;
Am, cốc, thất: phủ nhận hay chấp nhận?
Giáo hội PGVN phản đối hiện tượng giả sư gây phản cảm
Chủ trương xử lý am, cốc, thất bằng cách nào
SƯ GIẢ, “AM, CỐC, THẤT”, TĂNG NI “KHÔNG RÕ XUẤT THÂN”… CHỈ LÀ VẤN ĐỀ NGỌN
Gần đây, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng như dư luận Phật giáo Việt Nam quan tâm nhiều hơn đến vấn đề sư giả, rồi đi xa hơn, tăng ni “không rõ xuất thân”. Các phát biểu của những nhà lãnh đạo Phật giáo rồi các văn bản đề cập nhiều hơn đến “am, cốc, thất” rồi đến cả “chùa ngoài giáo hội”.
Sư giả, tăng ni “không rõ xuất thân”, “am, cốc, thất”, “chùa ngoài giáo hội”, chùa chưa gia nhập giáo hội… đang trở thành vấn đề khủng hoảng của Phật giáo Việt Nam. Đó là việc ly khai, tách rời, mất quyền kiểm soát của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Người ta không hẳn theo một giáo hội nào khác (dù cho cũng có trường hợp này), không lập ra tổ chức đoàn thể Phật giáo nào mới, nhưng lại vẫn đứng ra ngoài Giáo hội Phật giáo Việt Nam, dù bản chất họ là Phật giáo và họ cố ý tạo ra và duy trì tình thế như vậy.
Đối với tình trạng này, Giáo hội Phật giáo Việt Nam không bao giờ nắm được. Giáo hội Phật giáo Việt Nam không kiểm soát đến cấp tín đồ, nên không thể nào xác định đâu là tín đồ ngoài giáo hội. Còn đối với tu sĩ và chùa chiền thì tập trung nhóm nhỏ vài người trong “am, cốc, thất” (tránh chữ “chùa” đi), dù cho mặc quần áo tu sĩ, thì cạo đầu, nhận là tu sĩ, họ vẫn có thể xác định không liên hệ gì đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Đến bây giờ Giáo hội Phật giáo Việt Nam mới nhận ra cuộc khủng hoảng này thì quả là muộn màng. Tăng ni “ngoài giáo hội” đó không kê khai với giáo hội, thì sao Giáo hội Phật giáo Việt Nam biết rõ số lượng là bao nhiêu. “Am, cốc, thất” cũng vậy.
Đó là những bất động sản sở hữu tư nhân, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đứng tên cá nhân, không có tên chùa, không có tên Giáo hội Phật giáo Việt Nam, vậy cũng làm sao mà thống kê, có số liệu.
Các ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam địa phương không muốn phiền toái khi tại địa phương mình có tăng ni “không rõ xuất thân”, “am, cốc, thất”, chùa ngoài giáo hội, nên đương nhiên sẽ không muốn thống kê, ghi nhận, báo cáo, lao vào giải quyết, gánh lấy gánh nặng trách nhiệm. Con số tăng ni “không rõ xuất thân”, “am, cốc, thất”, chùa ngoài giáo hội… địa phương nào càng lớn, thì Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam địa phương đó càng phiền phức, khó khăn với cấp trên. Vì vậy, logich tự nhiên là các ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam địa phương sẽ làm lơ đi hiện trạng, mà trong thực tế Giáo hội Phật giáo Việt Nam không thể nào ghi nhận hết nổi.
Như vậy, hiện trạng Phật giáo ngoài giáo hội, tăng ni “không rõ xuất thân”, “am, cốc, thất” chùa “chưa gia nhập” sẽ lớn hơn rất nhiều những ghi nhận chính thức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Gần đây, mật độ các văn bản của trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ý kiến phản ứng của các nhà lãnh đạo giáo hội đối với hiện trạng như trên có gia tăng, cho thấy bước tiến mới về nhận thức hiện trạng.
Nhưng, nếu chỉ giới hạn tầm nhìn chỉ trong các sự kiện tăng ni “không rõ xuất thân”, “ngoài giáo hội”, “am, cốc, thất”, “chưa gia nhập”, ra văn bản tập trung vào các điều được cho là vấn đề đó, thì trước hết vi phạm pháp luật về dân sự, về quyền sở hữu, sau đến là vi phạm nguyên tắc căn bản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam về gia nhập (có gia nhập thì tất nhiên có tình trạng không gia nhập). Tuy nhiên điều quan trọng là không giải quyết được gì hết, lại càng bộ lộ sự yếu kém về năng lực, thiếu tầm nhìn, nông cạn, bị động, lúng túng, bất lực, bế tắc.
Trong bài viết này, tôi không kết luận những sự kiện được ghi nhận như trên là đúng hay sai, tốt hay không tốt cho Phật giáo Việt Nam. Tôi chỉ muốn đưa ra một cái nhìn bao quát hơn, toàn diện hơn cho cách tiếp cận vấn đề. Đó không phải là chuyện xảy ra gần đây mà có căn nguyên gốc rễ sâu xa trong Phật giáo Việt Nam, đây là việc không dễ kết luận đánh giá, mà nó có một nội hàm phức tạp, xuất phát từ bản thân Phật giáo Việt Nam, và tiếp theo đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã trực tiếp làm cho nó phát sinh, phát triển, đưa lại những hệ quả chưa thể xác định hết được.
Càng không thể giải quyết gì chỉ với một số văn bản, mà xét cho cùng vi phạm pháp luật và không thể thực hiện. Sự việc cần được nghiên cứu toàn diện, hệ thống, ở mức độ cao hơn, trong khi lâu nay việc tìm hiểu nó bị xem nhẹ, đầu tư trí tuệ thấp và phản ứng cũng ở mức trí tuệ thấp.
BÁN TU SĨ PHẬT GIÁO
Phản ứng ở mức trí tuệ thấp là phản ứng chống lại truyền thống, một việc vô cùng khó khăn và nặng nề, nhưng lại coi rằng không đáng vào đâu cả, ra vài văn bản nhằm vào một vài hiện tượng bề mặt.
Bán tu sĩ là thành phần không hẳn là tu sĩ nhưng vượt lên giới hạn tín đồ.
Dạng bán tu sĩ này không định hình rõ ràng, nhưng có vai trò chủ yếu trong việc phá vỡ lằn ranh phân định tu sĩ và tín đồ trong Phật giáo.
Nguyên thủy, trong đạo Phật việc phân định giữa tu sĩ và tín đồ rất rõ ràng, dứt khoát, triệt để. Đức Phật chế định các loại giới cấm, chia rạch ròi những người tu theo ngài thành 2 loại lớn, xuất gia và tại gia, ứng với 2 khái niệm về sau là tu sĩ và tín đồ.
Trong Phật giáo Bắc tông, việc hình thành thành phần người tu sĩ ở chùa, làm công việc chùa, không thọ giới tỳ kheo, nhưng mặc y phục một phần giống như tu sĩ Phật giáo đã dần gì làm phai mờ sự phân định như thế từ Đức Phật.
Người xuất gia tu riêng trong những am, cốc, thất cũng có truyền thống lâu đời trong Phật giáo Bắc tông. Đó không phải là điều đến gần đây mới có. Hình thức tu ở am, cốc, tách rời tăng đoàn, củng là một yếu tố góp phần xóa nhòa ranh giới tu sĩ/tín đồ/ Tăng sĩ Bắc tông không còn bị buộc phải sống trong tập thể tăng già, mà có thể tu riêng, cá nhân, cư ngụ tách biệt với chúng tăng.
Đây có phải là sự suy thoái của Phật giáo diễn biến qua lịch sử? Không chắc, vì trong kinh Phật có những vị Phật đắc đạo do tu hành tách biệt, thành Phật Độc giác. Kinh Pháp Hoa có nói đến việc tu một mình nơi thanh vắng, núi rừng.
Những diễn biến đến mức có người tu trong chùa, có vợ, có con, rồi để chùa lại cho con cháu tu tiếp trong tình trạng vẫn có gia đình, là tình trạng suy thoái Phật giáo.
Hiện tượng bán tu sĩ, hình thành từ nhiều nguyên nhân, rất phức tạp, đúng có, sai có, phải có, trái có, hay có, dở có, dẫn đến tình trạng sự phân biệt tu sĩ/tín đồ trong Phật giáo Bắc tông không còn triệt để, rõ ràng. Y phục, nếp sống tu sĩ không còn là yếu tố nhận diện chính xác. Người nay ở nhà mai ở chùa, người ở chùa mà có gia đình như ở nhà vẫn ăn mặc trong hình thức tu sĩ. Đó đã là truyền thống Phật giáo Bắc tông chứ không phải hiện tượng trong thời gian mới đây để xóa bằng văn bản. Chẳng những thế, việc tu tách biệt trong am, cốc, thất lại là việc được kinh điển khuyến khích. Cho nên, dạng bán tu sĩ trong Phật giáo kết quả hình thành tất yếu, chẳng những từ truyền thống mà còn là từ giáo lý.
TU SĨ TỰ PHONG
Việc xác định tu sĩ Phật giáo trong truyền thống không phải là một hoạt động phong chức thánh tôn giáo, không cần đến chứng nhận hành chính, một sự thừa nhận hay xét duyệt thông qua từ tập thể.
Tu sĩ Phật giáo được tự xác định từ việc thọ giới, còn người ngoài nhìn nhận qua việc ăn mặc, đầu cạo trọc. Cho nên, muốn thể hiện hình thức là một tu sĩ Phật giáo không mấy khó khăn.
Trong lịch sử Phật giáo cả Bắc tông lẫn Nam tông, xác định tu sĩ có lẽ đều không phải là hành vi hành chính, một điều quan trọng là do tự cá nhân từng người. Chỉ có dưới chế độ Sài Gòn, nửa sau thập niên 1960 đầu thập niên 1970, giấy chứng nhận tu sĩ mới có giá trị hoãn dịch.
Một giới điệp tỳ kheo Bắc tông đến nửa đầu thế kỷ XX còn viết toàn bằng chữ Hán thì xác định là tu sĩ với ai. Chính quyền thì không dùng chữ Hán, còn người dân thì không biết đọc chữ Hán. Thành ra văn bản chữ Hán đó chẳng có ý nghĩa gì. Việc nhìn nhận tu sĩ chỉ căn cứ vào y phục.
Hiện tượng bán tu sĩ gắn liền với tu sĩ tự phong
Bán tu sĩ Phật giáo, dù từ nguyên nhân gì, dưới dạng thức nào, hầu hết đều cũng không chấp nhận là bán tu sĩ Phật giáo (cụm từ bán tu sĩ có lẽ do tôi đưa ra đầu tiên), mà chỉ muốn mọi người xưng là tu sĩ. Lô gích đó dẫn đến tu sĩ tự phong phát triển trong Phật giáo Việt Nam.
Bán tu sĩ Phật giáo, tu sĩ Phật giáo tự phong đã làm thành một dải nhiều sắc độ trung gian giữa người tín đồ và người tu sĩ Phật giáo thực thụ trong tăng đoàn. Dải nhiều sắc độ đó hết sức lộn xộn, phức tạp, rối rắm.
Tu sĩ tự phong có thể vẫn là người có tu, họ quan niệm là tự giữ giới là đã tu, không cần ở chùa, sống trong tăng chúng. Họ vẫn tự nghĩ họ là người tu hành chân chính thật sự. Nhưng cá biệt có người coi thầy chùa là những kẻ giả dối, tu bằng hình thức.
Cũng có một số tu sĩ tự phong chỉ là thầy cúng, thấy đám, là một phần trong gói dịch vụ mai táng. Có thầy cúng vẫn cạo đầu, mặc áo tràng y như một tu sĩ Phật giáo thực thụ. Tại đám tang, tụng kinh xong họ nhậu nhẹt, nói tục, chửi thề như những tay anh chị hạ lưu. Nhưng truyền thống văn hóa người viết dường như chấp nhận loại tu sĩ tự phong này. Họ vẫn hành nghề trong các đám tang một cách phổ biến. Nhiều gia đình tang chủ vẫn chấp nhận kiểu tu sĩ say xỉn trong đám tang, phanh cả ngực áo vạt mẻ, nôn ọe, vật vựa, ăn nói nhảm nhí, hát nhạc “chế”.
Bán tu sĩ, tu sĩ Phật giáo tự phong đã làm tổn thương trầm trọng hình ảnh người tu sĩ Phật giáo Việt Nam, nhưng điều đó không thể ngăn chặn dần dần nó trở thành một thứ tục lệ, hủ tục. Sự phát tất yếu của nó là đến cấp độ sư giả.
Hơn nửa thế kỷ chấn hưng Phật giáo của Phật giáo Việt Nam hiện đại đã không thể giải quyết được hiện tượng này, thì những cố gắng hiện nay của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhằm vào một khía cạnh nhỏ của vấn đề là am, cốc, thất chắc chắn không thể có tác động gì đáng nói cả. Đây đã là một nan đề của Phật giáo Việt Nam, có bản chất văn hóa và giáo lý tôn giáo sâu xa, phức tạp.
(còn tiếp)