;
Nên hạn chế dùng Ngũ vị tân
ảnh minh họa |
Theo giáo lý của đạo Phật thì người con Phật khi ăn chay nên kiêng Ngũ vị tân. Ngũ vị tân là 5 món gia vị có mùi cay nồng bao gồm: Hành; Hẹ; Tỏi; Kiệu và Hưng cừ là loại gia vị có hình dáng và mùi vị tương tự củ nén không có ở Trung Quốc và Việt Nam (Từ điển Phật học Hán - Việt, NXB KHXH tr. 806).
Theo Sư thầy Thích Trúc Thái Trung ở Thiền viện Thường Chiếu thì Ngũ vị tân giống như chất kích thích ngầm vậy. Nếu ăn sống thì sinh sân nóng nảy, còn ăn chín thì sinh dâm, kích thích tuyến sinh dục. Ngoài ra, dùng các loại gia vị này thì mồ hôi cơ thể ra có mùi nồng, gây ra sự khó chịu cho người xung quanh.
Mặt khác, trong kinh Lăng Nghiêm, quyển thứ 8, đức Phật có dạy rằng: “Tính chất của Ngũ vị tân làm tăng tham dục và sân hận. Ảnh hưởng của nó là quyến rũ Ngạ quỷ còn chư Thiên cùng Thiện thần đều tránh xa. Nó thường trợ giúp phát sinh nghiệp phiền não. Cho nên đức Phật nói, nếu ăn Ngũ vị tân sẽ ảnh hưởng đến các loài đó”.
“Phước đức của người ăn Ngũ vị tân mỗi ngày một tiêu dần. Bồ tát và Thiện thần trong mười phương không đến ủng hộ người ấy. Vì thế, trong Kinh Phạm Võng, quyển Hạ, đức Phật dạy: “Là Phật tử thì không được ăn ngũ vị tân, nếu ai cố ý ăn thì phạm khinh cấu tội” - thầy Thái Trung cho hay.
Song cũng theo thầy Thái Trung, việc ăn Ngũ vị tân cũng còn tùy duyên. Vì nhiều khi ăn bên ngoài, nhà bếp nấu ăn đâu có thuần và chưa am hiểu điều đức Phật dạy về Ngũ vị tân thì đành chịu ăn vậy thôi.
Tuy nhiên còn tùy vào trường hợp, tông phái
Mặc dù theo giáo lý đạo Phật thì không nên dùng Ngũ vị tân nhưng việc này còn tùy duyên và tùy từng trường hợp, thậm chí là tùy vào từng tông phái trong Phật giáo.
Theo y học, Ngũ vị tân có chứa nhiều hoạt chất làm tăng sức đề kháng cho cơ thể, được dùng để phòng và trị bệnh như cảm cúm, tim mạch và ung thư... Mặc khác, Ngũ vị tân rất giàu chất kháng sinh nên có khả năng kháng khuẩn tốt.
Do vậy, người con Phật nếu vì mục đích ngăn ngừa hay chữa trị bệnh thì ở một chừng mực nào đó, cũng có thể dùng được.
Song chỉ được dùng trong một chừng mực nào đó, để ngăn ngừa trị bệnh mà thôi, không nên dùng thái quá, phản tác dụng mà có hại cho sức khỏe. Tuy nó là một vị thuốc nhưng nếu sử dụng quá mức thì cũng dễ gây ra tai hại như gây kích dục, tăng thêm sân hận...
Ngũ vị tân cũng có nét tương đồng như Tam tịnh nhục (không tự tay sát sinh, không bảo người khác sát sinh và không khuyến khích người khác sát sinh - PV) bởi trên thực tế vùng miền cũng có phong tục, tập quán khác nhau.
Ví dụ như ở nước ta, miền Bắc không mấy ăn tỏi nhưng hành, hẹ đều ăn. Miền Trung không ăn tỏi, hành, hẹ nhưng kiệu thì ăn. Còn miền Nam không ăn tỏi, không ăn hành nhưng hẹ, kiệu thì ăn.
Hơn nữa, không phải địa phương nào cũng có đủ và quan niệm về các loại gia vị này là giống nhau. Thế nên nếu người vùng này thấy người vùng kia có ăn thì cũng không nên nghĩ là họ đã phạm giới.
“Do đó, tùy theo sở thích của từng vùng, hay nói cách khác là tùy từng phong tục tập quán mà dùng Ngũ vị tân cho phù hợp. Mặt khác còn phụ thuộc vào các tông phái trong Phật giáo nữa” - thầy Thái Trung nhấn mạnh.
Đối với những người con Phật tu theo Mật tông thì tuyệt đối họ không bao giờ dùng Ngũ vị tân. Nhưng ngược lại, những người con Phật tu theo Hiển giáo (từ nói chung cho giáo pháp Như Lai, hiển bày ra những phương tiện cho chúng sinh theo đó mà tu tập - PV) thì không có kiêng tuyệt đối. Tuy nhiên, nếu người nào mà gìn giữ kiêng không ăn thì đó cũng là điều rất tốt.
Bùi Hiền - KTO