;
1. Mãi đến bây giờ khi đã ở tuổi U50, tôi vẫn còn nhớ như in những lời mệ nội khuyên nhủ để con cháu có cơ duyên “bòn tí
phước”. Mệ tôi có hơn 20 năm ăn chay trường, là một thành viên tích cực của khuôn hội chùa làng. Ban ngày mệ lăn lộn giữa đời, bất kể làm thuê làm mướn để kiếm tiền nuôi con. Tối đến mệ đều đặn tụng một thời kinh cầu an, tờ mờ sáng mệ đã nổi chuông mõ công phu bái sám.
Có lần ba tôi đi cào hến về nấu canh, ngẫu nhiên trúng ngày rằm, mệ bảo để mệ xuống sông sa hến cho, ở nhà đun nước sôi chờ sẵn, mệ vác cái rổ không lên và nói: mạ đổ hến xuống sông rồi, ngày rằm người ta phóng sanh không hết, mình lại đi sát hại nó, coi răng được. Cả nhà chưng hửng và bữa cơm hôm đó vô tình biến thành cơm chay bất đắc dĩ. Ba tôi từ đó cũng cẩn thận hơn, trước khi đi cào hến ông cũng phải coi lịch, kẻo không thì phí công.
Mỗi lần đi ngang qua chánh điện, mệ bảo tôi phải cúi thấp đầu, kẻo thất lễ với Đức Phật. Một hôm tôi đau họng muốn khạc nhổ, mệ phải dừng buổi lễ để dẫn tôi ra chùa mới cho khạc nhổ. Ở nhà, mệ bảo không nên bê mâm cơm canh đi ngang trước bàn thờ Phật, sợ hơi mặn xông lên thất kính với Ngài. Bữa nọ, nhà bên cạnh mất con gà mái đang đẻ trứng, họ nghi nhà mệ bắt nên chửi đổng suốt ngày. Ba tôi tức điên muốn nhảy qua tát vài tát cho hả dạ, mệ khuyên ngăn: Kệ hắn, cho hắn chửi khi mô mệt thì hết chửi, còn mình không bắt gà, không gian tham là được rồi!
Ba tôi và cả hai bác tôi nữa trải qua chiến tranh đều trở về nguyên vẹn. Ba kể, khi còn ở chiến trường, một tiếng nổ chát chúa bên tai, ông nhắm nghiền mắt lại, tưởng mình sắp chết. Tỉnh dậy ông thấy đồng đội xung quanh đều đã mất. Ông lẩm bẩm, nếu không có cái đức cao dày của mạ thì con chắc cũng không có ngày… trở về.
2. Nối gót tu hành của mệ, trong đại gia đình tôi có người chị xuất gia. Nhớ lại 22 năm trước, hành trình đi tu của chị cũng gặp nhiều trắc trở lắm! Vì chị là con gái một nên ba tôi không cho đi, chị phải vào quỳ lạy, năn nỉ bác ruột tôi chở lên chùa, Ni sư mới chịu nhận. Còn anh tôi thì bảo, đi tu là tiêu cực đó, biết không? Chí đã quyết, lòng đã hướng về Tam bảo thì không gì ngăn cản nổi, chị tôi vào chùa tu học rất giỏi, biết ba ngoại ngữ, hiện Sư cô đang làm luận án tiến sĩ Phật học tại Đài Loan, còn một năm rưỡi nữa là xong rồi về nước luôn.
3. Xóm tôi lác đác vài ba nhà có người đi tu, có thầy là Đại đức, có thầy đã lên Thượng tọa. Có điều lạ là một vài thầy cũng đem tiền về giúp ba mẹ cất sửa nhà. Không ai biết rõ tiền đó ở đâu? Họ cứ kháo nhau: Chà, ông A, bà B có con đi tu sướng hí! Nhà cửa xây dựng, sửa sang đẹp quá. Riêng nhà ông Sáu có người con đầu hiện là trụ trì, hôm trước về làng cho ông mấy chục triệu để sửa lại nhà bếp. Ông từ chối: Ba không lấy mô, ba sợ tổn phước lắm, thầy ạ! Thầy phân trần: Ba yên tâm, đây là tiền riêng con đi cúng người ta trả công đức, chứ không phải là tiền phước sương của Tam bảo. Thế là ông Sáu cũng yên tâm một phần, cầm tiền đưa cho thằng Hai để sửa lại cái nhà bếp…
4. Vợ chồng tôi đi dạy học, dành dụm tích lũy bao năm trời cũng có được chút tiền, xây được nhà. Thấy mình ở nhà cao, còn nhà ba (và cũng là nơi thờ mẹ) thấp trũng không đành lòng. Trải qua nhiều lần bàn bạc, hai vợ chồng tôi quyết định rút tiền gửi ngân hàng để xây nhà cho ba. Sau ba tháng mỏi mệt vì vừa đi dạy vừa phụ xây, nhà xây xong ai đi ngang qua cũng bảo đẹp. Tôi vui lắm, mừng thầm vì đã làm được một phần việc hiếu nhưng đêm nằm cũng canh cánh một nỗi lo, còn nợ ngân hàng đến vài chục triệu.
Mới đây, nhân ngày giỗ lần thứ 17 của mẹ tôi, con cháu ngoại nội xúm xít bên ba tôi, chúc mừng ông có nhà đẹp, chắc ông sẽ sống thêm năm bảy năm nữa. Dì Bảy thì ghé tai ông hỏi nhỏ: Cô đi tu cho tiền xây nhà hả anh? Sướng hí! Ông không gật, không lắc đầu mà chỉ mỉm cười rồi lảng qua chuyện khác. Tôi đứng cạnh nghe lóm câu hỏi của dì và sực nhớ đến lời nói của Sư cô cách đây sáu năm khi từ Đài Loan về thăm: Đi tu mà đem tiền của đàn-na tín thí về cho gia đình thì chẳng khác gì chở tảng đá nặng hàng chục tấn đè lên cha mẹ, người thân mình, thật là tổn phước!
Võ Văn Dần
Nguồn:http://giacngo.vn/tuvansongdao/songdao/2015/08/03/1F7600/