;
21. Sau khi chết, rảy tro cốt xuống biển hoặc làm phân cho cây cỏ có lỗi gì không?
Hỏi: Kính bạch thầy, con có một câu hỏi, xin thầy hoan hỷ giải đáp.Sau khi chết qua 49 ngày, con muốn người nhà đem tro cốt của con rảy xuống biển hoặc chôn làm phân cho cây cỏ. Như thế, xin hỏi con có lỗi gì không?
Đáp: Xin thưa, việc làm đó quyết không có lỗi chi cả. Chẳng những không có lỗi mà nó còn rất phù hợp với chánh lý nữa. Bởi thân nầy là do bốn đại: đất, nước, gió, lửa, kết hợp tạo thành. Khi còn đủ duyên thì nó còn hoạt động, nhưng khi hết duyên thì nó tự tan rã thế thôi.
Như vậy, cái mà mình gọi là sống đó, chẳng qua là do duyên sống, duyên tan. Kỳ thật, thì không có gì là thật mình cả. Đạo Phật nói đó là vô ngã. Tức không có cái ta chủ thể cố định. Xác thân nầy chỉ là vô thường giả huyễn.
Lúc còn sống, thì mình nuông chiều cung phụng cho nó đủ mọi thứ trên đời. Nghĩa là, chúng ta phải đáp ứng đúng theo mọi nhu cầu đòi hỏi của nó. Ba thứ nhu cầu tối thiết yếu của nó là : “ăn, mặc, ở”. Bởi do phục vụ làm nô lệ cho nó, nên cả đời chúng ta phải chịu nhiều điều khổ lụy vì nó.
Nhưng dù cho chúng ta có cung phụng nuông chiều nó đến đâu đi nữa, cuối cùng rồi, thì nó cũng phản bội bỏ chúng ta mà ra đi thôi. Bởi thực chất của nó là thứ giả dối tạm bợ. Chúng ta dù có làm đủ mọi cách để duy trì kéo dài mạng sống, nhưng nó nào có tuân hành làm theo ý muốn mệnh lệnh của ta đâu!
Có người, lúc sống thì phục vụ cho nó tối đa không dám làm điều gì trái ý nó. Đến khi xuôi tay nhắm mắt rồi, mà họ cũng vẫn còn luyến tiếc cái thân xác hôi thúi nầy. Họ tìm đủ mọi cách để cất giấu che đậy nó cho thật kỹ lưỡng. Người giàu có thì họ làm mồ xây mả cho thật đẹp. Họ nghĩ rằng, làm như thế cho người mất có chỗ sang trọng để ở khỏi phải tủi thân.
Đây là theo quan niệm của Nho giáo xem “ Sự tử như sự sanh”. Lúc còn sống xử sự như thế nào, thì sau khi chết cũng phải như thế đó. Đây là biểu lộ tấm lòng tình cảm giữa người còn sống và người đã chết. Việc làm nầy, theo một phương diện nào đó, ít ra, cũng nằm trong lãnh vực văn hóa.
Còn người không có khả năng tiền bạc dồi dào, thì họ mua cái hũ nhỏ bỏ tro cốt vào đó để thờ. Người có tiền khá giả một chút, thì họ đem vô nhập tháp ở trong chùa. Còn không, thì họ để ở nhà thờ. Nhưng ít có ai thờ tro cốt ở nhà. Thật ra, việc làm đó một phần, là vì người Phật tử chưa thấu hiểu Phật pháp. Phần khác, là họ chỉ làm theo tục lệ xưa bày nay bắt chước mà thôi. Điều đó, thiết nghĩ, cũng không có gì là sai trái cả.
Còn như Phật tử đã hiểu được đạo lý Phật dạy rồi, thì sau khi chết, di chúc lại cho con cháu: “sau khi thiêu xong, nên đem tro cốt rảy xuống biển, hoặc chôn vào gốc cây để làm phân bón cho cây cỏ”.
Thiết nghĩ, như vậy còn có lợi ích hơn. Vì thân nầy là chúng ta tạm vay mượn của tứ đại, khi không còn xài được nữa, thì phải trả trở về nguyên quán của nó. Như thế, thì mới hợp tình hợp lý. Và như thế, mới đúng theo luật nhân quả là hễ có vay mượn thì phải có trả.
Đồng thời, Phật tử được cái lợi thực tế nữa là khỏi phải tốn kém tiền bạc của mình hoặc của con cháu. Thay vì sử dụng đồng tiền cho việc làm mả mồ tốn kém, hoặc đem vào thờ ở trong tháp, thì chúng ta nên đem đồng tiền đó để bố thí cứu giúp cho những người không may, họ đang lâm vào hoàn cảnh đau khổ ngút ngàn như tàn tật, đau ốm, đói khát v.v…
Như vậy, thật là có ích lợi vô cùng. Tuy nhiên, ở đây, chúng tôi cũng xin thưa rõ, chúng tôi chỉ dựa theo quan điểm của Phật giáo mà trả lời theo câu hỏi của Phật tử đã nêu ra. Chớ tuyệt đối, chúng tôi không dám có cái ý kích bác hay chống đối bất cứ việc làm của ai trong vấn đề nầy. Vì chúng tôi luôn tôn trọng niềm tin và quan niệm của mỗi người.
22. Làm sao xác định được một người sau khi chết đi về đâu?
Hỏi: Bằng cách nào để biết một người sau khi chết, họ sẽ thác sanh vào cảnh giới nào?
Đáp: Câu hỏi nầy, chúng tôi xin được giải đáp góp ý qua hai phương diện: “hết nghiệp và còn nghiệp”. Về phương diện dứt hết nghiệp, tức không còn mầm mống sanh tử nữa, thì sau khi chết không có sanh đi đâu hết. Vì người tu khi đã đạt được cứu cánh Niết bàn rồi, thì hằng an trụ nơi thể tánh vô sanh. Đó là mục đích cứu cánh của người tu. Nếu còn sanh, chứng tỏ công phu tu hành của hành giả chưa viên mãn.
Có lần, các vị Tỳ kheo hỏi Phật: “Một vị A la hán sau khi chết sanh về đâu?” Phật trả lời: “Như củi hết lửa tắt”. Củi là dụ cho nghiệp, lửa là dụ cho bản thể. Củi hết là dụ cho nghiệp không còn. Vì hễ còn nghiệp là còn sanh, hết nghiệp là hết sanh. Hiện tượng thì có sanh diệt, còn bản thể thì làm gì có sanh diệt? Như sóng thì có sanh, có diệt, còn chất ướt của nước thì không sanh không diệt. Như vậy, khi lửa tắt không thể nói lửa sanh về đâu.
Cũng như sóng dừng, thì không thể hỏi sóng đi về đâu. Khi hiện tượng lặng dừng thì trở về bản thể, chớ không có sanh đi đâu hết. Tuy không sanh đi đâu, nhưng các Ngài vẫn tùy duyên ứng hóa.
Do đó, mà chúng ta thấy chư Phật, Bồ tát thường ứng thân thị hiện khắp nơi để độ sanh. Đối với các Ngài sanh mà không sanh, diệt mà không diệt. Vì các Ngài không còn thấy có tướng sanh diệt, tới lui, như phàm phu chúng ta nữa.
Về phương diện còn nghiệp, sau khi chết, tất nhiên là còn sanh. Vì còn vô minh phiền não, tất nhiên, là còn có tướng sanh diệt, tới lui, đến đi. Luận về phương diện nầy, chúng tôi xin được y cứ vào kinh điển Phật Tổ chỉ dạy để nêu ra ba luận cứ để chứng minh.
1. Y cứ vào luật nhân quả: căn cứ theo luật nhân quả, hễ chúng ta gây tạo nhân nào thì sẽ gặt hái quả đó. Nếu như hiện đời chúng ta chuyên gây tạo nghiệp lành, thì sau khi chết tất nhiên là chúng ta sẽ thác sanh về cảnh giới lành. Kinh Pháp Cú Phật dạy:
“Dục tri tiền thế nhân
Kim sanh thọ giả thị
Yếu tri lai thế quả
Kim sanh tác giả thị”.
Nghĩa là:
Nếu muốn biết cái nhân đời trước của mình đã gây tạo như thế nào, thì hãy xem cái quả báo hiện tại mà mình đang mang đây. Nếu muốn biết cái quả báo đời sau của mình như thế nào, thì chúng ta hãy nhìn kỹ lại cái nhân hiện tại mà mình đang gây tạo. Như vậy, nếu hiện tại mình làm điều lành như bố thí, cúng dường, ăn chay, giữ giới, niệm Phật v.v… thì chắc chắn đời sau mình sẽ hưởng cái quả báo tốt đẹp.
Xin tạm nêu ra đây hai thí dụ cụ thể để Phật tử hiểu rõ hơn. Thí như anh B chuyên đam mê cờ bạc, hằng ngày anh ta thường hay đi vào casino để đánh bài. Đó là vì anh ta nghiện cờ bạc quá nặng. Khi không thấy anh ấy ở trong nhà, nếu muốn biết anh ta ở đâu, thì cứ đi vào sòng bạc là sẽ gặp anh ta ngay. Sòng bạc là “quả ”, dụ cho cảnh giới mà anh B sẽ đến. Nghiện cờ bạc là “nhân”. Còn vắng nhà là dụ cho anh B sau khi chết.
Một ví dụ khác, như có một Phật tử thường xuyên tới chùa tu học làm công quả hằng ngày, đó là nghiệp nặng đi chùa. Tất nhiên đây là nghiệp lành. Hành động thường tới lui chùa, đó là cực trọng nghiệp.
Ngày nào không đi là không được. Chùa là dụ cho cảnh giới lành mà người Phật tử đến, (tức môi trường thiện quả tái sanh) . Vắng nhà là dụ cho sau khi chết. Qua hai thí dụ đó, chúng ta thấy hướng tái sanh của người khi hiện đời tạo nghiệp hoặc lành hoặc dữ mà môi trường tái sanh của họ có khác nhau.
Tổ Qui Sơn có dạy: “Như nhơn phụ trái, cường giả tiên khiên”.Nghĩa là như người mắc nợ, ai mạnh thì đòi trước. Nghiệp nào mạnh thì sẽ lôi chúng ta đi trước để trả quả báo mà hiện đời chúng ta đã gây tạo. Thế thì, muốn biết đời sau mình sẽ tái sanh về cảnh giới nào, thì hãy cứ nhìn kỹ lại cái nghiệp nhân mà hiện đời mình đang gây tạo. Nếu đã gây nghiệp nhân ác mà muốn sanh về cảnh giới lành, thì điều đó là một nghịch lý, trái với luật nhân quả và sẽ không bao giờ có.
Tuy nhiên, vấn đề nầy, còn tùy thuộc vào “Cận tử nghiệp”, tức cái nghiệp gần sắp chết. Nếu cả đời mình tu tạo nhân lành (tích lũy nghiệp) mà đến giờ phút hấp hối sắp lâm chung, bỗng khởi một niệm ác, thì khi nhắm mắt, tất nhiên là chúng ta phải theo niệm ác đó mà chiêu cảm quả báo. Tuy rằng, sự trả quả báo của cận tử nghiệp thời gian không lâu lắm. Cuối cùng, cũng phải trở về với tích lũy nghiệp. Như vậy, cái tích lũy nghiệp không bao giờ mất.
2. Y cứ vào những thụy ứng:
Nếu y cứ vào những hiện tượng thụy ứng, chúng ta cũng có thể biết được người đó được vãng sanh về cảnh giới lành. Hiện tượng nầy, sách sử đã ghi lại có rất nhiều người tu theo Tịnh môn niệm Phật, khi lâm chung đã để lại thụy ứng (điềm lành gọi là xá lợi ) vãng sanh.
Nếu Phật tử muốn biết rõ, xin đọc Mấy Điệu Sen Thanh do cố Hòa Thượng Thích Thiền Tâm biên soạn, sách gồm có hai tập: I và II, xuất bản ấn tống tại Sydney – Úc Châu, năm 1994. Và quyển Những Chuyện niệm Phật Vãng Sanh Lưu Xá Lợi, xuất bản năm 2000 tại Hoa Kỳ, do cư sĩ Tịnh Hải sưu tầm.
3. Y cứ qua kinh nghiệm của các bậc Cổ Đức:
Theo kinh nghiệm của Cổ Đức chỉ dạy, khi người mới chết trong vòng vài tiếng đồng hồ trở lại, muốn biết họ thác sanh về cảnh giới nào, thì người nhà có thể lấy tay sờ vào những nơi ứng nghiệm như sau:
Nếu toàn thân lạnh hết mà chỉ có trên đảnh đầu còn nóng, thì biết rằng người đó sẽ sanh về cảnh giới Phật. Còn như nóng ở nơi con mắt, thì biết người đó sẽ sanh về cõi trời. Nóng ở ngực, thì sanh lại cõi người. Nóng ở bụng, thì sanh về ngạ quỷ. Nóng ở đầu gối, thì sanh vào loài súc sanh. Nóng ở dưới lòng bàn chân, thì sẽ sanh vào địa ngục. Do sự ứng nghiệm đó, nên Cổ Đức có làm bài kệ tóm tắt cho chúng ta dễ nhớ :
Đảnh Thánh nhãn sanh thiên
Nhơn tâm ngạ quỷ phúc
Bàng sanh tất cái ly
Địa ngục khước môn xuất.
Tạm dịch:
Thánh đầu, trời tại mắt
Người tim, ngạ quỷ bụng
Súc sanh hai chân xuống
Địa ngục bàn chân ra.
23. Làm sao diệt trừ được tánh kiêu căng ngã mạn?
Hỏi: Kính bạch thầy, con thấy có những người Phật tử khi vào chùa làm công quả giúp cho chùa, mà lòng họ còn quá nóng nảy sân hận. Họ hay la rầy người nầy, trách móc người kia. Như vậy, có phải họ ỷ có công lao với chùa mà sanh tâm ngã mạn khinh thường người khác hay không? Và như thế, thì làm sao diệt trừ được tánh cống cao ngã mạn đó?
Đáp: Trong câu hỏi nầy, nếu phân tích thì nó gồm có bốn vấn đề mà Phật tử muốn biết. Chúng tôi xin nêu ra từng vấn đề một để tiện bề giải đáp, góp thêm chút ý kiến.
1. Vấn đề công quả: Hai chữ công quả, thường có nhiều người hiểu lệch lạc phiến diện về ý nghĩa của nó. Họ cho rằng, chỉ có những ai tới chùa làm công kia việc nọ, giúp cho chùa, thì mới gọi là làm công quả. Ngoài ra, làm những việc khác hay ở những nơi khác, thì không phải là làm công quả. Hiểu thế, tuy không phải là sai hẳn, nhưng thực ra thì chưa đúng ý nghĩa của hai chữ công quả. Vậy công quả nghĩa là gì?
Công: nguyên là chữ Hán, nghĩa đen của nó là thợ. Là người bỏ công sức ra chuyên làm một ngành nghề nào đó, thì gọi đó là công. Như nói công nhân hay công phu. Công nhân là người dùng sức lao động của mình mà làm một công việc nặng nhọc nào đó, hoặc bằng chân tay hay trí óc.
Còn công phu là người (phu) vận dụng năng lực làm một công việc, mang tính tinh thần siêu thoát nhiều hơn. Như nói công phu tham thiền, công phu lễ bái, công phu niệm Phật v.v…
Còn chữ “quả” cũng là chữ Hán, nghĩa đen là trái. Nghĩa bóng là thành quả hay kết quả của một việc làm hay lời nói. Như vậy, hai chữ công quả, có nghĩa là khi chúng ta dùng sức làm một công việc nào đó, tùy theo chỗ dụng công tốt hay xấu mà nó sẽ đưa đến cái kết quả cũng có tốt xấu khác nhau.
Nói gọn cho dễ hiểu, công là nhân mà quả là kết quả. Hiểu như thế, thì đâu phải chỉ có tới chùa làm việc giúp cho chùa mới là công quả, còn làm những việc khác, như tụng kinh, lạy Phật, niệm Phật, dịch kinh viết sách, hay sang băng đĩa kinh sách ở nhà v.v… thì không phải làm công quả hay sao? Hiểu thế, thì chúng ta mới thấy nghĩa của hai chữ công quả rất sâu rộng.
Chúng ta có thể áp dụng hai chữ nầy vào bất cứ công việc nào và bất cứ ở đâu. Không nhứt thiết chỉ có tới chùa mới gọi là làm công quả. Đó chẳng qua chỉ là một tập quán thông thường mà lâu nay người ta quen gọi như thế. Hiểu như vậy là chỉ hiểu một cách hạn hẹp và phiến diện.
Điều quan trọng mà người Phật tử cần phải nhớ là khi làm bất cứ việc gì và ở đâu, thì chúng ta cũng phải cẩn thận ở nơi ba nghiệp. Nếu chúng ta làm với tâm loạn tưởng, si mê, sân hận nóng nảy… thì kết quả chẳng những không có phước đức mà còn mang thêm trọng tội nữa.
Cái nhân (công) không tốt, thì thử hỏi cái quả làm sao tốt đẹp cho được? Cho nên, khi bỏ công sức ra làm bất cứ điều gì, ta phải cẩn trọng khéo gìn giữ ở nơi ba nghiệp: thân, miệng, ý cho được nghiêm túc trong sạch.
Nhất là ý nghiệp. Nếu chúng ta không khéo gìn giữ trong khi hành động hoặc nói năng, thì kết quả có khi sẽ trái ngược lại. Như một người ra sức trồng cây mà không quan tâm chăm sóc kỹ lưỡng, thì kết quả, cái cây kia sẽ không thể nào đơm hoa kết trái tốt đẹp như ý muốn được.
2. Nóng nảy sân hận: Nóng giận là một tập khí lâu đời của chúng sanh thật khó bỏ. Vì nó là một trong sáu món căn bản phiền não: “tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến”.
Trong sáu món nầy, thì ba món:“tham, sân, si” trong kinh thường gọi là tam độc. Đây là ba thứ độc tố nó có năng lực rất mạnh thúc đẩy người ta tạo nhiều nghiệp ác. Kết quả, phải chiêu cảm lãnh lấy nhiều quả báo khổ đau. Những thứ nầy còn gọi là Tư hoặc, tức mê lầm ở nơi sự tướng sâu nặng.
Người tu hành phải đến địa vị A la hán mới có thể đoạn trừ hết được. Chúng còn có tên là kiết sử. Kiết nghĩa là trói buộc, sử là sai khiến. Nghĩa là chúng có công năng sai khiến người ta tạo những nghiệp nhân bất thiện, để rồi chúng trói buộc người ta vào trong cảnh khổ.
Chính vì chúng ta làm nô lệ cho nó sai khiến, nên mới hiện ra tướng thô bạo nóng nảy la rầy chửi mắng v.v… Đó là cường độ còn nhẹ, nặng hơn là đánh đập, đâm chém, bắn giết gây nên cảnh chiến tranh tàn sát đẩm máu với nhau.
Trường hợp Phật tử nào đó sân hận nóng nảy la rầy người nầy trách móc người kia, là vì Phật tử đó không khéo tu ở nơi ba nghiệp. Mà gốc của nó là ở nơi ý nghiệp. Do trái ý nghịch lòng mà nổi sân hận la ó kẻ khác. Nếu Phật tử khéo biết gìn giữ chánh niệm trong khi làm việc, thì chắc chắn sẽ không có tình trạng đó xảy ra.
Vì thất niệm buông lung tâm ý nên mới có lớn tiếng la rầy như thế. Cái nhân đã gây tạo như thế, thì cái quả chắc chắn là sẽ không tốt đẹp rồi. Hiện tại, sẽ bị người ta thù ghét, không ai ưa, mà tương lai cũng sẽ bị quả báo khổ đau. Như thế, thì việc làm của mình chỉ là uổng công vô ích mà thôi. Thật là đáng thương tiếc lắm thay!
3. Cống cao ngã mạn: Tính ngã mạn khinh người là con đẻ của lòng chấp ngã quá nặng mà ra. Tâm sở phiền não căn bản nầy, cũng rất khó trừ khó đoạn. Phải đến địa vị Tu đạo, tức quả vị A la hán mới có thể dứt trừ. Nghiệp dụng của nó là luôn coi trọng mình mà thường khinh miệt kẻ khác. Dù người đó thật sự hơn mình đủ mọi mặt, nhưng vì chấp ngã tự cao tự đại, tự ái nặng nề nên họ không bao giờ thấy mình thấp kém thua ai.
Khi làm được một công việc nào đó thành công, thì họ lên mặt cống cao hách dịch. Họ tự thấy mình là người có công lao lớn, rồi khinh thường mạt xát kẻ khác. Đó là họ đang mắc phải chứng bệnh “công thần” khá nặng.
Bởi do thái độ mục hạ vô nhơn đó, mà kết quả không ai ưa thích họ cả. Và từ đó mọi người sẽ xa lánh ghét bỏ họ. Đó là hậu quả của lòng cống cao ngã mạn quá coi trọng bản ngã mà ra!
4. Làm sao diệt trừ tánh cống cao ngã mạn?
Như đã nói, ngã mạn là một trong sáu món căn bản phiền não, nên tập nhân gốc rễ của nó rất sâu dầy, không phải ai cũng có thể dễ dàng diệt trừ nó được. Kinh nói, sự mê lầm nầy phải đến địa vị Tu đạo mới dứt trừ được. Tập khí nầy nó có từ vô thỉ. Có mặt ta là đã có nó. Vì thế, nó còn có tên gọi khác là “Câu sanh hoặc”.
Muốn đoạn trừ nó, chỉ có cách là chúng ta phải gắng sức gia công nỗ lực tu trì, mới có thể lần hồi trừ được. Điều quan yếu là chúng ta phải hằng tỉnh giác, quán chiếu sâu vào bản chất của nó, để thấy rằng tự tánh của nó là không. Chỉ khi nào đối cảnh xúc duyên, trái ý nghịch lòng, thì nó mới phát khởi.
Tuy vậy, nhưng nó vẫn luôn luôn ngấm ngầm tiềm tàng sâu kín và hằng chi phối sai sử chúng ta một cách mãnh liệt. Nếu chúng ta không đề cao cảnh giác, làm nô lệ cho nó sai khiến, thì hậu quả xảy ra cũng rất là tai hại. Do đó, chúng ta cần phải có chánh niệm, chánh quán. Có chánh niệm, thì chúng ta mới nhận diện nó một cách rõ ràng.
Và như thế, thì nó không thể nào gây tác hại cho chúng ta được. Đó là do ý chí phấn đấu nỗ lực vận dụng công phu tu hành của mỗi người mà sự diệt trừ nó có mau chậm khác nhau đó thôi.
24. Trong lúc ngủ mê thần thức đi đâu?
Hỏi: Thưa thầy, tại sao lúc người ta ngủ, thì cái thần thức nó đi đâu? Mà người ngủ như chết chẳng biết trời trăng mây nước gì nữa?
Đáp: Câu hỏi nầy có liên quan đến Duy Thức học. Vấn đề nầy, nếu phải luận bàn cho tận tường rõ lẽ thì thật là dài dòng. Ở đây, chúng tôi chỉ xin được trả lời một cách tóm tắt ngắn gọn thôi. Nếu muốn tìm hiểu tận tường vấn đề hơn, thì xin Phật tử có thể nghiên cứu qua môn Duy thức học. Môn học nầy rất khó, vì nó là môn tâm lý học rất sâu sắc tuyệt vời của Phật giáo.
Theo Duy Thức, thì mỗi người chúng ta có tám thức gọi là Bát thức tâm vương. Tám thức gồm có: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý, mạt na, a lại da. Trong lúc chúng ta ngủ, thì tiền ngủ thức (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân,) không có hoạt động mạnh mẽ như lúc còn thức. Chỉ có ý thức hoạt động một mình, nên các nhà Duy Thức gọi đó là “Mộng trung ý thức” hay “Độc đầu ý thức” (tức sự hoạt động riêng rẽ của thức thứ sáu).
Chính vì nó hoạt động, nên chúng ta mới thấy có những điềm mộng lành dữ trong khi ngủ. Đây là do thức thứ sáu hợp tác chặt chẽ cùng với Mạt na thức (thức thứ bảy) lấy ra từ trong kho A lại da thức. Thức thứ bảy nầy, còn có tên khác là truyền tống thức.
Nghĩa là nhiệm vụ của nó chỉ mang các chúng tử cất vào kho và khi cần thì nó đem ra. Cho nên, khi thức thứ sáu cần thì thức bảy nầy mang đem ra. Giống như người giữ kho chuyên giữ cất các loại hồ sơ vậy. Song có điều tuy nhiệm vụ của nó là chuyên giữ kho, nhưng nó lại chấp cái kho đó là của nó, tức chấp thức A lại da làm tự ngã.
Thức A lại da, còn gọi là tàng thức, tức kho chứa các loại hạt giống (chủng tử). Bởi thức nầy có ba công năng: “năng tàng, sở tàng và ngã ái chấp tàng”. Năng tàng là thức nầy có khả năng dung chứa các thứ chủng tử lành dữ. Sở tàng là dụ như cái kho để chứa.
Vì thế, thức thứ tám nầy, nó còn có tên là A đà na thức. Vì dựa trên khả năng duy trì chủng tử không cho sót mất, nên nó mới có tên là A đà na: duy trì nghiệp chủng. Như vậy, cái mà chúng ta gọi là chiêm bao là do ý thức hoạt động và chính nó moi ra các loại chủng tử được cất chứa trong kho A lại da thức nầy.
Thật ra, trong lúc chúng ta ngủ say các thức vẫn hoạt động, nhưng vì cường độ hoạt động của nó nhẹ và lu mờ đi không mạnh mẽ như lúc chúng ta còn thức, chớ không phải chết đi như nhiều người lầm tưởng. Nếu chết, thì chúng hoàn toàn không còn hoạt động được nữa.
Chúng chỉ ngấm ngầm hoạt động, duy chỉ có ý thức là hoạt động mạnh trong giấc ngủ mà thôi. Nếu như chúng nó không hoạt động, thì tại sao khi có người bật đèn lên là thấy sáng và có người kêu, hoặc có tiếng động mạnh thì chúng ta liền thức dậy. Như thế, đủ chứng minh rằng, trong lúc ngủ các thức vẫn còn hoạt động, chớ không phải chết hay là không biết trời trăng mây nước gì như Phật tử đã nói.
25. Làm sao diệt trừ được ba thứ phiền não gốc: tham, sân, si?
Hỏi: Thưa thầy, khi đối cảnh xúc duyên, trong tâm con thường hay nổi lên ba thứ tham, sân, si. Vậy, xin hỏi có cách nào diệt trừ ba thứ nầy được không?
Đáp: Đây là ba thứ độc tố mà hầu hết chúng ta đều bị nó sai sử tạo nghiệp thọ khổ. Muốn diệt trừ nó, không phải là chuyện dễ dàng. Nếu như dễ trừ dễ đoạn, thì chắc chắn chúng ta sẽ không còn nổi trôi trong vòng sanh tử khổ đau nữa. Bởi chúng nó là những thứ có gốc rễ rất sâu dầy.
Giống như loại rễ cỏ cú ăn sâu trong lòng đất, muốn nhổ diệt tận gốc rễ của nó thật là rất khó. Rất khó thôi, chớ không phải là không có cách tiêu diệt hết. Loại tâm sở phiền não căn bản nầy cũng thế.
Tuy khó trừ khó đoạn, nhưng nếu chúng ta bền chí nỗ lực tu hành thì cũng có thể dẹp trừ được. Bởi chúng nó chỉ là hư vọng không thật. Trong Chứng Đạo Ca Ngài Vĩnh Gia Huyền Giác có nói: “Tam độc thủy bào hư xuất một”. Nghĩa là ba thứ tham, sân, si, giống như là bọt nước nổi lên rồi mất.
Vì bản chất của chúng là hư giả không có thực thể cố định, nên chúng ta quyết tâm chuyên cần tu tập tất nhiên là chúng ta có thể chuyển hóa chúng được. Nhưng với điều kiện là chúng ta phải hằng gia công nỗ lực bền chí tu tập.
Phương pháp chuyển hóa hay diệt trừ chúng, Phật Tổ dạy có nhiều cách. Như quán tưởng, niệm Phật, tham thiền, tụng kinh, trì chú v.v… Dù phương pháp nào cũng đòi hỏi sự bền tâm cố gắng lâu dài của chúng ta. Đối với căn cơ của chúng ta thì không phải tu một ngày một bữa mà có thể dứt trừ chúng được.
Cần phải trải qua thời gian lâu dài. Như chúng ta cố gắng niệm Phật chú tâm niệm danh hiệu Phật miên mật già dặn lâu ngày, tất nhiên cường độ hiện hành của chúng sẽ yếu dần đi. Sức hoạt động của chúng sẽ không còn mạnh bạo hung hăng dữ tợn như trước kia nữa. Đó là chúng ta đã có tiến bộ khả quan trên bước đường tu rồi.
Ngoài ra, chúng ta còn phải quán chiếu sâu vào lý duyên sinh vô ngã. Mọi vật trên đời nầy không có vật gì tồn tại lâu dài. Tất cả đều chịu chung định luật vô thường chi phối. Ngay như thân tâm ta cũng bị vô thường thay đổi luôn luôn. Vạn pháp đều do nhân duyên sinh. Đã do nhân duyên sinh, thì chúng không có thực thể.
Đó là vô ngã, tức không có cái chủ thể chân thật. Thân nầy khi hết duyên cũng tan rã. Hằng dùng trí huệ bát nhã quán chiếu như thế, thì lòng tham chấp ngã pháp của chúng ta sẽ giảm dần. Từ đó, ba món tham, sân, si, lần lần cũng phải tiêu mòn và rồi một ngày nào đó, chúng sẽ hoàn toàn biến mất. Đến đây, hành giả mới thật sự giải thoát hoàn toàn.
26. Giữa sự và lý Tịnh độ có chống trái nhau không?
Hỏi: Thưa thầy, nếu mình tin Tịnh độ theo Duy tâm Tịnh độ, nhưng đồng thời mình vẫn niệm Phật cầu vãng sanh Tây phương Cực lạc sau khi chết. Xin hỏi như vậy có chống trái nhau không?
Đáp: Xin thưa ngay là không có gì chống trái nhau cả. Có chống trái nhau chăng là do mình thiên kiến vọng chấp đó thôi. Chúng ta nên nhớ, trong giáo lý đạo Phật trước sau nhứt quán, không có gì là mâu thuẫn. Đạo Phật chủ trương “Sự Lý” phải viên dung. Tánh tướng không hai. Như nước và sóng không thể ly khai ra được. Trước hết xin nói về Sự Tịnh độ.
Sự Tịnh độ là sao? Sự là hình tướng là những hiện tướng bề ngoài mà chúng ta có thể thấy biết được. Dựa theo trong Kinh A Di Đà mà đức Phật Thích Ca đã giới thiệu diễn tả về cảnh giới Tây phương Cực lạc. Chúng ta y cứ vào đó mà hết lòng tin tưởng.
Tin có cõi Cực lạc, có đấng giáo chủ Phật A Di Đà và có các hàng Thánh chúng. Cũng như những vị đã được vãng sanh về cõi đó. Chúng ta một bề tin chắc y báo và chánh báo như thế, không một niệm nghi ngờ. Nhờ tin chắc như vậy, nên chúng ta mới cố gắng nương vào danh hiệu sáu chữ Di Đà mà trì niệm. Sáu chữ Di Đà là danh tướng. Đây gọi là chấp trì danh hiệu.
Nếu chúng ta chưa hiểu rõ về Lý Tịnh độ mà cứ bền tâm một lòng niệm Phật, thì cũng sẽ được vãng sanh. Nhờ niệm Phật lâu ngày sẽ được thuần thục, dần đến được nhứt tâm bất loạn. Nếu chưa được “Lý nhứt tâm bất loạn”, thì cũng được “Sự nhứt tâm bất loạn”.
Điều quan trọng là, trong lúc hành giả niệm Phật thì phải tâm niệm, chớ không nên chỉ có miệng niệm suông không thôi. Nếu chỉ có miệng niệm mà tâm không niệm, thì coi chừng chúng ta sẽ trở thành cái máy niệm Phật.
Cho nên, khi niệm Phật, chư Tổ thường khuyên bảo nhắc nhở chúng ta : “Tâm và tiếng phải hiệp khắn nhau và phải niệm mỗi chữ mỗi câu cho rõ ràng rành rẽ”. Phải nhiếp tâm mà niệm. Niệm được như thế, thì chắc chắn khi lâm chung hành giả sẽ được vãng sanh về Cực lạc.
Pháp môn Tịnh độ điều quan yếu hơn cả, là phải có lòng tin sâu và nguyện thiết. Đó là hai yếu tố tư lương để quyết định được vãng sanh. Xin Phật tử lưu ý ghi nhớ kỹ điều nầy. Còn sự khác biệt cao thấp của chín phẩm liên hoa ở cõi Cực lạc, đó là do công phu hành trì của chúng ta ở cõi nầy có sâu cạn khác nhau đó thôi. Nói về Sự Tịnh độ đại khái là như thế.
Còn lý Tịnh độ là sao ? Lý là bên trong thuộc về tâm thể, chúng ta không thể dùng mắt thấy được. Tâm thể nầy mỗi người đều sẵn có. Đây là một thực thể bất sanh, bất diệt, còn gọi là chơn tâm hay lý tánh v.v…
Khi chúng ta nhiếp tâm niệm hồng danh Phật, mà lúc đó tâm ta an trụ vào câu hiệu Phật không khởi nghĩ việc gì khác, nghĩa là không khởi nghĩ hai bên : có không, phải trái v.v… thì khi đó tự tánh Di Đà hay Duy tâm Tịnh độ hiện tiền. Như vậy Sự và Lý đâu có hai. Tuy không hai, nhưng nói một cũng không được. Thí như nước trong không ngoài nước đục mà có.
Muốn có nước trong, thì ta phải chịu khó lóng lặng. Khi cặn cáu không còn, thì chất nước trong hiện ra. Trong nhà Phật thường nói : “ Nương sự hiển lý hay tức lý hiển sự là vậy”. Sự và Lý phải viên dung. Nước đục là dụ cho Sự, nước trong là dụ cho Lý. Thế thì, Lý không ngoài Sự và Sự không ngoài Lý mà có.
Hiểu thế, thì giữa Sự và Lý làm sao có sự chống trái nhau? Nhưng khi tu, hành giả chưa thể nhập được lý tánh, thì cần phải nương vào sự tướng. Cho nên pháp môn niệm Phật gọi là đi từ hữu tướng hay hữu niệm để thể nhập vô tướng, hay vô niệm.
Xin nhắc lại cho Phật tử nhớ rằng, trong đạo Phật không hề có sự mâu thuẫn chống trái nhau. Có chống trái chăng, là do vì trình độ nhận thức của chúng ta chưa được dung thông đó thôi. Bởi do trình độ nhận thức của chúng ta còn thiển cận nông cạn, nên mới có những cái nhìn sai lệch biên kiến. Do đó, mới thấy có sự khác biệt chống trái nhau.
Nếu hiểu như thế, thì trong khi ứng dụng tu, ta cần phải dung thông giữa Sự và Lý, không nên cố chấp một bên. Nếu cố chấp một bên đó là chúng ta mắc vào cái lỗi biên kiến vậy.
27. Trong lúc chấp tác hay làm việc Phật sự có tu không?
Hỏi: Với trình độ học Phật bình thường, đa số Tăng Ni quan niệm sự tu là phải theo một pháp môn như tham thiền hay trì chú, niệm Phật. Vậy, khi chấp tác hay làm những công tác Phật sự có phải là tu hay không?
Đáp: Nếu khi làm việc Phật sự ( tạm nói như thế ) hay chấp tác mà chúng ta vẫn giữ được chánh niệm, thì đó là chúng ta đã khéo biết tu rồi. Chữ tu nói ở đây, không theo nghĩa thông thường là sửa đổi, mà chúng ta tu ngay với công việc mình đang làm.
Dù tu Thiền hay tu Tịnh hay tu bất cứ pháp môn nào khác, chúng ta cũng đều có thể áp dụng được cả. Hoàn toàn không có gì trở ngại. Có người cho rằng, trong lúc làm việc mà để tâm chuyên chú vào câu niệm Phật, thì sẽ dễ gây ra tai hại cho công việc mình đang làm.
Như trong lúc đang ngồi đánh máy, tôi chăm chú vào từng chữ từng câu, thì làm sao tôi có thể niệm Phật cho được? Hoặc giả, khi tôi đang xắt gọt nấu ăn, lúc đó bảo tôi nhớ niệm danh hiệu Phật, thì làm sao tôi có thể chú tâm vào công việc mà tôi đang làm cho được? Và nếu như tôi nhớ niệm danh hiệu Phật, thì chắc chắn việc xắt gọt của tôi sẽ dễ gây ra hư hỏng, và đôi khi còn bị đứt tay nữa không chừng. Vì lúc đó tôi không để tâm vào công việc tôi đang làm. Mà nếu như tôi không niệm Phật, vậy thì lúc đó tôi không tu sao?
Hơn nữa, quý thầy thường dạy là người tu theo pháp môn Tịnh độ, tất phải thường xuyên niệm Phật bất luận thời gian và nơi chốn. Phải thường xuyên niệm Phật trong bốn oai nghi: đi, đứng, nằm, ngồi, và bất cứ ở nơi đâu cũng đều phải niệm Phật cả. Như vậy, mới thật là tu theo pháp môn niệm Phật. Nếu không niệm như thế, thì sẽ không được nhứt tâm bất loạn. Vậy thì tôi phải làm sao cho đúng?
Lời dạy đó không sai, nhưng tại vì chúng ta chưa hiểu rõ về việc niệm Phật đó thôi. Như đã nói, niệm Phật có sự niệm và lý niệm. Phần nầy, trong câu hỏi 26, tôi đã có giải thích sơ qua. Ở đây, tôi xin được miễn lặp lại.
Như trên, chúng tôi đã nói, khi chúng ta làm công việc nào, thì chúng ta nên chú tâm vào công việc đó. Như thế là chúng ta cũng đang niệm Phật. Tại sao gọi đó là niệm Phật? Xin thưa, bởi chữ Phật có là nghĩa giác, mà giác là thanh tịnh sáng suốt chớ không có u mê tối tăm, hay loạn động. Tâm không có u mê loạn động nghĩ xằng tính bậy, không để cho tư tưởng phiêu lưu nơi nầy nơi kia, thì lúc đó là ta đang niệm Phật rồi.
Nghĩa là chúng ta chỉ nhớ duy nhứt vào một việc đang làm mà thôi, không nghĩ nhớ chuyện gì khác. Đó là chúng ta đang niệm Phật hay giữ chánh niệm theo công việc mình đang làm, chớ không phải đợi đến niệm danh hiệu Phật sáu chữ Di Đà mới gọi là niệm Phật. Hiểu như thế, thì chưa hiểu trọn vẹn của sự niệm Phật.
Sở dĩ Phật Tổ dạy chúng ta trì danh niệm Phật là vì các Ngài muốn cho tâm chúng ta chỉ chuyên chú vào danh hiệu Phật mà không xao lãng nghĩ nhớ chuyện gì khác. Nhờ nhiếp tâm chuyên chú niệm như thế lâu ngày, thì tâm chúng ta sẽ được thuần thục an định và phiền não không có cơ hội phát sanh. Đó cũng là phương cách khéo léo để đối trị phiền não đó thôi. Và khi tâm ta đã được an định rồi, thì khi đó chúng ta sẽ được nhứt tâm bất loạn.
Trường hợp, khi chúng ta không làm công việc gì, những lúc rỗi rảnh, thì Phật Tổ khuyên chúng ta nên trì niệm danh hiệu Phật. Nhờ sức huân tu trì niệm danh hiệu Phật như thế, mà tâm của chúng ta mới có được an định phần nào. Rồi từ đó, khi chúng ta ra làm công kia việc nọ, tâm chúng ta cũng không có loạn động nhiều.
Ta nên nhớ rằng, khi làm việc, như trường hợp trong lúc ta đang lái xe chẳng hạn, mà chúng ta cứ lo nghĩ đến câu niệm Phật, không để tâm vào việc đang lái, như vậy, tất sẽ dễ gây ra tai nạn lắm. Người không hiểu rồi nói, tại sao tôi niệm Phật mà xảy ra tai nạn? Đó là vì, chúng ta không hiểu rõ cách niệm Phật về “Sự trì” và “Lý trì”.
Cứ nghĩ rằng, khi nào chúng ta niệm danh hiệu Phật mới là niệm Phật. Nếu chỉ hiểu một mặt như thế, thì việc tu hành của chúng ta còn hạn cuộc lắm. Như vậy, thì chỉ tu niệm trong lúc rảnh rỗi thôi, còn trong lúc bận rộn làm việc nầy việc kia thì không có tu sao? Hiểu như thế, thì thật là phiến diện và tất nhiên là sẽ không có được lợi lạc nhiều.
Tóm lại, trong lúc chúng ta làm việc mà tâm ta chỉ chuyên chú vào công việc ta đang làm, thì đó cũng là lúc ta đang niệm Phật. Thay vì, có câu hồng danh hiệu Phật ta niệm, mục đích cũng để cho tâm ta đừng tán loạn, thì ta chuyên chú vào công việc đang làm, không để thất niệm, như vậy thì ta cũng đang gìn giữ chánh niệm rồi. Còn đòi niệm Phật gì nữa. Hiểu thế, thì bất luận ở đâu làm việc gì ta cũng đều niệm Phật được cả. Tuyệt đối không có gì sai trái nhau.
28. Sự khác biệt giữa các loại trí?
Hỏi: Xin thầy hoan hỷ nói rõ sự khác biệt giữa các loại trí: căn bản trí, hậu đắc trí, quyền trí và như thật trí khác nhau như thế nào?
Đáp: Trong nhà Phật có nêu ra nhiều loại trí. Căn bản trí hay còn gọi là như thật trí. Hai trí nầy là tên khác của bản giác hay chơn như v.v… Nói căn bản là vì cái trí nầy nó sẵn có, không phải do tu mới có. Trí nầy còn gọi là Trí vô sư. Nghĩa là cái trí không do học hỏi hay tu tập mà có được.
Thường nói là cái trí không thầy chỉ dạy. Thí như chất vàng ròng sẵn có trong quặng nhơ. Sở dĩ nó chưa hiển lộ ra được, là vì nó còn bị những thứ nhơ bẩn phủ dầy. Như ánh trăng sẵn có trên nền trời, nhưng vì nó còn bị mây mù che ngăn làm cho ánh sáng của nó không thể hiển lộ ra được.
Vàng ròng hay ánh trăng là dụ cho cái trí sẵn có của mỗi chúng sanh, tức căn bản trí. Trí nầy, tất cả chúng sanh đều có. Vì sẵn có, nên khi chúng ta nỗ lực tu hành dứt trừ hết vô minh phiền não, thì nó sẽ xuất hiện. Dụ như trong cây sẵn có lửa, nhưng muốn có lửa, thì chúng ta phải lấy hai thanh cây cọ xát với nhau thật lâu, thì lửa mới có thể phát sanh.
Cũng thế, tánh giác hay căn bản trí, tuy sẵn có nhưng phải nhờ công phu tu hành thì nó mới hiển lộ được. Tuy nó còn bị các thứ phiền não che ngăn, nhưng không vì thế mà nó bị nhiễm ô. Cũng như vàng tuy ở trong quặng nhơ, nhưng không phải vì thế mà nó lại bị quặng nhơ làm mất đi tánh chất vàng ròng. Trong Kinh gọi đó là Như lai tại triền.
Nghĩa là tánh giác còn ở trong những thứ phiền não buộc ràng. Khi nào hết vô minh phiền não, thì gọi là Như lai xuất triền. Như lai đây có nghĩa là thể tánh bất sanh, bất diệt vậy.
Còn nói hậu đắc trí, quyền trí hay phương tiện trí, cả ba loại trí nầy, tên gọi tuy có khác, nhưng thực chất thì giống nhau. Cái trí nầy có ra, là do sau khi chứng được căn bản trí. Nhờ có cái trí nầy mà chư Phật mới ra độ sanh được. Trí nầy là cái dụng phát sanh từ cái trí căn bản nói trên. Nếu không có cái trí nầy, thì làm sao chư Phật ra độ sanh?
Thí như, khi người ta gạn lọc lấy hết quặng nhơ ra, chỉ còn lại thuần chất vàng ròng. Bấy giờ, người ta mới chế tạo ra nhiều thứ đồ nữ trang để cho quý bà trang sức. Tuy làm ra nhiều loại đồ nữ trang, nhưng bản chất của nó vẫn là thứ vàng thiệt.
Nếu nhìn trên mặt hình tướng thì ta thấy mỗi loại đồ trang sức có khác nhau, nhưng thực chất thì cũng có chung chất vàng thiệt mà ra. Vàng thiệt, là dụ cho căn bản trí. Còn những đồ trang sức được chưng bày đủ loại, là dụ cho hậu đắc trí, quyền trí hay phương tiện trí. Nhờ có những thứ trí nầy mà chư Phật, chư Bồ tát mới làm lợi ích cho tất cả chúng sanh được.
Một thí dụ khác, thí như một nhà bác học chuyên nghiên cứu về vi trùng học. Sở dĩ ông biết nghiên cứu về lãnh vực nầy, là vì ông sẵn có cái trí căn bản. Những loại thuốc mà chính do ông bào chế ra để chữa trị bệnh nhân, đó là dụ cho cái trí hậu đắc.
Tức cái trí nhờ ông nghiên cứu học hỏi mà biết được. Chính nhờ vào cái trí hiểu biết nầy mà ông mới sử dụng nó để làm lợi ích cho mọi người. Nếu như ông không sẵn có cái trí căn bản, thì làm gì mà ông biết nghiên cứu học hỏi để trở thành một nhà bác học được?
Tóm lại, căn bản trí là thể, còn hậu đắc trí là dụng. Nói gọn là trí thể và trí dụng. Còn ở địa vị phàm phu, thì cái trí căn bản nầy nó bị các thứ phiền não che đậy phủ mờ, do đó, nên chúng ta mới gây tạo nhiều nghiệp ác. Đó là cái dụng xuất phát từ cái thể bất tịnh. Khi lên Thánh vị rồi, thì cái dụng xuất phát từ cái thể thanh tịnh. Như vậy, giữa thể và dụng, không thể tách rời ra. Nói một là sai mà nói hai thì không đúng. Tuy khác mà không khác vậy.
29. Làm sao giữ tròn chữ hiếu giữa mẹ chồng và nàng dâu?
Hỏi : Kính thưa thầy, làm thế nào để giữ tròn chữ hiếu với mẹ chồng và đồng thời làm tròn bổn phận của một người vợ, nếu có sự xung đột giữa mẹ chồng và nàng dâu?
Đáp: Câu hỏi của Phật tử có tính cách khái quát, không nói rõ chi tiết nội tình của vấn đề, nên chúng tôi thật khó trả lời cho xác đáng. Vả lại, trong câu hỏi nó có sự mâu thuẫn chống trái nhau. Nếu đã có sự xung đột với mẹ chồng, thì nàng dâu làm sao giữ tròn chữ hiếu? Nếu muốn giữ tròn chữ hiếu, thì nên tránh gây ra sự xung đột.
Đã có sự xung đột với mẹ chồng, mà Phật tử muốn làm tròn bổn phận của một người vợ, theo tôi, thì vấn đề đó sẽ trở nên rắc rối hơn. Tuy nhiên, để khỏi phụ lòng Phật tử đã hỏi, ở đây, chúng tôi chỉ xin được góp chút thành ý và có vài lời khuyên chung mà thôi.
Như Phật tử đã biết, ở đời không ai có thể bắt cá hai tay. Và cũng không ai làm vừa lòng mình hết được. Vì mỗi người mỗi ý và có mỗi cá tánh khác nhau, không ai giống ai cả. Nếu như Phật tử muốn giữ tròn chữ hiếu với mẹ chồng, thì tốt hơn hết là Phật tử nên cố giữ đừng cho sự xích mích xảy ra.
Nếu như Phật tử cảm thấy, có điều gì không hợp tánh tình hay bất đồng quan điểm tư tưởng trong khi tiếp xúc với mẹ chồng, thì tốt hơn hết là Phật tử nên tìm cách khéo léo để khỏi phải gặp mặt tiếp xúc thường xuyên. Đó là tránh nhân thì sẽ không có quả.
Sự tránh duyên nầy, không có nghĩa là mình thù ghét, mà chỉ vì không muốn có việc xảy ra bất hòa mà thôi. Sự tránh duyên nầy cũng rất là quan trọng, vì muốn bảo tồn được sự hòa khí trong gia đình. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là hạ sách tạm thời mà thôi.
Trường hợp, vì một lý do nào đó, mà Phật tử phải tiếp xúc với mẹ chồng, thì tôi thành thật khuyên Phật tử nên cố gắng giữ phận mình là một người dâu hiền. Dù mẹ chồng có nặng lời rầy la quở trách, thì Phật tử cũng nên cố gắng dằn lòng mà nhẫn nhịn cho qua chuyện.
Nghĩa là đừng có gây ra sự cãi vả tạo sự xung đột bất hòa không tốt với bà, vì dù sao bà cũng là mẹ chồng của mình. Mình phải có lòng kính trọng như người mẹ ruột của mình. Phật tử nên ý thức rằng, Phật tử là người có chút ít tu học Phật pháp, thì Phật tử nên học theo hạnh nhẫn nhục, cư xử hòa ái, thương kính của các bậc Thánh Hiền. Đó là vì Phật tử muốn giữ sự hòa khí tốt đẹp trong gia đình. Phật tử vì thương chồng con và nhất là muốn bảo vệ hạnh phúc gia đình, thì Phật tử nên cố gắng nhẫn nại.
Người dưới nhẫn nhịn người trên, đó là thuận theo lẽ đạo và nhất là rất hợp với nền đạo đức luân lý Việt Nam, không có ai cười chê đâu mà sợ. Nhẫn nhịn không phải là hèn nhát, mà trái lại đó là một sức mạnh lớn lao của tinh thần.
Ngược lại, người trên cũng phải ý thức bổn phận vai trò của mình mà đối xử với kẻ dưới cho phải lẽ hợp đạo. Không nên ỷ quyền làm cha mẹ mà bắt nạt rầy la con cháu. Dù đó là dâu con chúng ta cũng nên xử sự cho ôn hòa. Có thế, thì mới xây dựng bảo đảm được hạnh phúc mái ấm gia đình.
Như Phật tử đã nói, muốn làm tròn bổn phận của một người vợ hiền, để lo cho chồng cho con. Nếu Phật tử muốn trong gia đình được êm ấm thuận thảo hòa ái, thì Phật tử nên cố gắng tìm cách khéo léo xử sự mà nhẫn nhịn. Người xưa nói: “Nhẫn nhứt thời chi khí, miễn bá nhựt chi ưu”.
Nghĩa là, chỉ cần cố gắng nhịn nhục trong một hơi thở thôi, thì khỏi phải lo sợ cả trăm ngày về sau. Lời dạy nầy là cả một kinh nghiệm sống khôn ngoan thực tế của người xưa. Thiết nghĩ, chúng ta cũng cần nên bắt chước làm theo để bảo tồn sự hòa khí tốt đẹp trong gia đình. Đó là Phật tử khéo biết thương chồng và muốn bảo vệ hạnh phúc cho gia đình của mình.
Nếu như Phật tử không khéo xử sự, thì Phật tử sẽ rơi vào trạng huống mâu thuẫn. Một bên là vẫn xung đột với mẹ chồng, một bên thì muốn làm tròn bổn phận người vợ đối với chồng, nghĩa là không muốn cho người chồng buồn lòng.
Điều nầy, sẽ làm cho ông chồng rơi vào tình huống thật khó xử. Một bên là mẹ và một bên là vợ. Nếu ông là người con có hiếu, thì tình trạng nầy không sớm thì chầy sẽ dễ gây ra sự bất hòa đổ vỡ. Bằng ngược lại, thì ông sẽ mang tội là người con bất hiếu. Và Phật tử cũng sẽ bị ảnh hưởng thật không tốt đẹp gì! Chúng tôi thấy, có nhiều gia đình không khéo xử sự nên đã rơi vào hoàn cảnh mâu thuẫn đổ vỡ nầy.
Đó là nói vấn đề chưa thực sự xảy ra. Chỉ là một sự đề phòng, gọi là ngừa bệnh hơn chữa bệnh. Nhưng, nếu trường hợp đã xảy ra có sự bất hòa xung đột rồi thì sao ? Vấn đề nầy, theo thiển nghĩ của chúng tôi, thì chỉ có người trong cuộc mới có thể giải quyết được vấn đề nan giải khúc mắc đó mà thôi.
Nếu Phật tử xét thấy, sự xung đột đó, mình cũng dự phần có lỗi, thì tốt hơn hết là nên tìm cách xin lỗi thiết lập lại truyền thông để hóa giải cụ thể vấn đề. Đó là biện pháp hay nhất để bảo vệ được hạnh phúc gia đình. Bởi vì chính mình cột gút lại, thì cũng chính mình tìm cách khéo léo để tháo gỡ nó ra. Đó là chúng ta thể hiện đúng theo tinh thần tự giác và sám hối của đạo Phật.
Nếu như Phật tử muốn cho gia đình êm ấm, vợ chồng hạnh phúc, thì Phật tử nên vâng theo lời Phật dạy mà tập tánh hỷ xả bao dung tha thứ và thông cảm. Nhất là đối với những bậc trưởng thượng ông bà cha mẹ. Phật tử nên xét rằng, cuộc đời nầy, không có cái gì bảo đảm lâu dài, tất cả đều vô thường giả huyễn nay còn, mai mất.
Hiện chúng ta đang ở trong một cái khám lớn Ta bà, và mỗi người đều có tên trong bản án tử hình hết rồi. Không sớm thì muộn, quỷ vô thường cũng đem chúng ta ra pháp trường xét xử hành quyết mà thôi ! Thế thì hơn thua tranh chấp đấu đá với nhau để làm gì ? Hơn nhau một lời nói, chỉ để làm khổ đau thêm cho nhau. Hơn nhau một tiếng bợn nhơ trong lòng. Còn tạo nên thù oán và tìm cách hại nhau. Xét kỹ, thật không có lợi lạc chi cả.
Càng tranh chấp hơn thua với nhau chừng nào, thì chỉ càng tạo thêm hố sâu chia cách tình thân ruột thịt trong gia đình chừng nấy. Tất nhiên, người nào cũng ôm đầy một khối to « Nội kết » phiền não trong lòng. Không ai cảm thấy vui vẻ khi đối diện với nhau.
Đó là cái khổ lớn của sự « oán ghét gặp nhau ». Hiểu thế, thì chúng ta hãy nên buông bỏ đừng chấp nhứt ôm ấp chi trong lòng mà thêm nhiều bi lụy phiền muộn khổ sở. Phật tử nên nhớ, càng giận tức, ta càng chuốc khổ nặng vào thân. Mất ăn mất ngủ, cũng chỉ vì buồn giận những chuyện vớ vẩn không đâu. Đó là chúng ta đã tự hành hạ lấy ta. Người ta nói, đa sầu là tự sát. Xin Phật tử hãy suy xét lại, tội gì phải giận tức nguời ta cho mình phải khổ sở ?
Đức Phật thường dạy, người Phật tử tại gia phải khéo biết xử sự hài hòa trong tinh thần thương yêu, hòa kính, hiểu biết và cảm thông với nhau. Có thật sự thương yêu với nhau, thì mới có thể cảm thông tật tánh với nhau được. Bởi mỗi người do huân tập của mỗi hoàn cảnh và môi trường sống khác nhau.
Do đó, nên mỗi người có mỗi cá tánh dị biệt, không ai giống ai cả. Nếu có giống nhau chăng, cũng chỉ là một phần nhỏ nhoi chút ít thôi. Đa phần là dị biệt. Khác nào như những ngón tay trong bàn tay, không ngón nào giống ngón nào.
Ngón tay thì có ngón ngắn ngón dài. Tuy có ngắn dài khác nhau, nhưng chúng ta đừng quên rằng, tất cả đều ở trong một bàn tay. Bất cứ ngón tay nào trong bàn tay bị thương tích, thì cũng làm cho bàn tay phải chịu đau khổ cả. Như vậy, nếu muốn bàn tay không đau khổ, thì mỗi ngón tay phải biết thương yêu nhau và phải có trách nhiệm bảo vệ bàn tay.
Mỗi ngón tay là dụ cho mỗi thành viên con cái trong gia đình và bàn tay là dụ cho cha mẹ hay mái ấm gia đình. Nếu những ngón tay xích mích gây gổ làm khổ cho nhau, thì chỉ làm khổ đau và tan nát cho bàn tay mà thôi! Ngược lại, bàn tay cũng nhờ mấy ngón tay mà được an lành.
Vì vậy, là người Phật tử, Phật dạy, phải nên mở rộng trái tim yêu thương bao dung mà hỷ xả tha thứ cho nhau. Vì sự sống là một sự tưong duyên quan hệ mật thiết với nhau. Người khổ là mình khổ hay ngược lại cũng thế.
Là con người, sống trong vòng vô minh nghiệp thức, không ai là không có lỗi. Mình phải thường xuyên tự xét lại mình, trước khi phê bình chỉ trích người khác. Nhà mình rác rến ngập tràn không lo dọn quét, cứ thích cầm chổi lo dọn quét nhà người.
Bởi thế mà gây ra lắm chuyện thị phi phiền toái. Có đôi khi vì một chuyện nhỏ nhoi nào đó, mà ta không tự kềm chế được bản năng dục vọng, làm nô lệ cho những thứ phiền não tham, sân, si sai khiến. Từ đó, gây ra lắm cảnh xung đột, rầy rà cãi vả hoặc bạo động hành hung với nhau, làm cho mất đi thâm tình hòa khí gia đình và nếu không khéo sẽ đưa đến tình trạng đổ vỡ tan nát gia đình.
Đây là một thảm cảnh ly tán khổ đau đã và đang xảy ra nhan nhản hằng ngày. Chỉ vì một chuyện không đâu mà gây ra cảnh nồi da xáo thịt, nhà tan cửa nát, mỗi người sống mỗi nơi. Kết quả, chỉ làm khổ đau cho con cái của chúng ta mà thôi!
Tóm lại, qua những điều trình bày trên, mong rằng Phật tử nên suy xét lại. Việc bảo vệ hạnh phúc gia đình của Phật tử là việc hệ trọng. Còn việc mẹ chồng, nếu mình khéo xử sự một chút và khéo biết nhịn nhục theo lời Phật dạy, thì chắc chắn sẽ không đưa đến tình trạng rạn nứt đổ vỡ.
Vả lại, nếu là bà mẹ chồng đã cao tuổi, thì sự sống của bà ở trên đời nầy cũng chẳng có được bao lâu. Phật tử nên thương và cảm thông nhiều hơn. Vì người già có những tật tánh mà người trẻ thật khó cảm thông. Xin Phật tử hãy vận dụng trí tuệ của mình để khéo xử sự hài hòa cho vấn đề càng được tốt đẹp sáng sủa hơn.
Kính chúc Phật tử có nhiều niềm vui hạnh phúc trong cuộc sống.
30. Cả đời niệm Phật, nhưng bệnh gần chết thì lại không thích niệm Phật?
Hỏi: Kính bạch thầy, mẹ con là người chuyên tu theo pháp môn Tịnh độ niệm Phật. Con biết bà đã niệm Phật thường xuyên trên 20 năm, nhưng không hiểu tại sao trong lúc bà bị bệnh nặng nằm ở bệnh viện điều trị, con mở máy niệm Phật cho bà nghe, bà la rầy con, vì bà không thích nghe niệm Phật. Con không biết lý do tại sao? Kính nhờ thầy giải đáp giùm. Cám ơn thầy.
Đáp: Vấn đề nầy, nó thuộc phạm vi tối hệ trọng trong lãnh vực chuyên sâu về lý nhân quả. Nếu Phật tử không hiểu rõ thì cũng dễ sanh nghi, đôi khi còn mất tín tâm nữa không chừng. Thật ra, sự niệm Phật lâu năm của cụ bà, đó là tích lũy nghiệp. Nghiệp niệm Phật nầy không bao giờ mất.
Tuy nhiên, Phật tử nên hiểu rằng, nhân quả Phật nói, được đặt định trên chiều thời gian, phải xuyên suốt qua ba thời kỳ: quá khứ, hiện tại và vị lai. Cái nghiệp nhân mà cụ bà niệm Phật hiện nay, chắc chắn là bà sẽ được lợi ích ngay trong hiện tại và mai sau nữa.
Còn sở dĩ bà bị bệnh nặng mà bà có thái độ không chịu niệm Phật và cũng không thích nghe tiếng niệm Phật, theo tôi, có thể là có hai nguyên nhân: xa và gần. Nguyên nhân xa, đó là vì do cái nghiệp nhân mà bà đã gây tạo trong quá khứ.
Nghiệp nhân nầy đến đây nó thuần thục, chín muồi nên bà phải trả cái quả báo. Có thể trong quá khứ, ở một kiếp xa xưa nào đó, bà không tin Phật pháp, khi có người bị bệnh nặng, người ta niệm Phật thì bà lại tìm cách cản ngăn không cho, nên nay bà phải chịu trả cái quả báo như thế. Đó là luận theo cái nhân xa xưa.
Còn nếu xét cái nhân trong hiện tại, biết đâu trong lúc bà bị bệnh nặng, cơ thể của bà bị hoành hành đau nhức gây ra tình trạng thật khó chịu, nên tâm thần bà đâm ra bấn loạn bất an. Do đó, nên khi nghe tiếng niệm Phật bà cảm thấy thật khó chịu hơn. Vì vậy, mà bà không cho Phật tử mở máy niệm Phật.
Vả lại, Phật tử cũng nên kiểm điểm lại thật kỹ, xem mình hay những người thân khác có làm điều gì trái ý nghịch lòng bà không? Có gây ra điều gì bà hờn giận không? Vì người bệnh nhất là đang trong lúc đau đớn khó chịu, rất dễ sanh tâm tự ái giận dỗi hờn mát lắm.
Đây là một tâm lý rất thường tình của bệnh nhân mà Phật tử và những người thân nên lưu tâm cẩn thận. Có đôi khi Phật tử làm cho bà buồn giận mà Phật tử không hay biết. Trái lại, bà thì đã ôm ấp sự tức giận nầy chất chứa sâu trong lòng. Do đó, nên bà không thể làm theo ý muốn của Phật tử chăng!
Có thể hằng ngày lúc khỏe mạnh, bà chỉ biết niệm Phật ngoài miệng suông thôi, nhưng sự tu hành để sửa đổi tâm tánh, thì bà không mấy hiểu để thật hành đúng như lời Phật dạy. Có người niệm Phật cả đời, nhưng thật ra chỉ là miệng niệm mà tâm không có niệm.
Do đó, nên gặp cảnh xúc duyên trái ý nghịch lòng, thì tam bành lục tặc vẫn nổi lên mạnh mẽ la ó mắng chửi om sòm. Vì tập khí sân hận của họ còn quá sâu nặng ngập tràn. Đó là vì không có học hỏi để biết cách chuyển hóa phiền não và pháp môn mình đang tu. Tình trạng nầy đa số Phật tử chúng ta đều mắc phải.
Thiết nghĩ, vấn đề nầy, Phật tử cũng nên theo dõi bệnh trạng và cá tánh của bà để tìm hiểu rõ hơn. Nếu như căn bệnh của bà không có gì hành hạ đau nhức khó chịu, mà bà lại sanh tâm không thích nghe tiếng niệm Phật như thế, thì có thể là bà bị trả cái quả báo trước kia mà bà đã gây ra.
Để Phật tử hiểu rõ hơn về lý nhân quả, từ khi gieo nhân cho đến khi kết quả, trong Duy Thức Học có chia làm ba loại:
1. Dị thời nhi thục, có nghĩa là từ khi gây nhân cho đến khi kết quả, phải khác thời gian mới chín (thục). Như một học sinh, khi mới bắt đầu vào trường học là nhân, đến khi đổ đạt thành tài là quả. Từ khi đi học cho đến khi đổ đạt lấy bằng tốt nghiệp cuối cùng như tiến sĩ chẳng hạn, phải trải qua mất thời gian rất lâu. Đó gọi là khác thời gian mới chín.
Cũng thế, trường hợp của bà biết đâu do cái nhân cản ngăn kích bác người ta niệm Phật xa xưa, nay đến thời gian thuần thục chín muồi, nên bà phải trả cái quả báo đó.
2. Biến dị nhi thục, nghĩa là biến đổi khác đi rồi mới chín. Như trái xoài, lúc nhỏ thì màu xanh và chua, nhưng khi chín thì biến đổi màu vàng và ngọt.
3. Dị loại nhi thục, nghĩa là khác loài mới chín. Nghĩa là từ khi gây nhân cho đến khi kết quả phải trải qua thời gian biến đổi rồi mới chín. Như ta gieo hạt lúa cho đến khi thành bông lúa để gặt hái phải trải qua thời gian biến đổi. Từ lúc gieo mạ, rồi nhổ mạ (không gọi là nhổ lúa) đem cấy, thành bụi lúa (không gọi là bụi mạ) v.v… cho đến khi lúa chín rồi mới gặt. Phải trải qua thời gian biến đổi như thế mới kết thành quả.
Do đó, cho ta thấy, cái nhân mà bà đã cản ngăn không cho người ta niệm Phật trải qua thời gian lâu xa, nay đến lúc chín muồi, tất nhiên, là bà phải trả cái quả báo đó. Luật nhân quả không bao giờ sai chạy. Khác nào như tiếng dội giữa không gian. Tại vì chúng ta chưa có hiểu rõ đó thôi.
Nếu luận về cái quả hiện tại, thì cái cận tử nghiệp (nghiệp gần chết) của bà không mấy tốt. Chúng ta nên tìm mọi cách để thức nhắc cho bà để cho bà sớm hồi tâm chuyển ý. Để chuyển nghiệp nặng mà thành nghiệp nhẹ. Song có điều cái tích lũy nghiệp công phu tu hành niệm Phật trong hai mươi năm qua của bà chắc chắn sẽ không bao giờ mất. Nghiệp nhân nầy, nó sẽ kết thành quả báo mà bà sẽ thọ hưởng trong tương lai.
Tóm lại, lý nhân quả rất phức tạp, không phải đơn thuần như chúng ta tưởng. Vì từ khi gieo nhân cho đến khi kết quả, nó còn đòi hỏi các trợ duyên, tức những điều kiện phụ thuộc khác. Chính những điều kiện phụ thuộc nầy giúp cho cái chánh nhân được thành tựu tốt hay xấu.
Nếu những điều kiện trợ giúp tốt, thì cái chánh nhân kia sẽ phát triển theo chiều hướng tốt. Ngược lại, thì cái chánh nhân sẽ không phát triển tốt được. Vì thế, các điều kiện phụ thuộc nầy là những trợ duyên rất quan trọng. Trong nhà Phật có nêu ra nhiều loại trợ duyên. Vì phạm vi trả lời câu hỏi có hạn định, nên chúng tôi không tiện trình bày hết các loại trợ duyên nầy.
Một khi chúng ta đã hiểu được lý nhân quả phần nào rồi, thì chúng ta sẽ không có gì phải thắc mắc những việc xảy ra trong đời sống. Bởi tất cả đều do chúng ta định đoạt tạo lấy. Nhân tốt thì quả tốt, nếu chúng ta chịu khó quan tâm chăm sóc tốt.
Nhân và quả như bóng theo hình, như vang theo tiếng. Tùy hình và tiếng như thế nào, thì bóng và âm vang sẽ đáp lại như thế đó. Luật nhân quả rất công bằng không thiên vị một ai. Do đó, chúng ta phải nên cẩn thận trong khi nói năng, hành động, hay suy nghĩ, tất cả đều có nhân và quả cả.
Hy vọng qua những điều trình bày đại khái trên, sẽ giúp cho Phật tử hiểu qua phần nào về hiện tượng không mấy tốt của bà hiện nay. Phật tử nên tìm đủ mọi cách để khuyên lơn an ủi nhắc nhở cho bà. Nếu thường ngày trong lúc còn mạnh khỏe bà hay tin tưởng nghe theo vị Tăng, Ni nào đó, thì Phật tử có thể thỉnh vị đó đến để khuyến nhắc khai thị cho bà.
Có thể nhờ đó mà bà hồi tâm chuyển ý nghe theo. Đó là điều rất tốt cho bà trong lúc bà bị bệnh nặng hay hấp hối. Phật tử và tất cả người thân trong gia đình, nên cố gắng nhẫn nại chiều theo ý muốn của bà, đừng gây ra bằng những lời nói, thái độ hay hành động không tốt mà làm cho bà khởi tâm sân hận nóng giận, thì quả đó là điều rất tai hại cho cận tử nghiệp của bà.
Kính chúc Phật tử được dồi dào sức khỏe, đạo tâm kiên cố để làm tròn bổn phận của một người con chí hiếu.
31. Giáo pháp của Phật trải qua nhiều đời có bị sai lệch không?
Hỏi: Bạch Thầy, có người hỏi con: giáo pháp của Phật để lại trải qua thời gian lâu dài, như vậy, xin hỏi có còn nguyên vẹn hay có bị sai lệch hay không? Con không biết phải trả lời sao. Kính xin thầy hoan hỷ giải đáp giùm con.
Đáp: Sự sai lệch về mặt văn tự chắc chắn không sao tránh khỏi. Nhưng thật nghĩa yếu lý trong kinh điển thì không thể nào sai lệch được. Vì kinh Phật, nói cho đủ là khế lý và khế cơ. Khế lý là hợp với lẽ thật muôn đời bất di bất dịch. Khế cơ là phù hợp thích nghi với mọi căn cơ trình độ của chúng sanh. Nói rộng ra là phải thích nghi theo mỗi căn cơ thời đại.
Đủ hai nghĩa trên mới gọi là kinh. Thế nên, kinh điển là chân lý do những lời Phật nói, thì làm sao sai trái được. Tuy nhiên, như Phật tử đã biết, việc in ấn hay sao chép kinh điển trải qua nhiều đời hay nhiều lần, thì thật khó tránh khỏi sự sai sót ở nơi văn bản. Người ta thường nói, tam sao thì thất bổn là vậy. Nghĩa là một văn bản mà sao đi chép lại nhiều lần, tất nhiên, sẽ khó mà giữ được tính chất nguyên thủy của nó.
Tuy nhiên, sự sai sót về mặt văn tự, tuy cũng quan trọng, nhưng không đáng kể lắm. Vì dẫu sao người đọc cũng còn có thể nhận hiểu được. Điều quan trọng, là sai về phần tôn chỉ yếu lý nội dung của kinh. Đó mới là điều quan trọng đáng nói.
Lý do tại sao có sự sai lệch về phần nội dung nầy? Sự sai lệch nầy không phải là do Phật Tổ nói, mà do người ta đánh lừa tráo trở lộng giả thành chơn. Với mục đích là người ta lợi dụng nhãn hiệu Phật Tổ để truyền bá tà thuyết ngoại đạo của họ.
Đa số người Phật tử chúng ta, vì chưa có trình độ Phật học căn bản vững chắc, nên khó phân biệt đâu là kinh Phật chính do Phật nói, và đâu là kinh ngoại đạo chính do họ ngụy tạo. Thường hễ thấy ngoài bìa đề là chữ Kinh, bên trong có chữ Phật, chữ Tổ, thì người Phật tử liền vội kính tin cho đó là kinh Phật nói. Tin một cách tuyệt đối mà không cần phải suy nghĩ tìm hiểu phân biệt trong đó nói gì.
Đó là điều thật rất nguy hiểm tai hại. Chúng ta phải hết sức thận trọng khi đọc một quyển kinh hay một quyển sách. Trước tiên, ta phải biết rõ nội dung của quyển kinh sách đó nói gì. Có đúng với chân lý mà Phật Tổ chỉ dạy hay không? Muốn đánh giá có phải kinh Phật nói hay không, thì chúng ta phải y cứ vào đâu? Tất nhiên, chúng ta phải y cứ vào “Tam pháp ấn” hay “Tứ Pháp ấn” hoặc“Nhứt thật tướng ấn”.
Tam pháp ấn đó là: “chư hành vô thường, chư pháp vô ngã và Niết bàn tịch tịnh”. Còn Tứ pháp ấn là: “Khổ, không, vô thường, và vô ngã”. Nhứt thật tướng ấn (còn gọi là vô tướng) là pháp bất sanh bất diệt, tức chỉ cho bản thể chơn như. Nói cách khác là bản tâm thanh tịnh sáng suốt sẵn có trong mỗi người chúng ta.
Chữ ấn có nghĩa là in. Như chúng ta in cái mộc xuống tờ giấy trắng, thì nó sẽ hiện rõ những gì đã khắc trong cái mộc đó. Nếu những lời dạy nào không nằm trong những cái ấn đó, tất nhiên, đó không phải là những lời Phật nói, mà đó là ma nói thuộc tà giáo ngoại đạo.
Cho nên, người Phật tử phải cẩn thận khi cầm quyển kinh hay quyển sách lên xem. Trước hết, phải đọc cho thật kỹ nội dung của kinh hay sách đó nói gì. Có phù hợp với những chân lý nói trên hay không. Hay là những lời giả trá bịa đặt, không phù hợp với chân lý.
Việc lộng giả thành chơn, ở đời mạt pháp nầy nhiều lắm. Ma vương lộng hành đem truyền bá những thứ kinh sách ngoại đạo mà họ cũng mệnh danh là Phật Tổ nói. Khổ nổi, người Phật tử không chịu tìm hiểu kỹ càng, chỉ cần thấy có chữ Phật là đinh ninh kinh Phật nói. Thế là đem in rồi phổ biến truyền nhau mà đọc. Đó là vô tình Phật tử lại tiếp tay truyền bá kinh sách ngoại đạo rồi.
Thật là tội lỗi biết ngần nào! Thế nên, Phật Tổ thường khuyên bảo Phật tử chúng ta phải nên cố gắng nghiên tầm học hỏi giáo lý. Có chịu khó học hỏi, thì người Phật tử mới có thể biện biệt đâu chánh, đâu tà, đâu chơn, đâu ngụy. Không nên tin càng, tin vội, tin đại, tin đùa, khi mà chúng ta chưa tìm hiểu cặn kẽ rõ ràng.
Đó là điều mà người Phật tử cần nên ý thức dè dặt cẩn thận. Điều gì chưa rõ, nên tìm những vị thông giỏi giáo lý mà thưa hỏi. Không nên vội vã chưa chi mà lại phổ biến truyền nhau xem, thì thật là đắc tội với Phật pháp lắm vậy! Xin mọi người hãy lưu ý quan tâm cho vấn đề nầy.
32. Danh hiệu Phật A Di Đà có mặt cõi nầy vào lúc nào?
Hỏi: Bạch Thầy, mặc dù con tu Tịnh độ, nhưng con không hiểu tại sao mình phải niệm danh hiệu Ngài? Và người ta biết đến danh hiệu Ngài vào lúc nào? Kính xin thầy giải đáp cho con được rõ.
Đáp: Sở dĩ chúng ta niệm danh hiệu Ngài là vì chúng ta nương theo bản nguyện của Ngài. Vì đức Phật A Di Đà có phát ra 48 điều đại nguyện. Nguyện nào Ngài cũng muốn tiếp dẫn chúng sanh vãng sanh về nước của Ngài. Do đó, hầu hết người tu theo pháp môn Tịnh độ đều niệm danh hiệu của Ngài.
Khi chúng ta niệm danh hiệu Ngài, ngoài sự thầm gia hộ của Ngài ra, chúng ta còn cần phải nhiếp tâm chí thành mà niệm. Vì chủ trương của pháp môn Tịnh độ, ngoài phần tự lực ra còn có phần tha lực. Tuy nhiên, Phật tử nên nhớ tự lực vẫn là phần chính yếu. Phần nầy rất là quan trọng. Chúng ta cần phải gia công nỗ lực tinh cần mà niệm danh hiệu Ngài. Khi niệm Phật điều quan trọng là phải nhiếp tâm thành ý.
Không nên để tâm lăng xăng chạy loạn, mà phải để tâm an trụ vào câu hiệu Phật sáu chữ Di Đà. Vì niệm Phật là niệm tâm. Niệm Phật tối kỵ nhứt là hai chứng bệnh hôn trầm và tán loạn. Nếu niệm với tâm tán loạn, nghĩ nhớ lung tung, thì đó là niệm chúng sanh chớ không phải niệm Phật. Còn hôn trầm là chìm trong mê tối Phật nói trạng huống đó là rơi vào hang quỷ. Cho nên khi niệm Phật, chúng ta phải cố gắng tránh hai chứng bệnh nặng nề nầy.
Yếu lý của sự niệm Phật quan trọng là ở nơi ba yếu tố: “tin sâu, nguyện thiết và hành chuyên”. Trong ba yếu tố nầy, thì tin và nguyện là điều kiện ắt có và đủ để quyết định được vãng sanh về Cực lạc. Còn nếu chúng ta hành chuyên, nghĩa là niệm Phật miên mật già dặn không gián đoạn, thì chúng ta sẽ được vãng sanh ở phẩm vị cao.
Tùy theo sự thật hành của hành giả chuyên cần hay không chuyên cần, mà phẩm vị ở cõi Cực lạc có cao thấp khác nhau. Vì cửu phẩm liên hoa ở Cực lạc có chia ra làm ba bậc: Thượng, Trung và Hạ. Trong mỗi bậc lại chia làm ba. Như bậc Thượng, thì có thượng phẩm thượng sanh, thượng phẩm trung sanh và thượng phẩm hạ sanh v.v… Ba món trên còn gọi là ba món tư lương, tức hành trang lên đường về quê hương Cực lạc của hành giả.
Còn về phần tha lực, tức là chúng ta nương vào bản nguyện oai lực của đức Phật A Di Đà. Vì đức Phật A Di Đà có phát ra 48 điều đại nguyện. Nguyện nào Ngài cũng muốn tiếp rước chúng sanh về cõi nước Cực lạc của Ngài. Trong lúc lâm chung, nếu hành giả nhớ niệm danh hiệu Ngài, thì sẽ được Ngài phóng quang tiếp dẫn sanh về nước của Ngài.
Dù rằng nghiệp lực của chúng ta chưa dứt sạch, nhưng nếu chúng ta chí thành niệm danh hiệu Ngài thì cũng được Ngài tiếp dẫn. Đây gọi là đới nghiệp vãng sanh. Ví như tảng đá tuy to nặng, nhưng nếu để trên chiếc thuyền thì sẽ đi rất nhanh và nhẹ nhàng không có gì khó khăn.
Ngược lại, hạt cát tuy rất nhỏ, nhưng nếu bỏ xuống nước, thì hạt cát kia cũng dễ bị chìm đắm. Sự khác biệt giữa các pháp môn tự lực và tha lực là như thế. Đại khái đó là lý do tại sao người tu Tịnh độ phải niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà.
Còn Phật tử hỏi vì sao mà chúng ta biết đến danh hiệu của đức Phật A Di Đà và biết đến Ngài vào lúc nào? Xin thưa, sở dĩ chúng ta biết đến danh hiệu của Ngài là nhờ đức Phật Thích Ca Mâu Ni giới thiệu ở trong các Kinh điển Tịnh độ. Nhất là Kinh A Di Đà. Đây là bộ kinh tự Ngài giới thiệu nói ra, chớ không có ai hỏi Ngài cả.
Nên kinh nầy còn gọi là “vô vấn tự thuyết”. Chính nhờ vào sự giới thiệu đó, nên chúng sanh ở cõi Ta bà nầy mới biết được. Nếu như đức Phật Thích Ca không nói, thì không ai có thể biết được. Vì đức Phật là đấng chơn thiệt ngữ, nên lời giới thiệu của Ngài là một sự thật. Chúng ta tin chắc chắn điều đó, không có gì phải nghi ngờ.
33. Khi niệm hương cúng Phật, nên niệm danh hiệu Phật nào trước?
Hỏi: Kính bạch Thầy, con có một thắc mắc, xin thầy dạy cho con biết. Mỗi sáng, con thường thay nước và niệm hương cúng Phật. Con thường niệm trước là Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Nam Mô A Di Đà Phật, Nam Mô Đại Bi Quan Thế Âm Bồ Tát… và con tụng kinh. Vậy thưa thầy, con niệm hồng danh của Đức Bổn Sư trước như vậy có đúng không?
Đáp: Việc dâng hương cúng Phật hay cúng nước hoặc cúng hoa quả v.v… đó là điều rất tốt. Vì đó là phần lễ nghi, mục đích là để biểu hiện tấm lòng chí thành của mình đối với Tam bảo. Nó thuộc về phần sự tướng bên ngoài. Tuy nhiên, là Phật tử khi dâng cúng, thiết nghĩ, chúng ta cũng cần nên biết thêm về ý nghĩa của việc làm đó.
Trong nhà Phật, bất cứ việc làm nào cũng mang hai ý nghĩa rõ rệt: Sự và Lý phải viên dung. Nói cách khác Sự đâu là Lý đó. Hiểu như vậy, thì việc làm của chúng ta mới có lợi ích thiết thiệt và không bị lệch lạc rơi vào mê tín. Bằng không, thì người Phật tử dễ bị mắc phải cái lỗi mê tín, biên kiến.
Nghĩa là tin mê lầm và chấp chặt một bên. Khi Phật tử dâng nước trong cúng Phật, thì Phật tử phải hiểu đó là biểu hiện cho ý nghĩa nước tâm thanh tịnh. Phật tử phải giữ tâm của Phật tử cho được thanh tịnh giống như ly nước trong mà Phật tử dâng cúng Phật vậy.
Vì Phật có nghĩa là giác mà giác là tỉnh thức, chánh niệm. Vậy, khi cúng Phật, Phật tử phải thành tâm gìn giữ chánh niệm. Có chánh niệm là có an lạc. Còn nếu Phật tử dâng cúng Phật mà với cái tâm thất niệm, nghĩ nhớ lung tung, hay tính toán việc nầy việc kia, thì Phật tử sẽ không được lợi lạc lắm. Và như thế, việc cúng Phật rốt lại chỉ có hình thức bề ngoài cho có lệ mà thôi.
Nghĩa là xưa bày nay làm theo. Chớ không hiểu rõ ý nghĩa căn bản của việc làm. Đó cũng là một sự thiếu sót lớn lao của Phật tử. Từ việc cúng Phật suy ra đến các việc làm khác cũng thế.
Phật dạy người Phật tử bất cứ việc làm nào mà tương ưng với tánh giác, thì việc làm đó mới có ý nghĩa lợi ích thiết thực. Nếu nói về phần sự tướng thì việc cúng Phật đương nhiên là Phật tử có phước. Phước có ra là do khi cúng Phật hay Bồ tát, Phật tử đã thành tâm cung kính. Chính cái chỗ thành tâm cung kính đó, nên Phật tử mới có được phước báo. Tuy nhiên, nếu chỉ có thế, thì cũng chưa đủ ý nghĩa của việc dâng cúng.
Phật tử cần phải hiểu thêm về nghĩa lý của việc làm đó. Vì việc dâng cúng bằng những thứ vật chất, đều mang ý nghĩa tượng trưng thôi. Như Phật tử dâng cúng hoa quả, thì Phật tử nên hiểu rằng, nếu Phật tử gây nhân tốt đẹp như hoa tươi, thì sẽ kết quả như những trái cây tươi tốt mà Phật tử đang dâng cúng Phật vậy. Bởi trái là kết quả của bông, nhờ có đơm bông kết nụ mới thành trái. Bông là nhân mà trái là quả. Nhân tốt thì quả tốt. Phật tử cúng dường là nhân mà được phước báo là quả.
Đó là nhắc nhở cho chúng ta nhớ phải tạo nhân lành thì sẽ được quả lành. Nếu Phật tử chỉ hiểu đơn thuần dâng cúng hoa quả hay những thứ khác để được phước không thôi, thiết nghĩ, như thế thì cũng chưa đúng ý nghĩa của việc dâng hoa quả cúng Phật.
Phật là giác, còn cúng có nghĩa là nuôi lớn. Nuôi lớn cái gì? Nghĩa là nuôi lớn căn lành. Người Phật tử phải hằng nuôi lớn và phát triển căn lành, trí giác của mình. Như thế, thì mới đúng với ý nghĩa của việc cúng Phật qua hai phương diện: “Sự và Lý tròn đầy” vậy.
Còn khi cúng, Phật tử muốn niệm vị Phật hay Bồ tát nào tùy ý cũng đều được cả. Tuy nhiên, thông thường thì chúng ta nên niệm đức Phật Thích Ca Mâu Ni trước. Vì Ngài là vị giáo chủ của cõi Ta bà nầy. Nhờ Ngài mà chúng ta mới biết chư Phật và các vị Bồ tát khác. Đồng thời, nhờ học hỏi giáo lý của Ngài mà chúng ta mới biết được đường lối tu hành thoát khổ. Do đó, chúng ta nên ghi nhớ công ơn lớn lao vô biên của Ngài.
Vì thế, khi làm việc gì ta phải niệm danh hiệu của Ngài trước. Mục đích là để Ngài chứng minh gia hộ cho việc làm của chúng ta. Đó là nói theo việc lễ nghi cách thức hành trì là như vậy. Còn nếu như Phật tử cảm thấy mình có duyên với vị Phật hay vị Bồ tát nào, thì cứ niệm danh hiệu của những vị đó không sao cả. Không có vị Phật hay Bồ tát nào quở trách Phật tử đâu.
Nếu là người chuyên tu pháp môn Tịnh độ, thì họ thường niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà. Có người thường tin tưởng vào hạnh nguyện cứu khổ của đức Bồ tát Quán Thế Âm, thì cứ niệm danh hiệu của Ngài.
Nói tóm lại, tùy theo sở thích nhân duyên của mỗi người, mà niệm danh hiệu của mỗi vị Phật hay Bồ tát có khác nhau. Niệm vị nào trước, vị nào sau cũng được không có gì sai trái. Tuy nhiên, như trên đã nói, hiện chúng ta đang sống ở cõi nầy, nên trước tiên là ta niệm danh hiệu đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, rồi sau đó sẽ niệm những vị Phật, Bồ tát khác thì có lẽ đúng cách hơn.
Kính chúc Phật tử cố gắng tu hành và chóng đạt thành sở nguyện.
34. Bằng cách nào có thể khuyên cha mẹ tin Tam bảo tu hành?
Hỏi: Kính bạch thầy, con có cha mẹ già, nhưng ông bà không tin Phật pháp và cũng không biết tu hành. Nay con muốn khuyên cho cha mẹ con lo tu hành để mai sau ông bà gặp Phật pháp tu hành để khỏi phải đau khổ. Nhưng con không biết phải khuyên và làm như thế nào cho cha mẹ con tin và nghe theo. Kính xin thầy hoan hỷ chỉ cách thức cho con. Kính cám ơn thầy.
Đáp: Qua câu hỏi của Phật tử, chúng tôi biết Phật tử là người con có hiếu. Phật tử đã hết lòng tin tưởng Phật pháp và cũng đã có ứng dụng tu hành thấy có lợi ích thiết thiệt trong đời sống, nên mới phát tâm muốn cho cha mẹ của mình cũng được tin tưởng Phật pháp để tu hành được lợi ích như mình. Nhưng không biết phải khuyên cha mẹ bằng cách nào để cho cha mẹ được tin tưởng và làm theo.
Vấn đề nầy, thiết nghĩ, Phật tử không nên nóng vội gấp gáp lắm. Bởi vì khuyên một người phát tín tâm nơi Tam bảo, phải tùy thời tùy cơ. Và nhất là phải tự người đó ý thức tin tưởng thì mới tốt. Còn vấn đề khuyên bảo thì phải xem căn tánh của người đó như thế nào mới được. Và cần phải hợp thời đúng lúc, thì họ mới phát khởi tín tâm.
Đối với một người mà họ không có niềm tin nơi Tam bảo, mà khuyên bảo họ phải tin, điều đó là trái với tôn chỉ chủ trương của đạo Phật. Bởi đạo Phật rất tôn trọng quyền tự do quyết định của mỗi người. Nhất là đối với sự đặt định niềm tin.
Đức Phật không bao giờ bắt buộc ai phải tin theo Ngài cả. Đức Phật chỉ trình bày giáo lý qua sự kinh nghiệm thân chứng của Ngài, rồi để mọi người tự do chọn lựa quyết định lấy. Trường hợp của ông bà như lời Phật tử nói, thì có lẽ đời trước ông bà không có gây tạo nhân duyên với Phật pháp. Hoặc là có gây nhưng nhân duyên có thể đến muộn.
Tuy rằng, hiện tại ông bà không tin Phật pháp, nhưng ông bà không có gây tạo nghiệp ác, thì cũng tốt chớ có sao đâu. Chúng ta phải tôn trọng niềm tin của mỗi người. Phật tử nên biết, mỗi người có mỗi biệt nghiệp và cá tánh khác nhau. Đó là do sự huân tập của mỗi hoàn cảnh môi trường sống khác nhau. Mình không thể bắt người ta phải tin theo những gì như ý mình muốn.
Ông bà không tin mà Phật tử muốn cho họ phải tin tưởng Phật pháp ngay, thật là cả một vấn đề nan giải khó khăn. Nếu không khéo, coi chừng phản tác dụng và làm cho ông bà lại có thêm ác cảm với Tam bảo. Điều đó càng gây thêm tai hại tội lỗi cho ông bà.
Chuyện gì cũng phải từ từ, nhất là chuyện chuyên sâu về đời sống tâm linh. Đây là vấn đề tối ư hệ trọng, vì nó quyết định lý tưởng cho cả một đời người. Vì vậy, nên cần phải có yếu tố thời gian. Tôi thành thật khuyên Phật tử không nên vội gấp lắm.
Dựa vào câu hỏi của Phật tử, tôi nghĩ, ông bà tuy có theo truyền thống đạo Phật, nhưng đối với Phật pháp thì ông bà chưa có phát khởi tín tâm thôi. Chưa phát khởi tín tâm, chớ không có ý kích bác chê bai Phật pháp. Có thể vì một lý do nào đó mà ông bà chưa tin tưởng vào Phật pháp.
Vì Phật tử không có trình bày rõ về lý do ông bà không tin, nên chúng tôi cũng khó mà trả lời góp ý cho xác đáng. Nếu xét về nguyên nhân quá khứ, thì hạt giống Phật pháp của ông bà có thể rất là yếu kém. Chính vì thế, nên niềm tin Tam bảo của ông bà chưa có cơ hội phát triển. Tuy không phải là hạt giống ngoại đạo hẳn, nhưng đối với Tam bảo thì ông bà không có niềm tin.
Vấn đề nầy, tuy có phần nan giải, nhưng tôi cũng xin cố gắng góp chút thành ý qua thiển nghĩ của chúng tôi. Rồi tùy ý Phật tử suy xét mà quyết định lấy. Theo tôi, nhân tố quan trọng trước tiên chính là Phật tử. Một mặt, Phật tử phải tỏ ra là nguời con có hiếu, khéo biết vâng lời cha mẹ. Mặt khác, Phật tử nên biểu lộ tấm lòng niềm tin Phật pháp cho ông bà thấy rõ.
Việc biểu lộ lòng thành nầy có nhiều phương cách. Nhưng phương cách tốt nhất, nếu như Phật tử còn chung sống với cha mẹ, thì Phật tử nên chọn thời gian nào đó thích hợp, rồi Phật tử mở những đĩa băng kinh do chư Tôn đức Tăng, Ni thuyết giảng. Phật tử mở để Phật tử nghe, nhưng với thâm ý là cũng muốn cho ông bà nghe nữa. Nên nhớ là chỉ mở những băng kinh nào có tác dụng thiết thực trong đời sống. Nghĩa là những bài giảng dễ hiểu và mang tính nhân quả thực tế nhiều hơn.
Đó là phương cách để gieo hạt giống Phật pháp vào trong tâm điền của ông bà. Nhờ sự huân tập đó mà hạt giống Phật pháp của ông bà sẽ tăng trưởng dần, hy vọng một ngày nào đó ông bà sẽ có được niềm tin Phật pháp.
Như Phật tử đã biết, thường người ta có gặp hoạn họa gì đó, thì họ mới chịu thức tỉnh hồi đầu. Sách có câu: “Nhơn vô hoạn họa bất hồi đầu”. Đó cũng là một tâm lý thường tình và cũng là một cơ duyên tốt. Mong rằng, khi ông bà nghe thắm hiểu được Phật pháp, chừng đó biết đâu ông bà sẽ phát tín tâm mạnh mẽ hơn Phật tử nữa không chừng. Nhưng điều quan trọng, là Phật tử phải để tâm theo dõi hành động và khuynh hướng nếp nghĩ của ông bà. Xem họ có khuynh hướng ý nghĩ gì và hành động của họ như thế nào trong khi nghe qua Phật pháp.
Đó cũng là cách mà Phật tử tìm thời cơ để đánh mạnh vào tâm thức của ông bà. Đồng thời Phật tử nên khéo léo nhẫn nại chịu đựng một khi ông bà có phản đối la rầy.
Vì việc làm của Phật tử có chủ đích, nên cố gắng khắc phục mọi việc và nhất là đừng bao giờ tỏ ra khuyên lơn như có vẻ ta đây dạy khôn ông bà. Lựa thời cơ chín muồi, thì Phật tử có thể thỉnh một vị Tăng, Ni nào đó, đến để làm quen và khuyên giải khai thị cho ông bà.
Phật tử thử áp dụng như thế xem sao. Sách nho có câu: “Tận nhân lực mới tri thiên mệnh”. Mình cứ làm hết sức mình, còn lại là phần nghiệp quả của mỗi người. Vì chính đức Phật còn có “tam năng tam bất năng”, nói chi đến hàng phàm phu tục tử như chúng ta.
Kính chúc Phật tử chóng đạt thành công theo ý nguyện
35. Làm sao hóa giải được lời thề nguyền?
Hỏi: Kính thưa thầy, con có một người em gái, khi con nghèo khổ không có tiền lo cho gia đình, nên con có hỏi mượn em con nhiều lần. Con thấy em con đối xử với con quá tốt, nhưng với số nợ mà con đã mượn, thì con không có cách nào hoàn trả được. Nên con có nói là con xin nguyền kiếp sau sẽ làm trâu ngựa để trả nợ cho em con.
Lời thề nguyền đó thốt ra, khi con chưa hiểu đạo. Nay được nghe học hỏi giáo lý quý thầy chỉ dạy, con rất sợ sẽ bị vướng mắc vào lời thề nguyền đó. Vậy, xin thầy chỉ dạy cho con có cách nào hóa giải lời thề đó được không? Kính mong thầy chỉ giáo cho con. Thành kính cám ơn thầy.
Đáp: Vấn đề thề nguyền tùy theo mỗi hoàn cảnh và tâm ý mà nó có cường độ nặng nhẹ khác nhau. Nếu lời thề nguyền với một chủ tâm có ác ý, thì cái kết quả của nó rất nặng. Vì cái nghiệp khẩu có sự hợp tác chặt chẽ của ý thức chủ động tạo tác. Nên mới thốt ra lời thề độc. Trường hợp của Phật tử thì lời thề nguyền đó có khác.
Ở đây, rõ ràng Phật tử không phải là do động cơ ác cảm ác ý mà thề nguyền. Vì Phật tử mang ơn của người em giúp đỡ quá sâu nặng, không có cách gì để hoàn trả lại số nợ đã mượn quá lớn, nên mới thốt ra lời nói với thâm ý như là để trả cái ơn thâm trọng đó thôi. Chớ Phật tử không có ác ý giận dỗi hờn mát.
Tuy lời nói đó mới nghe qua thì cảm thấy thật khá nặng nề, vì nguyện kiếp sau làm thân trâu ngựa để đền trả, nhưng xét về lý, thì Phật tử chỉ thốt ra bằng tất cả tấm lòng của một người mang ơn nặng mà thôi. Theo tôi, thì việc đó không có gì kết thành tội nặng mà phải trả.
Bởi động cơ xuất phát từ ở nơi cái tâm tốt, chớ không phải xuất phát từ cái tâm xấu ác. Do đó, nên cái quả sẽ không thành. Nếu có, thì cũng chỉ trả cái nghiệp khẩu nhẹ mà thôi. Tuy nhiên, Phật tử muốn cho yên tâm khỏi phải ray rứt bức xúc mặc cảm trong lòng, thì tôi xin được đề nghị với Phật tử có hai phương cách để giải quyết:
Một là, Phật tử nên chí thành phát nguyện lạy sám hối để tiêu trừ cái khẩu nghiệp. Việc lạy sám hối nầy tùy Phật tử phát nguyện nhiều ít. Như thế, vừa tiêu tội chướng mà lại còn tăng thêm phước đức nữa.
Hai là, Phật tử cũng nên nói rõ cho người em biết, là Phật tử vì xét thấy việc đối xử của người em quá tốt, nên Phật tử mới lỡ thốt ra lời nói như thế. Chỉ cần người em thông cảm nói một lời: “việc đó không có gì đâu mà chị phải quan tâm.
Em không có chấp nhứt để ý gì đến chuyện thề thốt của chị đâu. Cái đó là do chị cảm nhận vô tình mà thốt ra như vậy thôi”. Nếu người em nói ra như thế, thì Phật tử không còn gì phải ôm ấp ray rứt khó chịu trong lòng. Chị em đã hiểu biết và cảm thông nỗi khổ cho nhau. Đó còn là tạo thêm mối thâm tình sâu đậm trong tình nghĩa chị em nữa. Thiết nghĩ, rất là có lợi cho Phật tử.
Tóm lại, việc thề nguyền của Phật tử, theo tôi, sẽ không thành tội bởi những lý do sau đây:
Thứ nhứt, Phật tử nói với một cái tâm mang nặng ơn sâu khó trả, đó là cái tâm tốt theo nguyên lý đạo đức cội gốc của con người. Nghĩa là ân đền nghĩa trả. Như vậy, không có gì là trái với luân thường đạo lý.
Thứ hai, khi Phật tử nói ra lời đó là với một tâm cảm tự nhiên của một con người, chớ không có ý gì khác. Nghĩa là nói một cách vô tư xuất phát từ đáy lòng của một con người thọ ân sâu nặng. Như vậy, Phật tử cũng không cảm thấy trái với lương tâm.
Thứ ba, y cứ vào luật nhân quả mà xét định, thì một lời nói ra sẽ thành quả nặng, với điều kiện là khi nào lời nói đó có ý thức bất thiện chủ động xen vào sai khiến, bảo cái miệng phải thốt ra lời nói đó, như vậy, thì mới thành nghiệp quả nặng. Ngược lại, lời nói mà không có ác ý chủ định, thì lời nói đó, theo trong Duy Thức Học gọi là “Duy tác nghiệp”. Nghĩa là một hành động hay lời nói chỉ đơn phương không có sự hợp tác ác độc của ý thức xen vào. Vì vậy, nên cái quả báo rất nhẹ.
Xét qua ba điều nêu trên, thì việc thề nguyền của Phật tử sẽ không thành cái tội làm trâu ngựa như Phật tử đã nói. Trên đây, chúng tôi chỉ y cứ theo lý nhân quả qua nhận định của Duy Thức Học để chia sẻ gọi là góp chút thành ý mà thôi.
Còn nếu như Phật tử vẫn còn hoài nghi chưa mấy cảm thông hài lòng, thì Phật tử có thể tìm một bậc cao đức thiện hữu tri thức nào đó, có những lý giải sâu sắc hay hơn, thì Phật tử nên thỉnh ý vị đó khai thông hóa giải chỉ giáo cho.
Được thế, tôi hết lòng tán dương tùy hỷ. Còn sự giải đáp của chúng tôi ở đây, chỉ trong phạm vi hiểu biết có giới hạn. Mục đích là để bày tỏ đôi nét vụng về, chỉ xin được chia sẻ góp chút ý kiến bằng tất cả chân tình mộc mạc, tạm gọi là giải bày tâm tình đôi chút để khỏi phụ lòng Phật tử đã hỏi. Chỉ có thế thôi. Kính mong Phật tử thông cảm cho.
Chân thành cám ơn Phật tử và kính chúc Phật tử luôn được bình an hạnh phúc trong nếp sống.
36. Thường chiêm bao thấy người thân, không biết có siêu hay không?
Hỏi: Kính bạch thầy, Người thân con mất đã lâu, nhưng trong giấc ngủ con thường mộng thấy người ấy hiện về. Như vậy, con không biết trường hợp nầy như thế nào? Người thân con có được siêu thoát hay không?
Đáp: Vấn đề nầy chúng tôi không thể trả lời một cách khẳng quyết có hay không được. Lý do là vì chúng tôi không thấy biết làm sao chúng tôi dám nói một cách khẳng quyết. Tuy nhiên, ở đây, chúng tôi chỉ xin nêu ra một vài điềm mộng đã được ghi chép trong sách sử rồi tùy Phật tử quyết đoán. Có những điềm mộng lại trở thành sự thật. Nhưng trước hết, chúng ta cũng nên biết qua có mấy loại mộng. Nói đến mộng trong nhà Phật có nêu ra ba loại mộng:
1. Cửu thức tuần du.
2. Tứ đại thuyên tăng.
3. Thiện ác tiên triệu.
1. Loại mộng cửu thức tuần du nầy, là do những kỷ niệm của ký ức hiện khởi. Đây là do những hạt giống mà chúng ta đã huân tập lâu đời hoặc hiện đời, mà nó được cất chứa ẩn tàng sâu kín trong kho A lại da thức, nay trong lúc ngủ nó hiện khởi lên tạo thành chiêm bao. Tùy theo sức năng huân của chúng ta mà những hạt giống nầy nó có cường độ mạnh yếu khác nhau.
Có những hạt giống mà ta mới huân vào gây nên một ấn tượng sâu đậm rất mạnh. Do đó, nên nó có thể hiện khởi ngay trong giấc ngủ. Như trường hợp ta nhớ một hình ảnh đặc biệt, hay một phong cảnh đẹp đẽ nào đó mà mình khắc ghi sâu đậm vào trong tâm thức. Những hạt giống nầy nó nằm trên bề mặt của vô thức nên nó hiện khởi trước.
2. Loại mộng tứ đại thuyên tăng nầy là do sự bất hòa của tứ đại mà có ra. Như trường hợp ta bị nóng sốt cao độ chẳng hạn. Lúc đó, tinh thần ta bị mê sảng, nên trong giấc ngủ ta thấy nhiều cảnh mộng hung dữ.
3. Loại mộng thiện ác tiên triệu nầy là có những điềm lành hoặc dữ báo trước cho chúng ta biết. Đây thuộc loại mộng mà Phật tử đã thấy nêu ra. Để Phật tử suy nghiệm rõ hơn về loại mộng nầy, tôi xin nêu ra đây một vài điềm mộng báo trước mà trong sách sử đã ghi lại.
Trường hợp 1. Đọc lịch sử đức Phật Thích Ca, chúng ta thấy sử ghi lại, bà hoàng hậu Ma Gia sau khi phát chẩn cho những kẻ tàn tật cơ hàn, đêm lại bà nằm mộng thấy con bạch tượng có sáu ngà từ trên không trung hiện xuống và rồi chui vào hông bên hữu của bà.
Sáng ra, bà tâu cho nhà vua biết và nhà vua truyền mời thầy đoán mộng đến đoán. Ông thầy đoán mộng cho biết, sau nầy hoàng hậu sẽ sanh một hoàng nam tài năng xuất chúng v.v… Nếu thái tử ở đời sẽ làm vị chuyển luân thánh vương và nếu xuất gia tu hành sẽ trở thành một vị Phật. Điềm mộng nầy đã trở thành một sự thật.
Trường hợp 2. Lịch sử Trung Quốc có ghi lại điềm mộng của vua Hán Minh Đế ở vào thời đại Hậu Hán (Đông Hán) niên hiệu Vĩnh Bình năm thứ ba (TL 60). Một hôm nhà vua nằm mộng thấy một người mình vàng, cao một trượng sáu (2m6) trên đỉnh có hào quang chiếu sáng như mặt trời bay đến trước sân điện nhà vua. Sáng ra, nhà vua bèn đem điềm mộng ấy hỏi trong quần thần, khi ấy có ông Thái sư Phó Nghị tâu rằng: Thần nghe bên Tây Vức (Ấn Độ) có vị Thánh hiệu là Phật Đà toàn thân một màu vàng kim sắc, có khi bệ hạ đã thấy Ngài đó chăng…? Chuyện nầy đã trở thành sự thật và đã được ghi lại trong phần đầu của Kinh Tứ Thập Nhị Chương, do giáo sư Hoàn Quan dịch.
Trường hợp 3. Trong quyển “Những Truyện Cổ Việt Nam mang màu sắc Phật Giáo” do thầy Lệ Như Thích Trung Hậu biên soạn, có kể câu chuyện Từ Đạo Hạnh là con trai của Từ Vinh. Ông Từ Vinh bị nhà sư Đại Diên dùng phép thuật đánh Từ Vinh chết.
Chuyện ghi lại: “Cái đêm Từ Vinh chết Từ Đạo Hạnh được cha báo mộng cho biết sự tình và nhắc đi nhắc lại tên Đại Diên dặn phải trả thù cho bằng được. Tỉnh dậy, chàng hốt hoảng tìm cha, và chàng xiết bao đau đớn khi thấy thây cha nổi trên mặt nước…” Sau nầy sư Đại Diên bị Từ Đạo Hạnh đánh chết, đó là chuyện ân oán trả vay với nhau.
Trường hợp 4. Trong quyển Truyện Cổ Phật Giáo tập 4 do Minh Chiếu sưu tập có kể câu chuyện: “Quả cam oan nghiệt”.
… Một người Tàu Quảng Đông, tên Tàu Dư đã bị người bạn tên Phan Phiên giết chết để chiếm đoạt số vàng bạc. Anh nầy bị chết oan, nên báo mộng cho ông quan tên Tào Công để biết rõ nội vụ. Trong chuyện có đoạn nói về sự báo mộng, trong khi ông quan nầy đang ngồi đọc sách rồi gục xuống bàn mà ngủ thiếp đi.
Và trong giấc ngủ ông mộng thấy như sau: “Một người Tàu vào đặt ngay thư án một chiếc quả sơn đỏ, rồi vái hai vái mà lui. Công mở quả xem thì thấy một trái cam chín thắm. Công toan cầm cam lên ngửi thì một con quạ bay đến, lấy chân quắp tha đi, Công vội đuổi theo thì vấp ngã… Giật mình tỉnh dậy thì là một giấc chiêm bao…”
Câu chuyện thật đã xảy ra in như trong giấc chiêm bao mà ông quan đó đã thấy. (Muốn biết rõ đầu đuôi câu chuyện nhân quả oan nghiệt khủng khiếp nầy, xin quý vị tìm đọc Truyện Cổ Phật Giáo tập 4, trang 81).
Những điềm mộng báo trước sự việc xảy ra như thế, chúng tôi thấy còn rất nhiều trong sử sách ghi lại. Đồng thời, chúng tôi cũng đã được nghe nhiều người kể lại, nhưng ở đây, chúng tôi chỉ xin nêu ra bốn trường hợp trên, thiết nghĩ, cũng tạm đủ để chứng minh cho Phật tử thấy biết để xét đoán.
Nếu y cứ vào trong kinh nói, thì có những người sau khi chết, qua 49 ngày là tùy nghiệp lành dữ mà thọ sanh vào các loài khác nhau. Có người, vì nghiệp duyên tham trước luyến ái sâu nặng, nên họ không thể siêu thoát về những cảnh giới lành được. Do đó, họ phải đọa lạc vào những loài ma quỷ đi lang thang không nơi nương tựa, mà trong kinh thường gọi là những loại cô hồn đói khát.
Trường hợp như bà Thanh Đề thân mẫu của Tôn giả Mục kiền liên bị đọa vào loài quỷ đói như trong Kinh Vu lan Bồn đã diễn tả. Vì thế, mà chúng ta cần phải tụng kinh làm nhiều việc phước lành để cầu siêu độ cho họ. Dù người mất đã lâu, chúng ta cũng có thể vì họ mà làm mọi việc phước lành và nhất là phải tụng kinh niệm Phật để hồi hướng cầu nguyện cho họ.
Có thế, thì hương linh của người mất, nhờ đó mà cũng được thừa hưởng ít phần lợi lạc. Xin Phật tử nên vì mẹ mà cố gắng tu tạo nhiều việc phước lành để thành tâm hồi hướng phước đức đó về cho mẹ mình. Được vậy, thì rất là quý báu, vì cả hai đều được ân triêm lợi lạc vậy.
37. Người vào chùa xuất gia có bất hiếu hay không?
Hỏi: Thưa thầy, Theo quan niệm của thế gian có nhiều người cho rằng người vào chùa xuất gia là bất hiếu với cha mẹ, bởi vì không phụng dưỡng cho cha mẹ khi người già yếu, bệnh đau. Vậy, xin hỏi trường hợp đó có bất hiếu hay không?
Đáp: Xin thưa ngay không có gì là bất hiếu cả. Đó là một quan niệm rất sai lầm. Đôi khi vì chưa hiểu rõ hạnh nguyện cao cả của người xuất gia nên họ mới có quan niệm sai lầm đó thôi. Không phải vào chùa xuất gia là cắt đứt mọi quan hệ ân tình với người thân, nhất là đối với ân sâu nghĩa nặng của ông bà cha mẹ. Chẳng qua người xuất gia họ không nặng phần ái kiến như người thế tục.
Sự biểu hiện tình thương của người xuất gia đối với thân nhân ruột thịt của họ có khác hơn người đời. Bởi người đời còn hệ phược vào sự luyến ái rất sâu nặng. Ngược lại, người xuất gia thì vượt lên trên thứ tình cảm hệ lụy thường tình đó. Vì người xuất gia là của chúng sanh, nên họ thể hiện tình thương chan hòa đồng đẳng khắp tất cả.
Sự báo hiếu cho cha mẹ của người xuất gia, họ không đặt nặng về phần vật chất, mà chỉ coi nặng về phần tinh thần. Hướng cha mẹ vào con đường tu niệm để được giải thoát. Tuy nhiên, đối với cha mẹ già yếu hay bệnh hoạn, thì người xuất gia cũng phải có bổn phận chăm sóc phụng dưỡng.
Nếu bảo rằng, người xuất gia là bất hiếu với cha mẹ, thì có lẽ đức Phật là người bất hiếu trước tiên. Vì sao ? Vì Ngài là người bỏ cha mẹ đi tu xuất gia đầu tiên. Nhưng có phải đức Phật là nguời bất hiếu hay không ? Nếu Ngài thực sự bất hiếu như người đời quan niệm, thì tại sao khắp cả hàng nhơn thiên trên thế gian nầy đồng xưng tán ca tụng quy hướng về Ngài ?
Chính Ngài sau khi tu hành đắc đạo đã trở về hoàng cung độ vua cha Tịnh Phạn và cả hoàng tộc đều xuất gia tu hành đắc đạo. Khi vua cha băng hà, Ngài còn định khiêng quan tài, nhưng các đệ tử ngăn cản không cho. Và chính Ngài đứng ra lo hết mọi việc trong nghi lễ quốc táng cho vua cha.
Sau ngày thành đạo, Ngài còn lên cung trời Đao Lợi thuyết pháp cho Thánh mẫu nghe. Ngài là người luôn tôn trọng và đề cao chữ hiếu. Trong Kinh Báo Hiếu Phụ Mẫu Ân ghi lại, chính đức Phật đã lạy đống xương khô bên vệ đường :
Đáo bán lộ đành rành mắt thấy
Núi xương khô bỏ đấy lâu đời
Thế Tôn bèn vội đến nơi
Lạy liền ba lạy rồi rơi lệ hồng...
Thấy thế ngài A Nan là người thị giả theo hầu, thắc mắc tỏ ra rất ái ngại không hiểu vì sao Phật lạy đống xương khô. Phật cho biết, đống xương khô đó chính là lục thân quyến thuộc ông bà cha mẹ trong nhiều đời nhiều kiếp, luân hồi sanh tử tử sanh, hoặc thân ta hoặc kẻ ta sanh. Một người đã thể hiện đầy đủ chất liệu tình người cao đẹp như thế, sao dám bảo là người xuất gia bất hiếu ?
Ngoài tấm gương đại chí hiếu của đức Phật ra, đến hàng đệ tử của Ngài, như trường hợp Tôn giả Mục kiền liên, ai dám bảo ngài là người con bất hiếu? Nếu đã bất hiếu, thì tại sao cho đến hôm nay cả nhơn loại đều ca tụng tấm lòng hiếu thảo cao đẹp của Ngài.
Và hằng năm, những người con Phật trên khắp năm châu bốn biển đều nhất loạt cử hành đại lễ Vu Lan Thắng Hội vào dịp rằm tháng bảy âm lịch, để cầu nguyện cho cửu huyền thất tổ, thất thế phụ mẫu ông bà cha mẹ nội ngoại tông thân, kẻ còn người mất đều được ân triêm lợi lạc. Đó có phải là noi theo tấm gương hiếu hạnh cao cả của Ngài không ? Thế thì tại sao cho rằng, người xuất gia là những người con bất hiếu với cha mẹ ?
Nói về việc phụng dưỡng cho cha mẹ bệnh hoạn hay già yếu, không phải người xuất gia bỏ phế không lo chăm sóc. Chúng tôi xin dẫn chứng những vị xuất gia tu hành chân chánh, đạo cao đức trọng đã thể hiện trong thâm tình của một người con đối với những bậc cha mẹ sanh thành dưỡng dục như sau:
Đức Lục Tổ Huệ Năng trước khi đến Huỳnh Mai để cầu pháp với Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn, Ngài đã để lại một số tiền lớn để cấp dưỡng cho mẹ già và nhờ người chăm sóc lo lắng cho mẹ Ngài chu đáo. Tổ Hoằng Nhẫn xây cất nhà cho mẹ ở.
Trần Lục Châu dệt vải để nuôi song thân. Lãng pháp sư du học còn cõng mẹ đi theo. Sách sử ghi lại còn rất nhiều những tấm gương hiếu hạnh trong sáng cao cả tuyệt đẹp như thế. Đó là nêu ra những tấm gương của các bậc Thiền đức thời xưa đã hết lòng cung phụng hiếu dưỡng cho mẹ.
Thời nay, cũng có nhiều vị xuất gia, khi biết cha mẹ già yếu đau ốm, không có người cận kề sớm hôm chăm nom săn sóc, thì đích thân họ lo lắng phụng dưỡng cơm cháu thuốc thang đỡ đần cho cha mẹ. Như trường hợp bản thân chúng tôi, vì noi gương xưa nên tháng giêng năm Mậu Tý (2008) khi hay tin thân mẫu của chúng tôi đau nặng ở Việt Nam, chúng tôi vội vả mua vé máy bay về ngay để ngày đêm cận kề chăm nom săn sóc cơm cháu thuốc men cho cụ bà. Chăm sóc như thế cho đến khi cụ bà qua đời.
Trong lúc cụ bà hấp hối sắp lâm chung, chúng tôi luôn túc trực ở bên cạnh bà để niệm Phật. Bà ra đi một cách rất thanh thản nhẹ nhàng. Đó là điều mà chúng tôi cảm thấy rất vui mừng. Vì mẹ tôi mất, có mặt tôi bên cạnh để hết lòng trợ duyên niệm Phật cho bà.
Nói thế, tuyệt nhiên, chúng tôi không dám có ý khoe khoang, mà chỉ nói lên tấm lòng của những người xuất gia luôn ghi nhớ và báo đáp thâm ân giáo dưỡng của cha mẹ trong muôn một mà thôi. Không phải người xuất gia đi tu là bất hiếu với cha mẹ như người đời lầm tưởng.
Nên biết rằng, dù người xuất gia luôn lấy pháp vị làm vui, nhưng với chữ hiếu các ngài vẫn hằng hoài niệm ân sâu đáp trả. Dù các ngài lìa niệm tưởng ân ái, mà vẫn không quên lễ nghĩa ở đời. Chúng ta báo đáp thâm ân cha mẹ một đời là báo đáp ân sâu trong nhiều kiếp. Độ cha mẹ một đời là báo đáp ân sâu cho cha mẹ trong nhiều đời.
Do đó, nên sự báo hiếu của người xuất gia không những hạn cuộc trong thâm tình huyết thống mà còn rộng khắp đến muôn loài. Vì thế, cho chúng ta thấy cái hiếu của người xuất gia thật là cao cả rộng lớn biết là ngần nào!
38. Thắp ba nén hương có ý nghĩa gì?
Hỏi: Kính thưa thầy, con thường thấy khi hành lễ quý thầy thường thắp ba nén hương để nguyện hương, nhưng con không hiểu thắp ba nén hương đó có ý nghĩa gì? Xin thầy giải đáp cho con rõ.
Đáp: Thật ra, trong nhà Phật thường lấy những con số để tiêu biểu tượng trưng thôi. Kỳ thật nó không có quan trọng cho lắm. Vả lại, đã nói là tiêu biểu tượng trưng nên người ta có thể dùng bất cứ con số nào mang ý nghĩa siêu thoát cao đẹp, cũng có thể lấy đó làm tiêu biểu được cả. Như con số tám muôn bốn ngàn pháp môn tu, đó cũng là con số tượng trưng. Pháp môn của Phật nói ra là vô lượng vô biên, chớ đâu phải chỉ có giới hạn con số ngần ấy. Nói con số đó để đối trị tám muôn bốn ngàn trần lao phiền não. Phiền não làm gì có con số tám muôn bốn ngàn, mà nó là vô tận không thể nào đếm hết được.
Hoặc giả như các loại xâu chuỗi mà quý tăng ni và Phật tử thường đeo, như chuỗi trường 108 hạt, chuỗi tay 18 hạt v.v… tất cả đó cũng chỉ là những con số tượng trưng thôi. Như xâu chuỗi trường 108 là tượng trưng cho thập bát giới (lục căn, lục trần, lục thức) tức 18, rồi đem con số 18 nầy nhân cho 6 món căn bản phiền não (tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến) thành ra con số 108. Người tu theo pháp môn Tịnh độ, thì chư Tổ dạy phải lấy việc trì danh niệm Phật làm chính yếu. Do đó, nên người ta dùng những xâu chuỗi nầy để lần từng hạt làm đơn vị mà niệm Phật.
Mục đích của sự niệm Phật là để dứt trừ phiền não. Mà phiền não có ra là do sự tiếp xúc của căn, trần và thức, rồi kèm theo sự hợp tác làm việc chặt chẽ của 6 món căn bản phiền não. Do đó, mà chúng sanh tạo nghiệp thọ khổ luân chuyển nổi trôi mãi trong tam đồ lục đạo. Muốn dứt trừ những thứ phiền não đó, thì chúng ta phải thu nhiếp sáu căn không cho tiếp xúc với sáu trần.
Căn và trần không tiếp xúc với nhau, thì thức cũng không do đâu mà phân biệt. Đồng thời, khi đó, chúng ta phải hết lòng tập trung chú tâm vào câu hiệu Phật. Không để tâm suy nghĩ bất cứ chuyện gì khác. Nhờ đó, mà tâm ta được an định. Tâm An định tức là không có phiền não, mà phiền não không có, thì ngay đó là ta đã được an lạc giải thoát rồi.
Nói thế, để Phật tử thấy rằng, tất cả đều là những con số mang ý nghĩa tiêu biểu tượng trưng thôi. Cũng vậy, thường người ta chỉ thắp một nén hay ba nén hương, chớ người ta không thắp 2 nén hoặc 4 nén, tức là những con số chẵn.. Lý do tại sao?
Vì người ta cho rằng con số lẻ là con số âm và số chẵn là số dương. Vì thế khi thắp hương cúng vái cho người mất, thì người ta chỉ thắp 1 cây hoặc 3 cây, chớ không ai thắp 2 cây hoặc 4 cây bao giờ.
Đó là lý do mà Phật tử thắc mắc đã hỏi. Riêng trong Phật giáo, với con số 3 nầy, thú thật, tôi chưa thấy kinh sách nào giải thích rõ ràng. Đã nói là tượng trưng, thì ai cũng có thể nêu ra con số để tượng trưng được cả.
Tuy nhiên, con số nào mà chúng ta thấy mang ý nghĩa tiêu biểu tượng trưng sâu sắc nhứt thì chúng ta có thể lấy con số đó để làm tiêu biểu. Theo chúng tôi, thì lấy con số “Tam vô lậu học” để tượng trưng thì có lẽ hợp lý xác đáng hơn. Vì đây là ba môn học rất hệ trọng trong giáo lý đạo Phật.
Có thể nói, toàn bộ hệ thống giáo điển của Phật giáo đều được xây dựng trên ba môn học giải thoát nầy. Rời ba môn học nầy ra, thì không còn là giáo điển của Phật giáo nữa. Lại nữa, khi niệm bài dâng hương, thì người ta thường niệm “Ngũ phần pháp thân hương” mà mở đầu là “Giới hương, Định hương và Huệ hương”, rồi mới Giải thoát, Giải thoát tri kiến hương.
Như vậy, vẫn lấy Tam vô lậu học đứng đầu. Chúng tôi thiết nghĩ, có lẽ vì xét thấy tầm mức quan trọng của ba môn học đó như thế, nên người xưa mới lấy con số 3 đó, để làm tiêu biểu khi dâng lên ba nén hương để cúng Phật vậy.
39. Làm sao niệm Phật để được nhứt tâm bất loạn?
Hỏi: Kính thưa thầy, xin thầy hoan hỷ chỉ cho con niệm Phật cách nào chóng được nhứt tâm bất loạn.
Đáp: Vấn đề nầy, các kinh điển chuyên thuyết minh về giáo nghĩa Tịnh độ đã chỉ dạy cho chúng ta một cách rất rõ ràng. Nhất là Kinh A Di Đà, đức Phật dạy rất rõ về phương pháp trì danh niệm Phật. Chỉ có phương pháp nầy rất dễ dàng để chúng ta chuyên tâm hành trì mà thôi. Tuy nhiên, phương pháp thì đã có sẵn, nhưng điều quan yếu là chúng ta phải hành trì cho đúng pháp. Có hành trì đúng pháp thì mới đạt được kết quả cao.
Phật tử nên biết, sự tu hành điều cần yếu là chúng ta phải vững tâm bền chí. Ai tu hành cũng muốn cho mình chóng đạt được kết quả nhanh. Chính cái mong muốn đó, đôi khi trở thành tai hại. Người xưa nói: “dục tốc bất đạt”. Nghĩa là muốn mau không bằng chậm. Đi từng bước thì vững chắc hơn. Chạy nhanh quá coi chừng bị vấp ngã té nặng. Vì mong muốn cho mau, nên người tu cần phải đốt giai đoạn.
Phải tu cho gấp để chóng được kết quả. Tâm trạng nầy, khác nào như người trồng cây, vừa gieo hạt xuống đất là muốn có trái cây ăn liền. Không cần phải chờ đợi thời gian. Phật tử thấy điều đó là hữu lý hay vô lý? Thật là quá vô lý! Bởi vậy mà có nhiều người vì nôn nóng gấp gáp quá, nên dễ bị tẩu hỏa nhập ma. Và cũng dễ đi lạc vào con đường tà ngoại. Thật là đáng thương xót biết bao!
Như Phật tử đã biết, yếu lý của sự niệm Phật là diệt trừ phiền não. Khi Phật tử tha thiết nhiếp tâm vào câu hiệu Phật, niệm từng chữ từng câu cho thật rành rẽ rõ ràng, tâm không phóng nghĩ chuyện gì khác ngoài câu hiệu Phật. Như vậy, ngay trong giây phút đó Phật tử đã đươc “Sự nhứt tâm” rồi. Song rất tiếc, là chỉ nhứt tâm được trong một giây phút thôi. Chớ nếu được kéo dài như vậy, thì Phật tử đã thực sự an lạc giải thoát rồi. Và chính ngay cõi Ta bà nầy đã trở thành cõi Cực lạc.
Vì trong giây phút đó, phiền não không có dấy khởi. Mà không có phiền não, tức là Niết bàn. Vì không có nước đục, thì nước trong hiện ra. Mây mù tan, thì vầng trăng sáng hiện. Tuy nhiên, nếu xét cho kỹ, thì đây mới chỉ không có niệm thô thôi, còn niệm vi tế, thì vẫn còn. Vì vậy, nên nói là Sự nhứt tâm. Bao giờ dứt hết những niệm sinh diệt vi tế nữa, thì bấy giờ Phật tử mới đạt được “Lý Nhứt tâm bất loạn”.
Khi đó, chỉ có một tâm thể thanh tịnh sáng suốt hiện tiền, không còn một vọng niệm nào hết, dù là một niệm rất vi tế cũng không có. Giống như tấm gương Phật tử đã lau sạch bụi. Trên tấm gương đó không còn một hạt bụi li ti nhỏ nhiệm nào hết. Được vậy, mới thực sự gọi là chánh định. Như thế Phật tử thấy khó hay dễ? Khó thì cũng thật khó, nhưng dễ thì cũng thật dễ.
Nói khó là vì chúng ta quen sống theo những tập khí. Chúng ta cứ để cho tâm ta tha hồ buông lung duyên theo trần cảnh, không lúc nào dừng nghỉ. Chính vì thế mà cõi lòng ta lúc nào cũng cảm thấy bất an.
Đầu óc ta luôn quay cuồng theo những tính toán lo âu sợ hãi giống như cái máy. Bởi thế, nên có nhiều người bị căng thẳng bức xúc quá độ, thét rồi gây nên tình trạng bệnh loạn tâm thần. Do đó, phương pháp niệm Phật, Phật dạy với mục đích là để chúng ta khôi phục lại nguồn năng lượng chánh niệm của chúng ta.
Bản chất của tâm thức vốn không có loạn động. Nhưng vì một niệm bất giác mê lầm dấy khởi, chúng ta liền theo nó, rồi thể hiện ra bằng lời nói hoặc hành động bất thiện. Từ đó, chúng ta mới thọ nhiều quả báo khổ đau. Đó là cái kết quả, bởi do chúng ta không nhận diện chuyển hóa được vọng niệm kịp thời. Muốn dứt trừ vọng niệm, nên Phật dạy chúng ta phải chuyên cần niệm Phật.
Vì niệm Phật có công năng chận đứng mọi thứ vọng tưởng điên đảo. Nếu chúng ta chịu khó gia công nỗ lực bền bỉ niệm Phật, và phải niệm một cách tha thiết chí thành, thì những vọng tưởng phiền não sẽ mòn dần không còn. Mà phiền não không còn, thì bấy giờ Phật tử sẽ đạt được Nhứt tâm bất loạn rồi. Theo tôi, chỉ có một phương pháp duy nhứt đó thôi, ngoài ra không còn cách nào khác.
Tóm lại, Phật tử muốn chóng được nhứt tâm bất loạn, thì Phật Tổ dạy phải ứng dụng pháp trì danh niệm Phật. Phải giữ chặt câu hiệu Phật trong tâm. Đi, đứng, nằm, ngồi tới lui động tịnh đều phải hằng niệm Phật. Được vậy, mới thực sự gọi là chấp trì danh hiệu Phật. Nhờ chí thành tha thiết niệm Phật như thế, thì chắc chắn sớm hay muộn gì Phật tử cũng sẽ đạt thành sở nguyện thôi. Kính chúc Phật tử bền tâm niệm Phật và chóng thành tựu như ý nguyện.
40. Trong lúc sắp lâm chung không giữ được chánh niệm có được vãng sanh không?
Hỏi: Thưa thầy, con thường niệm Phật hằng ngày, nhưng trong lúc hấp hối sắp lâm chung mà con không giữ được chánh niệm. Như vậy, khi chết con có được vãng sanh hay không?
Đáp: Việc giữ được chánh niệm trong giờ phút sắp lâm chung, thật không phải là chuyện dễ dàng như Phật tử nghĩ. Đối với căn tánh nghiệp lực sâu nặng của chúng ta hiện nay, thật khó mà giữ được chánh niệm? Chỉ trừ những bậc có được định lực vững vàng, xem cái chết như trò chơi, thì mới giữ được chánh niệm khi lìa đời.
Ngoài ra, thật khó có ai giữ được như thế. Nếu là người bệnh nặng trước khi chết, cơ thể của họ bị đau nhức rã rời không còn nhớ niệm Phật. Vì vậy, chúng ta rất cần những người hộ niệm. Trong giờ phút nầy, việc hộ niệm cho người bệnh sắp chết thật là tối thiết yếu. Giả như chúng ta không giữ được chánh niệm, nhưng nhờ sự thức nhắc niệm Phật của các bạn đồng tu, cũng là một trợ duyên rất tốt cho chúng ta quyết được vãng sanh.
Theo lời Phật Tổ dạy, nếu như hằng ngày Phật tử chuyên cần niệm Phật, đến lúc hấp hối sắp lâm chung dù không giữ được chánh niệm, thì Phật tử cũng sẽ được vãng sanh. Vì sao? Vì còn có phần tha lực nhiếp hộ tiếp dẫn của đức Phật A Di Đà.
Hằng ngày, Phật tử đã chí thành niệm Phật và có lòng tín nguyện cầu vãng sanh, chả lẽ trong giờ phút sắp lâm chung vì không giữ được chánh niệm mà đức Từ Phụ Di Đà không tiếp rước Phật tử sao? Nếu như vậy, thì trái với bản nguyện của đức Phật rồi. Thế thì, Phật tử đừng có lo sợ nghi ngờ mình không được vãng sanh. Chính cái niệm nghi ngờ đó, nó sẽ làm trở ngại cho việc vãng sanh của Phật tử rất lớn.
Điều quan yếu là Phật tử nên cố gắng ngày đêm chuyên cần niệm Phật. Phật tử hãy chuẩn bị tư lương hành trang cho mình khá vững chắc hơn. Trong ba món tư lương, thì hai điều kiện để bảo đảm được vãng sanh về Cực lạc, đó là Tín và Nguyện. Còn sự thật hành, đó là đánh giá ở nơi phẩm vị cao thấp. Phật tử nên xem kỹ lại những câu hỏi trước, tôi đã có trình bày qua về vấn đề nầy.
Tôi thành thật khuyên Phật tử, sau mỗi thời niệm Phật hoặc giả làm được điều lành gì, thì Phật tử nên nguyện hồi hướng trang nghiêm Tịnh độ. Phật tử nên cố gắng tập tu hạnh hỷ xả, đừng cố chấp bất cứ việc gì.
Đồng thời, Phật tử nên sanh tâm yểm ly cõi đời đầy đau khổ trần ai hệ lụy nầy mà hân mộ về cõi Cực lạc. Nhờ tập buông xả, thì tâm Phật tử mới dần dần nhẹ bớt gánh nặng phiền não. Do đó, mà sự niệm Phật của Phật tử sẽ dễ được an định hơn.
Phật tử nên noi gương hạnh của bà Bá Bất Quản, trăm việc chẳng lo, buông bỏ tất cả. Bà chỉ một lòng niệm Phật, không màng đến việc đời phải trái hơn thua danh lợi khen chê. Nhờ vậy, mà kết quả là bà biết trước được ngày giờ vãng sanh.
Trước khi vãng sanh, bà đến từ giả Hòa Thượng Đạo Nguyên, một bậc chân tu mà bà rất kính trọng. Vì Hòa Thượng chỉ dạy cho bà phương cách niệm Phật. Sau đó bà đi từ giả mọi người trong thân bằng quyến thuộc và bạn bè. Từ giả xong, bà lặng lẽ ngồi yên mà thoát hóa vãng sanh về cõi Phật. Thật là nhẹ nhàng an thoát biết bao!
Phật tử nên nhớ rằng, xưa kia ông Trương Thiện Hòa hằng ngày chuyên sát hại sinh vật trâu bò để bán, thế mà trước giờ phút sắp lâm chung, tướng địa ngục hiện ra, ông hốt hoảng chí thành niệm Phật.
Nhờ đó mà ông cũng được vãng sanh thay, huống chi nay Phật tử biết lo tu hành ăn chay, giữ giới, niệm Phật hằng ngày mà không được vãng sanh hay sao? Điều quan yếu là Phật tử nên có tín nguyện sâu vào pháp môn niệm Phật mầu nhiệm. Và Phật tử cố gắng tập buông bỏ mọi việc đừng đam mê chấp trước luyến ái duyên trần. Bởi càng luyến ái chỉ thêm ràng buộc chớ thực sự không có lợi lạc gì ! Kính chúc Phật tử sẽ chóng đạt thành sở nguyện.