;
Ngày 09 tháng 09 năm 2015, nhằm ngày 27 tháng 07 năm Ất Mùi, nhận lời mời của Ban lãnh đạo Viện Triết Học thuộc Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Việt Nam – số 59 Láng Hạ - quận Ba Đình - HN, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã tới thăm và có buổi nói chuyện, chia sẻ với cán bộ nhân viên trong Viện với chủ đề “Triết học Phật giáo”.
Mở đầu buổi nói chuyện, Hòa thượng đã giới thiệu khái quát tới đại chúng về lịch sử hình thành và phát triển của Đạo Phật, cũng như chia sẻ sơ lược về cuộc đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Hòa thượng chia sẻ về căn bản của Đạo Phật trên bình diện Phật giáo bác học. Hòa thượng nhấn mạnh “Tư tưởng bình đẳng, từ bi, tư tưởng xóa bỏ hận thù chính là tư tưởng xuyên suốt trong nền tảng giáo lý của Đức Phật… Đạo Phật nhìn nhận tất cả thế giới này trên cái bình diện lấy Vô Thường làm chủ đạo, thế giới thành trụ hoại không, vạn vật sinh trụ dị diệt, con người sinh lão bệnh tử. Để dạy bản thân con người đừng bao giờ cố chấp, tin tưởng vào những cơn mộng của cuộc đời. Đức Phật nhắm vào đối tượng con người là quan trọng, lấy con người để giải quyết vấn đề cho con người. Khách quan triết lý của Phật giáo là nhìn sự vật như Thật. Đức Phật không công nhận Thượng Đế, khác với tất cả các tôn giáo trên thế giới này, con người làm chủ chính mình chứ không phải ai khác”.
Cho nên, Hòa thượng khẳng định, từ trước đến nay, nền văn hóa Việt Nam đã được giao thoa với văn hóa Phật giáo tạo nên một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc và vô cùng đặc biệt của người Việt. Trước nhất là truyền thống hiếu đạo, sau đó là truyền thống đạo đức qua từng mối quan hệ trong xã hội. Hòa thượng đã phân tích nền tảng đạo đức qua kinh điển Phật giáo về mối quan hệ con cái với cha mẹ, cha mẹ với con cái và quan hệ giữa vợ chồng với nhau, sau mới đến những mối quan hệ khác như bạn bè, thầy trò, người chủ - người giúp việc... “Sáu cặp phạm trù này được Đức Phật dạy trong Kinh Thiện Sinh. Từ cái này, mà chúng ta xây dựng một xã hội bình ổn. Mà chính vì vậy, mà ông cha ta mới gọi là “Thứ nhất tu tại gia, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa”. Chúng tôi nghĩ, những cặp phạm trù này là tư tưởng xây dựng hiếu đạo, tư tưởng làm chủ bản thân, tư tưởng bình ổn xã hội và chuyển hóa con người đều nằm trong tư tưởng của Đạo Phật là điều mấu chốt về triết lý xây dựng cuộc sống gia đình. Còn rộng lớn hơn đó là trong việc xây dựng một thế giới, Đạo Phật chủ yếu dạy về thuyết Nhân – Quả. Nhân Quả là hành động tạo tác, mình gieo nhân nào sẽ gặt quả đó, chứ không ai ban phát cho mình, tất cả do mình làm ra….Đấy là quan niệm về Nhân Quả, còn quan niệm nhìn nhận về thế giới thì Đức Phật không bao giờ nói viển vông, Đức Phật chỉ dạy chúng ta trong quan điểm Đạo Phật nhìn nhận thế giới này thành trụ hoại không, con người sinh lão bệnh tử để chúng ta sống trong tự tại, đừng có sống xa rời cuộc sống. Dù nhìn nhận trong bình diện xã hội hay nhìn nhận trong bình diện thế giới thì điều đầu tiên nhất là hãy nhìn trong cuộc sống hiện tại”
Cũng trong buổi nói chuyện này, Hòa thượng đã chia sẻ cách nhìn nhận của Phật giáo trước những vấn đề trong cuộc sống qua Ngũ Giới của người Phật tử tại gia đang thọ trì. Phật giáo và cuộc sống luôn song hành cùng nhau. Với giới thứ nhất “Không sát sinh” - Đức Phật đã đề cập rất nhiều trong Kinh Điển rằng phải tôn trọng mạng sống của muôn loài, không sát hại sinh linh, không phá rừng chặt cây. Với giới thứ hai “Không trộm cắp” trong Đạo Phật, người Việt ta cũng có câu nói “Đói cho sạch, rách cho thơm”. Với giới thứ ba của Đạo Phật là “bất tà dâm”, cũng như quan niệm “một vợ một chồng” của xã hội ngày nay. Sang đến điều thứ tư, Đức Phật dạy “Không nói dối”, trong cuộc sống chúng ta phải điều tiết được “miệng nói” bởi “tội từ miệng ra, bệnh từ miệng vào”. Điều thứ năm là “Không sử dụng các chất kích thích”, những điều mất bản tâm, những điều làm chúng ta sa ngã thì chúng ta phải tránh xa nó.
Cuối cùng, Hòa thượng đã dành thời gian để trả lời những câu hỏi thắc mắc của các bậc thiện tri thức. Khác với suy nghĩ ban đầu của Hòa thượng và Viện Trưởng Viện Triết học là các bậc thiện tri thức sẽ đặt ra những câu hỏi xung quanh vấn đề tín ngưỡng dân gian, cách đi chùa lễ Phật, cuộc sống… Nhưng khi đến phần chia sẻ giao lưu, các vị cán bộ trong Viện đã đặt những câu hỏi bất ngờ về Kinh điển Phật giáo như câu chuyện Lục Tổ Huệ Năng, và cả sự bình đẳng trong Đạo Phật.v.v…Tất cả những câu hỏi đã được Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm giải thích rõ ràng, tạo nên bầu không khí sôi nổi, như một cuộc trao đổi Phật pháp giữa những học giả, tri thức với nhau.