;
Một mùa xuân thật sự của chúng ta
Bắt đầu và kết thúc từ một mùa xuân
Trong chốn thiền môn thanh tịnh, Mãn Giác Thiền Sư (1052 – 1096) phải mượn mùa xuân, hoa mai của quan niệm thế gian để răn dạy chúng đệ tử trong những giây phút cuối đời qua bài kệ “Cáo Tật Thị Chúng”. Ngoài bốn bức tường rào của tự viện, là cả một trận đồ bao la với vô vàn cảnh sống ồn ào náo nhiệt và đầy hiểm nguy của thế sự. Đó là một bức tranh toàn cảnh cho muôn đời sau nhìn thấy được Mãn Giác Thiền Sư đã đi trước tinh thần của khái niệm người quân tử “đạp tuyết tìm mai”.
Chư Tổ sư xưa từng có nhiều phương cách để khuyến hóa hàng đệ tử của mình. Với ngụ ý cao xa ấy, trong các thời kỳ xa xưa ấy, giới cư sĩ Phật tử tìm đến tu học trực tiếp như bây giờ rất ít khi thấy có. Nếu có, có lẽ bây giờ không ít bài học giá trị thực tiễn cho hàng cư sĩ Phật tử chúng ta noi theo. Ngày nay, giới cư sĩ Phật tử tu học chủ yếu dựa vào khả năng và trình độ tri thức của mình qua kinh sách, hoặc qua sự hướng dẫn của các vị xuất gia, đặc biệt nơi các giảng sư.
Trước đây, vào những năm cuối thập niên 80 thế kỷ trước, trong các bài giảng pháp của đại lão Hòa thượng Thích Thanh Từ, khi nói về chữ Nhẫn trong đạo Phật, Hòa thượng thường nói đến những nghịch duyên chung quanh bằng cách nói vui rằng phải có những nghịch duyên ấy mình mới có cơ hội thực hành chữ Nhẫn được, chứ nếu êm ru bằng phẳng hoài thì mình Nhẫn với ai !
Với người viết, đó là một trong những hành trang vào đời, và là những ký ức khó quên cho những ai đã và đang bước vào con đường học đạo. Càng thêm tuổi đời thì càng nhiều ma sát với cuộc sống trần ai đầy trắc trở, có đôi khi vì không sẵn sàng tư thế cần thiết trong ứng dụng tư duy Phật học từng thọ lãnh, có nhiều người đã dễ dàng gục ngã đến thê lương.
Ở đây, chúng ta thường hay nhìn giới xuất gia là những vị biết tu, biết Nhẫn, và đặt các vị ở chốn bất khả xâm phạm, và người cư sĩ Phật tử thì nhất nhất có nhiệm vụ phải lắng nghe và làm theo những gì quý thầy, quý sư cô hướng dẫn. Cách nhìn đó không có gì sai, hằng bao nhiêu lâu này vẫn thường diễn ra như vậy. Các vị xuất gia đã dành cả cuộc đời dấn thân tu học, đặt một chân bên bến bờ giải thoát nghiệp lực bàn thân, bên cạnh đó truyền dạy lại cho chúng ta những gì có thể ,vừa vặn theo từng sở nghiệp, bối cảnh xã hội để hướng thiện tu trì.
Trong một đạo tràng, một ngôi chùa, người cư sĩ Phật tử là một trong bốn hàng đại chúng cùng tu tập song hành trên bình diện nổi của rường cột đạo pháp. Vì thế, chúng ta hãy thử một lần nhìn lại hàng tứ chúng ấy bằng lối cửa sau của thiền môn, để nhận ra một điều rằng người cư sĩ Phật tử đang tu tập trực tiếp ngay trong dòng đời nghiệt ngả, ma sát và chung sống với hằng hà sa số chướng nghiệp của xã hội. Người cư sĩ Phật tử luôn tiếp giáp thường trực và nói theo ngôn ngữ xã hội hiện nay là luôn sống chung với những điều chướng tai gai mắt ấy. Phải chăng đó cũng là những vị hành pháp, tu và hành thực tế nhất hoặc những là những vị “giảng sư” trực diện với cuộc đời?
Trong các hoàn cảnh đặc thù, trước những chủ trương “đổi mới”, thí dụ khi soạn các quy định, chỉnh sửa một vài thời kinh cho riêng đạo tràng, chùa hay tổ chức của mình, hoặc lưu ý bảo cái này sai, việc kia đúng, trước hết nơi đó phải nghĩ và thương chính những người Phật tử của bổn tự mình.
Bởi vì họ sẽ là người phải hứng chịu những ma sát đầu tiên giữa cuộc đời. Nói một cách khác là họ sẽ là người đầu tiên mang những điều đó ra thực nghiệm giữa đời. Nếu người cư sĩ Phật tử nào đấy chưa có đầy đủ bản lĩnh và trình độ Phật học nhất định, vững vàng thì vấp ngả, trầy xước, gây hoang mang, nghi hoặc là điều khó tránh khỏi.
Căn bản chánh pháp không nằm trong giới học, trong trình độ, bằng cấp thế gian. Ngay cả trong cổng chùa, trong đạo tràng hay trong một tổ chức .
Căn nhà người viết đang ở, hai bên tả hữu là hai căn nhà của hai người khác tín ngưỡng. Hàng ngày chúng tôi thắp nhang, cũng phải dè chừng sự khó chịu của họ. Lễ Phật đản treo cở cũng phải trông coi thường xuyên vì sẽ bị tháo dỡ hay xé rách bất cứ lúc nào. Bông hoa trồng rào dậu cũng hay bị ngắt phá thường xuyên. Xem những cái khó chịu đó như là những phép thử tâm nhẫn thường trực như lời đại lão Hòa thượng Thích Thanh Từ từng dạy như đã nhắc ở trên.
Hàng ngày, năm này qua tháng nọ chúng tôi phải tập hạnh kham nhẫn ấy và tìm cách sống chung với họ. Cho nên hơn ai hết, là những người cảm nhận khá nhanh nhẹn sự vui mừng hay thất vọng của họ khi nghe một vài vị giảng sư của mình kích bác chuyện đúng sai trong chính ngôi nhà Phật giáo hai ngàn năm của mình; kích bác nhiều tục lệ và có vấn đề về việc nên hay từ bỏ nghi thức thắp hương.v.v…
Chẳng là từ bao lâu nay những người hàng xóm tôi không có thắp hương và chỉ vịn vào lý do duy nhất là khói hương độc để biện hộ, nay có thêm những lời từ chính các vị giảng sư góp vào như chắp thêm đôi cánh bay ngày càng xa cội nguồn dân tộc mà chẵng cần tốn công sức truyền giáo hay mất lệ phí thù lao.
Có thể họ vui mừng và cảm ơn sự “giúp sức” này của các vị giảng sư, còn chúng tôi, những người Phật tử tội nghiệp thì bẽ bàng cay đắng, nếu không muốn nói là ê mặt chán chường! (Từ thời còn bé, anh em chúng tôi thường nghe giai thoại đấu khẩu nhau chuyện “Chín phương trời, Mười phương Phật” về chuyện nơi nào thắp nhang và nơi nào không thắp. Nếu khuyên không thắp ngang bàn thờ Phật thì từ nay giai thoại thú vị này cũng sẽ không còn tác dụng, không còn tự hào về một tôn giáo mà chỉ việc thắp hương thôi có đầy đủ nghi thức, Niêm hương - Nguyện hương, Tán hương - Dâng hương…?)
Ngày xưa, Mãn Giác Thiền Sư ngay trên giường bệnh mà đọc bài thơ “Cáo Tật Thị Chúng” để chỉ dạy chúng tăng. Ngài đem hình ảnh hoa mai làm tiêu biểu cho vạn vật sinh diệt và mượn mùa xuân để nói sự tham đắm của con người luôn say mê ngất ngưỡng, cho rằng đúng – sai theo chủ quan của con người, rồi lấy đó làm buồn giận thương ghét trần ai.
Đã có ai nói Ngài nói không đúng chánh pháp, nghịch lý và vô lý đâu (Dù đã có kiến cho rằng hoa mai ấy của Mãn Giác Thiền sư không phải loài hoàng mai như ta thường nghĩ mà là một loài mai có trái, có hạt phù hợp với thổ nhưỡng, khí trời giá lạnh!) !
Thế đấy, từ ý nghĩa của bài kệ bất hủ này mà lại trở thành tiêu điểm chúc xuân hằng năm của thế nhân, thế mới lạ làm sao! Có lẽ cũng nhờ vậy mà chúng ta càng thấm thía hơn việc Chư tổ sư xưa từng khắc chữ TỬ trên trán đề làm tiêu đề sống và tu đạo. Nếu ai cũng thấu hiểu lẽ thường rằng người tu đạo phải xem sinh tử là việc lớn để mình sống tốt hơn thì không còn lo sợ bến bờ tử sinh. Ai cũng biết tháng 11 (năm 1096), khí trời cũng chỉ vừa mới lập đông, chưa phải là mùa xuân, vậy mà Mãn Giác Thiền Sư lại lấy mùa xuân – hoa mai để nói, thậm chí ngay trong lúc bệnh duyên sắp đến hồi thị tịch.
Như vậy há chẳng phải trong nghịch cảnh mà nói chuyện thuận duyên, mượn mùa xuân trần thế để hóa dụ chúng đệ tử và cho cả muôn đời sau phải thấy mùa xuân, hoa mai ngay trong lúc giá rét lạnh đông ! Tương đồng tinh thần ấy, thiền sư Hoàng Bá Hy Vân (? - 850 ) cũng từng nói “Chẳng phải một phen xương lạnh buốt/Hoa mai đâu dễ ngát mùi hương “ (Bất thị nhất phiên hàn triệu cốt/ Tranh đắc hoa mai phốc tỷ hương). Người đời sau vì cảm khái ý nghĩa này mà nói theo cảm nhận, nghỉ cũng chẳng sai ý là bao “Nếu chẳng một phen nhuộm sương tuyết/ Hoa mai đâu dễ ngát mùi hương “.
Người cư sĩ Phật tử của mình đang sống ra sao, họ đang gặp những chướng duyên nào, có cần tiếp sức hay trợ lực nào từ phía Chư tăng ni và các giảng sư? Hãy dành chút thời gian nhìn nghĩ về họ - những người cư sĩ Phật tử đáng được lưu tâm, hiện đang chen chúc giữa chợ đời, sống chung với bão dữ, đang cố gắng pha chút màu thanh tịnh, một chút an nhiên và miệng vẫn lâm râm tụng và niệm Phật chuyên cần.
Dường như quan niệm người xuất gia luôn đúng trong nhiều khía cạnh, nên người cư sĩ Phật tử phải hết lòng, tuân phục và lắng nghe một cách vô thức, đã trở nên tập tính? Điều này đã dẫn đến một thực trạng phân lập rất dễ nhìn thấy nhưng vì nhiều lý do ít ai muốn nói lên sự thật. Đó là Chùa tôi – Thầy tôi – Đạo tràng tôi..v.v…
Mãn Giác Thiền sư nói mùa xuân – hoa mai ở ngưỡng đầu mùa đông , đem nó đến gần thực tại, bước qua nghịch lý, để chúng đệ tử thấy ra rằng ở đâu, lúc nào cũng là sự sống, sự phấn đấu thường trực trong cõi nhân gian. Người cư sĩ Phật tử dù có sống giữa nguời khác tín ngưỡng, khác quan điểm, thậm chí với sự cực đoan, và thường xuyên đối mặt với nhiều trở ngại, trắc trở, thì vẫn an nhiên tu học và kiên trì thực hạnh Nhẫn của mình một cách kiên cố.
Phải chăng đó cũng chính là tinh thần mùa xuân – hoa mai của Mãn Giác Thiền Sư còn lưu vọng thường hằng, bất diệt trong lòng người cư sĩ Phật tử tại gia, một hàng trong tứ chúng tuyệt vời của mái chùa đúng nghĩa ? Và phải chăng đó cũng chính là nhận định xác đáng của cụ Tố Như (1765 – 1862) xưa:Mai cốt cách, tuyết tinh thần” ?.