;
Hình minh họa
Hỏi:
Tại sao khi nghe vị tỳ kheo giảng pháp tôi vẫn thấy dễ tin hơn khi nghe một vị cư sĩ, cho dù vị cư sĩ có thể nói hợp lý hơn ?
Đáp:
Đây là điều bình thường, vì đó là phước báu của vị tỳ kheo lớn hơn vị cư sĩ rất nhiều. Vị tỳ kheo giữ tới 250 giới, còn vị cư sĩ giữ có 5 giới. Đó cũng là lý do vị tỳ kheo được người cư sĩ chắp tay lễ bái cho dù người cư sĩ có tuổi đời lớn hơn vị tỳ kheo rất nhiều.
Hỏi:
Nếu vị Tỳ kheo đó không giữ đầy đủ giới luật thì người cư sĩ có cần chắp tay lễ bái không ?
Đáp:
Nếu là cư sĩ trọng pháp, sống trong pháp thì chúng ta cần hiểu việc lễ bái vị tỳ kheo là lễ bái Tăng đoàn mà vị ấy là đại diện.
Khi thấy sự kiêu hãnh của người cháu 8 tuổi vừa xuất gia được mọi người lễ lạy, bà Dipama đã nhắc nhở với người cháu: "Đừng có nghĩ là họ vái con đâu nhé. Họ chỉ vái lạy áo Ca-sa của con thôi đó." Hiểu như vậy người cư sĩ càng tri ân người xuất gia. Vì hình ảnh người xuất gia là đại diện cho Tăng đoàn, là phước điền của thế gian.
Trong khi việc vị tỳ kheo đó có giữ đầy đủ giới luật xuất gia hay không lại THUỘC VỀ NHÂN QUẢ CỦA VỊ ẤY. Như vậy việc người cư sĩ lễ bái vị tỳ kheo là vì pháp, sống trong pháp chứ không nhất thiết là vị tỳ kheo là người giữ giới hay không.
Hỏi:
Trong kinh Đại Bát Niết Bàn, Đức Phật có dạy cần từ bỏ lời dạy của vị tỳ kheo không đúng như Pháp và Luật đã được dạy trong kinh điển. Tôi nên hiểu việc này thế nào ?
Đáp:
Chúng ta cần hiểu việc lễ lạy vị tỳ kheo và theo học nơi một vị tỳ kheo là khác nhau. Có theo học thì mới có từ bỏ nếu vị ấy không dạy theo đúng như Pháp và Luật trong kinh điển. Chúng ta có thể lễ lạy mọi vị xuất gia nhưng theo học với ai lại là duyên nghiệp và mục đích tu học của mỗi người.
- Người ưa thích sự nổi tiếng thì tìm vị tỳ kheo nổi tiếng.
- Người ưa thích được quan tâm, chú ý sẽ tìm vị tỳ kheo quan tâm chu đáo đến đệ tử.
- Người ưa thích lễ hội, tụng kinh sẽ tìm vị tỳ kheo hay tổ chức lễ hội, tụng kinh.
- Người ưa thích hành thiền sẽ tìm vị tỳ kheo hay tổ chức hành thiền.
Nhưng có điều một số vị cư sĩ ít đọc trực tiếp Pháp và Luật được dạy trong kinh điển để đối chiếu với lời dạy của vị tỳ kheo xem có đúng với kinh điển hay không. Ví dụ có vị dạy "Phật tánh chân tâm thường hằng soi chiếu" thì nên hỏi vị ấy là Đức Phật dạy về "Phật tánh, chân tâm thường hằng soi chiếu" ở bài kinh nào?.
Nếu vị ấy nói được thì tin theo, nếu không nói được thì nên xem lại lời dạy của vị đó có đáng tin hay không. Vấn đề là chúng ta có tự mình khảo sát hay không mà thôi.
Namo Buddhaya