;
Mãi đến bây giờ, hiện tượng thầy Minh Tuệ vẫn còn dậy sóng, không phải dậy sóng theo kiểu các nghệ sỹ, ca sỹ,chính trị…Hậu quả “nồi cơm điện” tràn ngập từ dân dã
đến trí thức (như giáo sư Ngô Bảo Châu) từ trong nước đến nước ngoài, từ nội bộ đến cộng đồng mạng, qua các tôn giáo bạn…thẩm thấu vào nghệ thuật phim ảnh, ca nhạc, điêu khắc, thời trang, công sở…giới ủng hộ, tán thán lấn át nhóm chống đối phát ngôn bừa bãi. Do đó, những vấn đề bất lợi về thầy Minh Tuệ đều không tránh khỏi phản ứng gay gắt từ phía ủng hộ.
Riêng trong nội tình Phật giáo Việt Nam (PGVN), ngoài những phát ngôn tùy hứng của một số sư thiếu ý thức về thầy Minh Tuệ, lấy luật giới của cửa Phật, lấy nghi tắc của Giáo hội để đánh giá, chỉ trích một người đã tự nhận mình không phải tu sĩ thuộc Giáo hội Phật giáo là việc làm vô lý.
Hình thức y bá nạp, khất thực, khổ hạnh đã có trước khi đức Phật xuất hiện từ các giáo phái ngoài Bà La Môn, do vậy không thể đánh giá thầy Minh Tuệ bắt chước y khất sĩ hay bất cứ gì liên quan đến Phật giáo ngoài giới đức thầy đã nghiêm trì.Phê bình, chỉ trích, hạ nhục, đố kỵ một người không phải trong tổ chức mình để làm gì?
Văn thư do Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo VN vừa ra, đã hứng chịu nhiều phản ứng từ nội bộ đến xã hội do thiếu tinh tế. Đã thế, chưa lắng dịu, lại thêm việc khiển trách buộc sư Minh Đạo phải sám hối trước BTS thị xã Phú Mỹ, lên Tỉnh hội Bà Rịa Vũng Tàu, chưa đủ, phải lên Trung ương Giáo hội Văn phòng 2 Thiền viện Quảng Đức chỉ vì sư Minh Đạo có ý tán thán, đồng thuận việc chân tu khổ hạnh của thầy Minh Tuệ.
Quỳ và lạy của sư Minh Đạo nhận một lỗi vì tán thán bậc đạo đức không thuộc hệ thống Giáo hội, phải chăng là có tội? Sư xin rút lui mọi chức vụ trong tổ chức đã dấy lên sự quý kính sư và phỉ báng Giáo hội. Hình ảnh này đã bất lợi cho các sư nắm quyền sinh sát. Các sư ngồi chứng minh cho sư Minh Đạo quỳ lạy sám hối liệu giới đức có xứng cho sự lễ lạy đó?
Việc tán thán, khen ngợi là quyền bất cứ ai dành cho bất cứ đối tượng, tổ chức tốt đẹp nào. Hiến chương Phật giáo, Nội quy Tăng sự, Giáo luật nhà Phật, Hiến định nhà nước không hề cấm cản. Một tu sĩ ngoài phạm tội “Tứ Ba La Di” đều có thể sám hối những phạm giới khác, nhưng việc tán tán một công hạnh khó làm không phải là tội theo luật.
Nếu bảo sư Minh Đạo vi phạm tổ chức (nếu có quy định) thì hành chánh không có buộc quỳ sám hối như tôn giáo. Hình ảnh sư Minh Đạo quỳ sám hối đã làm xúc động xã hội, từ đó có những phản ứng, phê phán gay gắt. Phải chi, sư Minh Đạo được mời lên tâm sự khuyên nhủ không nên làm như thế, không đúng với chủ trương của Giáo hội thì đâu có tiếp thêm dầu vào lửa !
Làm hành chánh và nắm quyền hành chánh lẫn lộn hành xử tôn giáo là việc tai hại thấy rõ. Làm hành chánh nếu áp dụng đạo đức tôn giáo thì mọi việc được ân nghĩa. Do tâm lý quyền lực trong tay mà các sư thiếu chuẩn mực đạo đức trở thành thẩm phán thế tục. Nặng về hành chánh quá, dễ bị oan sai. Phật giáo không phải là một tổ chức hành chánh. Thời Phật tại thế, Giáo hội mang tính giáo đoàn hỗ trợ cùng nhau tu tập.
Tinh thần từ bi được thấm nhuần, dù lãnh vực hành chánh hay tôn giáo, Tăng sai phạm nếu không quá đáng, tình huynh đệ đồng môn đâu phải xử lý như thế, “thảo phủ địa” là hình ảnh đạo đức bề trên đối với kẻ dưới, lòng vị tha dễ cảm hóa mọi đối tượng; vị tha là đức từ bi có sẵn trong mạch sống của đạo Phật, sao không áp dụng mà đem quyền lực hành chánh áp dụng cho đối tượng không đáng tội thì chả trách xã hội phẫn nộ. Mình làm ngơ tai điếc, miễn thể hiện quyền lực kẻ trên được sao ! Người bị xử như thế liệu có tâm phục khẩu phục ???
Xã hội ngày nay Giáo hội mang tính tổ chức hành chánh, do vậy các sư lẫn lộn giữa hành chánh và tôn giáo khi hành xử; muốn tránh khỏi nhuốm màu thế tục, đòi hỏi người làm hành chánh tôn giáo phải tu tập thật sự và áp dụng đạo đức nhà Phật vào công việc để thấu tình đạt lý, không tạo bất mãn cho Tăng ni. Một vài địa phương do sự lạm quyền trong hệ thống PGVN, làm việc theo tư ý, thiếu đạo đức, đã gây đau khổ, khốn đốn cho Tăng ni cô thế không ít.
Thật tréo nghoe khi mà người mang tiếng giảng sư sai lệch giáo lý về nhân quả, sửa một trong 5 giới quan trọng và cơ bản của Phật giáo. Muốn triệt hạ kinh tế xã hội bằng việc nói lên tác hại của cà phê và trồng cà phê, chống karaoke, đi du lịch…tinh thần nô dịch Tàu kết tội Lý Thường Kiệt đánh Tàu là hỗn,vì coi Tàu là anh, VN là em. Còn nhiều điều không đúng với Phật giáo thì không thấy có một xử lý thích đáng nào, đó là thắc mắc rất nhiều trong xã hội nếu so với việc xử lý sư Minh Đạo. Giáo hội hãy xem lại những việc làm đã gây tai tiếng trong quần chúng.
Ai đã từng theo dõi mạng xã hội đủ biết dân chúng ngày nay nhìn PGVN với ánh mắt thế nào! Từ Chân Quang, Nhuận Đức và nhiều kẻ vô danh đã làm họ ngao ngán, rất may người mà “mâm nào” cũng có, việc gì cũng xen vào, nay im hơi lặng tiếng đã bớt một sự phẫn nộ của quần chúng, họ đâu biết rằng những thành phần đó chỉ là hạt các trong sa mạc vô số bậc chân tu ẩn danh, cũng không ít Tăng ni dù không ẩn tu, vẫn sinh hoạt bình thường trong các chùa, các tu viện như hệ thống Trúc Lâm, hệ thống Làng Mai, hệ thống Đạo Phật Khất sỹ Việt Nam…luôn giữ được mạch pháp và truyền thống oai nghi, đáng ra mạng xã hội nên đề cao để định hướng niềm tin cho người dân, thánh thiện hóa xã hội còn hơn để những con nhang mê muội chỉ biết vỗ tay khi họ làm trò cười mà không học được gì chánh pháp. Nhà chùa là nơi truyền bá đạo đức hướng về mạch sống tâm linh chứ không phải chỗ làm hề giải trí hay đảo nghịch lý nhân quả của Phật giáo.
Trên 2.000 năm đạo Phật có mặt, lúc thạnh lúc suy, thạnh về mặt tu tập chứng đắc và phổ biến rộng đạo lý trong nhân gian, suy là không còn có mặt rộng rãi như thời Lý-Trần đóng góp an bình cho đất nước. Ngày nay thạnh về mặt cơ sở vật chất, đầy đủ phương tiện phát triển, kể cả tu sĩ hàng chục ngàn Tăng tướng, nhưng rất tiếc thiếu phẩm chất cần thiết cho nội lực thăng hoa. Quy luật tương phản cái này thạnh thì cái kia phải suy, vật chất ngoại tướng thạnh thì nội chất tâm linh phải cạn.
Phải chăng hiện tượng xáo trộn hiện nay của Phật giáo Việt Nam báo hiệu một điềm không sáng sủa, và càng lo hơn nếu các chân sư chứng đắc không còn hiện diện. Nói là vậy, “cùng tất biến, biến tất thông”. Mong rằng cán bộ hành chánh trong Phật giáo nên cân nhắc khi ra văn bản, khi xử lý một việc để tránh “thù ngoài, giặc trong” cho tín đồ giữ được niềm tin, Tăng ni bình tâm tu học.
Thật đau lòng khi nói lên sự thật “từng bước sai lầm”
29/5/2024