;
Người tu, lúc mới vào cửa đạo, cần phải thực hành mật hạnh. Đó là mực thước của hàng Phật tử phải giữ gìn. Càng phô trương tự ngã là càng trình bày cái si mê của mình. Chẳng có gì đáng để tự hào. Người thầy thương mình nhất, chính là giúp ta phát lộ ra những tập khí vô minh ấy, bằng mọi cách để bào mòn. Điều ấy, rất trái với tình thức thế gian.
Nếu như, chúng ta bước vào cửa đạo, chỉ mong được quý thầy yêu quý, điều gì mình làm cũng là số một, thì chẳng biết lâu ngày, dài tháng quý vị tu cái gì? Lạ là ngày nay, vừa xuất gia ba bữa đã khoe. Nào là tiến sĩ, doanh nghiệp từ bỏ tất cả đi tu, coi như là sự hãnh diện của Phật giáo. Nhưng Phật giáo tự thân vốn dĩ là chân lý, đâu cần những hư danh ấy. Trái lại, những tin đánh bóng ấy, chỉ làm cho kẻ sơ tâm xuất gia chết dở. Chưa biết đã tu được gì, thấm tương chao đến đâu, có đi hết con đường đạo chăng hay chỉ làm tăng lòng tự phụ. Vừa mới phủi tóc, cứ ngỡ ta đây buông sạch! Đó là cái họa, chẳng biết tự tri! Càng sống lâu, càng tổn đức.
Cho nên, bậc thầy chân chính không nuông chiều vào lòng thị dục của đệ tử. Bằng mọi cách đốn ngã tâm cầu danh lợi, hoặc thiên tư chấp trước của họ. Đó là anh phải chấp lao phục dịch, làm tất cả những gì anh không thích và mọi người không muốn làm. Từ việc chùi nhà vệ sinh, đến lau dọn Phật điện, không có việc gì không phải là đạo.
Cứ nhìn xem một người lau dọn nhà vệ sinh, quét cái sân ra sao, là biết họ có tu hay không. Vì người cẩn mật thì không để tâm khinh suất. Nên việc tu không phải là để khẳng định chính mình, phô bày thần thông chi cả, mà chủ yếu là sạch hết phàm tình. Mọi nghiệp chướng đều do tâm lý ái ngã phát sanh.
Người sơ tâm xuất gia ngày nay, chỉ mong chọn được chùa cao rộng, chỗ ở tiện nghi, vật thực dồi dào, ít lam lũ, hoặc nương bóng quý ngài có chức vụ trong giáo hội, để tìm lấy cho mình một danh phận, thì đó đều là tặc tâm xuất gia. Chẳng phải chân thật phát bồ đề tâm cầu đạo giải thoát.
Phật dạy: "Chỗ nào có thực mà không có pháp, nên bỏ; chỗ nào có pháp mà không có thực, ráng trụ; chỗ nào vừa có thực vừa có pháp, dù đuổi cũng không chịu đi; chỗ nào không có thực và không có pháp thì kiên quyết không trụ"; Bởi đức Phật chỉ dạy "Thừa tự pháp" chứ không thừa tự tài vật.
Tất nhiên, chúng ta đi rồi sẽ đến, nhưng đó không phải là phận sự cốt lõi của người tu, mà chỉ là cơ hội để mình hy sinh phụng sự cho đại chúng. Nếu đã phát tâm xuất gia sai lệch, không tự thấy ý nghĩa, lý tưởng, mục đích cao thượng của mình, thì dễ dàng thoái chí.
Lắm người nghĩ rằng, đi tu là chán đời. Vì họ chỉ là kẻ bàng quang, chưa từng để tâm học Phật. Nếu vì chán cảnh gia thế mà đi tu, thì có lẽ chỉ là ích kỷ. Người xuất gia, đâu chỉ hiên ngang đối mặc với sanh tử của chính mà, mà còn gách vác trên vai cả vận mệnh của đạo pháp và dân tộc, sâu xa hơn bởi đại nguyện tận hiến chúng sanh, trong đó đã bao hàm cả nhân loại. Vì chỉ có Phật pháp mới cứu được mọi loài ra khỏi luân hồi, mới chấm đứt được sự đau khổ trói trăn chúng sanh trong vòng sanh tử.
Đạo Phật không chỉ phụng sự nhân loại bằng hạnh nguyện Bồ tát nhập thế trên mọi phương diện, mà còn là thuyền từ cứu vớt bao người lặn ngụp trong biển ái vô minh, điều mà chẳng một tôn giáo hay triết học nào làm được.
Cho nên, sự tiếp nối truyền thừa của Tăng đoàn là mạng mạch của Phật pháp, nơi đó có đủ mọi giải pháp bảo an cho nhân loại. Thì làm sao hạnh xuất gia có thể là nơi dụng tâm của người tiểu nhược.
Chỉ có người tu mới thật sự yêu đời, biết nhìn đời qua tuệ giác vô thường huyễn hiện nên không bị đời cuốn trôi vô ích. Vì vậy, không thể nói hết sự vĩ đại của Tăng già!
Muốn vươn tới tầm cao đó, như kinh Bát Đại Nhân Giác dạy: “Thường niệm tam y, ngõa bát pháp khí, chí nguyện xuất gia, thủ đạo thanh bạch, phạm hạnh cao viễn, từ bi nhất thiết." (Tạm dịch: Thường nhớ ba y, bình bát pháp khí, chí nguyện xuất gia, giữ đạo trong sạch, phạm hạnh cao xa, từ bi tất cả"), thì Phật tử phải thực tập giữ năm giới và Bát quan trai giới cho thanh tịnh, lấy đó làm nền tảng.
Nếu xuất gia vì cơm áo, đó là cái họa cho vận mệnh Phật pháp về sau, chứ không chỉ riêng cư sĩ. Bằng đủ phước để tu các hạnh bố thí, cúng dường thì phải khéo gìn mật hạnh, đừng xem đó làm công trạng mà tự chướng ngại. Tất nhiên mật hạnh thì phải sánh với Hàn Sơn, Thập Đắc mới ra lẽ. Bằng chưa được như thế mà dám phô bày chỉ là phường rỗng tuếch, không biết hổ thẹn.
Há chẳng nghe, Thiền Sư Hám Sơn dạy ư?
"Phô cánh, phô lông mạng khó toàn
Tằm nhả tơ rồi thân phải tan
Một khắc dưỡng thân lòng than thản
Mai chịu dịu lắng sống thênh thang.
Thôi chớ khoe mình bỏ đất tâm..."
Tâm ấy, như Thiền Sư Bách Trượng-Hoài Hải [720-814]. dạy: "Tâm địa nhược không, tuệ nhật tự chiếu". Nếu được như vậy, còn ai đối đáp với Đả Địa bằng lời?