;
Theo thông tin từ các bài viết của báo Tuổi Trẻ, Dân Trí và Thanh Niên, ngày 31 tháng 03 năm 2017, cựu tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye đã chính thức bị bắt giữ sau khi Tòa án trung tâm Seoul chấp nhận yêu cầu từ phía công tố. Bà Park bị cáo buộc tội tham nhũng, lạm dụng quyền lực và rò rỉ bí mật nhà nước cho người bạn thân Cho Soon Sil, một người không nắm giữ một chức vụ gì trong chính phủ. Trước đó, ngày 30 tháng 3 năm 2017, bà đã phải trải qua hơn 9 giờ đồng hồ để trả lời chất vấn trong phiên tòa luận tội.
Hai tuần sau khi bị phế truất khỏi chiếc ghế Tổng thống, bà buộc phải rời khỏi Nhà Xanh (nơi Tổng thống đương nhiệm làm việc và sinh hoạt) để đến khu biệt giam phía nam Seoul. Tại đây, bà ở trong một căn phòng rộng 6,5 m2 như bao phạm nhân khác. Mỗi ngày, bà sẽ có ba bữa ăn, mỗi bữa ăn với giá tiền 1,440 won (tương đương 1,3 USD hay 30.000 đồng).
Bà cũng phải tự rửa khay, chén, đĩa, trước khi trả lại cho những người quản giáo. Ngoài ra, vì là tù nhân nên bà phải mặc đồng phục của trại giam, điểm danh một ngày hai lần vào 6h sáng và 9h tối, không có một đặc ân nào so với những người phạm nhân bình thường khác.
Trước bà Park, Hàn Quốc đã có hai cựu tổng thống bị vướng vào vòng lao lý, đó là ông Chun Doo Hwan và ông Roh Tea Woo. Hai cựu tổng thống bị buộc tội xúi giục và kích động trong cuộc đảo chính quân sự năm 1979. Hai ông bị cáo buộc vì tội đã tham gia trong cuộc thảm sát những người biểu tình chống chính phủ ở thành phố tây nam Gwangju.
Ông Chun bị kết án chung thân còn ông Roh bị kết án 17 năm tù. Điều 7, khoản 1 hiến pháp Hàn Quốc quy định: “Tất cả viên chức nhà nước đều là công bộc của toàn dân và phải chịu trách nhiệm trước nhân dân”. Tại điều 11, khoản 2 còn nêu rõ: “Việc trao thưởng huân chương, huy chương chỉ có hiệu lực với người được thưởng và không đặc quyền, đặc lợi nào được nảy sinh ra từ các tưởng thưởng đó”.
Từ đó, chúng ta có thể thấy rằng luật pháp Hàn Quốc rất nghiêm minh, không một đảng phái nào có thể bao trùm quyền lực lên tất cả. Nhà nước và nhân dân Hàn Quốc nhất trí với việc “loại bỏ mọi hành vi xã hội sai trái và bất công”. Người nào làm đúng thì được thưởng, làm sai sẽ bị phạt, không có một nhân nhượng hay khoan hồng nào.
Dù đó là một vị Tổng thống, khi vi phạm pháp luật cũng sẽ bị trừng trị. Đây là một bước tiến rất lớn của chính phủ nước này trước tình trạng tham nhũng và lợi dụng chức quyền. Tinh thần dân chủ thật sự được thể hiện rõ nét. “Thượng tôn pháp luật”, pháp luật là trên hết, pháp luật được đặt ra để bảo vệ quyền lợi cho nhân dân, cho đất nước, không phải để giữ vững quyền lực cho một đảng phái chính trị, tôn giáo, hay đem lại lợi ích riêng cho một nhóm người nào.
Thông qua câu chuyện của bà Park, cựu tổng thống Hàn Quốc, có rất nhiều vấn đề cho chúng ta suy ngẫm, chiêm nghiệm. Sự kiện bà phải chịu trách nhiệm trước những việc mình làm đã phản ánh đúng tinh thần nhân quả trong đạo Phật. Khi chúng ta trồng cây chanh thì sẽ hái quả chua, trồng cây ớt thì sẽ hái quả cay, trồng cây mít thì sẽ hái quả ngọt.
Quy luật nhân quả tuần hoàn là quy luật chung của vũ trụ vạn hữu, không một ai có thể trốn tránh trách nhiệm hay chối bỏ những việc sai trái mà mình đã gây tạo. Trong kinh Tương Ưng Bộ, chương Năm Pháp, phẩm Triền Cái, phần Sự Kiện Cần Phải Quan Sát, đức Phật dạy: “Này các Tỳ-kheo, ta là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Phàm nghiệp nào ta sẽ làm, thiện hay ác, ta sẽ thừa tự nghiệp ấy”.
Mặc dù bà Park phải chịu sự trừng trị của pháp luật trước những hành động phạm pháp của mình, thế nhưng chúng ta cũng nên tán thán tinh thần dám làm dám chịu của bà. Bà không đưa ra những biện minh, quanh co, chối tội hay tìm cách lẩn trốn. Đây là điều rất đáng khích lệ.
Đối với một số người, khi nắm giữ được vị trí lãnh đạo và có quyền hành trong tay, họ ra sức vơ vét, móc nối, một mặt tìm cách để giữ vững và củng cố quyền lực, mặt khác tranh thủ cơ hội để kiếm chác chút đỉnh trước khi “hạ cánh an toàn”. Khi những hành động tham nhũng bị bại lộ, sự gian trá mưu mô bị phơi bày ra ánh sáng, thì đó là lúc họ cao chạy xa bay, những “ông lớn” sẽ không còn ở đó cho pháp luật trừng trị mà họ đã an vị phía trời Tây với lý do chữa bệnh hay mất tích.
Tại một quốc gia khác, con cái họ đã có được chút ít vốn liếng tiền bạc và học thức, nhà cửa cũng đã được chuẩn bị sẵn sàng, họ chỉ cần bay sang đó là hưởng thụ đầy đủ mọi tiện nghi vật chất, sống phần đời còn lại trong sự an nhàn và sung túc trên mồ hôi và nước mắt của bao người. Nhưng tiếc thay, những người này đâu ngờ rằng nhân quả báo ứng đâu phải chỉ trong một đời, cái nhân đã gieo thì sẽ nằm đó, một lúc nào đó nó sẽ trổ quả và họ sẽ chịu quả báo, không đời này thì đời khác.
Đây là những điều rất thực tế đang được diễn ra trong xã hội, có những việc dường như ai cũng biết nhưng không mấy người dám nói, và dần dần trở thành “chuyện thường trên phố huyện”. Ngay trong Giáo hội Phật giáo của chúng ta, là môi trường đạo đức, tổ chức đại diện cho tôn giáo lớn của một quốc gia, cũng xảy ra rất nhiều những điều tệ hại, những “con sâu làm rầu nồi canh”.
Những vị Hòa thượng, Thượng tọa được suy tôn lên hàng chư tôn giáo phẩm, lãnh đạo Giáo hội, khi phạm phải những điều sai trái, liệu có ai dám đứng ra để lên tiếng hay xử lý. Cũng có những vấn đề được bàn bạc giải quyết, nhưng đó chỉ là để xử lý một số người vô danh tiểu tốt, còn những người được mang danh là “đức cao vọng trọng” thì dường như không ai dám động đến vì một nỗi lo nào đó.
Sáng ngày 17 tháng 10 năm 2016, tại văn phòng BTS GHPGVN TP.HCM đã diễn ra phiên họp về vụ việc “Nhà sư hát thánh ca” gây xôn sao dư luận. Theo báo cáo của BTS GHPGVN quận 9, trên trang mạng xã hội trong thời gian qua xuất hiện một video clip về một nhà sư hát thánh ca tại tu viện Phanxico.
Vụ việc này liên quan đến Đại đức Thích Lệ Ngạn - Trưởng Ban Hướng dẫn Phật tử quận 9. Tại phiên họp, Đại đức Thích Lệ Ngạn đã thừa nhận video clip “Ơn gọi một ngôi sao” là do chính Đại đức trình bày tại tu viện Phanxico, Quận 9 vào tối ngày 03 tháng 10 năm 2016, nhân dịp “Lễ Diễn Nguyện”, việc tham dự và trình diễn chương trình này có sự cho phép của thầy Bổn sư Thích Nhựt An - trụ trì Tổ đình Phước Tường.
Sau cuộc họp, căn cứ vào nội quy của Ban Tăng Sự GHPGVN TP.HCM, HT Thích Minh Thông lấy ý kiến của chư tôn đức lãnh đạo, quyết định đình chỉ tạm thời chức vụ Trưởng Ban Hướng dẫn Phật tử Quận 9 của Đại đức Thích Lệ Ngạn trong thời gian 3 năm. Đại đức Thích Nhựt An, Bổn sư của Đại đức Thích Lệ Ngạn tạm thời sẽ không được tiếp nhận đệ tử trong thời gian ít nhất 3 năm kể từ khi thi hành quyết định.
Qua câu chuyện của Đại đức Thích Lệ Ngạn, đây là bài học chung cho những người đệ tử xuất gia, phải cẩn thận và giữ gìn oai nghi giới luật khi làm bất cứ việc gì cũng như giao tế với xã hội. Nhưng cũng với một vụ việc nổi trội đã xảy ra vào thời gian trước đó không lâu, cũng công khai trên mạng xã hội, nhưng không ai dám lên tiếng, vì vụ việc này liên quan đến một vị Thượng tọa giảng sư danh tiếng được nhiều người biết đến.
Đêm ngày 24 tháng 12 năm 2014, Thượng tọa Thích Chân Quang đã tổ chức đêm mừng giáng sinh tại Thiền Tôn Phật Quang, núi Dinh, Bà Rịa - Vũng Tàu. Thầy trò cùng hát hai bài Thánh ca đêm Noel, trong đó có bài “Con Sẽ Ngồi Xuống” do Thượng tọa Chân Quang phổ nhạc từ lời thơ của Linh mục Nguyễn Duy - Trưởng Thánh ca hội Thánh Việt Nam.
Thượng tọa phân tích từng câu ca, giai điệu cũng như nguồn gốc của bài hát. Sau đó, Thượng tọa còn ca ngợi Chúa Giesu và rao giảng giáo lý Thiên Chúa. Tin tức này và bài giảng của Thượng tọa được đăng trên mạng Internet (http://thichchanquang.com/br-vt-dem-24-voi-bai-giang-noi-ve-chua-cua-tt-thich-chan-quang-tai-thien-ton-phat-quang/).
Cùng là một sự kiện, nhưng khi hai người ở vị thế khác nhau thì cách xử lý khác nhau. Phải chăng, chúng ta sợ quyền lực, sợ đụng chạm nên không dám lên tiếng, không dám xử lý. Nội bộ Giáo hội còn có trường hợp “đóng cửa dạy nhau”, trong khi khắp xã hội người ta đều biết sự việc sai trái như thế, làm sao mình có thể “giơ cao đánh khẽ” được.
Đồng ý là chúng ta sợ phá kiến chúng sanh, sợ hình ảnh tốt đẹp của Tăng đoàn bị bôi xấu, sợ các thế lực thù địch chống phá, sợ miệng đời chê bai, sợ Phật tử quay lưng với đạo,...
Nhưng cũng chính vì những nỗi lo ấy mà mình không giải quyết triệt để, không dám công khai cho mọi người được biết, không dám đả động đến những người có tầm ảnh hưởng lớn. Điều đó càng làm cho Phật giáo đi xuống, vì người ta sẽ không biết hoặc không sợ.
Như trường hợp của Đại đức Thích Lệ Ngạn, có thể là do trong một phút nông nổi mất chánh niệm mà làm sai, nhưng cũng có những người biết vẫn làm sai, vì được chống lưng bởi một thế lực nào đó. Tệ hơn nữa là những trường hợp phá giới, phá kiến nghiêm trọng nhưng được che đậy khéo léo, đây là điều rất đáng buồn vì làm cho người vi phạm không biết ăn năn hối lỗi, trái với giới luật mà đức Phật đã đưa ra.
Trong kinh Tăng Chi Bộ, chương Hai Pháp, phẩm Người Ngu, đức Phật dạy: “Này các thầy Tỳ-kheo, có hai loại người có trí. Thế nào là hai? Người có phạm tội thấy là có phạm tội, và người chấp nhận người khác như pháp phát lộ tội của mình”.
Một người xuất gia phải biết tàm và quý, khi có lỗi phải tự mình nhận lỗi. Điều đó thể hiện được tư cách tốt đẹp của người có đạo đức. Không ai trên đời này là không có lỗi, trừ các bậc Thánh.
Nếu người ta có lỗi, mình vì cả nể mà không dám lên tiếng, khiển trách, phê phán, thì họ sẽ cho rằng việc làm như vậy là đúng, và cứ như thế mà tiếp tục phạm phải sai lầm. Những người thuộc thế hệ sau này lại tiếp tục đi theo con đường sai lầm đó, cùng dắt díu nhau đi vào tội lỗi, sa đọa.
Có những điều hoàn toàn sai, nhưng do nhiều người đồng tình và làm theo thì dần dần được người ta chấp nhận, song dù có được chấp nhận thì nó vẫn cứ sai. Từ xưa đến nay, chúng ta đã đi theo bao nhiêu lối mòn mà người đời trước đã đi qua, mặc dù không biết sai hay đúng, thế là đánh mất đi những giá trị cốt lõi.
Có nhiều người đổ thừa cho “phương tiện”, bày ra những cách thức chiêu trò để dẫn dụ quần chúng, nhưng liệu đó có phải là cách tốt khi những bước đầu tiên đã sai. Là người Phật tử chân chính, chúng ta phải dùng trí tuệ để soi xét những gì đúng, sai, phải, trái, y cứ vào kinh và luật mà đức Phật đã ứng xử sao cho phù hợp.
Đừng bao giờ biện minh cho những sai trái của mình. Khi đứng ngoài ánh sáng, đôi khi chúng ta bị nhiều người nhìn thấy và để ý hơn trong bóng tối. Nhưng không vì thế mà mình đúng trong bóng tối, làm ngơ trước cái sai, cái xấu, để mặc cho bao người sống trong nhà của Như Lai lại phá đạo. Đó là điều chúng ta luôn luôn phải khắc ghi. Đạo pháp trường tồn nhờ chư Tăng giữ giới, xã hội phát triển bởi người sống biết tôn trọng nhân quyền, luật pháp.
*Bài viết thể hiện văn phong, góc nhìn riêng của tác giả.
Đằng Vân
Có 3 trường hợp: 1- Biết người kia vi phạm giới luật nhưng họ vẫn im lặng, cho rằng im lặng từ bi nhưng thực chất họ không dám phanh phui vì bản thân họ còn tệ hơn người kia nữa. 2- Biết người kia vi phạm giới luật nhưng họ không dám lên tiếng vì nếu lên tiếng thì lợi dưỡng sẽ mất. 3- Biết người kia vi phạm giới luật nhưng vẫn không cử tội vì nếu cử tội thì chắc chắn sẽ không còn ai để làm việc cho GH nữa...
Thích 6 Trả lời 4/8/2017 7:09:10 PM