;
Kinh điển Phật thì cho rằng những con rắn độc hại ấy luôn hiện hữu trong mỗi con người chúng ta. Vậy mà từ bấy lâu nay, ít ai hay biết. Tết năm con rắn sắp đến, nhân thấy trong " Phật Quang Đại Từ điển", " Tự điển Thiền tông" của Viên Tân và " Phật giáo Văn hóa" có một vài chỗ đề cập đến con rắn, nên chúng tôi xin mạn phép lược dẫn ra để bạn đọc đặc san Xuân " Lắng Nghe " coi chơi trong ba ngày Tết.
1. Tứ độc xà :
Còn gọi là " Tứ ngoan xà" và " Tứ xà", tức lấy rắn độc để dụ cho tứ đại trong thân con người là đất, nước, lửa và gió. Theo quyển 5, kinh " Kim Quang Minh Tối Thắng Vương" chép : " Bốn đại trong thân con người như bốn con rắn độc ở chung trong một cái lồng. Tánh của bốn con rắn độc này đều khác nhau. Hai độc đất và nước phần nhiều ngấm xuống, còn gió và lửa thì bốc lên. Nếu bốn đại kình chống thì các thứ bệnh bắt đầu sanh ra. Lại nữa, theo quyển 22, Đại Trí Độ Luận chép : " Hai phe của bốn đại trong thân người luôn hại nhau. Thân người giống như kẻ cầm lồng rắn độc vậy".
2. Xà nhập trúc đồng (Rắn bò vào ống trúc) :
Nguyên vì thân con rắn cong queo, nhưng khi bò vào ống trúc thì tự nhiên biến thành ngay, được ví như cảnh hành giả nhập thiền định thì tâm tự nhiên ngay thẳng, cùng nghĩa với thành ngữ " xà nhập đồng cải khúc" trong Lăng Già Sư Tư Ký. Theo quyển 23, Đại Trí Độ Luận chép : " Tâm ấy từ vô thỉ kiếp cho đến nay thường cong queo, không ngay thẳng. Nếu xử sự đúng đắn thì tâm liền được ngay thẳng, ví như rắn bò thường uốn khúc, nhưng khi chui vào ống trúc thì liền được ngay thẳng". Nghĩa thứ hai là dụng ngữ của Thiền lâm: Trong Thiền lâm, phần nhiều chỉ cho người không biết viên dung, linh hoạt cơ pháp nên đến nổi phải rơi vào cảnh giới tiến thoái đều bị vướng kẹt trong hang hố, không được thư thả giống như con rắn chui vào ống trúc. Theo quyển 2, sách " Hư Đường Hòa thượng Ngữ lục" chép : Tăng hỏi : Ngưỡng Sơn bảo Hương Nghiêm rằng : " Như Lai Thiền thì cứ cho như sư huynh biết đó, còn tổ sư Thiền thì đừng có hòng. Ý này như thế nào ?". Sư đáp : " Rắn bò vào ống trúc".
3. Xà hành pháp :
Là chỉ cho người làm mười điều bất thiện như sát sanh, trộm cướp, ác khẩu, nóng giận ... Phàm thân - khẩu - ý là các động cơ để tạo ra mười điều chẳng lành. Trong quyển 37, kinh " Tạp A Hàm" chép : " Phật dạy các thầy tỳ kheo, có lời nói về xà hành pháp. Văn ấy chép rằng : Xà hành pháp là những gì ? Nghĩa là làm việc ác sát sanh thì tay thường tanh hôi, cho đến mười điều bất thiện như Thuần Đà Tu Đa La. Nói chung, các điều ấy là thân xà hành, khẩu xà hành và ý xà hành. Thân, khẩu và ý của người kia làm việc như thế rồi, đọa ở trong hai đường ác : Địa ngục hoặc súc sanh.
4. Xà thằng ma :
Tức là do lấy ba loại: rắn, dây và gai bố để dụ cho ý nghĩa của ba tánh là biến kế sở chấp tánh, y tha khởi tánh và viên thành thật tánh. Biến kế sở chấp tánh dụ cho chấp trược có thật ngã , thật pháp rồi lầm hiểu thấy sợi dây cho là rắn. Quán ý tha khởi tánh để trừ bỏ cái chấp của ngã pháp, giống như biết là dây nên loại bỏ vọng kiến tưởng là rắn. Kiến viên thành thật tánh là tỏ được sự giả có của tánh y tha khởi, giống như biết sợi dây do gai mà làm thành, rốt lại trừ được sự hiểu lầm thấy dây cho là rắn.
5. Mộc xà :
Là lấy cây chạm trổ thành cái " trúc bề" có hình con rắn. Quyển 17, Cảnh Đức Truyền Đăng Lục chép : Thiền sư Sơ Sơn Quang Nhân tay đang nắm cái trúc bề có hình rắn (mộc xà) thì có vị tăng hỏi : "Trong tay là vật gì ?" Sư đưa lên nói rằng : "Tào Gia Nữ ". Tào Gia Nữ là tiếng gọi hàm dụ xứ Tào Khê, tức là chỉ cho Thiền tông cũng có thuyết cho rằng "Tào Gia Nữ "là thần thổ địa có thân hình như con rắn vậy !
6. Vô cấm tróc xà (không biết cách khống chế mà dám bắt rắn) :
Chữ " cấm" có nghĩa là ngăn chặn, tức muốn bắt rắn độc phải có phương pháp chế phục nó, tất dùng gậy sắt có nạng đè đầu trước, kế đến dùng tay nắm cổ nó. Nếu không làm theo phương pháp này, tùy tiện nắn lưng mà bắt thì sẽ bị rắn cắn chết. Lấy đây để dụ cho tỳ kheo nếu không có pháp để quán trí mà mạn đàm tán gẫu lý lẽ bông lông, buông lòng theo ngũ dục rốt cùng sẽ chịu khổ cùng cực, tự làm lao nhọc mình vậy ! Thế nên đừng hiểu lầm câu "vô cấm tróc xà" là " không cấm bắt rắn", làm mất đi ý nghĩa "cấm sát sanh" của Phật Đà dù đó là loài rắn độc.
7. Quy Tông trảm xà nhân duyên :
Là tên gọi của một công án Thiền tông, kể lại việc nhân duyên chém rắn của Thiền sư Qui Tông Trí Thường, hiển bày thiền cơ tự tại vô ngại. Trí Thường là pháp tự của Mã Tổ Đạo Nhất. Nguyên quán, năm sanh và năm mất của sư đều chưa rõ. Sư ở chùa Qui Tông (núi Lô), hoằng dương tông phong, sau khi thị tịch có thụy hiệu là " Trí Chân thiền sư ". Quyển 3, chương " Qui Tông Trí Thường" ở sách " Ngũ Đăng Hội Nguyên" chép : Sư đang dọn cỏ thì có ông tăng đến tham hỏi. Chợt có con rắn bò qua, sư lấy cái bừa chặt đứt con rắn. Tăng nói : "Từ lâu nghe danh Quy Tông, té ra chỉ là sa môn thô hạnh." Sư nói : "Ngươi thô hay ta thô ?" Tăng hỏi :" Thế nào là thô ?" Sư dựng bừa lên mà bảo rằng "Thế nào là tế ?" Rồi sư làm ra điệu bộ chém rắn, nói : "Cứ y theo việc này mà làm !" .Tăng hỏi "Thế nào là y theo đó mà làm ?" Sư đáp "Chuyện y theo đó mà làm, thôi hãy dẹp qua một bên, ngươi thấy ta chém rắn hồi nào ?" Tăng đớ lưỡi.
Xét trong công án này, ông tăng đến tham học chính là kẻ học nhân non kém, chỉ biết tập tành theo văn nghĩa của kinh điển, lâu dần rơi vào tệ nghiên cứu học lý, rồi nương theo sự trói buộc của lý giải văn nghĩa mà vẫn không tự biết, nên mới còn phân biệt thô , tế , thị phi , kiến giải đối lập mà hỏi sư Trí Thường. Còn phần sư Trí Thường chém rắn, giơ cao cái bừa, làm bộ thế chém rắn cho đến phủ nhận hành động trước đó qua câu: " Ngươi thấy ta chém rắn hồi nào ? " là biểu hiện cái hành của đạo Phật, chính là vượt qua cả chuyện thị phi, thiện ác, thô tế ... bặt dứt đối cảnh và kiến giải tương đối (theo quyển 5 "Tổ Đường Tập" và quyển 7 "Cảnh Đức Truyền Đăng Lục").
8. Nhất khiếp tứ xà :
Là chỉ cho một cái lồng mà đựng cả bốn con rắn độc, ví như trong thân thể con người do bốn đại (đất, nước, lửa và gió) hòa hợp mà thành. Quyển 3, kinh Đại Bát Niết Bàn chép : " Quán thân như lồng, đất , nước , lửa, gió như bốn con rắn độc : Nhìn độc, xúc chạm độc, phun hơi độc và cắn truyền nọc độc. Tất cả chúng sanh hễ gặp bốn thứ độc ấy là bị tán thân mất mạng. Bốn đại trong thân thể của chúng sanh cũng giống như thế : Nhìn ác, xúc chạm ác, hà hơi độc và cắn truyền độc. Đó là nhân duyên xa lìa các điều thiện, và cũng chính là lấy bốn đại để dụ chỉ cho bốn con rắn nhả ra chất độc vậy !
Bốn đại này xui làm ác hay khiến cho chúng sanh xa lìa các điều thiện, hại đến huệ mạng của mình. Thế nên quyển 22 Đại Trí Độ Luận chép : " Bốn đại trong thân thể con người, mỗi thứ đều hại nhau như người cầm lồng rắn độc. Là người trí, sao cho việc ấy an ổn được chứ ?" (quyển 43 kinh " Tạp A Hàm" và quyển 2 kinh " Đạt Ma Đa La Thiền").
9. Đầu rắn và đuôi rắn :
Một hôm, đuôi rắn bỗng chợt nói với đầu rắn rằng : " Mày nên đi sau, ta đi trước mới phải". Đầu rắn bèn nói: " Ta quen đi đằng trước, còn ngươi quen đi đằng sau thì làm thế nào bỗng dưng phải thay đổi vị trí chớ ?". Do đầu rắn cố chấp cho là mình ở đằng trước, đuôi rắn không chịu, bèn quấn vào một gốc cây. Cuối cùng, đầu rắn đi đâu cũng không xong. Nó không có cách chi khác, đành phải nhường đuôi rắn đi trước. Do đuôi rắn vì không có mắt để nhìn đường, nên vừa đi vừa mò, bèn lọt xuống hầm lửa. Kết cuộc, thân thể lập tức bị cháy thành than, thế là con rắn này cũng bị chết đi.
- Nghĩ cho cùng, rắn hay cắn mổ người hoặc các loài vật khác, chẳng qua là vì " tùy thuộc thể loại" chúng là thế, chứ thật ra con rắn nào có biết thiện ác là gì, vì chúng chỉ hành động theo bản năng. Vậy người tu học chúng ta nên có sự nhận thức về con rắn khác biệt hơn người thường, tức là vẫn không loại bỏ " Từ nhãn thị"(cái nhìn thương cảm) đối với chúng. Hơn thế nữa, thân này là vô thường, là ổ rắn độc, không biết nó mổ chúng ta ngày nào. Vì thế, ta phải nỗ lực tu tập để nếu lỡ một mai chúng có cắn ta chết đi thì cũng không bất ngờ. Cái nhìn của người tu Phật đối với rắn độc ở tự thân là thế đấy !
Thích Trung Quán sưu tập