;
TU TẬP THIỀN ĐỊNH
Soạn và dịch: Đại Lãn - Đức Thắng
Mục lục
I. Lời mở đầu. 1
II. Tu tập thiền định. 2
III. Khoá trì tụng kinh chú buổi sáng. 19
IV. Khoá trì tụng kinh chú buổi chiều. 30
1. Kinh A-di-đà. 32
2. Hồng danh bảo sám.. 35
3. Mông sơn thí thực. 39
V. Nghi thức trì chú Đại bi. 47
VI. Hạnh nguyện Bồ tát Quán Thế Âm.. 56
VII. Thiền định cho mọi giới 60
VIII. 朝時課誦... 68
NHỮNG LƯU Ý QUAN TRỌNG ĐỂ HÀNH GIẢ CÓ ĐỦ SỨC TINH TẤN TRONG THỰC HÀNH.
Hành giả muốn thành công trong việc thực hành Thiền-Định thì, bản thân hành giả lúc nào cũng luôn luôn quan niệm và nghĩ rằng: Con người chúng ta có hai thực thể hiện hữu hiện tiền để cho chúng ta nuôi dưỡng làm cho lớn mạnh đó là: Thân mạng và Tuệ mạng (Thân (đất, nước, gió, lửa) và Tâm (thọ, tưởng, hành, thức) phải được nuôi dưỡng).
Thân mạng thì nuôi dưỡng bằng đồ ăn thức uống v.v…, còn Tuệ mạng trí tuệ thì phải được nuôi lớn bằng Thiền-định. Vậy hằng ngày, chúng ta nuôi dưỡng thân mạng này bằng đồ ăn thức uống, ngày ba bữa thì, chúng ta cũng phải nuôi dưỡng tuệ mạng của chúng ta cũng tương đương hoặc hơn thế nữa, để nuôi lớn tuệ căn qua Thiền đinh.
Nếu chúng ta cứ biết lo nuôi dưỡng cái thân giả tạm bị lệ thuộc vào vô thường này rồi một ngày nào đó, nó sẽ mất đi khi hết duyên không nắm giữ được; trong khi chúng ta vì nó (thân mạng) mà tạo ra ba nghiệp Thân-Khẩu-Ý không thanh tịnh mà bỏ quên cái tuệ mạng không nuôi lớn và, bắt nó phải gánh chịu những hậu quả của thân và khẩu để lại, vì thân vô thường mà chúng ta đã tạo ra thì, tất nó phải thiêu chột và chết khô thôi! Như vậy việc nuôi thân căn vật chất không thôi, có đáng để cho hành giả chúng ta đâm đầu vào mà không cần biết hậu quả của chúng ta để lại trở thành nghiệp nhân cho bước đi kế tiếp, có đáng trách và đáng sợ hay không?
Khi thân căn của chúng ta nó đói khát thì chúng đòi hỏi chúng ta buộc phải tìm đủ cách để cung cấp đồ ăn thức uống cho chúng, nếu không, chúng sẽ khô héo già chết không còn nắm giữ được nữa. Trong khi tuệ mạng không mất kia, nó hướng dẫn chúng ta đi đến bến bờ giải thoát và, theo ta đến chung cuộc, mà nó èo ộp dẫn chúng ta đi vào những nơi tăm tối của ba đường dữ, do hậu quả của tâm ác thông qua mọi tạo tác của thân-khẩu để lại; như vậy có đáng sợ không? Vì tuệ căn của chúng ta cũng phải cần thức ăn thiền định để nuôi dưỡng thánh thai trong lớn mạnh dẫn chúng ta đi đến bến bờ giải thoát lại bị bỏ quên thì thật là đáng trách và đáng xấu hổ.
Vì vậy, nên hành giả chúng ta luôn nên nhớ nghĩ đến điều này, nhờ đó chúng ta mới có động cơ thúc đẩy làm cho chúng ta luôn luôn tinh tấn siêng năng trong thực hành Thiền định nuôi lớn tuệ căn. Đó là điều cốt lõi để tu tập Thiền Định giải thoát khổ đau, đạt được tuệ giác an vui hạnh phúc vĩnh viễn trong hiện tại cũng như tương lai.
Hành giả chúng ta trước khi đi vào thực hành Thiền định của ba phương pháp Thiền-Tịnh-Mật thì, trước tiên chúng ta phải đọc hết qua ba phương pháp này. Nếu hành giả thấy phương pháp nào thích hợp với sở thích và điều kiện sống của mình thì chọn một trong ba phương pháp đó mà thực hành. Cầu mong hành giả sớm thành công trong từng bước thực hành Thiền-Định của mình trong bước đi Trung đạo giữa vật chất (thân căn) và tinh thần (tuệ căn).
Vì tâm và vật (tâm sinh lý) luôn luôn tác động hỗ tương lẫn nhau mà hình thành và hủy diệt; cũng giống như con đường Trung đạo giữa khổ đau và hạnh phúc, chúng ta chọn con đường Trung Đạo để thanh tịnh ba nghiệp Thân-Khẩu-Ý đưa đến Niết-bàn giải thoát, đó là mục tiệu cuối cùng mà đức Đạo sư nhắm đến.
Đại Lãn - Đức Thắng.
Dhyāna-Samādhi bhāvanā - Đại Lãn - Đức thắng
Trong Thiền tối sơ khi Phật còn tại thế, Thiền không chỉ làm căn bản cho các định mà còn phát ra những sức mạnh chung cho thiên nhãn và thiên nhĩ, tất cả đều nương vào Dhyāna này. Hơn nữa, trong Thiền có cả những tác dụng của suy xét và quán niệm chân lý, cho nên người học đạo thường lấy Thiền làm khởi đầu tối yếu trong việc thực hành. Tuy nhiên, do tính chất trong Thiền đã có Định và trong Định không có Thiền nên Định được phân ra làm ba loại: Vị định, Tịnh định, Vô lậu định.
- Vị định (chưa có định) là lúc nó cùng với phiền não tham tương ưng mà khởi, yêu đắm đối với định.
- Tịnh định là cùng với tâm thiện hữu lậu tương ưng mà khởi.
- Vô lậu định là bậc trí nương vào định mà đạt được trí vô lậu.
- Thiền là từ lược của Thiền-na (dhyāna) còn dịch là tư duy tu, hay tịnh lự. Tư duy tu có nghĩa là tư duy về đối cảnh mà chúng ta đang để tâm vào để nghiên cứu tu tập và dùng tâm thể tịch tĩnh, tịnh lự để xét về nghĩa tư duy, suy nghĩ đó.
- Định được dịch nghĩa từ chữ Samādhi phiên âm là Tam-ma-địa, Tam-muội hay Tam-ma-đề; có nghĩa là chánh thọ, chánh định; là định tâm dừng vào một cảnh xa lìa mọi vọng động.
Vậy, Thiền nghĩa là nhất tâm khảo sát nghiên cứu về một vật nào đó tức là Thiền, còn nhớ nghĩ về một cảnh vắng lặng nào đó gọi là định. Sự khác biệt giữa Thiền và Định chỉ được dùng để nói đến nghĩa rộng và nghĩa hẹp: Nghĩa rộng chỉ cho Định và nghĩa hẹp chỉ cho Thiền. Bởi vì sự tư duy xét nghĩ của Thiền-na, tự nó đã có nghĩa là đình chỉ để đưa đến tịch tĩnh nên cũng gọi là Định; nhưng trong Tam-muội (Samādhi, chánh định) lại không có nghĩa xét nghĩ tư duy, nên Định này không được gọi là Thiền. Về tên gọi, Định có rất nhiều tên gọi khác nhau tùy thuộc vào người đọc, dịch để có được tên gọi phiên âm phù hợp với đối cơ. Theo luận Câu Xá Quang ký 6, Đinh có ba tên: Tam-ma-địa (samādhi), Tam-ma Bát-để (samā-patti), Ta-ma-di-đa (samāhita). Còn Duy Thức Liễu nghĩa đăng 7, Định được gọi: Tam-ma-di-đa (samāhita) là Đẳng dẫn, Tam-ma-địa hay Tam-muội (Samādhi) là Đẳng trì, Ta-ma Bát-để (samā-patti) là Đẳng chí, Đà-na-diễn-na hay Thiền-na (dhyāna) là Tịnh lự, Chất-đa-hê-ca A-yết-la-ca (cittaikāgratā) là Nhất tâm tánh cảnh.
Theo Pháp Giới Thứ Đệ, quyển hạ, Thiền gồm Thế gian thiền và Xuất thế gian thiền. Thiền thế gian là thiền của các hàng phàm phu thực hành, tức căn bản là lấy tứ Thiền, Tứ vô lượng tâm, Tứ vô sắc định làm căn bản. Trong khi Thiền xuất thế gian có hai loại: Một, Xuất thế gian Thiền hay là nhị thừa cộng Thiền, chỉ cho Lục diệu môn, Thập lục đặc thắng, Thông minh, Cửu tưởng, Thập tưởng, Bát-bối-xả, Bát thắng xứ, Thập nhứt thiết xứ, Luyện thiền, Tứ thập biến hóa, Nguyện trí, Đảnh thiền, Vô tránh tam-muội, Tam tam-muội, Sư tử phấn tấn, Siêu việt tam-muội, Tam minh, Lục thông thiền v.v… Hai, Xuất thế gian thượng thượng thiền hay là bất cộng thiền, như Tự tánh đẳng tứ chủng đại thiền, Thủ lăng nghiêm đẳng bách bát tam-muội, Chư Phật bất động đẳng bách nhị thập tam-muội.
Theo luận Đốn ngộ nhập đạo yếu môn, quyển thượng:
“Hỏi: - Sao gọi là Thiền? Sao gọi là Định?”
“Đáp: - Vọng niệm không sinh là Thiền, ngồi thấy bản tánh là Định. Bản tính tức là tâm không sinh. Định là đối cảnh không tâm, tám ngọn gió không thể lay động. Tám ngọn gió là: hơn, kém, khen, chê, ca ngợi, trách, khổ, vui, đó gọi là tám ngọn gió. Người nào nếu đạt được định như vậy, thì dù là phàm phu cũng nhập vào địa vị của Phật.”
Ngoài ra, Thiền định thường được dùng cùng một nghĩa để chỉ cho tâm vật bất động đều gọi là tam-muội cả. Như Trí Độ luận 5: “Khéo trụ tâm vào một chỗ bất động, đó gọi là Tam-muội.” hay quyển 28 thì: “Tất cả Thiền định đều gọi là Định hay Tam-muội. Ngoài tứ Thiền ra, các Định khác cũng gọi là Định, cũng gọi là Tam-muội, mà không gọi là Thiền.”
Tuy Thiền-Định đều phát xuất từ đức của tâm, song tâm của dục giới không có đức này (chỉ có được khi chúng ta tu tập), mà chúng thuộc về tâm đức của sắc giới và vô sắc giới. Đứng về mặc tương đối của sắc và vô sắc thì Thiền là pháp của sắc giới, Định là pháp của vô sắc giới. Tự chúng có bốn cấp bậc cạn sâu khác nhau nên chúng ta thường nghe có tứ Thiền, tứ Định. Tứ thiền, tứ Định này là pháp thế gian chung cho Phật pháp, ngoại đạo, phàm thánh cùng tu tập.
Ngoài Định thế gian này ra còn có Định xuất thế gian của Phật, Bồ-tát, A-la-hán chứng đắc, đó là các Định vô lậu nhờ tu tập mà thành tựu, cho nên muốn đạt được Thiền thì phải xa lìa phiền não dục giới. Muốn đạt được Định phải đoạn trừ phiền não dục giới và muốn đạt được các Định vô lậu phải đoạn tuyệt phiền não vô sắc giới. Vì chúng ta là hành giả của dục giới nên muốn đạt được Thiền định này bắt buộc chúng ta phải nổ lực tu tập đoạn trừ phiền não ba nghiệp (thân-khẩu-ý phát sinh từ tham-sân-si) của cõi dục hình thành.
Theo tông Câu xá, định này được chia ra làm hai phần: Hữu tâm định và Vô tâm định. Hữu tâm định gồm có bốn Tịnh lự và bốn định vô sắc, Tâm định này có được là nhờ tu tập đoạn trừ dần dần các phiền não hạ địa trong mười địa, theo Câu Xá tông. Nhờ đó, chúng ta được sắc giới bốn tịnh lự thiên và bốn vô sắc giới thiên của định này. Vô tâm định gồm có vô tưởng định và Diệt tận định. Vô tưởng định chỉ cho trạng thái vô tưởng mà các phàm phu cùng ngoại đạo tưởng lầm và cho rằng đây là trạng thái chân Niết-bàn để cho họ tu tập và mong đạt đến.
Diệt tận định chỉ cho cảnh giới tịch tĩnh vô dư Niết-bàn mà các bậc Thánh tu tập đạt được. Ngoài ra, giai đoạn trung gian cận phân định của sơ tịnh lự và nhị tịnh lự được gọi là trung gian định; nếu hành giả nào tu tập định này sẽ được sinh về Đại Phạm thiên. Đây là hai loại định có được nhờ vào sự tu tập của hành giả dành cho cõi dục chúng ta đang cư ngụ, chứ không phải sinh ra đã có rồi như là cõi sắc và vô sắc.
Vậy Thiền là tên gọi tắc của Thiền-na (禪那) được phiên âm từ chữ Phạn: dhyāna, có nghĩa là tịnh lự cùng với nghĩa “Định” (定) của Tam-ma-địa phiên âm từ samādhi (Phạn ngữ) họp lại gọi là Thiền-Định (禪定). Thông thường, tinh thần chúng ta không ổn định hoàn toàn, lúc thế này lúc thế khác, luôn thay đổi theo các duyên bên ngoài và bên trong ý nghĩ; chúng ta không làm chủ tâm lý của mình.
Vì vậy, mọi rắc rối phức tạp luôn vây khốn chúng ta, làm cho chúng ta luôn luôn cảm thấy bất ổn trước cuộc sống. Để kiểm soát cuộc sống của chúng ta trở nên bình an và an lạc, hành giả, nhất là các hàng Bồ-tát trong lúc thực hành con đường Bồ-tát của mình, thì Thiền-Định là con đường đi đến tối ưu trong sự nghiệp tự độ và độ tha, lợi mình lợi người, đưa đến an vui giải thoát. Đức Đạo sư đã từng dạy: “Chế tâm nhứt xứ, vô sự bất biện” (制 心一處, 無事不辦). (Chú tâm vào một chỗ, không việc gì là không làm được).
Vậy muốn khống chế tâm cảnh dao động, nhiễu loạn của chúng ta khi tiếp xúc với mọi hoàn cảnh xung quanh trong khi chúng ta chưa làm chủ được chính mình, điều cốt yếu là phải dùng Thiền-Định làm một phương pháp đối trị lại những nhiễu loạn dao động trước mọi hoàn cảnh bằng cách kéo tâm mình trụ vào một đối tượng duy nhất. Lúc đó, mọi sự dao động nhiễu loạn bất ổn của ngoại cảnh, tự tâm sẽ tự biến mất và sự an ổn sẽ tự hiện hữu; cho nên gọi “Chế tâm nhất xứ, vô sự bất biện” là vậy. Khi chúng ta đem tâm mình tập trung vào một đối tượng duy nhất, ngay lúc đó tâm chúng ta cắt đứt hết các duyên liên hệ khác bên trong lẫn bên ngoài.
Lúc này, tâm chúng ta chỉ có một đối tượng duy nhất, trong thiền học gọi đó là “nhất tâm tánh cảnh”, chính là cảnh giới thiền định được sanh khởi. Cảnh giới này nếu chúng ta huân tập nhiều chừng nào thì lực của tâm định mạnh chừng đó và cứ như thế chúng ta tiến lên sẽ đạt được trạng thái “Tâm vật nhất như” (心物一如), là thành tựu được Thiền-Định. Và trí tuệ phát sinh cũng là nhờ vào sức mạnh của tâm định này.
Ở đây, trí tuệ là hậu quả tất yếu có được từ Thiền-Định, nên người nào có công phu Thiền-Định thì người đó sẽ tập trung bảo trì được hệ thống trí tuệ càng ngày càng sáng hơn. Khi chúng ta gặp phải bất cứ cảnh ngộ nào đi nữa, trí tuệ ấy tiết phát ngay vào cảnh đó một cách tự nhiên, để sau đó đưa đến giải thoát hết mọi hoàn cảnh có thể gây bất ổn cho hành giả. Đây là lúc chúng ta làm chủ được tâm mình, vô công dụng đạo hiện bày, việc độ ta độ người, lợi ta lợi người sẽ được thành tựu viên mãn.
Đối với Thiền-Định nhiều người hiểu lầm rằng ngồi Thiền sẽ đưa đến thân khô, tâm lạnh như gỗ đá bên vực sâu, nhức đầu ù tai, sinh ra điên loạn v.v… Họ không biết rằng việc tu Thiền-Định tiêu cực như vậy của họ là do không đúng phương pháp, không người hướng dẫn nên đi sai đường, hoặc dụng tâm không đúng; điều thân, điều tức không thông, do vậy nên từ đó sinh ra những trở ngại. Đối với Thiền-Định, nếu hành giả nào đi đúng đường, có người hướng dẫn đúng thì những hiện tượng tiêu cực đó sẽ không bao giời xảy ra và thành tựu được mọi kết quả như hành giả mong muốn.
Tóm lại, Thiền-Định là một pháp tu cơ bản của đạo Phật, một phương pháp tu chính yếu nhằm xóa bỏ tất cả mọi nghiệp khổ của chúng sanh phát xuất từ ba độc tham-sân-si tác động qua ba nghiệp thân-khẩu-ý. Ba nghiệp ấy hình thành nghiệp quả khổ gần nhất là hiện đời, xa hơn nữa là vô minh hoặc của chúng sanh trong ba cõi sáu đường. Ở đây, Thiền-Định cũng có thể chỉ cho Thiền thế gian là thiền của các hàng phàm phu thực hành, tức căn bản là lấy tứ Thiền, Tứ vô lượng tâm, Tứ vô sắc định làm trọng tâm dành riêng cho các loài chúng sanh hữu tình khi xa lìa được phiền não của dục giới.
Nhưng các hàng Bồ-tát cũng dùng Thiền-Định để tu tập đó là Thiền-na ba-la-mật trong Lục ba-la-mật một trong sáu pháp tu của các hàng Bồ-tát và, Thinh văn cũng dùng Thiền-Định để tu tập. Tuy cũng là Thiền định hết nhưng Thiền định của các nhà Tiểu thừa Thinh văn được giới hạn trong ba học. Chúng cũng chỉ có giá trị thực tiễn trong tự lợi mà thôi, còn đối với các hàng Bồ-tát không những có giá trị trong tự lợi mà còn mang đến lợi tha cho người nữa.
Đó chính là sự khác biệt giữa Bồ-tát và Thinh văn là như vậy, nên trong cùng Thiền định, chúng cũng tùy thuộc vào thuộc tính của người hành trì và phương pháp hành trì, cũng tùy thuộc vào thuộc tính căn cơ của hành giả mà Thiền-Định được áp dụng cho các tông phái của Phật giáo sau này. Nên vấn đề sai biệt đó phải có tên gọi và cách thức hành trì trong phương pháp để phù hợp với căn cơ hành giả, nhưng vẫn không xa lìa Thiền-Định ban sơ của đức Đạo Sư.
Theo phương pháp tu Thiền-Định này, Phật Giáo Việt Nam cũng tùy theo thuộc tính căn cơ và trình độ của hành giả Việt Nam mà theo đó chọn ra ba phương pháp tu cho Phật Giáo Việt Nam là Thiền-Tịnh-Mật để hướng dẫn các hành giả nương vào ba phương pháp tu này.
Tùy theo căn cơ và trình độ khế hợp với mỗi hành giả, sự thiết lập cách tu hành theo phương pháp Thiền-Định của mỗi tông phái Thiền-Tịnh-Mật trong nhiều Tông phái của Phật giáo phát triển sau này để phù hợp điều thân điều tâm của người hành trì. Kết quả đưa đến công dụng là làm sạch ba nghiệp thân-khẩu-ý không tạo ra nhân ác trong lúc tu tập của hành giả qua Thiền-Định. Đó là mục tiêu cuối cùng giải thoát khổ của đức Đạo sư cũng là pháp tu của Phật giáo Việt Nam trong hiện tại.
Ở đây, chúng tôi chỉ đề cập đến vấn đề thực hành của ba phương pháp thực hành Thiền định theo Thiền-Tịnh-Mật chứ không đề cập đến lý thuyết. Vậy làm cách nào để đưa tâm hành giả vào định trong lúc thực hành ba phương pháp Thiền-Tịnh-Mật để ba nghiệp Thân-Khẩu-Ý thanh tịnh trong lúc hành giả thực hành?
- Phương pháp của Thiền để đưa đến Nhất tâm trong lúc thực hành chính là dùng tâm mình đếm hơi thở vô-ra từ một đến mười và bắt đầu đếm lại từ một: Thở vào đếm một, thở ra đếm hai tiếp tục cho đến mười và, bắt đầu đếm một trở lại từ một cho đến mười. Hay thở vào thở ra đếm một và, tiếp thở vào thở ra đếm hai và cứ như vậy đếm đến mười và trở lại từ một. Hai cách thở trên chúng ta có thể đếm ngược từ mười trở lại một cũng được.
Hay theo dõi hơi thở vô-ra, có nghĩa là dán chặt tâm của mình lên trên hơi thở vô, hơi thở ra, liên tục không gián đoạn không dừng nghỉ, không cho tâm mình rời khỏi hơi thở (quan trọng chính ở đây là khi hành giả đếm hơi thở vô-ra hay theo dõi hơi thở vô-ra nơi mũi thì phải biết rõ là mình đang đếm hay đang theo dõi hơi thở, nếu chỉ biết đếm và theo dõi hơi thở theo quán tính thuộc lòng thì hành giả sẽ từ từ rơi vào trạng thái hôn trầm và sẽ đưa đến ngủ gục.) Ban đầu hơi thở của chúng ta mới tập cho nên có khó khăn và hơi thở nặng (thô) nhưng nếu chúng ta kiên trì vượt qua giai đoạn tập thở này thì một thời gian sau hơi thở hành giả bắt đầu đều đặn và trở nên nhẹ nhàng (tế) dần.
Đến khi thuần thục thì sẽ đạt đến độ nhẹ nhàng như một sợi chỉ cho đến lúc hơi thở tạm ngưng … đó gọi là tu Chỉ hay tu Định (Samatha-bhāvanā). Sau đó hành giả dùng phương pháp theo dõi hơi thở (tùy tức) vô-ra này kết hợp với bốn niệm xứ: thân (kaya), thọ (vedanā), tâm (citta), pháp (dhamma) qua 16 đề tài lấy làm đối tượng quán kết hợp với pháp thở vô-ra mà thực hành phép chỉ-quán (sammatha–vipassana). Đây chính là phép tu Định-Tuệ song hành theo như Kinh Tạp A-hàm, Tương Ưng An-na-ban-na, kinh 778 A-nan[1] (Hán tạng). Phương pháp kết hợp theo Sanskrit (Hán tạng) như sau:
Thân niệm xứ: (Kāya-smṛty-upasthāna)
Khi niệm hơi thở vào dài, tập như niệm hơi thở vào dài.
Khi niệm hơi thở ra dài, tập như niệm hơi thở ra dài.
Khi niệm hơi thở vô ngắn, tập như niệm hơi thở vô ngắn.
Khi niệm hơi thở ra ngắn, tập như niệm hơi thở ra ngắn.
Giác tri tất cả thân hành niệm hơi thở vào, tập như tất cả thân hành niệm hơi thở vào.
Giác tri tất cả thân hành niệm hơi thở ra, tập như tất cả thân hành niệm hơi thở ra.
Thân hành an tịnh khi niệm hơi thở vào, tập như thân hành an tịnh niệm hơi thở vào.
Thân hành an tịnh khi niệm hơi thở ra, tập như thân hành an tịnh niệm hơi thở ra.
Thọ niệm xứ: (Vedanā-smṛty-upasthāna)
Giác tri hoan hỷ khi niệm hơi thở vào, tập như giác tri hoan hỷ niệm hơi thở vào.
Giác tri hoan hỷ khi niệm hơi thở ra, tập như giác tri hoan hỷ niệm hơi thở ra.
Giác tri an lạc khi niệm hơi thở vào, tập như giác tri an lạc niệm hơi thở vào.
Giác tri an lạc khi niệm hơi thở ra, tập như giác tri an lạc niệm hơi thở ra.
Giác tri tâm hành khi niệm hơi thở vào, tập như giác tri tâm hành niệm hơi thở vào.
Giác tri tâm hành khi niệm hơi thở ra, tập như giác tri tâm hành niệm hơi thở ra.
Giác tri tâm hành an tịnh, khi niệm hơi thở vào, tập như giác tri tâm hành an tịnh niệm hơi thở vào.
Giác tri tâm hành an tịnh, khi niệm hơi ra, tập như giác tri tâm hành an tịnh niệm hơi thở ra.
Tâm niệm xứ: (citta-smṛty-upasthāna)
Giác tri tâm khi niệm hơi thở vào, tập như giác tri tâm niệm hơi thở vào.
Giác tri tâm khi niệm hơi thở ra, tập như giác tri tâm niệm hơi thở ra.
Giác tri tâm hoan hỷ khi niệm hơi thở vào, tập như giác tri tâm hoan hỷ niệm hơi thở vào.
Giác tri tâm hoan hỷ khi niệm hơi thở ra, tập như giác tri tâm hoan hỷ niệm hơi thở ra.
Giác tri tâm an định khi niệm hơi thở vào, tập như tâm an định niệm hơi thở vào.
Giác tri tâm an định khi niệm hơi thở ra, tập như tâm an định niệm hơi thở ra.
Giác tri tâm giải thoát khi niệm hơi thở vào, tập như tâm giải thoát niệm hơi thở vào.
Giác tri tâm giải thoát khi niệm hơi thở ra, tập như tâm giải thoát niệm hơi thở ra.
Pháp niệm xứ: (dharma-smṛty-upasthāna)
Quán vô thường khi niệm hơi thở vào, tập như quán vô thường niệm hơi thở vào.
Quán vô thường khi niệm hơi thở ra, tập như quán vô thường niệm hơi thở ra.
Quán đoạn diệt khi niệm hơi thở vào, tập như quán đoạn diệt niệm hơi thở vào.
Quán đoạn diệt khi niệm hơi thở ra, tập như quán đoạn diệt niệm hơi thở ra.
Quán vô dục khi niệm hơi thở vào, tập như quán vô dục niệm hơi thở vào.
Quán vô dục khi niệm hơi thở ra, tập như quán vô dục niệm hơi thở ra.
Quán trừ bỏ khi niệm hơi thở vào, tập như quán trừ bỏ niệm hơi thở vào.
Quán trừ bỏ khi niệm hơi thở ra, tập như quán trừ bỏ niệm hơi thở ra.
Và theo Tương Ưng bộ kinh V (S. 54 Ānāpānasaṃyutta Pāli), hay Kinh Trung bộ III, số 118[2] … phương pháp kết hợp theo Pāli như sau:
Về kāya (thân):
Thở vô dài, tôi rõ biết, thở vô dài.
Thở ra dài, tôi rõ biết, thở ra dài.
Thở vô ngắn, tôi rõ biết, thở vô ngắn.
Thở ra ngắn, tôi rõ biết, thở ra ngắn.
Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở vô.
Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở ra.
An tịnh thân hành, tôi sẽ thở vô.
An tịnh thân hành, tôi sẽ thở ra.
Về Vedana (thọ)
Cảm giác hỷ thọ, tôi sẽ thở vô.
Cảm giác hỷ thọ, tôi sẽ thở ra.
Cảm giác lạc thọ, tôi sẽ thở vô.
Cảm giác lạc thọ, tôi sẽ thở ra.
Cảm giác tâm hành, tôi sẽ thở vô.
Cảm giác tâm hành, tôi sẽ thở ra.
An tịnh tâm hành, tôi sẽ thở vô.
An tịnh tâm hành, tôi sẽ thở ra.
Về Citta (tâm)
Cảm giác về tâm, tôi sẽ thở vô.
Cảm giác về tâm, tôi sẽ thở ra.
Với tâm hân hoan, tôi sẽ thở vô.
Với tâm hân hoan, tôi sẽ thở ra.
Với tâm định tĩnh, tôi sẽ thở vô.
Với tâm định tĩnh, tôi sẽ thở ra.
Với tâm giải thoát, tôi sẽ thở vô.
Với tâm giải thoát, tôi sẽ thở ra.
Về Dhamma (pháp)
Quán vô thường, tôi sẽ thở vô.
Quán vô thường, tôi sẽ thở ra.
Quán ly tham, tôi sẽ thở vô.
Quán ly tham, tôi sẽ thở ra.
Quán đoạn diệt, tôi sẽ thở vô.
Quán đoạn diệt, tôi sẽ thở ra.
Quán từ bỏ, tôi sẽ thở vô.
Quán từ bỏ, tôi sẽ thở ra.
Tất cả mọi phương pháp: đếm hơi thở vô-ra từ một đến mười, biết rõ hơi thở dài, ngắn, lạnh, nóng … Đặt dụng tâm tất cả nơi toàn thân, biết rõ ràng hơi thở vô-ra, cho đến khi hơi thở vô-ra được phân biệt rõ ràng; những phương pháp khác về thở vô-ra và, cách theo dõi hơi thở vô-ra cùng, mười sáu đối tượng của bốn niệm xứ (thân, thọ, tâm, pháp); hành giả lấy bốn niệm xứ làm đối tượng làm nền tảng cho việc thở vô-ra này.
Phương pháp dùng hơi thở vô-ra để trụ tâm mình vào số đếm vô-ra nơi mũi từ một đến mười và, đếm trở lại cũng bắt đầu từ một đến mười, biết một cách rõ ràng… cho đến lúc pháp đếm này thành thục trong việc điều hơi thở … Hay, pháp theo dõi biết rõ hơi thở vô-ra nơi mũi lúc hành giả lấy việc theo dõi làm nền tảng cho đến lúc thuần thục.
Khi chúng ta thực tập theo dõi hơi thở vô-ra biết rõ ràng nơi mũi thực sự được nhuần nhuyễn rồi thì, sau đó hành giả thay vào việc theo dõi hơi thở vô-ra là mười sáu đối tượng của tứ niệm xứ (thân-thọ-tâm-pháp) như trên để thực hành. Khi thực hành pháp này hành giả cũng phải biết rõ là mình đang thực hành mười sáu đối tượng này theo thứ tự không nhầm lẫn.
Thở vô-ra là một sự việc tự nhiên như chính cuộc sống của hành giả, nhưng hành giả phải biết mình đang thở vô, đang thở ra và, biết mình thở vô dài, biết rõ ta đang thở vô dài và, thở ra dài biết rõ là ta đang thở ra dài … Lúc này chúng ta có thể chọn một trong bốn niệm xứ (thân, thọ, tâm, pháp: qua mỗi đối tượng là bốn cách), đối tượng nào thích hợp với mình thì có thể thực hành đối tượng đó không sao. Ban đầu hơi thở vô-ra của hành giả có thể thô và khó khăn trong việc điều hòa, nhưng sau đó từ từ tập nhiều thì sẽ trở nên dễ dàng nhẹ nhàng hơn cho đến lúc hơi thở có lúc trở thành như sương khói.
Cuối cùng hành giả sẽ cảm thấy hơi thở như ngưng lại và, thân trở nên nhẹ nhàng như có như không, xuất nhập tùy ý mình, an lạc nhẹ nhàng xuất hiện. Bắt đầu hành giả có thể thực hành từ 15’ và nếu được cứ tăng dần lên từ 20’–30’–45’ cho đến 1 giờ hay hơn nữa. Vì phương pháp thực tập này càng nhiều chừng nào thì năng lực tập trung thiền định càng trở nên tích tụ lớn mạnh chừng đó. Việc mở mang và phát sinh trí tuệ sẽ theo sau và, đến một lúc nào đó đủ duyên thì, sức mạnh của định đó sẽ bùng vỡ, hiện tiền hành giả làm chủ được chính mình trong tự tại an vui giải thoát. Như trong kinh Trung Bộ III, số 118; niệm hơi thở vô hơi thở ra dựa theo kinh Bốn niệm xứ, đức Đạo sư dạy:
“Này các Tỳ-kheo đây là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt qua khỏi sầu bi, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh lý chứng ngộ Niết-bàn. Đó là Bốn niệm xứ.”
Hay như Kinh Tăng nhất A-hàm phẩm Quảng diễn[3], từ kinh số 1 (niệm Phật) cho đến kinh 10 (niệm Tử): Đây là một hình thức của Thiền quán ban đầu, được đức Đạo sư dạy cho đệ tử của Ngài cách quán niệm trên từ Phật cho đến cuối là niệm Tử (sự chết) đã nói lên được sự nhất thống của phương pháp Thiền định từ Như Lai Thiền cho đến Tổ sư Thiền phát triển sau này:
1. Niệm Phật
“Hãy tu hành một pháp. Hãy quảng bá một pháp. Đã tu hành một pháp rồi, liền có danh dự, thành tựu quả báo lớn, các điều thiện đủ cả, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, liền được thần thông, trừ các loạn tưởng, được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn.
Một pháp ấy là gì ? Đó là niệm Phật.”
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Thế nào là tu hành niệm Phật, liền có danh dự, thành tựu quả báo lớn, các điều thiện đủ cả, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, liền được thần thông, trừ các loạn tưởng, được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn?”
Bấy giờ, các Tỳ-kheo bạch Thế Tôn rằng:
“Gốc rễ của Pháp do Thế Tôn nói. Nguyện xin Thế Tôn vì các Tỳ-kheo nói diệu nghĩa này. Các Tỳ-kheo sau khi nghe từ Như Lai rồi sẽ thọ trì.”
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Hãy lắng nghe, lắng nghe, và suy nghĩ kỹ. Ta sẽ phân biệt rộng rãi cho các ngươi.”
Các Tỳ-kheo bạch rằng:
“Kính vâng, bạch Thế Tôn.”
Sau khi các Tỳ-kheo thọ giáo rồi, Thế Tôn bảo rằng:
“Tỳ-kheo chánh thân, chánh ý, ngồi bắt tréo chân, buộc niệm ở trước, chuyên tinh niệm Phật, không có niệm tưởng nào khác. Quán hình của Như Lai, mắt không hề rời. trong khi mắt không rời, niệm tưởng công đức Như Lai.
“Thể của Như Lai được thành tựu từ kim cương, đầy đủ mười lực, bốn vô sở úy, dõng mãnh giữa đại chúng. Gương mặt của Như Lai đoan chánh vô song, nhìn không chán mắt. Giới đức thành tựu giống như kim cương không thể phá hoại, trong sạch không tỳ vết cũng như lưu ly. Tam-muội của Như Lai chưa từng sút giảm, đã tĩnh chỉ, vĩnh viễn tịch tĩnh, không có niệm khác. Các thứ tình kiêu mạn, ngang bướng đã vắng im, ý tham dục, tưởng sân hận, tâm ngu hoặc, mạn kết do dự, tất đều tận trừ. Huệ thân của Như Lai, trí không bờ đáy, không bị chướng ngại. Thân Như Lai, được thành tựu từ giải thoát, các cõi đã hết, không còn sinh phần để nói ‘Ta sẽ đọa nơi sinh tử.’ Thân Như Lai được vượt qua thành trì của tri kiến, biết căn cơ người khác đáng được độ hay không đáng được độ, chết đây sinh kia, xoay vần qua lại trong ngằn mé sinh tử, có người giải thoát, người không giải thoát; Như Lai thảy đều biết tất cả.
"Đó là tu hành niệm Phật, liền có danh dự, thành tựu quả báo lớn, các điều thiện đủ cả, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, liền được thần thông, trừ các loạn tưởng, được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn. Cho nên, này các Tỳ-kheo, luôn phải tư duy không rời niệm Phật, liền sẽ được những thứ công đức thiện này. Như vậy, các Tỳ-kheo, hãy học điều này."
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.