;
Tình cờ, tôi có dịp tham quan và dự lễ khánh thành một ngôi chùa ở miền Trung Việt Nam, khách mời thì đủ cả, từ quan chức địa phương, khách du lịch, người hành hương... Điều tôi đặc biệt chú ý là thói quen gặp nơi nào có tượng cũng quỳ và cũng bái, thắp nhang mịt mù, xả rác bừa bãi...
Nhiều hình ảnh phản cảm xuất hiện; ví dụ: chen lấn chụp ảnh, xô đẩy, cãi cọ, cúng đồ mặn như một con heo quay đang được dâng lên bàn thờ Phật, đốt vàng mã không đúng nơi đúng chỗ, điều này đã làm cho tôi phải suy nghĩ rất nhiều về thói quen hay tập tục thờ cúng của người Việt?.
"Tin thì phải hiểu, hay hiểu để mà tin" đó là phương châm quan trọng của mọi tín đồ tôn giáo, tìm tòi và học hỏi, hiểu biết hơn những gì mình tin. Nếu không chịu tìm hiểu, khám phá và suy ngẫm thì niềm tin đó rất hời hợt, dễ bị rơi vào cái bẫy của hình thức mê tín, cuồng tín, cúng bái.
Theo nhiều nhà nghiên cứu, người Việt đa số hiểu niềm tin tôn giáo của mình một cách hời hợt, thụ động, ít chịu tìm hiểu, học hỏi đến cùng và làm sáng tỏ ra vấn đề.
Vì vậy; có thể đi lễ, đi chùa hàng tháng, hàng năm nhưng chúng ta hiểu rất ít về những gì mình tin, vấn đề giáo lý, vấn đề lịch sử nên dẫn tới thói quen tùy tiện, làm mất đi những giá trị của niềm tin tôn giáo, biến việc thực hành tôn giáo chỉ là một hình thức khoa trương, khoe mẽ.
Trong chuyến tham quan chùa vừa rồi có rất nhiều du khách, bên ngoài Chính điện có một số am miếu nhỏ, lần lượt khách hành hương quỳ rạp và ném vào đó những đồng tiền lẻ. Tôi hỏi: "Trong miếu đó thờ ai vậy bác? Sao bác lại ném tiền vô đó?". Một chị trả lời: "Tôi không biết, thấy người ta làm vậy, tôi cũng làm".
Vâng!. Tâm lý đám đông và vấn đề niềm tin bị mông lung nên dẫn tới việc bạ đâu thờ đó, hối lộ tiền lẻ, xin xỏ thần thánh cúng đồ mặn đã dần trở thành xu hướng của sự thờ cúng. Sự hình thành tâm lý sai lầm cho rằng ai cúng nhiều hơn, đồ xa xỉ hơn công đức nhiều hơn thì Phật sẽ ban ơn nhiều hơn. Nhiều người vẫn còn đặt nặng tâm lý phải cúng thật nhiều thì sẽ được hưởng thật nhiều. Chẳng qua họ tìm về với tôn giáo chỉ là vấn đề, muốn sự trao đổi qua lại, bố thí, xin cho với thần thánh....
Lịch sử du nhập Phật giáo vào Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa bản địa dẫn tới tính nguyên bản của tinh thần Phật giáo nguyên thủy dần mất đi.
Phật là đấng giải thoát, giác ngộ, tìm hiểu về giáo lý và tin vào Phật giáo là tìm về sự giác ngộ, thanh thản, bình yên và tìm hiểu phương thức để đạt đến giải thoát. Còn hôm nay họ đã hiểu sai về Phật là thần là thánh có mọi phép màu, ban phát tài lộc, phù hộ cho mình... mà không hiểu rằng trong mỗi con người đều có tính Phật, mình mới là chủ thể quyết định cho chính mình.
Phật giáo Việt Nam ngày nay mang nặng tính lễ hội và hình thức hơn sự tìm tòi nghiên cứu. Cúng bái với sự xin xỏ thần thánh nhiều hơn là quá trình tìm hiểu và giảng thuyết về Phật học. Những trường lớp hay những bài giảng thuyết ít được coi trọng mà đề cao sự cúng bái lễ nghi. Nhiều tu sĩ chạy theo xu hướng thế tục nên hình ảnh người tu sĩ Phật giáo đã ít nhiều bị đảo lộn. Sư Iphone, Sư buôn ma túy, sư uống rượu, ăn tiết canh, thịt chó....dù chỉ con số rất ít nhưng chính họ lại đắc lực nhất trong việc góp phần phá hoại đạo Phật từ trong mà ra.
Gần đây trên Báo Lao động có đăng một số bài phóng sự viết về cách sinh hoạt của hai nhà sư ở một ngôi chùa miền Bắc. Hình ảnh và bài phóng sự đã cho ta thấy về sự hời hợt về niềm tin của ngay chính hàng ngũ tu sĩ. Như thế thì hỏi tại sao người dân với tư cách tín đồ lại có thể hiểu về giáo lý một cách thông suốt được, sao có thể truyền bá tư tưởng Phật giáo được. Vì chính hàng tu sĩ đã biết luật mà còn vi phạm luật thì thử hỏi những người mới có chút niềm tin nho nhỏ vào Phật giáo phải tin vào sự gì đây. Hay chỉ là sự bắt chước, phỏng theo của tâm lý đám đông.
Dẫu biết rằng nhu cầu tâm linh tôn giáo là quyền của tất cả mọi người nhưng chúng ta phải nên tìm hiểu chúng ta tin gì và tin như thế nào mới là vấn đề quan trọng để đời sống xã hội về văn hóa tâm linh được bền vững và hình thành những nét đẹp nét văn hóa riêng, chứ không phải là những biểu hiện xấu xí về đời sống tâm linh.
Đức Phật đã dạy rằng: Không nên tôn kính ngài bằng cách cúng dường lễ bái. Dù cúng dường bằng những trân châu quý báu cũng không phải là cách tôn kính cao thượng. Phải thực hành theo phương pháp mà Ngài đã kinh nghiệm và chỉ dạy lại để sớm được giải thoát và đắc quả vị như Ngài. Tóm lại tất cả mọi hình thức cúng bái đều không bằng việc thực hiện những điều Phật dạy: Từ bi hỷ xả, giúp đỡ người khác......đó mới chính là điều mà mọi tín đồ cần thực hiện.
Hà Thanh Tùng/Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 1 năm 2016
Theo: http://phatgiao.org.vn/van-de-quan-tam/201601/Gia-t-mi-nh-vo-i-cach-cu-ng-ba-i-cu-a-mot-so-nguo-i-Vie-t-20997/