;
Cơn mưa lũ dài ngày đã buộc đoàn du khảo chúng tôi dừng chân tại Hà Tĩnh. Đó là vùng đất mà chúng tôi nghĩ là không còn gì về những nét đặc thù của Phật giáo, sau bao nhiêu năm chiến tranh khốc liệt đổ xuống vùng này.
Thế nhưng, như một cơ duyên đưa đẩy, vì nhờ lưu lại đây mà chúng tôi đã tiếp cận được ngọn lửa tinh thần Phật giáo còn sót lại và sức sống của ngọn lửa ấy đã làm ấm lòng nhưng đầy lưu luyến và ray rứt mãi trong lòng chúng tôi trên đường trở về.
Cố Phật tử Trương Thị Ninh - Pháp danh Diệu Phước (áo dài đỏ) và các Phật tử thị xã Hà Tĩnh lễ bái tại chánh điện thờ Phật - Đền Võ Miếu. Ảnh MT
Xe chúng tôi bị chết máy trong cơn lũ tràn qua mặt đường quốc lộ, đành phải đưa vào garage ở thị xã Hà Tĩnh để sửa chữa. Những thành viên trong đoàn trong khi chờ đợi không biết làm gì, hỏi thăm nhân dân về các di tích ở đây, và được họ cho biết rằng Hà Tĩnh còn có một ngôi chùa. Thế là anh Võ Văn Tường, người không chịu để thời gian chết hăm hở vác máy đi tìm, vì thế, anh đã gặp và đưa chúng tôi đến với một tập thể các phật tử mộ đạo vẫn còn kiên trì bên nơi thờ phượng đã bị cháy nám.
Tất cả đều mang tâm trạng mừng mừng tủi tủi khi họ được tiếp xúc với gặp chúng tôi. Vì biết đoàn là người Phật giáo từ TP.HCM ra Bắc nghiên cứu các tu viện Phật giáo, cụ Bùi Trọng Cường, một phật tử lão thành ở địa phương cho chúng tôi biết nơi đây còn trên 400 phật tử vẫn kiên trì thường xuyên đến lễ bái tại ngôi chùa "hợp tự" này. Thật ra đây là ngôi đền Võ Miếu, mà với chủ trương trước kia trong thời chiến, người ta đã dẹp bỏ tất cả các ngôi chùa, đem tượng về đây ngồi chung với Thần thánh hay đúng hơn là nơi lưu giữ những tàn tích tín ngưỡng dân gian của một thời đại đã qua mà hiện nay không còn cần thiết!
Hà Tĩnh trước đây có 5 ngôi chùa với sinh hoạt Phật giáo là truyền thống chủ đạo trong đời sống dân gian. Đó là các chùa Phật học, chùa Cổ Lam, chùa Bà Hy, chùa Phú Hàu, chùa Đại Nài. Riêng chùa Đại Nài là dấu tích lịch sử của cụ Nguyễn Công Trứ từng về ở tu. Ở chùa Phật Học, xưa kia có một nhà sư tên Hà Thế Hanh từ trong Huế ra trụ trì và mất ở đấy sau năm 1953.
Nhân dân Hà Tĩnh ngày nay gọi đền Võ Miếu là chùa vì họ không còn gì khác để so sánh biết được ý nghĩa giữa đền, đình, chùa, miếu có gì khác nhau. Thế nhưng các Phật tử còn lại ở 4 huyện thị, Thạch Hà, Can Lộc, Cẩm Xuyên và Thị xã, tuy không có chùa riêng để lễ Phật tụng kinh, họ vẫn giữ đạo tâm sâu bao cuộc bể dâu đổi dời, thật đáng quí thay như hạnh bà lão cúng đền thời Phật thuở xưa.
Ảnh Cầu Vồng cũ do nhà nghiên cứu văn học phương Đông, Nguyễn Thị Sông Hương sưu tầm.
Sau ngày đất nước thống nhất, các phật tử có làm đơn thỉnh nguyện gởi các nơi có thẩm quyền và Giáo hội để xin phép tái lập một nơi thờ tự trên nền chùa Phật Học cũ, hầu không bị lẫn lộn với các tín ngưỡng khác mang nhiều hủ tục, nhưng tất cả lời thỉnh cầu của họ vẫn đi vào im lặng, chẳng có hồi âm...
Vào những ngày lễ trọng đại, các phật tử ở đây thỉnh tượng Phật trong đền ra nền chùa cũ dựng lên mái lều để tụng kinh lễ bái, nhưng rồi trong năm nay (1991) họ phải rơi lệ chứng kiến 2 lần bị đốt cháy vào lúc giữa đêm. Bao giờ thì họ có lại được một mái chùa để che chở an ổn tâm hồn cho họ vững tin vào cuộc sống? Câu hỏi này chúng tôi xin nhượng phần giải đáp cho những ai có thẩm quyền.
Khi được hỏi nguyện vọng của họ muốn gì, các cụ già đã sống vì niềm tin còn lại sau 2 cuộc chiến chỉ mong mỏi có một nơi thờ phượng lễ bái, có kinh sách giáo pháp để học hỏi và mong được một vị sư về hướng dẫn tu học. Ước muốn như thế thôi cho cả một tỉnh có nhiều truyền thống, nhiều danh nhân như cụ Nguyễn Du thiết nghĩ có phải là quá nhiều lắm không?
Chúng tôi thật sự bức xúc khi lắng nghe những nguyện vọng, những tâm sự ấy và nhất là khi biết được rằng đã hơn 30 năm nay, họ vẫn không có thông tin gì với Phật giáo các nơi, ngay cả chưa biết đến tờ báo Giác Ngộ của Phật giáo. Chúng tôi hứa giúp họ một ít kinh sách báo chí khi trở về, và góp một lời thay tiếng nói khẩn cầu của họ. Lúc chúng tôi chia tay là lúc thật sự khó quên, đó là cách các cụ già phật tử quyến luyến rơi lệ tiễn đưa.
Chợ Hà Tĩnh xưa - ảnh do nhà nghiên cứu văn học phương Đông, Nguyễn Thị Sông Hương sưu tầm.
Rời Hà Tĩnh dưới bầu trời mưa rơi ảm đảm, như buồn cho tình cảnh những người phật tử mộ đạo kiên trì ở đây, làm tâm hồn mỗi chúng tôi thêm trĩu nặng. Mưa như cảm thông những mất mát của các cụ già và khóc thay cho chúng tôi khi nghĩ về một chân trời mà đồng bào, phật tử mình đã mất ánh sáng từ bi an lạc chiếu rọi.
Trong cuộc sống, chúng tôi nghĩ rằng, phật tử chúng ta rộng lòng từ bi trên nhiều phương tiện từ thiện cứu giúp mọi người, đừng để những đồng bào phật tử của mình đang còn gặp nhiều khó khăn ấy mà tiếng gọi của họ lại một lần nữa rơi vào hư không.
Để đáp lại tấm lòng của những người phật tử lẻ loi ấy, và tự giải thoát mình ra khỏi những trăn trở chất nặng trong lòng, chúng tôi xin gióng lên hồi chuông để thông báo với Phật giáo đồ tòan quốc rằng có những con Phật bất hạnh dạng kiên trì giữ lòng với đạo ấy.
Đêm 27-10-1991
Thích Đồng Bổn - Báo Giác Ngộ