;
Trong một lần tham quan ngôi chùa ở miền Bắc, khi tới chùa, thấy một số ông, bà Phật tử lớn tuổi chắp tay bạch chào một tu sĩ trẻ măng chừng hai mươi, hăm ba tuổi là “con chào sư ông” khiến tôi không khỏi ngỡ ngàng. Trong số chúng ta, mỗi người con Phật
khi tới chùa đều chắp tay cung kính, bạch chào các vị tu hành ở trú xứ đó, thế nhưng không phải ai cũng có thể hiểu được những danh xưng ấy và nhất là những người Phật tử sơ cơ lại càng không biết về cách xưng hô khi tới chùa.Nên bài viết hôm nay chúng tôi xin giới thiệu vài nét về danh xưng trong đạo Phật, với quan điểm hiểu biết cá nhân về việc xưng hô trong Phật giáo Bắc Tông vì bên Nam Tông chúng tôi không được tiếp xúc nhiều và không hiểu rõ, mong quý vị xem rồi vui lòng góp ý cho bài viết được hoàn chỉnh hơn.
Điều đầu tiên là mỗi con người chúng ta đều có tuổi, một năm trôi qua chúng ta thêm một tuổi gọi là tuổi đời. Đối với người xuất gia, ngoài tuổi đời ra thì còn có tuổi đạo, tuổi đạo ở đây được tính theo thời gian người tu sĩ thọ giới Tỳ kheo (bên nam) hay Tỳ kheo Ni (bên nữ), sau khi tham dự giới đàn, được truyền trao giới pháp và trải qua các mùa an cư kiết hạ, mỗi một mùa an cư xong người tu sĩ được cộng thêm một tuổi đạo, hay gọi bằng Hạ lạp. Số tuổi hạ càng nhiều cho biết vị đó đã tu hành thâm niên trong đạo pháp. Và cũng trên quá trình tu hành ấy, có những dấu mốc để gọi những danh xưng khác nhau với mỗi vị tu sĩ. Ở đây chúng ta xem lại quá trình từ khi bắt đầu vào đạo của mỗi vị.
Đối với những người dưới 20 tuổi có lòng xuất gia vào đạo hay được gia đình gửi gắm, ban đầu vào chùa tùy theo sự sắp xếp của vị thầy, mỗi người được phân công học tập kinh kệ và làm việc khác nhau, gọi là hành điệu và được gọi là chú Điệu ở chùa. Sau một thời gian được thọ giới sa di (nam), sa di ni (nữ),chúng ta gọi những vị ấy là Chú Tiểu (nam), hay Ni cô,(nữ).Trải qua quá trình tu tập, học tập giáo lý, khi tới thời điểm thích hợp, ít nhất 20 tuổi (trừ những trường hợp đặc cách),vị tu sĩ được tham dự giới đàn thọ giới Tỳ Kheo (nam), Tỳ Kheo Ni (nữ) tuổi đời ít nhất là 20 thì chúng ta gọi những vị ấy là Đại đức hay Thầy (nam), Cô hay Sư cô (nữ). Từ đây mỗi năm, trải qua mỗi mùa an cư, khi số tuổi hạ ít nhất là 25 và tuổi đời khoảng trên 45, các vị ấy được gọi là Thượng tọa (nam), Ni sư (nữ). Khi số tuổi hạ từ 40 trở lên, các vị ấy được gọi là Hòa thượng (nam), Ni trưởng hay Sư bà (nữ). Việc này để dễ hiểu chúng ta có thể xem chỉ dẫn cụ thể dưới đây. Trong lúc hành đạo, tức là làm việc đạo trong đời, đem đạo độ đời, nói chung sự sinh hoạt của Phật giáo cần phải thiết lập tôn ti trật tự (cấp bậc) có danh xưng như sau theo Hiến chương của Giáo hội Phật giáo:
1) Năm 20 tuổi đời, vị xuất gia thụ giới Tỳ kheo được gọi là Đại đức.
2) Năm 45 tuổi đời, vị Tỳ kheo được 25 tuổi đạo, được gọi là Thượng Tọa.
3) Năm 60 tuổi đời, vị Tỳ kheo được 40 tuổi đạo, được gọi là Hòa Thượng.
Còn đối với bên nữ (Ni bộ):
4) Năm 20 tuổi đời, vị nữ xuất gia thụ giới Tỳ kheo ni được gọi là Sư cô (hiện nay ở Canada, có giáo hội gọi các vị Tỳ kheo ni này là Đại đức).
5) Năm 45 tuổi đời, vị Tỳ kheo ni được 25 tuổi đạo, được gọi là Ni sư.
6) Năm 60 tuổi đời, vị Tỳ kheo ni được 40 tuổi đạo, được gọi là Sư bà (bây giờ gọi là Ni trưởng).
Như vậy chúng ta có thể thấy rõ điều lệ của Giáo hội quy định rất rõ ràng và chặt chẽ, thế nhưng những quy định ấy có vẻ như không được tuân theo một quy củ nghiêm chỉnh và đồng bộ trên toàn quốc. Trong khi Phật giáo miền Trung, miền Nam, danh từ Sư ông chỉ được dùng cho những vị tu hành nhiều tuổi hạ, thì ở ngoài Bắc, một vị 20 tuổi vừa thọ xong Cụ Túc giới đã được gọi. Có thể có nhiều người bảo rằng tùy theo truyền thống từng vùng miền mà gọi, nhưng thiết nghĩ cái truyền thống đó cũng nên có phần thống nhất và hợp lý. Cụ thể ở đây, danh từ Sư Ông chỉ dùng cho những vị Hòa thượng, những vị tu hành lâu năm nhiều cả tuổi đạo lẫn tuổi đời, hay dùng cho gọi vị Sư phụ của Sư phụ mình lại dùng cho người trẻ mới tu xem qua đã thấy không cân xứng. Mà ví như ở đời thôi, thì không ai gọi một thanh niên 25 tuổi là ông cả. Và nếu nói là truyền thống, thì khi vừa thọ giới Cụ Túc xong gọi là sư Ông,thì trải 20 hạ sau lên thượng tọa sẽ là sư Cụ, và khi trải 40 tuổi hạ, không biết, sẽ gọi là sư gì ? Cũng như vậy, con người hay vạn vật có thể xác đều được phân chia giới tình rõ ràng, tới cả hoa lá cũng phân chia nhị và nhụy, con người có nam và nữ, tên gọi khác nhau để phân chia hình thức, trong nghề giáo viên, chúng ta gọi người nam là Thầy, người nữ là Cô...Trong tứ phủ chúng ta gọi đồng cô chỉ người nữ làm nghề đồng bóng và đồng cậu, hay thánh cô, thánh cậu...chứ không ai đi gọi người nam là cô đồng, người nữ là thầy đồng... Trong khi đó tôi thấy ngày nay vào chùa rất nhiều Ni giới xưng thầy, hoặc được Phật tử gọi thầy mà không cải chính...trong khi mình là nữ giới, chuyện này không phải để oai hơn hay gì, mà là phân định giới tính con người, thầy hay cô đều chỉ người hành đạo, nên cần phải cải chính.
Người đời hay đạo khác người ta còn phân định được rõ ràng huống Phật giáo chúng ta là đạo của trí tuệ và sự thật.Thiết nghĩ, cách xưng hô này, sâu xa đâu đó trong nó đã ẩn chứa gì đó không đúng,và càng buồn khi hết thế hệ tu sĩ này tới thế hệ khác không ra tay chấn chỉnh lại việc đó,vừa hợp tình khế lý lại vừa không bị hao tổn phước lực tu hành. Qua đây nguyện mong hàng thức giả có thể nghĩ xem lại một chút vấn đề này để việc xưng hô trong đạo nhà được vẹn tròn hơn nữa.
Nam mô A Di Đà Phật.