;
Phật dạy cách tìm một người bạn tu tốt
Yêu người xuất gia được chớ, chùa to Phật lớn nên chăng?
Làm người tu, lý tưởng cao thượng nhất là giải thoát sanh tử. Nên xuất gia không phải là hạng vá áo túi cơm tầm thường, càng không phải chán đời, sợ khổ rồi mới đi tu. Mà tăng sĩ là người mang lý tưởng phụng sự, đem hết cuộc đời mình cống hiến cho chánh pháp và cứu khổ tha nhân. Không chỉ gánh trên vai mình trách nhiệm với núi sông, hy sinh tất cả vì nghĩa tình sắt son giữa đạo pháp và dân tộc, mà còn ôm trọn nỗi khổ niềm đau của chúng sanh vào lòng. Lấy từ bi làm lẽ sống!
Cho nên, khi khoác lên mình manh áo thoát tục của chốn thiền môn, chẳng có nghĩa là bi quan yếm thế, xa rời chốn hồng trần mà chính là gánh vác trách nhiệm đem đạo vào đời cứu vớt chúng sanh. Đến khi nào thõng tay vào chợ thành công như đại nguyện Bồ tát Địa Tạng “Địa ngục vị không, thệ bất thành Phật, chúng sanh độ tận, phương chứng Bồ đề” thì mới công viên quả mãn. Nhưng viên đấy là bản thể pháp thân tịch tĩnh, mãn đấy là không ngừng các hạnh lợi sanh. Chứ không phải ngồi thưởng trà, ngắm trăng chốn cô thôn biệt nhất toà kiểu ẩn sĩ lánh thân mà cho là nhàn nhã. Làm sao lấy ngàn cây làm bút, bốn biển làm mực để tả hết công hạnh hi sinh to lớn của chư Bồ tát thánh tăng. Dù chỉ dạo chơi nơi rừng tam muội, thoáng du hý cõi trần bằng thân huyễn bất sanh, nhưng trí phàm phu mấy ai hiểu thấu?
Một thiền sư Pháp Thuận chèo đò, đánh tan âm mưu thăm dò xâm lược của sứ giả nước Tống; một thiền sư Vạn Hạnh đưa Lý Công Uẩn lên ngôi bằng cuộc đảo chính không làm rơi một giọt máu, chủ trương dời kinh đô từ Hoa Lư về Thăng Long, để giữ vận nước ngàn năm còn mãi; một Phật Hoàng Trần Nhân Tông lập ra thiền phái Trúc Lâm thống nhất lòng dân, ba lần đánh thắng quân Nguyên Mông, xem ngai vàng như đôi dép rách lên núi ẩn tu; một Danh Y Tuệ Tĩnh luôn trông về cố quốc; một Hoà Thượng Cua đại hiếu cảm động lòng trời; một Bồ tát Quảng Đức vị pháp thiêu thân cứu nguy cho đất nước. Chỉ một bát ba y, mà mỗi bậc xuất sĩ, dù âm thầm phụng sự hoặc biểu lộ hành trạng đều vì dân, vì nước, phải đâu là hạng tầm thường. Thí như cánh chim bằng cao vút, sải cánh đến trời xa, mà hạng cú diều tầm thường làm sao hiểu thấu. Lấy bụng dạ tiểu nhân mà đo lòng quân tử, chỉ là hạng tầm thường.
Còn đó, còn rất nhiều cội tùng đơn độc sừng sững bất khuất giữa trời cao. Dù thời cuộc thịnh suy, lòng người thay đổi, nhưng các bậc tòng lâm thạch trụ mãi là sư tử vương trong ngôi nhà pháp bảo, mãi nuôi dưỡng bao tâm hồn khát ngưỡng phụng sự non sông, dù các ngài vẫn ngồi yên vô sự, bởi sự tiếp nối thiêng liêng đã được trao truyền.
Nếu nói đi tu là một cái nghề, chỉ là lời nói ganh tị thiển cận của những tri thức nữa vời. Đâu chỉ mới hôm nay, mà ngay cả sử thần Ngô Sĩ Liên, trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, đã đứng trên lập trường ủng hộ Nho giáo bài xích Phật giáo. Nên chả trách hậu lai nếu chẳng xét lại, những đóng góp của Phật giáo cho tinh tường, đã vội ỷ vào đấy, trượt trên vết xe đã đổ. Chính vì thiếu cân nhắc, nên những ai bài bác Phật giáo ngày nay, đều bị tầm nhìn thiển cận của mình che khuất. Lại ủng hộ Tây hoá, tin theo chủ nghĩa bài nội, làm méo mó lịch sử, giẫm lên công lao to lớn của các bậc tiền nhân, góp phần làm loạn văn hoá và phản quốc. Vì chấp nhận bỏ bình hương bát nước của ông cha. Cổ xuý cho tà thuyết lộng hành.
Nếu không có bậc thượng sĩ xuất trần, giữ gìn giềng mối của đạo; thì xã hội sẽ đi về đâu? Nếu không có Phật giáo, thì dân tộc này sẽ ra sao? Chẳng lẽ cam chịu đồng hoá theo phường lý luận của tiểu nhân xu thời mạt thế? Nên hình ảnh người tu không chỉ là thoát tục siêu phàm; không chỉ là giữ cho lục căn không dính với lục trần; không chỉ là hành Như Lai xứ, thừa Như Lai sự; mà còn mang trên mình trách nhiệm trọng đại của lịch sử dân tộc và đạo pháp giao phó. Nên hạng vá áo túi cơm, lánh thế cầu an, làm sao đủ khả năng gánh vác? Những ai nói người xuất gia vì cơm áo là ăn nói hàm hồ! Khác nào quạ sánh chim bằng?
Chỉ có một phương trời cao rộng, bằng đôi cánh thong dong bởi ba y, một bát mà vượt qua muôn trùng sóng gió, để ngắm nhìn biển rộng, trời xanh. Chỉ lẽ sắc không bất nhị, chẳng giáo thuyết nào vượt khỏi. Bằng sở hành sanh tử vốn không, thì xá chi mồi danh bã lợi nhuốc nhơ chỉ bã được loài dã can thấp kém. Vậy mà, những trí thức xấu tính ấy lại suy bụng ta ra bụng người. Há chẳng đáng khinh ư?
Xuất thế, là để đi vào đời. Là để thấy mỗi hạt sương mai lấp lánh đều mộng huyễn; là để từ bỏ sự ràng buộc của cái tôi ích kỷ; xem thân này là cơ hội nhà mộng để phụng sự chúng sanh. Cái tôi vốn chẳng thật thì có thời gian đâu, lo riêng cho bản thân mình? Cũng chẳng quan tâm mọi thị phi thế sự. Chỉ thương ai đó, phiền não chưa trừ, tuệ căn chưa phát, bằng thói phàm phu, phỉ báng tăng bảo, không hề nếm trải vị giải thoát của hạnh viễn ly, vội cho là hèn kém. Chả khác nào ếch ngồi đáy giếng, chẳng đáng thương ư?
Nên thôi, Cà Sa nhẹ khoác; tình thương không phân biệt, kể cả kẻ phỉ báng mình. Đó là tấm chân tình của người trí dành cho kẻ vô minh điên đảo. Dù núi Tu Di có vỡ, hư không có thể tận. Thì nguyện lực độ sinh của chư Bồ tát, thánh tăng còn không thoái chuyển, huống gì những lời lẽ tầm thường. Trái lại, chính những lời phỉ báng của bọn phàm phu thiểu trí, lại là tăng thượng duyên cho hành giả an trú vô sanh pháp nhẫn. Thì có gì đáng lo? Ngược gió tung bụi, chỉ hất cát vào mặt mình, chứ làm sao ô nhiễm được hư không?
Như Phát Bồ Đề Tâm Văn, Đại Sư Thật Hiền dạy:” Dĩ hư không chi tâm, hành hư không chi nguyện”. Đó là hạnh cao đẹp của Tăng già. Kẻ bàng quang làm sao thẩm thấu! Vì họ chưa hiểu được lý tưởng giải thoát là gì.