;
Tượng Tổ Huyền Quang tại Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt.
Trong quá trình tìm hiểu về tư tưởng thiền học nói chung và thiền nhập thế của Phái thiền Trúc lâm Yên Tử, người viết đã có dịp đề cập tới những tác phẩm của Sơ tổ Trúc lâm Trần Nhân Tông và Nhị tổ Pháp Loa. Bài viết này chỉ xin nêu một số bài thơ thiền có tính đại diện tiêu biểu của thiền sư Huyền Quang, đó là những bài thơ mang đậm chất thiền, nhưng không thiếu vắng vẻ đẹp văn chương đề cập viên dung giữa đời và đạo được toát lên từ non thiêng Yên Tử, bởi chính nơi đây đã in đậm dấu ấn hành trạng của Huyền Quang.
Trong những bài thơ mà người viết muốn đề cập dưới đây của Đệ Tam tổ Huyền Quang đã có nhiều người dịch. Ở đây trộm nghĩ, để lột tả được hết ý nghĩa thâm hậu của triết lý thiền (nội chứng) cũng như văn chương phản ánh về đời sống của một trạng nguyên đã từ bỏ danh lợi xuất thế (đi tu) như Huyền Quang là cả một điều khó khăn. Vậy chúng tôi chỉ chọn những bản dịch của Nguyễn Lang, Trần Tuấn Khải, Huệ chi và thiền sư Thanh Từ để làm minh dẫn cho bài viết.
Trước khi đến với những bài thơ của Đệ tam tổ Trúc lâm, chúng ta cùng điểm qua đôi nét về thiền sư Huyền Quang Tôn giả: Sư người làng Vạn Tải, Lộ Bắc Giang. Thỉ tổ của sư là Lý Ôn Hòa, làm quan Hành Khiển dưới chiều Lý Thần Tông (1128-1138). Trải nhiều đời, đến tổ phụ là Tuệ Tổ, có công đánh giặc Chiêm Thành, nhưng không chịu ra làm quan, chỉ thích những chuyện hay, sách lạ và vui thú ruộng vườn. Mẹ sư là Lê Thị, vốn người hiền đức, bản tính nhân từ, năm 30 tuổi vẫn chưa có con trai.
Nhân gặp lúc có bệnh dịch hoành hành, bà đi hái thuốc trên núi Chu Sơn, dừng chân tạm nghỉ tại một ngôi chùa tên Ma Cô Tiên. Trong khi chợp mắt, bỗng mơ thấy một con khỉ lớn, đầu đội mũ triều thiên, mình mặc áo hoàng bào, ôm mặt trời hồng, ném vào lòng bà. Lê Thị kinh hãi thức giấc, thấy lòng rung động, trở về thuật chuyện lại với một thầy đoán mộng. Thầy ấy đoán rằng Lê Thị sẽ hoài thai và sinh quý tử. Năm 1254 sư ra đời. Khi sinh có ánh sáng mờ ảo, mùi hương thơm nức nhà.
Trước đó Lê Thị (mẹ sư) mang thai đến 12 tháng mà bụng không chuyển động, bà nghi bị bệnh, nên tìm thuốc uống phá thai, nhưng uống đến bốn lần mà thai vẫn không hư. Lúc mới sinh ra, sư đã là một đứa trẻ bụ bẫm, rắn chắc, cha mẹ rất yêu quý. Đến tuổi đồng ấu, dung mạo dị thường, có chí khí của bậc siêu phàm trác việt- nghe một biết mười, lại có tài như Nhan Hồi á thánh, nên được đặt tên là Tải Đạo.
Năm 20 tuổi (1273) sư trúng tuyển khoa thi hương, đến năm sau đậu thủ khoa tại khoa thi hội. Vua định gả công chúa Liễu Nữ (cháu của An Sinh Vương) nhưng sư từ chối. Khi làm quan, sư phụng mệnh tiếp sứ giả phương Bắc; trong các văn thư trao đổi, sư trích dẫn nghĩa kinh rất tinh tường và ứng đối lưu loát như nước chảy.
Văn chương và ngôn ngữ hơn cả các sư thần Trung Hoa và lân bang. Chính vì điều này, mà Điều Ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông đã từng phê vào tác phẩm Thích Khoa giáo của sư: “Phàm kinh sách đã qua tay Huyền Quang biên soạn và hiệu đính thì không thể thêm hay bớt một chữ nào nữa”
Năm 1305, nhân đi theo Anh Tông (1293-1314) đến chùa Vĩnh Nghiêm, thấy Quốc sư Pháp Loa (1284-1330) đang hành đạo, lòng sinh ngưỡng mộ, nhớ lại duyên xưa, liền cảm thán: “Làm quan lên Bồng Đảo, đắc đạo đến Phổ Đà, trên cõi nhân gian là tiên, cảnh giới Tây Phương là Phật.
Phú quý vinh hoa nào khác mây trắng mùa hạ, lá vàng mùa thu, có lâu dài chi đâu mà lưu luyến mãi!” Nhân đó, dâng biểu từ quan, đến chùa Vũ Ninh xuất gia, thọ giới với Bảo Phát. Sau đó, phụng mệnh đến chùa Vân Yên - Yên Tử. Và dưới đây chúng ta cùng tìm hiểu một số bài về mảng thơ thiền còn sót lại trong (Ngọc tiên tập) tức Tập thơ tuyển của thiền sư Huyền Quang.
Với người Việt, hầu như mọi người đều sẵn có chất thơ. Có lẽ vì thế mà không luận là có học hay không học, hầu như người Việt Nam ta ai cũng có thể ngân nga mấy vần thơ trong những lúc trăng thanh gió mát, trước những phong cảnh hữu tình,
Ra đời trong một dân tộc như thế, các thiền sư Việt Nam không chỉ chuyên về thiền, về triết lý cao huyền, về con đường tu tập mà các thiền sư cũng đóng góp không nhỏ vào nền thi ca nước nhà. Vì thế, có thể nói mỗi thiền sư là một thi nhân. Trong số các thiền sư Việt Nam thiền sư Huyền Quang vừa là một nhà tu thiền, vừa là một nhà thơ lớn.
Thiền sư đã sáng tác rất nhiều thơ. Theo sách Tam tổ hành trạng, sau những buổi thuyết pháp, khi rảnh rỗi, thiền sư thường gửi tâm trạng của mình vào những bài ngâm vịnh. Lúc sinh tiền, ngoài những tác phẩm Chư phẩm kinh, Công văn tập, Phổ tuệ ngữ lục, thiền sư còn có sáng tác thi tập Ngọc Tiên. Đây là những bài thơ làm theo lối cổ thi, nhưng còn sót lại trên 20 bài làm theo lối cận đại.
Ngoài những bài làm bằng chữ Hán trong thi tập Ngọc Tiên, thiền sư còn sáng tác thơ bằng chữ Nôm, góp phần vào nền văn học chữ Nôm ở nước ta trong buổi đầu. Thiền sư đã sáng tác bài phú “Vịnh chùa Hoa Yên”; căn cứ vào sử liệu các học giả nói chung đều cho rằng, thiền sư là một nhà thơ, nhà nghệ sĩ. Bởi thế ngoài kinh điển, chuông mõ, thiền sư Huyền Quang còn có một ống sáo.
Ngoài giờ tụng kinh, tham thiền, giảng pháp, thiền sư làm thơ, ngâm thơ thổi sáo một cách tự nhiên, không sợ dư luận (kiến chấp) người tu. Với tính nghệ sĩ hay nói khác là tính (nhập thế) như thế, thiền sư đã tự bộc bạch qua một số bài thơ, điển hình là bài “Tức cảnh cái hỏa lò”, chúng ta cùng suy ngẫm nội dung bài thơ:
“Củi hết lò còn vương khói nhẹ
Sơn đồng hỏi nghĩa một chương kinh.
Tay cầm dùi mõ, tay cầm sáo,
Thiên hạ cười ta, cứ mặc tình”.
(Nguyễn Lang dịch)
Qua một số bài thơ của thiền sư Huyền Quang còn sót lại, nếu đem phân tích ta thấy rất nhiều nét tiêu biểu, trước hết là tư tưởng thiền học. Thiền sư thấy cung ma là cảnh Phật, thoát ly quan điểm nhị biên, ma Phật, mê ngộ, thị phi, đối đãi. Thiền sư giữ tâm hồn an tĩnh, trở về với thực tại nhiệm mầu, nhìn xa trông rộng.
Trong bài “Ở chùa Diên Hựu” có câu: “Thành ngăn tục lụy trần không vướng / Cửa mở vô ưu mắt rộng tầm / Thấy được thị phi cùng một tướng / Cung ma Phật quốc cũng ngồi chung. Biết được tính ta là Bụt, không có cánh biệt nên chẳng gần xa. Do đó, lòng dạ tu tập thêm vững chãi. Trong bài “Nhà núi” thiền sư viết: “Một dạ tu thiền nay đã vững / Tiếng trùng eo óc gọi bên tai”. Sống trong cảnh thanh vắng, giải thoát, nhưng thiền sư vẫn thương cảm đến những tù nhân bị áp giải vào lao ngục khổ cực.
Thiền sư lấy máu biên thư tỏ bầy tâm sự với kẻ tù tội. Trong bài thương kẻ tù tội, thiền sư bầy tỏ như thế này: “Biên thư bằng máu nhắn tin nhau / Cô đơn chiếc nhạn vút mây sầu / Bao nhà nhìn nguyệt đêm nay nhỉ? / Hai chốn cùng chung một nỗi đau”.
Ở núi non tâm hồn thảnh thơi, không vướng trần, không mưu lược, làm bạn với chim trong giấc ngủ. Đó là cảnh trong bài:
Ở am Yên Tử
“Cao ngất am lạnh lẽo,
Cửa mở tận tầng mây.
Mặt trời soi Long Động (chùa Lân),
Tuyết dầy che Hổ Khê.
Vụng về không mưu lược,
Nương gậy đỡ thân gầy.
Trúc lâm nhiều chim ngủ,
Quá nửa bạn với thầy”.
HT.Thanh Từ dịch
Trong bài phú Nôm chùa Vân Yên trên núi Yên Tử là nơi sư trụ trì và tu hành, Thiền sư Huyền Quang viết:
“Cảnh tốt hoa lành
Đề tựa vẽ tranh
Chỉn ấy trời thiêng mõ khéo,
Nhèn chi vua Bụt tu hành”.
Cảnh níu rừng Yên Tử, dưới ngòi bút của Huyền Quang thật là đẹp và nên thơ.
“Hồ sen chưng tán lục,
Suối nước bấm đàn tranh,
Ngự sử mai hai hàng chầu rập,
Trượng phu tùng mấy chập phò quanh,
Phỉ thủy sắp hai hàng loan phượng,
Tử vi bài liệt vị công khanh…”
Chúng ta thấy Huyền Quang mô tả một cảnh núi Yên Tử với lời lẽ trang trọng như cảnh cung đình, vì đó là cảnh vua Trần Nhân Tông tu hành.
Hàng hoa mai chầu hai bên như quan ngự sử, hai hàng cây tùng cũng sắp hàng đứng chầu vua, hoa phỉ thủy cũng sắp thành hai hàng loan phượng, và hoa tử vi thì như các vị công khanh. Từ chỗ tả cảnh Yên Tử như cảnh cung đình; Ở đoạn sau của bài phú Huyền Quang chuyển sang tả núi Yên Tử như cảnh Phật:
“Lạ những ôi,
Tây trúc dường nào,
Nam châu có mấy,
Non Linh thứu ai đem về đây,
Cảnh phi lai mặt đà thấy đấy,
Vào chân cõi thánh thênh thênh,
Thoát rẽ lòng phàm phấy phấy,
Bao nhiêu phong nguyệt thề thốt chẳng cùng
Hễ cảnh giang sơn ai nhìn thấy đấy”.
Và bài phú kết thúc bằng bài kệ, trong đó Huyền Quang nói lên tâm trạng siêu thoát của người tu hành, không còn vương vấn thế sự phồn hoa.
“Rũ không thay thảy áng phồn hoa
Lấy chốn thiền lâm làm cửa nhà,
Khuya sớm sáng trong đèn Bát Nhã, (*)
Hôm mai rửa sạch nước ma ha, (**)
Lòng thiền vằng vặc trăng soi dọi,
Thế sự hiu hiu gió thổi qua.
Cóc được tính ta nên Bụt thực (cóc là viết)
Ngại chi non nước cảnh đường xa”.
Đọc bài phú Nôm chùa Vân Yên (Yên Tử) cho chúng ta thấy, thiền sư Huyền Quang đã “Dĩ thị thành tâm nhất phiến” tức đã tu được thành thiền tâm một khối (Tâm đã giác thấy đâu là Bụt là ma) hay nói khác là đã đạt đạo rồi.
Nhưng trong thơ của Đệ tam tổ vẫn luôn ẩn chắc tâm trạng thế sự. Đây có phải là tinh thần nhập thế trong thơ thiền Huyền Quang? Để tìm hiểu rõ thêm điều này, chúng ta đến với bài thơ thiền “Xuân Nhật tức sự”
Để rộng đường cảm nhận và tìm hiểu bài thơ này, xin được ghi ra đây nguyên văn bản chữ Hán và lời dịch của Huệ Chi.
Xuân Nhật tức sự
“Nhị bát giai nhân thích tú trì,
Tử kinh hoa hạ chuyển hoàng ly.
Khả liên vô hạn thương xuân ý,
Tận tại đình châm bất ngữ thì”.
Huệ Chi dịch:
Tức cảnh ngày xuân
“Lỏng tay thêu gấm gái yêu kiều
Hoa rợp, oanh vàng lảnh lót kêu
Bao nỗi thương xuân, thương biết mấy
Là khi không nói chợt dừng kim”.
Bài thơ này được người đọc cảm nhận theo nhiều chiều hướng khác nhau; có ý kiến cho rằng bài thơ viết rất hay sâu sắc và trữ tình, miêu tả về mùa xuân và cô gái đang ở độ tuổi yêu đương thật đẹp. Trái lại có ý kiến không đồng tình và cho rằng với người tu sao lại viết cảnh-tình dào dạt đến mức ấy! Như vậy, chúng ta thấy ở đây có những cảm nhận khác nhau.
Căn cứ bản dịch, bài thơ này được hiểu là cô gái (đôi tám) thương cảm mùa xuân. Thực ra thì đó là tình xuân của cô gái đôi tám bị tổn thương và nhà thơ là Huyền Quang thông cảm sâu sắc với tình xuân, ý xuân của cô gái đang tuổi yêu đương. Và rất có thể là cô gái vừa thêu gấm, vừa nghĩ tới người yêu mình ở xa chăng? Cảnh người con gái thêu gấm dưới hoa tử kính đang nở, trong tiếng thánh thót của chim oanh đúng là cảnh xuân.
Thế nhưng tuổi 16 của cô gái cũng là tuổi xuân, và tình cảm của người con gái đang thêu gấm cũng là ý xuân- tình xuân. Song, tình xuân ý xuân đó đang bị tổn thương. Và bị tổn thương như thế nào, vì sao bị tổn thương? Thi sĩ Huyền Quang không nói rõ và khó diễn tả trong thơ. Thi sĩ nhìn thấy cô gái đang thêu gấm chậm rãi, có lúc lại dừng mũi kim như đang nhớ tới ai, và thi sĩ trực cảm với nỗi buồn cô gái mà tức cảnh làm ra bài thơ này với đề: “Xuân Nhật tức sự” dịch là Tức cảnh ngày xuân.
Ngang đây xin được nói thêm, trong bài viết “Thơ Huyền Quang” của tác giả Minh Chi tại cuốn “Thiền học đời Trần” tác giả cho rằng: “Trong tạp chí văn học số 1, có người nói xuất xứ bài thơ này là trong thơ thiền đời Tống, thế nhưng đối chiếu hai bài thơ, thấy có nhiều chỗ khác nhau, cho nên Viện Văn học biên soạn cuốn “Thơ văn Lý Trần tập II vẫn ghi nhận bài này như là một trong những bài thơ của Huyền Quang.
Song tác giả không đồng ý về nhận định của Viện Văn học khi giới thiệu Huyền Quang và cho rằng trong Huyền Quang “Con người thi nhân rõ nét hơn con người tôn giáo, chỉ với lẽ thơ Huyền Quang đậm nét chữ tình”. Và tác giả Minh Chi đặt vấn đề, mà người viết bài này cũng rất đồng tình với cách nhìn nhận dưới đây:
“Thế thì văn chương của Phật giáo thiếu chữ tình hay sao? Văn chương Phật giáo là loại văn chương khô khan lắm sao? Các thiền sư đều là người lạnh lùng bất nhẫn cả sao? Đã là tu theo đạo Phật thì phải loại bỏ hết cảm xúc và chất hữu tình chăng?”.
Thực tế chúng ta thấy trong kinh Phật, không thiếu các đoạn văn hoặc kệ trữ tình diễn tả rất hay và độc đáo. Nhiều cao tăng nổi tiếng ở Ấn Độ, Trung Á, Tây Tạng, Nhật Bản, Trung Hoa…đều là những nhà thơ lớn, những văn sĩ biện tài. Đơn cử như Mã Minh (Asvaghosa) người chủ biên cuộc đại hội kết tập kinh điển lần thứ 4, dưới triều đại vua Kaniskha, tác giả cuốn “Phật sở hành tán”, theo truyền thuyết quyển sách này được người Ấn Độ coi đây là cuốn sách quý gối đầu giường.
Và ở Việt Nam ta, hầu hết các thiền sư đời Lý-Trần đều là thi sĩ, để lại cho hậu thế nhiều bài thơ, bài kệ có giá trị tư tưởng và văn chương lớn. Trường hợp thi sĩ Huyền Quang mà chúng ta nói ở đây cũng là một điển hình. Bởi văn, thơ của Huyền Quang biểu hiện một cảm xúc hay trực cảm độc đáo qua nhiều bài thơ, kệ.
Xét về mặt trữ tình trong thơ Huyền Quang (đồng thời là trạng nguyên) qua nhận định trên là như vậy; còn triết lý sâu mầu về đạo lý được phản ánh trong thơ của Đệ tam tổ Trúc lâm và cụ thể là bài thơ “Tức cảnh ngày xuân” này:
Theo sư ông Trúc lâm Thanh Từ thì cho rằng: Bài thơ Xuân nhật tức sự do Huệ Chi dịch là rất hay, bởi nó làm nổi bật tình cảm dạt dào của thiền sư Huyền Quang. Song, tình cảm này là tình cảm đạo lý, vì câu đầu là cô gái đẹp thêu gấm, câu thứ hai tả dưới lùm hoa chim oanh hót. Quả là một bầu trời xuân tươi đẹp cả cảnh lẫn người, nhưng nỗi thương da diết nhất là ở chỗ “không nói” “dừng thêu”.
Ở đây không phải thiền sư thương bàn tay duyên dáng uyển chuyển thêu gấm, cũng không phải thương cô gái 16 tuổi môi thắm má hồng, cũng không phải thương hoa nở chim kêu trong cảnh mùa xuân, mà ở đây thương nhất ở chỗ “không lời” và “dừng thêu”. Tại sao thiền sư thương ở lúc này? Vì dừng thêu là không đan dệt theo sinh tử, bởi Niết-bàn là nghĩa tịch diệt hay vô sinh.
Nghiệp sinh tử đã diệt sạch không còn điều gì để lôi kéo đến đời sau, cho nên cũng gọi là giải thoát giới. Đến chỗ này thì không còn lời lẽ nào để diễn tả được nên “không lời” (đường ngôn ngữ dứt) hay đạo vốn không lời. Thiền sư yêu thích nhất chỗ này, tức là chỗ cứu cánh của người tu.
Đọc những bài thơ của Huyền Quang tả cảnh chùa am ẩn hiện trên non cao, hay là cảnh chiếc thuyền con lênh đênh trên sông rộng, đúng như lời nhận xét của Lê Quý Đôn và Phan Huy Chú cho rằng, thơ của Huyền Quang tôn giả “Ý tứ tinh tế cao siêu”, “Lời thơ bay bướm, phóng khoáng”. Nhưng với góc nhìn Phật giáo ta vẫn thấy sự giải thoát tinh tế. Phải chăng đó là thơ thiền nhập thế hay nói khác đi là tinh thần nhập thế trong thơ thiền của Thiền phái Trúc lâm Yên Tử.
Xuân Tân Sửu 2021
Nguyễn Đức Sinh
Chú thích: (* ) Bát nhã và ma ha tát là ngôn ngữ Phật giáo chỉ ý nghĩa chân như pháp và vượt qua - giải thoát nói chung.
Tài liệu tham khảo:
-Thơ văn Lý-Trần – Nxb. KHXH. VN
-Thiền học đời Trần – Nxb. TG-2006.