào chùa. Với thân hình đồ sộ, cứng hơn đồng thép và vũ khí bất hoại là chùy kim cương, Bồ tát Kim Cương Thủ sẵn sàng đứng chắn và đánh tan tất cả mê muội, dụng vọng, những điều tàn ác, xấu xa có thể ảnh hưởng đến chúng sinh, đặc biệt là những người tu hành Phật giáo.
Theo kinh Phóng Quang Bát Nhã, bất cứ ai tu thiền trên đường thành Phật đều được ngài bảo vệ, không bị phá hoại, nhũng nhiễu dù đó là người hay ma. Với trí tuệ bao la, thị hiện trong nhiều tay chân, đầu mắt, Bồ tát Văn Thù Sư Lợi lại cho người xem thấy được ma quỷ, cái chết khủng khiếp như thế nào, mà răn ta đừng làm những điều tội lỗi…
Cùng với hai minh vương, về bốn phía hoặc tượng trưng cho bốn phương trời, còn có Tứ Đại Thiên Vương, canh giữ các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc Phật điện. Họ chính là bốn vị đại thần dưới chân núi Tu Di, theo dõi cả cõi Dục giới lẫn Sắc giới và đều là hóa thân của Bồ tát Kim Cương Thủ, vị Bồ tát cổ xưa nhất, uy phong nhất trong Phật giáo Đại thừa.
Về hai phía của tòa Tam bảo, ta còn thấy Bát Bộ Kim Cương cũng là tượng Hộ pháp cầm trên tay những cây chùy kim cương đa dạng, thể hiện cho mưa, gió, sấm sét và quyền năng hộ thế trừ bạo. Trong Tám vị, có ba vị mặt trắng trông rất hiền từ, nhân hậu và năm vị mặt đỏ cực kỳ dữ dằn, phẫn nộ tượng trưng của việc khuyến thiện và trừng ác trong Phật giáo.
Tám ngài cũng là tám vị đại Bồ tát chuyển hóa, tựu chung là Văn Thù, Phổ Hiền, Quán Thế Âm, Kim Cương Thủ, Hư Không Tạng, Địa Tạng, Di Lặc và Trừ Cái Chướng Bồ tát. Ai lấy đều mình đồng da sắt, mặc áo nhẫn nhục, giáp phục tùy hình để kiên cường chống lại (tham, sân, si, sợ hãi, vọng tưởng) chinh phục mọi khó khăn, khổ ải. Bát bộ Kim Cương luôn kết hợp với Ông Thiện, Ông Ác hay Thái Thiện hữu và Thái tử Ác hữu đứng ở hai bên Phật đường nhằm khuyến thiện, trừ ác, hộ trì chúng sinh tu tập và ngăn tản ma tà, quỷ quái xâm phạm.
Một Hộ pháp nữa, được nhắc tới về mặt phú quý là Quỷ Dạ Xoa – những tinh linh dữ dội trong tự nhiên. Vốn dĩ là các thần cây rừng già hoặc đất và các chiến binh hoang dã, trong đó có kẻ khổng lồ ăn thịt tươi, đi lại chấn động, nhưng sau khi nghe Như Lai Cổ Phật thuyết giảng như Pháp, nhiều vị đã quy y tức (quay đầu bảo hộ chánh pháp) và đấu tranh với những quỷ thần khác bảo vệ Phật pháp.
Nhiều ngôi chùa xưa nay đều nằm trên thân thể Dạ Xoa, như một cách ví von về sự tọa lạc và trấn áp ma quái. Kỳ thực, Dạ Xoa hưng dữ thì cũng hung dữ, song hiền lành thì cũng hiền lành, và hơn cả còn là chủ của vùng đất, kho báu mênh mông, đảm bảo một cuộc sống an vui dài lâu.
Trong đạo Phật, chủng loại này nằm dưới trướng của Tứ Thiên Vương và giữ trọng trách coi sóc các cánh rừng, làng mạc dưới chân núi. Họ cũng là người phò trợ Như Lai Dược Sư, cùng Ngài chế ra các loài thuốc chưa bệnh. Tuy có dung mạo xấu xí, song Dạ Xoa rất giầu có và luôn mang theo rất nhiều vàng bạc, châu ngọc.
Đa Văn Thiên Vương, hay Tài Bảo Vương chính là một Dạ Xoa chúa và luôn đem tới cho trần thế của cải dư thừa, vì thế ngài được thờ phụng muôn nơi như một tài thần. Ở các đền chùa, Dạ Xoa thường hiện lên trong các tranh vẽ, phù điêu hoặc là tượng đứng trức của và không nhất thiết lúc nào cũng phải gớm ghiếc, họ nhiều khi cũng rất xinh đẹp dưới dạng 12 thiên binh dũng mãnh.
Cùng với các Bộ chúng thần tướng ở bên trong, ngoài chùa cũng có nhiều linh thú bảo hộ Phật pháp, mà nổi bật nhất là long (rồng) và tại nhiều nơi là rắn thần. Chúng được xem là người bảo vệ kinh văn, nên ở các tàng thư -kinh đều có hình tướng chúng. Bộ long (rồng) này có đến năm loại: hắc long, bạch long, thanh long, hồng long và hoàng long đều trông giữ Phật pháp từ ngoài cổng đến trong điện, quanh các cây cột, đầu xà, mái chùa.
Trong Phật giáo, các thần long Hộ pháp đều là long vương và thể hiện sự khai trí, truyền đạo. Theo đó là rắn thần cũng canh giữ đền chùa, song còn là một loài vật xa xưa nhất từ trong thần thoại đã du nhập Phật giáo bảo vệ đức Phật cùng giáo lý. Theo kinh Đại Hội, khi được vật cứu vớt trước loài chim lớn Garuda, loài rắn Naga đã nguyện theo Phật và bảo vệ Ngài.
Cũng theo kinh Tiểu Bộ, có một cơn bão rất lớn, mưa như trút, ập xuống nơi Phật đang thiền định, nhưng một xà vương (rắn chúa) bỗng nhiên xuất hiện, nhô mình lên cao, lấy mang che mưa cho Phật. Trong Phật giáo, Naga (rắn) không có chân và cánh như rồng nhưng có rất nhiều đầu và lướt đi vun vút, ở trong thâm sơn cùng cốc, hồ ao, biển cả nên tại đâu cũng có thể hoằng dương Phật pháp.
Vì gần gũi đời thường, rắn thần thường ở ngay trước cổng, trên các bậc dẫn vào Phật đường, cùng nhiều tranh vẽ đức Phật tại các chùa Nam bộ cùng nhiều quốc gia Đông Nam Á.
Thần điểu hay người điểu chỉ là loài (chim) cánh vàng cũng là linh thú Hộ pháp cực kỳ quan trọng. Nhờ to lớn khổng lồ, mỗi khi vỗ cánh che khuất mặt trời, làm mặt đất rung chuyển, thân còn tỏa ra kim quang, gây nên lóa mắt các loài, và rất dữ tợn đã từng giao đấu với nhiều thần linh..
Khi Như Lai Cổ Phật giảng kinh Liên Hoa, thần điểu đã tới nghe, và diện kiến Phật, được Ngài khuyên quy y và trở thành Hộ pháp, bay lượn khắp bầu trời, ăn các bữa cơm chay và đậu trên đỉnh Linh Sơn.
Ở nước ta, thần điểu gọi là chim Đại bàng cánh vàng, song tại nhiều quốc gia trong khu vực châu Á gọi đây là nhân điểu, tức người có đầu chim, cánh chim, trên cổ đeo nhiều xâu rắn thần và chuyên trách canh giữ Linh Sơn và cõi trời khỏi quỷ quái cũng như làm vật cưỡi cho Bất Không Thành Tựu Phật.
Trong chúng Hộ pháp không thể không nhắc tới Sư tử, bởi nhờ phát huy uy lực xua đuổi tà ma, quỷ dữ, sư tử là mãnh thú dữ tợn-chúa tể của muôn loài và có tiếng gầm vang xa khiến quỷ thần kinh sợ.
Tiếng gầm của sư tử được xem là biểu tượng của Phật pháp lan truyền tam giới và của sức mạnh hàng yêu trấn ma, cũng như việc tạo nên sự bình yên, tĩnh lặng trên trần thế. Theo Kinh Phật, khi đức Thế Tôn giảng đạo, bốn chú sư tử ở bốn phía Ngài gầm vang, truyền lời dạy của Như Lai vang xa.
Vừa bảo vệ Phật pháp, sau khi hàng phục sư tử cũng là vật cưỡi của nhiều vị Phật, Bồ tát. Trước cổng chùa, do vậy cũng thấy tượng sư tử ở các nơi thờ phượng Phât giáo.
Để khẳng định vai trò của Hộ pháp chư Thiên khi phát nguyện Bảo hộ và xiển dương Phật pháp của đạo Phật, chúng ta cùng suy ngẫm bài kệ dưới đây của Thiên tử Mànara Gàmiya.
“Thiên Chủ Đế Thích (Sakka) ở Tam Thập Tam thiên hoan hỷ khi thấy các pháp chân thật của Thế Tôn, liền nói với các chư thiên (quyến thuộc) của mình về Chánh đẳng- Chánh giác của Như Lai -nghe xong Thiên tử Mànava Gàmiya liền tán thán đức Thế Tôn cảm hứng đọc bài kệ dưới đây:
“Trong tất cả ngọn núi
Ở tại thành Vương Xá
Ngọn núi Vi Pu La
Được xem là tối thắng…
Trong tất cả tinh tú
Mặt trăng là tối thắng
Giữa Thiên giới, Địa giới
Phật là bậc tối thắng.”
Lực lượng đa thần trong tín ngưỡng dân gian
Nếu các Bộ chúng Hộ pháp trong Phật giáo được đề cập ở phần trên cho chúng ta thấy các này đều do sự giác ngộ của chánh pháp tác động mà họ tự nguyện quy y và tự nguyện xin hộ trì Phật pháp.
Về điều này, qua các kinh điển Đại thừa và những câu chuyện văn học của Phật giáo đã diễn tả là rất phong phú. Vậy đặc trưng hay có thể gọi đây là nét đặc thù độc đáo của hàng Hộ pháp chư thiên đối với việc bảo vệ chánh pháp của đạo Phật.
Qua tìm hiểu các tôn giáo và tín ngưỡng đa thần nói chung đã chỉ ra cho chúng ta thấy mỗi tôn giáo đều có những lực lượng tương quan, hỗ trợ riêng của mình. Nhưng hầu như các tôn giáo và tín ngưỡng dân gian đa thần quyền đều mang tính trói buộc có điều kiện, bởi lợi ích bản ngã.
Đó là xuất phát từ tinh thần kiến chấp (sợ hãi) dẫn đến lạy lục cầu xin vị kỷ, thiếu sự khai phóng về mặt tâm linh. Ngược lại với lực lượng Hộ pháp trong Phật giáo ta thấy xuất phát điểm của Bộ chúng là sự cảm hóa từ chân như Pháp dẫn đến sự tự nguyện bảo hộ Phật pháp (bất vụ lợi). Đây là nét đặc trưng khác biệt của hàng Hộ pháp chư thiên trong đạo Phật.
Cũng từ tìm hiểu kinh điển Phật giáo và tín ngưỡng nói chung cho chúng ta thấy: lực lượng đa thần trong tín ngưỡng dân gian bao gồm: cô hồn các đảng và các thần linh theo tín ngưỡng từ xưa đến nay là khá đông đảo.
Lực lượng này hóa thân rất đa dạng, song nét chung nhất mà chúng ta cảm nhận được đố là bản chất của các loài đều chứa chất trược khí, dữ dằn, sân hận, ganh ghét và si mê ích kỷ mang đầy tính bản năng khó thay đổi.
Theo kinh điển Phật giáo gọi đây là loài tà ma ngoại đạo; ấy là Ma vương, Quỷ thần, Cô hồn các đảng ôm lòng thù hận, hắc ám từ nhiều đời nhiều kiếp, nên ở đâu có lễ bái, cúng kiến là chúng đến.
Lực lượng này tồn tại phát triển thông qua các Thầy bà dân gian dựa trên các tập quán, thói quen cổ hủ thiếu giác ngộ chánh pháp mà họ tưởng tượng bày đặt ra lễ bái, cầu xin, lạy lục lâu ngày đã trở thành mê mỵ, tồn tại mặc nhiên trong đời sống xã hội mà ta quen gọi là (mê tín dị đoan).
Về điều này, dưới góc nhìn của đạo Phật, nếu người tin ở chánh pháp thì không có gì phải bàn; nhưng với người không có chính kiến, chính tư duy chỉ đơn thuần tin theo tín ngưỡng dân gian thì hiện tượng “lên đồng lên bóng, xin xăm bói quẻ, phạm mả phạm mồ, cất nhà chọn hướng”; rồi việc lễ bái cầu xin oan hồn đừng nhập vào người cõi dương cũng như nhiều hiện tượng cúng thí thực, cúng vong, bạt độ mà ngay cả các chùa bày đặt ra nếu không tuân thủ theo chánh pháp cũng làm tổn thương đến tinh hoa của đạo Phật.
Bởi thực tế theo kinh điển cho thấy, trên thế giới này là (ngũ thú tạp cư) lực lượng đa thần trong tín ngưỡng dân gian tồn tại là lẽ thật. Chỉ tính riêng loài cô hồn, theo văn tế Thập loại chúng sinh của Nguyễn Du đã có tới 10 loại rồi.
Mới đây, trong bài viết “Tìm hiểu mười hai loại cô hồn” của Thích nữ Trí Hải, theo kinh điển tác giả đã nêu thêm 2 loại cô hồn mà trước kia Nguyễn Du vì lý do nào đó mà né tránh không nói tới đó là cô hồn “lụy triều đế chúa”, nghĩa là những ông vua do cướp ngôi đoạt vị hoặc vì mưu sâu kế hiểm dẫn đến cái chết đọa lạc; hai là cô hồn “bá tướng võ quan” vì tử trận (chết) mà linh hồn họ mang đầy uất hận không thể siêu thoát nên đã trở thành cô hồn các đảng.
Nhân đây bỗng người viết nghĩ tới câu chuyện “Đại bàng kim sí điểu, khoáng dã quỷ thần chúng” mà các chùa cúng thí thực mỗi ngày được đề cập trong kinh điển đó là “Quỷ Tử Mẫu” (S: Hriti, Há Lợi Đế) Hán dịch là “Ái tử mẫu” tức quỷ mẹ của 500 quỷ con, là vợ của ác thần.
Do sân hận phát lời thề độc ăn thịt trẻ sơ sinh trong thành Vương Xá, nên bị đọa thành Dạ Xoa, chuyên đi tìm giết hại trẻ con. Đức Phật muốn cảm hóa ác quỷ này, Ngài dùng thần thông giấu mất đứa con mà Há Lợi Đế yêu nhất.
Quỷ mẹ thương nhớ con than khóc thảm thiết, đến cầu Phật giúp. Đức Phật dạy: “Bà có đến 500 con nay chỉ mất một đứa mà sao đau buồn, khổ não đến thế? Vậy những người mẹ ở thành Vương Xá mất con họ phải chịu đựng đau đớn, thương tiếc đến trừng nào? Quỷ Tử Mẫu nghe xong tỉnh ngộ, sám hối quyết dứt bỏ việc ác và xin phát nguyện bảo hộ phụ nữ sinh sản, hài nhi an lành”.
Không những kinh sách thuộc Phật giáo Bắc truyền nói và phân tích về Ma Vương, Ngạ quỷ mà kinh sách hệ Nguyên thủy cũng đề cập khá sâu về thế giới này như một thực tại của đời sống (cho dù những người có trách nhiệm trong việc in Đại Tạng kinh VN) có xu hướng gạt bỏ ra những câu chuyện mang tính “Ngạ Quỷ sự” thì chúng ta vẫn có thể đọc được với văn hệ Pali, Anh ngữ, Hán ngữ… và còn có thể tham khảo “Ngạ Quỷ sự” tại link. Bởi ở trong đó có rất nhiều chuyện Ngạ quỷ theo báo oán.
Đó là sự thật xưa nay về kinh sách Phật giáo, dù ai có chối cãi hay muốn lờ đi theo ý chủ quan cho rằng đây là chuyện (mê tín) cũng không được. Chúng ta không dùng bóng Ma Quỷ để hù dọa cuộc sống con người, nhưng cũng không thể đồng hóa Phật giáo như một bộ môn Đạo Đức học, chỉ là tập hợp những lời dạy “suông” về đạo đức, thánh thiền và khuyên mọi người không nên tin vào lực lượng Ma quỷ, Thần thánh, siêu nhiên và hễ tin là liệt vào mê tín dị đoan.
Thực tế, không phải gom hẹp Phật giáo theo kiểu (chánh tà) chủ quan khi mà không được kiểm chứng của chánh kiến, chánh tư duy, bởi đâu đó vẫn có những sự tồn tại của thế giới chúng sinh, của chủng loại, của siêu nhiên, khác với con người khi mà các giác quan thông thường của chúng ta không thể tiếp cận được.
Vậy, không thấy, không nghe, không thể tiếp cận được không có nghĩa là không có. Chính các tôn giáo giúp con người vươn tới từ cái hữu hạn đến cái vô hạn (tôn giáo đề cập đây là tôn giáo có hệ thống giáo lý minh triết khoa học)
Theo Phật giáo, một hiện tượng xảy ra, có nhiều loại nguyên nhân khác nhau, có khi đó là kết quả từ những nguyên nhân của quá khứ, có khi nó là kết quả của nguyên nhân hiện tại, có khi đó là kết quả của luật tự nhiên, vật lý, sinh học…Phật giáo bao gồm tất cả, trong đó có khoa học, chứ không phải là “tâm linh suông”.
Nếu tâm linh suông mà không hiểu thâm hậu chánh pháp của Phật giáo thì không giải thích được tín ngưỡng thần quyền nói chung, chứ chưa nói đến tín ngưỡng dân gian đa thần như (phù thủy- âm binh, gọi đồng) rất cần đến sự giải thích về duy thức học.
Trở lại vấn đề nêu trên, dẫu là tín ngưỡng nào muốn tồn tại cũng phải dựa vào Chánh Pháp. Và chỉ nương tựa vào chánh pháp của ngôi nhà Như Lai mới có cơ duyên giác ngộ; Ngôi nhà ‘như lai’ ở đây được hiểu theo hai nghĩa đó là (ngôi nhà nhỏ thiên quốc Phật tính của mình) và ngôi (tự viện) tức ngôi chùa mà hàng ngày chúng ta nương theo hình ảnh Phật, Bồ tát để thúc liễm thân tâm.
Muốn ngôi chùa này của chúng ta thanh tịnh để cảm ứng được năng lượng tâm linh đích thực thì lòng người ở đó (người trụ trì) cũng phải thanh tịnh không cấu nhiễm, thì ở đó mới có năng lực của “bạch thần thông” tức năng lực đích thực của Hộ pháp chư thiên giúp chúng ta hướng thượng khai phóng giác ngộ- giải thoát; và ngược lại với điều nói trên là chuốc lấy (phiền não, mê trược tai hại) của nạn oan gia trái chủ theo tín ngưỡng dân gian thần quyền.
Bởi theo nguyên lý “đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu”. Đúng như lời Phật dạy “Tam giới duy tâm vạn pháp duy thức”. Tất cả vấn đề thanh tịnh hay cấu uế đều do cái tâm này tạo tác.
Chánh pháp đạo Phật phải giúp con người hiểu được nghiệp của chính họ. Đánh thức được cái tâm “chủ nhân ông” của họ để lần lần giúp họ thoát khỏi bóng ma thần quyền đeo bám từ lũy kiếp đến nay. Đó mới là tác dụng giáo dục của Phật giáo. Như thế có nghĩa là khi ánh sáng của chánh pháp phát lồ sẽ có năng lực đẩy lùi bóng ma thần quyền.
Ở đây xin được nhắc lại, bản chất của đạo Phật hay nói khác đi là nguyên lý muôn thủa của Phật giáo là sự thanh tịnh. Bởi có thanh tịnh thì các Bộ chúng Hộ Pháp chư thiên mới hộ niệm. Bởi các vị ở hàng bậc đó luôn luôn hằng nguyện bảo vệ chánh pháp và được xem như là bất vụ lợi.
Ngược lại lực lượng đa thần trong tín ngưỡng dân gian thì (tốt lễ dễ cầu); đây là một thực tế diễn ra trong đời sống không thể lấy duy lý hoặc duy tâm thuần túy mà giải thích được, mặc dù chúng ta đang sống ở thời kỳ văn minh hiện đại.
Theo dấu chân Phật, để giữ được ngôi nhà thanh tịnh của Như Lai, chúng ta cần phải tư duy có chiều sâu về những ‘pháp nạn’ vừa qua của Phật giáo nhằm dẹp bỏ (tam độc) mà ta vẫn hằng nói nơi cửa miệng để nhận ra chánh pháp và thấu triệt chánh pháp. Đó là chúng ta cùng hợp sức giữ trong sạch ngôi nhà đạo pháp. Đây là bản nguyện của đức Thế Tôn và hàng Hộ pháp chư thiên vì thương tưởng chúng sinh và muôn loài đã phát nguyện.
Cúng oan gia trái chủ và cúng thí thực là việc làm từ bi theo giáo lý đạo Phật. Nghi thức cúng này ngỡ như đơn giản nhưng không phải ai cũng thực thi được. Bởi cúng thí loại này phải kèm theo thần chú biền thủy, biến thực để chúng sinh ở đẳng cấp này thụ hưởng được vật thí; theo cùng với cúng lễ vật thực, điều tối quan trọng là người chủ lễ phải thuyết linh tức giảng chánh pháp của Phật giáo để giác ngộ và hồi hướng cho chúng, nhằm giúp họ hồi tâm thay đổi ác nghiệp.
Còn cúng theo kiểu tín ngưỡng dân gian thầy bà bầy đặt ra với cái gọi là “thí thực” chỉ tổ để bọn chúng kéo đến ngày càng đông gây thêm nghiệp xấu, bởi cúng mà (không thanh tịnh) theo chánh pháp chỉ gây phiền não chướng không dứt.
Nhân đây cũng xin đưa ra ý kiến của các tổ thầy dạy về điều này: “Cúng cô hồn các đảng người chủ lễ phải giữ giới thanh tịnh-có thanh tịnh mới thâm nhập được chánh pháp của Như Lai; từ chánh pháp thâm hậu này mà các hàng thiên long bát bộ mới gia trì, tức giải nghiệp được cho các chúng đẳng siêu thăng cảnh giới an lành. Nếu cúng theo kiểu “cơm chấm cơm” thì lấy đâu ra năng lực để biến thủy, biến thực mà thăng hóa cho muôn loài”.
Suy cho cùng, trừ các bậc Thánh với nguyện lực vào đời, hoặc người (chủ lễ) thật sự có lòng tin, đức tin vào chánh pháp mới có duyên lành chuyển hắc khí, tức khí trược thành khí thanh tịnh, nếu không thì chỉ như đấm bị bông, đâu lại hoàn đấy.
Người viết bài này xin thú thực tiết lộ: “Nhiều chùa “phớt lờ” chánh pháp nên không huy động được lưc lượng của hàng Thiện Pháp gia hộ để xua đuổi tà ma quỷ mị. Do vậy, không ít chùa- thất sau khi hành lễ: vái van, cầu xin lạy lục được đâu chẳng thấy, lại chuốc thêm trược khí tà ma ngoại đạo; người đi lễ chùa về đâu được thảnh thơi trái lại mang theo bao sự phiền não chướng.
Như chúng ta thấy, khi còn tại thế, đức Phật dạy: Độ sinh quý hơn độ tử hay nói khác đi, độ sinh trước khi độ tử. Sao vậy? Vì khi người ta còn tại thế, nhiều kẻ đâu có theo Phật giáo mà hiểu chánh pháp, huống hồ đến khi đọa lạc rồi (u mê ở cung ma) khi đó mới bày ra lễ “giải oan gia trái chủ” thì làm sao có thể đặng đây.
Thế nên, từ thế kỷ thứ 13 (cách ta trên 700 năm) Phật hoàng Trần Nhân Tông sau khi nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông, Ngài dạy (Anh Tông) giữ nước bằng tín ngưỡng của chánh pháp đạo Phật. Khi Ngài xuất gia thì chẳng ngại đi khắp thôn làng giảng giải Phật pháp -hướng con dân Đại Việt giữ 5 giới-tu Thập thiện và hóa giải các danh từ tức (đền, miếu, thờ không chính danh, chính pháp) làm mê hoặc lòng người.
Nhân đây xin dẫn một cứ liệu lịch sử về việc đốt vàng mã không phải của Phật giáo mà là do tiếp biến văn hóa tín ngưỡng từ phương Bắc để khẳng định việc “Đốt vàng mã có nguồn gốc từ Trung Quốc” chúng ta cùng suy ngẫm:
“Lúc đầu, việc sử dụng vàng mã chỉ áp dụng trong cung đình, chưa được phổ biến rộng rãi trong đại chúng. Đến triều vua Đạt Tôn nhà đường (762) Phật giáo đang trong thời kỳ đạt thịnh. Lúc ấy có vị sư tên là Đạo Tăng nhân ngày rằm tháng Bẩy (lễ hội Vu lan) muốn lôi kéo đại chúng về với Phật giáo bèn lợi dụng tục đốt vàng mã, tâu với vua Đạt Tôn rằng: “Rằm tháng Bẩy là ngày xá tội vong nhân, vua Diêm Vương mở cửa xét tội phúc nên thông sức cho thiên hạ đến ngày ấy đốt cho thật nhiều vàng mã để kính biếu vong nhân”. Vua muốn được lòng dân nên thuận ý nghe theo.
Việc làm này đã trái ngược với triết thuyết của nhà Phật. Ý nghĩa ngày Rằm tháng Bảy lễ Vu lan đơn thuần chỉ là việc báo hiếu công ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ cha qua chuyện ngài Mục Kiền Liên cứu mẹ. Nhưng lúc bấy giờ lòng dân mang đầy tính mê tín dị đoan, lại thêm có thông sức của vua Đạt Tôn truyền dụ nên đồng loạt thi nhau đốt vàng mã để kính biếu gia tiên, ngay cả hàng Phật tử cũng không ngoại lệ.
Dân tộc ta đã trải qua hàng nghìn năm Bắc thuộc nên chịu ảnh hưởng rất nhiều những phong tục tập quán của người Trung Hoa. Bởi vậy, tục đốt vàng mã cũng từ đó mà có, đã ăn sâu trong tiềm thức mọi tầng lớp nhân dân từ đời này sang đời khác chỉ với tâm thức mơ hồ không thực tế về thế giới tâm linh. Đây là một thực tế hiển nhiên trong lịch sử trung Hoa mà chúng ta ghi nhận được.
Thay lời kết
Theo các tổ thầy, năng lượng của Hộ pháp trong Phật giáo được coi là “Bạch thần thông” tức là năng lực của chánh pháp (minh bạch) mang lại lợi ích tích cực cho việc giác ngộ-giải thoát. Năng lực này bắt nguồn từ mục đích thiện lành của hàng Hộ pháp chư thiên có tính chất hộ trì (bất vụ lợi) giúp người tu hành dứt trừ phiền não khổ đau hướng đến bến bờ giải thoát.
Ngược lại, năng lực của lực lượng đa thần quyền của tín ngưỡng dân gian là “Hắc thần thông”. Năng lực này giới hạn của bản ngã, vị kỷ có điều kiện nên (thuộc tính ma mị, mờ ám) khác với năng lực Bạch thần thông.
Vai trò của thần thông là vô khả uý, nhưng ngay từ thời Phật tại thế Ngài cũng không xiển dương việc sử dụng thần thông với mục đích lừa phỉnh vụ lợi. Bởi thần thông nếu không phục vụ cho việc giác ngộ- giải thoát thì đức Phật xem như là một trò hề tiêu khiển-gây nên hiểu lầm, tổn thương chánh pháp.
Nói như thế không có nghĩa là Phật giáo phủ định thần thông vi diệu nhiệm mầu của Thần chú, Mật chú. Trong tiến trình tu Phật giác ngộ-giải thoát và cứu độ chúng sinh, thực tế chúng ta thấy những câu thần chú linh diệu khiến bao người kinh ngạc bởi “trời nghiêng đất lở”.
Những câu thần chú ấy đươc lấy ra từ ba quyển kinh tối hậu của Phật giáo đó là: Kinh Đại Bi, kinh Thủ Lăng Nghiêm và kinh Dược Sư. Trong các chú của Phật, Bồ tát (là chủ yếu), chúng ta còn thấy những câu chú cũng không kém phần linh diệu của hàng Hộ pháp chư thiên và một số bộ chúng sau khi nghe đức Cổ Phật và đức Thích Ca Văn thuyết pháp họ liền xin quy y và nguyện cúng dường Phật những câu chú của mình, để tỏ lòng ủng hộ chánh pháp, nhằm giúp con người trên bước đường tu hành khi gặp gian nan chướng nạn thì sử dụng thần chú của họ để xua đuổi tà ma ngoại quấy phá.
Với tinh hoa và minh triết, đạo Phật luôn nhắc nhở chúng ta cần phải trau giồi trí tuệ và luôn đồng hành cùng con người ở mọi thời đại trên bước đường phát huy chánh pháp để xua đổi bóng ma thần quyền từ lũy kiếp đeo bám trong vòng luân hồi sinh tử.
Mặc dù chúng ta ở thời xa pháp (mạt pháp), nhưng chánh pháp của Như Lai vẫn luôn tỏa sáng giúp chúng ta trên bước đường giác ngộ-giải thoát. Đó là một thực tế, nếu chúng ta luôn tin ở điều này.
Cư sĩ: Nguyễn Đức Sinh
Tài liệu tham khảo:
-Bài: Những lời dạy cuối cùng của Phật - Khôi Trân (ĐPNN-28/72013)
-Bài: Bàn về hồn ma báo oán và pháp thỉnh oan gia trái chủ- Thích Đồng Trí (VHPG-3/4/2019)
-Bài: Oai phong lẫm liệt Hộ pháp trong Phật giáo - Chu Mạnh Cường (TCKV-tháng 1/2020)
-Tục đốt vàng mã-nếu duy trì sẽ kéo theo nhiều hệ lụy - nguồn: (Sở TT-DL tỉnh Hà Nam-cinet.vn 7/3/2018) và một số kinh liên quan.