;
Chân dung Hòa thượng Thích Mật Thể và tác phẩm Thế Giới Quan Phật Giáo
------------------------
Tiểu sử tác giả
Ngài Mật Thể, pháp danh Tâm Nhất, pháp tự Mật Thể, tên thật là Nguyễn Hữu Kê, sinh năm 1912 ở làng Nguyệt Biều, quận Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên. Chánh quán huyện Tống Sơn, Gia Miêu ngoại trang, tỉnh Thanh Hóa, thuộc dòng Thích Lý của Cụ Nguyễn Hữu Độ. Gia đình Ngài qui hướng đạo Phật, cụ thân sinh và người anh ruột đều xuất gia.
Thuở nhỏ, Ngài được gia đình cho học chữ Nho, Quốc ngữ, và chữ Pháp đỗ bằng Tiểu học (Primaire). Năm 12 Tuổi (1924), cụ thân sinh đem Ngài về chùa Diệu Hỷ (Huế) cho xuất gia làm Tiểu (Điệu). Với bẩm chất thông minh và cần mẫn tu học, Ngài tiếp thu nhanh chóng kinh luật căn bản dành cho chú Tiểu.
Năm lên 16 tuổi (1928), Ngài được nhập chúng tu học ở chùa Từ Quang với Hòa thượng Giác Bổn. Nhận thấy khả năng học tập xuất sắc của Ngài, nên Hòa Thượng Giác Bổn cho Ngài vào tu học ở chùa Trúc Lâm với Hòa thượng Giác Tiên. Khi vào học ở tòng lâm này, như cá gặp nước, như rồng gặp mây, lại được gần thầy bên bạn học hỏi chuyên cần, nên Ngài vượt xa bạn cùng lớp.
Năm Canh Ngọ 1930, khi Ngài 18 tuổi, được Hòa thượng Giác Tiên, trú trì chùa Trúc Lâm - Huế chính thức thế độ nhận làm đệ tử và cho thọ Sa Di giới, ban pháp danh Tâm Nhất, pháp tự Mật Thể.
Năm 1932, Hòa thượng Giác Tiên thỉnh Đại lão Hòa thượng Phước Huệ - chùa Thập Tháp Di Đà, tỉnh Bình Định ra chủ giảng Phật Học Đường ở chùa Trúc Lâm và Tây Thiên. Ngài được đặc cách theo học lớp Cao Đẳng Phật Học này.
Năm 1933, Ngài được mời làm giảng sư Hội An Nam Phật Học và giảng dạy tại trường Tiểu học Phật giáo của sơn môn Thừa Thiên.
Năm 1935, Hòa thượng Bổn Sư viên tịch, đến năm 1937 Hòa thượng Phước Huệ vì tuổi cao sức yếu trở về Bình Định an tĩnh. Đây là bước ngoặc mới trong đời Ngài. Với hoài bão lớn lao, Ngài quyết chọn con đường du học để bồi dưỡng thêm kiến thức.
Ngài xin phép các sư huynh Mật Khế, Mật Nguyện, Mật Hiển sang Phật Học Viện Tiêu Sơn ở Trung Quốc để nghiên cứu học hỏi thêm dưới sự chủ trì của Hòa Thượng Tinh Nghiêm.
Năm 1938, chiến tranh Hoa - Nhật xảy ra không cho phép Ngài cư trú lâu ở đất Trung Hoa. Ngài trở về Việt Nam tiếp tục làm giảng sư cho hội An Nam Phật Học và bắt đầu sự nghiệp trước tác, phiên dịch các tác phẩm Ngài mang từ Trung Hoa về. Ngài còn viết các bài nghiên cứu về đạo Phật đăng trong các tạp chí Phật giáo xuất bản trong nước thời bấy giờ.
Năm 1941, Ngài được mời vào giảng dạy tại Phật Học Đường Lưỡng Xuyên- Trà Vinh. Sau đó Ngài trở ra Huế và đi thu thập tài liệu nơi các Tổ đình ở Bình Định, Phú Yên, Thừa Thiên, Hà Nội..v.v. để viết về Sử Phật giáo.
Năm 1943, tác phẩm Việt Nam Phật Giáo Sử Lược của Ngài được Nhà xuất bản Tân Việt ấn hành. Sách được Quốc sư Phước Huệ tán ngữ và Trần văn Giáp đề tựa.
Mãi đến năm 1944, lúc 32 tuổi Ngài mới thọ Cụ Túc giới tại giới đàn chùa Thuyền Tôn do Hòa thượng Thích Giác Nhiên làm Đàn đầu. Ngài đứng đầu các giới tử và được chọn làm thủ Sa Di. Cũng vào năm này, Ngài được mời làm trú trì chùa Phổ Quang-Huế.
Năm 1945, Cách Mạng Tháng Tám nổ ra, Ngài tham gia phong trào Phật giáo Cứu quốc ở Thừa Thiên- Huế.
Tháng giêng năm 1946, khi Chính Phủ Lâm Thời tổ chức Tổng tuyển cử, Ngài ra ứng cử ở Thừa Thiên và đắc cử làm đại biểu Quốc Hội nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa khóa đầu tiên. Đây cũng là lần đầu tiên một Tăng sĩ Phật giáo trực tiếp tham gia chính trường. Cũng năm 1946, Ngài được mời làm
Chủ tịch Ủy ban Phật giáo Cứu quốc tỉnh Thừa Thiên.
Là người có chí nguyện lớn, Ngài chủ trương phải cải tổ sơn môn và nóng lòng trước quá trình đổi mới chế độ Tăng già còn diễn tiến chậm. Tuy có nhiều va chạm nhưng Ngài không nản lòng, luôn ôm hoài bão cao xa đưa Phật giáo phát triển hòa nhập thời đại và mở ra hướng đi mới cho hàng Tăng sĩ trẻ. Chính vì thế Ngài đã viết và cho xuất bản nhiều tác phẩm nhằm mục đích cách tân và mở rộng tầm nhìn cho Tăng sĩ thời bấy giờ.
Với một bút pháp tài hoa và tâm hồn khoáng đạt, Ngài đã thu hút nhiều trí thức văn nhân ưu tú đến làm bạn tâm giao như Trần Văn Giáp, Phạm Quỳnh, Khái Hưng.
Chính trong những lần tương ngộ này mà tư tưởng Phật giáo đã gắn liền với họ, thể hiện qua các tác phẩm như cụ Trần Văn Giáp với cuốn Phật Giáo Việt Nam ; cụ Phạm Quỳnh với các bài nghiên cứu về đạo Phật đăng trong tạp chí Nam Phong ; Khái Hưng với Hồn Bướm Mơ Tiên...
Năm 1947, khi mặt trận chống Pháp ở Huế bị tan vỡ, Ngài chia tay từ biệt với anh em Phật tử và Tăng sĩ đồng chí hướng, ra vùng kháng chiến, theo cách mạng xây dựng phong trào Phật giáo tại miền Bắc.
Sau hiệp định Genève, năm 1957, Ngài được về an trú ở Nghệ An. Trong thời gian ở Nghệ An, Ngài đã phiên dịch và trước tác khá nhiều kinh sách, nhưng vì hoàn cảnh chiến tranh, những tác phẩm này đã bị thất lạc, chỉ còn lại quyển "Thế giới quan Phật giáo". Tác phẩm này được in tại miền Nam năm 1967 do Nhà xuất bản Vạn Hạnh xuất bản.
Năm 1961, Ngài mất tại Nghệ An vì bệnh, thọ 48 tuổi đời với 36 năm xuất gia làm Tăng sĩ. Các tác phẩm Ngài còn để lại đến nay tiêu biểu cho sự nghiệp đời Ngài như:
- Việt Nam Phật Giáo Sử Lược.
- Phật Học Dị Giản.
- Kinh Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa.
- Phật Giáo Khái Luận.
- Phật Giáo Yếu Lược.
- Cải Tổ Sơn Môn Huế.
- Xuân Đạo Lý.
- Mật Thể Văn Sao (do Lệ Như sưu tập).
- Thế giới quan Phật giáo.
Xin mời quý Độc giả đọc tác phẩm:
THẾ GIỚI QUAN PHẬT GIÁO
Tìm Đường
Vì quá ham mê theo cảnh vật thiên nhiên, vô tình người ta đã lạc lối vào chốn rừng hoang có nhiều thú dữ.
Càng quanh quẩn nhiều, càng lạc lối thêm.
Tuy nhiên, trong cuộc lãng du có kẻ đã quên mình vì lạc lối, dong ruổi tìm hoa thơm cỏ lạ, lúc đã xa vời, xụp gối bị nằm ở một góc rừng, phó mặc cho bụi rừng vùi lấp.
Cũng có kẻ mãi băn khoăn tìm được lối ra, lủi vào hang này hố nọ, thì lại làm mồi cho cọp đói.
Hơn thế, có người trèo lên cây cao, nhìn quanh bốn phía tìm phương hướng về nơi nhà, hoặc giả đến bờ khe suối nước, ven theo dòng nước chảy mà đi rồi cũng có thể tìm đường ra khỏi.
Tôi cũng là kẻ đã lạc lối giữa rừng trong khi còn lang thang vớ vẩn tìm đường, may đâu trong tháp ngà nhặt được bản đồ của người thiên cổ.
Không biết từ bao giờ người đã đến đây và vạch thành bản đồ thế ấy ... mở ra xem thì ôi! CON ĐƯỜNG SÁNG Ở BÊN KIA.
Lời mở đầu
Giữa vũ trụ mênh mông bát ngát, muôn vật đổi dời, muôn sao nhấp nhánh, biết bao cảnh vật phô bày trước mắt: Nào sinh sinh hoá hoá, chẳng biết có từ bao giờ và ai làm chúa tể.
Tâm ư ! Vật ư ! hay là thiên nhiên ư !
Con người là một sinh loại có giá trị hơn muôn loài. Trong cuộc sống, người ta cần tra vấn xem mình phải làm gì trong đời này để hoàn thành mục đích và ý nghĩa của nhân sinh?
Từ khi trí thức con người được nẩy nở thì những dấu hỏi ấy, cũng đã bắt đầu gợi lên trong trí óc con người ta. Và từ xưa, các nhà tôn giáo, triết học, không cứ Đông Tây, cũng đã phí hết bao nhiêu tâm lực để tìm ra giải đáp.
Song đến nay, người đời vẫn còn băn khoăn, vơ vẩn. Đến các nhà thông thái, quyết đoạn tuyệt cái tư tưởng huyền bí, nên căn cứ vào thực tế để tìm chân lý, nhưng cũng chưa thấy rõ câu trả lời nào dứt khoát, hay tạm gọi là thoả đáng. Vậy trí thức của người ta có thể hiểu biết mọi chuyện trong vũ trụ, hay nó chỉ là hữu hạn, mà bản thể chân lý kia là vô hạn, ta không thể nào hiểu hết được.
Ở giới triết học cận đại, vấn đề trí thức được coi là trọng yếu và đã được các nhà triết học đem ra lý giải rất ráo riết - Vâng! Phàm làm việc gì, trước hết ta cũng nên kiểm điểm sức lực mình có thể cáng đáng nổi công việc đó hay không đã, nhất là vấn đề chân lý lại càng là việc không thể bướng bỉnh mà được, nên cần phải có sức tự tin rất nhiều.
Dù sao ta cũng không phủ nhận công lao của người đi trước đã giúp ích rất nhiều cho người đi sau tìm hiểu sự thực, chân lý của cuộc đời. Ấy là kết quả của bao nhiêu công phu tìm kiếm, xây dựng, trong đó có những tư tưởng đầy tinh hoa tươi đẹp. Điều làm cho ta bị ngưng trên đường tìm chân lý là vấn đề cuộc sống của ta về tinh thần cũng như vật chất, phần nhiều bị hoàn cảnh chi phối, nào cơm ăn, áo mặc, nhà ở, cùng những danh lợi hão huyền, cho đến phong tục tập quán xã hội, hay chế độ tư tưởng của thời đại. Không những nó đã chi phối đến cuộc sống của ta, có ảnh hưởng đến tinh thần ta, nhiều khi còn bị chúng lừa dối, cám dỗ, lung lạc mất cả tinh thần, khiến ta không còn đủ can đảm nhận thực một lẻ phải hiển nhiên. Nó còn tạo nên cho ta một thành kiến cố chấp, đóng khung tư tưởng ta trong phạm vi nhỏ hẹp. Khi trí óc con người đã bị ảnh hưởng bởi cái gì, thì còn mong sao đến việc hiểu biết một cái khác, có thể nói là sáng suốt hơn, cao rộng hơn, chân chính hơn.
Những kẻ đầy những lòng tham, ích kỷ, nhìn vũ trụ không ra ngoài gang tấc, chưa từng lúc nào muốn mở rộng lòng ra để làm việc, giúp ích, thì còn nói gì đến việc hiểu thấu sự lợi ích cùng niềm du thích của kẻ rất giàu lòng nhân đức, cũng như những kẻ ngu si kéo dài đời sống trong những ngày đầy vô vị và mơ hồ, thì vấn đề tìm hạnh phúc, chân lý, đối với họ còn có nghĩa lý gì!
Muốn tìm hiểu chân lý, trước hết ta phải thành thực với ta, và chớ coi mình là trung tâm điểm của vũ trụ hay lấy mình làm thước đo người chẳng hạn. Phải coi bản ngã của ta, nó biến đổi rất nhiều cách, hòng phĩnh phờ ta vào con đường sai lạc.
Ta không nên chiều theo nó quá, phải ngược giòng lại, dẹp cho hết lòng ích kỷ nhỏ hẹp, tính tự kiêu mê lầm, cùng vượt ra ngoài khuôn khổ tập quán, thành kiến, tự ta có quyền phê phán lý thuyết này với chủ nghĩa nọ, và mở rộng lòng ra để đón lấy cái có ích cho nhân loại trên mục đích xây dựng hạnh phúc chung, chân chính thiện mỹ.
Nhưng sao con người ta lại nghĩ đến, nói đến cái vấn đề ấy, nếu không phải là nhận định về hiện tượng nghèo nàn, khốn đốn và đầy đau khổ.
Về vấn đề tìm chân lý, đem lại hạnh phúc chung cho mọi người, mà xưa nay các nhà tôn giáo, các học giả trên toàn thế giới đã khởi xướng biết bao lý thuyết, chủ nghĩa và đã hô hào cổ võ,muốn đem lý thuyết hay của chủ nghĩa mình, làm hướng đi chung cho nhân loại. Đồng thời các anh hùng hay kẻ "muốn làm" anh hùng, cũng đã từng xây dựng công trạng mình trên đống xương tàn của bao chiến sĩ ! Người đã chết một cách đau đớn, sau những cuộc chiến bại ghê gớm và lòng dục vọng tham tàn, hay cái khẩu hiệu "đại đồng thế giới".
Nhưng, nhân loại có đi đến đích "đại đồng" để đạt đến cảnh hạnh phúc an lành sung sướng không? hay đấy chỉ là danh từ tươi đẹp mà người ta đưa ra để loè bịp nhau, lôi cuốn nhau vào con đường chết!!
Quyển sách nhỏ này, hy vọng giúp ích phần nào vấn đề nhận xét về vũ trụ nhân sinh và con đường sáng tương lai của thế giới nhân loại.
Tìm hiểu
Nếu người ta không đến nỗi hiểu lầm để đánh giá hai chữ hạnh phúc bằng sự cơm ăn, áo mặc chơi bời cho sung sướng, thì mục đích của loài người là phải tìm lấy con đường sáng để đi, và nhân sinh sở dĩ có một giá trị đặc cách hơn cả cũng ở chỗ đó. Đem cả lòng nhiệt thành thiết tha để phụng sự lý tưởng cao cả, rộng rãi, nhập tâm hồn cùng bản thể vô biên, đấy không phải là hạnh phúc chân thực vĩnh viễn của đời người hay sao?
Tìm ở khoa học.- Đi vào khoa học ta nhận thấy: khoa học chỉ căn cứ vào hiện tượng để tìm chân lý, nói cách khác, khoa học chỉ nương vào hiện tượng của sự vật bên ngoài để phân tích, nghiên cứu, tìm hiểu muôn sự, muôn vật ấy, đặng giúp thêm vào một phát minh nào đó - Cái gì ngoài cảm giác ngũ quan của người ta khoa học đều phủ nhận không thực có.
Nhưng "thử hỏi giác quan của con người, bao giờ cũng như bao giờ, hay nó còn thay đổi theo nhiều chiều hướng, theo từng nhận thức của mọi người, và người ta có thể tin chắc giác quan của con người bất kỳ quan sát cái gì, cũng hoàn toàn đúng cả không ?" Ai dám quả quyết trả lời rằng: "Đúng cả" theo câu hỏi đó.
Trong thực tại ta nhận thấy có nhiều vấn đề mà khoa học không thể giải quyết được, nếu cứ đứng trong phạm vi khoa học - Như vấn đề giá trị của người thức giả chẳng hạn - Vì khoa học bao giờ cũng có tính chất chuyển biến, chính một vài nhà thông thái đã chú ý nói rõ tính cách chuyển biến thích hợp, ứng theo nhu cầu của nhân loại, trong một thời đại, chứ chưa phải là chân lý tuyệt đối. Huống nữa giữa vũ trụ mênh mông, muôn vật phô bày, đã khi nào khoa học dám vén bức màn bí mật của vũ trụ bao la chưa? Trên đường suy tầm chân lý khoa học còn phải dõi bước, chẳng biết đến bao giờ là ngày chung kết.
Đành rằng những phát minh của khoa học, có phần giúp ích cho đời sống nhân loại rất nhiều, nhưng một phương diện khác, khoa học đã đi nhầm, đã quá lợi dụng vật chất, phát minh ra bao nhiêu cơ khí giết người, gây nên họa chiến tranh tàn khốc cho nhân loại, và khoa học dù tài giỏi đến đâu, cũng không thể gạt khỏi được hạt lệ thương tâm ở lòng người thiếu phụ..
Nhiều nhà bác học ở Âu Tây đã kết tội khoa học : Văn minh vật chất chỉ đưa đến chỗ chết, đưa người ta vào con đường khủng hoảng, truỵ lạc. Bác sĩ Alexis Carrel đã từng than thở "Nếu các nhà khoa học của thế kỷ trước chịu khó nghiên cứu tâm hồn con người, thì văn minh không bị khủng hoảng như ngày nay"
Tìm ở triết học: Triết học, bởi có nhiều môn phái quá, nên mỗi nhà chủ trương mỗi khác, mỗi phái thuyết minh mỗi khác, lý luận không duy nhất. Sự trái ngược giữa các triết gia đã đem lại cho những điều hoang mang vớ vẩn khác, như người lạc vào rừng, cây cối um tùm, bao bọc bốn phía, khó tìm được lối ra. Đi vào rừng triết học ta cũng nhận thấy, chẳng hạn như ở Âu Tây Socrate, Platon hay Hégel, H. Berson đều không giống nhau. Ở Á Đông, Khổng Tử, Lão Trang cũng làm trái ngược, hoặc bên thì quá chú trọng về lý trí, bên thì thiên tình cảm, bên thì kiến thức chật hẹp, bên thì phóng khoáng viễn vông. Bởi độc đoán sinh ra hoài nghi, từ suy lý đến
thực nghiệm, thành ra lý thuyết này chống với lý thuyết nọ, các nhà chủ trương mang hết tài hùng biện ra để tranh luận cho lý thuyết của mình được đứng vững. Những lời tranh biện cũng như bài thuyết pháp được chiếu ra bởi tinh thần trầm tư suy tưởng của các triết gia, đã thành sách vở chồng chất, nhiều không kể xiết.
Song ta cố tìm một kết luận của bản thể chân lý vô biên và tuyệt đích, không khỏi ôm lòng băn khoăn và thất vọng.
Huống nữa, triết học chưa từng vạch rõ một con đường thực tế, nghĩa là phương pháp thực tế, để có thể mọi người neo theo đó mà đi, hầu đạt được mục đích tối hậu. Nên có thể nói, triết học chỉ là món quà cho hạng thượng lưu trí thức hay cho những người có trình độ học thức cao đẳng, chứ không phải món ăn bổ ích, phổ cập cho cả đại chúng. Thế nên, triết học dù có lý thuyết cao xa đến đâu cũng còn mang lấy khuyết điểm ấy.
Tìm ở tôn Giáo: Bây giờ ta thử đi sâu vào tôn giáo. Trên thế giới tôn giáo rất nhiều, nhưng tóm lại chỉ là hai tôn giáo, Nhất Thần Giáo và Đa Thần Giáo . Nhất Thần Giáo chủ trương vạn hữu (chỉ cho người cùng hết thảy sự vật) trong vũ trụ do một Đấng thiêng liêng toàn trí, toàn năng làm ra, Đấng thiêng liêng ấy đủ quyền thưởng phạt về mọi điều tội, phúc đối với người và có thể đưa người về hạnh phúc (thiên giới) nếu người ta chịu theo Ngài.
Giả sử như có người hỏi: Đấng thiêng liêng ấy có hình thể không? - Nếu bảo là có hình thể, thì trên đời cái gì có hình thể đều phải hủy hoại. Mà đã hủy hoại, tất đấng thiêng liêng kia mất hẳn tính chất vĩnh viễn, và cõi thiên quốc kia không còn đâu cho loài người đến hưởng nữa, và phàm đã có hình thể đều phải hủy hoại. Nếu đấng thiêng liêng cũng có hình thể, có giới hạn, thì làm gì có sức gọi là toàn trí, toàn năng để sinh ra vũ trụ rộng lớn này được. Còn như nói rằng không hình thể, thì trên đời có cái gì không mà lại sinh ra có được. Nói tóm lại, đứng về phương diện luân lý thì tôn giáo dựa theo thần thoại, dùng thuyết thưởng phạt để khuyên người, dạy người về con đường lành, đối với xã hội có phần ảnh hưởng tốt.
Song đối với bản thể, thuyết thần tạo (thần sinh ra muôn vật) còn đương mơ màng và huyền bí quá ! không thể đứng vững trong thời đại khoa học này được. - Hơi giống với thuyết thần tạo trên, ở Ấn Độ, đạo Bà La Môn cũng chủ trương Phạm Thiên (Brahma) sinh ra tất cả muôn vật trong vũ trụ. Phạm Thiên là vị Thần bản thể, đồng thời cũng là vị Thần Nhân Cách (có hình dáng như người). Khi người biết chăm lo học hỏi thông thái giữ gìn đức hạnh, diệt trừ lòng tham dục, si ám, thì bản ngã (cái ta) trở về với Phạm Thiên, được giải thoát. Đến như Đa Thần Giáo (tôn giáo thờ nhiều vị Thần) thì rất là phôi phai, không có gì là cao siêu lắm, thuyết này do tín ngưỡng, tập tục bởi nhiều người, nhiều đời mà ra, hoặc theo từng dân tộc mà có sự sai khác. Với chủ trương hết sức là lan man, vị thần này sáng chế ra cái này, vị thần nọ sáng chế ra cái nọ v.v. Nếu người ta còn tin tưởng vào lối thờ phụng này thì chỉ là lối cầu cạnh, ỷ lại, tránh họa cầu phúc chứ không thể căn cứ vào đấy để tìm con đường hạnh phúc chân chính được.
Tìm ở chính trị: Tìm hạnh phúc do nhân loại xây dựng hoà bình cho thế giới, có nhiều người đã đặt hết tin tưởng vào chính trị vậy. Ở đây ta cũng cần phải xét qua. Tôn Văn nói: "Chính trị là công việc của mọi người, trị là quản trị. Làm chính trị tức là quản lý công việc của mọi người". Theo quan niệm duy vật thì "Chính trị là những mưu mô của một dân tộc bị xâm lược chống với giai cấp thống trị và ngược lại". Định nghĩa của Tôn Văn hơi rộng quá, nên không có giải quyết rõ rệt. Theo định nghĩa thứ hai có phần đúng nhưng lại có tính cách thiên về chủ nghĩa máy móc phi nhân. Đành rằng quốc gia bị xâm lăng thì chính trị là những mưu mô để chống bọn xâm lược, song sau khi đã đuổi quân thù ra khỏi đất nước, thì chính trị không thể không là cơ quan quản lý để đem lại sự hòa vui, ấm no cho nhân dân, và không thể không là những chính sách khéo léo, hòa hảo trên đường ngoại giao với quốc tế ?
Ngày nay nhân sự giao thông tiện lợi, tình hình kinh tế các nước ngày càng mở mang, nên sự quan hệ giữa các quốc gia rất là phức tạp. Nhiều khi chỉ một biến chuyển nhỏ của một nước này, rất có ảnh hưởng liên quan đến các nước khác. Vì thế, chính trị có khi là một phương sách ngoại giao khéo léo, song có khi cũng là mưu mô xảo quyệt để ganh đua nhau, đối chọi nhau trên trường quốc tế. Ta có thể nói tình hình kinh tế, quân sự ở trong một nước phức tạp chừng nào thì chính trị cũng lắt léo chừng ấy.
Thế giới hiện nay, các chủ nghĩa, các học thuyết, các đảng phái, đua nhau mọc lên như nấm. Chủ trương này khuynh loát chủ trương khác. Các nhà chính trị các quốc gia, không ai có thể tuyên bố một câu thành thực từ thâm tâm rằng: "Tôi chủ trương một chính sách trung lập". Dù có nói thế đi nữa, tưởng cũng chỉ là lời tuyên bố giả dối, bên ngoài để hòng bưng bít chính sách khác, đương dòm ngó vào mình, đương gặp phải một tình thế gì rắc rối chưa giải quyết được ổn thoả đó thôi.
Song dù rằng làm chính trị vì chính nghĩa gì, bao giờ người ta cũng đặt quốc gia của họ lên trên. Quốc gia là gì ? - Theo pháp viện tối cao Hoa Kỳ đã từng định nghĩa: "Quốc gia nào là một đoàn thể tự do, theo đuổi mục đích, mưu cầu một mục đích, mưu cầu hạnh phúc cộng đồng". Vậy làm chính trị tức là thực hiện sứ mạng của quốc gia, mưu cầu hạnh phúc cộng đồng, như thế chánh trị đâu phải là những thủ đoạn khôn khéo sảo quyệt, đưa đẩy dân chung theo ý muốn của một người, hay một nhóm người, chánh trị đâu phải là những thủ đoạn khôn khéo, đâu có phải là lợi dụng của công để làm việc tư riêng, xây dựng hạnh phúc của cá nhân hay đảng phái trên sự đau khổ của toàn thể đồng bào, làm chính trị như thế tức là đưa quốc gia đến chỗ diệt vong, tức là phản bội lòng tin tưởng của toàn chúng, và nếu ta chỉ nhận định chính trị là những "mưu mô", trách nào bây giờ người ta thông hiểu chữ chính trị theo một nghĩa rất xấu, với một thủ đoạn bất lương hay quỷ quyệt.
Mặc dù ta cho nó là một sảo quyệt, xuyên tạc, song sự thật ta có thể tin tưởng chắc chắn bất cứ nhà chính trị nào, cũng là tượng trưng của đức hy sinh, của tài năng lỗi lạc, và nhất là của lòng vị tha cao quý không ?
Từ quốc gia nhìn chung ra ngoài thế giới, chính trị hiện nay trong thế giới, ta có thể chia ra làm hai phe Tự do và Cộng sản. Những phe này hiện đương cọ xát lẫn nhau, tuy ra có vẻ âm thầm, song không kém kịch liệt. Ở giữa hai thế lực của hai phe ấy, các nước phần nhiều không bị lôi cuốn vào phe này, thì cũng lợi dụng vào phe bên kia, nhân thế chính trị ở các nước trên thế giới hiện nay luôn luôn biến chuyển, đồng thời quân sự cũng phải rục rịch chuẩn bị ráo riết, tuy thế giới mới trải qua một cuộc chiến tranh ác liệt tàn khốc.
Các chính sách của các nhà ngoại giao, luôn luôn chuốt miệng cho khéo, thỉnh thoảng đọc những bài diễn văn lời lẽ rất văn hoa chải chuốt, tuyên bố những lời có vẻ trịnh trọng hòa bình, hoặc khi cùng bắt tay nhau, ký hiệp ước này, hiệp định khác, song cũng không hiểu vì sao? - Hay nó là tính tò mò của người ta - Họ vẫn lo ngại cho cuộc biến chuyển của tương lai, một cuộc chiến tranh khác, có lẽ khốc liệt hơn có thể xảy ra nếu loài người không thức tỉnh.
Có gì ngây ngô bằng tin các nhà chính trị có thể gặp nhau trong một lý tưởng, cùng một chủ nghĩa, căn cứ vào chính trị để tìm hạnh phúc mau chóng cho nhân loại, là một lý luận không thể đứng vững được.
Tìm ở chủ nghĩa xã hội. Ở khoa học, triết học cho đến tôn giáo, chính trị ta thấy đều không thể đem lại sự thỏa mãn lòng nhu cầu của nhân loại, tìm con đường sáng để đi đến chỗ hạnh phúc hoàn toàn chân chính thiện mỹ. Vậy nay hãy nhìn qua về xã hội chủ nghĩa là có một thuyết chủ trương về kinh tế, hiện đương có thế lực bành trướng khắp nơi, và hình như đã thu hút được nhiều người.
Xã hội chủ nghĩa là bước đầu tiên đến duy vật sử quan và duy vật biện chứng, để nhận xét lịch trình tiến hóa của nhân loại, và thuyết minh luật mâu thuẫn giữa vạn vật, giữa các giai cấp đấu tranh vô sản cầm chính quyền, tổ chức một nền kinh tế theo chủ nghĩa xã hội, tức là nền kinh tế quân phân, mỗi người đều hết bổn phận làm việc theo tài năng của mình, sự nhu cầu sẽ có xã hội cung cấp đầy đủ.
Bấy giờ ở xã hội không còn có chế độ của riêng nữa, sự mâu thuẩn ở giai cấp cũng tiêu sạch, nhân loại sẽ được hưởng hạnh phúc sung sướng không còn thống khổ và gây ra chiến tranh nữa.
Xét ra lý thuyết của chủ nghĩa này rất hay, nếu thực hiện được, thì nhân loại cũng hết khổ và hưởng được nhiều điều an vui thật. Song căn bản của chủ nghĩa xã hội đã sai lầm, nhận vật chất làm căn nguyên sinh ra vạn hữu, vũ trụ và lý tưởng loài người. Vì điều sai lầm căn bản ấy, xã hội chủ nghĩa trở nên nông cạn, chỉ thấy con người ở cơm ăn áo mặc. Đi sâu vào tâm lý loài người, xét tận nguồn gốc gây ra thống khổ của nhân loại, nguyên nhân chỉ vì Tham, Sân, Si chứa chất nhiều quá rồi được hoạt động qua một bản ngã (cái ta) sai lầm, thấp kém. (Mà chính cái đó gây ra mầm mống mâu thuẩn).
Nên xã hội chủ nghĩa tổ chức kinh tế khéo giỏi đến đâu, mà nếu không thể gọt bằng trí hiểu biết của con người, không thể thủ tiêu, hoặc không có phương pháp để thủ tiêu lòng tham, sân, si cùng bản ngã nhỏ hẹp kia, thì nhân loại cũng không bao giờ hết khổ được.
Vậy phải tranh đấu đến bao giờ mới kết quả, và sự mâu thuẩn giữa nhân loại đến bao giờ mới hết, ngay khi tranh đấu ấy lại gây ra mâu thuẩn, để rồi tự hủy thế đặng đi đến một quá trình biện chứng khác? Thiết tưởng đã không làm sao gọt bằng được trí thức, thủ tiêu được bản ngã nhỏ hẹp của con người thì sự mâu thuẩn giữa nhân loại không bao giờ hết. Mà rồi e rằng người ta chỉ có cãi cọ nhau, giằng co nhau, cắn xé nhau, đánh giết nhau, cuộc tổng cách mạng không thành, loài người không thể đi đến đích thế giới đại đồng, hạnh phúc sung sướng vui tươi của xã hội chủ nghĩa, muốn đem lại cho đời người thỏa mãn ngóng trông nó, mơ ước nó, như thế tưởng không khỏi như con ma kia cứ ruổi theo bóng nắng giữa bãi cát dài vô hạn! Để tìm một con đường sáng, tức là một giải quyết thõa đáng về vấn đề vũ trụ nhân sinh ở các thuyết, các tôn giáo, để có thể làm phương châm xây nền tảng hạnh phúc chung cho nhân loại. Sau khi đọc qua các thuyết như trên, con đường sáng vẫn còn đâu đâu, người đi đường còn phải cố gắng bước kiếm tìm.
Nay ta thử đi vào địa hạt Phật Giáo.
Phật Giáo
Trước khi nghiên cứu về Phật Giáo ta nên xét qua về vấn đề này: "Phật Giáo là tôn giáo hay triết học ? "
Muốn giải quyết được rõ ràng ta cần quan sát các điểm sau:
1) Thế nào là tôn giáo ?
2) Thế nào là triết học ?
I.- TÔN GIÁO: Chữ tôn giáo tiếng Pháp gọi là religion do chữ religieu ở tiếng La Tinh mà ra, có ý nghĩa chú ý hoặc tôn kính. Theo sự nhận định chung của phần đông học giả khi nói đến tôn giáo, tức chỉ cho những đoàn thể có ít nhiều tổ chức về hình thức lễ nghi, có tính cách biểu sự liên lạc giữa con ngươì và thần linh bao trùm một ý nghiã sợ sệt và tôn kính. Ngoài ra có giải thích, chữ tôn giáo có ý chỉ giáo điều.
Vậy tôn giáo cụ thể nội dung gồm có 2 điều kiện:
a) Tin có thần : Nghĩa là tôn giáo chủ trương rằng vũ trụ có một vị thần tuyệt đối (nhất thần giáo) hay nhiều vị thần (đa thần giáo) thiêng liêng toàn trí toán năng, sinh hóa sự vật, quản trị sự vật.
b) Tín điều : Nghĩa là tôn giáo chủ trương tính chất công năng của vị Thần ấy, như thế nào đã có Thánh Kinh giải thích rõ ràng. Người ta chỉ được phép tin theo chứ không có quyền phê phán gì hơn nữa. Vì người nào muốn hưởng hạnh phúc cùng ở chung một cõi trời với vị thần ấy cũng phải tin theo tín điều của tôn giáo chứ không có cách gì khác.
II.- PHậT GIÁO: Là giáo lý của vị Giác Ngộ, chủ yếu thuyết minh về vấn đề vũ trụ nhân sinh rất rõ ràng thấu đáo, hoàn toàn trọng sự tự do của con người. Đức Phật không bao giờ bảo chúng ta phải tôn kính Ngài, buộc chúng ta phải tin theo điều ước gì, mà chỉ khuyên chúng ta làm điều lành cải tạo tâm trí mình, cùng biết noi theo con đường chính để đi, đặng đạt đến mục đích chân chính và thiện mỹ.
Giáo lý ấy có 2 điều cốt yếu:
a) Sự thật .- Nghĩa là đối với thực tại không luận bản thể hay hiện tượng, Đức Phật biết rõ như thế nào, nói đúng như thế ấy. Ví dụ: Hết thẩy sinh vật đều chuyển biến vô thường do nhân duyên sinh, Ngài nói: Vô thường do nhân duyên sinh, chứ không bao giờ Ngài tự kiêu, bảo mình là Đấng sinh ra muôn vật.
b) Phương pháp.- Đức Phật không những là nói đúng sự thật mà còn vạch rõ phương pháp thỏa đáng đặng tiêu diệt những đau khổ hiện có ở đời, để mọi người đều tiến lên cõi hạnh phúc, sung sướng.
Căn cứ vào hai điều ấy, ta có thể nhận thêm mấy điều như sau:
A. - QUAN NIỆM VỀ GIÁO CHỦ
a) Quan niệm về giáo chủ của tôn giáo chủ trương: Thần giáo chủ trương có một vị Thần tuyệt đối, bất khả xâm phạm, người ta phải tôn kính Thần mới được ban phước cho và sau khi chết sẽ được Ngài đem theo về Thiên quốc. Ở đây người ta chỉ là kẻ hầu hạ Ngài, chứ không thể như Ngài được.
b) Quan niệm về giáo chủ của Phật Giáo với chủ trương bình đẳng: Đức Phật nói "Tôi là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành, Tôi chỉ khai thị Phật tính cố hữu quý báu của các người, kẻ nào phát huy Phật tính ấy, tức là thành Phật" - Ngài lại nói: "Tôi kính trọng con kiến cũng như thầy tôi là Đức Nhiên Đăng - Vì nó cũng có Phật tính, nó sẽ thành Phật " Bởi vậy quan niệm về đức Phật giáo chủ của Phật giáo có 2 điểm: đức Phật là người cầm đuốc
dẫn đường, là đạo sư quý báu, dạy bảo giáo lý cho người: tất cả chúng sinh đều có Phật tính, đều có thể thành Phật như Ngài.
B. - QUAN NIỆM VỀ SỰ VẬT
a) Quan niệm về sự vật của tôn giáo: Hết thẩy sự vật ở thế gian đều do thần tạo ra và quản trị. Sau này các nhà tôn giáo chủ trương "Nhất thần luận" đã từ nơi một vị thần tuyệt đối đủ nhân cách, tiến lên một bực chủ trương "Phiếm thần giáo". Bản thể rộng lớn bao trùm khắp muôn vật do bản thể sinh ra. Mặc dầu chủ trương tuyệt đối đủ nhân cách; Hoặc giả họ lại nhân cách hoá bản thể ấy thành một thần tuyệt đối. Như vậy trước sau tôn giáo vẫn chủ trương thần tạo.
b) Quan niệm về sự vật của Phật Giáo: Như trước đã nói : Đức Phật chỉ biết nói đúng sự thật. Vậy ta không nên lấy làm lạ, khi thấy trong các Kinh điền Đức Phật chủ trương phương pháp duyên sinh rằng: Tất cả sự vật đều do các nhân duyên quan hệ với nhau mà sinh ra, ấy là nguyên lý của vạn hữu vũ trụ, và chớ nên lấy làm lạ, khi thấy Kinh sách viết về Phật Giáo, các nhà học Phật thường hay phê bình cũng như phủ nhận thuyết thần tạo.
C. - QUAN NIỆM VỀ LUÂN LÝ
a) Quan niệm về luân lý của tôn giáo: Tôn giáo chủ trương thần sinh ra và quản trị vạn vật, tất nhiên cũng chủ trương quản trị quyền thưởng phạt là ở thần, sung sướng hay đày đọa là do thần, người ta không có quyền tự chủ, vì vậy có tội phải xin với thần, và làm phúc có tin thần mới có ý nghiã. Rút lại quan niệm luân lý cuả tôn giáo là hành vi của người ta và tin và phải kính thần.
b) Quan niệm luân lý của Phật Giáo: Trái lại Phật giáo luôn luôn chủ trương: "Tất cả chúng sinh đều có cùng một bản thể, một Phật tánh, nên lòng từ bi và lý nhân quả đã thúc đẩy người ta làm điều thiện". Do lòng thương vô hạn và nhận thấy toàn thể là mình, nên người theo đạo Phật rất sẵn sàng cho và giúp ích chúng sinh. Làm lành thì được sung sướng. Làm dữ thì phải khổ sở. Nhân nào quả nấy. Hành vi đã ở chúng ta, thì kết quả cũng tự chúng ta, không ai có quyền thưởng phạt gì hết.
D. - QUAN NIỆM GIÁ TRỊ VỀ NHÂN SINH
a) Quan niệm của tôn giáo: chủ trương người hơn cả muôn vật. Chỉ có người mới có linh hồn thiêng liêng do Thần ban cho, còn loài vật thì không. Nói cách khác, tôn giáo chủ trương phủ nhận giá trị tinh thần của vạn vật.
b) Quan niệm của Phật Giáo: Tráí lại Phật Giáo luôn luôn chủ trương: tất cả chúng sinh đều có chung một bản thể bình đẳng như nhau; tuy hình thù khác nhau, song bản thể vẫn là một. Nên nhân sinh cũng chẳng qua cũng chỉ là một giống loại bước đầu của một trình độ tiến triển nhưng chưa đến đích tuyệt đối, nên có sự sai khác giữa Bồ Tát, La Hán, Duyên Giác, Thanh Văn, Chư Thiên, và các chủng loại khác. Tóm lại, do các điểm đã ghi ở trên, ta nhận thấy rõ ràng sự sai khác giữa Phật giáo và tôn giáo. Đến đây ta có thể kết luận:
Phật Giáo không phải là tôn giáo, song cũng không phải là một triết học. Ta hãy xét qua 2 điểm dưới đây:
1. - Lối thuyết minh về bản thể thực tại.
2. - Phương tiện thực hành.
1.- Bản thể thực tại: Với chân lý huyền vi của vũ trụ, tuy các nhà triết học đem hết sức nghiên cứu tìm tòi để phát minh, song những điều ức đoán hay suy luận chỉ có thể tuỳ theo trình độ trí tuệ nhận thức cuả mình, tùy cũng thuyết minh về bản thể chân lý chẳng qua chỉ nói lên phần nào, hay một mặt nào, chứ chưa phải nói hết được toàn diện, vả chăng các nhà triết học chỉ căn cứ vào sức suy tưởng hay trực giác, hay một vài thí nghiệm nhờ sức diễn dịch và lý thuyết này, lý thuyết nọ, chứ chưa phải là bậc đã đi đến chỗ tuyệt đích hoàn toàn giác ngộ. Hơn nữa, Đức Phật là Người đã chứng thực ngộ chân lý và nói đúng sự thật. Nhưng đạo lý của Ngài là tiếng vang của chân lý, do Ngài cảm thấu, đã chứng thực, biết thực, cùng tột nguồn gốc bản thể, chứ không phải căn cứ vào sức suy tưởng và ước đoán mơ màng, như trong Kinh Phật nói: "Như Lai (Phật) nói đúng với chân lý, đúng với sự thật, không bao giờ thay đổi sai khác, không bao giờ dối gạt ai. "- Kinh Kim cương -.
2) Phương tiện thực hành: Sau khi đã giới thiệu với ai một cảnh đẹp, mới lạ của nơi nào, cũng muốn cho họ đi đến tận nơi để thưởng ngoạn, tất nhiên phải chỉ luôn cả đường lối đi đến, bắt đầu phải đi lên con đường nào v.v. Triết học còn sơ lược và khuyết điểm về chỗ đó.
Vì không có một thực nghiệm chắc chắn do phương tiện thực hành đem lại, nên đối với bản thể chân lý, triết học xưa quá ư độc đoán, gần đây lại có nhà chủ trương "Bất khả tri luận" (trí thức người ta không thể biết được bản thể thực tại). Như vậy người đời biết noi theo con đường nào mà đi ? Mãi đến ngày nay, với vấn đề chân lý các triết gia cũng chưa có một kết luận gì chắc chắn.
Khi lý thuyết nhiều, mô tả khéo, song không có thực hành, dù có một vài nguyên tắc chân lý, hay đôi lời chỉ huấn về phương thức tập luyện tinh thần, không thể đưa lại cho người đến cảnh giới vô biên và tuyệt đích.
Phật Giáo không phải thế, lý thuyết cao siêu chừng nào, lại càng chú trọng về phương diện thực hành chừng nấy. Trong các Kinh điển, Đức Phật đã vạch ra biết bao phương pháp, để cho mọi người có thể tùy theo căn cơ, trình độ cuả mình mà có thể tu tập, đặng nâng cao đời sống hiện tại, và đi đến hạnh phúc tương lai tốt đẹp. Phật pháp ví như thầy thuốc chữa bệnh cho người đau, kẻ muốn khỏi bệnh cần phải uống thuốc, và biết nghe lời thầy dậy bảo, Phật pháp khác với triết học là ở chỗ đó.
Đến đây chắc các ngái nghĩ rằng: "Thế thì Phật giáo là cái gì mà không phải tôn giáo, cũng không phải triết học? - Nếu không phải tôn giáo sao lại thấy tạc tượng Phật để thờ ở các chùa, và hằng ngày thấy chư Tăng Ni hay tín đồ mang hoa quả đến cúng; Những hình thức ấy, không phải là tôn giáo là gì ? " Có thể, song ta cũng nên hiểu, ngày xưa Đức Phật rất phá trừ các hình thức, mà tôn giáo lại hay sinh ra hình thức, nên Ngài không muốn Đạo cuả Ngài là tôn giáo, mà chỉ là môn thuốc mọi người có thể tùy theo chứng bệnh của mình mà uống thuốc, đặng chữa lành các bệnh mà thôi. Nhưng khốn nỗi ở xã hôi chia nhiều giai cấp, trình độ giác ngộ khác nhau, ví dụ như phái Thủ đà la (Sandra), giai cấp gồm có người làm thuê, làm mướn, đồ tể ở Ấn Độ thời ấy làm sao hiểu được cái đạo lý cao thâm của Phật dạy. Nên Ngài chỉ khuyên họ làm lành và tu định, mục đích để gây phúc quả về sau.
Sau khi Phật niết bàn, muốn kỷ niệm công đức dạy bảo lớn lao, ở các giảng đường, tịnh xá của chư tăng, các đệ tử tạc tượng Ngài để chiêm ngưỡng. Trong khi ấy có một số ít tín đồ tăng lữ, trình độ thấp kém, sau khi Đấng đức hạnh hoàn toàn đã qua đời, cảm thấy mất hẳn một nơi nương tựa lớn, thành thử họ cứ đến trước hình tượng ấy để lễ bái, chiêm ngưỡng, gọi là sự tử như sự sinh, xem Đức Phật như lúc còn sống vậy.
Nhân thế về sau thành ra hình thức cúng bái, nhất là về sau Phật Giáo truyền qua Tàu, với một dân tộc mà cả lịch sử lẫn lễ nghi, phong tục, tín ngưỡng đều rất phiền phức. Phật giáo nghiễm nhiên thành một tôn giáo hẳn. Có lẽ bản ý của Ngài truyền giáo xưa, vốn nghĩ để tuỳ theo căn cơ, trình độ của các tín đồ cho họ có thể vin theo, đặng để an tâm trên đường học đạo, nhưng về sau, cứ sai lạc dần dần, khiến Phật Giáo mang hẳn cái sắc thái tôn giáo, ấy là điều sai lạc bởi hoàn cảnh, thời đại, chứ đâu bởi từ Phật Giáo, mà dù nguyên thủy Phật Giáo mang ít hình thức tôn giáo (như lối tổ chức) cùng các giới luật nghiêm khắc của toàn thể Tăng già, chỉ là phương tiện thực hành, để đi đến triết lý cao xa, nhưng cũng lại mượn môn triết lý để đi đến chỗ chân như, thực tướng, bản thể rộng lớn vô biên. Nên tuy rằng Phật giáo không phải tôn giáo, triết học, mà cũng có thể là tôn giáo triết học vậy.
Những người chỉ nhìn tôn giáo bằng trí óc nông cạn, chấp một vài hình thức mà quên mất phần đặc sắc đi, cho tôn giáo là có hại về đường tiến hoá của nhân sinh, rồi kết luận tôn giáo cũng không cần thiết đến nữa. Lý thuyết ấy, thực rất sai lầm, cố chấp, và biết đâu kiến giải ấy, không là một tôn giáo ?
Ở đời người ta muốn tiến thành một công việc gì, một mục đích gì, lý thuyết và thực hành phải đi đôi với nhau mới có hiệu quả, tức sự lý phải tương đương. Một vài hình thức tín ngưỡng đơn sơ, nhiều khi cũng gợi một tình cảm, dẫn dắt ta đến chỗ thanh tao, siêu thoát, dẫn tâm hồn ta đến chỗ tuyệt diệu, huyền vi - Huống nữa xã hội đã không có một trình độ ngang nhau, thì những hình thức tín ngưỡng ấy là một phương thuốc hay, để an ủi lòng người trong những cơn đau khổ, và khuyên dẫn người ta trở lại con đường lành.
Chẳng qua lối tín ngưỡng ấy, phải là hợp lý, không mang lỗi mê tín dị đoan. Như thế thiết nghĩ dù có tín ngưỡng tôn giáo, nào có hại gì cho nhân loại.
Hai Nguyên Lý Của Phật Giáo
Qua những phần ở trên, ta thấy Phật giáo có một tính chất đặc biệt khác với tôn giáo, triết học, đến đây bắt đầu nghiên cứu vào Phật giáo.
Đi vào Phật giáo có hai nguyên lý cơ bản:
1._ Tất thảy hiện tượng, đều chuyển biến vô thường.
2._ Bản thể bất sinh, bất diệt.
Hiện tượng biến chuyên vô thường: Tất thẩy sự vật trong thế gian, không có cái gì thường còn và đứng yên mãi mãi, bể cát hoá thành ruộng dâu, bông hoa sớm nở tối tàn, người ta cũng phải già, phải chết ! Phàm thì cái gì có sinh, tất có diệt, người vật đều thế, dù chậm, dù mau, không một cái gì thường còn mãi mãi.
Kìa cây thông đứng trước mặt nhà ta, ta tưởng nó cứ đứng yên mãi mãi thế chăng ? - Không! Từ khi trồng đến khi lớn khi già, nó phải thay đổi luôn luôn.
Thay đổi có hai loại:
a) Từng sát na
b) Từng giai đoạn
Sát na là giây phút, tức là thời gian rất ngắn, trong Kinh Phât thường chia mỗi sát na từng có 900 lần sinh diệt, muôn vật thường thay đổi vô thường trong từng nháy mắt rất nhanh chóng, bằng biến chuyển cùng khắp trong vạn vật. Kià ta thấy màu xanh cuả là, hay màu đỏ cuà hoa, tưởng là nó chỉ đứng yên , chớ lúc sắp vàng hay gần héo nó mới biến hiện trạng thái thay đổi cuả nó. Sự thực ở chớp mắt này, nó xanh, nó đỏ thế, nhưng có chớp mắt sau nó không thẳm đi một tí, thì cũng phai nhạt đi một phần, có bao giờ đứng yên đâu. Như cái đồng hồ cứ tích tắc này đến tích tắc khác, phải chuyển động và thay đổi luôn luôn, trái lại, nếu tích tắc trước mà dừng nghỉ, thì làm sao có tích tắc sau, cho đến phút này và giờ khác.
Sự lớn bé, già trẻ cuả người ta cũng vậy. Nếu ta chỉ nhìn ta tới ngày nay, ngày qua hay ngày mai, thì tin tưởng nó giống như thật. Song, nếu đem so sánh với ngày mới sinh, với lúc trưởng thành hay ngày già yếu thì thầy nó khác nhau hẳn. Cái khác ấy, có phải nó đi từng giai đoạn đâu, mà phải từng ngày, từng phút, từng chớp mắt, từng sát na.
Trong sự thay đổi vô thường cuả vạn vật, theo Phật giáo, có chia ra làm bốn thời kỳ: sinh, trụ, dị và diệt, như người ta khi mới sinh ra là sinh, khi thân lớn lên là trụ, khi già nua là dị và khi chết là diệt. Trong bốn kỳ ấy, lại có thời kỳ sinh, trụ, dị và diệt nhỏ. Như thời kỳ sinh cuả ta, tất phải có thời kỳ thụ thai, thời kỳ tượng hình, thời kỳ sinh đẻ, rồi mới đến thời kỳ khôn lớn. Lại như trái cây, cũng phải trải qua thời kỳ nẩy nụ, nẩy hoa, thời kỳ hoa tàn mới kết thành trái. Trong mỗi thời kỳ nhỏ như vậy, lại có bốn thời kỳ sinh, trụ, dị và diệt nhỏ nữa, và cứ thế lấy số thành chia làm bốn thời kỳ mãi cho đến khi thời gian còn bằng chớp mắt, cái sát na sự sinh diệt dù vi tế, vẫn còn bốn thời kỳ sinh, trũ, dị và diệt cuả cái chớp mắt, cái sát na.
Bản thể bất sinh, bất diệt.-
Muôn vàn hiện tượng chuyển biến vô thường, hiện ra giữa vũ trụ bao la, rộng lớn như những làn sóng dào dạt, nổi trôi hoạt động trên bờ biển cả. Tất cả những sự vật biến đổi đó đều hiện hữu, tính cách hiện hữu như vậy, mặc nhiên đã nói lên đặc tính cuả bản thể vũ trụ. Bản thể ấy, Phật Giáo gọi là "Tâm", ỡ đây ta chớ hiểu lầm chữ Tâm theo định nghiã chật hẹp cuả triết học. Tinh thần chủ quan sinh ra vũ trụ khách quan, lại không nên hiểu lầm Tâm là ý tưởng thuần túy cuả nhà triết học duy tâm Hégel là ý nìệm cuả cộng đồng khách quan. Tâm theo định nghiã Phật giáo là "Bản thể chung cuả vũ trụ". Bản thể ấy, gồm có các công năng hoạt động làm yếu tố, hay chất thiện, sinh ra hiện tượng thế giới.
Các công năng: 1) Chất cứng rằn (đất)
2) Chất mịn ướt (nước)
3) Chất rung động (gió)
4) Chất ấm nóng (lửa)
5) Hư Không (không khí)
6) Linh Thức (giác tính hay linh tri)
Sáu công năng này, bao biến tràn đầy vũ trụ, nên gọi là "lục đại" (sáu công năng lớn) lại tự nó làm nguyên nhân (nguyên nhân chủ yếu) làm duyên (nguyên nhân phụ thuộc) cho nhau mà sinh ra vạn hữu, nên gọi là Lục đại duyên khởi. Tính chất công năng của 6 đại ấy rất tinh tế không phải là hình thức thô sơ, hay như những nguyên tố điện tử của nhà khoa học.
Theo Phật giáo, đứng về phương diện sai biệt chia ra sáu cái khac nhau như vậy. Đứng về phương diện tuyệt đối thì chỉ có một Bản thể bình đẳng như nhất, ngoài danh tiếng - nói do tâm phân biệt. Nên trong Phật giáo thường gọi bản thể này là "không tưởng" hoặc "Chân không" như trong Bát nhã tâm kinh nói: "Thị chư pháp không tướng, bất sinh, bất diệt" nghiã là tướng Chân Không của các pháp (tức các hiện tượng) không sinh, không diệt, lại trong thất đại, trong kinh Lăng nghiêm tả về bản thể, đoạn kết nói: "Tính sắc chân không tính không chân sắc, thanh tịnh bản nhiên, chu biến pháp giới" nghiã là thể tính của cái sắc bản nhiên trong sạch trùm khắp pháp giới (xin hiểu nghĩa như chữ vũ trụ) cho đến khi trở về tính nước hay tính lửa cũng đều nói thế. Vậy biết bản thể cuả vũ trụ là gồm đủ các công năng nguyên liệu ấy, mà cái công năng ấy là siêu hình, là không, nhưng không phải cái không trống rỗng, không có gì hết, nên mới gọi là " Chân không", và chân không ấy mới thực là " chân sắc". Có thể, công năng ấy, công năng nào cũng tràn đầy cùng khắp, dung hoà với nhau, làm thành bản thể vũ trụ, mà không công năng nào lấn đoạt công năng nào, chất cứng rắn kết lại thành nước, cũng như tính linh thức để làm nguồn sống linh giác cho muôn loài , không có cái nào làm như cái nào.
Sự biến hoá ra vạn hữu là một hoạt động dĩ nhiên do các công năng ấy, tự nó làm nhân duyên, nhân quả lẫn cho nhau mà sinh hoá, chứ không đấng nào làm chủ cả. Nên đối với vấn đề vũ trụ quan Phật Giáo, bao giờ cũng chủ trương thuyết duyên khởi. Muôn vật đều do " nhân duyên" mà có. Ở trong hiện tượng giới, ta thấy muôn vật có sinh, có diệt, có thuỷ có chung, chuyển biến vô thường. Nhưng nều xét toàn thể vũ trụ, đứng về bản thể thực tại thì lại vượt ra ngoài sinh, diệt, thuỷ, chung mà vạn hữu là thường trụ, trong cuốn nhân quả nối tiếp không ngừng, nhân cuả cái này, là quả cuả cái nọ, quả cái nọ là nhân cuả cái kia, triển diễn cùng khắp, từ quá khứ cho đến hiện tại, từ hiện tại đưa đến tương lai, ngược về trước tìm đâu thấy có thuỷ, ngó lại về sau chẳng thấy có chung, sự biến chuyển vô thường chẳng qua là sự thay đổi về trạng thái mà thôi. Hoặc lại làm cái nhân cho tái sinh, mất rồi lại có, nhân quả tuần hoàn (vòng quanh) nhân duyên trùng điệp, ấy là nhân quả tương quan cuả vũ trụ vạn hữu, mà Đức Phật đã thấy rõ, chứng rõ, thuyết minh ra, chứ không phải suy luân hay ức đoán. Xin lấy một thí dụ cụ thể cho dễ hiểu : Như cái áo ta mặc đây, thông thường người ta chỉ nghĩ, hễ có tiền ra tiệm vải mua, nó từ đâu mà có, người sản xuất ra nó lấy nguyên liệu gì và ở đâu? - và bác thợ maytrong khi cắt may, đã dùng đến cái gì để cắt xén, rõ ràng là thấy sự liên quan mật thiết với nhau vô hạn, thứ vải ta dùng ấy, nếu không phải tự nhiên mà có thì nó đã phải được chở từ bên Anh, Mỹ qua, thì nó đã liên quan đến thợ thuyền các xưởng dệt bên ấy, nguyên liệu để dệt ra vải, họ lại hoặc mua ở Tàu hay Nhật hay Miền Điện, Nam Dương v.v. Thế lại liên quan đến các nước ấy, cho đến cái kéo cuả bác thợ may cũng đã liên quan đên anh thợ rèn hay người dệt vải ở nước nhà hay nước ngoài chẳng hạn. và trong khi làm bác thợ rèn hay người dệt vải, đều nuôi sức sống bằng cơm hay các thức ăn khác, thế là bác thợ rèn cùng người thợ dệt đã liên quan đến bác nông phu. Cứ như thế xét rộng ra trên đời không có nước nào, không một cái gì tự nhiên cô lập, dù cho cái kim nhỏ, sợi chỉ tơ cũng có ảnh hưởng liên quan rộng xa. Tục ngữ có câu " rút cây thì chuyển động rừng". Ấy là một nhận thức về luật liên quan của vũ trụ.
Vạn hữu vũ trụ là do nhân duyên, nhân quả mà có, thì giữa cái hiện tượng là một giây quan hệ mật thiết, chằng chịt lẫn nhau, nên Phật Giáo bao giờ cũng xem vũ trụ là một khối duy nhất, nhịp nhàng, chứ không phải từng cá thể riêng biệt; Người ta hay muôn vật và những phần tử ấy, có một xã hội tính triệt để, tức là tính duyên khởi. Muôn vàn cảnh tượng biến hiện trên thế gian, như những làn sóng điệp điệp trùng trùng trên biền cả. Sóng tức nước, hiện tượng tức bản thể, to như vầng thái dương, nhỏ như vi trần, đều là hiện thân cuả chân lý. Đức Phật là đấng sáng suốt, từ bi rộng lớn, các đệ tử Phật luôn luôn sống bên người, gần vật để san xẻ tình thương, chia vui bớt khổ, đặng cùng sống nhịp nhàng theo bản thể vô biên, tuyệt đích.
Như trên Đạo Phật đâu có phải chủ trương tinh thần sinh ra vật chất. Song cũng không như duy vật, chủ trương vật chất làm căn nguyên sinh ra vạn hữu vũ trụ. - Nếu về vật chất cuả vũ trụ đã do vật chất làm căn nguyên, thì nguồn sống vô hạn, về giác tính và cảm tình cuả người ta cùng muôn vật lại không có cái . làm căn nguyên để chi phối ? Quan niệm đối với bản thể vũ trụ, thuyết duy vật còn nông cạn sai lầm lắm !
Đến đây chắc các ngài nghĩ rằng: Nếu đạo Phật không chủ trương duy tâm, sao trong kinh Phật nhiều chỗ nói về " Tâm" như những câu " nhất thiết duy tâm tạo: tất thảy sự vật đều do tâm làm ra". Ta nên nhớ rằng chữ Tâm dùng trong đạo Phật là để chỉ cho bản thể gồm đủ các công năng như đã nói trên, chứ không phải chỉ riêng về tinh thần, và dù nhiều chỗ nói về Tâm, cũng chỉ nói cái Tâm bản thể ấy. Và nhận thức đã thấu đáo về bản thể như trên thì dù rằng nói duy tâm hay duy vật hay duy gì cũng được, vì tâm cũng không ra ngoài vật , vật cũng chỉ là vật của tâm mà thôi.
Sau khi giõi bước về địa hạt Phật Giáo ta đã thấy cái gì ? Phật Giáo đã đem lại cho ta những hiều biết gì ? người tìm chân lý không thể thờ ơ lãnh đạm.
Hỡi nhân loại thân mến ! Hãy trở về bản thể vô biên và tuyệt đích là hạnh phúc muôn đời cuả chúng ta, và chỉ có Phật Giáo mới là con đường sáng cho chúng ta đi. Vì Phật Giáo có một nguồn giáo lý rất cao thâm, rộng rãi, căn cứ vào đây ta có thể giải quyết được mọi vần đề thắc mắc về vũ trụ, có thể đưa nhân loại đến chỗ hạnh phúc an vui, chân thật vĩnh viễn thực sự, không phải như những cái gì quá mơ mộng và chỉ có ở trong trí não người ta.
PHẬT GIÁO VỚI VẤN ĐỀ NHÂN SINH
Từ thuở nào đến bây giờ khi trí thức của con người đã được nẩy nở, đứng trước vũ trụ bao la, người ta bắt đầu băn khoăn đánh dấu hỏi:
Vũ trụ là gì ?
Nhân sinh do đâu mà có ?
Có để làm gì ? và chung kết của nhân sinh như thế nào ? Đó là những vấn đề đã làm các tôn giáo, các thánh nhân hiền triết từ xưa đến nay, phải dùng hết tâm tư để tìm tòi nghiên cứu.
Tùy theo chỗ nhận thức của mỗi người, sẽ có sự giải đáp khác nhau, và vấn đề nhân sinh bao giờ cũng giải thích nhịp nhàng theo thuyết vũ trụ.
Quan sát về vấn đề nhân sinh, đại khái ta có thể chia ra làm ba phần:
a) Nhân sinh do đâu mà có ?
b) Cuộc sống còn của nhân sinh ?
c) Sự chung kết của nhân sinh ?
Về phần nhân sinh do đâu mà có theo các nhà nghiên cứu đặt ra nhiều thuyết khác nhau như:
Nho giáo chủ trương từ hỗn độn sơ khai (tức là từ vô cực sinh ra thái cực) sinh ra hai khí âm dương, sinh ra các nguyên chất (tứ tượng, bát quái) rồi cho nguyên chất phối hợp mà thành ra muôn vật.
Các nhà triết học, thì kẻ nói do nước tạo thành muôn vật như ông Thalès, kẻ nói không khí tạo thành muôn vật như ông Anaximène, hoặc do các số hợp thành muôn vật (một hợp với một thành hai, hai hợp với một thành ba v.v. như ông Pythagore. Lại các nhà luận sư Ấn Độ chủ trương do tự tính (có tri giác) và minh sơ (không tri giác) kết hợp mà thành muôn vật như Số luận sư.
Lại có nhà nói do có tính có (đại hữu tính) mà phát sinh ra vật chất, ra tính cách, ra nghiệp dụng.. rồi do các tính ấy mà hoá thành muôn vật như Thắng luận sư.
Còn Thần giáo thì chủ trương do Đấng Tạo Hoá sinh ra muôn vật.
Đến như các nhà khoa học thì xem vũ trụ toàn bằng vật chất, ban đầu do các nguyên tố kết hợp mà có ra các hạ đẳng động vật, tiến hoá dần dần lên mà thành loài người. Nông nổi nhất là thuyết thủy tổ loài người là khỉ như tiến hoá luận của Darwin.
Vì sự nghiên cứu có hạn, nên muốn bàn đến các thuyết trên, ở đây chỉ xét về vấn đề nhân sinh theo quan niệm Phật Giáo.
Theo Phật giáo, nhìn chung nhìn chung vào toàn thể các loài có giác tính trong vũ trụ, thì nhân sinh chỉ là một giống loài hay là một sinh vật, đã có trình độ tiến triển tương đương (chứ chưa phải tuyệt đích). Cao hơn nhân sinh có Phật và Bồ Tát, thấp thua nhân sinh là các loài vật.
Nên trong Phật giáo thường gọi chung là chúng sinh, như những câu: "Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh, đều có thể thành Phật".
Tuy đồng một thể tính song tùy chỗ mê ngộ, cao thấp khác nhau, Phật giáo có chia làm mười pháp giới:
1) Phật (bậc giác ngộ hoàn toàn)
2) Bồ Tát (bậc giác ngộ nhưng còn thấp hơn Phật)
3) Duyên Giác (bậc giác ngộ còn thấp hơn Bồ Tát)
4) Thanh Văn (bậc giác ngộ ưu hưởng niết bàn, có thể tương đương với Duyên Giác, song trí tuệ còn thấp kém)
5) Thiên (trời, hoặc chư thiên)
6) Nhân (người)
7) A tu la (quỉ thần)
8) Địa ngục (chúng sinh ở các cõi đầy đau khổ)
9) Ngã quỉ (ma đói)
10) Súc sinh (các loài súc vật)
Trong mười pháp giới này, chỉ có khác nhau mê và ngộ. Mê là chỉ trong trạng thái tối tăm, mờ ám, si mê trong cảnh giới không thực, không sáng suốt nhận rõ chân lý của vũ trụ, mê muội quá nhiều thì làm loài chúng sinh ở vào cảnh giới đầy tối tăm, khổ não ở địa ngục, ngạ quỉ hoặc súc sinh.
Trái lại, Ngộ như người ngủ mê chợt tỉnh, biết cảnh giới trong chiêm bao là giả, huyễn không thật, ấy là cảnh giác ngộ của chư Phật, Bồ tát, nếu chỉ lấy quan niệm chúng sinh mà luận, thì Phật chính là bậc giác ngộ hoàn toàn, nhân cách cao thượng - là Người đã đạt đến chỗ tuyệt đích của nhân sinh mà Duyên giác, Thanh văn là những bậc còn phải tiến lên nữa. để đi đến chỗ tuyệt đích ấy.
Nếu đối với sinh mệnh lớn lao vô cùng của vũ trụ, nhân sinh chỉ là một loài chúng sinh hay một nhân vật đương ở vào trình độ tiến triển lưng chừng. Nghĩa là nói nhân sinh biết noi theo con đường tiến hoá của tâm trí mà đi, biết làm cho đời sống của mình hòa nhịp với nghĩa sống của vũ trụ, thì nhân sinh nhất định còn tiến hoá hơn nữa, mà đi vào một địa vị: Thiên, Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát, Phật. Trái lại nếu nhân sinh sai lầm và đi ngược giòng tiến triển, hành vi, tư tưởng, trái với pháp lý vũ trụ, gây ra nghiệp chướng tội ác rất nhiều, thì sẽ ra vào cảnh giới địa ngục, ngạ quỉ hay súc sanh.
Nhìn chung vào các loài có hình thức; có giác tính giác ngộ Phật giáo có một quan niệm rộng lớn như trên.
Song không phải vì thế mà Phật giáo không nói đến nhân sinh, không có quan niệm gì về nhân sinh.
A) NHÂN SINH DO ĐÂU MÀ CÓ:
Cũng như thuyết vũ trụ vạn hữu, đã từ trong một bản thể rộng lớn sinh ra, thì nhân sinh cũng là một hiện tượng trong vũ trụ, cũng từ bản thể đó mà sinh. Song vạn hữu là chân thực hay giả huyễn ? - Vạn hữu chỉ là cảnh tượng của bản thể, của tâm chí chân. Tức khi nhân sinh đã đến một trình độ tuyệt đích, thấu rõ thật tướng của vũ trụ, lý trí hợp nhất, đem trí ấy mà chiếu vào sự vật, sự vật đều chân. Ngoài ra giữa cuộc biến chuyển vô thường muôn vàn cảnh tượng sai khác, vạn hữu chỉ là giả huyễn, khác nào bọt nước bóng gương.
Từ bao giờ nhân sinh đã quên mình là "phần tử" của cái "Tâm" thể nhận lấy cái thể riêng biệt là mình, dùng tâm lý sai lầm nhận thức các vật tượng, nhân đó sinh ra mê vọng điên đảo, do tư tưởng phát động ra hành vi, trong cuộc sống hằng ngày sinh ra ba nghiệp, chữ Nghiệp (Karma), nghĩa là tạo tác, hay hành động, tư tưởng suy nghĩ, thân hành động, miệng nói phô do ba nghiệp ấy ảnh hưởng phản lại, cảm thành tập quán, thành kiến, tạo nên nguồn sống dục vọng di truyền từ kiếp này sang kiếp khác, gọi là dẫn nghiệp (tức dẫn lực của nghiệp) mà nguồn sống ấy gọi là nghiệp thức - Những hiện tượng của thế giới nhân loại, tứ thân tâm cho đến cảnh vật, đều là phản ảnh trung thành của nghiệp thức ấy, do đó mà số chung chúng sinh, đồng nghiệp cảm ứng ra. Hiện ta có thân thể như thế này, do đời trước tạo nghiệp mà sinh. Thân tâm của ta là do một cuộc tập hợp mà có, thân tâm tập hợp này là quả thuộc về nhân quá khứ, quả này lại mê lầm, tạo nghiệp làm nguyên nhân cho cuộc tập hợp về sau, cứ như thế đời này hết đời sau nối nhân quả biến chuyển như vòng giây xích, nhân sinh cứ quanh quẩn trong đó chịu lấy vô lượng khổ não.
Để giải thích về mọi mê lầm của nhân sinh, Phật giáo có thuyết bốn đế và 12 nhân duyên rất là phổ thông:
) Khổ đế : (nhân sinh là khổ)
Bốn đế: ( Tập đế : (do những nguyên nhân quá khứ kết tập lại mà có)
) Diệt đế : (cảnh giới niết bàn an lạc)
( Đạo đế : (muốn giải thoát phải tu theo Bát chính đạo)
Trong hai đế Diệt, Đạo thuộc về giải thoát luận, còn hai đế Khổ và Tập, nếu bàn rộng ra tức là 12 nhân duyên:
1) Vô minh : chỉ cho trạng thái mê lầm, không giác ngộ.
2) hành : sự biến chuyển của nghiệp thức.
3) thức : nghiệp thức.
4) danh sắc : tức là nghiệp thức và khí huyết của cha mẹ.
5) lục nhập : ngũ quan và ý thức.
6) xúc : sự cảm xúc của ngũ quan và thức trong khi đối cảnh.
7) thụ : là lãnh thụ tâm đối cảnh.
8) ái : lòng tham yêu.
9) hữu : là có hoặc là cõi do những nhân duyên trên.
10) thủ : lòng chấp trược giữ gìn.
11) sinh : nhân quả về sau trong các cõi thụ sinh.
12) lão tử : già, chết.
Trong 12 nhân duyên, Vô minh, Hành là nhân thuộc về quá khứ. Thức, Danh sắc, Lục nhập, Xúc, Thủ là quả thuộc về hiện tại. Ái Thủ, Hữu là nhân thuộc về hiện tại. Còn Sinh, Lão tử thuộc về vị lai.
Như thế thành ra cuộc sống của nhân sinh là một cuộc triền miên giữa tâm và vật, giữa nghiệp thức mê hoặc với hoàn cảnh giả huyễn, để chịu lấy khổ quả mình đã gây ra. Nên cổ nhân có câu "Đời người là một giấc chiêm bao dài". Phật dạy rằng "Đời là bể khổ". Người ta trong giấc chiêm bao dài ấy, trong bể khổ ấy, khi vinh khi nhục, khi thịnh khi suy, khi thăng khi trầm, quay cuồng lặn hụp, mê lầm tạo nghiệp để rồi chịu một giấc chiêm bao dài khác, cứ thế đời này sang đời khác, từ kiếp nọ đến kiếp kia, nhân sinh ra quả, quả lại gây nhân, thuyên chuyển vòng quanh, không bao giờ dứt, nếu không biết tìm lấy con đường để cứu thoát.
Xét về nguyên lý nhân sinh do đâu mà có là nghĩa như thế. Còn muốn biết nhân sinh phát hiện trên quả đất này từ lúc nào, thì ta lại nên biết quả đất này có từ bao giờ ?
Theo Phật giáo trong vũ trụ có vô số thế giới, mỗi thế giới có một hình thức tổ chức không giống nhau, và cứ thế giới này thành, thì thế giới kia hoại, khi thế giới này hoại, đã có thế giới khác sắp thành, cứ thế luân chuyển mãi mãi. Quả địa cầu của chúng ta ở đây, chẳng qua là một bộ phận nhỏ cùa một thế giới. Kể từ khi quả đất này thành lập, nghĩa là từ khi chất lỏng của vật chất và không khí bắt đầu ngưng kết lại cho đến như ngày nay, theo sự kết đoán của các bậc thông thái trong Phật giáo, trong các kinh luận, thì trải qua thời gian dài đăng đẳng là 4.799.640.000 năm, tuy thế không phải người ta có ngay trên quả đất từ khi mới cấu thành, trải qua thời gian 335.960.000 năm, nghĩa là nhân sinh xuất hiện trên quả đất này đến nay kể có 144.000.000 năm. Song những khoảng thời gian ấy, đã phải trải qua biết bao nhiêu hưng vong của nhân loại, lớp này còn đến lớp khác mọc, sinh sinh diệt diệt mãi như thế, bây giờ ta làm gì tìm được cái dấu tích mà ta gọi là "Con người nguyên thủy". Những sự phát minh từ các nhà nhân chủng học, cũng chỉ có thể đánh dấu được lớp người về một thời đại nào đấy thôi.
Khi hiểu nguyên lý của nhân sinh, thì những sự xảy ra trên lịch sử, hay những điều phát minh kỳ lạ, chỉ là sự vụn vặt tầm thường, có gì đáng làm kinh hoảng?
B) CUỘC SỐNG CÒN CỦA NHÂN SINH
Nhân sinh đã là huyễn, vô thường, do mê vọng mà có. Như vậy nguồn gốc nhân sinh hẳn không có giá trị, thì tưởng cuộc sống của nhân sinh cũng chẳng có nghĩa lý gì ? Chính thế, nên nhân sinh mãi vô tư triền miên trong mê vọng, thâu vũ trụ vào trong gang tấc, nhìn hạnh phúc loài người không ngoài cơm ăn, áo mặc, chơi bời cho sung sướng. Vâng, với tuổi thanh niên bồng bột, dục vọng tràn trề cho thế là vui thích. Song đến chừng tuổi già lụm khụm, tinh thần uể oải, bấy giờ chỉ thấy đời lãnh đạm, buồn thiu, nhìn lại trước, than ôi ! thời oanh liệt nay còn đâu ! trông về sau chỉ thấy lan man vớ vẩn, không một lý tưởng gì cao xa, không một nhận thức gì xác thực, thì rồi chỉ dần dà, đợi đến ngày tắt thở, cho là liễu cuộc đời.
Ôi! nếu nhân sinh chỉ có thế, và không gì hơn nữa, thì thử hỏi cuộc sống của nhân sinh còn có ý nghĩa gì!
Tuy vậy một phương diện khác, nhân sinh do mê vọng mà có. Song cũng là một hiện tượng trong vũ trụ, nếu con người biết nhận định xác thực về ý nghĩa đời sống của mình, biết phụng sự một lý tưởng cao thượng, thì con người sẽ thấy ngay cuộc biến chuyển vô thường của vạn hữu, chỉ là sự thay hình đổi dạng, cho đến cái chết của con người, cũng chỉ là một trạng thái thay đổi mà thôi. Trong vũ trụ chẳng có cái gì là mất hẳn, từ một hiện tượng này qua một hiện tượng khác, chỉ là sự thay đổi về hình thái, cho nên mất rồi lại có. Người ta chết đi rồi tập hợp một đời sống khác, đâu phải chết là "tiêu mất" cho nên chết để mà tái sinh. Như thế cuộc sống của con người đâu phải phóng túng buông lung, lu bù trong dục vọng, để phải đắm chìm trong sông mê bể khổ. Mà cũng không yếm thế, tiêu cực, ngồi khoanh tay để ngó giòng đời lưu chuyển. Ta chớ hiểu lầm, trong Phật giáo dạy cho ta biết, vạn hữu vô thường, con người mộng huyễn, do mê vọng mà có, là Phật giáo hoàn toàn chủ trương yếu thế, tiêu cực. Không ! đấy là sự thực của vạn hữu vũ trụ, mà đức Phật đã chỉ rõ cho chúng ta biết, một phương diện để tự vững lòng không đắm say trong cảnh sắc giả dối ấy, đều phải bị dục vọng lôi kéo. Một cuộc sống của nhân loại không phải chỉ cục trong đời mà vô hạn.
Có quan niệm như thế, ta mới nhận thấy cuộc sống còn của con người tràn đầy ý nghĩa, là một cuộc phấn đấu không ngừng phấn đấu một cách chân chính (chính tinh tiến) để tiến hoá hơn lên, để hoàn thành ý nghĩa cao thượng, đạt đến đích giác ngộ hoàn toàn, nhân cách cao thượng. Nên trong Phật giáo dù có quan niệm "yếm thế" mà vẫn "lạc thiện" (optimisme), dù có quan niệm "Tiêu cực" mà tiêu cực để tích cực hoạt động, chứng thực cho điều đó, chính Đức Phật trong mỗi khi thuyết pháp, Ngài thường nói đến "vô ngã" mà kỳ thực đời Ngài là một đại ngã hoạt động. Đời là giả dối vô thường, là khổ, nhưng còn dễ chịu hơn địa ngục đau thương thống khổ ! Thế mà Ngài Địa Tạng bồ tát vẫn kiên quyết thề rằng "Nếu địa ngục mà còn chúng sinh đau khổ, chưa được giải thoát. Ta thề quyết không bao giờ thành Phật" Cùng các vị Bồ Tát khác nữa, trải qua vô số kiếp tu hành, tận tụy hy sinh, vì sự lợi lạc quần sinh, có khi phải bỏ quốc thành thế tử, cho đến quên cả mình, đó không phải là gương phấn đấu không ngừng hay sao ? Người có tâm Bồ Tát hiểu giáo lý đại thặng chân chính, có bao giờ chịu trốn đời để tìm sự an vui riêng một mình đâu ! Trong kinh Pháp hoa Phật dạy "Tất thảy học thuyết, chính trị, lời nói, văn chương làm ở thế gian không trái với Phật pháp". Cũng trong kinh Bảo đàn, Ngài Tuệ Năng cũng nói "Phật pháp ở thế gian, không ra ngoài thế gian mà có giác ngộ, nếu ta lìa thế gian mà cầu đạo Bồ đề, không khác nào người đi tìm lông rùa, sừng thỏ" (là vật không có). Như vậy đạo Phật bảo ta tìm chân lý ngay những cảnh ở trứơc mặt, nhận bản thể thực tại trong hiện tượng giới, nào có khiến phóng cuộc đời ra ngoài nghìn dặm mà không hề nghĩ đến đâu.
Bản thể cuộc sống của con người ta có thể chia làm hai phần là: Vật chất và tinh thần ?
A) SỰ SỐNG VỀ VẬT CHẤT.
Những điều cần thiết cho đời sống vật chất đại khái không ngoài cơm ăn, áo mặc, nhà ở, giao thông, vệ sinh và kinh tế.
Vần đề giao thông để liên lạc giữa thành thị với thôn quê, giữa tỉnh này với tỉnh khác, hoặc nước nọ với nước kia, làm cho mọi cái cần thiết được thông thương tiện lợi, khỏi điều bế tắc, vệ sinh để ngăn ngừa bệnh hoạn, khiến người đủ sức khoẻ để hoạt động, còn kinh tế lo chỉ đạo việc sinh sản, mở mang nguồn lợi tức, phân phối vật liệu cho đủ sống đủ dùng, khỏi phải thiếu thốn khốn đốn.
Có thế thì vấn đề cơm ăn áo mặc, nhà ở của nhân sinh mới được bải đảm chắc chắn.
Ngày xưa khi nhân loại còn đương sống trong từng bộ lạc, năm mười người, hoặc năm bảy mươi người, cùng nhau ở một khu rừng, một khuôn đất, ở cảnh thiên nhiên phong phú, họ chỉ bới xới một vài đám đất trồng ít lúa, ngoài ra còn kiếm hoa quả chim muông để dùng thêm cho đủ. Sự sinh hoạt rất là dễ dàng, nên không có ai tham tâm dành dụm làm gì, ở khu rừng này chán, lại dời qua khu rừng khác, cũng lại làm ăn như thế. Bấy giờ người ta chẳng nghĩ gì đến vấn đề giao thông, kinh tế, và đối với họ cũng chẳng cần thiết gì ? Về sau sự sinh đẻ dần dần thêm nhiều, và giữa các bộ lạc, thỉnh thoảng cũng đã xảy ra các sự xung đột dành cướp đất đai của nhau, nên có những đám người cùng nhau rời khỏi rừng núi, ra ở khoảng trung châu đất bằng để sinh hoạt. Khi ấy thì người ta từ chế độ của riêng, mỗi người đã biết cắp nắp giữ gìn của mình, tuy nhiên đối với cái cần thiết cho sự sống họ còn cái thật chất để đổi chác cho nhau, như đem gạo đổi lấy muối, khoai đổi lấy cá hoặc đậu v.v. Giá trị kinh tế lúc ấy chỉ có thế, ngoài ra họ không nghĩ gì đến vấn đề tiền tệ. Mãi về sau người sinh ngày càng thêm đông đúc, sự sinh hoạt đã bắt đầu khó khăn bất tiện. Bấy giờ người ta bèn nghĩ đến vấn đề tiền tệ. Lúc đầu họ dùng các thứ kim loại đúc thành thoi, nén như vàng thoi, bạc nén v.v... dần dần tiến hoá lên, người ta đúc ra tiền đồng rồi bạc đồng, bây giờ là bạc giấy. Tóm lại, vấn đề tiền tệ cũng chỉ có giá trị đổi chác mà thôi, và khi nền kinh tế nhân loại bắt đầu phát triển phiền phức, đồng thời chế độ tư bản cũng được đuổi theo phát triển mạnh, để hoàn thành chế độ tư bản. Chế độ tư bản tức là chế độ máy móc, nhà ngân hàng do các nhà giàu có tiền bỏ ra gây dựng để hưởng lấy thặng dư giá trị của đám thợ thuyền lao động, đồng thời bắt chẹt các nhà tiểu tư bản và tiểu tư sản.
Xét từ khi tài sản nhân loại đã bị tập trung vào trong tay một số người tư bản, thì những kẻ vì thiếu sức khoẻ, vì lười biếng, thường khi bị cơn đói rét nghèo khổ dày xéo, sinh ra trộm cắp, cướp bóc cho đến cuộc chinh phục lãnh thổ, cướp nước giết người cũng chỉ là kẻ cướp của nhân loại. Ngoài ra còn vì mâu thuẫn về quyền lợi kinh tế, giữa tư bản nước này với tư bản nước khác, chủ nghĩa nọ với chủ nghĩa kia, nhân loại sinh ra thù giết hằn học lẫn nhau, xâu xé nhau, đánh nhau, cuộc Âu châu đại chiến năm 1914-1918, và cuộc chiến tranh khốc liệt vừa qua, đã gieo ra biết bao thảm họa, biết bao tội ác. Nhân loại vừa tỉnh cơn ác mộng ghê gớm, không ai là không phải lo sợ với một cơn ác mộng khác. Người ta còn nghi ngờ cuộc chiến tranh thứ ba có thể xảy ra ! Thành thử nhân loại cứ đua nhau đuổi theo cuộc tiến hoá vật chất, sáng chế phát minh ra nhiều khí cụ để lừa gạt nhau, xô nhau vào nơi vực thẳm.
Để giải quyết sự chiến tranh mâu thuẫn giữa nhân loại, Karl Marx khéo lợi dụng những điều phát minh của các nhà khoa học, triết học, sáng lập ra chủ nghĩa xã hội, chủ trương giai cấp tranh đấu để tiêu diệt chủ nghĩa tư bản độc tài, kiến lập chủ nghĩa cộng sản. Khi nhân loại đã có một nền kinh tế quân bình, sự mâu thuẫn giữa giai cấp không còn nữa, và chiến tranh sẽ hết, nhân loại sẽ được hưởng hạnh phúc sung sướng, nhưng vì thiếu căn bản nhân tính, nên chế độ kinh tế này trở thành máy móc không tưởng, để rồi quay lại phản bội con người.
Đức Phật dạy chúng ta nhận thức tất cả sự vật đều vô thường giả dối, tự nhiên lòng ta không còn tham lam, giữ gìn lấy cái không thực ấy làm gì, và tất cả sự vật trong vũ trụ đều do nhân duyên sinh, đều có sự quan hệ mật thiết với nhau, một người nghèo khổ có ảnh hưởng đến người giàu sang, làm cho mọi người đều an vui, ấy là điều sung sướng nhất của mình.
Như thế người ta sẵn sàng cho và giúp ích. Nghĩa bố thí trong đạo Phật không phải như người đời hiểu lầm là "thí cho" có tính cách khinh bạc hất hủi. Bố thí nghĩa là cho, là san sẻ. Vạn hữu vũ trụ cùng một bản thề sinh ra, trong khi người ta làm việc bố thí, lấy tất cả chúng sinh làm tự thể, mình đem giúp ích chỉ là mình làm cho mình, nên không có kiêu căng bỏn xẻn, không phân biệt ngã nhân, kẻ đem cho và người nhận lãnh vật đều bình đẳng. Chữ bố thí còn có ý nghĩa cao hơn nữa, không phải tự tay mình cầm vật cho người khác mới gọi là bố thí mà không chấp trước ở sắc, thanh v.v... cũng là bố thí. Như trong kinh Kim Cương Phật dạy "Bất trụ sắc bố thí, bất trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp bố thí" Nghĩa là "Không trụ trược (đắm mến) nơi sắc tức là bố thí". Bố thí như thế mới là rốt ráo, và làm căn bản cho nhiều hạnh bố thí khác. Vạn hữu trong thế gian có cái gì ngoài sáu trần ấy. Mỗi người đều không chấp trược ở sáu trần ấy, tất người cho cũng đều được nhận cái phần cho.
Do đó, nhân sinh tự nhiên có được một nền kinh tế quân phân đều hoà, nhịp nhàng trong bổn phận: "Các tận sở năng, các thủ sở nhu" không còn gặp khó khăn, hiểm trở, và phải nhẫn nhục, không trở ngại, lười biếng, vì phải tinh tiến; không phá hoại trật tự, gây chiến tranh, vì phải trì giới; không dục vọng điên đảo, vì phải thiền định. Như thế xã hội nhân sinh không còn ai phải nghèo quá, ai giàu quá, ai bóc lột ai, ai ghen ghét ai để gây ra mâu thuẫn chiến tranh nữa. Vũ trụ thiên nhiên là kho nguyên liệu rất giàu, rất dồi dào, nhân sinh tha hồ lấy dùng giúp vào công cuộc sống còn để phấn đấu không ngừng.
B) SỰ SỐNG VỀ TINH THẦN.
Về phương diện này chia làm hai: Học thức và Đức hạnh.
A) Phần học thức: Nhân sinh tuy đủ cơm ăn, áo mặc, nhà ở. Song nếu không có học thức để mở mang về phần tinh thần thì cuộc sống của nhân loại quá ư mộc mạc, chẳng có ý vị gì ? Và tất cả hành vi muốn có hiệu lực chắc chắn, không có gì bằng học vấn, văn chương, triết học, khoa học, là những cái có thể làm cho người ta lợi dụng được sự phát minh, kinh nghiệm của lớp nhân loại quá khứ mà phát triển cái năng lực của nhân loại hiện tại, và mở rộng cho lớp tương lai. Nên các môn học ấy có thể rất có lợi ích cho nhân sinh, và nhân loại cần phải học.
B) Phần đức hạnh: Những phát triển năng lực, nhiều khi cũng có thể làm nhiều điều tàn hại cho nhân sinh, nếu không có đức hạnh, để kềm chế lòng bạo tàn vô yếm.
Người đức hạnh là người không bao giờ tham lam, ích kỳ, tự phụ, kiêu căng, không lợi dụng cái riêng cho mình, không làm hại người mà hay làm việc công lợi ích cho đời.
Nhân sinh có học, mà không có hạnh (đức hạnh) thì không khỏi cái học theo xuyên tạc, cầu kỳ, mà không không khéo nhân loại lại tự rèn con dao sắc để tự cắt tay mình, tự đào lỗ sâu để chôn mình. Ví dụ: Như khi người khéo phát minh ra chiếc máy bay đầu tiên có lẽ ý nghĩ chỉ để giúp vào việc giao thông cho tiện lợi. Nhưng về sau có người lợi dụng đem đặt vào đấy vài khẩu súng máy, móc vào ấy vài quả bom, hòng làm việc giết người, đó không phải là cái chứng cứ cho cái học sai lầm sao ?
Nên ngoài các môn học thường, nhân sinh cần phải có môn học chân chính, rộng rãi hơn, để khỏi hướng dẫn tinh thần vào con đường sai lạc, và nhân sinh cần phải có một nền đạo đức thuần thiện, để giữ vững nhân tâm trong cuộc sống còn.
Vậy nên con ngừơi cần phải có học Phật, cần phải thực hành đạo đức Phật Giáo.
C) SỰ CHUNG KẾT CỦA NHÂN SINH.
Nhân sinh là một sinh vật, chỉ sống còn trong khoảng 6, 70 năm đến lúc chết rồi là hết, hay chết chỉ là một trạng thái thay đổi về hiện tượng, mà tâm thể của con người vẫn là cái lâu đài vĩnh viễn.
Nếu con người chết rồi là hết, thì bao nhiêu cái học, thiếu kinh nghiệm trong đời này chỉ là vô ích, cuộc sống nhân loại còn có ý nghĩa gì ?
Một giống vật khác không cần có học thức như người, không cần có đủ hoàn cảnh như người, nhưng nó vẫn sống, vẫn đấu tranh, có đoàn kết, vẫn có giao thông gây dựng, và nó vẫn có tiếng kêu, hoặc biểu hiện để biết nhau. Người ta không hiểu hết sự sinh hoạt của ta, như thế thì thử hỏi căn cứ vào đâu mà bảo "người là hơn hết muôn vật" (nhân ư vạn vật chi linh).
Những kẻ chủ trương người chết rồi là hết, chỉ là kẻ mê chân tín, tinh thần mải đuổi theo vật chất, cho thỏa lòng dục vọng đê hèn, đến khi mỏi gối chồn chân, ngã lăn vào chốn bùn lầy. Đời sống vật chất lúc này còn có ý nghĩa gì ?
Cũng có người chấp linh hồn thường còn, khi chết linh hồn ấy sẽ được lên một nơi nào, hay sẽ về yên ở nơi âm phủ chốn suối vàng. Ở đây người ta sẽ được gặp cha mẹ bà con, trong những ngày dương thế, chấp như thế đều là sai lầm.
Theo Phật giáo nhân sinh là một cuộc tập hợp của quá khứ, rồi do tập hợp hiện tại này làm nguyên nhân cho cuộc tập hợp về tương lai. Cái chủ lực làm ra tập hợp ấy là Nghiệp thức.
Nên đối với sinh mạng lớn vô cùng của vũ trụ nhân loại là một loài sinh vật hay một loài hữu tình đã có một trình độ tiến hoá tương đương, có thể tiến hoá hơn nữa cho đến khi thành Phật quả, nếu con ngừơi biết trau dồi đức tính tu tập công đức, trí huệ, rửa sạch căn bản phiền não trong tâm hồn, trái lại cũng có thể trụt xuống hoặc thấp kém hơn như ngã quỷ, súc sinh, nếu nhân sinh mê lầm tạo nghiệp.
Trong cuộc tiến hoá mình làm mình được, có nhân tức có quả, nhân sinh cần phải phấn đấu hơn lên, để khỏi mất một cơ hội tốt, khỏi phụ một đời làm người vậy.
Phật Thích Ca là hiện thân cứu khổ của nhân loại
Hỡi nhân loại ! đây là vị giác ngộ hoàn toàn, từng đem chân lý chiếu sáng cho đời, bậc đại từ, đại bi coi muôn loài chúng sanh như con một. Là đoá hoa đàm tươi thắm toả ra hương vị khắp cõi trần gian.
Là Phật Thích Ca, người nước Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu) trung Ấn Độ, là một thái tử con vua Tịnh Phạn về giòng Thích Ca.
Ngài thông minh từ thuở nhỏ. Năm 15 tuổi thì đã thông suốt các khoa học, văn chương, triết học, học thuật v.v. cho đến võ nghệ, cũng rất cao cường, thành bậc văn võ toàn tài, ai cũng kính phục.
Đương thời xã hội Ấn Độ chia làm nhiều giai cấp:
1) Bà La Môn (Brahmanah) gồm các đạo sĩ tu hành, thông thái, giới hạnh nghiêm chỉnh, bao nhiêu lễ nghi, văn hoá, học thuật trong nước đều do phái này mà ra.
2) Giòng Xát Đế Lợi (Ksatriyah) vua chúa quý tộc cai trị xã hội.
3) Phệ Xá (Vai’syah) là hạng thường dân nhưng thuộc về giòng dõi trong sạch.
4) Thủ Đà La (Sùdrah) gồm những người làm thuê làm mướn, giết heo, giết bò, hạng người này chỉ làm nô lệ cho ba phái trên, mà thường bị khinh bỉ, nên không được học hành làm lễ tương kính.
Ngoài giai cấp trên còn một hạng nữa, tức là các dân mọi rợ, cùng những người bị xã hội đào thải, như ăn mày ăn xin, tù tội được tha v.v. đám người này cũng đông nhưng không được gọi là một giai cấp hay một phái gì, vì họ bị khinh bỉ hơn con vật, phần nhiều họ phải sống ngoài châu thành, đời sống của họ rất tê tiện, khổ sở, dễ làm cho mấy hạng người trên càng thêm khinh` ghét và ghê tởm.
Đức Thích Ca một hoàng tử thân yêu, sống trong cung điện ngọc ngà, đầy hoa đầy gấm, chung quanh những bậc quý tộc, có bao giờ được trông thấy cảnh ấy đâu.
Một hôm Ngài theo vua cha dạo chơi nơi thôn dã, thấy nhân gian làm ăn vất vả khó nhọc, Ngài lấy làm sửng sốt, từ đấy Ngài có ý niệm về cuộc đời. Với tính thông minh tuyệt vời, hay xét nghĩ tìm tòi, nên sau mấy phen đi dạo chơi ngoài các cửa thành, Ngài được thấy rõ cái khổ đau của loài người, ở những cảnh bệnh chết, già nua, phơi bày nơi túp lều tranh, hay nghiêng ngửa nằm hai bên vệ đường, không người nâng đỡ, Ngài nghĩ đấy là do một chế độ bất công đã đè nặng trên đầu họ, khiến họ phải khổ sở và vất và như thế.
Ngài bỗng nảy tấm lòng thương xót đám dân hèn yếu và ngờ vực cuộc đời cao quý, sung sướng, êm đềm của mình.
Ngài vốn là một người ưu tư, nhất là sẵn có một tấm lòng thương xót từ bi rộng lớn vô biên, từ đó Ngài sinh ra buồn rầu lo nghĩ, muốn xuất gia tìm một chân lý để cứu thoát cho nhân loại.
Vua Tịnh Phạn thấy con khác ý, cũng sinh ra lo buồn, tìm cách để giải khuây cho thái tử bằng những cuộc vui, chọn thêm nhiều mỹ nữ, xây cung điện bốn mùa, lập nhiều vườn hoa, trồng đủ các thứ hoa thơm lạ lùng, càng thấy những cảnh truy hoan, thái tử càng thêm buồn chán. Một hôm Ngài tâu với vua cha xin đi xuất gia. Vua Tịnh Phạn rất lấy làm sửng sốt khi nghe lời van xin ấy. Ngài không muốn cho thái tử xuất gia, và sợ thái tử trốn đi, nên ra mật lệnh canh gác nghiêm ngặt, và cấm không cho thái tử ra ngoài thành để gặp đám dân hèn hạ đang đau thương mà vua biết đó là cái cớ khiến cho thái tử buồn rầu.
Nhưng thái tử đâu có chịu cầm tù trong cảnh cao quý giả dối ấy ! Một hôm, thái tử quyết chí từ biệt phụ vương, dứt tình thân mến gia đình trốn ra khỏi thành tìm đến các khu rừng của các bậc tu khổ hạnh, để tham tầm đạo lý. Sau khi đã tìm gặp các danh sư đạo sĩ, Ngài thấy đạo nào cũng không được cao siêu lắm, và dù tu hành cho giỏi, may ra cũng chỉ giải thoát được một mình mà thôi. Ngài muốn đi tìm một nơi xa vắng hơn để tu thiền định, bèn đi vào núi Tuyết Sơn (Hymalaya) ở đấy trải qua sáu năm khổ hạnh tu tập, song vẫn chưa thấy điều gì, nên Ngài lại qua núi Kada, bên sông Ni Liên Thuyền (Nackayaur) nay là sông Phalgu. Bấy giờ có nàng mục nữ đem sữa dâng cúng Ngài. Ngài ăn xong thấy thân thể trở nên sức khoẻ. Ngài vừa xuống sông tắm rửa sạch sẽ rồi lên ngồi bên gốc cây đại thụ nhập định và thề rằng : ỀNếu ngồi ở đây mà không chứng được đạo quả, quyết không bao giờ đứng dậyỂ.
Qua 48 ngày, một hôm, Ngài thấy tinh thần sáng tỏ, tiêu sạch những ám chướng, thấy rõ chân tướng của vũ trụ.
Ngài đã hoàn toàn giác ngộ, đã thành Phật. Ngài đi chu du khắp lưu vực sông Hằng (Gange) và các nước nhỏ khác để thuyết pháp, giảng dạy cho mọi người các chân lý mà Ngài đã chứng ngộ được.
Trong túi Ngài không một viên đạn, sau lưng Ngài không một quân đội thế mà Ngài đã chinh phục được các bậc vua chúa, các đạo sĩ Bà La Môn, đều muốn theo pháp hoá của Ngài.
Một chủ trương bình đẳng, Ngài đã lật đổ được sự phân chia giai cấp, đưa đám dân nghèo cùng khổ đến một đời sống vui tươi rộng rãi.
Với đời sống rất giản dị, nhân cách rất cao thượng, đạo đức thuần khiết, Ngài đã cảm hóa tất cả mọi người trong xã hội, tuy trong những buổi thuyết pháp, Ngài không nói đến vô ngã, mà thực đời Ngài là một đại ngã hoạt động. Suốt cuộc đời Ngài chỉ tận tụy hy sinh cho đạo, đen chân lý chiếu tỏ nhân gian, cứu nhân loại ra khỏi mê lầm khổ sở.
Ngài thuyết pháp trong bốn mươi chín năm, thọ tám mươi tuổi.
Dưới đây tôi xin giới thiệu cùng các ngài, một tấm lòng mong ước tin kính, có thể nói đã đại biểu cho tinh thần Phật Giáo, phần đông nhân loại hiện nay đối với đức từ bi cứu khổ là "Phật".
Tôi xin được dịch bài thơ của Tagore, một thi hào Ấn Độ đã nổi tiếng thế giới. Bài thơ này Ông làm ra trong khi đến dự Lễ Khánh Đản Đức Phật ở Tích Lan hồi năm 1934.
Thế giới hiện nay thù oán nhau như thù dữ rừng hoang
Xung đột nhau bằng đủ cách
Bảo rằng công mà kỳ thực chứa đầy túi tham lam ích kỷ
Toàn thể sinh linh đang mong Ngài ban cho nguồn sống mới lạ
Vậy luồng vô biên của Ngài hãy cứu vớt cho
Bao nhiêu hy vọng đang chờ hương sen vô tận của Ngài
Xin Ngài chiếu hào quang soi sáng thế gian
Thật đã là hiện thân của ánh sáng và tự do
Từ thiện của Ngài vô hạn, xin rửa sạch kiếp lầm than của cuộc sống tàn khốc
Ngài là đại thí chủ cho mãi không thôi
Xin cho chúng tôi những năng lực dũng mãnh
Ánh sáng trí tuệ của Ngài như mặt trời nắng soi đường cho kẻ mờ quáng
Làm sống lại những kẻ sắp chết giữa biển trầm luân.
(Bài thơ này trích dịch ở báo Hải Triều Âm)
Trong bài thơ này ta nhận thấy tràn đầy một tấm lòng cầu xin thiết tha, thanh sạch biết bao ! Tagore cũng như nhiều người khác, thấy đời là nơi tăm tối đầy tội lỗi, muốn cứu vãn chỉ có đem ánh sáng Phật Giáo chiếu tỏ mọi nơi, ai nấy đều thực hành, xã hội sẽ trở nên thái bình cực lạc.
Cái kỷ nguyên từ bi, bác ái tự do, hạnh phúc, đức Phật mở ra cách đây 2500 năm, bây giờ chúng ta bồi đắp thêm nữa.
Cái thời hạnh phúc không thể một lúc mà tới nơi được, cả mấy thế kỷ đã trải qua để gây dựng và duy trì hiện tại, cần phải còn nhiều thế kỷ nữa mới gội rửa hết cặn bã của đời, thiết lập cảnh đời tự do an lạc.
Giờ đây chúng ta cần san sẻ cho nhau cái lý tưởng ấy, chia sẻ cho nhau cái lòng từ bi, lợi tha cùng trí dũng mãnh, mạnh dạn tinh tiến ấy.
NHẬN THỨC LUẬN
Làm sao ta biết vũ trụ thực có chứa đọng một bản thể bất sinh bất diệt, bất di bất dịch, và trí thức con người ta có thể hiểu được cùng tột bản thể ấy không ? Nghiên cứu đến vấn đề ấy tức là nghiên cứu đến vấn đề nhận thức. Nói theo triết học là nghiên cứu tính chất và bản nguyên của tri thức của ta do đâu mà có, nó đáng giá bao nhiêu, và có thể dùng tri thức ấy, để đạt đến mục đích trên con đường đi tìm chân lý không ?
Xét về nhận thức luận, ta có thể xét các vấn đề: bản chất của trí thức - nguồn gốc giúp trí thức phát triển - hiệu lực của trí thức.
A) BẢN CHẤT CỦA TRÍ THỨC.
Về vấn đề này, các triết học Âu Tây, một phái trí thức bởi tiên thiên (apriorisme). Một phái khác quá thiên về khoa học, chủ trương trí thức do kinh nghiệm (empirisme) đem lại.
Về Phật giáo tuy có phái tiểu thừa cũng chủ trương trí thức do ảnh hưởng ngoại cảnh, nhưng đồng thời cũng chủ trương nghiệp cảm duyên khởi, nghiệp lực của ta trong đời này, sẽ mang lại cho ta một đời sống khác về tương lai.
Như thế thì đối với vấn đề trí thức có hơi mơ hồ, chưa đúng với tinh thần Phật giáo. Đến khi Đại thừa Phật giáo, nhất thiết chủ trương bản thể vũ trụ chứa đầy sẵn một linh thức, mà linh thức ấy là một năng lực rất hoạt động và sáng hóa. Nên tính biết của ta bao giờ cũng nằm sẵn trong tâm ta, mà những cái cảm xúc bên ngoài chỉ là để gợi dậy tác dụng phân biệt của tính biết ấy.
Chính đức Thích Ca sau mấy năm tu luyện, khi mới thành đạo ở bên gốc cây bồ đề, Ngài liền tuyên bố: "Tất cả chúng sinh đều có đức tướng trí tuệ của Như lai" Vậy trí tuệ ấy là bản chất của trí thức. Những danh từ "trí bát nhã trí, căn bản" hay "giác tính" ở trong các kinh luận thường dùng là để chỉ cho trí thức sẵn có ấy của chúng ta. Song ta nên hiểu, không phải nó đồng loại với thuyết tiên thiên của các triết học.
B) NGUỒN GỐC GIÚP TRÍ THỨC PHÁT TRIỂN
Tuy nhiên trí thức ấy cũng phải nương vào cái học gì, kinh nghiệm gì để cho được phát triển rộng rãi, dồi dào, đặng giúp ta trong công cuộc tìm hiểu chân lý.
Đối với vấn đề này Phật giáo cho trí thức do ba nguồn mà ra: Hiện lượng, Tỉ lượng và Thánh giáo lượng.
Hiện lượng ta có thể phân biệt làm hai. Một là do thánh trí thấu suốt sự vật bằng cách trực giác (intuition) khi tâm đối cảnh bên ngoài, cũng như ở trong định. Đây là tác dụng của trí tuệ những bậc có tu tập thiền định, đến một mức cao hay những bậc đã thân chứng chân lý như Phật, Bồ tát mới có, còn một phần nữa, mà đây chỉ là hiện lượng hay trực giác phổ thông, gồm cảm giác và trí giác, do kinh nghiệm.
Hiện lượng gồm có cảm giác và trí giác do kinh nghiệm hàng ngày đem lại. Ví dụ: như màu xanh, vàng, đỏ, trắng của các sắc, hình dài, ngắn, vuông, tròn của cái thước, cho đến lửa nóng nước mát, gió rung chuyển ... trong mỗi vật đều có tự tướng riêng biệt của nó. Trong khi ngũ quan ta đối với cảnh trực nhận các cảnh hiện tiền, thân chứng được tự tướng của nó, không còn phải suy nghĩ so lường, mà vẫn xác nhận được rõ ràng, không sai lầm chút nào. Sách tôn cảnh dục có dẫn lời giải về hai chữ Hiện lượng: Hiện là hiển hiện, lượng là đo lượng, cũng có nghĩa là xác định. Nghĩa là nói trong khi tâm mình đối cảnh, không lượng danh ngôn, không dùng tâm đo lường, mà vẫn trực nhận pháp thể xác nhận rõ ràng không có phân biệt mê lầm, vậy hiện tượng là một tác dụng trí thức rất cần thiết, nếu các trí thức đầu tiên ấy, nghĩa là trong hiện tượng mà ta nhận sai sự vật, thì bao nhiêu trí giả suy lý tiếp theo đều hỏng cả.
Tỷ lượng gồm phán đoán và suy lý tức là tâm lý giác ở sau hiện tượng, nghĩa là đối với mọi vật gì, vấn đề gì, mà ở trí thức ta chưa từng có, quan niệm rõ rệt nên cần phải có sự tỉ giáo mới phán đoán biết rằng: Tất thẩy cái gì do công năng tạo tác mà có ra đều giả dối vô thường, như những bình, bàn v.v. mà do đó ta cũng xét biết thân người do khí huyết cha mẹ sinh ra, cũng không phải cái thường còn mãi mãi.
Bất cứ một sự vật gì, hoặc một vấn đền gì, sau khi ta đã dùng lý trí mà tỉ giáo, phân biệt để biết nó tạo thành ở ta một khái niệm rõ rệt chắc chắn, không còn cái gì có thể lừa gạt ta được nữa.
Tuy nhiên nhiều khi vì trí tuệ không được sáng suốt, tỉ giáo không đúng sự vật, không giỏi về phương pháp luận lý, trí thức có thể đưa ta đến chỗ sai lầm nguy hiểm, nhận thức không đúng chân lý, gọi là "Phi Lượng" (chỗ này trong quyển Triết học Phật giáo của Phan Văn Hùm tiên sinh đoạn nói về nhận thức luận, Phan tiên sinh đã hiểu lầm hai chữ "Phi Lượng" mà đặt cho nó một giá trị rất lớn, biết được thế chỉ nhờ "phi lượng". Đại ý về một đoạn văn trong đó tiên sinh cho hiện lượng và tỉ lượng không thể thân chứng được tự thể của vật, mà chỉ có "phi lượng" tức phi trí thức mới hiểu được "thật thể" của vật mà thôi. Tiên sinh còn dẫn câu "tình có lý không" để giải thích thêm vào làm chứng cứ cho nghĩa đó, chẳng hay câu ấy tiên sinh cũng lại lầm nốt.
Do những cầu sai lầm ấy, khiến tiên sinh phải lúng túng nhiều trong câu văn và đối với nhận thức của Phật giáo tiên sinh mơ hồ, và đi đến một lầm lỗi lớn)
Ngoài tỉ lượng, hiện tượng còn có thánh giáo lượng, cũng là một yếu tố đem lại cho trí thức ta nhiều chứng thực mà nói ra, ta căn cứ vào đấy là tiêu chuẩn, để tỉ giáo phán đoán, tìm hiểu chân lý, hoặc khi dùng nó làm bằng chứng cho một kết quả do trí thức ta tỉ giáo mà biết được.
Để làm qui củ cho phép luân lý, Trần Na Bồ Tát (Jina Bodhisattva) canh tân nền luận lý học ở Ấn Độ (Tức Nhân Minh Học) dùng ba phương thức, tức là ba phép (Tam chỉ): Tôn, Nhân, Dụ để tỉ lượng trong khi xét lập luận đối với người.
Tôn nghĩa là gốc, Nhân là lý do, Dụ là ví dụ như ba câu dưới đây dùng nhiều trong các sách về nhân minh.
1) TÔN : Trên núi kia có lửa.
2) NHÂN : Bởi vì có khói.
3) Dụ : Phàm chỗ nào có khói tất có lửa, như bếp ở lò.
Trong sách nhân minh Ngài Trần Na còn nêu lên bao nhiêu các lối thuộc về tôn, nhân, dụ để cho người học biết mà tránh khỏi trong khi suy lý lập luận Người nào rành về cách thức suy lý, tránh khỏi các lỗi thuộc về tam chỉ ấy, tự nhiên có nguồn trí tuệ rất dồi dào, có tài hùng biện rất giỏi, do đó để tìm hiểu chân lý ở mọi sự vật, đặng giúp cho cả hai phần là tự ngộ và ngộ tha (giác ngộ cho mình, và giác ngộ cho người khác).
Phép tam chỉ trên đây không khác gì pháp tam đoạn luận thức của triết học, chẳng qua đổi ngược lại, ví dụ:
PHÁP TAM ĐOẠN LUẬN
1) Đại tiền đề: Hễ chỗ nào có khói tất có lửa.
2) Tiểu tiền đề: Trên núi kia có khói.
3) Đoạn án: Vậy trên núi kia có lửa.
Chẳng hạn như ba câu dưới đây hay dùng trong các sách luận lý học:
1) Người nào cũng có lúc chết.
2) Socrate là người.
3) Vậy Socrate phải có lúc chết.
Nhưng theo nhân minh tam chỉ thì lại đổi là:
1) Socrae phải có lúc chết
2) Socrate là người
3) Ví dụ : như người khác.
Trong đây chỉ khác là thí dụ ở tam chỉ, tam đoạn luận đem làm đại tiền đề, mà câu thuộc về tôn là nghĩa gốc thì lại đem làm đoạn gốc vậy
Trên đây theo nhận thức ta đã xét qua bản chất và bản nguyên của trí thức, và chúng tôi cũng có dịp nói đến phép luận lý về nhân minh cùng so sánh sự giống nhau của nó với pháp tam đoạn luận. Đến đây ta bàn đến giới hạn và hiệu lực của trí thức, nghĩa là có một phương pháp tỉ giáo suy lý như thế rồi thì nó có ích gì và trí thức ta sẽ biết đến đâu.
Theo Phật giáo, bản chất của trí thức đã là một năng lực chứa đựng sẵn trong tâm chúng ta, ta chỉ làm cho nó được phát triển mạnh lên mà thành trí tuệ vô biên, nên trí thức rất có ích cho ta trong việc tìm hiểu sự vật và nó sẽ hiểu biết cùng tột đến bản thể chân lý. Chẳng qua ta phải lìa bỏ cái trí thức bên ngoài theo phép tỉ giáo luận lý, sau khi ta đã biết và dùng nó, nghĩa là muốn biết trí tuệ ta biết đến đâu và để đạt được mục đích thân chứng bản thể chân lý, ta phải xây lại với mọi hoàn cảnh giả dối bên ngoài, để tìm vào trí tuệ bên trong của ta. Hiện tượng (nói nghĩa phổ thông do kinh nghiệm hàng ngày đưa lại) và tỉ lượng cho ta biết những cảnh sai biệt, do năm giác quan đem lại, chứ không thể đưa ta đến bản thể vô biên và tuyệt đích. Nếu ta cứ theo đuổi cái cái danh nghĩa của sự vật bên ngoài mà tỉ giáo suy lý mãi, thì không bao giờ đạt được đích của sự hiểu biết, mà cũng không bao giờ ta thân chứng hay ngộ nhập được bản thể chân lý.
Không gì hơn ta cứ nắm lấy cái gốc tìm hiểu ngay bản thể của tâm ấy. Khi ta có một công phu đặc biệt phát minh trí tuệ, đến chỗ cùng tột, nhập cùng lý thể, lý và trí hợp nhất, đến đây mới thực thân chứng bản thể.
Bấy giờ cái biết không phải thuộc về ngũ quan nữa, mà là "tâm biết" ngũ quan chỉ là cửa sổ để cho tâm ở trong nhìn ra mà thôi, đem tâm ấy mà chiếu vào sự vật, thì tất thảy đều thông suốt, không gì ngăn ngại.
Trước đây hơn 2500 năm Đức Phật đã cho ta biết vũ trụ là động, muôn vật luôn luôn biến chuyển đổi rời; Cùng trong một bát nước có vô số vi trùng, trong mỗi vật chất có một năng lực rất lớn, giữa vũ trụ có sự liên quan chằng chịt với nhau, trong vũ trụ có vô số thế giới, mỗi thế giới có một hình thức không giống nhau .
Luận duy thức nói: "Tâm sở hữu tính chư pháp, nhất thiết tính, nhất sở hữu, chư pháp chân như tính"_ Nghĩa là: (Cùng tột tính sở hữu của các pháp, đúng như tính sở hữu ấy, tức là tính chân như của các pháp) nghĩa là "chân lý".
Nếu trong nhận thức có hai phần là tuyệt đối và tương đối. Trong tuyệt đối hẳn không còn có tương đối, không thấy có người có mình; Có muôn vật sai khác, là cảnh ly ngôn không phân biệt cái biết và cái bị biết, đều lặng yên, chỉ một bản thể như như bình đẳng, không hình tứơng, không tông tích như trong Kinh Bát Nhã nói: "Vô trí diệc vô đắc" trong Kinh Lăng Già nói: "Viễn ly giác sở giác". Còn về phần tương đối, thì trí thức vẫn thấy đủ muôn vật, phân biệt theo đúng tính sở hữu của nó, như trong Kinh nói: "Trí Phật cùng khắp thế giới" soi thấu các các cơ (căn cơ của chúng sanh) biết rõ sự vật, cho đến con cò vì sao mà trắng, con quạ vì sao mà đen, Phật đều biết rõ nguồn gốc ngành ngọn, đến cả vũ trụ mênh mông, vô số thế giới, trong mỗi thế giới có vô số chúng sinh, căn cơ khác nhau, chí hướng khác nhau. Phật đều biết rõ. Một Đức Phật như vậy, ngàn muôn Đức Phật cũng vậy, cho đến người nào thấy được bản thể đồng một trí tuệ như vậy, chẳng kém chút nào.
Trong Kinh Phật dạy: "Tất thảy chúng sinh đều có trí tuệ đức tướng Như Lai" - lại nói: "Tất cả chúng sinh đều có thể thành Phật" - Thành Phật là nghĩa thế nào? Tức là chỉ rõ trạng thái giác ngộ, ngộ nhập bản thể chân lý vũ trụ.
PHẬT THÂN LUẬN
Do những chương trên, ta đã nhận thấy vũ trụ có một bản thể rộng lớn và trí tuệ của ta có thể thực chứng được bản thể ấy. Song trạng thái sau khi ngộ nhập bản thể như thế nào là cái không không, không gì cả, hay là một cảnh giới quang minh vô hạn trong đó ta sẽ hưởng được cảnh giới vô biên.
Nghiên cứu vấn đề này tức là bàn tới Phật Thân và Phật Độ (cõi Phật).
Muốn hiểu Phật Thân như thế nào ? Ta phải hiểu nghĩa chữ Thân.
Chữ Thân có hai nghĩa:
1) Bản thể
2) Tập hợp
Bản thể là nương tựa để cho cái khác nương tựa vào đó mà có. Ví dụ như thân cây là bản thể cho những hoa lá nương tựa vào đấy mà được nảy nở; Thân người là bản thể cho tóc, răng, móng tay... nương tựa vào đấy mà sinh trưởng.
Nghĩa thứ hai là tập hợp tức chứa nhóm, hoặc kết tụ. Như thân cây do nhiều nguyên tử, tế bào hợp lài mà thành (theo nghĩa khoa học) cho đến thân người cũng thế, phải do nhân duyên hoà hợp chứa nhóm mà sinh.
Phật Thân có 3:
1._ Pháp Thân
2._ Báo Thân
3._ Hoá Thân
Thế nào là Pháp Thân ? - Pháp thân tức là bản thể rộng lớn vô biên của vũ trụ, bản thể ấy là nương tựa, hay là căn nguyên sinh ra các pháp (tức vạn hữu theo nghĩa phổ thông của Phật gọi là pháp) nên gọi Pháp thân. Lại theo ý nghĩa từng nơi trong Phật giáo còn dùng những danh từ: Pháp giới, Chân như. Thật tế, Phật tính, Tự tính, Thanh tịnh tâm, Vô lượng quang, Như thị v.v. để chỉ rõ về bản thể ấy.
Bản thể pháp thân tất cả chúng sanh đều có. Như trong kinh Phật dạy:"Hết thảy chúng sanh đều có Phật Tánh".
Lại trong Kinh Pháp Hoa nói:"pháp ấy bình đẳng không có cao thấp". Pháp ấy là gì ? - Tức là Bản thể, là Pháp thân, chẳng qua trí thức ta đã bị nhiều lớp vô minh che phủ khiến không có trí tuệ thấu triệt rộng khắp để ngộ nhập bản thể, mê và ngộ khác nhau ở chỗ đó, mà cũng vì thế phải lưu chuyển sinh tử.
Thế nào gọi là Báo Thân ? - Báo nghĩa là đáp lại, hễ cái gì đã có nhân thì tất có quả; Nhân lành thì quả tốt, nhân dữ thì quả xấu. Quả tức là sự đáp lại của nhân, nhân là cái để sinh ra quả. - Các đức Phật nguyên trước cũng là chúng sinh , song các Ngài biết mình có bản thể pháp thân, đó là cái nhân chân chính để thành Phật, nên căn cứ vào đấy mà tu tập, trải qua bao số kiếp tiêu sạch những mê vọng ám chướng, phúc tuệ đầy đủ, chứng được bản thể chân như, cảm được báo thân tốt đẹp trang nghiêm, như trong kinh nói: "Thân của Phật là từ trong pháp giới trong sạch thanh tịnh tâm mà sinh ra, từ vô lượng công đức trí tuệ mà sinh ra, từ sáu phép ba-la-mật mà sinh ra, từ từ bi, hỷ xã mà sinh ra".
Vậy cho biết thân của Phật bởi kết tụ bao nhiêu trí tuệ, đức tính lành tốt trong vô lượng kiếp, mà Ngài đã xả thân vì Đạo, hy sinh vì lợi ích cho chúng sanh, ấy là phúc quả đáp lại của cái nhân tu hành chân chính. Nhân đã căn cứ vào bản thể rộng lớn vô biên thì quả cũng sẽ cùng thời gian vô cùng vô tận ! mà đã có thân ắt có độ. Nên cõi Phật là cõi thanh tịnh trang nghiêm, là cảnh giới siêu phàm đầy sự an lành giải thoát.
Thế nào gọi là Hoá Thân ? - Hóa là ứng hóa, hoặc biến hiện, các đức Phật sau khi đã tu hành chứng ngộ được chân lý, trở về bản thể pháp thân, tức là trí tuệ và vật chất đã chung hoà lẩn nhau, nên bấy giờ diệu dụng vô cùng, muốn hoá ra thân này thân khác, cùng ngàn muôn ức thân, tùy theo nhu cầu của chúng sinh, căn cơ như thế nào mà thuyết pháp hóa độ, như trong kinh nói: "Đức Phật Thích Ca hiện thuyết pháp ở cõi này, đồng thời ở thế giới khác cũng có hóa thân của Ngài, hoặc đương ngồi ở bên gốc cây bồ đề tọa thiền nhập định, hoặc đương ở pháp toà thuyết pháp giáo hóa v.v." Ta chớ lấy làm lạ, khi nói hoá thân của Phật hay Bồ tát, mà cho là chuyện huyền hoặc gì đâu, đó chỉ là các Ngài đã đi đến một trình độ tinh vi của vất chất và tư tưởng. Vì tư tưởng và trí tuệ đã sáng suốt và giác ngộ hoàn toàn không còn những ám chướng mê lầm phiền não. Về vật chất thì đã dung hoà với bản thể không có cái hình xác ù lì đầy cặn bã đúc nặng như thân thể của chúng ta bây giờ. Nên mọi sự tác động của các Ngài đã diễn kịp theo sức tư duy không còn có cái gì ngăn ngại nữa. Ví dụ như tôi muốn đi ra Hà Nội để thăm người bà con chẳng hạn. Nếu như thân xác tôi là vật chất ù lì, sự hành động không được mau như ý muốn nên đã mất một ngày rưỡi, ngồi lì trên chiếc tàu hỏa, hay một tháng trường kéo từ Huế ra Hà nội, nếu đi bộ. Trái lại nếu vật chất tôi đã được tinh vi, tác động theo kịp sức tư duy, thì chỉ trong nháy mắt tôi đã tới Hà nội ngay.
Chúng ta đã từng thấy những nhà huyền thuật đứng trước công chúng làm những trò huyễn hoá. Đối với người thông thường không hiều gì, thì mỗi mỗi trò của nhà huyền thuật làm ra đều cho là quái dị và huyễn hoặc lắm. Song nếu ta có thực hành tập trung tư tưởng, hay sự luyện tập như nhà huyền thuật kia, thì những trò huyền thuật ấy có khó gì. Vậy hóa thân chỉ là tác động hay diệu dụng của những bậc tu hành sau khi đã chứng ngộ chân lý.
Chúng ta có pháp thân và có báo thân, có Vị Bồ tát có đủ ba thân, song chưa được viên mãn, chỉ có Phật mới đầy đủ cả ba thân.
Tóm lại, tuy chia ra ba thân là để cho chúng ta dễ hiểu, dễ cảm nhận, chứ thực ba thân vốn là một thể; hóa thân hay báo thân đều là diệu dụng của Chân như, vốn từ trong thể pháp giới thanh tịnh trong sạch mà phát hiện ra, cũng như sóng tức là nước, nước tức là sóng, hai cái không thể rời nhau được.
Như thế tu theo đạo Phật đâu có phải thành cái không không, như người đời thường hiểu lầm Niết bàn là cảnh tiêu vong không gì hết, và người ta sao cứ sợ vẩn vơ. Nếu mà tu theo Phật hết, thì thế giới này sẽ chơ vơ không có con người. Quan niệm ấy thực sai lầm, không có ta ở thế giới này, chớ đâu không có giống khác và lớp người khác. Trong vũ trụ rộng lớn vô biên, có hằng hà sa số thế giới, ta ở thế giới nào lại không được, miễn là an lành giải thoát, sao lại cứ bo bo chấp giữ cái thế giới đầy nhơ bẩn ô trược khổ não này mới thật là của ta ?
Trong kinh Phật dạy: "Tùy chúng sinh tâm, ưng sở tri lượng, tùy nghiệp phát hiện". Nghĩa là nói thế giới cùng bản thân chúng sinh, đều do trình độ của tâm chí mà phát hiện ra. Như Phật là bậc tâm chí đã hoàn toàn giác ngộ, hưởng phúc báo vô cùng ở cảnh Niết bàn, tuy thường hiện thân cứu khổ. Song cũng không vì mê lầm ràng buộc.
Còn chúng sinh đương bị nghiệp chướng lôi kéo, quay cuồng theo sống dục vọng đê hèn, theo từng nghiệp nặng nhẹ hiện ra từng cảnh giới khác nhau, đắm chìm trong bể khổ ... Tất thẩy hiện tượng đều là phản ảnh trung thành của tự tâm. Tâm nhiễm thì cảnh giới đầy chông gai khổ sở; tâm thanh tịnh thì cõi Phật thanh tịnh.
Vậy ta chỉ lo tâm không tiến hoá, không thanh tịnh, và chớ lo rằng tu hành rồi thế giới này sẽ bỏ không và sợ Niết bàn chỉ là không tưởng.
Kết luận
Dù sao chúng tôi cũng không lấy làm thoả mãn với những giòng chữ trong sách này đã được đi ngang qua dưới đôi mắt của các ngài, dầu không được tán thành, song nó cũng đã làm tròn nhiệm vụ một phần nào, ít ra nó cũng gợi thêm hoặc nhắc nhở ở lý trí các ngài về vấn đề suy tìm chân lý.
Vì nó là cái cần thiết hơn tất thảy sự cần thiết trong đời sống của chúng ta. Vì nếu chúng ta tìm hiểu được rõ ràng thấu đáo về vần đề vũ trụ nhân sinh, tức là chúng ta đã tìm thấy đường đi nước bước của mình. Nếu vũ trụ là một vấn đề ta không hiểu biết được, không quan hệ gì đến ta, và nhân sinh chỉ có giá trị trong khoảng thời gian 5, 70 năm, thì ta cũng không cần phát triển năng lực làm gì cho khó nhọc, không cần kiềm thúc lòng ta, bất cứ về một luân lý, đạo đức hay một kỷ luật của một xã hội nào làm gì. Trái lại, nếu vũ trụ với ta có sự quan hệ, lý trí ta có thể hiểu biết được và nhân sinh có thể tiến hoá hơn nữa, để đạt tới mục đích vĩ đại cao thượng thì cần đem bao nhiêu ý chí để phụng sự lý tưởng ấy.
Hiện nay nhân loại đã tiến hoá đến bực nào? Những tư tưởng đại đồng cùng vấn đề tìm hạnh phúc chung cho nhân loại đã được những bậc ưu thời mẫn thế nhắc nhở tìm phương bổ cứu.
Người ta đã khổ sở nhiều và rất chán ghét về chiến tranh, khoa học đã thất bại về vấn đề tìm hạnh phúc cho nhân loại. Triết học từ thế kỷ XVI sắp xuống, đã bị khoa học lột trần, chỉ để còn một môn học hình nhi thượng mà thôi, còn tôn giáo thần quyền thì không thể đứng vững trong thời đại khoa học này được. Chính trị thì phải tuỳ theo tình thế mà biến chuyển luôn luôn. Vả lại, chính trị chỉ là một tác dụng của một chủ nghĩa theo từng xu hướng khác nhau. Từ ý chí cho đến quyền lợi, có nhiều sự chêng lệch. Xã hội chủ nghĩa và tư bản hiện nay đang chống đối nhau, chưa nói được cuộc thắng bại của tương lai ra thế nào; Ngay hiện tại nếu mọi người không cùng một lý tưởng chân chính đủ chí khí can đảm, đức hy sinh vị tha vô ngã chân chính, thì thử hỏi con người có thể đứng vững giữa bao làn sóng đương phập phồng ghê tởm, muốn lôi cuốn nhân loại về nơi đáy biển vô tận không?
Ôi ! con đường tương lai của nhân loại; Thật còn đương mịt mù thăm thẳm !!! ... Song, dù thế nào, nhân loại còn có diễm phúc, lý tưởng ái hòa đồng điệu, nếu là lý tưởng chung của nhân loại, do lòng nhu cầu tha thiết và thành thật, thì ta cũng có thể đoán biết thế giới tương lai sẽ phản ảnh trung thành của lý tưởng ấy.
Nếu thế văn hoá mới tương lai của nhân loại cũng phải là cái văn hoá ái hòa đồng điệu dung hợp đủ cả hai phương diện : "Lý trí" và "tình cảm", tràn đầy tư tưởng tự do, bình đẳng và bác ái, chứ không phải như cái văn hoá hiện giờ - Thứ văn hóa thú vật, người bóc lột người, chém giết người v.v. nhưng văn hoá mới ấy tìm ở đâu, nếu không phài là Phật Giáo.
Nói thế chắc các ngài nghĩ rằng : Nhân loại hiện nay hay sau này không phải là lớp nhân loại cách đây hơn 2,000 năm về trước nữa. Vậy Phật Giáo ắt sẽ chết theo, đã tiêu diệt theo chế độ phong kiến ở Tàu và ở ta vậy. Sự nhận xét ấy, đã không khỏi sai lầm, sự thật thì chúng ta cũng không đến nỗi chủ quan chật hẹp, muốn ai cũng bỏ cái học khác, để chuyên về học Phật, mà chỉ muốn cho nhân loại biết chọn lấy con đường sống rộng rãi chính đáng, làm động cơ để hướng dẫn tư tưởng hành vi của mình trong cuộc sống còn khỏi phải sai lạc nguy hiểm.
Ta không thể đem Nho Giáo so sánh với Phật Giáo được, Nho Giáo là phản ảnh xã hội về đời xuân thu chiến quốc bên Tàu, tức là sản phẩm của chế độ phong kiến mà đến Không Tử là một nhà chính trị kiêm luân lý của các chế độ ấy. Đằng này, trái lại Phật Giáo tuy phát nguyên từ Ấn Độ, nhưng không phải là sản phẩm của chế độ, hay một thời đại nào, mà là phản ảnh của mọi sự đau khổ của chúng sinh. Nên Đức Thích Ca không phải là nhà chính trị cốt để gây dựng lên một nước, hay một chế độ nào. Song muốn bảo Ngài là chính trị, thì chính Ngài đã làm chính trị cho tất cả chúng sinh.
Vì tư tưởng của Đức Phật là tư tưởng rộng khắp, bao giờ cũng chủ trương giải cứu cho muôn loài quần sinh thoát khỏi vòng mê lầm, khổ não, hưởng được yên vui an lành giải thoát. Chính trong những buổi thuyết pháp, Ngài thường nói đến tất cả chúng sinh và thế giới, chứ không phải như Khổng Tử, Tu thân, Tế gia, Trị quốc, Bình thiên hạ, với một quan điểm nhỏ hẹp của nước Tàu, cùng các nước chư hầu phong thổ bấy giờ. Nên hễ thế giới, nhân loại còn đau khổ thì Phật Giáo còn là phương thuốc rất cần yếu, và nếu nhân loại đã đến đích đại đồng, thì Phật Giáo là bản đàn du dương nhịp nhàng theo khúc nhạc huyền để ca ngợi cảnh đời giải thoát.
Chẳng qua hạnh phúc hay thế giới ái hòa đồng điệu, mỗi cá nhân chúng ta phải tự làm ra nó, không phải cứ ngồi lì chờ ai đem lại cho mình (?) Nếu có hạnh phúc do một kẻ khác đem lại, thì tưởng hạnh phúc ấy chỉ là cái giả dối tạm thời, chớ đâu phải chân thật vĩnh viễn.
Những kẻ ưa nói suông, hay giữ thái độ thờ ơ, hoặc do dự, chỉ là kẻ hèn nhát, thiếu can đãm là ký sinh trùng của nhân loại mà thôi.
Đức Phật dạy:
"Các người hãy tự mình thắp đuốc mà đi".
Lời thuyết pháp ấy tuy vắn tắt, cũng đủ chứng tỏ Đạo Phật đấy tính độc lập và tự chủ.
Tôi mong rằng thế giới tương lai của nhân loại sẽ là thế giới Phật Giáo, đầy sung sướng, hạnh phúc chân thật an lành vĩnh viễn !!!
Thiền sư Thích Mật Thể. (Hết)