;
Nghe Phật dạy về sự Giàu có của một người keo kiệt
Giải đáp thắc mắc tu pháp môn Tịnh độ (8)
Hỏi số 85:
...Con gái tôi hằng ngày thường đi chùa gần nhà và có một vị ...
ở trong chùa lại bảo với con gái tôi rằng má con làm như vậy coi chừng
"Dục Tốc Bất Đạt", câu nói này làm cho tôi hơi thối chí. Vậy kính
mong chư vị là người đã tu theo pháp môn Tịnh Độ này thời gian dài và có nhiều
kinh nghiệm, xin hãy cho tôi một lời khuyên là tôi làm như vậy là đúng hay là
sai, có phải dục tốc bất đạt không?
Trả lời:
Ngài Ấn Quang Đại Sư dạy, người tu hành mà không nguyện vãng
sanh, thì dù cho tu hành có giỏi cho mấy thì thời nay cũng không thể thoát ly
sanh tử luân hồi. Người không nghe lời Tổ Sư thì tự mình tu theo đường ma đạo
vậy.
Ngài dạy, người niệm Phật mà chỉ lo cầu phước báu nhân thiên thì chẳng khác gì
kẻ đem viên ngọc như ý, đáng giá liên thành, đổi lấy tán kẹo của con nít. Thật
quá oan uổng! Ngài dạy, chân tâm chúng ta là Phật mà không chịu nguyện về
Tây-phương, mà chỉ lo mấy thứ phước báu hữu lậu, thì thật quả là kẻ vô minh!
Ngài Tĩnh Am Đại Sư dạy, người lo tu hạnh làm phước, dù cho phước báu lớn tới
đâu thì việc thoát ly sanh tử cũng không thể thực hiện. Ngài nói: Việc thiện
càng lớn, sanh tử càng nặng, khi chết một niệm luyến ái nổi lên nhất định bị
vạn kiếp trầm luân. Tổ Sư dạy người niệm Phật cầu vãng sanh, người mà chỉ lo tu
thiện phước mà không cầu vãng sanh thì đáng thương hại lắm vậy!
Ngài Thiện Đạo Đại Sư dạy, niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ thì vạn người tu vạn
người vãng sanh, gọi là muôn người tu muôn người chứng. Ngài nói, dù niệm Phật
chưa được nhất tâm bất loạn, nhưng nếu tổ chức hộ niệm cẩn thận thì người nào
cũng được vãng sanh. Là Tổ Sư đâu thể nói giỡn chơi!
Ngài Trung Phong Pháp Sư dạy, người niệm Phật mà không cầu vãng sanh, thì dù
công phu có cao cho mấy cũng chỉ là hư vọng, vì đã làm sai lời Phật dạy. Chúng
ta tu theo lời Phật dạy, hay tu theo người nói sai lời Phật dạy?
Ngài Liên Trì Đại Sư dạy, ba
tạng kinh, mười hai phần giáo ai muốn nghiên cứu cho ngộ đạo thì cứ việc nghiên
cứu, tám vạn bốn ngàn pháp môn ai muốn tu trì thì cứ việc tu trì, riêng Ngài
chỉ niệm câu Phật hiệu A-Di-Đà Phật cầu sanh Tịnh-độ. Ngài còn nói, người niệm
Phật cầu sanh Tịnh-độ chính là người thượng căn, còn những người tu theo các
cách khác, nếu không là hạ căn thì cũng chỉ trung căn là cùng. Tại sao vậy? Vì
chỉ có người niệm Phật cầu vãng sanh mới một đời thoát ly sanh tử luân hồi, bất
thối thành Phật. Tổ Sư dạy vậy, tại sao chúng ta còn ngồi đây lý luận làm gì?
Không có đường tu nhất định, rõ ràng, khi luống qua đời này (nghĩa là chết, mất
phần vãng sanh) thì biết kiếp nào gặp lại Phật pháp nữa để lo chuyện giải thoát
đây?
Ngài Quán Đảnh Đại Sư dạy: Thời mạt pháp này tất cả kinh sám không còn có khả
năng cứu độ nổi chúng sanh, chỉ còn câu Phật hiệu A-Di-Đà Phật mới làm nổi. Tại
sao vậy? Vì nghiệp chướng chúng sanh trong thời mạt pháp này quá nặng, nhất định
không thể tự chứng đắc, nếu không niệm Phật thì quyết chắc sẽ bị lọt lại trong
sáu đường đau khổ. Bây giờ nói giỏi nói hay, đến khi chung cuộc (tức là lúc sắp
chết) đành phải khóc ròng! Lúc đó dẫu cho ân hận cũng đâu còn kịp nữa?...
Ngài Lý Bỉnh Nam dạy, người thời này mà không chịu niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ
thì nếu không phải kẻ ngu si cũng là thứ cuồng vọng!
Ngài quyết lòng dạy người niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ. Trong đời Ngài đã cứu rất
nhiều người vãng sanh Tây-phương Cực-lạc.
HT Tịnh Không nói, người nào
không chịu niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ, nếu không phải là kẻ ngu si thì cũng là
người cuồng vọng! Nhưng xét cho cùng, cuồng vọng cũng là ngu si...
Vì thiếu trí huệ mới nghi ngờ lời Phật. Vì cống cao ngã mạn mới chống lại lời
Phật. Người không theo pháp Phật làm sao gọi là đệ tử Phật? Không phải đệ tử
Phật thì muốn nói sao nói, muốn làm sao làm, muốn đọa lạc ở đâu lại chẳng được!
Trong những đạo tràng của Ngài, ngoài việc niệm Phật cầu vãng sanh, tuyệt đối
Ngài không cho phép bất cứ một hình thức tạp tu nào. Trong những năm qua, vô số
người niệm Phật vãng sanh ở khắp nơi, hầu hết suy cho cùng đều nương nhờ vào
lời pháp của Ngài.
Tất cả chư Tổ Sư đều dạy chúng sanh trong thời mạt pháp này hãy niệm Phật cầu
sanh Tây-phương Cực-lạc để vãng sanh một đời thành đạo. Chúng ta nên thành tâm
nghe theo lời chư Tổ Sư dạy để tu hành là an ổn nhất.
Thực ra, không phải chỉ có chư Tổ Sư dạy, mà đức Thích-Ca Mâu-Ni Phật cũng dạy
rất nhiều trong kinh điển.
Kinh A-Di-Đà, bốn lần Phật dạy rằng, phải phát tâm nguyện sanh về Tây-phương
Cực-lạc. Người nào nghe Ngài thuyết về cõi Tây-phương mà tin tưởng, phát nguyện
vãng sanh, rồi chấp trì danh hiệu A-Di-Đà Phật niệm từ một ngày đến bảy ngày
chuyên lòng nhất tâm thì khi lâm chung A-Di-Đà Phật và chư Thánh chúng sẽ hiện ra
tiếp dẫn về Tây-phương Cực-lạc quốc. Phật dạy rõ ràng, tại sao không tin theo?
Phật không bao giờ vọng ngữ, tại sao người Phật tử lại nghi?
Kinh Vô Lượng Thọ, Phật nói không biết bao nhiêu lần, dạy chúng sanh phải một
lòng niệm câu Phật hiệu cầu vãng sanh. Nếu người nào tin tưởng, phát nguyện
vãng sanh, và chuyên nhất niệm câu Phật hiệu thì dẫu mười niệm (trước phút lâm
chung) mà không được vãng sanh thì A-Di-Đà Phật thề không thành Phật. Tại sao
ta không y giáo phụng hành để vãng sanh thành Phật, mà lại chạy theo người thế
tục nói?
Kinh Đại Tập Phật dạy, thời mạt pháp này (dù cho) vạn ức người tu hành, khó
tìm thấy một người chứng đắc (nghĩa là khó vượt sanh tử luân hồi). Nhưng Phật lại nói, chỉ có người nào
trì giử pháp niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ thì được thoát luân hồi.
Kinh Hoa Nghiêm, Thiện-Tài Đồng Tử đã chứng đắc pháp thân, người thầy căn
bản là Văn-Thù Sư-Lợi Bồ-tát dạy niệm Phật. Thiện Hữu Tri Thức mà Ngài đi tham
phỏng, thì vị đầu tiên là ngài Đức-Vân dạy niệm Phật, vị cuối cùng là Phổ-Hiền
Bồ-tát dạy mười đại nguyện vương cầu sanh Tây-phương Cực-lạc (Nghĩa là cũng
niệm Phật cầu vãng sanh). Bồ tát minh Tâm kiến tánh mà còn phải niệm Phật, tại
sao chúng ta không chịu niệm Phật?
Nhiều lắm, nhiều lắm. Tất cả kinh điển đều dạy chúng sanh niệm Phật cầu sanh
Tịnh-độ. Nhất là thời mạt pháp này, Phật dạy, nếu không chịu niệm Phật thì nhất
định khó có thể thoát ly sanh tử luân hồi. Không thoát ly sanh tử luân hồi, thì
tu có giỏi cho mấy vẫn phải chết trong sanh tử luân hồi. Quyết định khó có thể
thành đạo giải thoát!
Tu mà không thành đạo thì tu làm chi cho uổng sức vậy?
Phật dạy đường thành đạo cho chúng sanh, ta tu hành mà không theo pháp Phật,
không theo lời Phật, lại dạy chúng sanh đi ngược lời Phật dạy, làm cho chúng
sanh mất phần giải thoát, mất phần thành tựu, thì tội lỗi này ai sẽ chịu thay
cho mình đây?
Cho nên, dạy người tu không đúng theo kinh Phật rất có tội. Tội lớn lắm!
Phật dạy thời mạt pháp tu hành phải "Y pháp bất y nhân". Nghĩa
là, phải y đúng theo pháp Phật tu hành, không được theo bất cứ người nào cả.
Nói rõ hơn, người nào nói đúng kinh pháp thì nghe, người nào nói ngược kinh
pháp thì tuyệt đối không được nghe. Nếu ai nhẹ dạ nghe theo thì bị đọa lạc ráng
chịu.
Lúc ta bị đọa lạc, nhất định không ai cứu nổi ta đâu.
Như vậy ta phải theo lời Phật để một đời này vãng sanh thành đạo, chứ tại sao
lại theo những người nói ngược lời Phật, mà đành phải mất phần về Tây-phương,
bị kẹt lại trong cảnh vô thường chịu nạn?
Đạo Phật là đạo cứu chúng sanh thoát vòng sanh tử, vãng sanh thành Phật, chứ
đạo Phật đâu phải bắt chúng ta phải ở lại cõi Ta-bà này chịu cảnh ngũ trược ác
thế để bị đọa lạc. Vậy thì người tu học Phật sao không lo chuyện thành đạo, lại
cứ nắn né ở lại chốn vô thường này để tiếp tục chịu vô thường?
Tu theo đúng pháp Phật tại sao lại nói là "Dục
tốc bất đạt". Không cầu về Tây-phương, tức là muốn chúng sanh ở lại
cõi vô thường này vô lượng kiếp để chịu nạn à? Chư Tổ Sư đều dạy: Sanh tử sự đại, phải quyết lòng
thoát ly sanh tử. Rõ ràng
việc sanh tử là điều tối hệ trọng, cần phải giải quyết. Muốn giải quyết sanh tử
trong một đời này chỉ có Niệm Phật cầu vãng sanh, thì mười niệm tất sanh. Phật
đã cho chúng sanh một con đường thẳng tắt để thành đạo, tại sao lại không đi?
Không đi mà còn cản ngăn người khác con đường thành đạo, thì thật là đại tội!
Đại tội!
Trong kinh Phật dạy, "Vong
thất Bồ-đề tâm, tu chư thiện pháp, thì danh ma nghiệp". (Quên đường thành đạo, mà lo tu các
thứ thiện pháp thế gian, thì dù có làm thiện lành cho mấy đi nữa cũng chỉ là ma
nghiệp). Tại sao vậy? Vì đánh lạc mất hướng vãng sanh thành đạo của chúng sanh,
dẫn dắt chúng sanh trong các ngã đường sanh tử luần hồi, xui khiến họ không
theo đường Phật dạy, lại đi theo con đường lẩn quẩn để sau cùng chịu nạn. Đây
chính là ma nghiệp, ma đạo chứ còn gì nữa?
Thôi, xin đạo hữu hãy sáng suốt tự quyết định lấy. Đạo hữu hãy tự quyết định
đường tu. Chỉ có chính đạo hữu quyết định tương lai của chính mình. Không ai
giúp được đạo hữu đâu.
A-Di-Đà Phật.
Hỏi số 86:
Nhân dịp tháng 7 Âm lịch này là tháng Vu Lan Báo Hiếu, nên mẹ
cháu có tụng Kinh Vu Lan Báo Hiếu, niệm Phật và hồi hướng cho cửu huyền thất tổ
mong tất cả mọi người sớm siêu sanh Tịnh Độ. Mấy ngày gần đây liên tiếp mẹ cháu
thường nằm mộng thấy ông nội và bà nội cháu, thấy rất rõ ràng. Bà nội thì tâm
trạng rất vui vẻ, còn ông nội thì buồn rầu. Không biết như vậy là sao vậy chú.
Mong chú giải bày dùm. Thành thật biết ơn chú Diệu Âm. Mẹ cháu đang rất lo lắng
!
Trả lời:
Mùa Vu lan báo hiếu, tụng kinh Vu-lan báo hiếu rất tốt. Người tu
Tịnh Độ, nhất hướng chuyên niệm A-Di-Đà Phật cầu sanh Tịnh-độ, quyết lòng niệm
Phật rồi hồi hướng công đức cũng rất tốt.
Nhưng để bảo đảm việc vãng sanh, người tu niệm Phật cần nên "Nhất môn thâm nhập trường kỳ
huân tu" để câu A-Di-Đà
Phật thâm nhập vào tâm, khi lâm chung tránh khỏi những tạp chủng khác chen vào
mà mất phần vãng sanh. Nghĩa là, muốn chắc chắn được về tới miền Cực-lạc của
Phật A-Di-Đà, thì lúc lâm chung phải niệm cho được danh hiệu A-Di-Đà Phật cầu
sanh Tịnh-độ. Người nào đáp ứng đúng theo đại nguyện của đức Phật A-Di-Đà thì
được vãng sanh về Cực-Lạc. Khi đã vãng sanh về miền Cực-lạc rồi, thì ngày
Vu-lan họ không cần ai tụng kinh cầu siêu cho họ nữa đâu.
Bây giờ mình tụng kinh báo hiếu cho họ và cầu cho họ siêu sanh là phải chăng,
mình nghĩ rằng, người thân của mình không được siêu sanh? Khi hồi hướng xong,
họ hiện về báo mộng. Đây là do lòng thành mà cảm ứng. Ứng này có thực hay
không, vẫn diễn tả cảnh vô thường, mộng huyễn!
Sống thì đua chen với đời, lợi lợi danh danh. Chết thì mong tìm từng phút trong
mộng để tỏ nỗi cảm thông!
Đức Phật A-Di-Đà thề rằng, người nào trước phút lâm chung mà nghe được danh
hiệu Ngài, niệm được danh hiệu Ngài, dẫu cho 10 niệm cầu sanh Cực-lạc mà Ngài
không tiếp dẫn về Tây-phương thì Ngài không thành Phật. Về Tây-phương thì thành
Thánh chúng, thành Bồ-tát, không còn là mộng huyễn nữa.
Có pháp nào cao hơn pháp niệm Phật? Có công đức nào cao hơn công đức niệm Phật?
Có câu kinh nào vượt qua câu Phật hiệu A-Di-Đà?
Vậy thì, tại sao người thân chúng ta lại không được siêu sanh vậy? Vì không
niệm Phật cầu sanh Tịnh độ khi lâm chung.
Đây rõ ràng là một bài pháp thật hay, thật thấm thía cho người còn sống vậy!
Bây giờ, trong giấc chiêm bao, mình thấy người thân hiện về, dù vui hay buồn,
dù đẹp hay xấu, dưới bất cứ hình tướng nào vẫn là còn trong sáu đường luân hồi
khổ ải. Trong sáu đường đó, đường nào có thể thoát vòng sanh tử? Mà hơn nữa,
Phât nói, "Nhơn thân nan đắc mà!", dễ gì vào được ba đường thiện!
Cho nên, người đã gặp được Phật đạo mà chưa ngộ đường nào thành đạo, đường nào
luân hồi, thì đáng tiếc lắm thay! Mờ mờ mịt mịt đường tu, thì dẫu có tiếng là
tu, nhưng kết quả vẫn tiếp tục chìm trong bể khổ!
Mộng mị do chính tâm mình ứng hiện. Dù thực hay giả, đúng hay sai vẫn là cảnh
vô thường mộng huyễn!
Những hiện tượng thấy được trong giấc chiêm bao, dù vui hay buồn gì cũng chỉ là
giấc mộng! Biết là mộng rồi, thì hãy mau buông mộng xuống mà ngày đêm niệm Phật
cầu về Tây-phương. "Mộng
lý minh hữu lục thú, Giác hậu không không vô đại thiên". (Trong mộng rõ
ràng có sáu đường, khi giác ngộ rồi thì đại thiên này cũng chỉ là trống không).
Lục đạo này cũng chỉ là không, thì đừng nên chấp vào đây làm chi cho thêm mộng
mị. Khi đã mộng rồi thì càng rõ ràng hơn là sáu đường luân hồi đang trối chân
mình lại, không cho mình thoát ly.
Vậy thì mau mau tỉnh ngộ, quyết lòng niệm Phật để lúc lâm chung niệm được mười
câu Phật hiệu mà thoát vòng trần lao. Nghĩa là, đừng đi lòng vòng, đừng tu lòng
vòng, đừng cầu lòng vòng, đừng mơ lòng vòng, đừng tưởng lòng vòng... nữa.
Thương người thân quá cố, không cần gì phải chờ tới ngày vu-lan mới tụng kinh
hồi hướng công đức, mà hàng ngày, ngày ngày, sáng, trưa, chiều, tối luôn luôn
niệm Phật. Đi, đứng, nằm, ngồi, nói, nín... niệm mãi trong tâm câu Phật hiệu.
Chiều lại hồi hướng cho pháp giới chúng sanh, hồi hướng cho lịch đại oán thân
trái chủ, hồi hướng cho ông bà, cha mẹ, cửu huyền thất tổ, bà con quyến thuộc
trong nhiều đời nhiều kiếp, nguyện cầu cho họ siêu sanh. Thì mình tạo vô lương
công đức và người thân cũng hưởng được lợi lạc vô biên và hóa giải được biết
bao nhiêu những oan trái tiền khiên.
"Lục tự Di Đà vô biệt niệm,
Bất lao đàn chỉ đáo Tây-phương"
Tạm dịch:
(Sáu chữ Di-Đà chuyên tâm niệm,
Về tới Tây-phương đâu khó khăn)
Mình niệm Phật cầu sanh Tây-phương thì mình về Tây-phương. Mình khuyên người
thân quá cố của mình niệm Phật cầu về Tây-phương thì người thân của mình cũng
có thể siêu sanh Tịnh-độ.
Nếu người thân quá cố của mình không biết niệm Phật, thì khi mình về tới
Tây-phương Cực-lạc thì người thân quá cố của mình thoát được các cảnh giới tối
tăm trong tam ác đạo. Công đức lớn biết là bao.
Niệm Phật, quyết sanh Tịnh-độ chính là đường thành đạo cho mình, cứu độ ông bà
cha mẹ, cứu cửu huyền thất tổ, cứu độ vô biên chúng sanh vậy.
Diệu Âm
Hỏi số 87:
Má em và các anh chị em trong gia đình theo đạo Phật. Ngoài trừ
Ba em, từ khi Má em mất, Ba em bước thêm bước nữa, và từ đó theo đạo Công Giáo
của người vợ sau này. Nay Ba em đã lớn tuổi, sức khỏe yếu. Nghĩ đến việc lo hậu
sự cho Ba em sau này, tụi em có dọ hỏi ý của Ba thì Ba cho biết, khi Ba mất, Ba
muốn tang lễ sẽ làm theo nghi thức Công Giáo (vì Ba không tin vào Phật Giáo, và
hơi cố chấp).
Tụi em rất phân vân và cũng không biết phải làm thế nào. Vì tin Phật và tin vào
Pháp Môn Tịnh Độ nên tụi em rất muốn Ba niệm Phật để cầu vãng sanh, thoát sanh
tử luân hồi, nhưng điều này rất khó lay chuyển Ba em.
Vậy, khi Ba em lâm chung, tụi em có nên niệm Phật hộ niệm không? Hay có thể
niệm Phật cầu siêu (nhất là 49 ngày) sau khi mất không?
Trả lời:
Hộ niệm chỉ kết quả khi người được hộ niệm phải tin tưởng, phải
phát nguyện vãng sanh và phải niệm Phật. Chính người ra đi phải có đầy đủ ba
món tư lương này. Nếu người ra đi không tin, không nguyện, không niệm Phật thì
không cách nào hộ niệm thành công được.
Cách đây mấy tháng, ở Sài gòn, có người cả gia đình đều theo đạo Thiên Chúa
giáo, nhưng khi bị bệnh sắp chết, họ được giới thiệu đến các ban hộ niệm, họ
tin tưởng, cả gia đình đồng hỗ trợ, ban hộ niệm đến niệm Phật hộ niệm và kết
quả được vãng sanh, thoại tướng rất tốt. Thật bất khả tư nghì. Nhưng đây là
người bệnh đã phát khởi lòng tin, tha thiết cầu vãng sanh và chí thành niệm
Phật.
Ba của Liên Hương không tin, không nguyện, không niệm Phật thì làm sao có thể
hộ niệm được.
Hộ niệm không phải là chờ chết rồi mới hộ niệm, mà phải thực hiện trước khi
chết, tức là ngay những ngày còn sống phải củng cố Tín-Nguyện-Hạnh của người
đó. Đến lúc lâm chung chỉ là giai đoạn chót để hoàn thánh việc hộ niệm.
Nếu bây giờ Liên Hương khuyên người Ba chấp nhận được điều này thì hộ niệm mới
mong có kết quả. Nếu ông cụ không chấp nhận, không những thế, mà còn chống đối
thì không thể hộ niệm được. Nếu phan duyên, cưỡng bức hộ niệm thì không có kết
quả tốt, mà có thể gây thêm họa cho người ra đi. Nên nhớ, một ý niệm sai lầm
trước phút xả bỏ báo thân đưa họ vào đường đọa lạc. Người không tin, chống báng
mà mình tới hộ niệm thì dễ làm cho họ phiền não, sân giận, buông lời phỉ báng
Phật pháp, v.v... Tất cả đều tạo tội cho họ và chiêu cảm đến những cảnh giới
không tốt.
Còn việc cầu siêu thì nên làm. Cầu siêu là chết xong rồi mới làm. Đây là vì
lòng hiếu thảo của con cháu. Hãy thành tâm cầu Tam Bảo gia hộ, làm thiện, phóng
sanh, in kinh, bố thí, v.v... đem tất cả công đức hồi hướng để gỡ bớt tội cho
vong nhân.
Bên Thiên Chúa Giáo mình cũng cần tới cầu nguyện. Nói chung, cứ làm tất cả
những chuyện phước thiện, được tới đâu hay tới đó, đễ giảm bớt tội chướng của
vong nhân.
Diệu Âm
Hỏi số 88:
A Di Đà Phật.
Minh Châu gửi lời vấn an sức khỏe cư sĩ Diệu Âm, Minh Châu hơi thắc mắc là khi
những người đã được Vãng Sanh thì mình chỉ cần tưởng nhớ tới người thân mình
nên mình cầu siêu và phóng sanh cho thân nhân trong vòng 49 hoặc 100 ngày, rồi
sau đó mình có cần thiết phải cầu siêu cho họ nữa không? Và có cần lập bàn thờ
để làm giỗ cho thân nhân mỗi năm không? Vì người được Vãng Sanh đã theo Từ Phụ
A Di Đà rồi. Xin cư sĩ giải thích cho Minh Châu được hiểu thêm.
Trả lời:
Chúng ta, người Phật tử thường tới chùa dâng hương, hoa quả cúng
Phật. Phật đâu dùng những thứ đó. Vậy mà mình vẫn cúng. Mình thành tâm lễ Phật,
lạy Phật, Niệm Phật... Phật đâu cần những chuyện này. Nhưng ta vẫn làm.
Cầu siêu 49 ngày, 100 ngày, phóng sanh, làm các việc lành hồi hướng cho người
ra đi, đây là sự tự nguyện của người còn sống. Việc làm này thể hiện lòng hiếu
nghĩa của con cháu đối với ông bà cha mẹ đã ra đi, thể hiện tâm thương kính
trước sau như một.
Con cháu có nghĩa, có hiếu thì nên thành tâm làm. Nếu quên tình quên nghĩa thì
có luật lệ nào phạt tội mình? Tất cả đều do tâm của con cháu có thành kính hay
không.
Nếu người thân bị chết, (nghĩa là không được Vãng Sanh Cực-lạc), Chắc chắn họ
bị kẹt trong sáu nẻo luân hồi. Tệ hơn nữa, hầu hết bị lạc trong ba đường đọa
lạc. Con cháu hãy thường tưởng người thân mà thành tâm cầu siêu cho họ. Đây là
điều phải làm, rất cần. Hãy chí thành chí kính mà làm, đừng nên hỏi đi hỏi lại
rằng có linh không? Có thiêng không? Có ích gì không?... Dù kết quả có được
viên mãn hay không thì chúng ta cũng không nên bỏ qua. Vì đây là tâm hiếu kính.
Nếu người thân được Vãng Sanh, thì ta cũng vì tâm hiếu kính mà làm cho trọn
phận làm con cháu, đừng nên ngại ngùng. Tất cả những nghi tiết về tụng kinh
Niệm Phật để cầu siêu, Các việc thiện lành, phóng sanh, v.v... chúng ta cũng
nên làm và cố gắng làm với lòng chí thành chí kính để hồi hướng công đức cho họ.
Sau đó, nhân ngày giỗ kỵ ta vẫn nên tổ chức Niệm Phật, tụng kinh, trai chay
thanh tịnh để hồi hướng công đức và tưởng niệm người đã Vãng Sanh. Việc làm này
rất tốt, rất có lợi.
Tại sao vậy?
- Một là vì lòng kính thương, hiếu nghĩa. "Hiếu dưỡng phụ mẫu" là
điều đầu tiên Phật dạy. "Hiếu" thuộc về xuất thế gian,
"Dưỡng" thuộc về thế gian pháp. Phải chu tất khi người còn sống cũng
như lúc khuất bóng.
- Hai là nhờ vậy mà họ được dự phần cao phẩm hơn.
- Ba là hồi hướng cho một vị ở cõi Cực-lạc công đức sẽ lớn vô cùng, nhờ công
đức này mà sau này duyên phận giữa ta với họ càng sâu càng nặng, họ không thể
không cứu ta, (tính kỹ mà!).
- Bốn là, nói Vãng Sanh là xét về sự tướng mà nói, chứ chính chúng ta chưa
chứng đắc, chưa có đủ đạo nhãn, thì làm sao dám bảo đảm 100%...
Vậy thì phận làm con cháu phải cẩn thận tối đa, phải thận trọng hành theo đúng
lễ mới an tâm, mới tránh được những sơ suất, khỏi bị ân hận về sau.
Thực tế, những việc làm này cho người quá cố thì ít mà cho chính ta thì nhiều,
chính ta đều hưởng hầu hết công đức, còn người đã ra đi chỉ hưởng một phần
thôi. Nếu tâm có thành cho mấy đi nữa, dù muốn đem công đức hồi hướng hết đi
nữa thì người được hồi hướng chỉ có thể nhận được 1/7 là cùng, còn tất cả chính
ta hưởng hết.
Nếu người được Vãng Sanh Cực-lạc, họ đã thành Bồ-tát, thành Thanh Tịnh đại hải
chúng rồi. Tình thực mà nói, các Ngài đâu cần chút công đức của ta. Ta có cúng
giỗ, tưởng niệm, cầu siêu, lập bàn thờ cho họ hay không, không phải là điều
quan trọng đối với họ, mà chính là rất quan trọng đối với chúng ta.
Chính chúng ta rất cần công đức của họ, muốn được quả báo như họ. Muốn đuợc
vậy, thì ta phải có lòng chí thành cúng dường công đức lên cho họ.
Tại sao vậy? Thành tất linh. Lòng chân thành của chúng ta sẽ cảm ứng được sự gia
trì của các Ngài. Ta không có lòng thành, các Ngài gia trì không được. Đây là
sự thật.
Tất cả đều do chính tâm của chúng ta tạo nên. Tâm chúng ta có "CẢM"
thì các Ngài có "ỨNG". Tâm chúng ta không Cảm thì các Ngài không Ứng
được. Tâm Phật tịch tịnh, chỉ độ được người hữu duyên, không bao giờ phan
duyên. Vì vậy, sự cảm ứng đạo giao phải do chính tâm của chúng ta khởi trước.
Đây là ý nghĩa: "Nhất thiết duy tâm tạo" vậy.
Chân thành cúng dường, tức là CẢM. Công đức cúng dường sẽ được hồi đáp lại cho
chúng ta, tức là ỨNG.
Ta cúng dường lên các Ngài bằng công đức của một người phàm phu, các Ngài hồi
đáp lại cho chúng ta bằng công đức của một vị Bồ-tát. Công đức của Bồ-tát sẽ
lớn vô lượng vô biên. Nhờ sự hồi đáp này mà ta hưởng biết bao nhiêu phước lợi,
nhờ công đức này mà ta hóa giải được vô lượng tội chướng. Rõ ràng, vô tình,
chúng ta đang làm một cuộc trao đổi: "Một vốn Tỷ lời". Thế gian chưa
có món lợi nào sánh bằng.
Trong kinh Phật nói, thành tâm niệm một câu A-Di-Đà Phật phá tan 80 ức kiếp
nghiệp chướng sanh tử trọng tội. Chúng ta quỳ trước bàn thờ Phật, thành tâm
cúng dường lên các Ngài một câu Phật hiệu, thì các Ngài liền hồi đáp cho chúng
ta một cái ân đức bằng sự hóa giải ách nạn đến 80 ức kiếp nghiệp tội sâu nặng.
Tội giảm thì phước tăng. Nhờ phước này chúng ta mới vượt qua được ách nạn mà
Vãng Sanh Tây-phương, chứ tự hỏi thử, thân phận một người phàm phu tội trọng
như chúng ta làm sao có khả năng vượt thoát sanh tử luân hồi đây?
Lòng thành cúng dường một chúng sanh phước đức đã lớn. Cúng dường một vị
A-La-Hán, Bích-Chi Phật phước báu sẽ lớn hơn, hưởng cả trăm kiếp không hết.
Cúng dường một vị Bồ-tát công đức sẽ vô lượng. Cúng dường một vị Phật thì công
đức này trở thành vô lượng, vô biên, bất khả thuyết, bất khả tư nghì.
Nói như vậy, không có nghĩa chúng ta vì tham công đức của họ mà mình cúng
dường, mà chính tâm thành kính tự nó có công đức. Người tham lam không bao giờ
đạt đến tâm thành kính đâu. Các Ngài biết hết. khỏi lo bị lỗ, bị hớ.
Vậy thì, khi người thân khuất bóng, dù được Vãng Sanh hay không thì chúng ta
cũng nên nhân ngày giỗ kỵ mà thiết lễ tụng kinh, Niệm Phật, làm việc thiện lành
để hồi hướng công đức cho họ.
Đối với người chưa được siêu sanh thì nhờ đó mà được giảm tội tăng phước, giúp
họ có cơ duyên siêu sanh. Đối với người đã được siêu sanh, thì chính lòng thành
của chúng ta sẽ được hồi đáp bằng những công đức lớn vô lượng. Nhất định có
lợi, lợi người, lợi ta, không có gì phải ngại ngùng.
Nhân ngày giỗ kỵ tụng kinh Niệm Phật hồi hướng cầu siêu đã tốt, còn hằng ngày
đều Niệm Phật, tụng kinh, làm việc thiện lành, thường phóng sanh lợi vật, ngày
ngày hồi hướng công đức cho cửu huyền thất tổ, tứ thân phụ mẫu, bà con quyến
thuộc, cho tất cả oán thân trong nhiều đời nhiều kiếp, cầu nguyện cho họ sớm
được Phật lực gia trì liễu thoát sanh tử thì lại càng tốt hơn nữa. Vừa trả tròn
tứ ân, vừa cứu khổ tam đồ, vừa giải được oán thù từ oán thân trái chủ.
Hãy đem lòng chí thành cầu nguyện cho tất cả đều được Vãng Sanh Cực-lạc quốc.
A-Di-Đà Phật.
Diệu Âm - Nguồn TVHS
Hết