;
Phật giáo không phải là một tôn giáo mà là một nền giáo dục Đạo Đức toàn diện và nhất quán, lấy tâm hạnh thiện lương làm căn bản trong đối nhân xử thế, lấy sự thanh tĩnh trong tâm làm nòng cốt của sự hạnh phúc và bình an, lấy vô vi làm phương châm chỉ nam cho vấn đề tu hành, lấy sự hòa đồng không phân biệt ta người, năng sở, màu da, dân tộc, tôn giáo, lãnh thổ, địa vị mà sống trong sự bình an và tình thương bao la, lấy sự giải thoát mọi buộc ràng thế gian tìm về nơi tĩnh lặng trong tâm. Và Đạo Đức cao nhất là người sống với cái Tâm trong sáng lương thiện.
Trong cảnh đời nhiều sự bi thương và khổ lụy, thì chỉ có tình yêu với cái tâm trong sáng mới có thể xoa dịu được những cõi lòng sâu thẳm với những tổn thương buồn khổ theo năm tháng. Hãy cho đi sự nhẹ nhàng thanh thản trong tâm bằng những việc làm, hành động giúp đỡ những người khó khăn xung quanh, phóng sanh những con vật đang quằn quại vũng vẫy đau đớn dành lấy sự sống trong khoảng khắc chuẩn bị người ta sát sanh.
Chúng ta không cần phải làm những việc lớn lao gì, mà ngay trong những hành động đời thường, những việc nhỏ cũng giúp cuộc sống xung quanh có sự tác động thay đổi tốt lên như bố thí người nghèo, phóng sanh, an ủi người khác, đồng cảm cảnh khổ hoàn cảnh của những người xung quanh, sống an tĩnh với chánh niệm trong giây phút hiện tại...thì giúp cho trần thế bớt chút ít những ưu phiền rụng rơi.
Với xã hội hiện nay khi mà Đạo đức bị ràng buộc bởi cái tâm tham, sân si, bị danh lợi, vật chất, tiền tài chi phối quá nhiều vào cuộc sống con người, nên khi có người làm thiện thì ngay lúc đó được lên báo, được khen ngợi vì lòng tốt. Vì ít người làm tốt nên báo chí mới khen ngợi để nhiều người học hỏi làm theo, còn nếu nhiều người làm tốt thì không việc gì được báo chí khen ngợi cả.
Nên ngẫm lại đọc báo thấy được nêu gương tốt thì cũng thấy mừng cho người làm tốt, mà cũng buồn cho thực trạng xã hội. Mà nếu nhìn lại cũng nhiều người tuy có lòng tốt nhưng bị cái sợ chi phối sinh ra lòng ngời vực và phòng bị mà mang cái tiếng là vô cảm, vô tâm trước vấn nạn mà người khác gặp phải.
Có những người dường như không màng tới vấn nạn của người khác bởi có lẽ sự sợ hãi bị liên can liên đới đã làm cho con người trở nên phòng bị đề phòng mặc kệ nạn nhân vẫn vùng đau đớn, điển hình sự vô cảm trong vấn nạn giao thông, người bị tai nạn thì đau đớn, mà người đi qua nhìn rồi đi vì nếu vào giúp sợ người khác nghĩ chính mình gây ra tai nạn cho người đó, sợ người nhà người tai nạn hiểu nhầm đánh mình, sợ công an mời làm tường trình, sợ trễ giờ riêng tư của mình...
Chính chữ sợ làm ngờ vực tất cả, chính sự đề phòng mà vô hình chung đẩy mình dần dần trở thành người vô cảm thực sự, có khi chính sự vô cảm mà khiến người tai nạn không được cấp cứu kịp thời và dẫn tới mất mạng, gây nên cái chết thương tâm, người nhà bệnh nhân người tai nạn buồn khổ đau đớn.
Là người phật tử, người tu hành nên vượt qua cái rào cản của sự sợ hãi, ngờ vưc mà xắn tay giúp đỡ những người đang hoạn nạn, đang đau khổ, bởi nhân nào quả đó, nếu mình vô cảm với người khác, thì sau mình bị gì cũng có người vô cảm lại với mình, và như đức Phật nói trong kinh nhân quả, sự vô cảm thờ ơ trước cảnh khổ, cảnh tai nạn người khác là nguyên nhân dẫn tới quả bệnh tật đến với mình trong tương lai.
Đạo đức trên phương diện phật giáo chính là sự tu tâm. Tâm tốt là đạo sáng, tâm từ bi là đức độ. Chính trong cái đời thường mà tu tập mà hành trì. Vì pháp vốn tại thế gian, đồng thời xuất thế gian nên ngay ở thế gian đối nhân xử thế thật tốt, mà không chấp, không phân biệt, không ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả thì đó là xuất thế tâm trong hình hài thân thể ở thế gian. Hãy sống chánh trực và điềm đạm thì đạo sáng trong cao vợi không bị ngăn ngại bất cứ điều gì.
Vì đạo như dòng chảy, nếu gặp chướng ngại là những niệm trần, niệm cảnh,niệm thương ,niệm yêu, niệm ghét, niệm ghen, niệm ghét...thì làm cho tâm rối loạn và gây nên mê mờ tâm trí, và hành vi bất chính trong ý niệm và hành động và tạo nghiệp quả báo trong tương lai.
Phật giáo vượt ra ngoài tất cả khuôn khổ, mọi gò bó và ép buộc trong cái đạo đức xã hội để đưa tới cho người tu hành một bản thể đạo đức cao cả anh minh, một cái tâm trong sáng rộng lớn thênh thang và mọi nỗi niềm tan theo mây gió vô thường của kiếp sống nhân sinh đang chìm đắm trong phiền não khổ lụy.
Đạo phật có trong mọi lý tưởng tốt, mọi hành động và nghĩ suy, mọi sinh hoạt đời thường của cuộc sống vì đạo phật là chính là đạo Tâm. Mà tâm là bản thể thanh tịnh có trong tự tánh của mọi chúng sanh. Cho dù chúng sanh làm gì, đạo gì, hình tướng ra sao, quốc gia nào đi nữa, màu da nào chăng nữa cũng đồng thể tự tánh như nhau. Bởi mọi hành vi nào, mọi sự tạo tác nào cũng gây ra nghiệp tùy theo tốt xấu của mỗi người mà có khác không loại trừ bất cứ một ai. Nên nói Phật giáo là tôn giáo vô hình chung gắn ghép phật giáo vào một khuôn khổ nhỏ hẹp, làm cho phật giáo bị hiểu nhầm. Vậy những lời phật dạy nếu người khác không theo đạo phật là không đúng hay sao? Đã là duyên nghiệp,nhân quả, nghiệp báo, luân hồi, tâm đạo thì đâu đâu ai ai cũng chịu cả, không ai là không tránh khỏi.
Như vậy, phật giáo chính là tâm giáo, tâm đạo, tâm thanh tịnh, tâm trong sáng sẵn có trong mọi loài chúng sanh. Và phật giáo là giáo lý đưa người tu hành về với sự giác ngộ bổn tâm thanh tịnh của mình, là giáo lý toàn diện về đạo đức trong sáng của mỗi người.
Quang Minh