;
Ăn Chay Như Thế Nào?
Xã hội càng phát triển, nền văn minh hiện đại đã đạt được những thành tựu to lớn: khám phá vũ trụ, công bố bản đồ gene di truyền, công nghệ thông tin… nhưng con người ngày nay dường như mắc nhiều bệnh hơn, không thư thái và khả năng thích nghi, chống đỡ với môi trường kém. Trường phái “Thực dưỡng - Macrobiotics” sau nhiều cuộc nghiên cứu, sưu tầm đã kết luận: tổ tiên của chúng ta là những người ăn rau, củ, quả. Trong thời kỳ băng hà cuối cùng, khi rau, củ, quả khan hiếm, người ta phải ăn thịt súc vật để sinh tồn. Và thói quen ăn thịt còn đến ngày nay. Tuy nhiên, trong nhiều kỷ nguyên, người ta nhận thấy có những loại bệnh xuất hiện, gia tăng và khi người bệnh được khuyên một chế độ ăn chay, được sống trong bầu không khí vui vẻ đầm ấm thì bệnh từ thuyên giảm đến khỏi hoàn toàn. Phải chăng ăn chay có tác dụng điều trị bệnh và tác dụng thực sự của nó tới đâu?
Cơ sở khoa học
Nói riêng về hệ tiêu hóa, con người có hệ tiêu hóa giống với động vật ăn lá cây, động vật ăn cỏ và không giống với các động vật ăn thịt. Bảng so sánh dưới đây sẽ cho chúng ta có một cái nhìn tổng quát:
Động vật ăn thịt | Động vật ăn lá cây, cỏ và trái cây | Con người |
Có móng vuốt | Không có móng vuốt | Không có móng vuốt |
- Không có lỗ chân lông trên da - Toát mồ hôi qua lưỡi để làm mát cơ thể | Toát mồ hôi qua hàng triệu lỗ chân lông trên da | Toát mồ hôi qua hàng triệu lỗ chân lông trên da |
Có răng cửa nhọn sắc để xé thịt | Không có răng cửa nhọn sắc | Không có răng cửa nhọn sắc |
Có các tuyến nước bọt nhỏ (không cần để tiêu hóa thức ăn | Các tuyến nước bọt phát triển để tiêu hóa ngũ cốc và trái cây | Các tuyến nước bọt phát triển để tiêu hóa ngũ cốc và trái cây |
Nước bọt có tính acid, không có men ptyalin để tiêu hóa ngũ cốc | Nước bọt có tính kiềm, nhiều men ptyalin để tiêu hóa ngũ cốc | Nước bọt có tính kiềm, nhiều men ptyalin để tiêu hóa ngũ cốc |
Không có răng hàm bẹt phía trong để nghiền thức ăn | Có răng hàm bẹt ở phía trong để nghiền thức ăn | Có răng hàm bẹt ở phía trong để nghiền thức ăn |
Có nhiềi acid HCl mạnh trong dạ dày để tiêu hóa cơ, xương của động vật | Có acid HCl nhưng yếu 20 lần so với acid HCl của động vật ăn thịt | Có acid HCl nhưng yếu 20 lần so với acid HCl của động vật ăn thịt |
Độ dài đường ruột chỉ gấp 3 chiều dài cơ thể để sau khi qua dạ dày, thịt nhanh thối rữa và ra khỏi cơ thể | Độ dài ruột gấp 12 lần độ dài cơ thể vì lá cây và ngũ cốc thối rữa chậm | Độ dài ruột gấp 12 lần độ dài cơ thể vì lá cây và ngũ cốc thối rữa chậm |
Bảng so sánh cho thấy: Cấu trúc bộ máy tiêu hóa của con người phù hợp với chế độ ăn rau củ, quả, ngũ cốc hơn là ăn thịt. Tất nhiên, thay vì ăn “sống” như những loài động vật ăn thịt, con người biến nó thành “chín” nhờ kỹ thuật luộc, nướng, kho, tẩm gia vị tạo sự hấp dẫn khứu giác,vị giác. Đó là lý do tại sao người ta thú vị với món thịt các loại.
Ăn thịt dễ mắc những bệnh gì?
Nếu nói cứ ăn thịt là mắc đủ thứ bệnh e là hơi quá lời. Ở đây, tôi muốn đề cập đến chuyện ăn một cách thừa thãi, không quan tâm đến tiêu chuẩn vệ sinh có thể gây ra một số bệnh:
1. Ung thư
Năm 1982, tờ Life ở Mỹ, tờ Paris Match ở Pháp và tờ Atarashiki Sêkai Ê ở Nhật Bản đều đưa tin: Bác sĩ Anthony J.Sattilaro, giám đốc một bệnh viện lớn ở Hoa kỳ bị ung thư đã di căn mà lành bệnh nhờ ăn chay. Sau đó một hội nghị khoa học gồm 8.000 bác sĩ chuyên khoa ung bướu họp tại Seatle đã thừa nhận tầm quan trọng của ăn uống trong phòng và chữa bệnh ung thư.Theo thống kê của các nhà dịch tễ học thì 30% ung thư liên qua đến thuốc lá, 35% liên quan đến ăn uống, 3% liên quan đến những phụ gia thực phẩm(màu, chất bảo quản...). Như vậy, nếu ăn uống đúng thì 35% bệnh nhân lẽ ra bị ung thư sẽ không mắc phải căn bệnh nguy hiểm này.
Tại sao ăn thịt dễ bị ung thư? Một trong những nguyên nhân cơ bản là thịt sống mau thối rữa. Để giữ cho chúng “tươi” lâu hơn, người ta đã tẩm chúng với nitrit, nitrat và các chất bảo quản khác. Khi nấu nướng, các chất này không bị phân hủy. Vào ruột, chúng kết hợp với các acid amin tạo nitrosamin là chất gây ung thư. Ngoài ra, công nghệ chăn nuôi đang sử dụng nhiều hóa chất kích thích tăng trưởng, chất gây thèm ăn, gây ngủ, hormon, kháng sinh. Heo, gà, bò, tôm, cá,... được nuôi công nghiệp làm mất đi cân bằng hóa học, mất đi thói quen tự nhiên của tổ tiên chúng, kích thích phát triển bệnh gia súc và những khối u ác tính. Khi con vật bị bệnh, bị khối u, chúng được giết mổ chứ không hẳn là được bỏ đi. Thế là chúng ta ăn những miếng thịt mà không biết chúng chứa đầy độc tố, nhẹ thì rối loạn tiêu hóa, nhưng tiềm ẩn là chất độc lưu giữ làm biến đổi cấu trúc tế bào và gây ung thư. Ăn thịt nhưng lại ít ăn rau dễ sinh táo bón, ứ đọng chất độc, cũng góp phần phát triển ung thư. Điều này giải thích tại sao cư dân vùng Bắc Mỹ và Tây Âu bị ung thư đại tràng, ung thư dạ dày cao hơn cư dân ăn chay (Ấn Độ). Ở những nước ăn nhiều thịt, số phụ nữ bị ung thư vú cũng cao gấp 10 lần ở những nước có thói quen ăn chay.
2. Bệnh tim mạch
Ở các nước phát triển, bệnh tim mạch được coi là “kẻ giết người số 1”. Nước Mỹ là nước tiêu thụ nhiều thịt thì cứ hai người chết đã có một người tử vong vì tim mạch. Các nhà khoa học ở trường Đại học Harvard kiểm tra huyết áp của hàng loạt người thì thấy huyết áp trung bình của người ăn chay giảm rất có ý nghĩa so với những người ăn thịt. Lượng cholesterol trong máu của người ăn thịt cao gấp nhiều lần người ăn chay là nguyên nhân chính của chứng xơ vữa động mạch, cao huyết áp, đột quỵ, nhồi máu cơ tim... Hội tim mạch Hoa Kỳ đã công bố rằng: Một chế độ ăn chay có thể phòng ngừa từ 90-97% các bệnh tim mạch.
3. Bệnh tiểu đường type II
Chế độ ăn nhiều thịt lẫn mỡ, ăn nhiều đường tinh khiết làm tăng acid béo và triglycerid là nguyên nhân gây ra tiểu đường type II.Sở dĩ như vậy vì các acid béo, triglycerid ức chế hoạt động của insulin nên xét nghiệm lượng insulin trong máu có thể bình thường hoặc hơi tăng nhưng đường huyết vẫn cao. Bệnh tiểu đường type II cũng như bệnh tim mạch, khi chuyển sang chế độ ăn chay thì lượng đường trong máu giảm hẳn.
4. Bệnh thận
Các cuộc nghiên cứu cho thấy, thận của người ăn thịt phải làm việc gấp 3 lần thận của người ăn chay để bài tiết các hợp chất nitơ độc hại. Trong số các chất thải của thịt, đáng chú ý là urê và acid uric. Khi còn trẻ, thận còn “sung sức” nhưng khi lớn tuổi, thận kiệt sức, không thể thải độc hiệu quả sẽ dẫn đến bệnh.
5. Bệnh gout (thống phong)
Khi thận không đủ khả năng thải hết các sản phẩm chứa nitơ độc hại thì làm xét nghiệm chúng ta thấy creatinin và acid uric tăng cao. Acid uric không được bài tiết, đọng lại trong các khớp nhỏ(khớp ngón) gây đau nhức. Bệnh này dường như độc quyền dành cho đàn ông. Nơi đây, acid uric đọng lại thành tinh thể tạo ra phản ứng viêm, đau nhức ghê gớm đặc biệt với những ông ham nhậu. Buổi tối 50%, 100% cùng chiến hữu, chia tay nhau chếnh choáng hơi men còn ca đủ sáu câu vọng cổ, về nhà lăn ra ngủ, nhưng khoảng 3-4 giờ sáng đã thấy khớp ngón chân sưng lên nhức nhối tưởng như không thể chịu đựng được. Ở phụ nữ, sản phẩm thừa trong quá trình chuyển hóa của thịt ngấm vào làm thay đổi sụn bao khớp khiến chúng trở nên lởm chởm, khi di chuyển sẽ đau, nhiều người cứ nằm rên, rồi rơi vào trầm cảm.
6. Béo phì
Béo phì 95% do chế độ ăn quá dư thừa, các loại thức ăn chứa nhiều calorie: mỡ động vật, thực phẩm nhiều đường, bơ, phô-mai, chocolate, thịt... Người béo phì thường lười vận động nên năng lượng thừa không được tiêu hao lại tích trữ dưới dạng mỡ, thúc đẩy quá trình tăng cân. Béo phì gây ra hậu quả trầm trọng trên tim mạch, nội tiết, xương khớp và tâm lý. Ở những nước phát triển số lượng người béo phì đang gia tăng nhanh chóng khiến tổ chức y tế gọi là “Đại dịch” hay "Những bệnh mãn tính không lây”.
7. Bệnh gan
Gan là cơ quan vừa tổng hợp các chất, vừa có tác dụng thải độc. Một chế độ ăn nhiều thịt và mỡ động vật sẽ làm gan quá tải, sinh bệnh. Những lần ngộ độc thịt, rối loạn tiêu hóa,… đều làm gan phải làm việc cật lực để thải độc. Dần dần gan suy yếu, nhiễm mỡ, xơ hóa và khi bạn xét nghiệm sẽ thấy rối loạn chuyển hóa (tăng cholesterol, triglycerid, tăng men gan SGOT, SGPT). Một số chất độc không được đào thải là nguyên nhân gây bệnh dị ứng (chúng ta thường thấy nổi mẩn, ngứa sau bữa ăn)
8. Rối loạn trí óc và cảm xúc
Ăn nhiều thịt động vật, lượng urê tăng lên, những sản phẩm của quá trình thối rữa thịt lên não dẫn tới sự suy nghĩ kém đi. Sự lờ đờ về trí tuệ dẫn đến rối loạn cảm xúc.
Ăn chay - nên ăn gì?
Ăn chay (vegetare) không phải bao hàm chỉ ăn rau mà theo từ ngữ Latinh còn có nghĩa là “sống động”. Chúng ta ăn gạo còn nguyên vỏ cám (gạo lức), các loại đậu (đặc biệt là đậu nành), ăn nhiều rau xanh, trái cây. Ăn chay tức là chúng ta trở về với thiên nhiên, phù hợp với cấu trúc cơ thể. Tất nhiên ăn chay cũng phải đảm bảo vệ sinh mới có tác dụng phòng ngừa bệnh.
Có đủ dinh dưỡng không nếu bạn ăn chay? Câu trả lời là đủ. Thực tế bạn đã và đang ăn một lượng thịt nhiều hơn nhu cầu của cơ thể. Nhưng phải chăng protein trong rau quả, củ kém hơn protein trong thịt? Cũng không. Đậu nành chứa lượng protein gấp 2 lần protein trong thịt và có đầy đủ các acid amin cần thiết. Trong đậu nành còn chứa lecithin-chất tạo ra sự thanh xuân thần kỳ. Các loại ngũ cốc và rau cũng chứa protein. Các vitamin, các nguyên tố vi lượng (canxi, ma-giê, sắt, kẽm,...) có đầy đủ trong rau, củ, quả.
Nên ăn như thế nào?
Gạo lức thì dễ rồi, bạn thấy chợ nào cũng bán. Trái cây, bạn nên chọn những trái gọt vỏ để tránh dư lượng thuốc trừ sâu. Rau xanh phải chọn rau sạch. Đậu nành và những sản phẩm chế biến như: đậu hũ, sữa đậu nành, tương,… khắp nơi đều có. Mỗi bữa chúng ta ăn như thế nào?
• Đừng ăn quá nhiều: Hãy ngừng ăn khi mất cảm giác đói. Nếu ăn quá no nê, hệ tiêu hóa phải làm việc nhiều, thức ăn bị tiêu hóa nửa vời sẽ sinh ra sản phẩm độc.
• Ăn trong tâm trạng thoải mái, vui vẻ: tiếng cười, sự thanh thản giúp cho tiêu hóa tốt.
• Nhai kỹ thức ăn: khi phân tích phân của nhiều dân tộc, các nhà khoa học nhận thấy còn quá nhiều sản phẩm tiêu hóa dở dang. Đó là do thói quen ăn nhanh, ăn vội.
• Tránh ăn về đêm: nếu bạn đi ngủ với cái bao tử đầy tạo ra trạng thái “ậm ạch”, khó ngủ và nếu ngủ được cũng không yên giấc. Đó là chưa kể những chất trong quá trình tiêu hóa sinh ra sẽ tác động lên não tạo những giấc mơ kinh dị.
• Hạn chế các loại thức ăn có đường, đặc biệt là đường trắng và các thành phẩm của nó (bánh, mứt, kẹo)
Nếu bạn đồng ý rằng nên ăn chay thì cũng không cần “đùng đùng” rũ bỏ chế độ ăn thịt. Cứ tiến hành từ từ và khi nhận ra rằng nó có ích cho sức khỏe thì hãy chuyển hẳn. Nhiều bạn lúc đầu ăn chay 50% còn lại là thịt (thịt tươi và nạc) cũng không sao.
BS. Lê Thúy Tươi