;
Quán chiếu tính tương tục của tâm thức
Quán chiếu và thực tập Tứ vô lượng tâm
Đây là loại trí tuệ do siêng năng rèn luyện, quán chiếu, tu tập, không phải do học hỏi, hiểu biết mà được nên nói là trí tuệ rộng lớn. Trí tuệ rộng lớn là trí tuệ thấy biết đúng như thật, tuy sống giữa dòng đời ô nhiễm mà không bị tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn ngon, mặc đẹp, ngủ kỹ chi phối; luôn sống vì mọi người, phục vụ chúng sinh không biết mệt mỏi, không biết nhàm chán; sống vì tha nhân chứ không vì lợi ích riêng tư, lấy niềm vui nhân loại làm niềm vui chính mình.
Muốn được như vậy, chúng ta phải phát nguyện đời đời kiếp kiếp đi theo con đường Phật đạo vì lợi ích chúng sinh, thấy ai cũng là người thân, người thương của mình nên dễ dàng cảm thông và tha thứ, bao dung và độ lượng, thương yêu và hiểu biết, sẵn sàng đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau trên tinh thần vô ngã, vị tha.
Tổ Bát Nhã Đa La được nhà vua tặng cho hạt châu, một hôm ngài gọi ba vị hoàng tử con vua lại hỏi rằng, “hạt châu này vô giá nhất trên đời, vậy có thứ gì quý hơn không?” Hai vị hoàng tử lớn đều đồng ý với nhau, “hạt châu này quý nhất không gì có thể sánh bằng!”
Riêng hoàng tử út không chịu, nên nói “kính bạch thầy! có một thứ quý hơn hạt châu này nhiều, đó là trí tuệ!” Con làm sao chứng minh được điều đó? Thưa thầy, hạt châu này tuy quý giá nhưng nó là vật vô tri, nó không tự biết tốt hay xấu, quý hay tiện, mà phải nhờ trí tuệ của con người xem xét, nhận định, nên nó mới trở thành hạt châu vô giá, bằng không thì nó chỉ giá trị như viên đá, hòn sỏi, không hơn không khác.
Tổ liền thọ ký, “ngươi về sau sẽ làm lợi ích cho nhiều người”. Sau này, hoàng tử xuất gia, trở thành vị tổ thứ hai mươi tám của Ấn Độ, tên Bồ Đề Đạt Ma. Ngày nay, chúng ta biết tu Thiền là nhờ công giáo hóa rộng khắp của ngài.
Thế nhân lúc nào cũng quý trọng tài sản, vật thực nên phân chia ra có quý, có tiện, có tốt, có xấu. Tài sản là vật vô tri phụ thuộc vào con người nhưng chúng sinh vì không hiểu biết nên tìm cách gom chứa về mình, do đó sanh ra cướp bóc, giết hại lẫn nhau, gây ra phiền muộn, khổ đau cho nhân loại rồi rơi vào tối tăm, si mê, mờ mịt. Riêng người con Phật lấy trí tuệ làm nền tảng, chính nhờ có trí tuệ nên chúng ta thấu rõ bản chất vạn vật là vô thường, tạm bợ, huyễn hóa, không thật nên bớt si mê, chấp ngã.
Nhờ vậy, cuộc sống ngày càng thêm thăng tiến, giảm bớt tham lam, sân giận, si mê, chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ. Thế gian ai cũng ước muốn được thọ hưởng đầy đủ các nhu cầu cần thiết trong cuộc sống như tiền tài, danh vọng, sắc đẹp, ăn ngon, mặc ấm, ngủ kỹ nên dễ dàng làm hại lẫn nhau bất chấp luân thường đạo lý.
Trí tuệ thế gian: Thường thế gian ai thông minh, lanh lợi, biết được nhiều việc hoặc học cao hiểu rộng, thì được cho là người có trí tuệ; nhưng trí tuệ này do học mà được nên xuất phát từ lòng tham của con người. Vì vậy, họ si mê, chấp ngã càng cao, thấy mình là trung tâm của vũ trụ, thấy mình là thầy thiên hạ, nên độc tài thao túng, dùng mưu ma chước quỷ để bình thiên hạ, tạo ra ân oán, oan gia trái chủ, dùng miệng lưỡi biện tài vô ngại để lung lạc lòng người, nói một đường làm một nẻo, chẳng khác gì con vẹt bắt chước nói tiếng người. Bởi nói được mà làm chẳng được, nên có địa vị cao trong xã hội càng làm tổn hại cho nhiều người.
Do ý thức vận hành của sự chấp ngã sai khiến nên càng làm tổn hại nhiều cho thiên hạ; như sự nghiệp của Tần Thủy Hoàng, vì muốn gôm thâu lục quốc mà máu người biến thành biển cả. Do lòng tham chi phối và sai sử nên con người đa số đều xây dựng sự nghiệp của mình bằng xương máu của thiên hạ. Sử sách còn ghi lại biết bao ông vua thời phong kiến vì chủ nghĩa cá nhân mà tàn sát, giết hại vô số con người.
Do đó, trí tuệ thế gian chỉ giúp con người tăng trưởng thêm lòng tham vô bờ bến. Vì vậy, nếu ai là người tài giỏi thì cần phải học hỏi và trau dồi đạo đức để nâng cao sự hiểu biết, giúp nhân loại bằng tình thương yêu chân thật. Nhờ có tu tập chúng ta mới biết được giá trị thật giả của cuộc đời, do đó dễ cảm thông, chia sẻ, bao dung và tha thứ để không làm tổn hại cho nhau.
TIN SÂU TAM BẢO ĐỂ HỌC HỎI VÀ TU SỬA
Phật là con người, Pháp là những lời dạy chân chính của Ngài, Tăng là những người truyền thừa, thay Phật hoằng dương chánh pháp, sống trong tinh thần lục hòa, đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau với tinh thần chia vui sớt khổ, phục vụ vì lợi ích chúng sinh.
Tăng là những người hiến trọng đời mình cho mục đích trên cầu thành Phật, dưới hoằng hóa độ sanh vì lợi ích con người. Nhờ có chư tăng, Ni thay Phật hoằng truyền những lời dạy của Ngài, khiến chánh Pháp được mở mang rộng rãi đến tất cả mọi người. Những ai hấp thu được tinh ba của Phật pháp, người đó ngày càng được an ủi, hạnh phúc hơn, và sẵn sàng an ủi, sẻ chia, giúp đỡ vì tình người trong cuộc sống.
Nhưng Tăng cũng có nhiều loại, đại khái lược lại có ba : Bồ-tát Tăng, Thanh Văn Tăng và Phàm phu Tăng. Đây là Tăng bảo chân chánh, xứng đáng được mọi người y chỉ tu học và tôn kính cúng dường.
Phật tùy duyên giáo hóa và đã nhập Niết Bàn, nay chỉ còn lại những lời vàng ngọc của Ngài, còn Tăng thay Phật truyền trì chánh pháp, hiến trọn đời mình cho sự nghiệp vì lợi ích chúng sinh. Tăng phàm phu là những người chân thật, nguyện hiến đời mình cho lý tưởng giác ngộ, giải thoát, đang kế thừa con người bớt khổ, thêm vui, luôn làm lợi cho chúng sinh. Tuy Phàm phu Tăng chưa thành tựu đạo quả, nhưng nhờ học hiểu hành trì tới đâu thì hướng dẫn tới đó. Vì vậy, ai phát tâm cúng dường Phàm Phu Tăng vẫn được phước không thể nghĩ bàn.
Thực tế, trong cuộc đời này, phàm phu Tăng là số đông gần gũi với chúng ta nhất. Nếu ai vâng theo và gìn giữ năm điều đạo đức của Phật chế ra, lòng từ bi sẽ ngăn ngừa ta rơi vào hồ sâu tội lỗi, giúp ta ý thức được sự khổ đau do giết hại gây nên.
Chúng con nguyện sống với lòng từ bi, thương yêu bình đẳng, không làm tổn hại con người, cho đến các loài vật, không gian tham trộm cướp, không tà dâm ngoại tình, không nói dối, không uống rượu và dùng những chất kích thích có hại như xì ke, ma túy v.v.v… Phàm phu Tăng chân thật tu hành, thuyết pháp độ sinh, mang tinh thần của các vị Thánh Tăng Bồ-tát và Thánh Tăng Thanh Văn.
Phàm Phu Tăng là số đông, nên quý Phật tử dễ gần gũi và tiếp cận hơn. Chúng ta vẫn học hỏi được những điều hay, lẽ phải để áp dụng trong đời sống hằng ngày.
Nói tóm lại, tin sâu Tam Bảo là tin Phật, Pháp, Tăng. Khi chúng ta tin, không nên thần tượng hóa, vì thần tượng hóa dễ sụp đổ và mất tín tâm, chỉ thấy thầy mình hay, thầy mình giỏi, sẽ dễ dẫn đến tư tưởng phê bình, chỉ trích người khác, do đó làm mất sự hòa hợp trong Tăng đoàn, gây nên chia rẽ.
SÁM HỐI ĐỂ TIÊU TRỪ NGHIỆP CHƯỚNG
Đạo Phật không dạy chúng ta trốn tránh cuộc đời, hoặc chối bỏ sự thật của tội lỗi, mà tìm cách sám hối để làm mới lại chính mình. Sám hối là sám lỗi trước nguyện không cho tái phạm lỗi lầm xưa. Hối là ngăn ngừa lỗi sau, không cho phát sinh kể từ ngày hôm nay.
Sám hối đúng nghĩa là phải có tâm hổ thẹn và cầu tiến. Người biết hổ thẹn sẽ không dám để tội lỗi phát sinh hoài. Nhờ vậy, người thành tâm sám hối thì tội lỗi dần dần được tiêu trừ.
Ai trong chúng ta không một lần vấp ngã dù ít hay nhiều, nhưng điều quan trọng hơn trong hết là khi bị vấp ngã, ta có can đảm đứng lên hay không? Sám hối là tinh thần cầu tiến, làm mới lại chính mình. Với tinh thần cầu tiến, biết hổ thẹn, nhờ sám hối, chúng ta sẽ không tái phạm lỗi lầm xưa. Lòng chí thành thiết tha sám hối sẽ giúp chúng ta vơi bớt tội lỗi và từ từ hết sạch.
Nhờ sám hối mà tâm ta ngày càng trong sạch. Dám sám hối là một việc làm việc làm can đảm, khiếu tâm cống cao ngã mạn, tự ti, mặc cảm, lần lần thuyên giảm, nhờ vậy ta càng ngày càng tốt hơn, ít phạm phải lỗi lầm.
Tu mà không gan dạ sám hối quả thật là người hèn nhát, không xứng dánh là một con người. Sám hối là phương pháp sách tấn mạnh nhất, nhờ sám hối, dù có tạo tội bao nhiên, chúng ta vẫn là người tốt trong hiện tại và mai sau.
Tóm lại, sám hối là một phương pháp tu hành rất thiết thực, có lợi ích cho hiện tại và mai sau. Người đời vì không biết, nên khi có lỗi lầm thì ém nhẹm, giấu diếm, không cho ai biết, tìm cách che giấu tội lỗi. Vì thế, tội lỗi ngày càng chồng chất, cuối cùng hết phước, chịu họa không thể lường. Người xưa nói “Người không gặp hoạn nạn, không biết quay đầu”. Do đó mà đại đa số người đời bị sa hầm, sụp hố, đến khi tỉnh ngộ hiểu ra, mới biết sám hối là điều cần thiết cho tất cả mọi người.