;
Có một vài cư sĩ đến tham vấn tôi, họ hỏi rằng: Thầy tu theo trường phái nào, Tịnh độ, Thiền hay Mật…?
Tôi cười và trả lời cho họ rằng: Tôi không tu theo trường phái nào cả, tôi tu theo đạo Phật.
Đạo Phật thì bao gồm các trường phái Phật giáo, nhưng các trường phái Phật giáo thì chỉ đề cao và phát triển những khía cạnh của đạo Phật theo tông chỉ của mình, mà không phải là toàn thể.
Câu chuyện người mù rờ voi của đức Phật dạy rất là thú vị, vì nó đánh thức cho những ai đang ngái ngủ trên những cái gọi là trường phái!
Có người hỏi tôi, ngồi thiền có thành Phật không? Tôi trả lời, không.
Khách hỏi, tại sao? Tôi nói, vì thiền mới lắng tâm mà chưa phải là giác. Và giác cũng chưa phải là Phật. Vì sao? Vì Phật là toàn giác và là một với tánh giác, chứ không phải chỉ có giác.
Có người hỏi, có Tịnh độ Phật A-di-đà không Thầy? Tôi trả lời có.
Họ hỏi, Thầy biết? Tôi trả lời, biết là do Phật Thích-ca và chư Tổ dạy.
Hỏi: Cũng là quý Thầy cả, sao có người nói có Tịnh độ Phật A-di-đà, có vị nói không?
Tôi nói, ai nói không là chuyện của họ, mình có quyền gì bắt buộc họ nói có, khi lòng họ không tin, tâm họ không tịnh.
Riêng tôi, thì tôi nói có, không những có Tịnh độ của Phật A-di-đà, mà còn có vô số cõi Tịnh độ của chư Phật khắp trong thế giới mười phương.
Vì sao tôi tin như vậy? Vì tôi tin rằng, hết thảy chúng sanh đều có Phật tính. Phật tính là tâm thanh tịnh, chính tâm thanh tịnh tạo nên Tịnh độ của Phật A-di-đà và Tịnh độ chư Phật mười phương. Các cõi Phật đều gọi là Tịnh độ, vì tâm quý Ngài thường trú ở trong sự an tịnh, nên cõi của quý Ngài, gọi là cõi Tịnh độ.
Các kinh điển từ Nguyên thủy đến Đại thừa đều có đề cao pháp học và pháp hành “Tự tịnh kỳ ý”.
Tự tịnh kỳ ý là phải thực tập Giới Định Tuệ để làm cho ý của mình tự thanh tịnh.
Tâm ý thanh tịnh là Tịnh độ của chư Phật. Ai có tâm ý thanh tịnh là người ấy có Tịnh độ chư Phật hiện tiền.
Làm thế nào để về Tịnh độ? Nhất tâm thì về. Tâm tịnh thì Tịnh độ hiện tiền, vọng cầu thì Tịnh độ ẩn mất.
Trong khi đói khát, khách đừng hỏi thế nào là no? Chủ có lương tâm và trí tuệ đừng trả lời đói no với khách khi ấy, mà chỉ một lòng mời khách ăn cơm và uống nước đi, rồi đói no tự biết!
Xin mời khách dùng cơm và uống đi!
Tập San Pháp Luân 81