;
Hàng chục ngàn người về chùa Hoằng Pháp dự lễ vía Đức Phật A Di Đà
Nhật ký khóa tu Phật Thất Hoằng Pháp - những điều lạ !
Cảm nhận tuyệt vời khóa tu “Niệm Phật một ngày” ở chùa Hoằng Pháp
Được tham dự Lễ hội Hoa đăng vía Đức Phật Di Đà ở chùa Hoằng Pháp là niềm mong ước của rất nhiều người. Chúng tôi cũng mong được một lần tham dự nên tranh thủ công tác để được nghỉ phép đúng vào thời điểm chùa Hoằng Pháp tổ chức khóa tu Phật thất lần thứ 81 (Từ ngày 21 đến 28-12 nhằm ngày 11 đến 18-11 Ất Mùi). Đây là khóa tu đặc biệt vì có lễ vía Đản sanh của Đức Phật Di Đà.
Ngày 20-12 (10-11 Ất Mùi)
Trước khi chính thức bước vào Khóa Tu Phật Thất lần thứ 81, chúng tôi được nghe pháp thoại “Địa chỉ Cực Lạc” trong chương trình Phật Học Thường Thức do Đại đức (ĐĐ) Thích Minh Thành, Giảng viên trường Cao Trung Phật Học TP.HCM, trụ trì Am Pháp Ấn (bảo Lộc – Lâm Đồng) thuyết giảng. Thông qua buổi pháp thoại, đại chúng đã có cái nhìn đầy đủ và chính xác hơn về giáo pháp Tịnh Độ.
Đại đức Thích Minh Thành - địa chỉ Cực lạc nằm trong từng bước chân, từng hơi thở, từng cử chỉ...
Cuộc sống thực sự có giá trị khi con người ta sống, biết sống, cảm nhận sự sống và thưởng thức cuộc sống. Chúng ta không phải chỉ sống mà cần phải biết sống, biết sống là biết quý trọng từng giây phút tu tập, cảm nhận cuộc sống là trân quý và ý thức sâu sắc giá trị của kiếp người, thưởng thức cuốc sống là chánh niệm, tỉnh thức để an trú trong hiện tại. Chỉ cần mở tâm mình ra, ta sẽ đón nhận những điều an vui hạnh phúc, đừng cố gắng tìm về quá khứ hay ước vọng đến tương lai, vì tất cả đã có mặt trong giờ phút hiện tại, Địa chỉ Cực Lạc nằm trong từng bước chân, từng hơi thở, từng cử chỉ, động tác trong các hoạt động hàng ngày. Thở vào niệm “Nam Mô A”, thở ra niệm “Di Đà Phật”. Chánh niệm tỉnh thức trong từng hơi thở.
Ngày 21-12 (11-11 Ất Mùi)
Vào buổi sáng của ngày đầu khai khóa, tại các khu vực giảng đường, quý thầy trong BTC đã hướng dẫn những oai nghi cần thiết của một người Phật tử như đi, đứng, nằm, ngồi, chắp tay, xá chào, lễ lạy, cúng quá đường…. Những vấn đề này tưởng chừng như đơn giản nhưng lại hết sức cần thiết và tạo nên sự thành công của khóa tu.
Thực tập oai nghi trước lúc vào khóa tu.
Buổi chiều cùng ngày, Thượng tọa (TT) Thích Chân Tính, trụ trì chùa Hoằng Pháp, Trưởng BTC khóa tu đã quang lâm giảng đường, sinh hoạt nội quy cũng như chia sẻ về Phật pháp.
Tất cả Phật tử đến chùa tu học Phật pháp hay tham dự khóa tu Phật thất đều có một mục đích chung là tìm cầu sự an lạc và hạnh phúc. Thế nhưng, muốn có an thì phải có hòa, âm dương hòa thì cơ thể khỏe mạnh không bệnh tật, gia đình hòa thì gia đình hạnh phúc, xã hội hòa thì xã hội an vui, thế giới hòa thì không xảy ra chiến tranh, loạn lạc. Vậy hòa hợp chính là gốc rễ, nền tảng để gầy dựng niềm an vui và hạnh phúc cho cá nhân, gia đình và xã hội.
Đức Phật dạy về sáu pháp Lục Hòa:
Thân hòa đồng trú: tức là thân hòa thuận cùng nhau chung sống. Tất cả mọi người không phân biệt màu da, sắc tộc, tôn giáo, nghèo, giàu, sang, hèn, đẹp, xấu… đã là đệ tử Phật đều là con một nhà, khi đến chùa tu tập thì xem như cùng sống chung trong một gia đình. Chúng ta không được xem thường người khác, cùng chia sẻ nơi ăn chốn ở, cùng nhau tu tập, tuân thủ giới luật, nội quy, giờ giấc mà BTC đã đặt ra.
Khẩu hòa vô tránh: tức là miệng hòa hợp không nói lời tranh cãi. Đã vào chùa tu tập, chúng ta không nên thị phi, hơn thua, ganh ghét dẫn đến cãi nhau. Khi xảy ra những chuyện bất hòa cần có sự kiên nhẫn và nhường nhịn, nói ra những lời từ ái, nhẹ nhàng, dễ thương để xây dựng và góp ý người khác.
Ý hòa đồng duyệt: là ý hòa hợp cùng vui với nhau. Đức Phật dạy con người có ba nghiệp của ý là tham, sân và si. Trong khóa tu, mỗi người đều có những ý nghiệp khác nhau, nếu không cẩn thận phòng hộ, ngăn ngừa để cho tham, sân, si sanh khởi thì đạo tràng mất đi sự trang nghiêm, thanh tịnh.
Kiến hòa đồng giải: kiến là sự hiểu biết, nhận định. Mỗi người có một kinh nghiệm riêng về sự tu tập cũng như những kiến thức về Phật pháp. Khi muốn chia sẻ cho người khác cùng biết, chúng ta cần phải có sự khéo léo, tế nhị, biết nghệ thuật nói chuyện và cách cư xử khôn khéo để người khác có thể chấp nhận, từ đó tạo được sự hòa hợp trong các mối quan hệ.
TT Thích Chân Tính - vượt thoát khổ đau và đoạn trừ phiền não, cần sống trong tinh thần vô ngã vị tha, quên mình vì người...
Giới hòa đồng tu: Phật tử cần phải giữ gìn những giới luật đã thọ như không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu. Ngoài ra, khi tham dự khóa tu Phật thất, các khóa viên còn phải tuân thủ những nội quy, quy định về giờ giấc, thời khóa để đạo tràng được an ổn, hòa hợp.
Lợi hòa đồng quân: phải có sự yêu thương, san sẻ cùng bạn đồng tu, đừng vì miếng ăn, chỗ nghỉ mà xảy ra những bất hòa không đáng có.
Chúng ta muốn thực hiện tốt pháp tu Lục Hòa, mình cần phải sống trong tinh thần vô ngã, quên đi bản thân, không có gì là tôi hay cái của tôi. Đức Phật dạy: thân này là thân ngũ uẩn, do tứ đại tạo thành. Do đó, muốn vượt thoát khổ đau và đoạn trừ phiền não, cần sống trong tinh thần vô ngã vị tha, quên mình vì người, như thế mới có thể thực hiện tốt sáu pháp Lục hòa mà đức Phật đã dạy. Nếu áp dụng tinh thần Lục hòa vào đời sống gia đình, đoàn thể, xã hội thì mọi thành viên trong đó sẽ có được hòa thuận, an vui và hạnh phúc.
Ngày 22-12 (12-11 Ất Mùi)
TT.Thích Viên Trí, Ủy viên ban Hoằng Pháp Trung ương GHPGVN, Giảng viên Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM thuyết giảng đề tài “Thực tập hạnh Bồ-tát Phổ Hiền”.
Bồ-tát Phổ Hiền có mười hạnh nguyện lớn
1. Lễ kính chư Phật
2. Khen ngợi Như Lai
3. Cúng dường khắp cả
4. Sám hối nghiệp chướng
5. Tùy hỉ công đức
6. Thỉnh Phật chuyển pháp luân
7. Thỉnh Phật thường ở đời
8. Thường theo học Phật
9. Hằng tùy thuận chúng sanh
10. Hồi hướng khắp hết
Bồ-tát Phổ Hiền ngồi trên lưng voi trắng sáu ngà để biểu thị hạnh ngyện rộng lớn. Trong các loài thú, về sức mạnh chuyên chở, con voi là mạnh hơn cả. Bồ-tát Phổ Hiền cũng thế, dùng đại hạnh hóa độ chúng sanh, đưa họ từ bờ mê đến bến giác. Hằng ngày kính lễ Ngài chúng ta phải chánh niệm tránh xa mọi vọng tưởng, mở mang trí tuệ nhìn thẳng vào chân lý để được giác ngộ như chư Phật. Kính lễ Ngài có nghĩa là chúng ta tôn trọng, học theo hạnh nguyện rộng lớn của Ngài, bỏ đi cái ích kỷ nhỏ nhen hẹp hòi vì chính đó là nguồn gốc của đau khổ.
Ngày 23-12 (13-11 Ất Mùi)
TT.Thích Chân Tính, trụ trì chùa Hoằng Pháp, trưởng BTC khóa tu đã quang lâm chứng minh Chương trình Hoa Mặt Trời kỳ 9 với chủ đề: “Ai ai cũng là Phật” với nhân vật khách mời diễn viên Tuấn Phương. Với chất giọng miền Trung truyền cảm và lối dẫn chuyện thông minh sâu sắc, Đại đức Thích Tâm Nguyên vừa là MC vừa là người phỏng vấn diễn viên Tuấn Phương để tạo nên một chương trình Hoa Mặt Trời đầy ấn tượng
Mỗi người có một nhân duyên đến với Phật pháp khác nhau. Đối với diễn viên Tuấn Phương, anh tìm đến Phật pháp và biết được giáo lý nhà Phật sau khi được “làm Phật”. Kể từ đó, cuộc sống của anh có nhiều sự thay đổi lớn từ tư tưởng đến lối sống: biết yêu thương, thấu hiểu nhiều hơn, biết hướng lòng mình về những điều tốt đẹp. Tất cả những thay đổi đó đều bắt nguồn từ một nguyên nhân, hạt giống Phật trong anh nhờ duyên lành nay đã nảy mầm và lớn dần theo năm tháng.
Sinh ra trong một gia đình gốc nông dân, kể từ khi còn là một cậu thiếu niên, Tuấn Phương đã phải trải qua nhiều công việc khác nhau như: sửa xe, làm hồ, bồi bàn, buôn bán quần áo… Đến khi nhân duyên đầy đủ, anh theo học một lớp học diễn xuất và bắt đầu đặt chân vào con đường nghệ thuật.
Khi tham gia bộ phim “Con Đường Giác Ngộ”, việc đảm nhận vai đức Phật lại là một nhân duyên thần kỳ đối với Tuấn Phương. Nhưng có lẽ do bản tính hiền lương, điềm đạm và tướng mạo đoan nghiêm, anh được quý thầy, đạo diễn và đoàn làm phim cho thủ vai đức Phật. Trước khi thực hiện bộ phim, Tuấn Phương đã dành ra một tháng để vào chùa học “làm Phật”. Dưới sự hướng dẫn của quý thầy, anh bắt đầu thực tập những oai nghi như đi, đứng, nằm, ngồi, sao cho thật trang nghiêm, toát lên được sự thanh thoát của một bậc giác ngộ. Khi diễn xuất, anh đã cố gắng thể hiện thành công vai diễn trong từng cử chỉ, nụ cười, ánh mắt,… Có thể nói, điều đó một phần nhờ vào sự gia hộ của Tam Bảo.
Theo lời kể của Tuấn Phương, trong khi thực hiện bộ phim đã xảy ra rất nhiều điều thú vị, dù chỉ mang hình tướng Phật nhưng anh đã chiêu cảm được nhiều con vật trong quá trình diễn. Chính sự trải nghiệm đó giúp cho anh nhận ra rằng: sự từ bi có thể cảm hóa được các loài hữu tình xung quanh. Từ đó, anh có một ước nguyện: “Mong sao mọi người đều thành Phật”. Ước nguyện đó cũng chính là niềm mong mỏi chung của tất cả những người con Phật, và điều này chắc chắn sẽ xảy ra, vì ai cũng có trong tâm hạt giống Phật, hạt giống ấy rồi sẽ nảy mầm, “ai ai cũng là Phật” trong tương lai.
Thượng tọa Thích Chân Tính đã có những lời khen ngợi, động viên đối với nhân vật cũng như trình bày sơ lược về những khó khăn khi thực hiện bộ phim “Con đường Giác Ngộ”.
Đối với diễn viên Tuấn Phương, con người anh toát ra được sự chân thành, hiền từ, đó chính là lý do quý thầy đồng ý cho anh đảm trách vai diễn đức Phật trong phim “Con Đường Giác Ngộ”. Anh cũng là người được chọn để thủ vai đức Phật trong bộ phim “Tìm Về Bến Giác” được phát hành trong thời gian sắp tới. Thượng tọa hy vọng sau hai bộ phim này, khi trở về với đời sống bình thường, anh hãy giữ cho mình một tư cách đạo đức tốt đẹp, để xứng đáng với nhân vật mà mình đã từng thủ vai.
Về bộ phim “Con Đường Giác Ngộ”, trước khi hoàn thành và ra mắt công chúng, bộ phim đã bị một số bài viết trên các trang mạng phê bình về nội dung và hình thức. Người ta cho rằng đây là một bộ phim cổ trang dựng lại bối cảnh Ấn Độ cách đây hơn 26 thế kỷ, nội dung kể về cuộc đời đức Phật, nên cần được đầu tư kỹ lưỡng hơn. Thêm nữa, một số hình ảnh không đẹp trong quá trình làm phim bị đưa lên mạng gây xôn xao quần chúng. Tuy nhiên, khi ra đời bộ phim đã được nhiều người đón nhận một cách hoan hỷ. Sự thành công này do mục đích và ý nghĩa của việc làm phim không vì lợi nhuận hay lợi ích cá nhân. Tất cả những chương trình do chùa Hoằng Pháp thực hiện đều vì hoài bão hoằng pháp lợi sinh và giúp cho mọi người biết đến Phật pháp. Thượng tọa cũng mong rằng bộ phim về Thánh Ni đệ tử của Đức Phật sắp đến sẽ tiếp tục được sự đón nhận của tất cả mọi người.
Ngày 24-12 (14-11 Ất Mùi)
Sáng nay đại chúng được nghe pháp thoại “Thiện Căn, Phước Đức, Nhân Duyên” do TT Thích Đồng Thành – Tiến sĩ Phật học, Trưởng ban Hoằng Pháp kiêm hiệu trưởng trường Trung cấp Phật học tỉnh Bình Định thuyết giảng. TT đã tham cứu, so sánh bản dịch Kinh A Di Đà do Nhà Dao Tần Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập (thế kỷ V), bản dịch của Ngài Huyền Trang (thế kỷ VII) với bản gốc tiếng Phạn để rút ra ý nghĩa thâm sâu về thiện căn, phước đức, nhân duyên.
Thiện căn là vô tham, vô sân, vô si là phát bồ đề tâm, thể hiện qua nhân cách, hành động của chúng ta.
Phước đức là do chúng ta trì niện danh hiệu Đức Phật A Di Đà sẽ phát sinh ra nhiều công đức phước báu, ngăn được tất cả những điều ác, phát triển ra nhiều điều lành
Nhân duyên là nhân quả giữa thiện căn và phước đức.
Người niệm Phật được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc là do Thiện căn Phước đức và Nhân duyên đã hội tụ đầy đủ. Người không được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc thì nhất định, nếu không thiếu thiện căn thì cũng bị khiếm khuyết phước đức, nếu có thiện căn có phước đức thì cũng mất nhân duyên. Ba yếu này đều quan trọng.
Trong quá trình nghiên cứu học hỏi kinh điển không nên chấp vào lời dạy chỉ cần niệm Phật mà phải sửa đổi tâm, trau dồi phẩm hạnh khiêm cung, tránh xa những nhân xấu ác cần nương vào những đạo tràng tu học chân chính, nương vào tập thể để phát triển nhân duyên.
Trong bất kỳ pháp môn nào của đạo Phật cũng không tách rời Giới-Định-Tuệ. Hành trì các giới mình đã thọ, thành tâm trì niệm danh hiệu, sự huân tu khiến cho tâm mình đạt đến trạng thái nhất tâm chuyên trú.
Ngày 25-12 (15-11 Ất Mùi)
Năm Ất Mùi sắp kết thúc để đón Xuân Bính Thân 2016, sáng nay TT tiến sĩ Thích Thiện Minh UV HĐTSTƯ GHPGVN đã chia sẻ đề tài: “Năm Bính Thân nói chuyện khỉ”.
Thông qua nhân vật Tôn Ngộ không trong Tây Du Ký và hình ảnh “Bộ khỉ tam không” thầy nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của “tâm viên ý mã” trong phép thiền. Chúng ta phải biết kiểm soát cái tâm vọng động.
Tâm người ta cũng thế, không khi nào được yên, cứ lăng xăng, lộn xộn, suy nghĩ, nghĩ hết chuyện này đến chuyện khác, từ quá khứ, hiện tại đến tương lai, đó là tâm viên. Tâm này sẽ đưa con nguời đến loạn động, phát sinh ra đủ thứ phiền não, cấu uế… Bởi vậy tâm chúng sinh bị vô minh che lấp nên phần nhiều hướng ác nhiều hơn thiện.
Trong xã hội hiện nay bức tượng ba con khỉ càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết, mỗi người đều đang tự làm khổ chính mình. Khổ vì nghe chuyện thiên hạ, khổ vì nói chuyện thế gian và khổ vì nhìn lỗi người khác.
Ngày 26-12 (16-11 Ất Mùi)
Giới luật chính là hệ thống các điều khoản đạo đức do Đức Phật chế định để hàng đệ tử xuất gia và tại gia thọ trì, nhằm đem lại an lạc cho bản thân, cho Tăng đoàn và cho xã hội.
Nhận lời mời của BTC, sáng ngày 26-12 TT.Thích Tắc Huê trụ trì Niệm Phật Đường Pháp Thông (187/5/1 Cô Giang, P. Cô Giang, Quận 1 TP.HCM) đã thuyết giảng đề tài: “Giá trị của Giới Luật”.
Luật bao gồm cả giới, còn giới chỉ là một phần của luật. Trì giới là việc của cá nhân, còn trì luật là việc của cộng đồng đại chúng trong Tăng đoàn.
Giới luật Phật giáo và luật pháp thế gian tuy khác mục đích nhưng có cùng ý nghĩa như nhau. Đó là cải thiện con người cá nhân và ổn định xã hội.
Một người Phật tử giữ gìn giới luật không phải là tuân thủ những giáo điều khô cứng mà giữ gìn giới luật là nhằm hướng thượng hành vi của mình, giúp ta dễ dàng nhận ra giá trị đích thực cuộc đời. Từ đó mang đến niềm vui, tin yêu và hi vọng.
Bất cứ thời nào và ở đâu, con người cũng có những nỗi khổ niềm đau, những thói hư tật xấu, tham lam, tranh chấp. Và mong ước tối hậu của con người là muốn mình có hạnh phúc an lạc. Vai trò của giới luật Phật giáo là làm thế nào để điều chỉnh hành vi con người hướng theo hướng tốt; đồng thời an định tập thể, xã hội. Đối với người xuất gia, giới luật là để chúng ta chấp trì nhằm chế ngự, điều phục ba nghiệp của mình để đạt đến an lạc, giải thoát. Phải hiểu bản chất giới luật là bảo hộ, nuôi dưỡng chúng ta. Lý tưởng của chúng ta là mong cầu giác ngộ, giải thoát thì không bao giờ xa rời giới luật mà thành tựu được.
Đối với xã hội, giới luật nếu được áp dụng, chỉ cần trong Năm giới và Mười giới thì xã hội sẽ được thái bình, con người sẽ hạnh phúc mãi mãi. Luật pháp loài người cho dù đạt đến mức hoàn chỉnh nhất cũng không thể nào ra ngoài phạm vi Năm giới và Mười giới này. Nó là nền tảng của mọi hệ thống đạo đức.
Ngày 27-12 (17-11 Ất Mùi)
Chùa Hưng Pháp tọa lạc tại Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai (chi nhánh chùa Hoằng Pháp) đang trong giai đoạn xây dựng, Phật sự lại đa đoan nhưng vào sáng ngày 27-12, Đại đức trụ trì Thích Tâm An cũng đã quang lâm về chùa Hoằng Pháp để chia sẻ pháp thoại nhân khóa tu Phật thất lần thứ 81.
Trước khi vào buổi thuyết giảng, Đại đức cùng toàn thể đạo tràng dành thời gian để tưởng niệm cố ĐĐ.Thích Tâm Thuận, nguyên Tổng giám luật chùa Hoằng Pháp đã viên tịch ngày 17-11 Ất Mùi. Cố Đại đức là người đã đóng góp nhiều công sức cho chùa Hoằng Pháp. Tổng giám luật cũng thầy, nhắc nhở huynh đệ và Phật tử tu tập cũng thầy, bưng bê rửa chén bát cũng thầy, ươm hàng ngàn cây Sa la để biếu tặng Phật tử cũng thầy (chúng tôi đã đề cập trong bài Chùa Hoằng Pháp – Những ấn tượng khó quên http://nguoiphattu.com/tu-vien/mien-nam/7792-chua-hoang-phap-nhung-an-tuong-kho-quen.html).
Tất cả đại chúng đều lắng đọng tâm tư để tưởng nhớ về vị thầy - cố Đại đức Thích Tâm Thuận là người có công lớn trong việc gầy dựng mái già lam Hoằng Pháp. Tuy xuất gia khi tuổi đời đã lớn, nhưng thầy luôn tinh tấn tu hành, giữ gìn oai nghi giới luật tinh nghiêm, đặc biệt là tinh thần hoằng pháp lợi sinh không mệt mỏi.
Đề tài chia sẻ sáng hôm nay của ĐĐ.Thích Tâm An cứ như một câu hỏi: “Bạn đã biết lắng nghe chưa?”
Trước tiên thầy giảng thế nào là lắng nghe? Lắng nghe khác với nghe thấy vì phải lắng lòng nghe để giải mã sóng âm như hạnh lắng nghe của Bồ-tát Quán Thế Âm.
Thầy phân tích về những lợi ích của việc lắng nghe như sau:
1. Thu thập thông tin
2. Giải trí và học hỏi
3. Giúp người vơi đi nỗi khổ
4. Diệt trừ tâm ngã mạng
5. Tâm bình an
Muốn vậy hành giả cần thực tâp 6 điều:
1. Thích nghe pháp
2. Phải lắng lòng
3. Phải an trú
4. Phải nắm giữ phần lợi ích, bỏ qua những điều không hay
5. Phải bỏ xấu nghe tốt
6. Phải nhẫn nhục
Tối ngày 27-12 (17-11 Át Mùi) trong tiết trời se lạnh những ngày giữa đông, hòa chung trong không khí hân hoan chào mừng ngày Khánh đản đức Phật A Di Đà trong lòng người con Phật trên khắp mọi miền đất nước, chùa Hoằng Pháp long trọng tổ chức lễ hội Hoa đăng Vía đức Từ phụ A Di Đà. Trong niềm tôn kính, thiêng liêng, hàng chục nghìn thiện nam tín nữ Phật tử gần xa đã quy tụ về chùa tham dự đêm lễ. Đức Phật A Di Đà - vị giáo chủ cõi Tây phương Cực Lạc là vị Phật đã phát 48 lời thệ nguyện rộng lớn để tiếp dẫn, cứu độ chúng sinh. Những lời thệ nguyện của Ngài bao trùm khắp pháp giới, dung chứa chúng sinh khắp ba cõi, bốn loài. Với tình thương không hạn lượng và trí tuệ vô biên, cõi Tây phương của Ngài đã trở thành Lạc quốc cho chúng sinh quay về nương tựa, tu tập giải thoát.
Trong sự mong chờ của toàn thể quý Phật tử, phần lễ chính của đêm hội - Nghi thức truyền đăng - được bắt đầu. Chư Tôn đức cùng đại chúng đồng trang nghiêm thành kính hướng về bảo tượng Tây Phương Tam Thánh, cùng thắp sáng lên ánh sáng trí tuệ, từ bi cầu nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc. Tiếng nhạc nhè nhẹ vang lên, Thượng tọa Thích Chân Tính đón nhận ánh sáng từ Phật đài, ánh nến lan tỏa đến chư Tăng, rồi từ chư tăng truyền trao cho hàng Phật tử. “Nến truyền nến, tâm truyền tâm” - những ngọn nến biểu tượng cho trí tuệ và ánh sáng chân lý phá tan màn vô minh si ám; ngọn nến của hiểu biết, của yêu thương, chiếu soi vào dòng đời, thắp sáng niềm tin và hy vọng. Và từ ngọn nến dầu tiên ấy, ánh sáng tiếp tục được truyền di, vùng sáng dần dần lan tỏa.
Dưới bầu trời muôn triệu vì sao lấp lánh, ánh sáng lung linh của ngàn ngọn nến, hòa quyện trong khói trầm lan tỏa, đã tạo nên một vùng trời bình yên, thanh tịnh và an lành nơi cõi nhân gian. Khi ánh sáng trải rộng khắp sân lễ, trong sự thành kính, hàng vạn người con Phật đối trước tôn tượng uy nghiêm thanh thoát, lắng nghe Thượng tọa trụ trì tuyên đọc 48 đại nguyện của đức từ phụ A Di Đà và đại chúng đều đồng thanh niệm hồng danh “Nam mô A Di Đà Phật!” sau mỗi đại nguyện.
Sau nghi lễ xưng tán Phật Di-đà, Thượng tọa Thích Chân Tính – Trưởng BTC Đêm Hội Hoa Đăng ban đạo từ đến toàn thể quý Phật tử. Thượng tọa đã chia sẻ với đại chúng về ý nghĩa của lễ hoa đăng và sự truyền đăng. Hoa là đẹp, đăng là đèn, những ngọn đèn làm nên cái đẹp, trên sân nến, hàng nghìn ngọn nến lung linh tạo nên cái đẹp huyền diệu đó là hoa đăng. Trong buổi lễ, có một nghi thức quan trọng và vô cùng ý nghĩa, đó là truyền đăng.
Xen kẽ trong chương trình là những tiết mục văn nghệ ca ngợi công hạnh cũng như tưởng niệm đức Phật A Di Đà.
Dưới sự gia hộ của mười phương chư Phật, sự chứng minh của chư tôn thiền đức Tăng, Ni cùng sự thành kính, trợ duyên của hàng nghìn Phật tử buổi lễ đã được trọn vẹn viên thành.
Thay cho lời kết
Để có được đêm hoa đăng mầu nhiệm và trang nghiêm, chùa Hoằng Pháp đã chuẩn bị khá chu đáo từ các khâu thiết kế lễ đài, lo âm thanh ánh sáng, thuê màng hình Led, bố trí các đội trật tự, ngoài lo cho hơn 2.000 hành giả tham dự khóa tu, BTC còn chuẩn bị 45.000 hộp cơm cho Phật tử khắp nơi về chùa dự lễ. Ai về chùa dự dự lễ cũng được tặng quà Pháp bảo.
Thầy Thích Tâm Đạo, Phó trụ trì chia sẻ: Chùa Hoằng Pháp có 100 quý thầy đang theo học ở các lớp Sơ cấp, Trung cấp, Học viện Phật giáo nhưng trong thời điểm này đều xin phép nghỉ học để chung tay lo cho khóa tu và đêm Hoa đăng vía Đức Phật A Di Đà. Có hơn 200 nam nữ Phật tử đủ các độ tuổi tham gia công quả ở tất các khâu bảo vệ, y tế, sơ chế rau củ, quét dọn. Riêng phần nấu ăn, quý thầy trực tiếp phụ trách.
…4 giờ sáng khi mọi người vào thời khóa công phu thì bộ phận công quả lo quét dọn nhà vệ sinh, 7 giờ sáng mọi người vân tập về các giảng đường nghe pháp thì bộ phận công quả quét dọn và lau sàng nhà.
Trong mỗi kỳ diễn ra khóa tu Phật thất, cực nhất có lẽ là ban ẩm thực, hầu như mỗi đêm quý thầy và Phật tử ở nhà bếp chợp mắt khoảng một tiếng, những đôi mắt mệt mỏi vì thiếu ngủ của quý thầy và các cô chú công quả nhưng không thiếu nụ cười.
Với số thẻ 424, chúng tôi được BTC bố trí cho ngủ nghỉ và tu tập ở lầu 1 khu C. Ở đây có một cô bé còn rất trẻ chăm chỉ làm việc, rửa li ở các bồn nước uống, quét dọn nhà vệ sinh. Khóa sinh vừa xong thời khóa tụng niệm đã thấy cô bé hai tay cầm hai cây chổi quét dọn. Ấn tượng nhất là nụ cười tươi như hoa. Do nội quy của khóa tu tịnh khẩu nên chúng tôi không dám bắt chuyện, tôi có nhã ý tặng cho cô bé chiếc bọc điện thoại bằng len do tự tay mình móc nhưng cô bé từ chối với lí do em không dùng điện thoại. Mãi đến ngày cuối khóa tôi mới được biết tên cô bé là Nguyễn Thị Hồng Châu (qua thẻ đeo do chùa cấp), nhà ở Bình Dương, mỗi khi chùa có khóa tu là Châu lại về chùa làm công quả.
Sau 7 ngày tham dự khóa tu, chúng tôi cảm nhận được tấm lòng vô ngã vị tha của chư Tăng chùa Hoằng Pháp. Bên cạnh đó, công sức đóng góp của quý thiện nam, tín nữ gần xa không phải nhỏ, họ là những Bồ-tát giữa đời thường.
Từ khoá :
chùa Hoằng Pháp
khóa tu phật thất
Bồ Tát
vía đức phật adi đà
chúng sanh
hoằng pháp
khóa tu
tt thích chân tính
phật tử
Ý kiến bạn đọc
TIN LIÊN QUAN
Lê Thị Ngọc Thuỷ
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật Bài rất hay và giúp ích cho người đang muốn tham dự một khoá tu Phật Thất Tôi rất mong được về dự một khoá tu như vậy, để được sống trong bầu không khí trang nghiêm và an lạc, rất rất mong được như thế ạ
Thích Trả lời 8/8/2019 3:54:10 PM