;
PV: Thưa Hòa thượng! Được biết Hòa thượng xuất gia gần 60 năm qua, vậy xin Hòa thượng hoan hỷ cho biết nguyên nhân nào đã khiến Thầy chọn lý tưởng sống ấy?
HT.Thiện Tâm: Theo tôi xuất gia là việc khó, nếu không có duyên thì không thể sống đời xuất gia trọn vẹn và có ý nghĩa được. Tôi sinh ra và lớn lên tại Thừa Thiên - Huế, một trong hai tỉnh miền trung (Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị) có nhiều người xuất gia. Người ta thường nói: “Quảng trị Trung Kiên - Thừa Thiên-Dạ Lê (thượng)”. Nghĩa là Trung Kiên và Dạ Lê (thượng) là hai làng tại hai tỉnh trên có nhiều người xuất gia nhất. Có thể nói, đó cũng là nguyên nhân chính mà tôi được xuất gia từ thuở nhỏ; Tại làng Dạ Lê của tôi có các danh tăng như: Hòa thượng Giác Tiên chùa Từ Hiếu, Hòa thượng Mật Hiển chùa Trúc Lâm, Hòa thượng Giới Nghiêm (Nam Tông)… Tôi cũng có người bác ruột xuất gia tại chùa Trúc Lâm, đó là Ngài Mật Nhơn cùng thời với Hòa thượng Mật Hiển. Song thân tôi về sau cũng xuất gia là Trưởng lão tỳ kheo Trí Lạc và tu nữ Diệu Phúc. Về trường hợp xuất gia của tôi : Năm lên 7 tuổi, một hôm tình cờ tôi được nghe tiếng tụng kinh tại nhà ông cửu Phán, đối diện với nhà tôi, do quý thầy chùa Từ Quang cử hành vào dịp lễ húy kỵ ân nhân của Ôn Từ Quang. Nghe âm thanh lạ, tôi vội chạy đến xem vì hiếu kỳ, bất ngờ lúc ấy Hòa thượng nhìn thấy tôi, Ngài vẫy tay gọi tôi lại gần và bảo: “Nầy con, nhìn tướng con có căn tu! vậy con có muốn đi tu không? Nếu thích, hãy về xin cha mẹ, nếu được cha mẹ đồng ý thầy sẽ cho con ở chùa và cho con đi học”.Chẳng biết đi tu là gì, nhưng nghe sẽ được đi học thì thích lắm, vì lúc ấy tôi chưa được cắp sách đến trường! Nghe vậy tôi thấy vui nên vội chấp tay xá Thầy và tức tốc chạy về xin phép cha mẹ và được cha mẹ tôi hoan hỉ nhận lời và đích thân cha tôi đưa tôi trở lại đãnh lễ Hòa thượng xin Hòa thượng cho tôi được xuất gia theo làm đệ tử Ngài và được Ngài hoan hỉ nhận lời. Thế là ngay vào chiều hôm ấy – 23-10 âm lịch năm 1953 – tôi được anh hai tôi dùng xe đạp chở lên chùa Từ Quang cách nhà tôi khoảng 10km thế phát xuất gia theo truyền thống Phật giáo Bắc Tông. Cuộc đời xuất gia của tôi bắt đầu từ nhân duyên ấy.
PV: Kính thưa thầy, khởi đầu cuộc đời xuất gia của Thầy là vậy, thế thì do nhân duyên nào và năm nào Thầy chuyển sang Phật giáo Nam Tông và đến năm nào Thầy được cử làm trụ trì chùa Phổ Minh này ?
HT.Thiện Tâm: Năm 1958, tôi bắt đầu chuyển sang Phật giáo Nam Tông tu học tại chùa Tăng Quang – Huế nguyên nhân chính là do sự khuyến khích của cha tôi vì lúc ấy cha tôi được gặp, qui y và theo học với Hòa thượng Giới Nghiêm. Thời gian đầu tôi tu học với Hòa thượng Pháp Quang, Hòa thượng Hộ Nhẫn và Hòa thượng Giới Nghiêm. Đến giữa năm 1963, tôi được thọ giới Sadi với cố Hòa thượng Bửu Chơn - Tăng thống Giáo hội Tăng già Nguyên Thủy Việt Nam trong chuyến Ngài thăm viếng và thuyết pháp tại các tỉnh miền Trung sau Pháp nạn 1963.
Sau khi thọ giới Sadi, tôi theo Bổn sư vào Nam tu học tại chùa Phổ Minh. Năm 1966, trước ngày an cư kiết hạ, tôi được thọ giới Cụ túc tại giới đàn Chùa Phổ Minh do Hòa thượng Bửu Chơn làm thầy tế độ, Hòa thượng Tăng Lương và Thượng tọa Duyên Hạnh làm thầy Yết Ma. Đến năm 1979, sau khi Hòa thượng bổn sư viên tịch, tôi chính thức được Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy VN bổ nhiệm làm trụ trì cho đến nay. Năm 1985, tôi tiến hành tái thiết xây dựng lại chánh điện chùa và đến năm 2002 xây dựng tiếp ngôi bảo tháp 11 tầng cao trên 40m như hiện nay.
PV: Hiện nay, được biết tại chùa Phổ Minh hằng ngày đều có Phật tử đến tu học, đặc biệt là hành thiền do Hòa thượng trực tiếp hướng dẫn … vậy do đâu mà Ngài thực hiện ý tưởng ấy?
HT.Thiện Tâm: Học và Hành (tu) là hai nhiệm vụ cơ bản hằng ngày của người Phật tử, xuất gia cũng như tại gia. Hầu như ai cũng biết câu nói " Tu không học là tu mù - Học không tu là đảy sách" .Học là học Kinh-Luật-Luận và cốt lõi của pháp hành là Giới-Định-Tuệ, phải thực hiện cả hai bổn phận ấy. Do đó, khi xuất gia tu học theo truyền thống Nam Tông, lúc ở tại chùa Tăng Quang - Huế tôi được HT Pháp Quang và HT Hộ Nhẫn hướng dẫn cho tôi về thiền Niệm Phật; đặc biệt về pháp hành thiền Tứ Niệm Xứ thì trong mùa an cư kiết hạ năm 1962 cố HT Tăng thống Giới Nghiêm nhập hạ và dạy thiền cho các cư sĩ lão thành như các cụ Sắc, cụ Đinh, cụ Đồng, cụ Điều, ông bà Đông...tại Chùa Tăng Quang - Huế và năm 1969 tại khóa thiền Minh Sát Tứ Niệm Xứ 3 tháng đầu tiên được tổ chức vào mùa an cư tại Trung tâm Thiền định Tam Bảo núi lớn Vũng Tàu, cả hai nơi tôi đều có duyên được theo học với cố Hòa thượng Tăng Thống Giới Nghiêm, do ngài trực tiếp chỉ dạy theo phương pháp Thiền Vipassana của Thiền sư Mahasi Sayadaw,vị thiền sư danh tiếng người Myanmar. Trong thời gian tu học tại Chùa Phổ Minh tôi được Hòa thượng bổn sư chỉ dạy thực hành thiền Niệm Phật theo đề mục: “Á Rá Hăng – Phật Trọn Lành”. Với trên 50 năm qua, hằng ngày tôi vẫn hành và hướng dẫn cho nhiều người thực hành về pháp tu thiền Tứ Niệm Xứ và Niệm Phật mà tôi đã tu học được do các Ngài chỉ dạy. Đặc biệt tôi thường hướng dẫn cho nhiều người thực hành Thiền Niệm Phật theo đề mục : “Á Rá Hăng – Phật Trọn Lành”. Tôi nhận thấy phương pháp này có thể thay cho giai đoạn "phồng à "xọp à", bài học cơ bản đầu tiên trong phần niệm thân của thiền Tứ Niệm Xứ, đã giúp cho hành giả thực hành đem lại kết quả tốt cho sức khỏe thân và tâm trong đời sống hằng ngày.
Một trợ duyên quí báu cho tôi là, từ năm 1987 tôi theo học Thạc sĩ và Tiến sĩ tại Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và được bộ Giáo dục - Đào tạo Việt Nam cấp bằng Tiến sĩ Giáo dục học năm 2008. Qua điều tra thực tiễn xã hội và tiến hành thực nghiệm đối chứng về phương pháp giáo dục kỷ năng sống cho trẻ đường phố trong khi thực hiện luận án tiến sĩ với đề tài " Giải pháp nâng cao chất lượng chăm sóc - giáo dục trẻ đường phố trong điều kiện hiện nay" tôi nhận thấy thiền học nếu được tiến hành nghiên cứu khoa học và ứng dụng vào thực tiễn đời sống xã hội sẽ góp phần tích cực vào việc cải thiện sức khỏe cho mọi người. Từ suy nghĩ đó, nên khi được tham gia BCH trung ương Hội Tâm lý Giáo dục Việt Nam tôi đã đề xuất ý kiến và được Ban lãnh đạo Trung ương Hội chấp thuận và đã ra quyết định cho phép tôi thành lập “Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Thiền học vì sức khỏe cộng đồng” tại Chùa Phổ Minh. Hiện nay tôi đang chuẩn bị trình với cơ quan chức năng quản lý của Giáo Hội và chính quyền thành phố để trung tâm sớm được ra mắt với mọi người.
PV: Thưa hòa thượng, được biết Thầy còn tham gia nhiều hoạt động khác của Giáo hội và xã hội, nhất là lĩnh vực đối ngoại nhân dân và từ thiện xã hội, xin Thầy cho biết đôi nét hoạt động cụ thể trong các lĩnh vực này.
HT.Thiện Tâm: Đúng vậy, ngoài một số nhiệm vụ chính là tu học, hướng dẫn cho đệ tử xuất gia và tại gia tu học tại bản tự hằng ngày trong cương vị trụ trì một cơ sở tự viện của Giáo hội tại địa phương, trưởng ban quản trị của Tổ đình Chùa Bửu Quang, trưởng ban Quản Trị Thánh Tích Thích Ca Phật Đài tại BRVT, trường ban Phật giáo quốc tế Thành Hội Phật giáo TP.HCM, tổng biên tập tạp chí Phật giáo Nguyên Thủy, hiệu phó trường Cao Trung Phật học và một số nhiệm vụ khác của Giáo hôi... Song song đó tôi còn tham gia một số hoạt động xã hội khác như : Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN các cấp, tham gia Liên Hiệp các tổ chức Hữu nghị Thành phố, tham gia các Hội hữu nghị Việt Nam-Campuchia, Việt Nam - Lào, Việt Nam -Thái Lan, Việt Nam-Ấn Độ, Hội Hữu Nghị Việt – Mỹ, Quỹ Hòa Bình và Phát Triển Việt Nam… Nói chung, tôi rất hoan hỉ và làm tốt những nhiệm vụ ấy vì nghĩ rằng các lãnh vực hoạt động ấy phù hợp với yêu cầu khách quan của đạo pháp - dân tộc và thời đại đang trên đà phát triển, dù i còn phải vượt qua nhiều trở ngại chủ quan và khách quan trước mắt và lâu dài.
Về công tác Phật giáo quốc tế và đối ngoại nhân dân, ngay từ năm 1979, bản thân tôi đã tích cực tham gia phái đoàn Phật giáo Việt Nam sang Campuchia giúp nước bạn xây dựng làm hồi sinh lại tăng già Phật giáo Campuchia sau ngày chế độ diệt chủng Khmer đỏ sụp đổ; tham gia phái đoàn lãnh đạo Tôn Giáo Việt Nam dự hội nghị chống nguy cơ vũ khí hạt nhân tại Mac-Tư-khoa (năm 1982); tham gia đoàn đại biểu nhân dân Việt Nam tại Diễn Đàn xã hội thế giới tổ chức tại Mumbai, Ấn Độ (2004); tham gia phái đoàn Ban Tôn giáo Chính phủ và lãnh đạo các tôn giáo Việt Nam công tác tại Mỹ về vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam; tham gia nhiều phái đoàn cao cấp của Giáo hội PGVN thăm hữu nghị tại các nước như: Lào, Campuchia, Thái Lan, Srilanka, Ấn Độ, Indonesia, Mỹ, Trung Quốc…
Về công tác từ thiện xã hội, vì đất nước ta đa số nhân dân còn nhiều khó khăn, nên tôi đã tích cực hưởng ứng tham gia nhiều hoạt động từ thiện xã hội tại địa phương cũng như ở nhiều tỉnh thành khác như : ủng hộ quỹ từ thiện TW Hội Hữu Nghị Việt Nam – Campuchia, tặng xe đạp cho học sinh nghèo học giỏi, phát quà cho đồng bào nghèo, ủng hộ bệnh nhân nghèo mổ tim, phát quà cho trẻ em nạn nhân chất độc da cam, tham gia và ủng hộ quỹ từ thiện của hội cứu trợ TETT TW và TPHCM, ủng hộ lũ lụt tại các tỉnh miền trung, ủng hộ ngày quốc tế khuyết tật, xây cầu nông thôn, tặng học bổng Nguyễn thị Minh Khai, Nguyễn hữu Thọ, tăng quà cho thanh niên thi hành nghĩa vụ quân sự, phát quà trung thu hằng năm cho các cháu thiếu nhi tại địa phương và các tỉnh thành, tặng nhà tình nghĩa, tình thương-đại đoàn kết, đỡ đầu cho sinh viên Campuchia và Lào đang học tại TpHCM …với tổng số tiền làm từ thiện mỗi năm trên 700 triệu đồng.
PV: Là người có nhiều đóng góp cho cả đạo và đời, Thầy có suy nghĩ gì về vai trò của Phật giáo Việt Nam trong nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước?
HT.Thiện Tâm: Truyền thống yêu nước “Hộ quốc dân an”, “phụng sư đạo pháp - phục vụ dân tộc”…, hòa quyện với nhau như nước với sữa, vốn là một dòng chảy xuyên suốt chiều dài lịch sử của Phật giáo Việt Nam; Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc trên 2000 năm tồn tại. Ngày nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam hội đủ cơ duyên để phát huy truyền thống cao quí ấy, bằng việc xác lập cho mình định hướng hoạt động theo phương châm: “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”. Theo tôi, đây là định hướng vô cùng đúng đắn và quan trọng cho hướng phát triển hiện tại và tương lai của Phật giáo Việt Nam, phù hợp với định hướng xây dựng và phát triển đất nước của dân tộc và thời đại.
Đất nước ta đang ở vào giai đoạn mở cửa, hội nhập quốc tế, nên việc tăng cường quan hệ hữu nghị, đoàn kết hợp tác nước ta các nước trong khu vực và quốc tế để cùng tồn tại, cùng giúp nhau xây dựng và bảo vệ tổ quốc, giữ vững hoàn bình anh ninh quốc gia để ổn định xây dựng đất nước, theo tôi là nhiệm vụ rất quan trọng hiện nay. Trong nhiệm vụ ấy, tin tưởng Phật giáo sẽ đóng vai trò tích cực trong các thành phần tham gia hoạt động đối ngoại nhân dân. Muốn vậy lãnh đạo Giáo hội trung ương và các tỉnh thành cần chú ý kiện toàn nhân sự Ban Phật giáo quốc tế TW và các tỉnh thành hội Phật giáo trên cả nước, có nhiều sáng kiến tham mưu đề xuất chương trình hợp tác cụ thể cho Giáo hội các cấp góp phần đẩy mạnh công tác Phật giáo quốc tham gia đối ngoại nhân dân để cùng cùng nhân dân làm công tác ngoại giáo nhân dân cùng hướng đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, lấy đó làm mẫu số chung và động lực hoạt động cho mọi tăng ni Phật tử Việt Nam trong nước và ngoài nước thực hiện đúng chủ trương, đường lối, chính sách và pháp luật về việc tăng cường vai trò đối ngoại nhân dân như hiện nay của Đảng, nhà nước ta. Tin tưởng Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ thực hiện xuất sắc nhiệm vụ quan trọng này trước mắt cũng như lâu dài.
Thành quả hoạt động và sự phát triển lớn mạnh về mọi mặt của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trên 30 năm qua trong đó có sự đóng góp và thành tựu quan trọng của đối ngoại Phật giáo trong đối ngoại nhân dân từ khi thành lập (1981) đến nay đã làm nức lòng hoan hỉ cho mọi người. Tôi tin rằng, với tư cách Phật giáo là một thành viên tích cực của Mặt trận tổ quốc Việt Nam có nhiều thuận lợi và tiềm năng như hiện nay, tin chắc GHPGVN sẽ phát huy hơn nữa truyền thống phụng sự đạo pháp và dân tộc góp phần tích cực vào sự nghiệp hoằng dương Phật Pháp, phục vụ nhân dân và sẽ đạt được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, góp phần duy trì hòa bình khu vực và thế giới đem lại hạnh phúc và an lạc cho mọi người.
Hòa thượng Thích Thiện Tâm
(Thế danh Nguyễn Thanh Thiện)
Tốt nghiệp Tiến sĩ Giáo dục học tại Việt Nam năm 2007
Thành tích:
Được Đảng và nhà nước tặng thưởng: Huân chương Độc lập Hạng II ”; và nhiều bằng khen, giấy khen khác
Về mặt đạo, ngài được Giáo hội tặng Bằng Tuyên Dương Công Đức và nhiều bằng khen khác.
Được trường Đại học Mahachulalongkornvjjalaya, Thái Lan tặng bằng Tiến sĩ Danh dự Phật học (năm 2011);
Được Chính phủ và Phật giáo Liên bang Myanmar tặng danh hiệu Mahasaddhammajotikadhaja ( người có công trong nhiệm vụ hoằng Pháp tại Việt Nam)